Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (24)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

33. CHU DƯƠNG

Vài ý kiến về Phê bình văn nghệ


L.T.S. – Cho tới nay, trong cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc mỗi người chúng ta mới chỉ nhằm vào một khía cạnh nào đó mà phát biểu ý kiến. Nhưng muốn đánh giá một tác phẩm thì phải nhìn mọi mặt. Ðoạn trích đăng dưới đây rút trong báo cáo của Chu Dương đọc lại Ðại hội lần thứ II các người công tác văn nghệ Trung Hoa (1953) sẽ soi sáng thêm vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng một ít lý luận phê bình văn nghệ để chuẩn bị cho việc sơ kết cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc. [1]

*

Phê bình văn nghệ là một phương pháp chủ yếu nhất của sự thúc đẩy và chỉ đạo sáng tác văn nghệ. Sau khi phê phán phim ảnh Truyện Vũ Huấn, chúng ta đã tiến hành những cuộc phê bình gắt gao đối với những hiện tượng trong sáng tác văn nghệ có khuynh hướng về tư tưởng giai cấp tư sản, giai cấp tiểu tư sản, cho đến về sáng tác văn nghệ làm bừa bãi không chịu trách nhiệm; đó là sự tất yếu trăm phần trăm, nếu không có sự phê bình ấy, văn học nghệ thuật chúng ta có thể đứng dừng lại hay là đi lạc đường. Vài ba năm nay, công tác phê bình văn nghệ chúng ta quả là có thành hiệu. Hiện nay trong một số người công tác văn nghệ có cái ý sợ phê bình, ghét phê bình, cái tình ý ấy không thể coi là lành mạnh được.
Nhưng trong công tác phê bình của chúng ta, có những điều chếch lệch thì cần phải sửa chữa. Ðiều đáng chỉ ra trước hết, là cái thái độ phê bình. Có những nhà phê bình thường thường không phân biệt thứ tác phẩm mà cái khuynh hướng là phản nhân dân, với thứ tác phẩm có khuyết điểm thậm chí có sai lầm mà cái khuynh hướng là tiến bộ; không phân biệt thứ tác giả cố ý xuyên tạc sự sống với thứ tác giả kém năng lực nhận thức hoặc kém kỹ thuật biểu hiện mà thành ra miêu tả sự sống không chân thực; rồi trong khi phê bình lấy cùng một thái độ chỉ trích hay công kích.
Bất kỳ khuyết điểm, sai lầm nào cũng phải phê bình; có điều, miễn nói là tác phẩm không phản nhân dân, thì trước hết phải nhìn nhận chỗ đúng của nó, rồi sau mới phê bình chỗ khuyết điểm và sai lầm, lại còn phải tích cực chỉ vạch đường lối sửa chữa.[2] Nhà phê bình đối với tác giả thiếu cái thái độ nâng giấc phải có đối với đồng chí, không lấy sự phê bình ngay thẳng và khuyến miễn sốt sắng không lấy sự yêu cầu tha thiết ở tác giả và sự săn sóc về vận mạng sáng tác của họ mà kết hợp với nhau một cách chính xác. Nói chung, phê bình cứ là chỉ trích nhiều mà giúp đỡ ít. Thứ đến là cái phương pháp phê bình. Có những nhà phê bình, khi phê bình một tác phẩm, thường thường không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ công thức giáo điều. Họ hay chỉ trích một cách võ đoán hàm hồ một tác phẩm rằng miêu tả thế này không đúng, nhưng rốt cuộc miêu tả thế nào cho đúng thì ít khi vẽ ra. Nhà phê bình lắm khi lại thiếu tri thức cơ bản sự sống và lý giải sâu sắc hơn tác giả, đồng thời cũng kém năng lực phân tích nghệ thuật cụ thể đối với tác phẩm.
Một số bài phê bình cộc cằn ngang ngược phát biểu trên báo chí với những ý kiến chếch lệch của một số độc giả do những bài phê bình ấy xúi giục bốc lên, lại thêm phương diện lãnh đạo giới văn nghệ đối với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật thiếu săn sóc, giúp sức và nâng đỡ, điều đó làm cho ít nhiều tác giả cảm thấy bị đè nén và buồn bực về tinh thần. Cái tâm tình ấy của họ cần phải kiếm cách chuyển biến đi. Sự phê bình của chúng ta phải có giúp cho sáng tạo tính và tích cực tính của tác giả, nghệ thuật gia, phải phát huy cái sức ngầm của sáng tác nghệ thuật, mà không thể làm trái lại. Ðồng thời, tác giả chúng ta cũng phải có dũng khí và độ lượng chịu phê bình và chịu cả lời phê bình không đúng, lại phải tích cực, chủ động, lấy tư cách tác giả tham gia vào hoạt động phê bình. Phê bình văn nghệ của chúng ta, cũng như sáng tác còn là trẻ bé; cả hai đều cần có sự nâng đỡ và cần vun quén với nhau. [3]
Nguồn: Văn nghệ, số 70 (1.5.1955)
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ.
[2]Báo Văn nghệ in chữ nghiêng nhấn mạnh đoạn văn này.
[3]Không thấy báo in tên dịch giả. Theo tôi (NST), đoạn này trích từ toàn văn báo cáo của Chu Dương nhan đề “Phấn đấu để sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật càng nhiều hơn càng hay hơn”, bản dịch của Phan Khôi, đăng tạp chí Văn nghệ số 2 (48), tháng 2/1954 (N.S.T.).

 

34. NGƯỜI CỘNG SẢN

Vài ý kiến về phê bình văn học


L.T.S. Tạp chí Liên Xô Người Cộng Sản (1954) có đăng bài "Lịch sử văn học và việc phê bình văn học", chúng tôi trích đăng những đoạn có thể soi sáng và giúp ích cho việc phê bình của chúng ta hiện nay.[1]

*

Không nhân nhượng những khuyết điểm, có thể thật là khó tính nữa, vì biết rõ rằng văn học của chúng ta (Liên Xô) vẫn chưa thỏa mãn được những nhu cầu nghệ thuật càng ngày càng cao của nhân dân; điều đó hoàn toàn khác xa với cái thói càu nhàu tiểu tư sản và cái thói theo thời thượng của bọn nghệ thuật thuần túy. Ðảng vẫn phê bình nghiêm khắc những khuyết điểm của văn học, nhưng Ðảng không bao giờ tha thứ cho việc dè bỉu tất cả văn học, và Ðảng đã luôn luôn chống lại tất cả mọi mưu đồ phủ nhận những thành tích của văn học theo cái lối hư vô chủ nghĩa. Chính đứng trên lập trường Ðảng đó mà Goóc-ki nhận xét tình hình văn học chúng ta; Góc-ky trả lời một cách căm phẫn với những người phê bình họ vì mù quáng về tri thức và thiếu sự giáo dục về tâm hồn nên nhiều khi không thể hiểu rằng nền văn học hiện đại của chúng ta là một hiện tượng kỳ diệu biết bao và cần phải yêu mến và nâng niu nó như thế nào…
Một số người phê bình giới thiệu thiếu tinh thần trách nhiệm đối với những quyển sách có cố gắng tìm tòi trong những vấn đề lý luận phức tạp, nên đôi khi làm cản trở việc mạnh dạn đánh giá những biểu hiện của nền văn học hiện đại và mạnh dạn tranh luận về những vấn đề quan trọng và nóng hổi. Ðáng lẽ phải nghiên cứu quyển sách mới một cách nghiêm chỉnh và nhân hậu, phải bênh vực tất cả những cái gì bổ ích và quý giá, phải phê bình một cách có căn cứ và xác đáng những sai lầm của tác giả thì trái lại, một số người phê bình cho là mình đã làm xong nhiệm vụ khi khen một cách qua loa sự mạnh dạn và cố gắng của tác giả, rồi sau đó là tập trung vào tìm kiếm những sai lầm có thực hay tưởng tượng, tìm những chỗ vụng về, để tiến tới phủ nhận hoàn toàn tác phẩm trên cơ sở ấy.
Phê bình chỉ ích khi nó cụ thể, xác đáng và xuất phát từ lập trường đúng. Sự dè bỉu hoàn toàn một tác phẩm không có lợi một chút gì cho tác giả cũng như cho độc giả. Cái giọng của sự phê bình cũng quan trọng, không những đối với các công trình nghiên cứu mà còn đối với những tác phẩm văn học. Nhưng khốn nỗi, đến nay người ta vẫn còn thấy những bài tán tụng rỗng tuếch thay thế cho những bài phê bình phân tích đứng đắn. Một mặt khác thì còn có những bài phê bình như "đánh đòn" đầy một giọng khinh bỉ trịch thượng đối với các tác giả và đầy một chủ định quyết không nhìn thấy một cái gì hay trong những tác phẩm mà họ phê bình…
Hai cách "phê bình" đó, không xuất phát từ nội dung của vấn đề mà chỉ chú ý đến những cái không có dính dáng gì với mục tiêu của văn học. Cái thói quen tiểu tư sản hay càu nhàu và cái chủ nghĩa hoài nghi rẻ tiền theo "mốt", cũng như những lời nịnh hót hèn hạ và vô nguyên tắc, là trái với tinh thần và truyền thống của nền phê bình Xô-viết. Nền phê bình Xô-viết luôn luôn nghiêm khắc đối với những xu hướng tư tưởng sai lạc nhưng lại đầy lòng chăm chút và bè bạn đối với những tác giả đứng trên một lập trường tư tưởng đúng, mặc dầu họ có ít nhiều sai lầm.
Ngay sau Ðại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, Goóc-ki đã yêu cầu Hội các nhà văn Xô-viết chú ý đến cái giọng phê bình.
Goóc-ki viết: "Phê bình phải dạy cho người ta viết giản dị, rõ ràng, và tin tưởng. Nếu nhà văn được phê bình không phải là một kẻ thù rõ mặt hay ẩn hình của giai cấp vô sản, mà chỉ là viết kém, không chính xác, làm méo sự thật, không biết phân biệt cái chính và cái phụ thì ta cần phải bình tĩnh và nghiêm chỉnh giải thích cho họ biết cái gì không đúng, tại sao kém, chỗ nào méo mó…
Làm giảm sút và hủy hoại giá trị con người, cái đó không phải là nhiệm vụ của sự phê bình, đó là công khai bộc lộ một tính chất tiểu tư sản là coi người ta như một hạng người thấp kém hơn kẻ phê bình, đó là biểu lộ sự chán chê, sự biếng nhát, sự bất lực khi đọc sách, hay sự bực tức thấy chính thân mình là kẻ bất tài". [2]
Nguồn: Văn nghệ, số 71 (10.5.1955)
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ (N.S.T.).
[2]Không thấy báo in tên dịch giả (N.S.T.).

Comments are closed.