Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 7

Nguyễn Ngọc Lanh

Cụ Phan Bội Châu có diễn biến hòa bình?

clip_image001

Hoạt động của Hội Quang Phục: Vẫn “thiết huyết”

Hội Duy Tân tan rã, phong trào Đông Du cũng tàn tạ, vừa may năm 1911 cách mạng Tân Hợi thành công, Trung Quốc chuyển sang chế độ dân chủ… Đây là cảm hứng để ngay giữa năm sau (1912) cụ Phan Bội Châu lập hội mới. Vẫn phương pháp đấu tranh “thiết huyết” (sắt máu) nhưng cụ thay mục tiêu quân chủ lập hiến bằng dân chủ. Đó là Hội Quang Phục, vẫn để hoàng thân Cường Để đứng đầu; nhưng chính cụ mới là linh hồn của Hội. Xin nói ngay: Chỉ năm sau, cả hoàng thân lẫn cụ Phan đều bị Pháp kết án tử hình vắng mặt chính vì những hoạt động “thiết huyết” của Hội. Nhưng 12 năm sau cụ Phan mới bị dẫn độ về nước, chính thức ra tòa và từ đó chấm dứt mọi hoạt động chống Pháp.

Dưới đây là những sự kiện liên quan.

– Ngay cuối năm, cụ đã tổ chức đại hội, có các đại biểu trong nước sang dự (Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng…). Đại hội nhận định: Phong trào quốc nội lâu nay im ắng quá. Đại hội quyết định: “gây tiếng vang” để thức tình đồng bào. Nhóm “tử vì nghĩa” xin lãnh nhiệm vụ, hứa “làm sớm”.

– Chỉ 4 tháng sau, đã có “tiếng vang” ở Thái Bình và Hà Nội, làm 3 người chết, ngoài ra còn 2 người bị ám sát (cả thảy, gồm 3 Việt, 2 Pháp). Chính quyền thuộc địa bắt 254 người để điều tra.

– Lại bốn tháng sau, 99 người bị truy tố, trong đó hoàng thân Cường Để và cụ Phan (có tài liệu nêu cả các cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Văn Túy) bị tuyên án tử hình vắng mặt. Tính ra, từ đại hội đến lúc này, chưa đầy một năm. Phiên tòa diễn ra trong ba ngày, có 7 án tử hình (lên máy chém ngày 24-9). Số còn lại bị tù từ 2 năm đến chung thân.

Cả 7 vị bị kết án tử đều hiên ngang, dõng dạc trước tòa, khẳng định việc mình làm là chính nghĩa – nhưng chiếu theo luật pháp thời đó (và mọi thời), đây là bị cáo tự nhận “giết người có chủ đích và có tổ chức”. Ngoài ra, để tạo danh tiếng vang cho Hội, mọi người tự nhận mình là hội viên, nói cả tên người đứng đầu hội… Xin chú ý rằng những vị bị kết án nặng nhất (tử hình, khổ sai) hầu hết là nhà nho. Sau này, các cụ trí thức hậu duệ (tân học), như Trần Phú, Hà Huy Tập… cũng theo gương tiền bối với thái độ cứng cỏi, ngạo nghễ trước tòa.

Chú thích

– Hai sự kiện gây “tiếng vang”: Ngày 12-4-1913, tại Thái Bình, Phạm Văn Tráng – được sự hỗ trợ của các đống chí – đã ném tạc đạn giết chết viên tuần phủ là Nguyễn Duy Hàn. Tối 26-4,  Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Túy giết hai trung tá Pháp ở khách sạn Hà Nội (nay là số 2, phố Nguyễn Khắc Cần). Nói thêm: Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn chính là ông nội của nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, đảng viên CS Pháp (giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào đảng), hoạt động trong nhóm “Ngũ Long” ở Paris – gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh). Nghĩa là “việt gian” và “việt ngay” là ông nội và cháu nội của nhau.

– Các “tiếng vang” tiếp theo

1) Vận động lính bản xứ nổi dậy

Năm 1913 hội viên Đậu Quang Cơ (Đỗ Chấn Thiết) mang về nước sách Hà Thành liệt sử truyện do Phan Bội Châu viết ca ngợi vụ đầu độc người Pháp (1908) để phân phát trong các đội lính bản xứ, kêu gọi nổi dậy, nhưng bị phát giác. Ông cùng 50 nghĩa quân bị chém đầu.

2) Năm 1916, khởi nghĩa Thái Phiên, Trần Cao Vân thất bại, ngoài số chết trận, còn nhiều vị cầm đầu bị án chém.

3) Năm 1917, Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn làm binh biến ở Thái Nguyên, gồm khoảng 130 lính vệ binh, hơn 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương. Có 92 súng hỏa mai, 75 súng trường. Cũng thất bại.

4) Tháng 6- 1924, hội gần như tan rã, nhưng một hội viên cũ là Phạm Hồng Thái giả làm ký giả, ném bom vào bàn tiệc của Merlin. Viên Toàn quyền thoát chết, 5 người Pháp thiệt mạng. Bị truy đuổi, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự tử.

– Đánh giá

Theo cách hành văn truyền thống, các cuộc bạo động này đã gây được tiếng vang, thức tỉnh lòng yêu nước và chí căm thù, tô thắm thêm truyền thống… Còn phía kẻ thù thì hoang mang, lo sợ, điên cuồng khủng bố…

Vê sau, cụ Phan đánh giá những gì mà Hội đã làm “chỉ là một cách đánh bạc cầu may mà thôi“.

Cuối đời, cụ Phan viết “Tự phán” có câu:

“Tốn đầu sọ chí sĩ”,

“Phí huyết tủy nghĩa dân”

Không biết bao nhiêu mà kể…!

Chuyển sang đấu tranh ôn hòa?

Năm 1918, cụ Phan thấy bạo động không đem lại kết quả mong muốn, phong trào sa sút, khó vực dậy; lại nghe nói ở trong nước Toàn Quyền Albert Sarraut thực thi nhiều cải cách, cụ thay đổi cách đấu tranh, chuyển sang “ôn hòa”. Cụ viết một thư ngỏ gửi người Pháp và đồng bào, chấp nhận hợp tác với Pháp, cùng thực hiện các cải cách xã hội để… chống Nhật. Đó là văn bản chữ Hán, 20 trang, tên gọi: Pháp Việt đề huề chính kiến thư (tên khác là Pháp-Việt đề huề luận). “Đề huề” mang hàm ý đoàn kết, hợp tác và phát triển.

Chú thích

Từ chỗ “vọng Nhật” nhưng khi nhóm Đông Du của cụ bị Nhật trục xuất, lại thấy Nhật chiếm Cao Ly, cụ PBC cho rằng Nhật sẽ thi hành chính sách đế quốc, mà Đông Dương sẽ là đối tượng. Nhật ở gần, nước Pháp ở xa, không thể giữ nổi Đông Dương nếu không liên kết với người Việt, tiến hành cải cách xã hội, để được dân ủng hộ, đặng chống Nhật… Nhận định này khiến cụ chấp nhận Pháp-Việt đề huề.

Người Pháp rất mừng với chủ trương mới của cụ Phan. Quan Toàn Quyền cử người sang gặp cụ, đàm phán với cụ Phan, nhưng không thành. Bảy năm sau, cụ Phan bị bắt cóc, bị đưa về nước và ra hầu tòa.

Lẽ ra, đã có án, người Pháp chỉ việc thi hành bản án xử (vắng mặt) năm 1913, là xong. Nhưng trong phiên tòa trước, cụ chưa được biện bạch, chưa được hưởng quyền có luật sư. Mặt khác, từ năm 1913 đến nay, có thêm nhiều sự kiện mới… Đó là Hội của cụ tiếp tục bạo động (tội), nhưng khi cụ viết Pháp-Việt đề huề luận (công) thì Hội cũng chấm dứt bạo lực.

Chú thích

Phải nói rằng chủ trương Pháp Việt đề huề chính là do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng đầu tiên (nhưng lúc đó chưa dùng tên gọi này), sau 8 năm được chính quyền thuộc địa chấp nhận, biến thành chủ trương của mình và tuyên truyền rộng rãi, được giới “trí thức ôn hòa” hưởng ứng. Tuy nhiên, giới “bạo động” chống lại dữ dội. Từ đây, sự chia rẽ trong trí thức yêu nước thế hệ 3 càng thêm sâu sắc. Những người trước đây thuộc phe bạo động nay chuyển sang đấu tranh ôn hòa, đã bị chỉ trích nặng nề, kể cả bị coi là “phản động”; ví dụ Lê Dư, Nguyễn Bá Trác, Phan Bá Ngọc… Vậy mà, nay cụ Phan – người chủ xướng cách đấu tranh bạo lực – lại đột ngột thay đổi quan điểm, khiến dư luận trí thức xôn xao; vui mừng hoặc bực bội.

clip_image002

Phiên tòa 1913

Ngay trước và sau vụ xử, tờ Thực Nghiệp Dân Báo đã đăng liên tiếp 15 bài, nêu diễn biến phiên tòa và dư luận xã hội. Thời nay, những người còn trẻ (dưới 70 tuổi) không thể tự mình hình dung được chế độ thuộc địa vững vàng tới mức nào mà chính quyền dám cho tờ báo tư nhân này ra đời. Mà đây là tờ báo công khai bênh vực cụ Phan – người mà chính quyền thuộc địa gọi là phản nghịch (nay gọi là “phản động”).

Thời nay, nếu cần tìm hiểu phiên tòa này, chỉ cần đọc 4 bài rất gần đây (cảm ơn 4 tác giả) là tạm đủ. Có thể nhận ra quan điểm của từng tác giả: hoặc ủng hộ ôn hòa; hoặc tán thành bạo động; hoặc muốn nhân đây nói quan điểm riêng. Ngay trong “bạo động” cũng có hai cách thể hiện: Hoặc là không tán thành thái độ nhiều lúc “quá nhũn” của cụ Phan trước tòa thực dân (thua xa ông Nguyễn Khắc Cần); hoặc là “bỏ qua” những từ ngữ “lấy lòng tây” của cụ Phan, chỉ nhấn mạnh  dũng khí của cụ – để nêu tấm gương… Dưới đây là 4 bài nên đọc thêm.

1- Phiên tòa lịch sử xét xử Phan Bội Châu

Bài tổng hợp, rất đầy đủ về phiên tòa. Được viết theo quan điểm ủng hộ đấu tranh ôn hòa – nghĩa là lược bỏ tất cả những đối đáp hơi bị “tự hạ thấp mình” của cụ Phan “trước kẻ thù giai cấp”. Đọc kỹ, ta thấy hiện lên quan điểm phải lợi dụng tối đa cách xét xử của tòa án thực dân (không buộc tội nếu không có chứng cứ) để giữ lấy mạng sống, đặng có thế đấu tranh tiếp. Cụ Phan đã chối bỏ tối đa các chứng cứ mà quan tòa trưng ra (ví dụ: Tất cả những người nhận tội trước đây – Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng… – dù được thẩm vấn riêng rẽ đều thống nhất khai cụ Phan chủ mưu), nhưng cụ chối phắt – vì “lời khai” không thể coi bằng chứng xác đáng… Sách kích động bạo lực của cụ, cụ bảo có thể người khác mượn tên cụ mà viết ra…

2- Bài thứ hai, nêu khá chi tiết các câu phát biểu và đối đáp của các bên. Nhưng 2 ông trạng sư cũng bị tác giả coi là thực dân. Những câu mà cụ Phan “tự hạ thấp bản thân” cũng được nêu lên và bị tác giả chê. Thực tế, những người làm theo lệnh cụ (như Phạm Văn Tráng) thì hiên ngang nhận tội trước tòa; còn cụ thì chối phăng: Tôi không biết Tráng là ai… Bài viết thể hiện dưới nhãn quan người ủng hộ đấu tranh bạo động, không vừa ý với thái độ “thiếu dũng khí” của cụ Phan. Có lẽ, nếu cụ Phan dõng dạc lên án kẻ thù, hiên ngang nhận tội và ngẩng cao đầu bước lên máy chém, mới “đạt yêu cầu”?

3- Bài Vụ án Phan Bội Châu – điểm đột phá phong trào đòi tự do dân chủ thời Pháp thuộc chính thống hơn hẳn 3 bài còn lại, xét theo nơi đăng tải nó.  Bài nêu quan điểm đã là tòa thực dân thì không thể tin được trạng sư (cũng là thực dân). Do vậy, cụ Phan phải tự biện hộ – qua đó bài này cho thấy lý lẽ và dũng khí cụ Phan. Nhưng mục tiêu thứ hai mới là quan trọng: Vụ án làm dấy lên phong trào dân chủ. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh tác dụng tích cực bài báo của Nguyễn Ái Quốc đăng ở tờ Le Paria bên Pháp. Đến nay, bài của cụ Ái Quốc được đưa vào chương trình môn Văn, lớp 7. Trong khi đó, bài viết của cụ Phạm Quỳnh bênh vực cụ Phan (cũng đăng bên Pháp) thì không được tác giả (là nhà sử học marxist) nhắc tới.

4. Bài Về vụ xử Phan Bội Châu 86 năm trước. Tác giả muốn so sánh hai loại tòa án thời xưa và thời nay. Như vậy, chẳng cần trên 70 tuổi, nếu muốn tìm hiểu quá khứ cũng không khó – dù bị che dấu.

Chú thích.

Thời nay, dưới 70 tuổi (nếu không chịu khó tìm tòi) cũng khó tự hình dung cách mà thức tòa án thực dân xử một đối tượng “phản động” sao lại.. ngu vậy? Tòa cứ để mọi người tự do tới dự (do vậy, rất đông); phóng viên tha hồ tác nghiệp… cứ như chế độ muốn dạy mọi người thế nào là phiên xử công khai, hoặc muốn khoe thế nào là tranh luận để có sự thật và công lý. Trạng sư (2 người Pháp) đã “cãi ra cãi”, có phiên dịch để bị cáo hiểu mà biện bạch hoặc cãi lại… Đó là một số đặc trưng, dễ thấy.

Dẫu sao, cần khẳng định: Đây chỉ là “dân chủ tư sản” (dân chủ giả hiệu). Nhận định này giúp tạo ra “tòa án XHCN” (một khi cách mạng thành công). Đó là cứ làm ngược lại mọi đặc trưng của “tòa án thực dân” sẽ thành “tòa án XHCN”? Bàn tiếp sẽ lạc đề. 

Nhờ gì, cụ Phan thoát án tử?

– Nguyên nhân số 1. Đó là việc “xử lại”

Cụ đã bị kết án tử hình năm 1913, bị truy nã để thi hành án. Nay bắt được cụ, lẽ ra chính quyền thuộc địa chỉ việc thi hành luôn bản án cũ. Đó là chưa nói sau năm 1913 Hội Quang Phục của cụ còn gây nhiều vụ bạo động khác, trong đó thật sự cụ là chủ mưu – thế thì càng có lý do để thi hành bản án đã tuyên. Nhưng tòa án thực dân vẫn “xử lại”. Vậy nguyên nhân số 1 đưa đến kết quả thoát chết cho cụ Phan chính là cái động thái “xử lại” này. Không có nguyên nhân này, xin miễn nói đến vai trò của các nguyên nhân và các tác động khác.

Nguyên nhân số 2. Đó là cách xét xử của một tòa án độc lập.

Nếu đây là tòa án của Nam Triều hoặc tòa án Xô Viết (tam quyền không phân lập) cụ Phan cũng hết đường sống. Hãy xem tòa Nam Triều xử các nghĩa sĩ trong vụ nổi dậy ở Yên Thế, hoặc Stalin xử những người đồng cấp với mình (Kamenev, Zinoviev…) trong đợt đại thanh trừng ở thập niên 1930.

Khi đối thoại giữa phiên tòa, chánh án nói rằng: Không xét xử những gì cụ làm sau năm 1913 (may quá), vậy cụ có nhận tội theo cáo trạng 1913 không? Cụ chối bay, chối biến… đến nỗi chánh án phải nói rằng cụ không dũng cảm bằng các hội viên của mình: tội rành rành, vẫn chối.

– Nguyên nhân số 3. Đó là cái văn bản Pháp-Việt đề huề luận

Luật sư đã hỏi cụ về nó. Đây là gợi ý để cụ theo đó mà kể công. Chính nhờ văn bản này, tòa án đã xí xóa cho cụ những vụ bạo động sau năm 1913, với số người nạn nhân nhiều gấp bội (năm 1913, chỉ làm chết 5 người: 3 người do tạc đạn, 2 người do ám sát). Sau này, do bị chê bai về “bỏ đấu tranh, chuyển sang thỏa hiệp” cụ đã nhiều lần chối bỏ đứa con tinh thần này (nhận rằng, vì lầm lẫn mà đẻ ra nó) nhưng sự thật là chính nó đã cứu mạng cụ. Không có nó, không luật sư hay dư luận nào có thể làm cụ thoát án tử.

Chú thích

Luật pháp của nước Pháp áp dụng cho Đông Dương tỏ ta tiến bộ và khoan dung hơn hẳn Luật Gia Long (phong kiến). Đó là tính chất công bằng, công lý. Trạng sư hết lòng vì thân chủ, qua đó tự nâng cao uy tín cá nhân mình. Trên đầu quan tòa không có bất cứ thế lực nào, mà chỉ có Công Lý và Luật. Luật nước Pháp xử rất nặng hành vi bạo lực gây chết người và hủy hoại tài sản cá nhân và công hữu. Giết và cướp “có chủ đích và có tổ chức”, tội càng nặng.

Cũng theo luật “tư sản”, công dân có quyền tha hồ ra báo, lập hội, lập đảng, tha hồ phê phán, miễn là không xúc phạm, không bạo động. Bên Pháp, đảng CS tự do hoạt động, nhưng ở Đông Dương lại bị cấm là do vậy.

– Vai trò của báo chí và dư luận xã hội. Nhất định có những tác dụng lớn hay nhỏ trong việc xin ân xá cho cụ Phan. Ví dụ, các cuộc biểu tình ôn hòa (đưa thỉnh nguyện thư), truyền đơn và các bài báo. Nhưng chỉ riêng bài của cụ Nguyễn Ái Quốc viết tháng 10-1925 (lên án quan Toàn Quyền, ca ngợi cụ Phan) ngày nay được  nhắc tới rất nhiều, Nhưng nó thật sự tác dụng đến đâu khiến cụ Phan thoát án tử hình thì rất khó đánh giá.

Chú thích

– Bài Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu của cụ Nguyễn công bố bên Pháp, trước khi quan Toàn Quyền Varenne sang nhậm chức ở Đông Dương. Đây là bài văn châm biếm (đả kích), hoàn toàn hư cấu, trong đó kết tội cụ Varenne là “phản bội giai cấp vô sản”. Hư cấu ở đoạn cuối mới khiếp: Tác giả viết mập mờ để người đọc hiểu rằng Varenne bị cụ Phan Bội Châu khinh và… nhổ vào mặt (!). Thực tế, thái độ của cụ Phan trước tòa rất đúng mức; và sau đó, trong Tuyên Ngôn của mình, cụ Phan tỏ lòng biết ơn quan Toàn Quyền đã ân xá cho mình.

– Từ lâu, bài này nằm trong chương trình Văn (lớp 7), có rất nhiều bài hướng dẫn cách học. Có cả văn mẫu “Hãy phát biểu cảm nghĩ của em”, có cảm nghĩ được đưa vào tập“văn hay“.

– Vị toàn quyền này sinh trước cụ Nguyễn 20 năm, vào đảng Xã Hội (cánh tả) cũng trước cụ Nguyễn, học lực cũng có khoảng cách như vậy. Không hiểu có phải nhờ có bài của cụ Nguyễn mà quan Toàn Quyền Varenne (vì sợ mà) ân xá cho cụ Phan hay không (?). Về quyền hạn, trong khi vua Việt Nam chỉ có quyền (rơm) quản lý xứ Trung Kỳ, còn Varenne có thực quyền trên toàn cõi Đông Dương, trong đó có quyền ân xá phạm nhân bị án tử hình. Đây chính là quyền của nguyên thủ quốc gia.

– Hai mươi năm sau, cụ Nguyễn cũng thành nguyên thủ miền Bắc Việt Nam mà sợ Tàu tới mức mất cả quyền ân xá cho bà Nguyễn Thị Năm, ân nhân của chính phủ VNDCCH.

– Wikipedia (tiếng Việt) viết về Varenne như sau: Ông được xem là một Toàn quyền có ý thức nhân đạo với chính sách tương đối cấp tiến hơn các tiền nhiệm. Một trong các hành động nhân đạo tiêu biểu đó là ông cho chích ngừa dịch tả, cải cách các trường học, ân xá cho Phan Bội Châu vừa bị tuyên án tử hình, lập các viện Dân biểu Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ông cũng cho mở rộng ngạch tương đương (cadres latérants) trong các công sở cho người Việt có đủ bằng cấp được quyền nắm giữ các chức vụ tương đương với người Pháp. Về mặt kinh tế, Varenne cho thành lập Bình dân Nông phố Ngân quỹ để cho giúp nông dân. Chính sách của ông bị thực dân Pháp ở Việt Nam phản đối dữ dội, và Varenne bị gọi về Pháp năm 1928.

– Wikipedia (tiếng Pháp) còn ca ngợi ông nhiều hơn, gồm cả những việc ông làm bên Pháp.

– Vai trò của bản thân quan Toàn Quyền Varenne. Có sự đánh giá trái ngược nhau giữa phái “bạo động” và phái “ôn hòa” về vai trò ông này giúp cụ Phan thoát án tử. Không những vậy, ông quan này còn “tha bổng” cho cụ Phan (thoát cả án tù chung thân).

Ví dụ, cụ Nguyễn Ái Quốc (thế hệ 3) đánh giá cụ Phan Chu Trinh (thế hệ 2) là “hủ nho”, nhưng ca ngợi cụ Phan Bội Châu (hơi quá mức) là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng; còn Varenne bị cụ Nguyễn coi là kẻ phản bội nhục nhã… ta thấy ngay sự khác nhau giữa thái độ người chủ trương “bạo lực” và “ôn hòa”. Một nguyên tắc là “không công nhận bất cứ việc làm nào của thực dân là tốt”, mặc dù trong số họ có đảng viên xã hội, hội viên Tam Điểm…

Chú thích. Đến nay, trí thức yêu nước đã là thế hệ 7, vẫn có sự phân biệt “bạo lực” và “ôn hòa” (dù cả hai phái đều yêu nước). Có những chuyện chẳng liên quan gì tới thực dân Pháp, nhưng người ta vẫn thể hiện lập trường dân tộc rất cực đoan. Chẳng hạn, có nhà sử học cho rằng dưới thời Bắc Thuộc, chẳng có bất cứ “tên quan cai trị” nào là có công, có ơn với dân Việt (kể cả Sĩ Nhiếp, Nhâm Diên, Tích Quang). Trong khi người “ôn hòa” nói đến lịch sử đại học Việt Nam vẫn tỏ lòng biết ơn các ông thầy người Pháp có công đào tạo nhiều danh nhân khoa học cho ta (Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Tố…). 

Cụ Phan có thật sự chuyển từ “bạo lực” sang “ôn hòa”?

Cụ là tấm gương kịch liệt chống Pháp. Do vậy nếu cụ từ bỏ con đường bạo lực để “diễn biến hòa bình” sang thỏa hiệp với Pháp… thì quả là chuyện động trời. Giới trí thức theo cụ sẽ hẫng, khó xử.

– Trong nước, các cuộc bạo động vắng hẳn. Từ khi cụ Phan viết Pháp-Việt đề huê luận, cũng là lúc những hoạt động bạo lực ở trong nước vắng hẳn (1918-1939). Phải ôn hòa phát triển thành rất nhiều xu hướng, sử dụng nhiều cách đấu tranh – từ cách ra báo (hàng chục tờ) cho tới cách lập đảng, cách “dựa vào pháp” (ỷ Pháp cầu tiến bộ) – kể cả cộng tác với Pháp. Miễn là nâng cao dân trí. Miễn là không giúp Pháp đàn áp dân. Đảng CS Trung Quốc mới ra đời 1922, chưa có ảnh hưởng gì trong nước, nói gì ảnh hưởng sang Việt Nam. Đến 1925. cụ Nguyễn Ái Quốc còn lo tập hợp “tàn quân” của cụ Phan; đồng thời phải lo nhiệm vụ được Quốc Tế 3 phân công. Còn ở Việt Nam lần đầu tiên 1925 cụ Phan Văn Trường đăng Tuyên Ngôn đảng CS (tiếng Pháp) chẳng phải ai cũng đọc được, hiểu được và hâm mộ. Cụ Trần Phú lúc này mới ngoài 20 tuổi, đang chập chững tìm hiểu chủ nghĩa Marx… Tóm lại, trong tình hình này chưa có ai phàn nàn sự thỏa hiệp của cụ Phan. Trong sách Tự Phán, cụ vẫn có thể tỏ ra rất ân hận về những thiệt hại sinh mạng vô ích do đấu tranh bạo lực.

– Nhưng sau đó thì khác. Nhất là từ khi đảng CSVN ra đời, tiếp tục con đường bạo lực từ 1930 (có Xô Viết Nghệ Tĩnh) tới năm 1941 (Khởi nghĩa Nam kỳ).

Chính thời gian này, có nhiều ý kiến chê trách, khiến cụ tìm cách thanh minh.

Chú thích

GS Nguyễn Đình Chú viết: Sách báo macxít từ lâu đã cho rằng: về chính trị, từ sau khi viết Pháp-Việt đề huề chính kiến thư (1918), tức là sau đại chiến thế giới I, Phan Bội Châu, ít nhiều cũng đã rơi vào trạng thái chao đảo giữa cách mạng và thỏa hiệp.

Một trang web khác có đoạn: Trong đời ông, có sự lầm lỡ đáng tiếc là viết bản thư nêu chính kiếnPháp Việt đề huề“, mà chính ông cũng tỏ ra ân hận.

– Còn nhà sử học marxist bậc nhất (uy tín và quyền năng cũng bậc nhất) – GS Trần Văn Giàu – đã chính thức chê cụ Phan trong cuốn “để đời” của mình.

Thời gian này, cụ Phan chối bỏ chủ trương Pháp Việt Đề Huề, nói rằng bị cung cấp sai tình hình trong nước mà viết ra. Rồi lại nói: viết Pháp-Việt đề huề luận chỉ để lợi dụng kế sách của Pháp mà thi hành kế sách của ta (tương kế tựu kế). Khi được phỏng vấn, cụ Phan có câu thơ:

“Đề huề chi mà đề huề

Oán thù ta hãy còn sâu

Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què”.

Tuy nhiên, có nghiên cứu gần đây, với nhiều tài liệu tham khảo, đã quả quyết rằng, cụ đã thật sự chuyển biến.

Việc làm trước khi bị bắt và lời nói trước khi nhắm mắt

– Ngay trước khi bị Pháp bắt, cụ Phan thấy không thể duy trì Hội Quang Phục, cụ soạn thảo dự án thành lập đảng Quốc Dân Việt Nam (theo mô hình đảng của Tôn Trung Sơn) và đưa cho cụ Hồ Tùng Mậu đem về nước tuyên truyền. Mật thám Pháp bắt được văn bản này và dịch sang tiếng Pháp. Một nghiên cứu sinh Đức đã kiếm được nó trong lưu trữ, dịch sang tiếng Đức. Đảng mới của cụ hoàn toàn chủ trương đấu tranh ôn hòa.

– Trong văn bản viết trước khi mất (Mấy lời vĩnh quyết), ta vẫn thấy cụ ân hận vì chủ trương bạo động – gián tiếp xác nhận con đường ôn hòa.

“Phan Bội Châu, một tên dân Việt Nam, trước lúc gần chết mà chưa tắt hơi, kính có mấy lời thành thực từ biệt cùng anh em đồng bào.

Trước kia không kể, mà kể từ năm 1906 (vì tôi mà)… khiến cho người nước ta phải “kẻ ở người đi, kẻ còn người mất và bị lụy rất nhiều, toàn là tội ác do tay tôi gây nên”. Mà may quá! Từ 1925 tôi mang cái sống thừa về nước đến giờ, anh em đồng bào đã không ai trách tội tôi mà lại quá thương yêu tôi, tôi thực là hổ thẹn với đồng bào ta và cảm ơn vô cùng. Trải mười lăm năm nay, nằm co trong túp lều ở Bến Ngự cùng chiếc đò trên sông Hương, đoạn đời sống thừa của tôi, không có việc gì đáng nói và đồng bào đã thừa rõ. Bây giờ tôi đã đến lúc lâm biệt, tôi xin có lời từ biệt.

Bội Châu từ xưa tới nay, đối với đồng bào đã không có chút gì là công, mà lại tội ác quá nặng. Bây giờ tôi chết, thiệt là một tên dân “trốn nợ và vỗ nợ”, nếu đồng bào có thứ lượng cho tôi thì xác tôi tuy chết mà tinh thần tôi vẫn cảm ơn đồng bào luôn luôn.
“Người đến khi gần chết, lời nói hẳn lành”. Nay tôi đã đến lúc “gần chết” đó, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào:

Đồng bào Việt Nam ta có trên hai mươi triệu, bấy nhiêu đầu óc, bấy nhiêu tai mắt, bấy nhiêu chân tay, nếu không biết thân yêu nhau, đồng lòng hợp sức làm cái bổn phận quốc dân đối với Tổ quốc… Không thế, trên mặt địa cầu sau này sẽ không có hình bóng dân tộc Việt Nam nữa, thì Bội Châu này dầu có trốn nợ, vỗ nợ cũng may mà được chết trước anh em, tôi lấy làm một điều hạnh phúc.

Mấy lời trên, tôi xin từ biệt mà cảm ơn đồng bào…
Kính,

Phan Bội Châu quyết biệt” .

Nguồn: http://nghiencuulichsu.com/2015/10/07/tu-nguyen-truong-to-toi-bo-ngu-vinh-quynh-ton-to-khoi-bai-7/

Comments are closed.