Chiến sĩ Hoàng Thu, ngọn đuốc sống giữa đêm đen Việt Nam

Hồ Phú Bông

Đọc bản tin và xem tấm ảnh đầu tiên trên báo Bradenton Herald Newspaper, quận Manatee, Tiểu bang Florida, ngày 20/6/2014, cho biết người tự thiêu đã để lại một mảnh giấy “dùng chữ nước ngoài” (foreign language) nên cảnh sát chưa hiểu nội dung.  Mảnh giấy được dán rất ngay ngắn, cân phân giữa một ô trống hình chữ nhật bên góc trái tấm bảng tên của khu gia cư “Silver Lake Community” tại ngã ba đường Lockwood Ridge và 59th Avenue East ở Bradenton, chúng tôi biết ngay người tự thiêu là Việt Nam.  Những chữ viết tay khá bay bướm, nội dung cô đọng, chỉ trên một mảnh giấy cỡ A-4 nhưng có mãnh lực mạnh đến độ có thể gây sốc cho người bệnh tim! 

Hai yang 981 Phải rời khỏi V-N

Hải phận 

Anh hùng tử chí hùng nào tử 

Thu Hung

(và chữ ký)

 Cụ già tự thiêu phản đối Trung Quốc đã qua đời

Vì theo dõi sát thời cuộc quê nhà nên người tự thiêu dứt khoát phải là một người Việt Nam yêu nước chân chính, phản đối Tàu cộng đang xâm lược biển đảo, mà chưa biết thực sự là ai.  Bút tích trên tờ giấy, cái tên không có dấu “Thu Hung” cùng với chữ ký, của người đã dùng lửa tự đốt cháy thân xác mình thì hình ảnh ngọn lửa khác đã bùng cháy trong sương sớm, hai tháng trước trước cổng chính Dinh Độc Lập tại Sài Gòn, nhờ người đi đường tình cờ dùng cell phone quay được, của Nữ Phật tử Lê Thị Tuyết Mai chợt sống dậy mãnh liệt.  Hai cái chết, từ hai bờ đại dương, là hai sự hy sinh cao cả nhất, lấy chính thân xác làm ngọn đuốc!  

Chúng tôi liên lạc với cảnh sát, người điều tra nội vụ (detective) tiếp xúc được với gia đình người quá cố. Vợ ông cũng bàng hoàng không kém vì trước giờ phút đi vào quyết định lịch sử ông rất bình thản, gọi bà lần cuối: “Bà lo cho mấy đứa nhỏ, tôi đi đây”.  Bà ngạc nhiên hỏi lại: “Tụi nó vừa mới về Việt Nam, nhà vắng, mà ông đi đâu?”. “Tôi đi, vì có tụi nó ở đây không đi được”. Dặn dò, trao đổi ngắn gọn, ông tắt máy. Bà gọi lại mấy lần không được cho đến khi cảnh sát báo tin.  Theo bà Lê Thị Huế, vợ ông, thì ngôn ngữ và giọng nói rất bình thường.  Chị Hoàng Thục Oanh, con gái ông cùng chồng vừa tức tốc quay lại từ Việt Nam, mắt đẫm lệ, cũng xác nhận là hoàn toàn không thấy dấu hiệu khác lạ nào báo trước.

Một quyết định phi thường trong một trạng thái bình thường của một người tị nạn đã ổn định cuộc sống, có sức khỏe tốt, tự nó đã nói lên tính vĩ đại. 

Đối với phương Tây, họ ca ngợi sự chiến đấu sống mái trước kẻ thù cho đến khi gục ngã chứ không ca ngợi sự tuẫn tiết, vì thế mà hai nhật báo lớn tại địa phương như The Tampa Tribune và Tampa Bay Times đã không đưa tin, do đó cộng đồng người Việt Nam tại địa phương biết hơi muộn.  Nhưng với người Á châu, do ảnh hưởng của các tôn giáo lớn phương Đông, đặc biệt là đạo Phật, thì thân xác được hình thành từ “tứ đại” (đất, nước, gió, lửa), còn đời sống thì vô thường, “sắc sắc không không” trong cõi luân hồi, nên việc tự thiêu không lạ. Cho dù xác thân chỉ là tạm bợ nhưng lại ẩn chứa “đại hùng, đại lực, đại từ bi”. Vì thế ít nhất đã có 119 vụ tự thiêu trên dân số thật nhỏ nhoi (trên/dưới 1 triệu?) phản đối Tàu cộng xâm lược và hủy hoại nền văn hóa huyền nhiệm của một đất nước được mô tả là nóc nhà của thế giới về độ cao, người Tây Tạng đã làm nhân loại rúng động.   

Bây giờ là sự tuẫn tiết của hai người Việt Nam!  Một người Mẹ trong một gia đình sùng đạo. Một người Cha, sau khi mất mới có pháp danh, trong một gia đình tị nạn đã ổn định. Một ở trong nước, một ở ngoài nước nhưng chắc chắn không người nào muốn sự hy sinh cao cả này được tiếp diễn cho dù rất kính phục tính nhân bản tuyệt đỉnh của hành động. Vì, đó là việc tự hủy thân xác cá nhân để mong cứu được hàng triệu người khác. Thiêng liêng nhất, cao quý nhất của biến cố phi thường này là niềm hy vọng. Hy vọng thức tỉnh được những ai có âm mưu đen tối muốn đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ chỉ vì lợi ích riêng của đảng, của phe nhóm và cá nhân. Đồng thời cũng cảnh báo Tàu cộng xâm lược về truyền thống bất khuất của người Việt Nam!

Nắng Florida đổ lửa.  98 độ F.  Nhóm chúng tôi ra xe xuôi Nam thăm gia đình bà quả phụ Hoàng Thu, sau đó sẽ đến nhà quàn, hẹn gặp nhóm người của quý anh Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ và Tiểu bang Florida để sắp xếp, trao đổi lần cuối, chuẩn bị cho lễ tang vào sáng thứ Bảy, 28/6/2014.  (Nhưng sau buổi họp tại nhà quàn, gia đình bà quả phụ Hoàng Thu mời tất cả về lại nhà lần nữa để tâm tình thêm). Cho đến lúc này, theo ban tổ chức cho biết, thì các mail box đã đầy thư, gần như không còn sức chứa. Vô số lời chia buồn của người Việt khắp nơi trên thế giới gửi về tới tấp. Từ Việt Nam, từ các tôn giáo, từ các tổ chức đang tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho Dân chủ-Tự do-Nhân quyền và cá nhân… mà chưa thể tổng kết. 

Trước khi đến nhà, chúng tôi dừng chân nhìn dấu vết nơi ông Hoàng Thu đã tự thiêu.  Mảng cỏ nhỏ còn khô vàng với vài bình hoa tưởng niệm đặt sát tấm bảng Silver Lake. Chị Lê Thị Huế và vợ chồng người con gái đón chúng tôi, mới đầu có chút bỡ ngỡ, vì trước đó chỉ trao đổi qua phone, nhưng trong khoảnh khắc đã trở nên gần gũi. Công việc nhiều, dù thời gian không có tôi vẫn cố tìm hiểu thật nhanh vài chi tiết khác biệt với mong muốn xác nhận lại vài thông tin đã phổ biến nhưng chưa được chính xác. 

Ông Hoàng Thu ngày sinh trên giấy tờ là 16/11/1942 (kể cả trên cáo phó đã phổ biến) nhưng năm sinh thật là 1951. Lý do có sự khác biệt này vì ngay sau ngày 30/4/1975 ông Hoàng Thu chỉ mới hơn 22 tuổi, lớp tuổi có thể bị bắt “nghĩa vụ quân sự” vì lúc đó lính Việt Nam đang bị sa lầy tại chiến trường Campuchia, một cuộc chiến mới đang đẫm máu. Gia đình lại vừa từ Huế chạy loạn vô Nam, tìm cách nấn ná ở Sài Gòn, trong tình trạng hỗn mang đó ông làm lại giấy tờ, già hơn 9 tuổi. Cấp bậc của ông là Hạ sĩ trong binh chủng Pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thuộc sư đoàn 3 đóng tại Đà Nẵng. 

Trôi nổi tại Sài Gòn không được bao lâu, ông bà về lại quê hương Mỹ Chánh, ở Huế. Bị ngột ngạt và khốn khó lại rời Mỹ Chánh vô Sài Gòn, rồi đi kinh tế mới tại Đồng Xoài. Cầm cự được khoảng 4, 5 năm tại đó nhưng vì hoàn cảnh quá khắc nghiệt, không thể kéo dài hơn, gia đình ông bà đành quay lại lêu bêu ở Sài Gòn, không chỗ dung thân, không hộ khẩu, tứ cố vô thân. Mà không hộ khẩu thì không thể tìm được trường học cho con, nên một lần nữa phải đi kinh tế mới tại Củ Chi, ngoại ô Sài Gòn. Có được hộ khẩu Củ Chi thì một may mắn đã đến, Củ Chi được sát nhập vào TP Hồ Chí Minh! 

Một lần đi “kinh tế mới” đã là chuyện kinh hoàng của một gia đình nhưng ông bà Hoàng Thu đã cam chịu những hai lần như thế! Trong tận cùng của đói khổ triền miên bản tính con người rất dễ đổi thay, nhiều khi đến trái ngược, từ hiền lành, tử tế có thể thành độc ác hay cộc cằn thô lỗ hoặc rượu chè be bét… mà bản thân không hề biết. Tôi hỏi chị thật nhẹ nhàng chị có kỷ niệm nào đẹp nhất về anh.  Không cần suy nghĩ hay đắn đo lựa lời: “Lúc ở kinh tế mới Đồng Xoài!”. “Những gì?”. “Anh không bao giờ nặng lời với vợ con. Rất chịu thương chịu khó. Ai kêu gì làm nấy. Chỉ lo tìm việc làm để giúp vợ nuôi con!”.  Tôi hỏi con gái ông câu tương tự.  Cô ca ngợi cha và kể thêm chút sinh hoạt thường nhật. Ông Hoàng Thu ít giao tiếp bên ngoài, không biết sử dụng internet. Sở thích của ông là theo dõi tình hình thời sự Việt Nam trên TV và radio tiếng Việt. Ông thường tìm mua một số sách báo, băng, đĩa ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa. Tôi hỏi: “Thế tại sao lại sợ tổ chức tang lễ lớn?”. “Mới đầu thì sợ nhưng nghĩ lại thấy sự hy sinh của Ba lớn quá tại sao phải sợ!  Phải tự hào mới đúng nên cám ơn Cộng đồng đã thay thế gia đình đứng ra tổ chức”.

Năm tháng trôi qua, người con gái trưởng thành, lập gia đình và chồng bảo lãnh qua New York, sau đó dời về Florida. Rồi con gái bảo lãnh cha mẹ. Vợ chồng ông qua định cư tại Hoa Kỳ năm 2008. Con trai đã lập gia đình và đang còn ở Việt Nam.

Lễ tang của ông Hoàng Thu đã được cử hành rất trọng thể sáng nay, thứ Bảy ngày 28/6/2014 tại Funeral Home Manasota Memorial ở Bradenton. Có lẽ đây là một lễ tang lớn nhất, tại một thành phố nhỏ không có đông người Việt Nam. Cả ba tôn giáo lớn của người Việt Nam là Phật giáo (thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), Thiên Chúa giáo và Cao Đài đều lần lượt cử hành theo lễ nghi riêng. Một số người tham dự phải ngồi ở phòng phụ theo dõi trên TV, nhờ hai người Việt giỏi kỹ thuật đem máy móc từ Orlando xuống trang bị.  Ban phủ cờ gồm khá đủ sắc phục các quân binh chủng trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa diễn ra theo quân cách. Đại diện các tổ chức, các đảng phái chính trị cũng như nhân sĩ lần lượt phát biểu, khơi gợi lại nhiều nét biểu trưng của giai đoạn lịch sử ngắn ngủi nhưng vô cùng tốt đẹp của miền Nam và hết mình hỗ trợ người tranh đấu trong nước. 

Rất mong cộng đồng người Việt Nam hải ngoại đoàn kết để tranh đấu cho sự vẹn toàn tổ quốc và Tự do Dân chủ Nhân quyền cho quê hương theo hai ngọn lửa bất khuất của bà Lê Thị Tuyết Mai và ông Hoàng Thu. 

Hành động tự thiêu là dùng sự hy sinh cao nhất để cảm hóa những ai có mưu đồ bất chính. Xin đừng hiểu đây là hành động bạo lực để gieo hận thù.

Câu hỏi còn lại sau lễ tang là tại sao người Việt Nam trong nước không được công khai biểu lộ lòng yêu nước chống Tàu cộng xâm lược mà phải đi đến quyết định tự biến thân xác mình thành ngọn đuốc để được lên tiếng, như Phật tử Lê Thị Tuyết Mai? 

Tang lễ được tổ chức trang trọng xứng tầm với sự hy sinh cao cả của một người Việt Nam yêu nước nhưng phải tha hương tị nạn, như ông Hoàng Thu, tại sao ban đầu thân nhân vẫn e ngại việc con cháu còn trong nước có thể bị sách nhiễu? Ai đã gieo mầm sợ hãi này suốt hơn nửa thế kỷ qua trong toàn xã hội Việt Nam?

Mấy lượt đi và về đều qua cầu Sunshine Skyway, một cây cầu dài hơn 17 km bắt ngang qua eo biển, là cây câu dài nhất, cao nhất, hùng vĩ nhất và đẹp nhất của tiểu bang Florida. Khi xe chạy trên cầu, đối diện với cảnh trời mây và nước biếc bao la mới thấy hết cái nhỏ bé của phận người.  Nhìn những con tàu đang êm ả rẽ nước, những đợt sóng bạc đầu cứ xô đuổi nhau, con sóng sau trườn lên con sóng trước, như thế hệ sau tiếp tục vươn cao hơn thế hệ trước và thời gian thì vô cùng.  Bất chợt tôi nhớ đến bài thơ Chết của cụ Phan Bội Châu trong đó có hai câu: “Chết mà vì nước chết vì dân – Chết ấy làm trai hết nợ nần” rồi nghĩ miên man đến cái chết của ông Hoàng Thu. 

Ông là chiến sĩ. Suốt đời là chiến sĩ dũng cảm! 

Quả thật bây giờ tôi không thể biết ông đang ở đâu bên kia sự sống nhưng chắc chắn một điều:  Ông đang ở trong lòng của hàng triệu người Việt Nam yêu nước. 

Chiến sĩ Hoàng Thu, xin nghiêng mình vĩnh biệt. Nhưng câu viết trên tờ giấy nơi tự thiêu “Anh hùng tử – Chí hùng nào tử” vẫn còn đó.  Vâng “chí hùng” vẫn còn đó. Còn mãi mãi trong sử xanh!

Florida, 28 tháng Sáu năm 2014

Nguồn: Tác giả gửi một người bạn văn ở Việt Nam và sau đó đồng ý cho đăng trên Văn Việt theo đề nghị của bạn ông.

 

 

 

 

 

Comments are closed.