HẠ ĐÌNH NGUYÊN – NHÀ BÁO TỰ DO – NGƯỜI BÌNH LUẬN CHÍNH TRỊ của PHONG TRÀO XÃ HỘI DÂN SỰ VIỆT NAM

Lê Thân

(Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng)

Tôi và anh Hạ Đình Nguyên biết nhau từ những năm 67, 68. Nói đúng hơn là chạm mặt, mỗi người mỗi việc theo nguyên tắc hoạt động bí mật. Sau 30/4/1975 cùng làm việc ở Thành đoàn TP. HCM. Có lúc hai người công tác chung ở một đơn vị kinh tế, anh Nguyên ở thành phố, tôi ở Lào, thỉnh thoảng gặp nhau. Trong 5 năm gần đây, khi mạng xã hội đón nhận tuỳ bút chính luận “HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY” của Nhà báo tự do HẠ ĐÌNH NGUYÊN thì ít nhất mỗi tháng một lần, chúng tôi tìm đến nhau “cà phê chính sự”. Có hôm hàn huyên tâm sự cả ngày. Đây là thời gian mà chúng tôi thường trao đổi những vấn đề liên quan cuộc chiến tranh đã qua, tương lai đất nước, và trả lời câu hỏi anh vẫn thường nhắc nhở: Chúng ta phải làm gì

?

Đau đớn nhất là ra khỏi chiến tranh hơn bốn thập kỷ rồi, mà dân tộc vẫn còn bị chia rẽ, nhân tâm ly tán… kinh tế chôn chân trong cái bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu ngày càng xa so với láng giềng. Suy cho cùng, lãnh đạo vì ôm mãi một lý thuyết đã quá lỗi thời và đặt quyền lợi phe nhóm đảng phái lên trên quyền lợi dân tộc, nên từ đó họ đã thiết lập một tình trạng đàn áp khủng bố ngày càng khủng khiếp và không có điểm dừng, bằng cách trấn áp dân chủ, chà đạp Hiến pháp, bác bỏ mọi ý kiến đóng góp cho dù thiện chí nhất của mọi tầng lớp công dân và giới nhân sĩ trí thức cả trong lẫn ngoài nước.

Là những người có tham dự vào cuộc chiến, chúng tôi tự đặt câu hỏi có ân hận gì không về những việc mình làm? Tôi và anh Nguyên thống nhất rằng, mỗi người đều theo đuổi lý tưởng của mình, thì trước sau vẫn phải chiến đấu tới cùng dưới mọi hình thức cho lý tưởng đó, để đạt tới mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Lý tưởng bắt nguồn từ thông tin, từ nhận thức bị hạn chế trong bối cảnh lịch sử cụ thể, giống như người đứng trước dòng sông, chỉ hiểu dòng sông trước mắt, không hiểu hết đoạn đầu và đoạn cuối sẽ đi về đâu. Giờ thì hầu như đã rõ: Thực tế tình hình đất nước diễn biến trên 40 năm nay, cho thấy cái lý tưởng mà anh em chúng tôi theo đuổi với một lương tâm trong sáng và tấm lòng thiết tha vô vụ lợi, đã bị các nhà đương cuộc phản bội, dẫn đến hiện tình đất nước khó khăn chưa từng thấy, với bên trong thì quốc nạn tham nhũng và tình trạng phân hóa giàu nghèo, văn hóa – đạo đức lâm nguy, vô phương cứu chữa; bên ngoài thì bị nước láng giềng đe dọa. Đó cũng là tình trạng hụt hẫng thực tế của đại đa số trí thức miền Nam trước đây vì chỉ hiểu “dòng sông trước mắt” đã hăng hái tham gia Mặt trận Giải phóng, hay Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình.

Ước mơ lớn nhất của anh Nguyên là viết lại cuộc chiến tranh vừa qua, để qua đó giúp những người trẻ hiện nay hiểu chính xác và từ đó sẽ biết cần phải làm gì trong tương lai. Có người nói đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc chiến tranh ý thức hệ… Anh đã bỏ rất nhiều công sức, đọc nhiều tài liệu trong ngoài nước. Chúng tôi lục lại trí nhớ và ghi nhận những gì được biết trong thời kỳ nằm ở Chuồng Cọp, trong những phòng cấm cố ngoài Côn Đảo, những câu chuyện và việc làm, những nhận thức của các nhân chứng sống, từ một anh du kích đến cán bộ các cấp cỡ bí thư tỉnh ủy hoặc cao hơn, bị bắt thời kỳ cuối những năm 50 thế kỷ trước. Sau thời gian lâu dài, tôi và anh Nguyên thống nhất rằng: Cuộc chiến tranh vừa qua từ 1955 đến 1975 là một cuộc nội chiến của hai miền Nam Bắc, cuộc chiến này có sự tham gia chi phối lũng đoạn của ngoại bang đối với cả hai miền Nam, Bắc. Và người Việt Nam phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này. Cuốn sách dự kiến về cuộc chiến tranh Việt Nam theo mong ước của anh Nguyên chưa ra đời, nhưng anh đã kịp ký thác những kỳ vọng của mình vào tập tuỳ bút chính luận “HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY” …

Thưa Quý vị, những người thân trong gia đình anh Nguyên, những người bạn của chúng tôi đang có mặt hôm nay…

HẠ ĐÌNH NGUYÊN – Nhà báo tự do – Người bình luận chính trị của phong trào Xã hội dân sự Việt Nam đã nói gì với chúng ta:

“HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY”, chuyện nước cũng chính là chuyện nhà, phải chân thực, phải có cảm xúc đồng bào. Phải là từ ngữ thân thương NƯỚC – NHÀ, thấm đẫm tình tự dân tộc, chứ không phải từ Nhà Nước, chỉ trơ ra, thành đồng nghĩa với quyền và lợi. Các học thuyết chỉ là những tấm da lừa trên yên ngựa, dù sao cũng đã cũ nát lắm rối, không dùng được nữa! Thắng thua đã rõ, nhưng cũng chẳng để làm gì, đến nước này! Những cái mồm bên kia đại dương chõ về chửi rủa chẳng ích chi, giống như đại úy Minh giẫm chân vào mồm người biểu tình, chỉ rách việc! Phải nhận chân được kẻ thù mới của thời đại, chúng đang xâm thực đất liền và quậy đục Biển Đông, chúng dã thú biết chừng nào với đồng bào của chúng, nói chi đến chư quốc lân bang thế giới đại đồng! Tuổi trẻ Việt Nam phải dứt khoát cài đặt lại phần mềm mới cho mình để phù hợp với trình độ của thời đại, đáp ứng yêu cầu cấp bách của dân tộc.

Anh Nguyên kính mến,

Sáng nay, chúng tôi nhấc cốc cà phê tình bạn, tiễn anh về cõi Phật A DI ĐÀ. Tác phẩm “HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY” đã được xuất bản, trong cuộc hành trình đi tới, trên con đường trước mặt, anh vẫn còn nhiều người tri kỷ, và họ sẽ tiếp nối con đường anh đi dang dở, xem anh là một tấm gương, một nguồn động viên mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh chung vì lợi ích tối thượng của dân tộc, vì dân quyền, dân chủ và khoan dung.

Lê Thân

Comments are closed.