Hội thảo văn học mạng: Con đường từ mạng đến sách giấy

Thụy Phương

 Thuy Phuong              

Sự bùng nổ của internet đã mở ra một cơ hội không tiền khoáng hậu cho những người viết trẻ ở Việt Nam. Họ có thể thoải mái viết, tự đăng tác phẩm của mình, cũng như tự mình tìm kiếm độc giả. Không cần một nhà xuất bản, không cần hệ thống phát hành, hay truyền thông truyền thống mà chính tác giả sẽ đảm nhận tất cả những vai trò này. Với một sự tự do như thế, văn học mạng sản sinh ra một lớp người viết trẻ, và những độc giả trẻ. Thoạt đầu họ có thể chỉ là người đọc, họ đọc và chia sẻ, rồi họ tự viết điều họ nghĩ, và trở thành người viết. Những tác giả mạng có cộng đồng độc giả riêng.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tế, tuần qua, tại nhà sách Đông Tây, Công ty truyền thông Quảng Văn, một công ty truyền thông tư nhân, hoạt động trong lĩnh vực in ấn và kinh doanh sách, đã đứng ra tổ chức một hội thảo có tựa đề “Văn học mạng với sự xuất hiện của làn sóng sáng tác trẻ”. Cùng với Hội thảo, họ đã công bố và quảng bá cho một cuộc thi sáng tác văn học mang tên: “Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm”.

Nếu như, trong nhiều năm qua, sự xuất hiện của những công ty sách điện tử non trẻ, và những nỗ lực điện tử hóa những tác phẩm sách giấy của các nhà văn đã thành danh, thì những tác giả hình thành từ các trang mạng, lại có xu hướng tìm đường đến với các nhà xuất bản truyền thống để hòa vào dòng sách giấy và các độc giả sách giấy.

Nhưng ai là người đón nhận, ủng hộ cho họ?

Đi tiên phong của trào lưu này chính là các nhà sách tư nhân mà các biên tập viên của họ đa phần đều rất trẻ. Nhiều người trong số họ cũng là những người đã đi ra từ dòng văn học mạng. Họ cực kỳ nhạy cảm về lợi thế của sự lan tỏa thông tin trong cộng đồng đối với dòng tác phẩm mạng.

Phạm Ngọc Mẫn, một tác giả dòng văn học này cho biết, chỉ đến năm 2007, cô mới biết đến internet, và chính thức tham gia cuộc chơi bằng những truyện ngắn, những tiểu phẩm đầy hương vị học trò trên các trang mạng, đến nay, Ngọc Mẫn đã có một gia tài ba cuốn tiểu thuyết, và một cộng đồng fan đông đảo của riêng mình.

Tuy nhiên, Phạm Ngọc Mẫn, cũng như Hân Như, một tác giả khác, họ cùng có mặt trong hội thảo với tư cách là khách mời, thú nhận rằng, bên cạnh những lợi thế lan tỏa nhanh của mạng, thì chất lượng tác phẩm của dòng văn học chưa không được coi trọng. Một mặt, họ là những người viết bản năng, tuổi nghề non trẻ, độc giả của họ hầu hết đều ở độ tuổi teen, thích những câu chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ, ướt át. Khi các công ty sách tìm đến họ, cũng là lúc họ phải đối mặt với sự biên tập khắt khe hơn rất nhiều. Nhưng lợi thế mà họ được thừa hưởng từ sự lan tỏa, được biết đến trên mạng, giúp những cuốn sách của họ có số lượng in từ 5, 6 thậm chí 8 ngàn bản. Một con số đáng mơ ước trong tình hình in ấn sách hiện nay.

Nhà văn trẻ Phạm Phương, một biên tập viên mảng Văn học Việt của Quảng Văn cho biết, chị phải chữa từng câu văn, phải cắt bỏ hàng trăm trang viết trước khi một tác phẩm được in thành sách. Chị cũng cho rằng, số lượng một cuốn sách của dòng văn học này in ra có thể lớn hơn rất nhiều so với một cuốn sách nghiêm túc khác, nhưng nếu các tác giả của chúng thỏa mãn với những thành công của mình, thì chắc chắn họ rất khó đi xa nếu muốn trở thành một nhà văn có tác phẩm có giá trị để đời. Mức độ mong muốn của chị, cũng như Quảng Văn, là xây dựng được một dòng văn học giải trí có chất lượng cao từ nguồn chất liệu này. Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm được hy vọng như là cánh cửa rộng mở với tất cả các tác giả trẻ.

Sự sàng lọc ngay chính trên các trang mạng cũng là điều đáng chú ý. Theo một khảo sát, hiện có hàng trăm các trang mạng trong đó có đăng tải phần sáng tác. Người viết có độ tuổi từ 10 đến 17, có tác giả viết được một hai bài, có tác giả theo đuổi lâu hơn, khi họ rời sân chơi, lại có người khác tiếp tục. Trang mạng này chết, lại xuất hiện trang mạng khác. Trang nào ít, có dăm bảy người viết; trang đông, số người tham gia lên tới hàng trăm. Người nào trong số họ, vì niềm đam mê lớn, không bỏ cuộc giữa chừng, mới có cơ trở thành một tác giả.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, MC trong hội thảo này, cho rằng làn sóng sáng tác trẻ hiện nay là những tín hiệu rất đáng mừng cho nền văn học nước nhà. Đó là một dòng văn học, mà nhờ tự viết, tự công bố, không qua kiểm duyệt, nên rất tươi mới, rất phóng khoáng. Nhưng ông cũng cho rằng, nó cũng giống như một “phòng chờ”, ở đó sẽ có những người đi tiếp cuộc chơi, và những người khác sẽ rời bỏ nếu không đủ tài năng và đam mê để đi tiếp.

Công ty truyền thông Quảng Văn, một công ty non trẻ nhưng đã nghĩ tới việc làm bà đỡ cho văn học Việt thông qua Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm là một cách làm rất đáng khuyến khích, một cầu nối cần thiết giữa dòng văn học mạng và văn học giấy. Cũng có thể hình dung như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họ chính là con tàu chở những người viết trẻ từ phòng chờ văn học, để đi tiếp vào con đường sáng tạo văn chương

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.