THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (3): Dịch ở khắp nơi

Đinh Bá Anh

Các nhà văn, dịch giả kính mến,

Văn Việt vào cuối tháng 4, có in một bài viết của Nguyễn Lê Trung, bàn về công việc dịch thuật, đặc biệt là dịch thơ, nhân Trịnh Lữ công bố bản dịch một chùm thơ của Emily Dickinson. Tuy nhiên, với bài viết của Nguyễn Lê Trung, Văn Việt nhận thấy vấn đề không những chưa khép lại mà dường như mới được mở ra. Đó là:

    1. Dịch văn học nói chung, và dịch thơ nói riêng, điều cốt tử là gì?
    2. Dịch hoàn toàn đúng nghĩa, nhưng không thơ, bạn có chấp nhận điều này không?
    3. Dịch kiểu phóng tác, đi xa ý, nhưng có chất thơ, thì sao?
    4. Nhiều người cho rằng dịch là diệt; khi nào dịch không là diệt?
    5. Câu chuyện dịch để quảng bá văn học Việt ra thế giới hiện đang đến đâu? Điều gì tạo ra thành công, nếu có, và điều gì đem lại thất bại?
    6. Bạn nghĩ sao về quan niệm dịch giả là đồng tác giả?
    7. Bạn suy nghĩ gì vai trò của văn học dịch và thực trạng dịch văn học hiện nay?
    8. Vì sao có rất nhiều dịch giả có tiếng hiện đã và đang gây những scandal trong dịch thuật? Có nguyên nhân cụ thể nào không?
    9. Bạn có thể miêu tả công việc dịch một tác phẩm nào đó của bạn đã đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm nhất? 

Văn Việt

 

Khi tôi còn bé, tôi sống ở một ngôi làng chỉ có vài trăm nhân khẩu. Xung quanh là những ngôi làng khác, cũng nhỏ bé như thế. Đối với đám trẻ nhỏ chúng tôi thì ngôi làng chính là quốc gia, lãnh thổ. Chúng tôi biết rõ những lối đi, những con mương, những thửa ruộng làng mình kết thúc ở đâu. Đâu là biên giới, chỉ cần đi quá một bước sẽ sang phía bên kia, lãnh thổ của làng khác.

Những biên giới đó không được đánh dấu bằng cột mốc, không có lính canh, nhưng chúng tôi biết chúng rất rõ. Chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt giữa cách bài trí trong những ngôi nhà của làng này với làng kia, giữa cách người ta làm hàng rào, bón phân cho lúa hay chăn thả trâu bò. Những khác biệt đó chỉ rất nhỏ thôi, thậm chí là vô cùng nhỏ, nhưng chỉ cần đặt gót chân qua biên giới là chúng tôi nhận ra ngay. Mà đôi khi cũng chẳng cần nhìn xuống chân, chỉ cần giơ tay ra không khí, hay ngửi mùi gió là chúng tôi biết mình đang ở địa phận làng mình hay đã sang làng khác.

Chúng tôi đều nhạy cảm với ngôn ngữ. Chỉ cần nghe tiếng nói là chúng tôi biết ai đến từ đâu, không sai bao giờ. Người làng Âu nói như chim, thường kéo dài mỗi cuối câu. Người làng Hạ nói đỏ thành đoải. Còn người làng Sỏi nói ăn, anh hay em nghe đều thành eng cả. Mỗi làng lại có những thành ngữ riêng. Có những câu nói không bao giờ ra khỏi phạm vi làng đó, chỉ dân làng đó mới hiểu, đi ra ngoài là mất nghĩa. Ví dụ người làng Sỏi có câu nói thế này: Eng như cả lảy xuồng cát. Những người làng Sỏi thường nói câu đó và cười với nhau, còn chúng tôi không hiểu gì cả. Được giải thích, cả lảy xuồng cát là sóng đánh vào mạn thuyền chở cát, chúng tôi hiểu là ăn tham, nhưng lại không thấy có gì đáng cười. Hóa ra cái đáng cười ở đây nằm trong từ eng. Nó vừa có nghĩa là em (anh), vừa có nghĩa là ăn. Khi một chàng trai hoặc một cô gái nói câu đó với người đối thoại khác phái bằng một giọng trào lộng thì nó có nghĩa phê phán cô kia (hoặc anh kia) là người vô ý vô tứ (tham ăn tục uống).

Mặc dù sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các làng chỉ là vô cùng nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên phải dịch. Thực ra, nói “phải” thì cũng không đúng. Dịch diễn ra rất tự nhiên: nó là một phần của giao tiếp giữa người làng này với người làng khác và là chủ đề ưa thích trong những cuộc gặp gỡ, chuyện trò. Khi bạn giải thích từ “eng” của làng Sỏi nghĩa là “ăn” thì bạn đã làm một thao tác dịch, không khác gì khi bạn dịch từ “you” trong tiếng Anh ra từ “bạn” trong tiếng Việt. Nhưng, ngay ở đây bạn đã sớm nhận ra vấn đề: từ “eng” không chỉ có nghĩa là “ăn”, nó còn có nghĩa là “em” hay “anh”. Còn từ “you” trong tiếng Anh thì sao? Nó hoàn toàn có thể là “ông”, “bà”, “cô”, “bác”, “anh”, “chị”, “em”, “mày”. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng, với mỗi lựa chọn, bạn đều đánh mất một cái gì đó của nguyên bản, và bạn sẽ có nhu cầu diễn giải. Nhưng dù diễn giải thế nào thì vẫn không đủ. Người làng Sỏi đã và sẽ còn phải dịch và diễn giải câu nói Eng như cả lảy xuồng cát của họ cho những người dân làng khác hàng trăm lần, hàng nghìn lần nữa. Đó là một quá trình dài bất tận, bởi sẽ không bao giờ có một người ngoài nào cảm nhận được hoàn toàn câu nói đó, trừ những người đã từng lớn lên ở làng Sỏi.

Dịch là mất, đó là điều bạn nhận ra. Nhưng mặt khác, dịch là giao tiếp, và do đó, là cần thiết. Giao tiếp hiện diện khắp nơi, nên dịch cũng hiện diện khắp nơi. Nhìn ở cấp độ vi tế hơn, mỗi gia đình, thậm chí mỗi cá nhân, đều có trường ngôn ngữ riêng. Mỗi khi giao tiếp với người khác, mỗi cá nhân ít nhiều đều có ý thức điều chỉnh ngôn ngữ của mình cho phù hợp với đối tượng giao tiếp. Đó cũng là dịch.

Cũng giống như tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của con người, đến nay vẫn chưa có một lý thuyết thống nhất về dịch thuật (mà có lẽ sẽ không bao giờ có một lý thuyết như thế). Các quan điểm khác nhau về dịch thuật là một hiện thực khách quan; chúng cũng đa dạng, thú vị và mâu thuẫn, như chính cuộc sống vậy. Các quan điểm Tín – Đạt – Nhã; Chỉ Cần Một Chữ Tín, Mệnh Đề Tương Đương; Dịch Là Bắc Cầu; Dịch Giả Là Dấu Phẩy Của Tác Giả; Dịch Là Sáng Tạo; Dịch Giả Là Đồng Tác Giả; Dịch Sai Còn Hơn Dịch Dở; Dịch Là Truyền Bá Văn Hóa; Dịch Để Khai Minh Cho Dân Tộc; Dịch Để Tiêu Khiển v.v. đều có những điểm độc đáo, khả thủ và đều có các đại diện lớn trong giới dịch thuật.

Tôi thích quan sát các nhà dịch thuật. Một dịch giả thường không bao giờ chỉ là một anh chuyển ngữ đơn thuần. Anh ta luôn nhiều hơn thế. Hoặc anh ta là một học giả, một người có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực của mình; hoặc anh ta làm việc trong các lĩnh vực thường xuyên phải cọ xát với ngôn ngữ: dạy học, văn chương, báo chí, xuất bản… Họ là những người thường xuyên di chuyển qua lại giữa các biên giới quốc gia, lãnh thổ. Họ hiểu được những điểm tương đồng và những điểm khác biệt không thể dung hòa giữa các nền văn hóa. Họ là những chuyên gia đàm phán, những sứ giả ngoại giao văn hóa hòa bình, song họ cũng rất dễ bị sảy chân. Đôi khi họ thành công, họ sẽ được công chúng hai bên tán thưởng. Nhưng cũng không ít lần họ thất bại và phải gánh chịu sự giận giữ từ hai phía.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.