Lo sợ chương trình xét nghiệm

Lê Học Lãnh Vân

Tôi đọc bản tin trên các báo chính thống về việc

TP HCM đưa ra 3 giai đoạn xét nghiệm với mục tiêu cụ thể. Cư dân "vùng xanh", "cận xanh" sẽ được xét nghiệm 2 lần, cách nhau 7 ngày; khu phong tỏa sẽ được tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa” (NLĐO, 18-08-2021 – 09:06|Sức khỏe)

với một nỗi lo lắng, lo sợ cho vận mệnh và sinh mệnh người dân thành phố trong cơn dịch.

LO SỢ:

A. Mỗi lần có việc tập trung người là có nguy cơ lây nhiễm cao

Các nguy cơ là:

1) Không tổ chức được việc tuân thủ giãn cách. Người được tập trung đứng gần nhau quá, ở nơi tập trung lâu quá. Nhân viên y tế và tình nguyện viên đứng gần với người dân.

2) Dụng cụ, công cụ làm việc gây lây nhiễm vì một dụng cụ được dùng chuyền cho nhiều người.

3) Tôi không nắm được số liệu thống kê của từng nơi, từng lúc, nhưng các bác sĩ quen cho biết số ca nhiễm tăng sau mỗi lần tập trung. Những nhà tổ chức có biết hệ quả này và có lo sợ không?

4) Kinh nghiệm những lần tập trung đã qua cho thấy người tổ chức vi phạm nguyên tắc căn bản của Giãn Cách. Điều này khiến nhiều người sợ rằng họ chưa hiểu hết các nguyên tắc, phương pháp, yêu cầu… của việc Giãn Cách. Người chưa hiểu thấu suốt thì càng tổ chức càng trật. Khắc phục cái trật vừa qua thì phạm vào cái trật sắp tới mà họ không lường trước được. Mà, mỗi lần trật như vậy có thể trả giá bằng hàng trăm, hàng ngàn sinh mệnh người dân, bằng nền kinh tế có thể bị đẩy lùi hàng thập kỷ!

B. Việc ép người để lấy mẫu như vậy có vi phạm quyền bảo vệ thân thể cá nhân không?

ĐỀ NGHỊ:

A. Tạm Thời Dừng Lại Chương Trình Xét Nghiệm Này

Một trong những kinh nghiệm làm việc là khi chưa hiểu thấu suốt sự việc thì cần:

1) Nên dừng lại tìm hiểu sự việc, vạch chiến lược rồi mới tiến hành;

2) Nên huy động rộng rãi nguồn lực, nhất là nguồn lực tri thức, từ các nguồn khác nhau trong xã hội trong việc tìm hiểu và vạch chiến lược;

3) Xác định rõ Mục Tiêu Chung Nhất và các Mục Tiêu Chiến Lược nhằm đạt Mục Tiêu Chung Nhất. Từ đó mới xác định chiến lược và kế hoạch hành động.

Chỉ sau khi đã làm các việc (1), (2), (3) trên mới bước vào hành động. Nếu có cách làm việc đúng đắn, chỉ cần một để tuần làm tất cả những việc trên, kể cả ra bản Kế Hoạch Hành Động. Một tuần dừng lại đó rất đáng giá vì tránh được những sai lầm rất có thể mắc, và xin nhắc lại: nếu mắc sai lầm thì giá phải trả rất cao, có thể bằng hàng trăm, hàng ngàn sinh mệnh người dân, bằng nền kinh tế có thể lùi lại hàng thập kỷ!

B. Về Tổ Chức Làm Việc

Cá nhân giỏi, xuất sắc là cần thiết. Nhưng cách tổ chức làm việc đúng bài bản, kinh nghiệm lại cần hơn nhiều lần!

Thật lòng, nhìn cách tổ chức phòng dịch, tôi thấy có vấn đề về cách làm việc. Từ góc độ quản trị, tôi chưa thấy rõ:

1) Mục Tiêu Chung Nhất được xác định là gì? Mục Tiêu này được đo lường như thế nào?

2) Các Mục Tiêu Chiến Lược là gì? Các Mục Tiêu này được đo lường như thế nào?

3) Qua từng giai đoạn, từng chiến dịch, mức độ đạt được các Mục Tiêu này được theo dõi như thế nào?

Tại sao tôi cho rằng có vấn đề về cách làm việc? Bởi vì đã mấy tháng rồi, qua bao chiến dịch, thành phố vẫn chưa đạt mục tiêu về con số lây nhiễm và con số chết (trong khi nền kinh tế chịu nhiều gãy đổ). Nếu tổ chức làm việc đúng phương pháp, ít nhất người ta phải có công cụ phản hồi (Feedback), để khi thấy lùi xa Mục Tiêu là chỉnh lại liền. Tôi không cho rằng không có công cụ làm việc, nhưng nếu có thì thô sơ quá! Do đó, thành phố cứ mãi loay hoay!

Bài viết này xin được kết thúc bằng cách nêu lại ý chính:

1) Nên dừng kế hoạch xét nghiệm vì nguy cơ lây nhiễm rất cao;

2) Nên Tổ Chức lại cách làm việc, xem xét toàn bộ chương trình phòng chống dịch tại Tp HCM trước khi dấn vào các bước tiếp.

Ngày 18 tháng 8 năm 2021

Comments are closed.