Trà chiều

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Thỉnh thoảng bạn tham dự buổi trà chiều trong những quán trà thanh lịch của người Nhật, người Tàu, người Anh. Bạn nhớ ra rằng khi còn bé, cũng có những buổi như vậy. Sau một ngày giúp việc lặt vặt nhân kỳ nghỉ hè, một ngày đạp xe một mình loăng quăng đường cái quan làng này sang làng khác, bạn dừng lại, dựng xe đạp thềm nhà, mắc áo sơ mi đẫm mồ hôi lên cánh cửa, sau những cơn gió từ đồng lúa, sau tiếng động ồn ào bên đường, bạn ngồi xuống giữa người khác, mình trần, nhắm mắt lại. Bạn nhìn thấy ánh nắng ngả màu vàng nhạt, buồn buồn, chiều tới sớm, mặt trời lấp ló sau lá thưa, bóng nắng di chuyển trên mặt đất thơm hương, mùi lá lúa mới cắt lặng xuống, mùi rơm rạ, tảng đá bốc lửa bay hơi mờ mờ. Trước khi đêm xuống, mọi người tụ tập lại lần nữa trước chia tay. Mọi người nghĩ đến việc ăn và uống một thứ gì. Có người bắc ấm nước lên bếp lửa đun bằng củi sim hay tre nành khô mới lượm. Một người khiêng đâu về rổ bắp tươi mới hái gần sông, bạn tò mò mở mấy lớp vỏ xanh ra coi, những hạt bắp trắng bóng như răng sữa trẻ con, tròn như hạt cườm, mùi thơm của râu bắp mát rượi. Một người xách cái thùng nhôm lớn bắc nước sôi, cho bắp vào. Một lần khác, họ không luộc chín mà quyết định nướng chúng trên bếp lửa than, đếm số người, mỗi người hai hoặc ba trái, có khi còn cho thêm hành lá, dầu ăn vài muỗng, một muỗng muối, có người cầu kỳ còn dùng cả ớt bột. Tôi chọn những quả bắp tươi, lớp vỏ ngoài trông non mượt, rõ mới hái, râu chúng màu tím than, tươi rói, đưa tay sờ lên những hạt bắp bóng loáng hạt nào hạt nấy tròn, căng, xếp hàng thẳng tắp. Tôi chọn những trái lớn hạt to. Có người đem luộc sơ trong vài phút rồi mới nướng, có người nướng trực tiếp trên lửa đỏ. Bạn cắt nhỏ hành lá, trộn dầu thực vật đã đun nóng, cho thêm muối ớt. Món bắp nướng lấy ra từ củi đỏ hồng, xếp lên một cái máng đan bằng tre, một người phết mỡ hành lên. Sau này cũng có người cầu kỳ dùng cả phô mai, bơ, trứng, sữa, nhưng khi tôi còn nhỏ những thứ ấy hoàn toàn không có, may ra có người dùng tép rang. Nếu không trúng mùa, người ta thay bắp bằng khoai lang, loại khoai mới được Ty Canh nông giới thiệu, màu vàng óng như sáp, nghe kêu là khoai Đà Lạt, thơm ngậy. Kẹt lắm thì môn, bình tinh, khoai từ tím, sắn, nhưng bắp được chuộng hơn cả. Vậy trong khi một người lăng xăng nướng bắp, bạn nghĩ đến ấm nước chè xanh. Ở thôn quê, vườn nào cũng có một vài cây chè, bạn nhón chân lên bẻ một hai nhánh tươi lá sẫm màu nhưng không khô quá, không non quá, rửa sơ trên ảng nước rồi cho cả vào ấm nước bắt đầu sôi nhưng chưa sủi bọt. Bạn không được để lá trà hay lá chè quá lâu trong nước sôi, sẽ rã nát. Vào lúc tôi mười bốn mười lăm tuổi, tôi thường tham dự các buổi chiều thong thả ấy, dù xứ mình không ai gọi là trà chiều như người Tây, khoảng ba hay bốn giờ, lúc mặt trời dịu đi, gió nồm hây hẩy thổi bay lật lá mùng chống muỗi. Bạn ngồi trên thềm nhà, lát gạch, có cái chiếu cũ, dưới bóng cây nhãn to một vòng tay ôm nhưng ít khi có trái, ngửi mùi rêu từ bể cạn nghe tiếng chim sẻ kêu chiêm chiếp, bạn ngồi cùng với những đứa trẻ bằng tuổi trong xóm, hoặc các chàng trai lớn hơn làm việc đồng áng, gọi là trai bạn. Vào khoảnh khắc ấy, bạn không cần nói gì cả, nên im lặng, thỉnh thoảng nhắm mắt lại khi mặt trời chói gắt.

Bạn nhìn quanh, có khi nhà của bạn, có khi nhà người dì họ gần như bỏ hoang, những người khác cũng thế, nguời nào cũng lim dim, người nào cũng muốn nói một điều gì nhưng không nói, mệt mỏi và thỏa mãn, thân mật và cường tráng, ngồi chạm chân vào nhau, chạm vai nhau, thưởng thức món bắp nướng vừa lấy từ lửa ra, nướng không hay nướng pha mỡ hành, ngọt đầu lưỡi, thơm cuống họng. Bạn ăn một lúc hai trái, có khi được nhường đến trái thứ ba, vì bạn nhỏ nhất, no căng cả bụng. Bạn đứng lên đi lại như một người lớn, bạn tập nhìn trời coi chừng ngày mai có mưa, bạn tập nhìn ráng chiều, tập nghe nhịp thở của đất, rồi bạn ngồi xuống, im lặng chờ tới lượt mình. Ăn theo thứ tự, uống cũng vậy. Từ người lớn tuổi nhất, hoặc đôi khi may mắn thứ tự đảo ngược, từ người nhỏ tuổi nhất. Bạn ngồi trước mặt ông già tóc bạc râu bạc, chống gậy, có nụ cười rất triết gia, lối vẩy tay thật phong độ và bạn liền bắt chước. Lớn lên bạn bắt chước nhiều thứ, dáng uyển chuyển của con mèo nhà bên, của một con sông đoạn chảy xiết dưới cầu, bạn bắt chước dáng đứng của ngọn núi, dáng ngồi của một tình cũ. Tóm lại cái gì bạn cũng bắt chước, rồi bạn lớn dần lên. Cho đến khi mọi thứ chín, nước sôi, bạn nghe mùi hành thơm, mùi râu bắp cháy, bạn nhìn thấy những cái bong bóng nước nổi bằng đầu đũa, mùi thơm thoang thoảng của lá trà. Bát nước chè xanh mới nấu nóng hổi, nhưng bạn không thích uống nóng, tất cả những đứa trẻ đều không thích, nhưng bạn tập vì bắt chước người lớn là thói quen có từ trong máu. Cái đọi, tức là cái bát, có nơi còn dùng để ăn cơm mỗi ngày, rửa sạch, người ta rót nước vào đó, chè xanh màu lá chuối non, đắng và ngọt, thơm, làm bạn say ngất, cơn khát của ngày hè, từ những trái bắp nướng gọi nước, đến sự phối hợp của nhiều thứ: bụng no, cảm giác thỏa mãn, nắng nhạt buồn buồn, uể oải, tiếng chó sủa ngoài ngõ, mùi mồ hôi của người đàn ông làm đồng áng, của chính bạn sau ngày đạp xe hay chạy nhảy, tiếng than củi lách cách đến từ tương lai. Bạn đưa mắt nhìn quanh, mọi người chuẩn bị chia tay, người thì bửa củi trở lại, người cày xong chuẩn bị về nhà, cuộc tụ họp ngắn không quá một giờ đồng hồ, đôi ba ngày một lần, suốt một mùa hè, suốt những mùa hè. Bạn nhớ cảm giác bạn cầm trái bắp nướng bôi mỡ hành trong lá chuối nóng hổi chuyền tay cho người bên cạnh, chất ngọt chảy qua kẽ răng, nước miếng ứa ra, sự thơm thảo trên đầu lưỡi, một ngọn núi cúi xuống chiêm ngưỡng hạnh phúc của bạn. Bạn không bao giờ chừa lại nước chè xanh trong cái đọi, bạn phải uống hết, không uống trà lai rai như người Anh, hay ở những gia đình quyền quý, bạn uống một lần, trong một hai ngụm, ực một hơi, như kiểu bọn Tây uống rượu mạnh trong các quán bar, một ly Scotch, hay một thức tương tự. Cái tính lai rai ấy không nằm ở chuyện nhấp lên môi hay đặt xuống mà nằm ở chỗ khác, sau khi bạn uống một hơi, nó giữ lại lâu trong cơ thể, sức nóng, mùi hương, dư vị, say đắm mạnh mẽ. Bạn ngồi im lặng chờ, đôi khi chỉ có một hoặc hai cái bát cho năm bảy người, bạn chờ đến lượt mình và khi đến lượt, bạn uống nhanh vì còn người tiếp theo. Sự chờ đợi ấy để thưởng thức một điều gì dạy cho bạn nghệ thuật sống phong nhã. Bạn lớn lên bằng những buổi trà chiều như vậy, để sau này sẽ nhớ lại, vì chiến tranh sẽ tới, cuộc chiến tranh không phải của bạn, vì sống là sống trước đi một lần cuộc đời mình, là bắt chước người khác, là ngồi im lặng giữa những người khác, vì sau những ngày hè ngắn ngủi kia bạn sẽ đi một mình, sẽ sống một mình, và sẽ tập làm quen trở lại với im lặng, như khi bạn vừa trông ra sân con chuồn chuồn bay thấp đoán trời sắp mưa vừa cầm cái bát của mình đã uống xong sạch bóng úp lên giàn tre gần kề bến rửa chân sau bụi sả.

Comments are closed.