Lòng tham của sói và “Trung Quốc mộng”

GS Trần Ngọc Vương

Văn Việt: GS Trần Ngọc Vương có bài phỏng vấn vừa đăng trên tạp chí Người Đô thị với tựa đề “Trung Quốc mộng và căn tính sói” (http://nguoidothi.vn/gs-tran-ngoc-vuong-trung-quoc-mong-va-can-tinh-soi.ndt). Tác giả cho biết bài đã bị “biên tập” cắt một số ý quan trọng. Sau đây là bản gốc bài trên do tác giả gửi cho Văn Việt (những chỗ bị cắt ở Người Đô thị được tác giả đánh dấu bằng chữ đỏ). Xin cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

TNV

GS Trần Ngọc Vương

GS Trần Ngọc Vương là người từng có thời gian dạy học tại Đại học Bắc Kinh và đang tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu văn hoá Trung Quốc. Học giả này có cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với NĐT:

Hiểu về Trung Quốc

Thưa ông, bấy lâu nay giới hàn lâm biết đến ông ngoài việc nghiên cứu, còn tiến hành dịch thuật khá nhiều sách Trung Quốc sang tiếng Việt. Vì sao ông làm công việc này?

Tôi phải nói rất rõ ràng rằng mấy chục năm nay, từ sau khi thống nhất đất nước năm 75 cho đến bây giờ, thế lực duy nhất đe dọa, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp sâu vào nền chính trị Việt Nam chính là Trung Quốc. Ai bắt nạt, đe dọa, khống chế Việt Nam, trừ Trung Quốc ra?! Những nước lớn khác có đe dọa mình đâu. Cho nên là trong khi đối kháng với Trung Quốc cần khẩn trương hiểu biết về họ, cần khẩn trương nghiên cứu, tìm hiểu và học tập họ nữa. Tôi đang tổ chức dịch những bộ sách của Trung Quốc hết sức quan trọng về phương diện học thuật, từ lịch sử Phật giáo đến văn học Trung Quốc. Những bộ sách về Đạo giáo, Nho giáo Trung Quốc. Hiện nay tôi đang tổ chức dịch hai bộ: Một bộ có tên là Quan huấn tập thành (những lời dạy, chỉ dẫn, khuyên bảo cho tầng lớp quan lại, từ anh mới học việc cho đến tể tướng). Trong đó tổng kết toàn bộ danh tác của Trung Quốc từ xưa đến nay, văn hóa quan trường Trung Quốc trong 5000 năm. Bộ sách này rất khổng lồ. Tôi từng đề nghị một loạt các cơ quan mà tôi cho là có trách nhiệm của nhà nước, nhưng chẳng đâu muốn làm và chẳng ai muốn dịch. Hiện nay có một doanh nhân bỏ tiền cá nhân tài trợ cho người của tôi dịch.

Và một cuốn thứ hai nữa, mang tiêu đề “Phản kinh”, tức là cẩm nang, bí kíp của những thủ đoạn chính trị và người ta quảng cáo cuốn sách là: Lịch đại thống trị giả/ Mật nhi bất ngôn, dụng nhi bất tuyên đích kì thư (tạm dịch: Bộ kì thư mà kẻ thống trị ở tất cả các nơi phải giữ bí mật, làm theo nhưng không nói ra, không công bố). Bộ sách này được một nhân vật đỗ tiến sĩ đời Đường viết ra, sau đó tìm cách dâng cho vua rồi trốn biệt. Tiểu sử về sau không ai biết ra làm sao. Ngay đến cả cái tên của tác giả cũng là điều kỳ bí. Đến mức năm 1998, khi tôi dạy ở đại học Bắc Kinh, đầu tiên tôi mua bộ sách này. Tôi ngỡ ngàng, nhưng tôi đọc tên tác giả tôi chưa biết chữ ấy bao giờ. Nghi mình người nước ngoài, học tiếng Hán có điều kiện, ai dè về hỏi các giáo sư Trung Quốc cũng không ai biết là gì. Hai ba hôm sau nữa kỉ niệm 100 năm học đại học Bắc Kinh. Có gần 10 cái xe chở các chuyên gia Đại học Bắc Kinh ra đại lễ đường nhân dân, giáo sư Phó Thành Cật, cầm chữ trên tay đi hỏi ai biết chữ này, không ai biết cả. Và cuối cùng ông về tra Trung Quốc đại từ điển, ra tên này nằm ở phần đuôi của từ ghép. Phiên âm Hán Việt phải dọc là Nhuy. Cái tên này còn chưa có trong thư tịch Việt Nam, chỉ đọc theo nguyên lý thôi. Thật lạ!

Cái bộ sách đó được cất trong kho chứa sách của triều đình, nhưng thi thoảng lại lọt một phần nào đó ra ngoài. Nên đời Minh, Thanh đều có chỉ dụ cấm tàng trữ, đọc cuốn sách đó. Mãi tới năm 1998, lần đầu tiên nó in ra. Mà nó lại in ở nhà xuất bản Nội Mông Cổ, theo kiểu in để thăm dò. Nói vậy để biết rằng cái loại bí kíp kì thư kiểu đó, Trung Quốc nó rất có truyền thống. Cho nên tôi rất là sốt ruột, tôi rất muốn là giới chính trị của ta phải hiểu Tàu.

Hiểu được văn hoá chính trị đó, có lẽ ta sẽ bình tĩnh và khôn khéo hơn để sống cạnh một nước lớn và nhiều chiêu trò như Trung Quốc?

Đọc một số đoạn, thì sẽ hiểu dần cách người Tàu làm chính trị. Họ làm đúng theo bài bản ấy thật. Thế nhưng, dường như các nhà chính trị của ta ít người quan tâm. Cho nên cái tầm nhà chính trị của ta chưa vượt quá kinh nghiệm và thủ đoạn của chính trị của anh chánh tổng. Tức là cường hào tầm tiểu nông. Nó không bảo đảm cho một văn hóa chính trị cao cấp, tiên tiến, mà cũng không đủ lắt léo, thâm trầm. Thủ đoạn của chính trị gia Trung Quốc kinh khủng lắm. Nên nhớ rằng chỉ ở Trung Quốc, những lợi ích mang màu sắc chính trị mới làm cho người ta thực hiện những hành vi mà trong bất kì nền chính trị nào khác không thể có, không thể làm vì cái sự bất nhẫn, táng tận của nó. Trong Đông Chu Liệt Quốc còn chép lại câu chuyện: Có một anh đầu bếp nấu cho chủ, một ông vua chư hầu. Có lần ông vua đùa than thở: Cao lương mĩ vị trên đời ăn hết rồi chỉ còn mỗi một thứ chưa ăn là… thịt người. Hôm sau anh đầu bếp dâng cho chủ một món thật thơm, chế biến rất tinh xảo. Tay đầu bếp cứ nhìn xem chủ ăn, gặng hỏi chúa công ăn có ngon không, thấy thế nào. Ông vua bảo: Thấy lạ, cũng ngon đấy. Rồi hỏi món gì đấy thì quỳ xuống lạy: “Tâu chúa công, thần đắc tội! Hôm qua chúa công nói còn món thịt người chưa ăn, nay thần cho chúa công ăn thịt người. Thần không dám giết người ngoài, chỉ giết con của thần để nấu”. Cái đó là gì vậy?

Người Việt Nam có dám làm chuyện đó không? Không ai làm được. Nó trái với cả tự nhiên. Làm thịt con mình cho chủ ăn, không biết hắn đuổi bắt cái gì vậy? Thật là kinh hoàng. Hắn ta chứng minh cái gì đây? Những thứ đấy cần phải gõ vào đầu, phải nghĩ xem người Tàu làm gì. Nhưng mà khi người Tàu đã dám làm đến những việc như vậy thì ta phải đặt ra câu hỏi: Có gì họ không dám làm không? Bởi vì ta so với lương tri của người bình thường không đo lường được họ đâu.

Căn cước sói và “Trung Quốc mộng”

Ông nghĩ gì về tham vọng “Trung Quốc mộng” (Chinese Dream) mà gần đây đang được đề cập nhiều?

Người thể hiện tập trung nhất, cao nhất cái gọi là “Trung Quốc mộng” là Mao Trạch Đông. Và người phát ngôn quan trọng nhất hiện nay cho giấc mộng này là Tập Cận Bình. Muốn hiểu Trung Quốc mộng thì phải hiểu mô hình hoàng đế Trung Hoa.

Người Trung Quốc và Tập Cận Bình đang nỗ lực để hiện thực hóa giấc mộng đó. Tôi rất muốn mọi người tỉnh táo ở tình huống này: Từ thế kỉ 15-16 trở lại đây, thậm chí cho đến tận hết thế kỉ 20, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các cường quốc tư bản chủ nghĩa trở thành đế quốc chủ nghĩa, nó lớn lên được là nhờ biển. Các đế chế hình thành được trong thời đại tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa đều là đế chế biển. Nhưng truyền thống của Trung Quốc mấy nghìn năm nó là đế chế lục địa.

Trong cuốn tiểu thuyết viết theo lối khảo cứu, đề xuất luận điểm, có tên “Lang Đồ Đằng” (dịch sang tiếng Việt là Tô Tem Sói), Khương Nhung xác định cái thuộc tính có tính chất căn tính của người Hoa là Sói tính. Sói là con vật ranh mãnh thủ đoạn, độc ác, thâm hiểm nhất của thảo nguyên, của bình nguyên và cao nguyên. Người Trung Quốc đặt căn cước của mình khởi đi từ đó. Mấy năm liền, người Trung Quốc in đi in lại cuốn tiểu thuyết này, cổ vũ “tính chiến đấu”, tinh thần “quật cường” của đồng bào họ.

Để hiểu tại sao gọi Trung Quốc là đế chế lục địa: Từ đời Hán bắt đầu Trung Quốc đi dần xuống phía Nam,chiếm những vùng đất sát biển, thế nhưng mà biển với người Trung Quốc chưa thành một thứ thế năng sống. Những sản vật biển nhiều khi bình thường, với họ vẫn là khó khăn, hiếm hoi, và đều xếp vào hàng gọi là của quý hiếm, đặc sản. Và điều lạ lùng thay rằng người Trung Quốc bị ám ảnh bởi một sản vật rất thông thường, quen thuộc, và ứng xử với nó bằng quốc sách, đó là muối. Đời Hán có một cuốn sách cực kì nổi tiếng, đó là cuốn Diêm Thiết Luận (tạm dịch: Bàn về sắt và muối). Cho tới tận thời Quốc Dân Đảng, buôn muối là một nghề mang tính đặc quyền và độc quyền ở Trung Quốc. Người Trung Quốc quản lý rất chặt môn bài buôn muối, và người buôn muối thường rất giàu. Đối với cư dần miền núi, vùng sâu của Trung Quốc thì muối trở thành vấn đề lớn. Người ta buôn muối như buôn thuốc phiện. Cho nên ấy, đó là một sản vật rất tầm thường của biển, trở thành một vấn đề hàng đầu trong chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc đến bây giờ là có 9,6 triệu cây số vuông về mặt diện tích, nhưng chỉ có hơn 18.000 cây số bờ biển, tỉ lệ bờ biển trên lãnh thổ là thấp. Cho nên chưa bao giờ Trung Quốc được xem là một quốc gia biển cả.

Vậy người Trung Quốc ý thức về biển tự bao giờ, thưa ông?

Khi người Trung Quốc đẩy hạt nhân của mình lùi dần xuống phương Nam, tiến sâu thêm xuống phía nam vùng sông Dương Tử (từ vùng Giang Nam cũ, bây giờ là Triều Châu, Phúc Kiến, Thượng Hải, Quảng Châu…). Từ cửa sông Dương Tử mới có lối ra của Trung Quốc với biển. Đấy là cái xứ mở ra với biển của nền văn hóa Bách Việt, bộ phận thứ hai của nền văn hóa Trung Hoa. Tôi phải nhấn mạnh họ không phải là người Hán, không có cùng cái vô thức lịch sử với bộ phận cư dân phương Bắc. Thế nên họ thường xuyên bị coi là thuộc khu vực ngoại vi, bị gọi là dân Nam Man, và bị kỳ thị bởi người Hán. Trong thập đại đế vương (10 bậc đế vương) được ghi danh của Trung Quốc, chỉ có một người gốc phương Nam là Chu Nguyên Chương, còn lại là người phương Bắc. Nhà Minh có gắn bó với phương Nam, nên không hề ngẫu nhiên mà trong hơn nửa thế kỉ đầu của triều đại nhà Minh, tầm nhìn biển bắt đầu được mở ra. Và chính thời đó mới xuất hiện Trịnh Hòa. Trịnh Hòa là người gốc Hồi giáo Ả Rập, mang toàn bộ tri thức, kinh nghiệm buôn bán Địa Trung Hải của tổ tiên ông để phục vụ Minh triều. Khi nhà Minh lập ra Nam Kinh, ông ta là tổng thái giám (hoạn quan), đề nghị và được chấp nhận đóng những đoàn tàu lớn và đi ra biển. Ông có 7 chuyến đi biển tất cả.

Và đấy có thể coi là một trong người sớm nhất đi vòng quanh thế giới. Nhưng mà chỉ được khoảng trên dưới 30 năm thực hiện những công việc đó. Tất cả những ghi chép về biển rất cơ bản như vậy. Sau năm 1432 là được cho vào kho. Vài chục năm sau, các vua chúa thế hệ sau của nhà Minh cũng bị xâm nhập cái tâm thế lục địa Bắc Phương hóa, coi lục địa quan trọng hơn, quay lưng lại với biển, trọng nông.

Có thể “thoát Trung”           

Nhiều câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có thực sự đi theo chủ nghĩa cộng sản? Trả lời được câu hỏi này để chúng ta không ảo tưởng viển vông vào “đồng chí”, và thoát ra quỹ đạo chịu ảnh hưởng để có lối đi riêng cho dân tộc mình. Ông nghĩ sao?

Tôi phải nói ngay rằng trong nhận thức của tôi, ở Trung Quốc không có chủ nghĩa cộng sản, không có chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bởi vì có hai chuyện thế này. Thứ nhất là định nghĩa kinh điển về CNXH, đến bây giờ chưa ai thay đổi, mà Trung Quốc thì không theo cái định nghĩa kinh điển đó. Thứ hai, tinh thần cộng sản là tính quốc tế. Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản có câu là người cộng sản không có tổ quốc, dân tộc. Chủ nghĩa quốc tế vô sản mới là cốt lõi của phong trào cộng sản. Tôi không nói chuyện đúng hay sai ở đây, tôi muốn nói tinh thần cộng sản là như vậy. Vì vậy, trong thực tế tất cả các biểu hiện nhấn mạnh và nghiêng về tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc đều bị nhất loạt coi là chủ nghĩa xét lại. Chính chủ nghĩa xét lại ra đời như thế đó, là nhấn mạnh tính dân tộc trên tính quốc tế, nhấn mạnh đặc thù địa phương hơn là cái phổ biến, không coi trọng, không ưu tiên tính phổ quát toàn nhân loại. Nếu nói về khái niệm là như vậy.

Họ đuổi bắt một cái thứ CNXH quái gở, thể hiện trong đại cách mạng văn hóa vô sản, mà ai cũng biết hệ quả của nó. Thế rồi sau khi dừng đại cách mạng văn hóa vô sản được hơn chục năm thì hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Đặng Tiểu Bình đưa ra một loạt đường lối, quyết sách, với việc kế thừa rất nhiều tinh thần tư tưởng từ Mao Trạch Đông. Họ công bố rằng họ sẽ xây dựng một thứ “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Tôi phải lưu ý rằng có một thứ lừa dối, tị húy, trở thành một cạm bẫy dịch thuật, đó là khi ta dịch cái tên Đảng của chủ nghĩa phát-xít Đức, mà ta lại qua tiếng Tàu là Đảng Quốc Xã. Dịch cho đúng phải là Đảng Quốc gia – xã hội chủ nghĩa.

Không hề ngẫu nhiên là có rất nhiều công trình nghiên cứu đặt một mối liên hệ, một sự đồng dạng, so sánh giữa cái nền chính trị Trung Hoa và Đức Quốc Xã. Thậm chí nó giống nhau cả về những thủ đoạn, toan tính, cả tính chất mức độ tàn bạo. Trung Quốc có chủ nghĩa Cộng sản không? Không. Câu trả lời là dứt khoát. Nó là một biểu hiện, thậm chí cực đoan của chủ nghĩa dân tộc. Và cái hàng đầu hiện nay họ đuổi bắt là “Trung Quốc mộng”. Nếu giới cầm quyền Việt Nam định bắt chước Trung Quốc, thì cái đầu tiên cần bắt chước là hãy đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Không ngẫu nhiên ngay sau Đại hội vừa rồi, Tập Cận Bình đi xuống hạm đội Nam Hải, và đứng trên hạm đội này công bố về khát vọng thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Cái khát vọng trở thành đế chế biển muộn màng từ kinh nghiệm cay đắng không theo được với các đế chế biển trước đây. Trung Quốc bây giờ cảm thấy mình đủ nội lực cảm thấy mình cần phải trở thành như vậy. Một đế chế biển. Thậm chí giờ tham vọng lớn hơn, đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ chẳng hạn. Rõ ràng cái cách đặt vấn đề vẫn là một thứ chủ nghĩa nước lớn, coi tất cả các nước khác chỉ là cái món gia vị trên bàn đàm phán.

Các nước trong khu vực đã “thoát Trung” thế nào? Và ông giải thích thế nào với những người bi quan về việc này?

Rõ ràng, bị ràng buộc và lệ thuộc vào Trung Quốc không phải là định mệnh của dân tộc ta. Vì trong cái vành đai văn hóa Hán truyền thống thì Nhật Bản, Hàn Quốc có bị thế đâu? Ngay Bắc Triều Tiên bây giờ cũng vùng vằng thoát ra khỏi Trung Quốc. Những nước thoát ra được đấy đều trở thành nước công nghiệp lớn ngay. Ngay cả Đài Loan cũng như vậy, sở dĩ họ giữ được độc lập là vì mô hình thể chế khác. Những tưởng Đài Loan với Trung Quốc là một sự gắn bó mang tính định mệnh, nhưng thực ra hoàn toàn không phải. Việt Nam từ hàng nghìn năm nay rõ ràng là độc lập với Trung Quốc, và khi bắt đầu có chủ nghĩa đế quốc thực dân thì thế giới bị đa cực hóa, do đó cái sự gắn, trói vào một cực càng không phải là định mệnh. Vấn đề chỉ là bản lĩnh của người lãnh đạo dân tộc, làm thế nào thực thi cái điều đó. Còn rõ ràng phải luôn luôn ghi nhớ là Trung Quốc không muốn nhìn thấy một Việt Nam mạnh, càng không muốn nhìn thấy một Việt Nam độc lập hoàn toàn với Trung Quốc. Chỉ muốn anh lệ thuộc, anh là chư hầu phiên quốc. Lãnh đạo Trung Quốc từ xưa nay với Việt Nam là như vậy. Vấn đề chỉ là bản lĩnh, thái độ, cái trách nhiệm với dân tộc của người lãnh đạo với dân tộc. Và có làm được điều đấy không? Và tôi nghĩ làm được.

Địa chính trị của ta ở cạnh một nước “lớn mà chơi không đẹp”, thì cách ứng xử nên như thế nào, thưa ông?

Một điều phải thuộc nằm lòng là chúng ta cần phải học tập họ và hữu nghị với họ, đấy là những mệnh đề không thể khác được. Nền văn minh Trung Hoa là một nền văn minh vĩ đại, rực rỡ, rất nhiều thành tựu. Cha ông ta đã từng làm học trò của nền văn minh ấy. Và ngày nay không thiếu phương diện chúng ta vẫn tiếp tục là học trò. Về quan hệ quốc tế, hai nước có chung một đường biên giới dài như vậy, không muốn hữu nghị cũng không được. Nhưng mà luôn luôn nhớ rằng đấy là một nước lớn vô trách nhiệm và cư xử bẩn tính. Cộng sinh với người Trung Quốc là một công cuộc đòi hỏi rất kiên trì, nhưng cũng mỏi mệt. Nhưng cũng là tất yếu, chẳng có cách gì khác. Phải khẩn trương củng cố nội lực, làm cho kiện toàn cái tư chất bên trong, phẩm giá dân tộc… thì mới có thể đối đầu cạnh tranh với Trung Quốc được. Với Trung Quốc phải có tất cả các sắc thái đấy: đối đầu, cạnh tranh, hợp tác. Và luôn luôn không bao giờ được ảo tưởng, mà một cái cuộc trường kì hàng nghìn năm như thế cũng không bao giờ được mỏi gối chùn chân. Người Trung Quốc buộc ta luôn phải cảnh giác.

Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)

Comments are closed.