Phải an dân mới được lòng dân

 Tô Văn Trường

 

Có lần tôi nghe báo chí tường thuật Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói chuyện với đại biểu cử tri ở Hà Nội có câu nói rất chí lý: “Được lòng dân là được tất cả” làm tôi nhớ lại ba sự tích xưa kia đã được ghi vào sử sách.

Câu chuyện thứ nhất

Hãy ngẫm tích bên Tàu về niềm tin của dân chúng với chính quyền qua việc Thương Ưởng “di mộc lập tín”.

Sau khi được Tần Hiếu Công trọng dụng, Vệ Ưởng lập ra pháp luật, nhưng không công bố ngay lập tức. Trước tiên, ông làm một việc kỳ lạ. Ở cửa phía Nam đô thành nước Tần (khi ấy là Lịch Dương), ông cho người cắm một cây gỗ và dán thêm một cáo thị nói rằng: “Ai có thể đem cây gỗ này từ cửa thành phía Nam sang phía Bắc, ta sẽ thưởng 10 nén vàng”.

Sau khi cáo thị được dán ra, có rất nhiều người đến xem nhưng không có ai hành động gì, vì đã lâu rồi chẳng ai còn tin vào triều đình nữa. Một sự việc hết sức đơn giản sao lại được thưởng nhiều như thế? Mọi người cho đây là một việc lừa bịp như bao lần lừa bịp khác. Vệ Ưởng nghe nói không có ai chuyển cây, ông đưa ra đề nghị mới: “Được rồi, đổi 10 nén vàng thành 50 nén vàng”. Sau đó có người dừng lại chỗ cáo thị nói: “Xưa nay nước Tần chưa bao giờ thưởng lớn thế này! Nhưng tôi cũng muốn thử một chút”. Người đó chuyển cây từ cổng Nam sang cổng Bắc. Lúc này Vệ Ưởng đã chờ ở cổng Bắc, thấy cây được chuyển đến, ông mới nói với người đàn ông vác cây rằng: “Thật là một công dân tốt. Lập tức thưởng cho anh ta 50 nén vàng. Ta muốn qua việc này để tuyên bố: Từ nay, triều đình đã nói là làm.”. Câu chuyện này đã khiến đô thành nước Tần náo động vì số tiền được thưởng lúc đó quá lớn.

Thông qua sự việc này, Vệ Ưởng muốn truyền đến bách tính một thông điệp rất rõ ràng: “Pháp luật là tôi định ra, dù nó có chỗ hoang đường hay sai lầm thế nào, nhưng tôi đã nói là làm”. Đây là việc thứ nhất, gọi là “di mộc lập tín”, thông qua việc chuyển cây mà xác lập sự tín nhiệm của người dân nước Tần đối với ông, cũng chính là lòng tin của dân chúng đối với chính quyền vậy!

Câu chuyện thứ hai

Khi Sở Trang Vương lên ngôi, nước Sở tao loạn bởi đám quan lại tha hoá đến cùng cực. Biết mình không có phe cánh, nên Sở Trang vương giả vờ say rượu, suốt ngày nghe cung nữ múa hát.

Cho đến hơn 2 năm sau, có một đại thần trung lương không chịu nổi cảnh ấy, nhân buổi thiết triều bèn khảng khái tâu rằng: “Tôi thấy hơn 2 năm qua, trên núi Sở có một con chim suốt ngày say rượu và xem cung nữ múa hát. Không biết chim ấy là loài gì”.

Chỉ chờ có thế, Sở Trang Vương bèn nhổm dậy, đĩnh đạc tuyên: “Con chim ấy chính là Ta. Nó đã cất tiếng thì mặt trời vỡ vụn. Nó đã vỗ cánh thì mặt đất rung chuyển”. Đoạn, tuyên xử trảm ngay lập tức 8 vị “tinh hoa dân tộc” đang giữ các chức thượng thư, rồi gọi 8 vị nhân sĩ từng tu thân trong rừng sâu ra thay thế và phong vị đại quan trung lương kia làm Tể tướng. Nước Sở nhanh chóng trở nên hùng mạnh và tranh bá thiên hạ với nước Hán từ đó.

Câu chuyện thứ ba

Trong lịch sử hàng nghìn năm, hiếm có triều đại nào xây dựng thành quách kiên cố, vững chãi như thành Tây Đô của nhà Hồ. Nhưng, khi giặc Minh tràn sang, thì nhà Hồ cô độc chống giặc, còn nhân dân thì tìm bắt vua quan nhà Hồ nộp cho giặc. Tây Đô thất thủ, cha con Hồ Quý Ly cùng một số tướng lĩnh trung thành chạy vào Nghệ An. Nhiều tướng lĩnh của nhà Hồ bị giặc bắt. Cuối cùng, đến lượt cha con Hồ Quý Ly cũng bị giặc bắt ở vùng biển Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng từng phát biểu trước triều đình rằng: “Tôi không sợ đánh giặc, mà chỉ sợ lòng dân không theo” và chính Hồ Quý Ly đã thừa nhận điều này khi ban thưởng cho Hồ Nguyên Trừng chiếc hộp trầu bằng vàng. Thành cao, hào sâu như thế, nhưng rồi cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ vẫn thất bại. Thất bại vì để mất lòng dân, thậm chí đàn áp, bóc lột tàn độc đến mức dân căm phẫn hơn cả kẻ thù.

Dân là gốc của nước. Giữ nước trước hết là giữ dân. Phải an dân mới được lòng dân. Bài học xương máu ấy không bao giờ cũ trong bất cứ thời nào, chế độ nào và chỉ có những bậc chân nhân, lương đống mới thẩm thấu bài học ấy!

Ngẫm suy

Có đọc giả chuyển cho tôi bài thơ sưu tầm “Tử tế là cái đích của con người” thì nhận được lời bình rất đáng suy ngẫm: ”Phải nói đến sống tử tế là bắt đầu có chuyện phức tạp rồi! Đúng ra nó phải là lẽ tự nhiên của SỐNG! Là NGƯỜI thì phải thế!”.

Một vị đại biểu Quốc hội có chức sắc, nổi tiếng là trí tuệ, thẳng thắn, bản lĩnh rất được lòng dân, mới đây gửi cho tôi tin nhắn nguyên văn như sau: “Bây giờ em chẳng muốn nói gì nữa! Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách gặp em đều nói từ nay họ sẽ không chuyển đơn thư khiếu nại, hay kêu cứu của người dân nữa, vì rủi ro rất cao.”

Nghị sĩ Quốc hội còn bất an thế, thử hỏi tâm trạng người thường dân như thế nào? Thế là nguy chứ không phải là yên.

Phải loại bỏ các khái niệm sai lầm trong nhận thức 

Ngày nay, mặc dù khoa học công nghệ tiến như vũ bão, nhưng vẫn chưa có công cụ hữu hiệu nào để đánh giá chính xác nhận thức và diễn biến tư tưởng của con người. Về nhận thức, tôi thấy có khá nhiều vị lãnh đạo ở nước ta kể cả cấp trung ương và các địa phương còn ngộ nhận và lơ mơ khi phát biểu đến các vấn đề khá trừu tượng có nội hàm liên quan đến triết học như làm chủ tập thể, chủ nghĩa cá nhân, tự diễn biến, tự chuyển hoá, tham vọng quyền lực, v.v.

Làm chủ tập thể

Nói xa hơn triết lý như lịch sử bao giờ cũng phải tôn trọng sự thật. Tôi được nghe vị trưởng thượng kể rằng đã trực tiếp nghe ông Lê Duẩn phát biểu không tán thành chuyên chính vô sản, tư tưởng “làm chủ tập thể” là bước đi đến sự thay thế cho chuyên chính vô sản nhưng rồi tư tưởng này bị xuyên tạc trở thành một mớ hỗn độn những “tạp pí lù” mà về sau, khi tuổi cao, có phần kém sáng suốt với căn bệnh của người già, thích nói mà không thích nghe, nên đưa ra những ý tưởng lộn xộn. Chính ông Lê Duẩn khẳng định: “Không thể xóa đơn vị con người. Không có đơn vị con người thì không có xã hội”. Đáng tiếc rằng, tư tưởng này (một phần cố gắng khắc phục sự lệch lạc cực đoan của mệnh đề “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”) đã không được phát triển sâu hơn, toàn diện hơn mà cốt lõi triết lý sâu sắc của nó bị vùi lấp đi bởi những mệnh đề chính trị thiển cận.

Và hệ lụy đau đớn nhất là sự coi nhẹ về “bản thể luận” của vấn đề con người, biến con người thành một “con người kinh tế” đơn thuần, một sản phẩm giản đơn của trình độ kinh tế mà xã hội đạt được. Kiểu loại con người này chỉ được nhìn nhận và đánh giá về mặt “tổng hòa của các quan hệ xã hội”, mà trên thực tế là các quan hệ kinh tế. Trong lúc đó, đời sống tinh thần, chiều cạnh siêu hình học, mặt tâm linh của con người mới là cái tạo nên sự khác biệt cơ bản nhất giữa con người với con vật, lại bị xem nhẹ, thậm chí bị lên án [đặc biệt là với chủ nghĩa vô thần và “hệ tư tưởng Mác-Lênin”]. Mệnh đề của Aristotle “con người là một động vật xã hội” và sau này của Mác… được khai thác một cách phiến diện, và cực đoan đặc biệt là với Lênin, Mao Trạch Đông và phần nào đó ở một số cán bộ lãnh đạo của nước ta.

Chủ nghĩa cá nhân

Về “chủ nghĩa cá nhân”, từ điển Larousse tiếng Pháp (tài liệu định nghĩa được các nhà khoa học tôn trọng, thậm chí coi là chuẩn mực) giải thích như sau:

– theo nghĩa thường, chủ nghĩa cá nhân là khuynh hướng tự khẳng định mình không phụ thuộc vào những người khác.

– khuynh hướng coi trọng giá trị và quyền của cá nhân cao hơn giá trị và quyền của các nhóm xã hội.

– Về triết học: lý thuyết đặt ưu tiên vào cá nhân, được coi là nền tảng của tất cả các giá trị hoặc được coi là thực tế xác thực duy nhất và là nguyên tắc cơ bản để giải thích các hiện tượng tập thể.

– Về xã hội học: phương pháp luận nhằm phân tích các hiện tượng tập thể như hệ quả của tập hợp các hành động, các niềm tin và thái độ cá nhân.

Còn ở ta, cho đến bây giờ, “chủ nghĩa cá nhân” chỉ được hiểu theo nghĩa xấu dẫn đến cản trở sự phát triển của cá nhân.

Hồ Chí Minh đã nói: “Phải có tự do tư tưởng. Mọi người được tự do phát biểu ý kiến kể cả ý kiến trái với cái chung. Những ý kiến trái chiều đó phải được tôn trọng, đưa ra tranh luận đối chiếu với thực tế, như thế là cùng nhau đi tìm chân lý.”

Đất nước chỉ có thể phát triển khi những người có trách nhiệm không né tránh những vấn đề được coi là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận nhằm tìm ra đối sách. Chúng ta sống trong cái xã hội này, nó quá quen thuộc, nên gần như trở thành phải chấp nhận mà sống. Những người tâm huyết luôn trăn trở với vận nước thường hay bị sốc, và đau đớn vì những gì mình chứng kiến, theo thời gian cũng bình thản hơn rất nhiều, vì hiểu đó là quy luật tất yếu của một lối đi “chính trị hóa” toàn bộ đời sống xã hội theo kiểu áp đặt, ngộ nhận, “chụp mũ” lạc hậu, nhân danh bảo vệ Đảng mà thực ra là hại nước, hại Đảng, làm cho dân tộc ta bị kìm hãm tư duy.

Vận động luôn là thuộc tính cơ bản của mọi dạng vật chất, chuyển hóa là kết quả tất yếu của vận động. Việc dùng những từ ngữ (không thể xem là khái niệm nghiêm chỉnh), như “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong các văn kiện chính thức và ngôn ngữ của lãnh đạo hiện nay là sai từ gốc, là “cưỡng từ đoạt ý” bất chấp tư duy thông thường của con người. Ngay từ trước Đại hội Đảng khóa XI, nhiều người đã đề cập đến vấn đề cơ chế và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình đặc biệt là đổi mới tư duy là việc rất khó. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền.

Tự diễn biến – tự chuyển hoá

Trước hết, nên làm rõ hơn “tự diễn biến, tự chuyển hóa ” là thế nào trước khi phê phán. Chúng ta phải thừa nhận, con người luôn sống theo thói quen, nên tự đổi mới, nhất là đổi mới tư duy là không dễ. Khó, thậm chí rất khó, nhưng không phải không làm được. Thực tế, nhờ tự đổi mới tư duy, tức “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao cấp nhất, chúng ta mới có Nghị quyết Đại hội Đảng khoá VI (1986) đưa đất nước phát triển cho đến nay.

Đổi mới của Đảng từ 1986 thực chất là tự chuyển hóa về tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường thay cho quan điểm ngự trị trước đó là xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo kế hoạch pháp lệnh.

Với tư duy đổi mới, lãnh đạo Đảng đứng đầu là Tổng bí thư Trường Chinh đã dũng cảm viết lại Văn kiện Đại hội Đảng khóa VI chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế đem lại chuyển biến tích cực cho nền kinh tế và cho đất nước nói chung. Đấy là thực tế chứng minh hùng hồn, là thước đo minh chứng cho việc tự chuyển hướng, tự diễn biến theo chiều hướng tích cực là cần thiết. Đường lối phát triển phù hợp quy luật phát triển của sự vật đã đưa nước ta vượt qua cơn khủng hoảng được toàn dân ta và bạn bè trên thế giới ghi nhận.

Ở Việt Nam, xưa nay công tác lý luận thường đi vào ngõ cụt, không thuyết phục vì tư duy giáo điều, làm thui chột những ý tưởng đổi mới. Nhớ lại, trước Đại hội Đảng lần thứ XI, ngay cả ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội khi phát biểu về “lỗi hệ thống” và các ông vua tập thể cũng bị “chụp mũ” và bị hai nhân vật bảo thủ trong đảng yêu cầu viết bản kiểm điểm. Người dân đủ trí tuệ để hiểu và đánh giá những ý kiến vì dân, vì nước của những vị trưởng thượng, chuyên gia gạo cội của nước nhà. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và luôn đòi hỏi đánh giá sự thật và chỉ có sự thật.

Tham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực cũng thế! Nếu người ta tham vọng (dịch nôm ra là “mong muốn” – nghe có vẻ nhẹ hơn) quyền lực để được đóng góp nhiều nhất cho đất nước thì tốt chứ sao! Chỉ ghét là ghét cái đám quan chức “mũ ni che tai”, “gió chiều nào che chiều ấy” để bám giữ quyền lực mà thôi! Với cái đội ngũ cán bộ chiến lược phần lớn như vậy, lại thêm một đội tham mưu xu nịnh kiểu “Hòa Thân” nó phỉnh đủ thứ… thì đất nước đi đến đâu?

Khi đám đông ở trạng thái hỗn loạn, để ổn định và phát triển, ta cần đến một nhà độc tài, một nhà nước chuyên chính. Ngược lại, trong một xã hội độc tài, chuyên chính, để phát triển ta lại cần một nền dân chủ. Đây là “hai pha” của một chu kỳ phát triển, không có tốt và xấu. Tham vọng quyền lực là bản năng, cũng không có tốt và xấu, chỉ có yếu và mạnh. Muốn đánh giá một xã hội, hay một con người tốt hay xấu, đúng sai, ta cẩn hiểu đúng tình trạng của nó.

Tuy nhiên, nếu tham vọng quyền lực với nghĩa là khát khao nắm quyền nhưng theo nghĩa tiếm quyền – nghĩa là không có tính chính danh được nhân dân và pháp luật thừa nhận – thì đó là tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng tàn ác nhất, đẻ ra toàn bộ mọi tham nhũng khác, và gây ra cho đất nước nhiều tổn thất nhất so với bất kỳ tội tham nhũng nào khác.

Lời kết

Quan bây giờ nhiều người có trình độ học hàm, học vị cao, nhưng người dân cần cái tâm của quan cũng như năng lực thực sự và động lực phụng sự công của người làm quan.

Viển vông và bất hợp lý là một nan đề không dễ giải quyết, khi quốc gia được điều hành bởi một cơ chế chồng chéo, lẫn lộn giữa lãnh đạo chính trị và hành chính công quyền. Cần phải nâng cao quan trí, bởi vì nếu không đổi mới tư duy phát triển, không thay đổi cách tuyển chọn nhân sự cấp cao (ưu tiên cho các nhà kỹ trị), không tiếp cận với kiến thức chung của nhân loại, không tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tích cực thì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh có hình chữ S này sẽ trở thành một đất nước có hình dấu hỏi (?) với những trở trăn không bao giờ chấm dứt về con đường phát triển của đất nước.

Comments are closed.