Nguyễn Hoa Lư
1. Những lời cáo buộc oan ức
Sáng nay, cầm tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, thấy choán gần hết cả trang nhất là lời phán quyết dõng dạc: “Rượu bia, thuốc lá kéo lùi (cái gì vậy ta?) của thanh niên Việt Nam”[1]. Tôi bỏ tờ báo, lục túi, rút ra điếu tuốc, đốt, rít một hơi dài phả khói lên trời cao mà rằng, than ôi tư duy báo chí kiểu “bao giờ cho đến tháng Ba, ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”. Thực sự thì phải nghiêm trang mà đặt câu hỏi ngược lại: Tuổi trẻ An Nam đã kéo lùi (danh dự của) rượu bia và thuốc lá như thế nào?
Với quan niệm “nhậu cứng” anh em mới nể, chơi tới bến, bản lĩnh đàn ông hay khi muốn cùng nhau tâm sự chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là rượu bia chứ uống cà phê thì câu chuyện mất hứng sau vài phút, hay nam vô tửu như kỳ mất gió…, thanh niên Việt có thể làm hỏng tất cả mọi sự trên đời, huống chi bia rượu là thứ rất nhạy cảm (xin lỗi các nhà ngôn ngữ học, cái từ nhạy cảm bây giờ là mốt thời thượng trong phát biểu chính kiến đấy ạ).
Tôi không thuộc trường phái Phùng Quán khi nhà thơ tuyên bố rằng, với việc phát hiện ra lửa loài người thoát khỏi sự mông muội còn khi biết nấu rượu để nhâm nhi, loài người đã gần với thiên đàng mà không cần mang ơn Thượng đế. Trường phái này rất tâm đắc với tuyên ngôn của Lý Bạch: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” mà cụ Tương Như (không phải Tố Như) phiên dịch thành:
Thánh hiền tên tuổi bặt đi,
Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời !
Tôi muốn đưa ra hai mệnh đề về rượu bia và xin nói ngay, rằng đây là những mệnh đề dễ gây sốc, không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Thứ nhất: rượu bia là nguyên nhân quan trọng làm giảm tình hình căng thẳng trên biển Đông
Và thứ hai: phát triển ngành công nghiệp rượu bia là một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia!
Tôi xin bắt đầu từ mệnh đề thứ hai.
2. Những thành tựu hiện tại và chiến lược trong tương lai
Không cần bình luận, những con số được cẩn thận sao lục dưới đây, tự chúng nói lên tất cả.
Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương giá trị 3 tỉ USD, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 Châu Á.
Năm 2015, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít và sản lượng nước giải khát đạt 4,8 tỷ lít. So với năm 2010 dân Việt uống sơ sơ 2,416 tỷ lít bia, thì sau 5 năm, lượng bia tăng 40,72%.
Bia Việt Nam được bầu chọn là rẻ nhất thế giới[2]. Bia mà nhậu với thực phẩm thối được tuồn sang từ Trung Quốc thì giá đã rẻ lại càng thêm rẻ.[3]
Trong từ điển bia hơi của dân Tây ba lô, phố cổ Tạ Hiệp là một điểm đến không thể thiếu bởi giá bia ở đây rất rẻ và mồi nhậu mang đặc trưng văn hóa Việt[4].
Hơn một năm trước (2014), chính quyền Hà Nội quyết định chọn bia là một trong 32 ngành công nghiệp phát triển chủ lực[5].
Hiệp hội rượu bia Việt cho biết, đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành ước đạt từ 4 – 4,25 tỷ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 – 9,2 tỷ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 – 360 triệu lít trong đó rượu sản xuất công nghiệp từ 100 đến 150 triệu lít, đưa sản lượng rượu công nghiệp chiếm tỷ lệ 50% sản lượng rượu toàn quốc.[6]
Không ở địa hạt nào của xã hội An Nam lại có những con số ấn tượng, sống động, đầy sự ám ảnh như vậy. Những con số khô khan vô hồn trong các sách giáo khoa dành cho học trò đã tìm thấy đời sống đầy sắc màu tươi sáng trong các thống kê về mức tăng trưởng của bia rượu Việt.
3. Rượu bia và vấn đề căng thẳng trên biển Đông
Hãy thử đưa ra một viễn cảnh hoang tưởng: ngành công nghiệp bia rượu An Nam lùi lại ba thập kỷ, quay về thời cuối những năm 80 khi cả Hà Nội lèo tèo vài quán bia hơi bán kèm lạc rang và Lê Nin toàn tập. Toàn bộ dân uống bia trên đất nước lập tức về nhà sau giờ tan sở, cùng vợ chuẩn bị cơm tối rồi vừa ăn vừa xem chương trình thời sự trên tivi. Hẳn các nhà xã hội học, các nhà đạo đức, các bác sĩ đạo cao đức trọng sẽ reo mừng?
Các vị vậy là chưa thấm nhuần lý thuyết của chủ nghĩa Mác, rằng sự vật phát triển thông qua sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Một xã hội êm ru kiêu hãnh của thời “ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng, trông lại ngày xưa trông tới mai sau” là xã hội chết lâm sàng. Một xã hội trên dưới một lòng kiểu Triều Tiên, một người cười vạn người hớn hở vỗ tay, một người chết cả triệu người vật vã than khóc đích thực là xã hội mọi rợ.
Xã hội phát triển lành mạnh dứt khoát phải có đấu tranh! Vấn đề là mức độ của sự đấu tranh đó. Nặng như đảo chính, đánh bom tự sát thì tất nhiên đó là thảm họa.
Thế nào là lành mạnh? Xã hội cần có những cuộc biểu tình để dân xả stress, phải có những cuộc bầu cử kiểu hai ba đảng, các ứng cử viên cùng nhau kéo lên ti vi, chỉ thẳng vào mặt nhau mà mạt sát để dân chúng bên dưới hò reo…
Lành mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thể coi là sự đóng góp đáng tự hào của Việt Nam vào văn minh chung của nhân loại. Ấy là mọi uất ức và nhức nhối của xã hội đều được hóa giải nhờ việc dân chúng tha hồ xả stress qua rượu bia và thuốc lá. Khi có chút men vào, mọi sự đều lung linh huyền ảo, những điều trọng đại đều nhỏ như hạt bụi. Chỉ mấy em chân dài môi mọng là quan trọng!
Lúc đó thì:
Biển Đông vẫn quanh năm dạt dào sóng vỗ, Hoàng Sa Trường Sa ở tít mù ngoài khơi xa, là của toàn dân nhưng không riêng của mình ai. Tàu lạ đến quấy nhiễu thì có nhà nước và Đảng lo. Tàu cá của ngư dân Lý Sơn Quảng Ngãi có bị đâm chìm thì cứ coi như rủi ro đụng vào tảng băng ngầm. Hãy cứ trăm phần trăm, tới bến, hãy cứ chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, hãy nâng lý cạn chén mà mơ về những bộ phim Việt lãng mạn và buồn như phim Titanic.
[1] http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160306/ruou-bia-thuoc-la-keo-lui-thanh-nien-viet-nam/1062586.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/183466/bia-viet-nam-re-nhat-the-gioi.html
[3] http://anninhthudo.vn/phong-su/dan-nhau-via-he-khong-so-chan-ga-thoi-noi-tang-ban/619092.antd
[4] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/184038/bia-co-ngoi-ghe-nhua-5-000-dong-o-pho-tay-ha-noi.html
[5] http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-viet-uong-bia-nhieu-hay-it-1415535511.htm
[6]http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nam-2015-nguoi-viet-uong-3-4-ty-lit-bia-70-trieu-lit-ruou-2016010520405262.ht
Nguồn: https://nguyenhoalu.wordpress.com/2016/03/06/quanh-hang-bia-khong-ai-ban-chuyen-bien-dong/