Sẽ tìm hy vọng ở đâu?

Vương Trí Nhàn

 

Khi danh họa Leonardo da Vinci quyết định sẽ vẽ một bức bích họa có chủ đề “Bữa tối cuối cùng của Chúa”, ông đã tiến hành tuyển người làm mẫu để vẽ Jesus.

Trong hai tháng ròng rã, da Vinci tuyển chọn hàng ngàn thanh niên ở địa phương, cuối cùng ông tìm ra một chàng trai 17 tuổi với gương mặt “mà không một ý nghĩ xấu xa nào có thể nảy mầm”.

Sáu tháng sau đó, danh họa vùi đầu làm việc để vẽ lại khuôn mặt của chàng trai vào chính giữa của bức tranh.

Bảy năm kế tiếp, ông lần lượt vẽ 12 học trò của chúa, nhưng tới khi vẽ Judas, Da Vinci lại thấy quá đỗi khó khăn.

“Không thể truyền đạt được sự xấu xa sau ngần ấy thời gian chỉ vẽ sự tốt đẹp” – họa sĩ tự nhủ.

Da Vinci cần có một gương mặt mẫu xấu xa bỉ ổi và đáng ghê tởm nhất trần đời.

Tìm đâu ra một con người như thế?

Ấy vậy mà trong một nhà ngục của Rome, một tên tử tội đã khiến Da Vinci phải lăn lội hàng ngàn cây số.

Gương mặt của hắn ta độc ác, bất tín và khiến người ta tưởng tượng ra đủ thứ tội lỗi trên đời.

Vậy là cuối cùng, Judas cũng đã xuất hiện.

Sáu tháng sau đó, Da Vinci hoàn thiện người thứ 13 trong bức “Bữa ăn cuối cùng của Chúa”. Người ta kể với nhau rằng ông gần như kiệt quệ sau nửa năm phải tiếp xúc với những biểu hiện của tội lỗi toát lên từ gương mặt xấu xa kia.

Khi xong việc, danh họa chỉ muốn người ta tống ngay hắn trở lại với nhà ngục ở Rome.

Thấy vậy tên tử tù bỗng rơi nước mắt:

“Ngài Da Vinci, ngài không nhận ra tôi sao? Khi tôi 17 tuổi, tôi đã từng một lần làm mẫu cho ngài!”

Mấy liên tưởng bơ vơ

Đoạn văn này được viết trên mạng Bongda plus 2-12 -2014, phần để nói về CLB bóng đá Arsenal, sự suy đồi của Arsenal dưới sự dắt dẫn của A. Wenger.

Nhưng chắc tất cả chúng ta đều hiểu rằng nó nói về khả năng vô tận của thế giới này trong việc biến cải con người.

Luôn luôn cuộc đời có thể tác động vào con người ta theo dạng lật ngược, đặt chân lên đầu, mang người ta từ thái cực nọ sang thái cực kia.

Riêng tôi lại thấy nó còn là bài học về lao động của người nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có yêu cầu cao về nghề nghiệp nhất định sẽ được đền đáp. Miễn là ở ông ta sự sáng suốt đi kèm với sự kiên trì.

Gần gũi nhất với tôi là cái câu Da Vinci “gần như kiệt quệ sau nửa năm phải tiếp xúc với những biểu hiện của tội lỗi toát lên từ gương mặt xấu xa kia”.

Còn đau nhất với tôi là cái câu cảnh cáo “Không thể truyền đạt được sự xấu xa sau ngần ấy thời gian chỉ vẽ sự tốt đẹp”

Tôi tự hỏi thế còn trường hợp ngược lại?

Đám nghệ sĩ tầm thường chúng ta thời nay, từ thuở sinh ra tới khi nhắm mắt, luôn bị bao quanh bởi trùng trùng điệp điệp những cái xấu, sẽ tuyệt đường sinh lộ khi mong mình có thể diễn tả cái đẹp tối thượng hay sao?

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100007958417043&fref=nf

Comments are closed.