Tháng Chín năm xưa

Lê Học Lãnh Vân

1) Các văn bản của vua Bảo Đại gồm Chiếu Thoái vị, Chỉ dụ dành cho Hoàng gia được các trang Phây đăng lại trong những ngày qua… Các văn bản ấy cho thấy tinh thần của cả một thời đại đòi lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Người viết bài này ở Miền Nam, những năm trung học được học về các sự kiện lịch sử đó và được thầy cho đọc chiếu thoái vị, chỉ dụ dành cho hoàng gia vốn được lưu truyền tự do trong xã hội đa nguyên thời ấy. Nhiều học sinh chúng tôi rất xúc động và nghe lòng vang vang tiếng trống hào hùng khi đọc những câu của vua Bảo Đại như:

Trong Chiếu Thoái vị: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.

Trong Chỉ dụ dành cho Hoàng gia: “nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân.

"Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân", vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối.

Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường”.

2) Các văn bản ấy liên quan tới những sự kiện lịch sử đầu tháng Chín năm 1945. Trước khi nhắc tới sự kiện ấy, xin anh chị lắng lòng về một nhân vật mất ngày 1/9/1898, bốn mươi bảy năm trước đó. Nhân vật ấy là ông Trương Vĩnh Ký có kiến thức rất rộng, tới mức được học giả Pháp Jean Bouchot nhận xét rằng “người dân hoàn toàn Nam kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học…”. Việc này đem lại uy tín và vinh dự cho người Việt. Và chắc không ít người đồng ý với nhau về công lao to lớn của ông Trương Vĩnh Ký trong việc phổ biến và củng cố chữ Quốc ngữ trong buổi đầu phôi thai, một lợi khí rất lớn cho người Việt thoát khỏi cơn mộng đè Trung Hoa kéo dài trên ngàn năm! Cùng với chữ Quốc ngữ, ông cũng phổ biến nhiều kiến thức tới người Việt thời đó.

Nhưng, sau năm 1975, tên ông bị gỡ khỏi những con đường trong thành phố ông sống và làm việc, cũng bị gỡ khỏi ngôi trường lừng danh truyền bá tri thức cho Miền Nam! Việc gỡ bỏ tên ông được cho là vì ông có quãng đời phục vụ người Pháp, củng cố nền đô hộ của họ tại Việt Nam! Cụ Nguyễn Đình Đầu, một nhân sĩ gốc Miền Bắc, một người có công với chế độ Miền Bắc, viết quyển sách “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” thì quyển sách ấy chịu nhiều phận truân chuyên vì sự cấm đoán của chính quyền!

Đoạn viết này không nhằm bênh vực hay công kích ông Trương Vĩnh Ký, việc đã có nhiều người làm, mà nhìn cách chế độ đối xử với ông để có một cái nhìn về tính cách của dân ta, nước ta. Như vài dòng trên vạch ra, nhiều người công nhận công lao quan trọng của ông Trương Vĩnh Ký trên phương diện văn hóa, giáo dục, mở mang dân trí cũng như vinh dự ông mang lại cho đất nước qua nỗ lực cá nhân trong việc học hỏi và hoạt động học thuật. Ngay cả khi, giả sử, không đồng ý với hoạt động cộng tác với Pháp của ông Trương Vĩnh Ký, thậm chí cho rằng điều đó trật, người ta không thể bỏ qua điểm yếu đó để nhìn điểm mạnh của ông sao? Không thể bỏ qua “Tội” để nhìn nhận, vinh danh “Công” của ông sao?

3) Lấy “Tội” đè “Công” như vậy rõ ràng phản ánh tâm lý hẹp hòi, thiếu bao dung. Vinh danh “Công” để làm yên vui xã hội, gọi mời nguyên khí há chẳng hơn đem “Tội” ra đe khiến xã hội lo sợ, hiền tài ngoảnh mặt, xu nịnh và rác rưởi lên ngôi? Bài viết này tin rằng đó không phải là nền móng quản trị quốc gia lâu dài! Có lẽ các phiên tòa Giải Cứu và Việt Á đang xảy ra đã quá đủ để chứng minh mức độ rác rưởi lên ngôi!

Lấy “Tội” đè “Công” như vậy, nhìn sâu hơn, phải chăng phản ánh tính ganh ghét, ganh tị? Người thiếu kiến thức ganh ghét người học rộng, hiểu sâu! Người thấp kém ganh ghét người trong giới tinh hoa, thượng lưu, được xã hội trọng vọng! Đọc các bài kể tội ông Trương Vĩnh Ký thường thấy người ta đề cập đồng lương của ông! Nhìn cảnh đấu tố thương luân bại lý trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất trời long đất lở, người ta càng cảm nhận lòng căm ghét và ý chí cướp đoạt hèn ác này!

Suy xét sâu hơn nữa, lấy “Tội” đè “Công” như vậy phải chăng phản ánh tâm lý chỉ biết tới mình, tới phe phái của mình? Điều gì hợp với ta, trực tiếp hay gián tiếp tốt với ta, cho ta, thì có “Công”, điều gì không hợp với ta, trực tiếp hay gián tiếp không tốt với ta, cho ta, thì có “Tội”, bất chấp điều đó được cộng đồng công nhận ngược lại! Nhìn thái độ của những sử gia “cách mạng” như ông Trần Huy Liệu dìm các nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, ngay cả bằng biện pháp dùng tài liệu bị tố cáo là không trung thực, chưa ai chứng minh được là thật, và bất chấp thái độ kính trọng, tôn vinh những nhân vật này của đại đa số người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, phải chăng giả thuyết này càng được củng cố?

4) Tháng Chín năm 1945 ấy, dù không phải là tháng tuyên bố độc lập đầu tiên của Việt Nam trong năm 1945, dù đích thị là tháng Cướp chính quyền từ tay chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim, tháng đó cũng được nhiều người ủng hộ. Tháng đó có giá trị xứng đáng hơn nếu…

Nếu những sự kiện tiếp theo tháng đó được như lòng mong muốn của vua Bảo Đại trong Chiếu Thoái vị nhường chính quyền cho phe Việt Minh: “Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân”.

Nếu tiếp theo tháng đó không có cuộc Cải Cách Ruộng Đất rồi Nhân Văn Giai Phẩm… không có hàng triệu thanh niên Việt chết trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai…

Nếu ba chục năm tiếp theo tháng đó không có việc đưa giới tinh hoa và hiểu biết nhất Miền Nam vào trại cải tạo, không có các cuộc cải tạo tư sản Miền Nam làm tan nát nền móng kinh tế – xã hội của vùng đất giàu nguồn nhân lực có thể góp phần rất lớn phát triển quốc gia…

Thì ước muốn của vua Bảo Đại khi thoái vị về một “một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân” chắc được thực hiện…

Thì đâu có cuộc vượt biển bởi các thuyền nhân chấn động địa cầu khiến quốc gia rỗng nguồn nhân lực sau năm 1975…

Thì chắc Tháng Chín Năm Xưa thực sự là khoảnh khắc lịch sử rất được yêu mến trong lòng đại đa số người Việt…

Ngày 28 tháng 8 năm 2023

image

Comments are closed.