Tư duy giáo dục trong nhà văn

Phạm Toàn

image0046

Nhà văn Phạm Toàn và các giáo viên

Cũng như nhiều đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới, và cũng do hoàn cảnh dễ được đặt vào vị trí “tiên phong” trong xã hội, nhiều nhà văn Việt Nam cũng là nhà giáo. Thống kê chưa có, song có thể thấy những nhà giáo nổi tiếng trong nghề văn, như Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao. Có nhà văn nổi tiếng rồi mới  trở thành nhà giáo, hình như đó là trường hợp Lev Tolstoy. 

  1. 1.      Cái nghèo

Nhà văn không giàu. Nhưng có những người thích ca tụng cái nghèo của nhà văn. Chẳng hạn như câu đùa lâu nay trong xã hội: “nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo”. Hình như câu đó nổi lên trong thời kỳ kinh tế bao cấp. Các nhà đó, cả ba nhà cộng lại, cũng chỉ bằng một nhà nghèo thôi Thật vậy sao? Nghe mà thấy cũng đáng xót!

Trong quá khứ Việt Nam, nhiều nhà văn nước ta từng là nhà giáo – hoặc nói ngược lại, có nhiều nhà giáo chúng ta ngoài nghề giáo còn có thêm nghề văn. Không khảo sát riêng nhà văn hoặc riêng nhà giáo, chỉ xét vài ba trường hợp vừa là nhà văn và vừa là nhà giáo, thấy cũng có người nghèo, nhưng cũng có nhà văn thời xưa không đến nỗi nghèo lắm.

Nguyễn Triệu Luật là một nhà văn kiêm giáo sư dạy Sử học bậc Cao đẳng tiểu học (bậc Phổ thông cơ sở của ta bây giờ). Ông giáo Luật sống cuộc đời ngắn ngủi, mới 43 tuổi đời đã bị một Định mệnh Đen cướp đi cuộc sống. Mặc dù vậy, hình ảnh ông giáo có phần “tự họa” trong đoạn mở đầu tiểu thuyết bất hủ Ngược đường Trường Thi vẻ ngoài khù khờ nhưng chắc chắn là dạy học giỏi và được học trò yêu kính, ông giáo ấy trải mười năm sáng tác đã để lại cho đời cả chục cuốn tiểu thuyết lịch sử tuyệt tác ngang ngửa những kiệt tác cùng loại của loài người. Nhà giáo kiêm nhà văn Nguyễn Triệu Luật không nghèo, cũng chẳng giàu… ít nhất cũng không nghèo như nhà văn kiêm nhà giáo Nam Cao.

Nhà giáo Nguyễn Công Hoan là con quan (cũng như Nguyễn Triệu Luật) nên cuộc sống cũng chẳng đến nỗi nào. Phải không bần hàn, thì nhà giáo viết văn ấy mới có được cái nhìn tinh quái, những câu pha trò hóm hỉnh trong ngồn ngộn truyện ngắn, truyện dài của mình. Ngồi trong lớp học ở Hải Dương, chẳng hiểu ông Nguyễn Công Hoan gõ đầu trẻ tần mần nghĩ ngợi những gì khi đang dạy học mà để ông Nguyễn Công Hoan nhà văn ngắm nghía rồi mô tả đoàn tầu hỏa đi qua cầu Phú Lương ngày ngày “như con sâu róm” đang bò…  

Có người sẽ cãi lại: Nam Cao không là con quan, Nam Cao không có môi trường ông giáo “công lập” như Nguyễn Triệu Luật và Nguyễn Công Hoan. Và thiên hạ cũng ngờ ngợ, “hình như” Nam Cao nghèo, thậm chí rất nghèo.

Không! Nam Cao ngay cả khi về quê ngồi viết văn, tự họa “như con trâu nghênh” ngắm Trăng sáng, và sống nhờ vợ. Nói thật chứ, miếng đất ở làng Đại Hoàng của vợ chồng nhà văn vẫn là ước mơ của ối người thời hiện đại. Chẳng qua là cũng thích giễu mình như cụ bạn tỉnh Nam, giễu anh nhà thơ sống nhờ vợ quanh năm buôn bán ở mom song nuôi đủ năm con với một chồng. Thử hỏi thời bao cấp Việt Nam, có anh nào nuôi nổi thân, huống chi nuôi một vợ và hai con (“mỗi nhà nên dừng lại ở hai con” – có muốn nữa cũng chẳng được!)

Thành thử chuyện Nam Cao nói những lời chán nản trong Sống mòn Đời thừa đâu có phải vì nhà văn tinh tế đáng yêu này “than nghèo”? Nam Cao than cho cái nghèo tâm hồn. Nhà văn bao giờ cũng nổi loạn trước cái nghèo tâm hồn, chứ họ đâu có màng giàu sang phú quý. Tolstoy soạn sách dạy I tờ cho trẻ em Nga ở cái trang trại mênh mông Iasnaja Polyana chính là phản ứng lại trước tiềm năng mòn đi, mốc lên, mục ra của thanh thiếu niên đồng bào mình.

Chuyện những nhà “trí thức” than nghèo bịa ra những tân thành ngữ kiểu như “nhà văn nhà báo nhà giáo nhà nghèo”, hoặc bịa ra tiếu lâm Phở là gì? Phó tiến sĩ là gì? chẳng qua chỉ thể hiện sự nghèo nàn tâm hồn của những người thích mang vác mấy lời nói gió bay đó gieo khắp thiên hạ. Nhà văn chân chính và nhà giáo chân chính không làm công việc tuyên truyền nghèo nàn đó.

Nhà văn chân chính và nhà giáo chân chính cũng coi chuyện ba mươi tư nghìn tỷ Việt Nam đồng là chuyện thảo luận lạc đề nên chẳng thích tham gia phản biện mà cũng chẳng ưa biện hộ cho một điều sai lè lè.

  1. 2.      Cái tuyệt đối

Nhà văn Việt Nam chân chính nhìn vào công cuộc giáo dục với một tư duy nhiều khi viển vông – nó phải hơi viển vông thì mới là tư duy giáo dục của nhà văn đích thực. Và thái độ của nhà văn đối với sự nghiệp giáo dục bao giờ cũng phải tuyệt đối – bởi nhẽ ấy mà họ thường hay bị phê phán là “cực đoan” – nhưng nếu không cực đoan mà bao giờ cũng giống anh bồi nói tiếng Pháp để tả con hổ lúy tí tí giôn tí tí noa lúy sực me xừ sự cả moa thì làm nhà văn sao được!

Với một bản tính thích đòi hỏi cái tuyệt đối, có lẽ nhà văn Việt Nam lúc này sẽ đòi hỏi một nhà trường Ba Không như sau: không hộ khẩu, không học phí, không bắt nạt. Không hộ khẩu, chắc chắn điều đó đang phải diễn ra và cũng bắt buộc phải gần cán đích Giáo dục. Không học phí là điều  hoàn toàn hiện thực ngay bây giờ và ngay ở đây tại khắp các tỉnh thành, với điều kiện khẩu hiệu đó phải nằm trên bàn nghị sự một Nhà nước có Nhân quyền và Dân quyền.

Còn thế nào là một nhà trường không bắt nạt? Giả định rằng hai cái bắt nạt lớn là hộ khẩu và học phí gỡ đi rồi, còn lại những cái bắt nạt to nhỏ nào khác? Đây này: bắt trẻ con phải thi vào lớp Một bằng những đề thi trắc nghiệm, khiến cho các cháu phải “học thi” từ khi mới bốn tuổi – còn gì vô nhân đạo hơn những cái thứ nhà trường “xã hội hóa” quen bắt nạt và rất xa với tiêu chí “giáo dục” ấy?

Gì nữa? Nạn thi cử còn kéo dài ở nhiều tầng bậc, nhưng đau khổ nhất cho con trẻ là tệ nạn cho điểm. Cả xã hội rung rung chạy theo điểm mà không chạy theo sự học thực sự và do có được một cách học đúng nên tất cả học sinh em nào cũng phải đạt chuẩn và sẽ có những học sinh cá biệt ngoi cao hơn các bạn cùng trang lứa. Có cách dạy học để học sinh nào cũng đạt chuẩn đó. Nhà văn phải đòi nhà giáo cũng có tư duy giáo dục tuyệt đối hoặc cực đoan như mình, phải nhận trách nhiệm khi có học sinh không đạt chuẩn, chứ không dung cái tầm thường của mình làm vũ khí đe dọa học sinh và cha mẹ các em. Thật bần tiện khi đã cho 7 điểm lại có hẳn 7 điểm một phần tư hoặc 7 điềm ba phần tư, cố cho em bé không với tới được điểm 8 an toàn khi mang sổ điểm về nhà. Thật bần tiện khi đã thương tình cho em bé 8 điểm, vẫn tiếc rẻ dánh một cái dấu trừ hằm hè. Ai gây ra tệ nạn bắt nạt ấy? Nhà văn cần nói to lên để cả xã hội truy tìm nguồn gốc của sự bắt nạt học sinh.

Chạy theo điểm từ bé dẫn đến những nghiên cứu sinh đi làm luận án phó tiến sĩ chỉ chăm chăm tìm cách nào lọt qua lọt nhanh và lọt an toàn cửa ải minimum. Một sự học như thế chắc chắn chỉ dẫn đến những “trí thức” mũ cao áo dài. Không có nổi nội dung Làm mà học – Làm thì học từ tấm bé, từ tiết đầu của lớp Một, thì cuối cùng làm sao có nổi những người Học để Làm? Không có nôi hệ thống Cải cách Giáo dục sao cho một em bé lớp Một được thành công, thành công, và thành công ngay từ tiết học đầu của buổi đầu đi học, thì làm sao có nổi những nhà trí thức đầy hoài bão?

Những chuyện lớn của sự nghiệp giáo dục chắc chắn sẽ không được giải quyết nhờ sự lãnh đạo tài tình và bao giờ cũng sáng suốt của một bộ máy quan liêu.

Những nhà văn độc lập cần mời một người trẻ tuổi như giáo sư Ngô Bảo Châu đứng ra cùng lập ra một Diễn đàn Giáo dục công bố tường tận mọi điều đang chuẩn bị cho công cuộc Chấn hưng Văn hóa hay là Chết. Chúng ta không thể chờ Bộ Giáo dục! Cái kế hoạch nhà trường có tên viết tắt tiếng Anh VNEN sẽ ngăn cản “quý Bộ” tiến hành cải cách thực sự. Chuyện tiền nghìn tỷ xin xỏ chỉ là một cái chỏm tai của con cáo khi nhô lên chăm chú nhìn vào cái chuồng gà đựng tiền thuế, chưa là cái đuôi của con cáo đâu, bà con ạ.

Nhà văn, hãy cảnh giác.  

Tác giả gửi Văn Việt

 

 

Comments are closed.