Trần Văn Thọ (Tokyo)
Xây dựng tượng đài, chùa chiền, cung điện làm cạn kiệt nguồn lực đáng lẽ phải dành cho củng cố lực lượng phòng vệ, khoan thư sức dân và đầu tư cho nguồn nhân lực.
Ở Nhật Bản, Thời đại Chiến quốc kéo dài từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17. Các lãnh chúa tranh nhau mở rộng phạm vi thống trị và liên miên chiến tranh để thôn tính nhau. Cuối cùng Tokugawa Ieyasu (1542-1616) lấy được thiên hạ, mở đầu thời đại Edo hơn 250 năm (1615-1868). Giai đoạn cuối của thời chiến quốc này là sự đối đầu gữa chính quyền Toyotomi đóng ở thành Osaka và thế lực Ieyasu ở Edo (Tokyo ngày nay).
Một trong những chiến lược, mưu kế của Ieyasu là xúi giục chính quyền Toyotomi xây dựng nhiều chùa chiền, đền đài để cho ngân quỹ bị kiệt quệ, không còn nguồn lực cho tăng cường năng lực quân sự và cải thiện an sinh cho dân chúng trong thành. Cuối cùng chính quyền này suy yếu và bị Ieyasu tiêu diệt năm 1615.
Sau khoảng 100 năm nội chiến, ba lãnh chúa nổi trội nhất vào cuối thế kỷ 16 là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Ieyasu là đồng minh của Nobunaga nhưng yếu hơn nên trên thực chất là phục tùng Nobunaga, còn Hideyoshi là vũ tướng đắc lực, là cánh tay mặt của Nobunaga. Do đó, lịch sử đã chuyển động chung quanh Nobunaga và lúc đó ai cũng thấy là Nobunaga sẽ thống nhất thiên hạ, và trên thực tế đã bình định phần lớn các thế lực khác.
Nhưng bất ngờ là Nobunaga bị một vũ tướng khác của mình là Akechi Mitsuhide làm phản, bất ngờ tấn công vào chùa Honno ở Kyoto là nơi Nobunaga dừng chân trên đường đi tiếp viện cho Hideyoshi đang giao tranh với lãnh chúa Mori ở vùng Chugoku (hiện nay là Hiroshima). Trước quân số đông gấp 10 lần của Mitsuhide và bị tấn công bất ngờ, Nobunaga phải tự tử sau cuộc chiến đấu không cân sức.
Hideyoshi nhận định đây là thời cơ để mình lấy thiên hạ nên đã giảng hòa với Mori và tức tốc chuyển quân về Kyoto để trị tội Mitsuhide. Hideyoshi sợ Ieyasu ra tay trước nên đã hành động ngay. Với chiến lược chuyển binh thần tốc, bất ngờ và với tài dụng binh đã được thử thách qua nhiều năm, Hideyoshi đã thắng Mitsuhide dễ dàng. Sau đó Hideyoshi đã bình định nhiều lãnh chúa còn lại và hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ mà Nobunaga đã bỏ dở. Năm 1585 Hideyoshi được thiên hoàng phong làm Kanpaku, một chức vị tương đương với địa vị của chúa, thay mặt thiên hoàng chấp chính, cai trị thiên hạ.
Bây giờ Ieyasu lại phải phục tùng Hideyoshi mặc dù vẫn nuôi chí lớn và chờ thời. Năm 1598 Hideyoshi mất, lúc đó người con trai duy nhất là Hideyori mới 06 tuổi lên kế vị. Trước khi mất Hideyoshi giao cho mẹ của Hideyori và các đại thần phò tá cho đến khi ấu chúa khôn lớn, với mong muốn chính quyền Toyotomi sẽ trường cửu. Ieyasu cũng được chỉ định là một trong mấy đại thần có trách nhiệm phò tá Hideyori nhưng trong lòng đã bắt đầu nuôi ý đồ chiếm đoạt thiên hạ.
Trong lúc chờ thời, một mặt Ieyasu củng cố thế lực, tăng vây cánh, mặt khác tìm cách làm cho chính quyền Toyotomi suy yếu mà một trong những chiến lược cụ thể là xúi giục chính quyền này xây mới và tu bổ thật nhiều chùa chiền, đền đài, không phải chỉ ở Nara và Kyoto mà trên quy mô toàn quốc. Trong các công trình này nổi tiếng nhất là việc xây dựng lại chùa Hokoji (Phương Quảng Tự) ở Kyoto, một công trình đồ sộ kéo dài từ năm 1602 đến 1613 mới hoàn thành.
Tháp chuông của chùa Hokoji
Ieyasu biết là Hideyoshi đã để lại một tài sản kếch xù dưới dạng vàng bạc nên phải làm sao xúi giục chính quyền Toyotomi tiêu xài phung phí để làm cạn kiệt nguồn lực đó. Ieyasu cũng biết rằng khi những người chung quanh Hideyori bận tâm vào những việc xây cất nầy họ sẽ lơ là những việc quan trọng liên quan sự nghiệp củng cố sức mạnh của chính quyền. Về phía chính quyền Toyotomi, sau khi Hideyoshi mất, uy danh của dòng họ có suy giảm, và họ cho rằng việc kiến tạo, xây dựng đền đài, chùa chiền là một biện pháp để tiếp tục phô trương sức mạnh và sự tồn tại của mình. Do đó họ làm theo lời khuyên của Ieyasu mà không có chút nghi ngờ.
Bước qua thập niên 1610, Hideyori đã xấp xỉ 20 tuổi và dần dần tự mình có thể trực tiếp chấp chính. Không thể để tình trạng đó kéo dài, và thấy chính quyền Toyotomi đã suy yếu, Ieyasu quyết định tiêu diệt nên tìm cớ để cất binh đánh thành Osaka. Trận chiến mùa đông năm 1614 và trận chiến mùa hạ năm 1615 đã kết liễu chính quyền của dòng họ Toyotomi. Hai mẹ con Hideyori phải tự tử trước ngọn lửa do quân của Ieyasu bắn vào thành Osaka.
Xây dựng tượng đài, chùa chiền, cung điện làm cạn kiệt nguồn lực đáng lẽ phải dành cho củng cố lực lượng phòng vệ, khoan thư sức dân và đầu tư cho nguồn nhân lực. Toyotomi đầu thế kỷ 17 ở Nhật chỉ là một trong nhiều bài học mà lịch sử thế giới đã cho thấy.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/255797/tuong-dai–den-chua-va-van-menh-quoc-gia.html