XUNG QUANH VIỆC XÂY THÁP TRUYỀN HÌNH “CAO NHẤT THẾ GIỚI”

Văn Việt: Sau lá thư ngỏ của 45 trí thức văn nghệ sĩ do nhà văn Nguyên Ngọc đại diện, gửi tới ông Tổng Giám đốc VTV chất vấn về sự cần thiết xây dựng một tháp truyền hình “cao nhất thế giới” trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-ngo-kinh-gui-ong-tong-giam-doc-truyen-hinh-vn-ve-viec-xay-dung-thap-truyen-hinh-cao-nhat-the-gioi/), công luận đã tiếp nhận những ý kiến trái chiều, một bên là những người có cùng băn khoăn như các vị ký tên trong Thư ngỏ, một bên là… VTV vẫn biện hộ cho dự án. Chúng tôi xin đăng tải hai luồng ý kiến trên để bạn đọc theo dõi và mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người, với hy vọng cuối cùng VTV học tập Chính phủ trong việc sửa lại Luật BHXH và Hà Nội trong việc dừng chặt cây xanh, biết lắng nghe ý dân mà điều chỉnh việc làm của mình cho đúng đắn…     

 

​1/ VTV: Tháp truyền hình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước

 TTO – Chiều 2-4, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN (VTV), Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp truyền hình, đã cung cấp một số thông tin chính thức về dự án xây dựng Tháp truyền hình ở Việt Nam.

 

 

Phác thảo mô hình tháp truyền hình VN – Ảnh: VTV

Theo đó, đại diện lãnh đạo VTV cho biết sau khi xem xét khả năng có thể huy động được nguồn vốn trong và ngoài nước, VTV đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội với diện tích 14ha, trên nguyên tắc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương cho phép VTV phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ động lựa chọn đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư Dự án.

Vốn pháp định của công ty cổ phần được hình thành từ nguồn vốn của VTV, vốn kinh doanh hợp pháp của SCIC và vốn góp của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư BRG.

Sau khi thành lập, công ty cổ phần sẽ huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn tín dụng để thực hiện đầu tư dự án.

Nikken Sekkei Ltd là công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng tháp truyền hình (như tháp Sky Tree của Nhật Bản) và các công trình tương tự trên thế giới được lựa chọn làm đơn vị tư vấn nghiên cứu lập dự án đầu tư tháp truyền hình.

Tổ hợp dự án tháp truyền hình sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…

Cũng theo thông tin chính thức từ VTV, trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu của tư vấn, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí….. Tháp truyền hình dự kiến cao 636m với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD.

Dự kiến, tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.

Xét về hiệu quả đầu tư, đây là thời gian thu hồi vốn có tính khả thi cao đối với loại hình công trình tương tự trên thế giới.

Xác định đây là dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đại diện lãnh đạo VTV đưa ra cam kết “trong quá trình triển khai dự án chúng tôi sẽ tuân thủ chặt chẽ trình tự quy định của pháp luật, tiếp thu ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và nhân dân”.

V.V.THÀNH

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150402/vtv-thap-truyen-hinh-khong-su-dung-von-ngan-sach-nha-nuoc/728900.html

 

2/ Chuyên gia Nhật Bản đã phản đối ý tưởng “tháp TH” ngay từ lúc đầu

 

 

Haizz, vụ này mình cũng được nghe từ lúc nó còn chưa được công khai. Lúc đấy đi dịch cho một đoàn Nhật Bản gặp VTV. VTV có đưa ra ý tưởng này nhờ NB giúp đỡ trong việc thiết kế vì NB đã xây một tháp truyền hình cao nhất thế giới là Sky-tree. Nhưng mà đoàn NB đó sau khi nghe xong ý tưởng đã kịch liệt phản đối với những ý kiến như sau:

Ý kiến 1:
– Phía VTV đưa ra: Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới là ước mơ từ rất lâu của VN. Và VN có đủ khả năng tài chính để xây tháp này.
– Phía NB: Tuy VN dự trù như vậy nhưng khi xây tháp nhiều khả năng vượt quá dự trù ngân sách. Với ngân sách có thể xây tháp truyền hình thì VN có thể nâng cấp hệ thống phát thành cáp quang ngầm dưới mặt đất, đảm bảo chất lượng cũng như tốc độ phát sóng. Thực hiện nhiều chương trình với quy mô lớn có tầm cỡ quốc tế để thay đổi cách nhìn của nước ngoài về VN. Nâng cấp trang thiết bị….

Ý kiến 2:
– Phía VTV đưa ra: NB nghĩ VN chi một khoản tiền quá lớn để đầu tư nhg chúng tôi dự kiến có thể thu hồi lại vốn sau 10 năm khi tập trung khai thác thác truyền hình như một địa điểm du lịch.
– Phía NB: Đến cả sky-tree hiện nay còn đang thấy việc thu hồi lại vốn cực kỳ bất khả thi nữa là VN vì những lý do sau.
1. Tháp quá cao: Công việc bảo trì bảo dưỡng mất quá nhiều tiền.
2. Tháp quá cao: Khi có gió to hệ thống elevator phải tạm dừng vì lý do an toàn.
3. Tháp quá cao: Trời quang mây tạnh còn nhìn thấy cảnh. Sương mù thì ôi thôi… Địa điểm du lịch cũng là bất khả thi… Không bằng Tokyo Tower. Còn nếu làm ở VN thì tệ nữa với TP.Hà Nội hay sương mù, mưa phùn, ô nhiễm… thì việc vãn cảnh trên tháp thì không cần nói cũng hiểu…
4. Tháp quá cao: Đồ ăn vận chuyển lên cũng khó khăn. Ít khách nên quay vòng không nhanh dẫn đến đồ ăn khó bảo quản… Dịch vụ đi kèm sẽ không tốt.
5. Vì những lý do trên phí du lịch ở Sky – tree là cao không tưởng nên càng ít khách du lịch. Và tiền không đủ để trả tiền bảo dưỡng chứ đừng nói đến vốn…
– Vậy VN xây tháp còn muốn thu hồi vốn là điều không tưởng.

Chốt lại KQ nếu muốn làm tháp chỉ cần tháp cao như Tokyo Tower là phù hợp. Còn đâu quá cao thì bất khả thi. Hơn nữa, với hoàn cảnh VN như bây giờ thì nếu có tiền thì nên làm việc khác chứ không phải đi làm tháp :((
Vậy mà kết quả là chúng ta vẫn làm tháp.

Hoai Anh Doan Le

https://www.facebook.com/Osinhuyduc

3/ Đừng vì biểu tượng mà xây tháp truyền hình…

 

TT – Ông Trần Đăng Tuấn – nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – cùng một số chuyên gia kinh tế lên tiếng về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới. 

              

           

 

 

Liên quan sự kiện Đài truyền hình VN (VTV) dự định xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m), nhà báo Trần Đăng Tuấn – nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số VN – đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi.

Ông Tuấn cho biết: “Tôi là người làm truyền hình lâu năm, nhưng không là chuyên gia về kỹ thuật truyền hình, càng không phải chuyên gia kinh tế. Vì vậy tôi biết đến đâu nói đến đó. Cảm giác cá nhân của tôi là không nhiệt tình đón nhận chuyện này, vì tôi thấy nó chưa phải là cái cần ưu tiên vào lúc này”.

 

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Đây không phải là chuyện ước mơ hay nguyện vọng. Đây là chuyện làm ăn, chuyện đầu tư hiệu quả hay không. Trong đầu tư thì quan trọng nhất – như ai cũng biết – là sẽ có lời lãi hay sẽ có lỗ lã

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Lợi to mới nên làm

* Chưa cần ưu tiên lúc này, có phải quan điểm của ông là không ủng hộ việc xây tháp truyền hình lúc này?

– Quan điểm thì cần có lập luận. Xin chia ra làm hai: nếu chỉ liên quan đến truyền dẫn tín hiệu truyền hình, tôi đủ thông tin và hiểu biết để xác lập quan điểm là không cần xây tháp.

Nhưng liên quan đến chuyện tháp hỗ trợ kinh doanh ngoài truyền hình (viễn thông, du lịch, thương mại, giải trí, đô thị…) thì để xác lập quan điểm cá nhân cần có thông tin.

Thông tin ở đây là các luận chứng kinh tế kỹ thuật cụ thể để có thể khẳng định xây tháp xong khai thác đa dịch vụ sẽ đem lại lợi ích và lợi nhuận vượt lên hay ít ra tương xứng với chi phí bỏ ra. 

Tôi hiện không có thông tin như vậy. Chưa đủ thông tin tôi không võ đoán có ngay quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ.

Tôi không đặt nhiều niềm tin, nhưng khách quan thì tôi vẫn phải để ngỏ một khả năng là những đơn vị xây tháp đã tính toán kỹ lợi ích từ xây tháp. Nếu thật vậy họ nên nói ra.

Xuất phát điểm của tôi là: xây tháp là vụ đầu tư chắc chắn có lợi, mà lợi to thì mới nên làm. Nếu không chắc thì không nên, vì nó tốn kém và không phải là thứ không có thì ảnh hưởng đến sự phát triển của truyền hình.

Từ điểm xuất phát đó, tôi cũng có ý định sẽ tìm cách biết được thêm thông tin để xác lập quan điểm cá nhân cuối cùng của mình. Tôi nghĩ dự án mới ở giai đoạn chuẩn bị nên còn có thời gian để tìm hiểu.

* Ông Trần Bình Minh, tổng giám đốc VTV, từng phát biểu rằng việc xây tháp truyền hình là ước mơ của những người làm truyền hình. Nhưng hiện nay, xu hướng truyền hình VN và trên thế giới đang chuyển sang dùng truyền hình vệ tinh, Internet… thì việc xây tháp truyền hình còn có ý nghĩa về mặt truyền dẫn tín hiệu nữa hay không, thưa ông?

– Trong kỷ nguyên số, việc có hay không có tháp cao không quá quan trọng đối với truyền dẫn tín hiệu. Tất nhiên, nếu nói tháp cao chẳng có lợi ích gì cũng không đúng.

Tháp cao vẫn có lợi để phát tín hiệu số mặt đất xa hơn. Vấn đề là lợi ích thu được của chuyện truyền tín hiệu truyền hình không tương xứng với chi phí làm tháp. Đặt nhiều điểm phát có tầm thấp hơn vẫn phủ được bán kính ấy với giá rẻ hơn.

Nhưng phép tính làm hay không làm tháp liên quan đến các lợi ích ngoài truyền hình: phục vụ thu phát tín hiệu khác (có cả nhu cầu an ninh, quốc phòng); kinh doanh du lịch, thương mại, giải trí; phát triển đô thị…

Các lợi ích ngoài truyền hình sẽ quyết định đáp số cho bài toán kinh tế này. Những lợi ích ấy càng chắc chắn thì giá trị cổ phần (mà sau này có thể bán để thu hồi vốn) càng cao và ngược lại. 

Vì vậy phản biện có sức nặng không hẳn từ người làm lĩnh vực truyền hình, mà phải từ các chuyên gia về kinh tế, dịch vụ.

Chính vì thế nên chủ đầu tư không nhất thiết là đài truyền hình mà là ai có tiền, có kinh nghiệm kinh doanh các lĩnh vực khác truyền hình và có thể tự mình gánh chịu rủi ro. Nếu đơn vị nhà nước tham gia đầu tư, cần phải chịu trách nhiệm rõ ràng về kết quả của việc đầu tư này.

“Biểu tượng” có hái ra tiền?

* Ngày 30-3, trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Lương – phó tổng giám đốc VTV – có nói rằng: “Khu vực xây tháp truyền hình VN sau này sẽ là đầu tàu kinh tế của Hà Nội và VN”. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về ý kiến này của đại diện VTV?

– “Đầu tàu” là chuyện quá lớn. Chắc anh Lương nói chữ đó cũng chỉ là một cách diễn đạt về tác động của tháp với các dịch vụ khác.

Điều quan trọng là liệu có đủ luận chứng tin cậy để chứng minh trong nghiên cứu khả thi là xây tháp truyền hình ở Hà Nội thì kéo theo phát triển những cái gì, và “những cái gì” ấy định lượng ra sao, con số tương đối thế nào.

Du lịch ước tính lợi ích gì, bao nhiêu. Thương mại, giải trí cũng thế. Phát triển đô thị cũng vậy. Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình và tín hiệu khác cũng thế.

Có thể các anh ấy đã có luận chứng như thế thì nên công khai hóa để mọi người có cơ sở bàn luận, phản biện.

Có thể các anh ấy mới bắt tay chuẩn bị, phát biểu trên mới là một ước đoán, một giả thiết, một ý tưởng. Từ giả thiết đến thực tế là chặng đường rất xa và may mắn có thể có, rủi ro cũng rất nhiều.

Hai thập niên trước, VTV cũng xúc tiến chuẩn bị làm tháp với sự tham gia của các đơn vị kinh doanh. Khi đó cũng đã xác định làm tháp là do tính đến có lợi ích ngoài khu vực truyền dẫn phát sóng.

Có ý tưởng hình thành khu đô thị và dịch vụ mới bên dưới với cả sông nhân tạo để có cảnh quan. Quả thật cách đây 10-15 năm người ta có thể thu nhiều tiền nếu xây vùng đô thị. Bây giờ tình huống có khác đi nhiều. Vậy các tính toán bây giờ ra sao tạm thời ít ai biết rõ.

* Trong bối cảnh hiện tại của VN, theo ông, có nên xây tháp truyền hình nếu chỉ vì ý nghĩa biểu tượng?

– Tôi không quan tâm biểu tượng theo nghĩa tinh thần. Bây giờ có tháp cao nhất thế giới cũng không ai bảo VN giàu hay VN giỏi kỹ thuật.

Lúc giàu có rồi, giỏi thật rồi thì lại là câu chuyện khác. Vấn đề với ta bây giờ “biểu tượng” có là cái hái được ra tiền không, và hái ra có đủ để vượt chi phí bỏ ra không. 

Tôi chỉ quan tâm nghe đo đếm tháp cao nhất thế giới đem lại lợi ích thế nào cho kinh doanh, thương mại, du lịch, giải trí, viễn thông…

Dĩ nhiên có danh hiệu cao nhất thế giới là một yếu tố kích thích sự hiếu kỳ trong du lịch. Và cái đó có thể đem lại tiền cũng như vài lợi ích gián tiếp khác. Nhưng cái lợi là bao nhiêu? Câu chuyện vẫn quay về luận chứng kinh tế.

Truyền dẫn tín hiệu không phải là nhu cầu, vậy trong trường hợp lợi ích kinh doanh ngoài truyền hình không chắc ăn thì không nên vì mục tiêu “biểu tượng” mà làm việc này.

* Nếu chỉ xét riêng về khía cạnh truyền dẫn tín hiệu truyền hình, theo ông, có những phương cách nào để xây tháp truyền hình để vừa đạt hiệu quả truyền dẫn tín hiệu vừa tiết kiệm chi phí xây dựng?

– Một cách đại thể thì tôi tin rằng nếu kinh phí xây tháp là dăm sáu trăm triệu USD thì chỉ tách riêng chuyện truyền dẫn tín hiệu truyền hình, số tiền đó thừa đủ để phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) phạm vi cả nước chứ không chỉ một vùng.

Và có lẽ phủ không chỉ một lần. Hệ thống các cột, điểm cao có sẵn ở nước ta sau bao năm xây dựng có thể tiếp tục sử dụng nên tiết kiệm được nhiều.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150401/dung-vi-bieu-tuong-ma-xay-thap-truyen-hinh/728066.html

 

4/ Tháp TH cao nhất thế giới không bằng Đài TH có chương trình hay nhất…

Nước vừa thoát nghèo, mơ xây tháp cao nhất thế giới

Khi xây tháp truyền hình mang ý nghĩa biểu tượng, Nhật và Trung Quốc đều là cường quốc hàng đầu. Riêng chúng ta mơ mộng đến tháp cao nhất thế giới khi vừa thoát nghèo

Tuổi Trẻ nhận được thư của một bạn đọc tên Phương Nguyễn, nhận là người đang công tác trong lĩnh vực truyền hình, nêu ra một số vấn đề xoay quanh dự án VTV xây tháp truyền hình cao nhất thế giới. 

Nội dung lá thư này như sau:

Có một sự kiện được rất nhiều người công tác trong lĩnh vực truyền hình bàn tán cũng như không ít người quan tâm hỏi han, đó là dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

 

Tháp truyền hình Tokyo Skytree cao nhất thế giới hiện nay (634m). Dự án tháp truyền hình VN sẽ cao hơn 2m. Ảnh: Tokyoskytree.

Ngày 10/3, tại khách sạn Hilton (Hà Nội) đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam (VN), với sự tham gia của đại diện VTV, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn BRG.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Trần Bình Minh cho biết độ cao của tháp truyền hình VN sẽ là 636 m, cao nhất thế giới.

Ông Trần Bình Minh chia sẻ “Đó là mơ ước của VTV, mơ ước của không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại VTV”.

Trong những ngày qua, tôi đã cất công tìm hiểu từ các nguồn tư liệu thì được biết tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Skytree (Nhật Bản) với chiều cao 634 m, còn tháp truyền hình VN theo dự án có chiều cao 636 m.

Mặc dù chủ đầu tư của tháp truyền hình Tokyo Skytree là Đài truyền hình NHK nổi tiếng hợp tác với năm đài khác, nhưng người ta khẳng định rằng công trình này là biểu tượng của Tokyo chứ không phải phục vụ cho truyền hình.

Nếu ngày xưa, khi truyền hình còn truyền tín hiệu analog thì chiều cao của tháp đóng vai trò quan trọng, chứ ngày nay truyền hình thế giới đã và đang chuyển sang cáp, tín hiệu vệ tinh thì chiều cao của tháp là vô nghĩa.

Như vậy, với lộ trình đến năm 2020 truyền hình VN sẽ chấm dứt hoàn toàn việc phát analog, thì tháp truyền hình VN cao nhất thế giới cũng sẽ như Tokyo Skytree (Nhật), tháp truyền hình Quảng Châu, Minh châu phương Đông – Thượng Hải (Trung Quốc), các tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay mang ý nghĩa biểu tượng là chính.

Và chúng ta hãy xem Nhật và Trung Quốc xây dựng biểu tượng khi nào? Tháp Tokyo Skytree khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2012; tháp Minh châu phương Đông xây vào đầu thập niên 1990 (cao 468 m); tháp truyền hình Quảng Châu (cao 600 m) xây năm 2005, hoàn thành năm 2009.

Nghĩa là khi xây dựng những tháp truyền hình mang ý nghĩa biểu tượng này, Nhật và Trung Quốc đều là cường quốc hàng đầu thế giới. Chỉ riêng chúng ta là mơ mộng đến tháp truyền hình cao nhất thế giới khi mới vừa thoát nghèo!

Đi sau những tháp truyền hình vĩ đại này là câu chuyện làm thế nào để khai thác hiệu quả, chứ không phải để nó biến thành “cục nợ”. Chúng ta hãy xem nhiều tòa cao ốc hiện nay ở VN phải thuê mướn các nhà quản lý nước ngoài, và nhiều nơi méo mặt vì chưa hiệu quả.

Chúng ta được thiên nhiên ban tặng những kỳ quan như Hạ Long, hệ thống hang động Phong Nha hàng đầu thế giới, cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ… nhưng vẫn chưa khai thác tốt nhất cho du lịch. Với thực trạng như vậy mà mơ dùng tháp truyền hình cao nhất thế giới để kinh doanh, thu hút khách nước ngoài thì có quá viển vông chăng?

Rất nhiều người dân như chúng tôi thấy rằng VN chúng ta mắc cái bệnh ưa thích “nhất thế giới”. Có điều những cái “nhất thế giới” ấy chẳng giúp VN thành rồng.

Chúng tôi chỉ sợ rằng tô hủ tiếu lớn nhất thế giới, chiếc nón lá lớn nhất thế giới… chẳng gây thiệt hại gì đáng kể, chứ tháp truyền hình lớn nhất thế giới thì phải chi vào đấy cả tỷ USD (kinh phí xây dựng tháp Tokyo Skytree là 820 triệu USD), không cẩn thận lại thêm nợ.

Còn nếu muốn “nhất thế giới”, tôi mong VTV đặt ra các dự án sau: đài truyền hình có nhiều chương trình hay nhất và mang tính giáo dục cao nhất thế giới, sáng tạo nhất thế giới (chứ không phải bỏ tiền tỷ đi mua bản quyền game show của thế giới), phục vụ người dân tốt nhất thế giới…

Theo Phương Nguyễn/Tuổi trẻ

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150330/nuoc-vua-thoat-ngheo-mo-xay-thap-cao-nhat-the-gioi/727163.html

 (Tựa đề các bài viết 2, 4 là của Văn Việt)

 

 

Comments are closed.