Ký sự của Phạm Cường
Văn Việt: Phạm Cường tuổi Giáp Ngọ-1954. Tháng 4.1973 vào học lớp Quay Phim Khoá 6 trường Điện ảnh Việt Nam ở 33 Hoàng Hoa Thám Hà Nội. Từng làm khoảng 30 phim tài liệu khoa học. Trong đó có một số phim được giải thưởng ở các LHP trong nước và quốc tế. Nay đang định cư tại Hamburg – CHLB Đức.
– Mặc dù vậy, tự trong thâm tâm, tôi thấy mình cũng có một phần trách nhiệm (dù nhỏ thôi) trong việc tuyên truyền cổ vũ cho việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa ở Việt Nam cách đây 30 năm. Nay mới thấy, khi mà các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau làm thủy điện theo kiểu chụp giựt bất chấp những hiểm hoạ to lớn về môi trường. Đã không tính đúng tính đủ các giữ kiện tối quan trọng như các thông số thủy văn đầu vào khi thiết kế để tiết kiệm các chi phí cốt sao mau chóng sinh lợi, chóng hoàn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và cá nhân góp vốn. Từ đó dẫn đến việc xả lũ sai qui trình khiến người dân ở hạ lưu lĩnh đủ. Việc phá rừng vô tội vạ để làm làm thủy điện mà không có phương án trồng bù rừng. Là nguyên nhân gây ra các trận lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Khiến cả xã hội phải giật mình về an toàn thủy điện. Tình trạng tiêu cực trong phê duyệt bừa bãi cùng với việc thi công ẩu, chất lượng công trình không đảm bảo đã khiến thủy điện đang trở thành nỗi kinh hoàng của người dân Miền Trung và Tây Nguyên trước mỗi mùa mưa lũ…
– Trong một entry cách đây hơn 4 năm, như một người trong cuộc, tôi đã nêu câu hỏi: Thuỷ điện ở ta có biết ăn thịt người? (*)
Nay xin post lại một trích đoạn trong “Những chặng đường gió bụi“ (dạng nhật ký cá nhân) của tôi thay cho nhời tạ lỗi muộn mằn này!
*
* *
Chiếc xe U-át của Công ty Đìện lực Miền Trung chở 4 thằng tuổi Ngọ chúng tôi đang chầm chậm leo trên quốc lộ 19, nhằm hướng Pleiku băng tới.
Đèo An Khê đây! Anh lái xe giới thiệu với mọi người.
Cảnh núi non trùng điệp vây quanh từ bốn phía. Những đoạn đèo ngoằn ngoèo cứ nối tiếp nhau mà tôi chỉ nhớ được con đèo An Khê nổi tiếng này trên sách vở – một địa danh đã ghi vào lịch sử.
Lên đến đỉnh đèo nhìn xuống, cả một khung cảnh hùng vĩ và mang đầy sự huyền bí của núi rừng. Con đường đã qua giờ nhìn lại trông giống một con rắn đang uốn mình. Bên dưới, vài chiếc xe Reo chuyên dụng cũ của Mỹ, trông dữ tợn như loài bọ cạp khổng lồ đang “trườn” về xuôi, mà từ đây nhìn nó như những chú kiến càng nhỏ xíu.
Tây Sơn Thượng đạo thuộc vùng rừng núi An Khê, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Quần thể Tây Sơn Thượng đạo gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng. Anh em nhà Tây Sơn đã lập được mối quan hệ gắn bó giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Ba Na, Gia Rai tham gia cuộc khởi nghiã.
Để có được chuyến đi lịch sử này, tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Năm ngoái, tôi phải quay cho xếp Lê Quốc một phim, quay cho xếp phó Lương Đức một phim, cho người đẹp Lệ Mỹ (của xếp phó) một phim và cho cựu xếp Nguyễn Thiệu 2 phim (đó là những tiếng nói sinh sát trong chi bộ). Tất cả nếu không có sự gật đầu của các nhân vật quan trọng ấy thì khó mà có được chuyến làm phim đầu tay (với chức danh đạo diễn) thế này.
Đang mải mê với những dòng suy nghĩ mung lung chen lẫn, đan xen nhau như vậy thì xe đã tiến sâu vào địa phận Gia Lai. Địa bàn dạo đó an ninh, có nhiều vấn đề còn đang nổi cộm. Anh lái xe nói, hay là ông đạo diễn nên thay cái áo khác thì tốt hơn. Nhìn ông to con thế này, lại áo bay Liên xô, đi xe U át, Fullro, nó nhầm ông với cánh chuyên gia Nga lên Tây Nguyên tìm quặng mà để ý thì cũng chẳng hay ho gì!
Lại văn Sinh ngồi băng ghế sau cũng tán thưởng, phải đấy ông đạo diễn ạ! Năm ngoái, đi quay săn voi cùng Phạm Bình qua đoạn này, tôi còn được nghe tụi Fullro còn cướp cả một chiếc xe chở khách loại nhỏ kia. Trên xe, có cả ông mặc áo bộ đội, cũng là mục tiêu tấn công của chúng đó, cẩn thận vẫn hơn! Lần đầu lên Tây Nguyên, nên cảm giác về một vùng đất đầy huyền thoại, khiến tôi háo hức vô cùng. Nghe lời mọi người khuyên, tôi cởi bỏ chiếc áo bay và thay vào bằng chiếc áo kẻ sọc đen, mắt vẫn không rời đoạn đèo quanh co dốc dựng ngược đầy bí hiểm.
Càng lên cao, cảm giác về núi rừng trùng điệp tự nhiên như bị mất dần. Xa xa, những vạt luá xanh trải rộng, nom chả kém gì những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở miền xuôi. Đã làm tôi thực sự bất ngờ. Ở độ cao như thế này, Tây Nguyên lại như một bình nguyên bao la bát ngát. Ruộng nương đâu có nhỏ vụn như ở vùng núi rừng Tây Bắc mà tôi đã nhiều lần tới đó. Đúng cái tên Cao nguyên có lẽ là như vậy! Những mái nhà rông của người Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng cao vút như lưỡi rìu chém ngược lên bầu trời xanh; những ngôi nhà mồ của dân tộc Gia Rai ở rải rắc khắp các buôn làng. Không khí trên cao nguyên dịu mát thay dần cái nóng cháy người ở miền biển. Bầu trời bước sang tháng tư, đầu mùa mưa nên xa xa đã bắt đầu xuất hiện những đám mây sam sám. Nhưng mùa khô vẫn lưu dấu ấn trên những vạt hoa cúc qùi vàng rực. Dọc bên con suối nhỏ ven đường có nhiều rẫy bắp, cà phê của đồng bào dân tộc. Thấp thoáng trước mặt, dãy Trường Sơn hùng vĩ dần hiện ra. Chúng tôi đã đến Tây Nguyên.
Khác với cảm giác vào Đà Lạt, thị xã Pleiku hiện lên từ rất xa. Nếu không có loáng thoáng những chú voi kéo gỗ ẩn hiện trên những con đường đất đỏ gần đó. Thì ta như có cảm tưởng như lạc vào một thành phố nào đó ở vùng trung Âu, chứ khó mà nhận ra đó lại là trung tâm của một tỉnh trên Cao Nguyên của xứ mình.
Theo truyền thuyết, thuở xa xưa ở vùng đất này không có tên gọi. Nhân ngày hội ở một bộ tộc Djarai, đồng bào tụ họp nhau lại ở nhà rông để ông Phaphai Tobal làm lễ. Trong lúc mọi người đang nhảy múa, ca hát theo tiếng cồng chiêng hay trống Paranưng, say sưa bên các ché rượu thơm ngon thì một cuộc xô xát giữa hai người con trai của vị tộc trưởng diễn ra ác liệt. Họ tranh giành quyền lực để kế vị người cha già yếu. Để phân giải, hai người con trai phải dùng sức mạnh bứt đứt đuôi trâu. Kết quả, người con trưởng thắng. Từ đó, người ta đặt tên cho địa danh này là Pleiku!
Đêm ở nhà khách chi nhánh điện lực, chúng tôi được đãi món cá quả rán giòn thơm phức. Lại một bất ngờ lớn nữa đến với tôi. Chỉ những khoanh cá to cạng vàng xuộm trên điã, anh phụ trách nhà nghỉ nói:
– Cá quả ở biển hồ đó! Nếu các đồng chí có nhiều thì giờ, tôi sẽ bố trí mời mọi người đi thăm. Lên Pleiku đây mà không ra hóng mát ở biển hồ thì cũng uổng.
Buổi tối tôi ghé thăm bố mẹ cô Lài, giáo viên, người hàng xóm với gia đình tôi cùng trong khu tập thể ở Hà Nội. Bố chị là đại tá, giám đốc công an tỉnh. Tôi mang quà của chị và cũng là để dò la xem tình hình an ninh ở cao nguyên dạo này ra sao? Không gặp được vị đại tá. Nhưng qua lời bà vợ thì tôi cũng tạm yên tâm. Vì sang năm nay an ninh trong toàn vùng đã khá lên rất nhiều. Muối, vải vóc và nhu yếu phẩm được nhà nước cung cấp đầy đủ hơn, người theo Fullro bỏ rừng về buôn làng cũ làm ăn. Nhìn chuồng lợn sau nhà, muời mấy chú ỉn mũm mĩm, bà giám đốc công an nói với tôi, nhờ bắp ở đây rẻ nên chăn nuôi ở trong này là rất phát tài. Một năm cô xuất hai lứa heo thịt cho công ty thực phẩm thị xã, tiền lãi còn bằng mấy lương của chú ấy chứ. Được cái khí hậu trong này dù ban ngày có nắng nóng tới đâu, ban đêm vẫn cứ phải đắp chăn, chăn bông quanh năm. Cháu ra bảo Lài, dịp hè cứ vào đây mà nghỉ. Đà lạt, Sa pa chắc gì đã hơn ở đây.
Ngày hôm sau chúng tôi được đưa tới những ngọn thác dự kiến sẽ triển khai những dự án thuỷ điện nhỏ, nội dung chính mà kịch bản phim của chúng tôi đề cập. Lang thang trên các nẻo đường đất đỏ trên cao nguyên Măng Đen, băng qua những rừng thông bạt ngàn, và những dòng sông đã đi vào huyền thoại như Dah, Bla, Pô Kô… Giữa núi rừng hoang sơ và hùng vĩ là những buôn làng của đồng bào các dân tộc: Ba Na, Brâm, Gia Rai, Xê Đăng, Rơ Măm… Nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những phong tục của ngàn xưa, như lễ đâm trâu, lễ ăn cơm mới, lễ tế thần linh, lễ bỏ mả. Họ là những cư dân nông nghiệp trồng lúa rẫy, mỗi năm làm một vụ, phụ thuộc vào nguồn nước trời. Nhà rông là nơi sinh hoạt chung và cũng là nơi diễn ra lễ hội của làng. Làng nào càng đông dân cư, nhiều thanh niên và giàu có thì nhà rông càng to, càng cao. Đi sâu vào bản làng, trẻ con bồng bế nhau kéo ra tròn xoe mắt nhìn những người đồng bằng, như lần đầu tiên chúng được nhìn thấy. Đứa nào nước da cũng sạm nắng, nhưng gương mặt thể hiện nét hồn nhiên của trẻ thơ vùng núi. Chúng tôi gặp rất nhiều già làng với sắc da tím mốc như màu các vỉa quặng bôxít nằm rải rác khắp vùng cao nguyên. Tò mò có đôi lần tôi còn rờ tay vào làn da bụng của vài cụ. Trao ôi, dầy chả kém gì da voi. Tôi xuýt xoa nói với Sinh, có lẽ vòi muỗi có cứng tới đâu cũng khó mà xuyên thủng được lớp “da voi“ này. Chả thế mà đêm ngủ các cụ có cần mùng màn gì đâu. Mỗi chiếc khố đơn sơ vĩnh cửu thế thôi. Nhưng nhiều cụ sống thọ tới hơn trăm tuổi. Chỉ lúc nán lại nghỉ chân trên đường, mới có dịp la cà như thế chứ thời gian nào có phép chúng tôi đi sâu vào các đề xa hơn công việc chính của mình.
Không chỉ ở Gia Lai, đến đâu ở Tây Nguyên, chúng tôi cũng bắt gặp những cầu thang đôi bắc lên nhà sàn với những đục đẽo độc đáo. Đặc biệt ở khu các nhà mồ có rất nhiều bức tượng gỗ phản ánh công việc hàng ngày và sinh hoạt của người dân. Người đánh trống, người giã gạo, người trồng lúa, người đi săn, người khóc… nhưng nhiều nhất là nói sự sinh thành, sự ra đời và tái sinh mãi mãi của con người: Tượng những thanh nữ ngực trần phồn thực, người đàn bà chửa, mẹ bồng con, cả những tráng niên lực lưỡng với những khẩu “đại pháo” chỉa ra đầy uy lực. Những tác phẩm ngẫu hứng của những cư dân bản địa chỉ với những nhát rìu thô sơ, phóng khoáng xuất thần… sáng tạo bóc ra từ những thân gỗ đơn sơ mà đầy biểu cảm.
Từ tỉnh lỵ Pleiku theo quốc lộ 14 đi về thị xã Kon Tum, khi đến km 7 thì rẽ về tay phải, theo con đường mòn dẫn đến hồ.
Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là Tơ Nueng, là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai quanh năm ăm ắp nước và luôn ngăn ngắt xanh. Như một chiếc gương trên chót vót cao dâng, cho mây trời soi bóng. Xung quanh Tơ Nueng ẩn chứa nhiều huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng kỳ ảo trong ký ức của cả dân bản địa và khách vãng lai.
Một cái “ao” khổng lồ giữa lưng trời, đứng ở dưới đồng bằng cách chân núi không xa nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín mà hiện hữu một cái “biển” nước như thế thì cũng quá ấn tượng rồi. Đó thực chất chính là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Đối diện với Biển Hồ theo trục Bắc Nam khoảng ngót chục cây số là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ khác. Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. (Xung quanh thành phố Pleiku là hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ, nhưng lớn nhất vẫn là Biển Hồ và Hàm Rồng). Rất đối xứng, một bên nhô lên, bên thụt xuống, khiến có người liên tưởng so sánh nó như Yoni và Linga. Diện tích của Hàm Rồng và Biển Hồ cũng tương ứng nhau, hình dáng cũng trùng khớp nhau. Hồi cuối 1980, khi mang máy quay phim theo đoàn không ảnh quốc tế trên máy bay AN-30, suốt 6 tiếng liền tôi đã thấy như thế. Hình dung, nếu bê Hàm Rồng thả xuống Biển Hồ thì sẽ khít khịt, vừa in. Tạo hoá công mới vĩ đại làm sao?
Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Hồ có độ sâu từ 20 đến 40m. Ðây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá. Đây còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước cho cây trồng và vật nuôi cho một vùng rộng lớn. Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, từ những cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ. Xa hơn là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước. Nghe anh phụ trách nhà nghỉ nói, trữ lượng nước của Biển Hồ vào khoảng 25 đến 30 triệu m³, xê dịch giữa mùa khô và mùa mưa chứ nó không “nguyên si, không đổi” như lời đồn. Nhưng nguyên việc có một cái hồ nước vĩ đại đến ba chục triệu mét khối lơ lửng trên tầng trời như thế đã là kỳ diệu lắm rồi…
Ở phía bắc Tây Nguyên còn có dãy núi đá hoa cương với đỉnh Ngọc Linh cao hơn 2.500 m, được coi là “mái nhà của Tây Nguyên”; đỉnh Ngọc Phan hơn 2.000 m, nơi bắt nguồn của những dòng sông chảy về miền Trung, như sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba. Những khu rừng nguyên sinh và đặc dụng, như Chưmon Ray, Đác Uy, Sa Thầy. Nhưng tiếc thay đại công trình đường Hồ Chí Minh đang triển khai, còn quá bề bộn, nên chúng tôi không thể bay qua mà tới đó được.
Những dòng sông ở bắc Tây Nguyên đều khởi nguồn từ những đỉnh núi cao đầy truyền thuyết: Ngọc Linh, Kon Ka King, Chưmonay… Chảy qua mỗi địa bàn dòng Ðăc Pla, Sê San hay Kroong Pôkô lại mang một tên gọi khác nhau: đơn giản vì nó xuyên qua nhiều vùng văn hoá, lúc là buôn làng của những người Bana, lúc là buôn làng của nhóm sắc dân Rơ Ngao, Gia Rai, Xơ Ðăng, Rơlăng, Rơmăm, Brâu…
Bến nước của người Rơ Ngao khác với bến nước của người Brâu, điệu chiêng người Gia Rai khác điệu chiêng người Xơ Ðăng, thẩm mỹ hoa văn trên gùi nơi vai các sơn nữ Rơlăng cũng không giống với hoa văn nơi gùi các thiếu nữ Ba Na, hương vị ché rượu cần người Rơmăm cũng khác hương rượu cần của người Xơ Ðăng. Muốn thấu tỏ các lớp lang tầng văn hóa ấy, có khi cả đời cũng chắc gì hiểu nổi, huống chi cưỡi ngựa xem hoa như chúng tôi. Dọc đường xe chạy, bắt gặp dòng Ðăc Pla với Kroong Pôkô thoắt ẩn hiện với những cù lao bãi đá ấn tượng. Thi thoảng hai bên bờ có những cảnh đánh cá theo kiểu cổ xưa trên những con thuyền độc mộc hiện ra ven những dải rừng cà chít đương nẩy lộc đâm chồi.
Trước khi xuôi xuống nam Tây Nguyên, chúng tôi tới quay phim thác Yaly. Cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng tây bắc, thẳng quốc lộ 14 hướng Kontum, đi khoảng 15 km đến ngã ba Yaly, quẹo trái, đi thêm 23 km là tới thác Yaly nằm trên sông Sê San thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Đúng ra Yaly toạ ngay đường ranh giới Gia Lai – Kon Tum. Nơi đây đang rục rịch khâu chuẩn bị cho dự án lớn xây nhà máy thủy điện có sản lượng lớn thứ hai và là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam với công suất lắp đặt 720 Mw và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ kwh/năm. Song trước mặt chúng tôi lúc đó vẫn là một Yaly vô cùng hoang vu. Đoạn lòng sông Sê San sông lởm chởm đá này có độ chênh khá lớn, tạo thành ngọn thác Yaly hùng vĩ. Dòng sông phía thượng lưu hẹp, dồn nước chụm đổ xuống hạ lưu, tạo nên cột nước cao tới 40 thước, nom như chiếc vòi voi khổng lồ. Bọt tung trắng xóa như thảm mưa mù bao phủ cả một vùng hạ lưu. Âm thanh réo ầm ầm, man dại như tiếng rú rít của hung thần nghe sởn gai ốc. Ai yếu tim, đảm bảo không thể đứng trên đỉnh thác mà nhìn xuống dòng Sê San ngầu bọt dữ rằn ấy.
Chiếc Camera Konvát đen đang lia dọc bỗng khựng lại. Nút bấm máy bằng thép mạ sáng loáng nhỏ như chiếc cúc áo bị rời ra, nảy tưng tưng xuống tảng đá tai mèo dưới chân rồi rơi xuống vách đá sát chân thác. Tiếc chiếc cò máy, như một phản xạ tự nhiên, tôi dúi nhanh chiếc máy cho Sinh và Khang phía sau, lao xuống định lượm lại mà không hề nghĩ đến nguy hiểm là gì. Sinh, Khang và Sơn hoảng quá cản không kịp liền hét toáng lên. Tôi có nghe thấy gì đâu mà hét. Tiếng nước dội ầm ầm thế này. Sau cú sốc như giỡn mặt với tử thần qua đi, tôi mới thấy sợ. Tôi có thể sẽ rơi xuống tảng đá lởm chởm bên dưới, có thể tan xác bởi cột nước khổng lồ điên cuồng. Nhưng ở thời khắc đó tôi nào có nhận ra điều gì. Nẩy vài cái như trêu ngươi, chiếc cò thép đã rơi kẹt vào khe tảng đá mấy chục mét bên dưới. Từng đợt sóng nước lớn oàm oạp đập mạnh xung quanh. Mọi người kéo tôi lên, Khang liền lấy dao zíp gọt tạm cho tôi chiếc cò mới bằng một mẩu cành cây bẻ bên bờ suối. Nhờ thế, tôi cũng thực hiện nốt được phần công việc còn dang dở. Nhìn từ bờ này sang bờ kia ước lượng khoảng ba trăm thước. Hai bên bờ toàn là những tảng đá đủ cỡ nằm chen chúc lên nhau. Mặt nước cũng lố nhố vô số đá nom như bầy cá sấu khồng lồ. Người dẫn đường cho biết, họ đã từng gặp những con cá sấu lớn từ vùng biển hồ Mê Kông bên Campuchia, ngược dòng lên đây trú ngụ và đã sinh sống lâu năm ở khúc sông dưới chân thác này. Trong đời, hễ ai mà một lần nhìn thấy cột nước lớn như thế, hẳn không bao giờ quên. Với tôi, thác Yaly quả là ngọn thác lớn vào bậc nhất của Tây Nguyên và cả bán đảo Đông Dương. Tiếc thay, hôm nay nó đã bị nhà máy thuỷ điện xoá sổ hoàn toàn.
Rời Yaly hùng vĩ, chúng tôi trở lại quốc lộ 14 và xuôi về Đắclák. Những cánh rừng Khộp dọc hai bên đường đang mơn mởn lá non. Đan xen là những vạt ruộng cà phê đang phơi hoa trắng muốt. Tạo cho cao nguyên trước mùa mưa những hương sắc ngất ngây, quyến rũ. Mùi hương cà phê thơm nồng, làm bướm ong khắp nơi đổ về vờn phấn, hút mật. Chúng kéo thành bầy đàn theo hương hoa xuân bay lượn khắp trời Tây nguyên.
Sau một ngày làm việc cật lực. Ổn định chỗ nghỉ xong, khi màn đêm buông, chúng tôi tản bộ vào trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Quả là thủ phủ của Tây Nguyên! Khác với Kon Tum, PleiKu, hơn 9 giờ tối, khách thập phương vẫn còn tấp nập. Rất đông cư dân thành phố tập trung tại các công viên sinh hoạt hoặc đi bộ trên lề đường như một hình thức tập thể dục buổi tối.
Theo dòng người hành lễ, chúng tôi bước vào toà giáo đường Thiên chúa giáo khang trang ở khu trung tâm. Con gái Buôn Mê Thuột da trắng bóc, giọng nửa Nam nửa Bắc, nói chuyện nhỏ nhẹ, dễ nghe đang kéo vào bên trong thánh đường. Hôm nay là tối chủ nhật, rất đông tín đồ tham gia. Theo gót anh chuyên viên đứng tuổi của bộ Điện lực, chúng tôi kéo nhau vào xem thánh lễ. Cho tới lúc mọi người cùng qùi xuống nền nhà, 4 thằng tuổi ngọ chúng tôi đứng trơ ra. Bất đắc dĩ phải qùy theo các tín đồ, được bữa ê đầu gối. Cứ nhớ mãi cái đận qùi ấy…
Hôm sau chúng tôi lại tiếp tục tới các ngọn thác nổi tiếng quanh Buôn Mê Thuột. Tây Nguyên không chỉ có cà phê, có “cái nắng”, “cái gió” mà còn ôm trong mình những con thác to lớn, nguyên sơ đầy kỳ bí.
Từ Buôn Mê Thuột ngược đường quốc lộ 14, nhằm hướng Pleiku, chừng mươi cây số thôi, chúng tôi đến Đray H’linh. Tiếng Êđê gọi Đray là thác, còn H’linh là tên một người con gái. Thác tuy không cao như Yaly, nhưng thơ mộng, bề thế, khó có thác nào ở Việt Nam mà sánh kịp. Nếu phải bình chọn một ngọn thác như một cuộc thi hoa hậu thì cô gái H’linh chắc chắn sẽ giành vương miện một cách đương nhiên. Những thước phim tôi quay trong bộ phim đầu tay của tôi này có lẽ sẽ là những hình ảnh tư liệu cuối cùng của đời người con gái hồng nhan. Vì chỉ vài năm nữa thôi con thác này sẽ bị hiến tế, chặn dòng để xây nhà máy thuỷ điện Đray H’linh-I.
Sau Yaly, tôi đã giành nhiều cơ số phim nhất để quay với đủ mọi góc độ về Đray H’linh như sự ngưỡng mộ, nuối tiếc vô bờ của một kẻ si tình trước mỹ nữ quốc sắc thiên hương vì việc nước sắp phải “qúa quan” ra đi mãi mãi.
Xa hơn chút nữa, cách Buôn Mê Thuật chừng 30 km là Đray Sáp. Ai chưa biết Đray H’linh mà gặp Đray Sáp thì cũng tạm hài lòng vì vắng trăng mà còn sao, chắc cũng được an ủi phần nào. Tiếng Êđê, Đray Sáp là thác Khói. Nước buông từ độ cao khoảng 30 m và rộng chừng trăm mét, tạo thành làn “khói” sương diệu huyền. Những ngọn thác đẹp và gần Buôn Mê Thuột như thế mà biết cách khai thác theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, thật tuyệt. Nhưng cái khó bó cái khôn, những nhà làm qui hoạch Bộ Điện lực (Nay là Bộ Công thương) đã đưa vào tầm ngắm nhằm phát triển thủy điện, bất chấp những hệ lụy về môi sinh như thế nào.
Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Knô và Krông Ana bắt nguồn từ vùng lũng núi của nam Trường Sơn, sông Sêrêpôk có chiều dài hơn ba trăm cây số. Gần một nửa chiều dài là chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia, trước khi hợp vào dòng Mekong.
Theo các chuyên gia về địa chất đánh giá, chính dãy núi Trường Sơn Nam là đường phân thủy (chia nước) của những hệ thống sông chảy về đồng bằng duyên hải phía đông rồi đổ về biển Đông. Hệ thống sông đổ về phía tây trở thành phụ lưu của sông Mekong. Sêrêpôk là một trong số ít dòng sông không tuân theo qui luật chảy về biển Đông mà ngược lên phía tây. Đây là dòng sông khá đặc biệt vì cả hai nhánh đều rất hiền hòa, nhưng khi hợp thành Sêrêpôk thì trở nên “hung dữ” với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như Đray H’linh, Gia Long, Đray Sáp, Đray Nur, Trinh Nữ… với dòng nước chảy xiết.
Mỗi con thác lớn nhỏ trên dòng Sêrêpôk đều lưu giữ một huyền thoại khác nhau. Nhiều hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên mà tới nay cũng không ai lý giải nổi. Như một con sông mà có hai dòng chảy song song với nhau. Một dòng thì quanh năm đục ngầu, còn dòng kia trong veo. Cư dân sống ở thượng nguồn các dòng sông Tây Nguyên cắt nghĩa sự kỳ bí tự nhiên bằng những huyền tích lãng mạn và bi hùng. Nhằm gửi vào đó khát vọng về tình yêu trai gái, sự gắn kết cộng đồng, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với đấng tạo hóa. Tiếc thay, những thông điệp nhân văn ấy không được lớp hậu sinh chúng ta nhìn nhận một cách tỉnh táo. Đó chính là nguyên nhân phá vỡ môi trường sinh thái ở Tây Nguyên nói riêng và trên dải đất hình chữ S, một thời ta đã tự hào “rừng vàng biển bạc“ nói chung!
Người Tây Nguyên cổ xưa cho rằng, thiên nhiên có nguồn gốc như con người, cũng được sinh ra bởi một đấng sinh thành. Với dòng Sêrêpôk, nó cũng có đấng sinh thành. Đó là hai dòng sông: K’rông Na và K’rông Ana. K’rông Na được coi là cha và K’rông Ana là mẹ.
Dòng sông mang dáng vẻ hùng vĩ, được thừa hưởng nét đẹp vẹn nguyên và hoang sơ từ các đấng sinh thành, Sêrêpôk đã trở thành ngọn nguồn của trái tim Tây Nguyên. Trong suốt quá trình về với hạ nguồn, dòng sông đã hoá thân kỳ diệu thành trăm ngọn thác lớn nhỏ trên khắp cao nguyên. Trải qua bao đời nay, người dân Tây Nguyên luôn gắn bó với Sêrêpôk, luôn coi K’rông Na và K’rông Ana là cha mẹ, là linh hồn của đại ngàn.
Những dòng sông khởi nguồn từ cao nguyên nói chung như sinh lộ của đất nuôi sống con người cùng vạn vật trên thế gian này. Triệt nguồn sinh lộ ấy, thảm họa sẽ ập tới nhãn tiền!