Chế Lan Viên qua những lần gặp

Lê Phú Khải

Văn Việt: 19/6/2014 là kỷ niệm 25 năm nhà thơ Chế Lan Viên qua đời. Ông là một nhân vật đầy nghịch lý của lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, sẽ còn làm tốn nhiều bút mực. Hồi ức của nhà báo Lê Phú Khải cho ta biết thêm một số điều về ông…

 

Đầu năm 1976, tôi đang dạp xe trên đường Trần Hưng Đạo thì Chế Lan Viên gọi giật lại, ông chỉ tay vào bó hoa tôi đang cầm, hỏi: “Ông đem hoa đi tặng ai thế?” Tôi bảo: “Đem hoa đi tặng một người làm thơ hay hơn Chế Lan Viên!”. Tôi đi được mươi thước thì ông lại gọi lại. Hỏi: “Ai vậy?” Tôi trả lời: “Thanh Thảo”… Ngẫm nghĩ giây lát, ông bảo tôi: “Đúng đấy!”.

Chế Lan Viên là một người như thế. Với những người làm thơ cùng thời, ông là một thi sĩ nổi tiếng vào bậc nhất. Vậy mà khi tôi nói kiểu “trêu ngươi” như thế, ông lại khen: “Đúng đấy!”.

Số là thế này. Thanh Thảo tên thật là Công, anh làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam rồi đi B chiến đấu, và có làm thơ. Mấy năm trước hòa bình 1975, anh được ra Bắc điều dưỡng ở trại điều dưỡng Nam Sách, Hải Dương. Anh hỏi bạn bè ở giới văn nghệ Hải Dương, biết tôi dạy học ở Cẩm Giàng và là người yêu văn nghệ, “chịu chơi”, nên “trốn trại” đến chơi với tôi vài ngày. Tại đây, anh đã đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ của anh, trong đó có bài Dấu chân trên trảng cỏ nổi tiếng sau này. Thơ Thanh Thảo được xem là táo bạo vào thời ấy. Anh tuyên bố: “Thế hệ chúng tôi bùng cháy ngọn lửa của chính mình. Không dựa dẫm những hào quang có sẵn”.

Tôi đã được đọc những vần thơ như thế trong cái xóm nhỏ nghèo nàn nơi trường tôi sơ tán tại Cẩm Giàng, trong lúc có nhà văn tên tuổi lại cho rằng mình là “hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng” (!). Người ta đã đặt câu hỏi: “Hào quang có sẵn” ám chỉ cái gì? Ai đã bắt thơ phải “dựa dẫm” trong một xã hội tự do như xã hội ta, v.v. và v.v. Thế là thành chuyện. Chính vì thế tôi mới “trêu ngươi” Chế Lan Viên. Nào ngờ… Buổi sáng hôm đó chính là lúc tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn Thanh Thảo về ở hẳn quê nhà Qui Nhơn.

Người ta thường bình luận trái ngược nhau về thơ và con người Chế Lan Viên. Nhưng sự sắc sảo “toàn trị” của ông thì ai cũng phải thừa nhận.

Tôi gặp nhà thơ lần đầu tiên vào năm 1966 tại Yên Mỹ Hưng Yên, nơi khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán bom đạn  Mỹ. Năm đó là năm thứ ba, năm cuối cùng trước khi chúng tôi ra trường. Khoa Văn tổ chức buổi giao lưu, mời nhà thơ Chế Lan Viên đến gặp gỡ sinh viên… Cuộc giao lưu có tổ chức biểu diễn văn nghệ của sinh viên mừng khách mời. Thấy Chế Lan Viên không mặn mà với các tiết mục văn nghệ, thầy Chủ nhiệm Khoa Lê Trí Viễn xuống ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Lê Phú Khải lên đọc bài thơ lúc ban chiều đi!”. Thế là tôi hồi hộp bước lên sân khấu. Tôi đọc bài thơ mới làm ban chiều để tặng khách mời của Khoa mà thầy Viễn đã coi… Thật không ngờ… Tôi vừa dứt lời thì Chế Lan Viên đã bật dậy, lên sân khấu ôm lấy tôi và cầm lấy bài thơ đó… đút túi áo ngực của mình. Cả khoa vỗ tay, và đương nhiên là thầy Chủ nhiệm rất hài lòng. Bài thơ “con cóc” của tôi là cách chơi chữ, ghép tên các tác phẩm thơ của Chế Lan Viên thành vần điệu. Bài thơ khá dài ấy tôi còn giữ đến bây giờ. Đại để có những câu như câu kết này:

Cho gửi lời thăm đến người anh thương nhớ đầy vơi…

Đã cùng anh “gánh vác”

Cả trời “sao chiến thắng” đến hồn tôi…

Gánh vác” là tên một tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Vũ Thị Thường, vợ vủa nhà thơ, lúc đó đang đi thực tế ở vùng biển Thái Bình, còn “Sao chiến thắng” là tên một bài thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên. Tôi biết nhà thơ rất nhớ vợ, vì ông đã viết bài “Cái rét đầu mùa” mà tôi đã được đọc. Một bài thơ tình bốn câu rất độc đáo và sáng tạo. Có lẽ vì tôi đã chạm vào “chỗ da non nhất của lòng người”, nói theo chính ngôn từ của Chế, nên ông cảm động.

Từ đó, Chế và tôi đã trao đổi thư từ (chứ không phải e-mail như bây giờ) cho nhau. Khi tôi thường trú ở Mỹ Tho, Chế Lan Vien đã vô ở hẳn Sài Gòn và rất hay xuống Tiền Giang, có lẽ vì ông là đại biểu quốc hội của tỉnh này. Một buổi tối – ở tỉnh lẻ người ta đi ngủ rất sớm nên đường vắng – tôi và Chế đi ven lòng đường một con phố không còn ai đi lại, dưới ánh đèn lấp loáng gió sông Tiền… Tôi bảo ông: “Thơ chống Mỹ của ông thì xuất sắc rồi, nhưng sau này người ta sẽ quên đi, vì thời điểm lịch sử sẽ đi qua… Nhưng ông có những bài thơ tình còn sống mãi, trong đó có một bài mang vóc dáng thiên tài mà chính ông cũng không biết”. Chế hỏi tôi: “Bài nào?” Tôi nói: “Thì tôi đã bảo chính ông cũng không biết, chỉ có người đọc biết thôi”. Chế càng sốt ruột giục tôi: “Nói đi”. Tôi đọc một hơi bài “Rét đầu mùa”:

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh chăn chia thành hai nửa

Nửa đắp cho em ở miền sóng bể

Nửa đắp cho mình ở phía không em”

Rồi tôi bình: “anh rét xa em” và “ở phía không em”, đó là những sáng tạo xuất thần, chỉ có tình yêu mới tạo nên được những lời như thế. “Rét xa em” là rét thế nào? “Phía không em” là phía nào, không ai định nghĩa, giải thích nổi, nó trừu tượng và mông lung hư ảo quá. Cái không định nghĩa được chính là thơ. Thơ là học thuyết về… bầu trời, ông Chế ạ!”.

CLV

Thủ bút Chế lan Viên

Chế chăm chú nghe tôi “tán” và ông tỏ ra hài lòng. Bỗng chai rượu đậu nành Chế đang xách rơi xuống ven lòng đường và vỡ làm nhiều mảnh. Số là, chiều hôm đó, có cuộc họp báo, tỉnh tặng mỗi đại biểu một cặp rượu đậu nành do Tiền Giang sản xuất. Hai chai rượu buộc vào nhau để xách. Tôi và Chế, mỗi người xách một cặp rượu. Có lẽ cặp rượu của Chế buộc không chặt nên mới rơi ra một chai. Tôi cúi xuống nhặt hai mảnh vỡ lớn đem để vào gốc cây bên đường. Chế vẫn ngồi nhặt tiếp các mảnh vỡ bé hơn. Nhặt mãi, nhặt mãi. Tôi sốt ruột kéo ông đi, Chế không chịu, ông bảo: “Những mảnh nhỏ này sắc lắm, phải nhặt cho hết kẻo người ta giẫm phải thì khốn…”. Tôi đứng dưới ánh đèn khuya nhìn một nhà thơ lớn ngồi chăm chú nhặt nhạnh từng mảnh thủy tinh bé nhỏ mà thấy nhân cách lớn lao của ông. Từ đó trở đi, nếu có ai phê phán gì ông, mà đã có rất nhiều người phê phán ông, tôi không tin nữa.

 

Cứ mỗi lần gặp Chế, tôi lại được nghe ông nói những suy nghĩ của mình về Thơ. Đó là những lý lẽ sâu sắc. Mặt này không thấy các nhà phê bình văn học nói tới. Có lẽ vì thế mà thơ Chế giàu chất trí tuệ, triết lý. Ông suy nghĩ để làm thơ, nếu có cảm hứng thì cũng là cảm hứng của suy nghĩ. Ông bảo tôi: “Thơ càng “pẹc” (personnel) càng hay. Càng “tôi” bao nhiêu càng hay, càng chủ quan bao nhiêu càng hay, càng vô lý bao nhiêu càng hay!”. Rồi ông phân tích: “Còn gì chủ quan hơn khi nhà thơ viết “chắc nàng cũng có nỗi buồn giống tôi”? Còn gì vô lý hơn chỉ vì cái giậu mùng tơi mà ngăn cách được hai con người… Nêu viết báo như cậu mà lại nói “chắc ông chủ tịch đã tham ô” thì chết người ta. Nếu viết báo mà vin vào cái giậu mùng tơi thì lý do không chính đáng. Vạy mà những câu thơ vừa chủ quan, vừa thiếu khách quan của Nguyễn Bính lại được thiên hạ phổ nhạc để ca hát năm này qua tháng khác… Vì nó rất “pẹc”!”.

Có lần ông lại bảo tôi: “Nếu theo lô-gích của nhà toán học thì Hồ Xuân Hương là một con mụ dở hơi khi viết: “Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo…”. Nói ngay ra là ba đèo có hơn không?” Ông kể, có cô giáo dậy văn hỏi: có từ nào là thơ và từ nào không thể đem vào thơ? Ông đã trả lời: “Mọi từ đều bình đẳng, không có từ nào thơ và từ nào không thơ. Đến từ “cứt” là xấu chứ gì? Vậy mà nó vẫn được đem vào thơ, và còn hay là khác. Ông dẫn chứng ca dao:

Thân em như đóa hoa hồng

Vớ phải anh chồng như bãi cứt trâu

Và ông đã dẫn ngay thơ Chế Lan Viên đã đưa “cứt” vào thơ:

Không gì cứu được loài bán nước

Không cứt nào cứu được bọ hung!

Đi thực tế nông thôn với Chế Lan Viên, tôi thấy ông vui vẻ tiếp nhận cả tờ bướm của trạm bảo vệ thực vật huyện phát cho nông dân… rồi cẩn thận cất vô túi xách. Tôi nghĩ là ông xã giao để vui lòng người cho mình. Đến khi về nhà khách, tôi thấy ông lấy các tờ rơi, báo cáo của trạm y tế xã, của hội chữ thập đỏ huyện ra… vuốt ngay ngắn rồi xếp cẩn thận vào túi xách trước lúc ra về. Tôi ngồi hút thuốc nhìn ông sắp xếp đồ đạc, thấy thế ông nói: “Người ta có tài năng, mình không có tài năng thì lo thu góp tài liệu vậy!”

Chế Lan Viên từng là một nhà báo. Ông làm báo Cứu Quốc trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 4 từ 1947 đến 1954. Có lẽ không ai nói về nghề báo như khi ông nhớ lại: “Ôi… còn gì mà ta không động tới, hỡi chúng ta, những người làm báo hàng ngày, hàng ngày hay hàng đêm cũng được, đêm nào dưới ánh đèn lù mù hay le lói, ta không trõ mắt ra mà viết bài hay đọc bản tin… Cho tôi tỏ lòng biết ơn cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó. Xưa làm thơ, tôi bứt hương trên ngọn cây, giờ làm báo, tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất” (Tựa cuốn Người và đất của Phan Quang, NXB Thuận Hóa 1988). Chỉ vài dòng thế thôi, nhưng toàn là những điều cốt tử của nghề báo. Cái nghề phải “nếm cả rễ cây dưới đất”. Để làm gì? Nếu không phải để lần đến tận gốc sự kiện và vấn đề đang nảy sinh và phát triển giữa vô vàn biến động của đời sống. Bây giờ, những lúc ngồi buồn, tôi giở lại đôi ba lá thư nhà thơ viết cho tôi đã bạc nét với thời gian, mà qua bao lần di chuyển, tôi vẫn cố mang theo… và cứ mỗi lần đọc lại, tôi càng thấy Chế Lan Viên là một bậc thầy của các nhà báo, xét từ góc độ trí tuệ – văn hóa, cái gốc của mọi nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật làm báo. Nhận xét về một bài ký của tôi trên báo Văn Nghệ (1985), ông viết: “… Thà làm việc kể chuyện, thông tin mà có văn chương, còn hơn là làm văn chương mà đánh mất hết hiện thực. Tôi rất ghét các loại lưới đẹp mà không cho ta ăn một con cá nào. Đầy xuồng = nghĩa là lượng thông tin lớn…”

Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, ông còn là một nhà báo tài năng. Thời gian làm báo liên tục của ông đến 8 năm (1947-1954). Tiếc rằng những bài báo của ông đến nay chưa có ai sưu tầm đầy đủ. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà báo Phan Quang, người có nhiều năm gần gũi và làm báo Cứu Quốc với Chế Lan Viên: “Anh sưu tầm tài liệu, chuẩn bị rất kỹ trước khi bắt đầu một bài viết, một buổi thuyết trình, một chuyến đi công tác. Đó là gì nếu không phải là phong cách báo chí” (Phan Quang, Tuyển tập, tập 2, tr.37 – NXB Văn Học 1999).

Trước 1975, có lần tôi từ Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ đi bộ sang trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật ở 51 Trần Hưng Đạo, gõ cửa phòng ông. Thấy Chế Lan Viên mặc quần áo giải phóng quân miền Nam, đầu đội mũ tai bèo đang ngồi làm việc. Trên bàn có một mảnh giấy quay ra phía ngoài, đề “Không tiếp khách quá 10 phút”. Thấy thế tôi chỉ ngồi đúng 10 phút rồi xem đồng hồ đứng dậy. Chế nói: “Đề thế thôi, để đề phòng có kẻ ngồi dai… Cứ ngồi chơi nói chuyện tiếp đi…”. Tôi đem câu chuyện Chế mặc đồ giải phóng quân trong phòng làm việc kể với bạn bè. Có người nói: “Chế làm thế để tạo thi hứng làm thơ về… miền Nam, về quân giải phóng”.

Tôi đọc thơ Thanh Thảo, có mấy câu:

Đêm nay có người lội sình

Có người ngồi ở thủ đô viết những dòng thơ thông minh

Có người dắt tay nhau vào tiệc cưới…

Rồi Thanh Thảo kết luận, đại ý: Đất nước là như thế, thế mới là đất nước!

Vậy mà Chế lại đồng ý với tôi rằng Thảo thơ hay hơn thơ Chế!

Có lẽ vì thế mà cuối đời ông đã viết Di cảo nhận trách nhiệm về mình khi đã cổ vũ cho những người đi vào cái chết trong Tết Mậu Thân (1968). 

 

Tác giả gửi Văn Việt.

 

Comments are closed.