Chuyện cái Quán Gió (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 145)

Tương Lai

clip_image002Biết tin tôi vừa ra Hà Nội, Phạm Gia Minh đánh ô tô đến đón tôi ở khách sạn rồi phóng xe lên thẳng Hồ Tây. Trên đường đi anh vừa lái xe vừa vui vẻ nói: “Em sẽ đưa anh đến Quán Gió trên hồ, ở đó các anh đang chờ và rất vui sẽ gặp anh vì em đã báo trước”. Sự nhiệt tình và chu đáo của Minh khiến tôi vừa háo hức vừa xúc động. Càng bồn chồn hồi hộp với cuộc gặp chân tình mà tôi nghĩ rằng sẽ rất thú vị.

Được trở lại Hà Nội trong cái gió nhè nhẹ cuốn theo những giọt mưa bay lành lạnh của những ngày đầu thu trời trong xanh gợi nhớ biết bao kỷ niệm mà tôi ngày đêm ao ước với bao nỗi niềm ấp ủ. Trên con đường lượn cong chạy sát mép hồ, cảnh vật thay đổi quá nhiều so với những ngày tôi từ ngôi nhà bát giác ở góc khuôn viên trường Chu Văn An sát mép nước Hồ Tây chúng tôi đã ở hồi về tiếp quản Thủ đô cuối năm 1954, men theo phía sau đường Thuỵ Khuê lần sát ven hồ đến chỗ Phùng Quán ngồi câu cá trộm với cốt cách của một Lã Vọng thời hiện đại. Nhưng nhà thơ bạn tôi không có sông Vị để ngồi đợi thời, mà ngồi câu cá trộm để kiếm sống và để làm thơ

“Một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu”

clip_image004Nhưng rồi quá ngạc nhiên vì cảnh vật thay đổi rất bất ngờ. Ngồi trên xe, mắt tôi bị hút theo những căn biệt thự sang trọng, lộng lẫy nối nhau san sát dọc theo con đường nhựa uốn lượn chạy sát mép nước, chia cách dãy nhà sang trọng kia với sóng nước Hồ Tây đang dập dờn vỗ nhẹ vào dãy kè xi măng chắc chắn. Cho xe chạy chậm lại, Minh hất hàm nói với tôi: “Đấy ngôi biệt thự của nhân vật bị con gái đâm đơn kiện mà anh hỏi lúc nãy đó”. Tôi cười: “Thì cũng đáng để chịu cho con chửi, dân chửi, đời chửi, để sướng thân với gió Hồ Tây ve vuốt tuổi già mà đều đều xuất hiện rất mẫn cán với hàm răng chắc, đầu bóng mượt. Chửi thì chửi có sao đâu, cửa ô tô đóng kính, cửa biệt thự đóng kín, chẳng cần để ngoài tai thì cũng không lọt được vào”.

clip_image008Cho ô tô đậu sát chồm lên trên hè đường một chút, mở cửa xe, Minh đưa tôi đi vào con đập nhỏ dẫn vào cái nhà nho nhỏ được dựng trên mặt nước hồ, Quán Gió khá xinh xắn một cách đơn giản, hơi tuềnh toàng khiêm tốn nhưng trang nhã hợp với những thực khách đến đây gặp nhau chỉ để được thư giãn trong ngôi quán nhỏ lộng gió Hồ Tây. Các anh ấy đang đợi tôi, anh Nguyễn Trung, người bạn quý ở Hà Nội của Trịnh Công Sơn, một người bạn nữa tôi chưa biết tên. Cười vui cảm động, tay bắt mặt mừng, tôi và Minh cùng ngồi xuống chiếc bàn tre uống nước các anh đang ngồi. Chưa dứt những câu hỏi thăm, Minh đã đứng lên đi vào phía trong gặp ông chủ quán để dặn dò gì đó nhằm thu xếp bữa ăn vì anh là người khởi xướng và tổ chức buổi gặp thân mật và thú vị này. Được thưởng thức ngụm trà ướp sen thấm đượm hương vị của hoa sen Hồ Tây Hà Nội thật không có gì bằng. Lại nhớ đến câu “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà” của tác giả Vang bóng một thời. Giữa cái quán gió này của cuộc gặp gỡ hôm nay, khi tôi từ Sài Gòn bay ra để được ngồi bên các anh trong cái gió Hồ Tây se lạnh của Hà Nội buổi đầu thu thật khó nói đủ cái ấn tượng sâu đậm giữ mãi trong tôi. Trời trong xanh một cách huyễn hoặc của Hà Nội mùa thu tôi trở lại sau bao năm xa cách và thương nhớ, càng xốn xang trong tôi cái ý tưởng thâm trầm “Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. clip_image006

Vị triết lý gì đây nhỉ, tôi thầm hỏi và thấm thía hơn nhã ý của bạn tôi, anh Phạm Gia Minh, vừa rút khỏi chức Phó Tổng thư ký của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) sau khi đã ký tên phản đối vụ kỷ luật Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức – người bạn thân quý của tôi. Minh đã thân tình dành cho tôi cái ân huệ được hưởng cái lạnh dìu dịu ngày đầu thu của bầu không khí thoáng đãng với lồng lộng gió Hồ Tây giữa những người cùng một thanh khí. Sau bữa cơm thân tình giữa Hồ Tây lộng gió, anh bạn Hà Nội của Sơn quàng vai tôi bước ra, dừng lại nhìn vào những bông sen đang dập dềnh trên mặt nước mà anh gọi là bông trang, cái tên mà lần đầu tiên tôi nghe, anh kể với tôi: “Anh biết không, hôm ấy giữa trời thu Hà Nội đang trong xanh, người Thủ đô giật mình ngước lên bầu trời khi nghe tiếng sấm rền vang. Đấy là vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tôi thật xúc động suy ngẫm về chuyện lạ ấy nên đã làm bài thơ này, tôi đã chép để hôm nay gặp tặng anh”. Cầm trong tay tờ giấy chép bài thơ mà tôi xốn xang cảm động với niềm vui quá bất ngờ, không nói được gì, chỉ biết siết thật chặt tay anh, nghĩ đến vị ngọt lịm của trái nhãn lồng Hưng Yên mà anh đã mang vào tặng Trịnh Công Sơn dạo nào. Liệu có phải hương vị nồng ấm của trái nhãn ấy thấm đượm “một mùi thơ và một vị triết lý” mà tác giả của Vang bóng một thời đã viết không nhỉ, tôi thầm nghĩ.

Chuyện là, một hôm Sơn gọi cho tôi: “Đến ăn nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu anh TL ơi. Tôi chưa chắc là sẽ để dành được cho anh vì nhãn ngon quá, anh không đến thì uổng lắm đó”. Thì ra, anh vừa được một người bạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thẳng nhà với một giỏ nhãn lồng khá to được ràng buộc rất cẩn thận. Sơn kể với tôi là người bạn Hà Nội của anh đã về Hưng Yên trực tiếp đóng gói kỹ càng nhãn vừa hái từ trên cây xuống còn tươi rói, rồi từ đó lên ô tô phóng thẳng đến Nội Bài Hà Nội lên máy bay vào Sài Gòn, chuyện trò rôm rả rồi từ nhà Trịnh lại đi thẳng lên sân bay để bay chuyến tối về Hà Nội.

clip_image010Chả biết ông nghệ sĩ của tôi có hư cấu thêm để trái nhãn lồng Hưng Yên đang ngọt lịm trong cổ tôi càng đậm đà tình nghĩa của một người bạn Hà Nội giàu chất nghệ sĩ không. Tôi chắc là không. Vì tôi biết Sơn đang rất xúc động với những trái nhãn đậm tính lãng mạn rất tài tử và cũng rất độc đáo của một mối thâm tình mà chúng tôi đang thưởng thức.

Tôi kể cho Trịnh Công Sơn nghe chuyện Thái Bá Vân đã có lần nói về ông bạn ấy của Sơn trong một cuộc rượu với Lê Đạt, Văn Như Cương và Văn Thành tại tại một hiệu ăn nhỏ ở phố Lãn Ông gần nhà của Lê Đạt mà mỗi lần tôi từ Sài Gòn ra đều ngồi với nhau. Tôi xin thuật lại cách diễn đạt hài hước, dí dỏm nhưng cực kỳ hấp dẫn và thú vị của ông bạn Thái Bá Vân, người có đôi mắt nghệ sĩ cực kỳ sắc sảo và uyên bác về hội hoạ mà tôi nghĩ là khá hiếm hoi ít có người sánh kịp. Hôm ấy có Thanh Tùng, Từ Huy, Hoàng Thiệu Khang và mấy người nữa tôi không còn nhớ rõ và tôi. Nhưng phải nói rằng sự thuật lại này sẽ rất thô thiển so với cách diễn đạt thâm thuý và sắc sảo của Thái Bá Vân, người bạn mà tôi hết lòng yêu thương và quý trọng.

Chuyện kể, giọng kể và cách kể của anh khiến cho Trịnh Hoàng Diệu, em gái của Sơn phải dừng lại nghe say sưa, khác với mọi lần sau khi đặt đĩa khô mực nướng lên bàn trước mặt anh mình như một tia nắng ấm thoáng chiếu qua bàn rượu, rồi lặng lẽ lui ra. Nhưng cũng chẳng sao, miễn là phần nào nói được điều mà tôi tâm đắc từ những điều tôi được nghe dạo ấy.

Chuyện là thế này: Văn Cao cũng như bao người khác rất lúng túng và khổ sở với cái nhà xí công cộng bẩn thỉu quen thuộc của một thời “Hà Nội nghìn năm văn vật” mà chúng tôi đang sống. Ngôi nhà ở phố Yết Kiêu của một tài năng thiên bẩm Văn Cao cũng cam chịu nỗi bức bối ấy chứ biết sao giờ, khi mà một phòng vệ sinh tự hoại xây ngay trong căn nhà riêng là một mơ ước hão huyền cho dù đó là một cái cần thiết phải có. Thế rồi cả nhà anh Văn Cao rộn rã với việc đang có thợ được người bạn của Trịnh Công Sơn cử đến đo đạc chuẩn bị thi công một toa lét tự hoại trên góc phòng ở phía lối đi vào bếp không xa bao nhiêu với phòng khách có đặt chiếc bàn nước, chị Băng đã nắm tay Thái Bá Vân: “Vào đây đã, vào đây xem này. Họ đang xây nhà vệ sinh riêng cho chúng tôi đấy”. Chị vừa nói vừa lôi Thái Bá Vân vào cuối góc phòng ở lối đi vào nhà bếp vừa nói đang ngổn ngang xi măng, vôi vữa, sắt thép. Anh Văn Cao làu bàu: “Thì đã có hình thù gì đâu, người ta đang chuẩn bị mà bà ấy cứ rộn ràng lên như lâu đài sẽ mọc lên trong nhà ấy. Thật là chẳng ra sao, chưa gì mà bà ấy đã mừng như người bắt được của. Rõ khổ. Mất cả hứng uống chén trà ngon”.

clip_image012Có lẽ Văn Cao không biết rằng Thái Bá Vân cũng đã từng trải nghiệm sự bức bối khiến chị Băng “mừng như người bắt được của” ấy. Chính anh đã quyết định từ bỏ căn nhà ở Ô Chợ Dừa với dãy hố xí công cộng che liếp dựng sát nhau. Xin mượn lời của Trịnh Công Sơn từng hài hước kể lại đã “kinh khủng” ra sao khi lần đầu tiên ra Hà Nội đến thăm Thái Bá Vân: “Vo vo trong bàn tay mẫu giấy báo, cố nín thở để đi vào dãy nhà xí công cộng tồi tàn được những tấm liếp cói che lửng, đã thế mấy người đang ngồi trong ấy lại nhổm dậy vẫy tay xin chào, xin chào anh Trịnh Công Sơn với giọng rất vui. Thì ra họ là những người thuộc giới am hiểu nghệ thuật – đây là nhà tập thể của khu văn công mà – từng biết người nhạc sĩ họ yêu mến qua ảnh chứ chưa hề gặp mặt. Mình chỉ muốn độn thổ, không biết đáp lại nhiệt tình ấy ra sao nữa”. Mượn lời kể của Sơn để nói lý do tại sao Thái Bá Vân quyết định dọn lên tầng 6 khu chung cư khá tồi tàn ở tít Thượng Đình chỉ để có được một nhà vệ sinh ở ngay góc phòng 16m2. Dạo ấy, Trịnh Công Sơn và tôi hì hục bám tay nhau lần theo cầu thang lên thì chỉ gặp cháu Mây con gái anh, còn anh thì đang đi kiếm cho được một tảng phômát để nhâm nhi với ly rượu mời bạn quý. Bước vào phòng anh vừa thở vừa ngồi xuống chiếc ghế đẩu – cháu Mây vừa đứng dậy để nhường chỗ cho bố vì nhà cũng chỉ có ba chiếc ghế – vừa hể hả giải thích.

Trở lại chuyện đang kể dở dang: Tuần sau Thái Bá Vân đến, chị Băng đã đứng đợi ở cửa: “Xong rồi, xong rồi, họ lắp xong cái bồn cầu bằng sứ trắng tinh, treo cái thùng chứa nước có dây giật nữa đấy, vào mà xem, tôi đã quét dọn sạch sẽ, đẹp đẽ tinh tươm lắm”. Anh Văn ngồi yên bên bàn nước không nói gì khi Thái Bá Vân đi theo chị Băng vào xem cái “kỳ quan” vừa mọc lên trong buồng tắm. Khi thấy Vân quay lại, anh đẩy cái điếu cày hút thuốc lào clip_image014vào gậm bàn rồi lôi ra một chai rượu đế nút lá chuối, rót ra hai ly nhỏ: “Ngồi xuống đây, nếp hoa vàng chính cống đấy”, và lẩm nhẩm thêm: “Hương vị của nó không mất đi vì câu chuyên cái toalet đâu”, giọng của anh không bực bội như lần trước mà đã có chút hài hước ẩn chứa một sự thoải mái, Thái Bá Vân nhận xét. Anh nói thêm: “Còn cái ly anh Văn rót rượu tây, chai Chivas mà anh nhờ tôi đem biếu anh Văn sau lần anh gặp anh Văn và chị Băng tại khách sạn gần ga Hàng Cỏ Hà Nội khi hai anh chị đến thăm Trịnh Công Sơn vừa từ Sài Gòn ra thì nhỉnh hơn một chút, cao hơn một chút”. Chắc Thái Bá Vân tế nhị nhắc lại với tôi chai rượu mà học trò cũ tặng tôi nhân ngày 20 tháng 11 dạo nào tôi viết ra đây để nói về chuyện cũng là chai Chivas mà anh sẽ rót từng ly rưới trên mộ Văn Cao tôi sẽ kể dưới đây.

Ra Hà Nội tiễn đưa Văn Cao đúng vào những ngày Hà Nội nóng tới 390 nhưng Trịnh Công Sơn vẫn đóng bộ complet đen, thắt cravate đen. Kiểu này mà xuống Mai Dịch thì anh có thể ngất vì Sơn đang rất yếu sau một ngày túc trực và luẩn quẩn ở 51 Trần Hưng Đạo chỉ tối mới về khách sạn, mà cái nắng giữa nghĩa trang có thể trên 400. Nhìn anh vẫn nghiêm chỉnh trong bộ lễ phục khi tụ tập tại nhà tôi sáng hôm sau, tôi biết khó thuyết phục anh, nhưng không thể không nói “Thôi Sơn à, Sơn chỉ đến 51 Trần Hưng Đạo đưa tiễn anh Văn đến cổng nghĩa trang rồi xe của mình sẽ đưa Sơn lên thẳng sân bay”, Thái Bá Vân rồi Sâm Thương cũng dỗ dành thêm, nhưng Sơn vẫn khăng khăng không chịu. Đến khi Thái Bá Vân đưa ra ý kiến: “Chai Chivas ông vừa khui ra, chúng ta chỉ uống mỗi người một ly nhỏ rồi đóng lại, tôi sẽ thay ông đem lên mộ uống cùng anh Văn để tiễn biệt anh thay cho ông. Ông đừng để chúng tôi phải tiễn luôn ông đi cùng anh Văn hôm nay”. Xem ra, ý tưởng đó của Thái Bá Vân đã thuyết phục được anh, Sơn gật đầu nâng ly rượu: “Chúng ta uống để khóc anh Văn rồi mang đến nghĩa trang tiễn đưa anh”. Và rồi thực hiện lời hứa đó, Vân ôm khư khư chai rượu lên xe đi sau xe đưa Trịnh Công Sơn đến 51 Trần Hưng Đạo rồi sau đó xuống nghĩa trang Mai Dịch. Đến cổng nghĩa trang, chúng tôi xuống xe len vào giữa cái nắng chói chang, nóng hừng hực, xe chở Sơn dừng lại giây phút rồi chạy thẳng lên sân bay.clip_image016

Khi những nghi lễ đã hoàn tất, Ban tổ chức lễ tang chuẩn bị xếp các vòng hoa sẽ chất cao như núi trên mộ Văn Cao thì Thái Bá Vân lom khom bước ra: “Khoan khoan”, vừa nói anh vừa lôi chai rượu Chivas từ trong áo ra. Ông Trần Hoàn, trưởng ban tang lễ xem ra có vẻ hoảng, có thể ông ta đang ngờ ngợ một bất ngờ sẽ xảy ra, một động tác mang tính kích động chăng, một vài câu tiễn đưa rất đáng ngờ với nội dung khiêu khích à? Đã thế, Thái Bá Vân lại lúng túng không mở được nút chai rượu khiến cho sự căng thẳng càng thêm căng thẳng. Thì may quá, một người bước ra, ông “Lâm cà phê” chủ quán cà phê 60 Nguyễn Hữu Huân, người bạn tri kỷ của giới hoạ sĩ lừng danh của Hà Nội, đang đứng giữa cả nhóm chúng tôi phía bên trái giữa đám người dự đám tang, đỡ lấy chai rượu từ đôi tay lóng cóng của Thái Bá Vân, nhẹ nhàng mở nút chai rồi trao lại cho anh. Thái Bá Vân thủng thẳng rót từng ly rượu: “Anh Văn ơi anh uống cùng chúng tôi ly rượu tiễn đưa anh về chốnThiên Thai! Ánh trăng mơ thành suối trần giannhé.[1]

Từng ly, từng ly, Thái Bá Vân run run rưới rượu lên trên mộ Văn Cao: “Đây là của Trịnh Công Sơn, đây là của…”, anh lần lượt đọc tên của mấy anh em chúng tôi có mặt bên ngôi mộ đất đã kịp khô dưới cái nắng hầm hập. Chắc là ông Trần Hoàn đã thở phào nhẹ nhõm lau mồ hôi đầm đìa trên trán, nhìn Thái Bá Vân lom khom đứng dậy bước về giữa đám chúng tôi, đứng cạnh ông “Lâm cà phê”.

Liệu có nên nhắc lại câu Trịnh Công Sơn nói với Văn Cao: “Anh Văn ơi, đừng buồn, bởi có gì tồn tại mãi đâu. Có đấy và mất đấy. Cái tồn tại hôm nay là tạm bợ. Cái vĩnh viễn là tấm lòng chung thủy quá hiếm hoi… Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi đi la đà giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư…”.

Và tưởng cũng nên có vài dòng trân trọng về ông chủ quán cà phê mà nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần viết về cái không gian nghệ thuật này từng in sâu những nét dấu của người Hà Nội hào hoa vốn ẩn chìm một chiều kích sâu thẳm về văn hoá, lịch sử và nhân văn để liên tưởng với bảo tàng nghệ thuật ở một quận của Paris. Nhiều hoạ sĩ tài danh như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… là khách mà như “người nhà” quen thuộc của ông Lâm trầm lặng và rất kiệm lời.

Suốt cả chặng đường ra nghĩa trang, người chủ quán cà phê có “biệt nhỡn liên tài” này ngồi im lặng, im lặng với một thoáng cười thân tình đặt ly cà phê lên bàn của Thái Bá Vân ngày nào tôi được anh dẫn đến uống cà phê trong một ngày Hà Nội vào đông mưa phùn, để nhấm nháp ly cà phê nóng hổi theo nghĩa đen và nóng hổi chất nghệ sĩ say nồng. Ông im lặng chìm khuất vào nhóm bạn bè giữa buổi tang lễ Văn Cao với dáng vẻ gầy gò trầm tĩnh trong tấm áo đã sờn đứng cạnh Thái Bá Vân. Nhìn đôi mắt buồn chưa khô ngấn nước mắt, tôi xúc động nắm lấy bàn tay ông.

Xúc động như từng xúc động với những con người tôi may mắn được gặp ở Quán Gió Hồ Tây dạo nào. Buổi gặp ấy gợi trong tôi suy ngẫm miên man về những người bạn có tâm hồn giàu chất nghệ sĩ từng đem lại cho tôi những xúc động khó tả mà những lá thư tâm tình gửi cho tôi của anh Nguyễn Trung là một ví dụ.

Trả lời thư tôi hỏi ý kiến, anh Trung viết: “Cảm ơn anh, không bài nào của anh mà tôi không đọc, duy nhất bài 144 vừa mới đến sáng nay nên tôi chưa kịp đọc. Tôi thực lòng không muốn khuyên anh bây giờ viết cái gì, vì không đủ lý lẽ và cơ sở để khuyên và anh tâm sự:Cũng nhân dịp này đọc lại chính mình. Những thứ tôi muốn sưu tầm và sắp xếp lại như thế có lẽ đến vài nghìn trang, để đến lúc nào đó sẽ kỷ niệm lại cho đời rằng: Đã có một tiếng nói như thế trên đời này về thân phận đất nước chúng ta – đúng / sai không quan trọng lắm và cuộc sống sẽ phán xét, miễn là có ích một chút là được rồi. Tôi còn sưu tầm và rất muốn đọc lại để hiểu được chính mình! Việc này có lẽ phải hai hay ba năm tới mới xong, chỉ cầu mong trời chiều mình và ban cho sức khỏe”.

Lẩn thẩn lật từng trang, từng trang cuốn tiểu thuyết anh tặng tôi năm 2017, để rồi dừng lại ở trang 7 với lời khấn nguyện: “Tổ quốc, xin Người hãy nhận lấy trọn vẹn trái tim con!”. Bên dưới có dòng chữ: “Tưởng nhớ hương hồn anh Nguyễn Cơ Thạch và anh Võ Văn Kiệt”. Cuốn này ra đời sau Dòng đời xuất bản năm 2006, “Cả hai bộ này (I và II) là bức tranh mosaic về toàn cảnh đất nước những thập kỷ đầu tiên thời độc lập thống nhất cho đến hôm nay. Bộ thứ III đã có ý tưởng từ năm 2012 và đã có tựa đề là "Sóng thần", nhưng tôi đang "cắn bút" từ 2012 đến nay, mặc dù đã vật lên vật xuống vài trăm trang phác thảo đầu tiên rồi lại bỏ không viết tiếp nổi… Tựa đề của từng bộ tiểu thuyết này và trình tự của từng bộ trong trilogy này có lẽ đã nói lên được ý tưởng và khát vọng của tác giả – tôi nghĩ thế. Do đó "Sóng thần" sẽ mang tính dự báo tương lai: Cái sẽ đến, hay cái phải đến và cần tránh, hay là cái nên mở đường cho nó đến… cho nên đấy sẽ phải là một tiểu thuyết giả tưởng, mà khả năng làm fantasie của tôi kém quá bởi vì cuộc sống vận động nhanh hơn và phức tạp hơn nhiều lần so với khả năng chạy thi của trí tưởng tượng của tôi. Hiện nay, nghĩa là cho đến lúc này, tôi vẫn theo đuổi "Sóng thần", cố không bỏ cuộc. Xin chia sẻ với anh như vậy. Lúc nào muốn quăng bàn tính đi thì alô cho tôi”, anh viết.

Chắc rồi cũng sẽ có một ngày tôi phải “alô” cho anh theo quy luật khó lẩn tránh mà tôi đang ngoan cố cưỡng lại. Bởi lẽ tôi và tôi nghĩ chắc anh cũng vậy còn sống ngày nào thì còn phải viết ngày ấy, vì viết là lý do để sống tiếp chặng đường ngắn ngủi còn lại. Nhưng anh Trung ơi, tôi muốn hỏi anh một câu: “Vì lẽ gì mà trong bộn bề công việc đang ngập đầu của một nhà ngoại giao đứng ở đầu cầu Việt Nam hội nhập với thế giới của buổi ấy, rồi là trách nhiệm nặng nề và quá tế nhị một trợ lý của ông Sáu Dân – một người có sức làm việc khủng khiếp và luôn bứt lên phía trước với những tư tưởng đột phá có ý nghĩa mở đường – và không lạ khi phải đương đầu với những thế lực đáng gờm. Là trợ lý của con người ấy, đương nhiên anh cũng phải triển hết gân sức để đủ bản lĩnh theo kịp và hỗ trợ cho sự bứt phá đó. Thì thời giờ đâu, lý do gì, sức mạnh nào thôi thúc anh viết ngần ấy những trang tiểu thuyết mà giờ đây chỉ đọc thôi, tôi cũng đã thấy ngợp? Phải chăng trong anh, cái chất nghệ sĩ có lúc lấn át tâm thức của một nhà ngoại giao, một người hoạt động chính trị, hay nói cho sang là một chính khách?”.

Tôi nhớ có lần trong giờ giải lao sau một buổi làm việc với anh Sáu Dân, Việt Phương cười nói với tôi: “Nguyễn Trung cũng có làm thơ đấy, không đắm đuối với thơ như mình, nhưng chất nghệ sĩ của Trung cũng mạnh lắm, và điều ấy chưa chắc là đã có lợi cho công việc đang làm đâu. Mình nghiệm ra điều ấy từ chính mình. Chẳng trách mà cậu VK nói với anh PVK là: ‘Trong Ban Nghiên cứu có ba tay nguy hiểm là Nguyễn Trung, L Đ D và Tương Lai’”. Chắc anh còn nhớ tôi đã có lần nói với anh điều đó và anh cười: “Mình biết điều đó và còn biết hơn thế về VK”. Riêng tôi, tôi muốn nói thêm rằng, phải chăng cái chất nghệ sĩ trong anh cũng như trong anh Việt Phương đã thấm thía chân lý “cái đẹp cứu rỗi thế giới” mà Dostoevsky – tác giả của Tội ác và hình phạt – đã từng viết.

clip_image018Ấy vậy mà càng muốn nói lên một sự thật oái oăm, người ý thức sâu sắc được chân lý đó, muốn sớm đưa cái đẹp vào cuộc sống để cứu rỗi tâm hồn những người đang phải hít thở bầu không khí ngày càng oi bức ngột ngạt, thì chính anh lại bị giày vò, bị bịt miệng, bị vô hiệu hoá trong một thời gian dài, quá dài. Đó là Cao Xuân Hạo – nhà ngôn ngữ học kiệt xuất – người bạn thân kính của tôi. Cuộc sống và sự nghiệp với những nghiệt ngã vô lý của con người tài hoa ấy là một ví dụ điển hình.

Từ những năm 1960, Cao Xuân Hạo đã dịch cuốn tiểu thuyết mà Tạp chí Time đã bình chọn là một trong số những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng không được xuất bản tại nước ta. Cũng khoảng thời gian này chính tại quê hương của Dostoevsky, toàn bộ các sáng tác của thiên tài văn học ấy đã bị phủ nhận. Ấy thế mà, đó là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh và hay nhất trong những tác phẩm của Dostoevsky, là một trong những tác phẩm có nội dung bi thảm nhất của văn học thế giới. Tác giả đã dựng lên một bức tranh ảm đạm về số phận bế tắc của lớp người dưới đáy xã hội Nga, nhất là tầng lớp trẻ trong trắng, nhiều khát vọng. Nội dung sâu sắc ấy được chuyển tải bằng nghệ thuật phân tích tâm lý đặc sắc, tinh tế, thấm đến tận đáy sâu tâm hồn nhân vật mà người dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt đã lột tả trung thực và điêu luyện mà những người am hiểu sâu tiếng Nga và tài năng của Dostoevsky phải thán phục. Vậy mà, Nhà xuất bản ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của một số nhà phê bình Liên Xô “sợ thanh niên Hà Nội sẽ bắt chước Raskolnikov mà cầm rìu đua nhau đi giết mấy bà già cầm đồ” để từ chối phát hành cuốn sách.

Tựa tiếng Việt bản dịch của Cao Xuân Hạo là Tội ác và hình phạt, nhưng khi phát hành người biên tập đã sửa lại thành Tội ác và trừng phạt. Theo Cao Xuân Hạo, người được xem là dịch giả hàng đầu của Việt Nam cho đến tận hôm nay, thì đó là “một lỗi ngữ pháp kếch xù”, một “đầu đề đáng xấu hổ”. Nhưng anh không chỉ phải chịu đựng có thế. Trong một thời gian dài, do bị quy tội là dính vào “Nhân văn Giai phẩm” không được lên bục giảng, sách dịch của anh không được xuất bản, nhà văn hoá lớn đó đã chỉ được phép làm việc trong phòng Tư liệu của Đại học Tổng hợp… Cũng cần biết thêm rằng, anh từng là tác giả những ca khúc yêu nước và trữ tình được biết đến từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Nhưng những công trình dịch thuật và tác phẩm nghiên cứu ngôn ngữ học nổi tiếng của anh đã che mờ sự tài hoa nghệ sĩ của nhà ngôn ngữ học kiệt xuất.

Trong một lần ngẫu hứng, Cao Xuân Hạo đã kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động khá độc đáo mà tôi chỉ tóm tắt vài dòng sau đây “Một buổi trưa ngồi bên bờ suối của “Bình Trị Thiên khói lửa” thời ấy, anh và và viết kịch Bửu Tiến (sau này đã viết nhiều vở kịch, trong đó có vở kịch nổi tiếng “Giáo sư Hoàng” trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, gây tiếng vang lớn) nói lên những ý nghĩ thầm kín: “Không chịu nổi cuộc sống yên bình vô vị ở khu IV, dấn thân vào đây để được trực tiếp tham gia vào cuộc sống ở chiến trường, nhưng biết rằng cũng chỉ bây giờ, chứ sau ngày chiến thắng, người ta sẽ cho chúng ta ra rìa thôi”. Cao Xuân Hạo đã vặn lại Bửu Tiến: “Biết thế tại sao anh vẫn rủ tôi cùng dấn thân vào nơi khói lửa này?”, anh trầm ngâm suy nghĩ để rồi tán thành câu trả lời của bạn anh: “Vì đó là sứ mệnh của người trí thức trước sự tồn vong của đất nước””.

Thế đó anh Trung thân mến ạ. Nhớ đến câu chuyện Cao Xuân Hạo kể, tôi nghĩ về dòng chữ anh ghi trên trang 7 cuốn anh tặng tôi. Dưới lời tâm huyết đó, anh cũng đã ghi “Kính tặng hương hồn anh Võ Văn Kiệt nên tôi cũng nói thêm rằng, tôi đã kể câu chuyện Cao Xuân Hạo bên bờ suối của một ngày xa xưa nói trên cho ông Sáu Dân nghe khi ông hỏi tôi về Cao Xuân Hạo để đến thăm anh ấy. Ông trầm ngâm không nói gì cũng như lần ông ngồi im lặng suy nghĩ rất lung khi tôi tóm tắt trình bày về vấn nạn của người trí thức với “Nhân văn Giai phẩm” theo yêu cầu của ông mà tôi đã có dịp đưa lên “Mênh mông thế sự”.

Phải chăng chính là cái đẹp đã cứu rỗi tâm hồn những người trí thức như Cao Xuân Hạo cũng như bao người nghệ sĩ hoặc có tâm hồn nghệ sĩ khác. Ý nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu tôi khi ngồi trên xe của Phạm Gia Minh đưa tôi trở về khách sạn dọc theo con đường theo hướng ngược lại, dán mắt vào cửa kính cố nhìn vào cái mênh mông của Hồ Tây để cố tìm thử xem Trịnh Công Sơn đã từng thấy gì, nghĩ gì và muốn nói gì hay chỉ là cảm hứng phiêu bồng về cái đẹp với

Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi

Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…”

Thế nhưng khi đang cố tìm trong bảng lảng mênh mông mặt nước Hồ Tây những ngày đầu thu trời trong vắt không một gợn mây ấy, tôi lại nhớ đến câu Trịnh Công Sơn viết: “Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, sương khói, hoàn toàn không có gì cụ thể”. Thế rồi, “thực thực – ảo ảo: tình vừa mong manh như nắng, lại có sức tàn phá như cơn bão đi qua địa cầu, tình lên cao vút như chim xa lìa bầy, rồi lại chìm mau như bóng chim cuối đèo. Ôi áo xưa lồng lộng Đã xô dạt trời chiều Như từng cơn nước rộng Xóa một ngày đìu hiu…”[2]

Vậy thì, khi Nguyễn Trung viết trong lá thư trả lời tôi: “Đã có một tiếng nói như thế trên đời này về thân phận đất nước chúng ta” thì thân phận đất nước có là thân phận của anh, của tôi và của bao người khác đã và đang đi tìm một lý tưởng sống cao cả, đang cố đuổi theo một khát vọng tìm thấy cái đẹp, cái chân cái thiện giữa cuộc đời còn quá nhiều bụi bặm của buổi nhiễu nhương này.

Đi tìm và tự hỏi mình

“Không gian đá nổi vàng chìm

Thời gian được mất đi tìm đâu đây[3]

Tìm đâu đây, bỗng nhiên trong đáy sâu tâm hồn lãng đãng xuất hiện tâm sự của Ngô Thì Nhậm 吳時任, danh sĩ thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVIII bắt sang đầu thế kỷ XIX trong Mộng Thiên Thai phú:

“Vọng tri kỷ hề, thiên nhất nhai.

Hà nhân thức hề, ngô linh đài?”

Mong người tri kỷ chừ một phương trời

Lòng ta chừ tri âm ai người?[4]

Ngày 22.7.2023

Chú thích ảnh:

1 & 2: Hồ Tây

3: Phạm Gia Minh

4: Nguyễn Trung

5: Trịnh Công Sơn

6: Từ trái sang phải: Văn Cao, Tương Lai, Trịnh Công Sơn, chị Nghiêm Thúy Băng

7: Thái Bá Vân (ký họa của Bùi Xuân Phái)

8: Văn Cao và Trịnh Công Sơn

9: Cao Xuân Hạo


[1] Lời trong ca khúc Thiên Thai của Văn Cao.

[2] Dẫn theo Nguyễn Thị Minh Châu, Thân phận, quê hương và tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn, Tuổi Trẻ, 14/04/2007

[3] Việt Phương, bài Sống trong tập thơ Nắng.

[4] Ngô Linh Ngọc dịch.

Comments are closed.