Chuyện đồng hồ

Nguyễn Thông

1.

Trong những thứ “vật bất ly thân” của một thời, chiếc đồng hồ đeo tay được coi là món sang trọng và trị giá nhất. Mấy thứ còn lại gồm kính, bút, đèn pin. Ông em rể tôi có thói quen chỉn chu cẩn thận, trước lúc xuất hành đi đâu, hoặc trước khi từ chỗ nào đó trở về, lại nhắc toáng lên “nhớ kiểm tra đèn pin kính bút đồng hồ xem để quên cái gì không”. Vài năm trở lại đây thì lão ý đã bắt kịp thời đại, không nhắc đèn pin kính bút nữa mà đảo mắt ngó nghiêng rồi hô nhớ đừng quên điện thoại và cục sạc nhá.

Bây giờ chả mấy ai khoe đồng hồ dù có những cái xịn giá lên tới mấy trăm nghìn đô Mỹ, quy ra tiền xứ ta phải vài chục tỉ bạc. Hẩm hiu bởi nó đã hết thời, trừ một vài thương hiệu cực xịn, người ta sắm hoặc đeo do thừa tiền, cốt để khoe của, trưởng giả học làm sang.

Đồng hồ chủ yếu chỉ để coi giờ giấc, nhất là ở cái thời con người còn nhờ vào bóng nắng, tiếng gà gáy, tiếng tút tút trên đài phát thanh, thậm chí cả hoa (hoa đồng hồ, hoa mười giờ) để biết thời gian, thì nó là soái ca. Những người đeo đồng hồ ngày ấy, oai phong chả khác gì đại gia thời nay diện xe ô tô Mercedes C500, Toyota Avalon hoặc Lexus 570. Nhưng cái gì cũng có hồi, khó tránh khỏi bị rẻ rúng, thất sủng. Người còn bị vứt vào sọt rác nữa là đồng hồ. Bây giờ trong mỗi chiếc điện thoại di động đều hiện đủ cả giây phút giờ ngày tháng, thậm chí ngày âm ngày dương, nạp sẵn lịch cho vài trăm năm, vậy thì sắm đồng hồ làm quái gì, chỉ tổ vướng víu. Các hãng sản xuất đồng hồ, dù nổi tiếng như ở Thụy Sĩ đi chăng nữa, cũng sẽ chết, cũng như đám sản xuất phim ảnh, giấy ảnh, máy ảnh Kodak, Fuji, Orwo, Minolta… bị ngỏm củ tỏi bởi không đọ nổi máy ảnh kỹ thuật số vậy.

Lại nhớ thời còn bé, những năm 60 – 70 ở miền Bắc, đồng hồ là của hiếm. Thực ra chỉ hiếm sau năm 1954, tức là sau khi chính quyền mới tiếp thu miền Bắc. Đuổi được Pháp thì họ cũng đồng thời đuổi luôn những tiện nghi, vật dụng của bọn “đế quốc sài lang”. Ô tô, xe đạp, quạt máy, lụa là vải vóc… chứ chả riêng gì đồng hồ, dính với thực dân phong kiến, với lối sống hưởng lạc, cứ là dẹp cho bằng hết. Ta độc lập tự chủ, tự ta làm lấy mọi thứ, không có thì tạm nhịn, năm năm, mười năm, hoặc lâu hơn nữa. Ấy là nói với dân thôi, chứ cán bộ đã có hàng hóa Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.

Cả làng Trà, tới khi tôi lên 10 tuổi, tức là lúc Mỹ bắt đầu đánh phá, thú thực tôi chả thấy ai đeo đồng hồ. Hồi bé tôi hư, xấu tính lắm, hay tò mò quan sát, ghen tị với người có của. Cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) như ông Sơn bí thư, ông Hoạt phó bí thư, ông Mạo chủ tịch, ông Quyền, ông Ngọa phó chủ tịch… cũng không thấy ai có đồng hồ bởi nếu có thì phải đeo trên tay, vừa xem giờ, vừa để khoe. Tôi thường ra trụ sở ủy ban mượn báo về cho thày tôi đọc, gặp các ông ấy hằng ngày, nhớ là như thế. Tự dưng cảm thấy mên mến các ông, bởi họ cũng hơi… nghèo. Về sau, khi Liên Xô viện trợ hàng hóa, cán bộ xã được phân phối đồng hồ Slava, Raketa, vị nào chức to hơn thì được mua đồng hồ Poljot. Nếu cán bộ huyện trở lên tiêu chuẩn mua loại Pôn giốt (thời đó phiên âm vậy) mạ vàng, trông sang và đẹp, còn thì mạ trắng. Tất cả đều loại 17 chân kính, lên giây cót bằng cái núm thò hẳn ra ngoài, lên căng hết mức cũng chỉ chạy được một ngày, tối nào quên lên giây sáng mai nó chết ngỏm.

2.

Hồi tôi vào lớp 8 (năm 1969), lớp đầu cấp 3 hệ 10 năm, cả thôn có bốn đứa học trường huyện, đều nhà nghèo, thuộc diện nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "chúng tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ là nông dân", trường cách nhà hơn ba cây số, xa thế nhưng tinh đi bộ, hôm nào cũng phải dậy từ sáng sớm. Không có đồng hồ, chả biết đâu mà lần, cứ căn theo gà gáy và tiếng người đi chợ thì dậy. Riêng lão Cước cùng lớp, cùng tuổi nhưng tôi gọi bằng chú, có chiếc đồng hồ Nicle hai kim, kim xanh kim đỏ. Cũng chả nhớ nước nào sản xuất. Đeo oai lắm, ai hỏi giờ, thỉnh thoảng chú Cước tôi vung tay quay một vòng rõ rộng rồi mới trả lời. Hồi đó người ta truyền tai nhau câu “Ni cờ le vừa nghe vừa lắc”. Muốn biết nó đang chạy hay không phải áp sát vào tai nghe tiếng tích tắc, nếu đã chết thì lắc mạnh nó mới chạy lại. Tôi ngờ lắm, mấy lần hỏi giờ, lão Cước đều ấp úng, hình như chỉ đeo để tán gái, cô Vân Chi mậu dịch viên cửa hàng bách hóa huyện chứ không cốt xem giờ.

Hồi trước năm 1975 ở nông thôn miền Bắc những nhà khá giả thường sắm đồng hồ để bàn của Trung Quốc, quên hiệu rồi, chỉ nhớ nó nền màu trắng viền xanh, dưới số 12 có con gà mái màu vàng mổ thóc. Loại đồng hồ bàn này được chết tên "gà mổ thóc". Nó mổ theo tiếng tích tắc, tích tắc, bây giờ thì thấy đơn giản nhưng hồi ấy quả là tuyệt vời. Hàng Tàu thời xưa tốt lắm, phích nước, thau sắt tráng men, xe đạp Vĩnh Cửu hoặc Phượng Hoàng, bút máy Kim Tinh, vải Tô Châu, mũ cối, đèn pin, cả cái đồng hồ con gà mổ thóc nữa. Xài rất bền, ít hỏng hóc. Vải Tô Châu mặc đến rách te tua, sờn hết đầu gối hoặc mông đít nhưng vẫn tươi màu, lạ thế. Ông Tế anh họ tôi làm phó chủ nhiệm hợp tác xã được phân phối một chiếc con gà mổ thóc, cả nhà nâng niu như của gia bảo, hình như dùng mấy chục năm mới chịu bỏ.

Nhà tôi không có đồng hồ, cả để bàn lẫn đeo tay đều không. Mà cả làng chắc cũng chỉ mươi nhà có. Thày bu tôi cũng như hầu hết nông dân làng thức khuya dậy sớm quen rồi, vả lại cứ ăn xong là ra đồng nên không cần đồng hồ. Đám mấy chị em tôi hiểu hoàn cảnh nhà mình thiếu thốn nên cũng biết cách nghe gà gáy cầm canh để ước chừng khi nào cần dậy đánh răng rửa mặt rồi đi học. Nhà tôi hướng chính đông, buổi trưa chúng tôi biết coi bóng nắng mấy hàng gạch mà tính giờ, chả mấy khi sai. Nhiều người chắc còn nhớ trong truyện “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố có chi tiết nhà nghị Quế “bóng nắng xuống thềm một hàng gạch, xe lửa 1 giờ toe toe hét còi” nhưng lão nghị cứ gân cổ cãi mới 12 giờ. Nghị Quế sai chứ anh em tôi chả mấy khi sai.

Tôi xin nói thêm rằng gạch phải là gạch Bát Tràng vuông cỡ 20 x 20 cơ chứ không phải gạch thẻ, có thế coi bóng nắng mới chính xác. Đám gạch đó thày tôi hồi sau cải cách ruộng đất mua lại được của mấy ông bà nông dân được chia quả thực tài sản địa chủ, lát được cái sân để tiện phơi thóc, phơi khoai khô. Gạch bóc lên từ sân địa chủ, hòn lành hòn vỡ, hòn cong hòn vênh, trông cái sân gạch cứ như chiếc áo vá chằng vá đụp, nhấp nhô cao thấp. Mà khiếp thật, đến cả cái sân gạch của địa chủ mà đội cải cách cũng không tha, quyết bẩy lên bằng được, đánh cho địa chủ chỉ còn hai bàn tay trắng.

Hồi bé, tôi thỉnh thoảng mò vào khu dinh cơ cũ của địa chủ chánh Ninh và người con rể là ông phán Cơ, chỉ cách nhà tôi vài trăm mét. Tàn phá tang thương, căn nhà trên năm gian mái ngói tường gạch cột lim nền gạch hoa bị phá chỉ còn cái nền rộng mênh mông, nhà dưới 4 gian cũng nhà gạch tường xây mái ngói được giữ lại chia bôi quả thực cho mấy hộ bần cố nông bà Ngần, ông Chinh móm, ông Hâm điếc… vào ở. Vườn na vườn nhãn tan hoang, nhìn cả khu nhà càng thấy tiếc. Giá như người ta đừng phá đừng chia mà để dùng vào việc công thì tốt biết bao.

3.

Ở cuối bài trước, tôi có nhắc đến cái sân gạch Bát Tràng mà tôi thường xem bóng nắng để biết giờ, nhân tiện kể tí ti về cải cách ruộng đất (bởi gạch lát sân là gạch được cậy lên từ sân nhà địa chủ, thày tôi mua lại từ người được chia quả thực). Có bạn đọc xong bảo sao bác không kể thêm về cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đi. Thực thà mà rằng khi xảy ra đấu tố, đánh địa chủ phú nông, tôi mới 1-2 tuổi, nào đã biết gì, chỉ nghe thày bu và anh chị kể lại thôi. Nhưng nghe cũng khiếp.

Quê tôi nghèo lắm, thế mà đội cải cách vẫn tìm ra được đủ 5% địa chủ, có người chỉ sở hữu vài mẫu ruộng, lôi họ ra đấu tố tơi bời, sau đó còn bịt mắt điệu một ông lên pháp trường ở đầu núi Trà Phương bắn. Chị tôi kể, theo người nhớn đi xem xử bắn về mấy đêm không ngủ được vì sợ. Mà nào ông ấy có địa chủ địa chiếc ghê gớm gì cho cam, chỉ nhà ngói sân gạch, có mấy mẫu ruộng tự canh tác chứ chả dám thuê tá điền. Nhưng cách mạng bắt chết thì phải chết, không có tội cũng thành có tội. Ông ấy chết rồi, ruộng đất bị tịch thu hết, gia đình ly tán, con cái tha hương, cơ nghiệp nhà cửa tan hoang bị chia cho mấy hộ bần nông, khi còn trẻ con tôi hay vào khu nhà đó chơi, trông thật tang thương tiêu điều. Sau này có dịp đọc một số tài liệu nói về cuộc cải cách điền địa ở miền Nam thời ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, cụ thể là chính quyền Sài Gòn chủ trương hạn điền, thu hẹp ruộng đất của địa chủ, nhưng bằng biện pháp trưng mua, thỏa thuận trả tiền cho điền chủ, nếu nhiều ruộng bị mua quá thì phần còn lại trả bằng trái phiếu, không có địa chủ nào biệt thiệt thòi, bị xâm phạm thân thể, mới thấy hai cuộc cải cách ruộng đất khác nhau một trời một vực. Nhưng thôi, điều ấy tôi sẽ biên lại sau, ai muốn biết kỹ hơn thì tìm đọc hai cuốn biên chép tỉ mỉ dạng sách phi hư cấu là cuốn "Gia đình" và cuốn "Đoạn đời niên thiếu" (cuốn này vừa được phát hành tháng 7) của nhà văn Phan Thúy Hà, đều viết về cải cách ruộng đất, còn bây giờ quay lại chuyện đồng hồ.

Năm 1975 đất nước thống nhất. Suốt 21 năm trời, những đoàn quân hết đợt này đến đợt khác xuôi vào “giải phóng miền Nam”, giờ đây chiến tranh chấm dứt lại ngược trở ra Bắc. Những người lính về quê hương bản quán, cùng lắm chỉ theo mang vài thứ “chiến lợi phẩm” mà họ dành dụm tiền mua được như chiếc khung xe đạp, con búp bê biết nhắm mắt, hộp kem đánh răng Perlon, cục xà phòng thơm, mấy cây bút bi… Bao năm chinh chiến, có chút quà cho vợ con mừng. Nhưng cuộc "giải phóng kinh tế" tiếp sau đó thì quả thật ghê gớm. Từng sư đoàn dân chúng miền Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam sắm sửa. Mấy chục năm chịu thiếu thốn nghèo khó, nay có dịp thay đổi cuộc đời. Ngay những nhà giàu, khá giả ở Hà Nội, Hải Phòng từng dùng tivi Neptun, tủ lạnh Saratov, quạt máy tai voi, đồng hồ Poljot, đài Orionton… tưởng như thế đời đã lên hương lắm nhưng giờ đây so với “sản vật” miền Nam thì thấy chúng chửa là gì. Xe lửa, ô tô, tàu thủy tấp nập kìn kìn đưa hàng ra Bắc. Có lẽ lần đầu tiên người dân miền Bắc biết hình dáng chiếc xe Honda dame 50 phân khối, tủ lạnh Hitachi, Sanyo, tivi Denon cửa lùa, radio cassette Sony hoặc Sharp, dàn nghe nhạc Akai, vải ka tê trắng mịn mềm như lụa. Và nhất là đồng hồ, thật ấn tượng, đủ loại cao cấp của Nhật Bản, Thụy Sĩ, như Omega, Longines, Orient, Seiko, Titoni, Odo… Những chiếc đồng hồ, nếu không có sự thống nhất Nam Bắc, có lẽ có sống hết đời tôi cũng chả nhìn thấy bao giờ.

Mỗi lần nghỉ phép, tôi thường đi tàu khách biển Thống Nhất. Con tàu trọng tải gần 3 vạn tấn với khoang hàng rộng như cái sân bóng đá chuyến ra nào cũng chật ních hàng hóa. Mỗi chuyến nó cõng cả nghìn chiếc xe máy, còn tivi, cát xét, vải vóc thì nhiều vô kể. Cuộc sống “phồn vinh giả tạo” đang cung cấp cho miền Bắc những thứ hàng rất thực có thể sờ nắm được, trước đó chỉ có trong mơ, hoặc không hình dung ra. Hàng từ đâu mà lắm thế? Hàng do chính quyền cách mạng tịch thu của tư sản, nhưng phần lớn là từ nguồn dân chúng miền Nam chưa quen với chế độ mới, đời sống lại ngày càng khó khăn nên họ đành phải lần hồi bán bớt tài sản để có tiền sống qua ngày. Cũng có một phần hàng từ người nhà sau hơn 20 năm xa cách, giờ đoàn tụ, mừng quá, thương quá nên biếu nhau đem ra mà dùng cho biết mùi phú quý. Xe cộ, tivi, cát sét, đồng hồ, quạt máy… cứ đội nón ra khỏi nhà, năm này qua năm khác, theo dân buôn hướng ra bắc.

Có lần tôi nhờ anh Tường, một thủy thủ tàu khách Thống Nhất mua giúp cái vé tàu bởi đã suốt mấy hôm xếp hàng ở bến Chùa Vẽ vẫn không sao đến lượt. Bọn phe vé gom hết rồi, vé hạng bét 60 đồng nó bán thành trăm rưỡi, tiền đâu mà mua. Tới nhà bác Tường (ở phố ga Lương Khánh Thiện), tôi tròn xoe mắt, bác ấy vừa đem từ Sài Gòn về chiếc đồng hồ treo tường hiệu Odo cực đẹp. Sao lại có thứ đồng hồ đẹp, tinh xảo đến thế. Chiếc quả lắc đung đưa thong thả, thỉnh thoảng lại bính boong bính boong âm thanh trong vắt, nghe thứ nhạc dịu dàng trong trẻo ấy có cảm giác mình đang lạc vào động tiên. Lẩn thẩn nghĩ, từ chiếc đồng hồ để bàn Con gà mổ thóc, tiến lên đồng hồ Odo quả lắc, quả là bước tiến vĩ đại của cuộc cách mạng bằng súng đạn.

4.

Như đã kể ở bài trước, sau tháng 4.1975, hàng hóa lũ lượt từ miền Nam trẩy ra Bắc, tinh những thứ của bọn tư bản giãy chết, nào tivi, tủ lạnh, xe máy, cát xét, xe đạp, radio, vải vóc, quần áo, thậm chí cả cục xà phòng, hộp kem đánh răng…, tất nhiên trong đó có đủ loại đồng hồ. Chỉ có nhà cửa, biệt thự không đào đi được, chứ nếu được cũng đem tuốt. Lại nhớ người ta nhại câu hát của Lưu Hữu Phước, “tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền; tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật to”.

Trước 30 tháng 4, ngay cả những nhà giàu nhất Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi cả những gia đình ông to bà nhớn cốp sộp, cũng chỉ dùng hàng phe xã hội chủ nghĩa. Hàng có xuất xứ giãy chết, chỉ những anh VOSCO, từ thuyền trưởng tới anh nấu bếp trên tuyến đi Nhật, đi Hồng Kông may ra mới sắm được. Đám VOSCO là thứ đẳng cấp kinh tế cao nhất thời bấy giờ, ai cũng phải nể vì, ao ước, và… ghen ghét. Giờ thì Nam Bắc thống nhất, nguồn hàng vừa gần vừa phong phú, khiến miền Bắc thay đổi nhanh, choáng ngợp. Nhiều món đồ, trước kia người ta chưa từng biết, chưa từng ao ước, nay được sờ tận tay.

Mấy năm trời, “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, con buôn từ Bắc vào Nam như đi chợ, dường như khuân hết của sự giàu có phồn vinh của miền Nam ra Bắc. Cứ khoảng nửa tháng, con tàu biển chở khách và hàng hóa mang tên Thống Nhất lại lặc lè cái bụng khổng lồ lèn chặt sự phồn vinh giả tạo của miền Nam ngược Bắc vốn nghèo đói đích thực. Hàng nghìn chiếc xe máy, hàng vạn tivi, tủ lạnh, quạt máy, xe đạp mỗi chuyến, cứ hành quân Bắc tiến hết năm này năm khác. Rồi xe lửa, xe tải cũng vậy, “qua núi qua khe, mạnh hơn thác trùng trùng vô tận”.

Một cuộc giành (bằng xin-cho, mua bán) chiến lợi phẩm vĩ đại chưa từng có trong lịch sử xứ này. Tôi nhớ dạo đó người ta truyền tai nhau, “Năm năm đi tây không bằng một ngày Sài Gòn Chợ Lớn”. Tôi thầy giáo quèn, mỗi dịp nghỉ hè cũng bị cuốn vào cuộc vét hàng, nhưng chỉ vét cau khô, xà phòng cây, bật lửa ga, mì chính, bán ngay tại ga Hàng Cỏ. Những thứ ấy miền Nam ê hề nhưng bên kia vĩ tuyến vẫn là hàng hiếm.

Đầu năm 1977 tôi vào nhận việc ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng rỗi rãi lại mượn chiếc xe đạp của Nguyễn Duy Khăng bộ đội đi học dạo vài vòng cho biết. Ngó cảnh sôi động người và hàng ở bến tàu khách Nhà Rồng, ga xe lửa Hòa Hưng, các bến xe đò, chợ Bến Thành…, bất giác nhớ tới cái đoạn chót, về dòng người kéo nhau đi phá kho thóc Nhật trong truyện “Vợ nhặt” của cụ Kim Lân mà mình đang dạy. Chỗ này nói thêm, truyện đang hay, nhân văn như thế, tự dưng cụ chen đoạn ấy vào, hình như miễn cưỡng, cho có tính thời đại, chất cách mạng, chả khác gì đang ăn món ngon nhai phải cục sạn.

Giờ thì, ngay cả những nhà bình dân, nhất là vùng nông thôn, lâu nay chưa sắm được đồng hồ, đã có thể mua được chiếc đồng hồ để bàn hoặc đồng hồ treo tường cũ “made in” Nhật, Mỹ đàng hoàng. Nhà giàu thì mua loại Odo quả lắc chuông ngân thánh thót để làm sang phòng khách. Người ta có thể thịt con gà trống mà không cần nghĩ ngợi lăn tăn gì bởi đã có đồng hồ thay tiếng gáy của nó. Đám thanh niên, những tay chơi áo đại cán, áo bay, mũ cối, dép nhựa Tiền Phong trắng giờ đây thêm tiêu chuẩn cạnh tranh mới là phải có đồng hồ đeo tay.

Đồng hồ miền Nam tràn ra Bắc đủ loại đủ kiểu. Nhiều loại cao cấp, giá mỗi chiếc ngang cả tấn gạo, như Omega, Longines, Titoni, còn mềm hơn một chút là đồng hồ Nhật như Orient, Seiko. Hai loại đồng hồ đeo tay phổ biến và được ưa chuộng nhất những năm cuối thập niên 70 là Seiko và Orient. Con buôn từ miền Bắc vào Sài Gòn chủ yếu lùng sục hai nhãn hiệu danh giá này, đem về bán cứ một vốn bốn lời.

5.

Miền Bắc sau 1975. Đồng hồ Orient bốn đinh được chuộng nhất. Loại này to, dày, chết tên bốn đinh bởi có bốn mấu nhô lên bốn góc, màu tím nhạt hoặc xanh ngọc, kim dạ quang sáng ngời. Đeo chiếc Orient bốn đinh, thiên hạ lác mắt, đi tới đâu cũng nhận được những cái nhìn thèm khát và sự trầm trồ thán phục. Lớp tôi có anh Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị. Ngay sau tháng 4.1975, Chương xin phép nghỉ học vài tuần về thăm quê. Khi y trở ra, đem cả đài (radio) National và đồng hồ, rất oách. Y đeo chiếc Orient tự động, hai cửa sổ, tôi lại gần chiêm ngưỡng. Cha mẹ ôi, sao có thứ đồng hồ hiện đại, khiếp thế không biết. Đeo đồng hồ ấy, con gái chạy theo rần rần.

Cũng loại Orient còn có thứ hàng độc nhất vô nhị, dân chơi gọi là Orient thủy quân lục chiến. Chỉ những tay chơi máu mặt mới dám sắm Orient thủy quân lục chiến.

Tuy vậy, loại đồng hồ nổi danh nhất ở miền Bắc sau 1975 lại không phải Orient mà là Seiko, cũng Nhật. Chả biết ai người đầu tiên đọc chữ I thành chữ L, biến “sây kô” thành sen kô, đồng hồ sen kô. Đồng hồ Seiko 5 được dân bắc gọi nôm na là “sen kô phai”, xem như hạng nhất. Nó (Seiko) được quý chuộng đến mức đánh bạt những tiêu chuẩn xếp hạng khác khi con gái kén chọn người yêu hoặc chồng. Mà kể cũng lạ, các thứ chuẩn luôn biến đổi theo giá trị vật chất. Có một thời đám con gái phán chắc như đinh đóng cột “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là Le Peugeot, xe đạp pơ giô nổi tiếng của Pháp. Lẩn thẩn nghĩ, thời những năm 60 cả miền Bắc có lẽ chỉ có vài trăm chiếc xe đạp pơ giô, phần lớn do mấy gia đình từ Tân Đảo bị chính phủ dụ hồi hương. Mặt rỗ có xe pơ giô vẫn ăn đứt đẹp giai như sĩ điều mà đi chân đất.

Nay thì cuộc “giải phóng miền Nam” với dòng chảy hàng hóa ngược bắc đã góp phần làm thay đổi chuẩn theo tiêu chí mới: “Một yêu anh có sen kô/Hai yêu anh có pơ giô cá vàng/Ba yêu xi téc gọn gàng/Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng thủ đô/Năm yêu không có bà bô/Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về/Bảy yêu…”. Pơ giô cá vàng tức là xe máy Peugeot chứ không phải xe đạp; xi téc là hai loại vải simili và tergal may quần tây rất sang trọng, đắt; Văn Điển thời đó là nghĩa trang chính của Hà Nội. Trong hàng loạt đòi hỏi liệt kê chọn chồng ấy, đồng hồ Seiko chễm chệ hàng đầu, đủ thấy nó có giá thế nào.

Cũng chuyện đồng hồ, có những kỷ niệm khó quên. Năm 1975, tôi đang học năm áp cuối đại học. Một hôm gần trưa tôi mò ra cổng uống nước chè chén. Chỉ cần hào rưỡi là mua được chén chè móc câu và cái kẹo lạc ngồi nhấm nháp. Quán cô Xuyến con gái bà bu ngay sát bờ rào Trường đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân đang đông nghịt. Cô Xuyến không đẹp nhưng trông mặn mà, da trắng bóc, thỉnh thoảng lại khoe với khách sinh viên mấy chiếc corsé mới mua được từ con buôn đem từ miền Nam ra. Cô bảo trần đời nay mới biết có thứ áo nịt vú đẹp thế. Tới nơi đã thấy anh Bùi Trọng Cường ngồi đó, anh ngoắc tôi, bảo vào đây, hay lắm. Thì ra đang có hai tay chơi khoa Sử (khác khoa, nên tôi không biết tên, chỉ biết họ học cùng khóa anh Trị đen sử K15 đá bóng rất siêu và anh Phạm Đức Mạnh khảo cổ) đang cá với nhau. Một ông có chiếc Omega mạ vàng mỏng dính, ông kia có chiếc Longines gắn đá quý, cả hai chiếc đều mới cứng, chắc mỗi cái giá phải năm bảy trăm đồng, bằng hai chiếc xe đạp Thống Nhất.

Cứ như cô Xuyến kể thì ông nào cũng bảo đồng hồ mình chạy đúng, chả ai chịu ai. Thế rồi thách nhau, cứ ngồi ăn kẹo dồi kẹo vừng uống nước, chờ đến tiếng tút tút tít báo hiệu 12 giờ trưa trên đài phát thanh gắn ở cổng trường, cái nào lệch nhiều thì thua, ông nào thắng sẽ được cả hai chiếc. Bọn sinh viên hai trường tổng hợp và ngoại ngữ biết chuyện cá cược kéo đến xem mỗi lúc một đông, vòng trong vòng ngoài. Khi đài tút tút 5 tiếng và tiếng thứ 6 là tít thì các giám khảo trong đó có cô Xuyến xác nhận chiếc Omega chính xác hơn, chỉ kém vài giây, còn chiếc kia lệch hơn 20 giây. Tay thua cuộc mặt mũi tỉnh bơ, vui vẻ giao tài sản cho bên thắng cuộc. Mất bạc trăm mà cứ như không. Còn hay hơn cả chuyện Thạch Sùng – Vương Khải thách nhau.

Từ đầu năm 1977 tôi ở Sài Gòn. Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, xã hội đi xuống khiếp lắm, đói kém nên trộm cướp ngày càng nhiều. Ra đường cứ hở một tí là bị giật. Chúng rất hay giật đồng hồ. Đang đi, nó chạy xe máy rồ ga vụt qua, mình chưa kịp phản ứng thì nó đã móc tay vào, mất toi. Bọn chúng bất cần biết đồng hồ đó quý hay không quý, cứ thấy là giật, mỗi ngày báo chí đăng hàng chục vụ. Để đề phòng, người ta chuyển đeo đồng hồ sang tay phải, dù hơi khó xem giờ nhưng ít bị giật hơn. Suốt nhiều năm trời, người ta quen đeo đồng hồ bên tay phải là vì vậy.

Có lần trên đường Trần Phú, đoạn ngang nhà máy thuốc lá Sài Gòn do giám đốc Lê Đình Thụy (ông này nổi tiếng trong bộ ba điển hình của ông Kiệt, hai vị kia là Hoàng Chí Quỳ bia và Nguyễn Quang Lộc bột giặt) cai quản, tôi chứng kiến vụ giật đồng hồ, tên cướp vừa giật xong định rồ ga tẩu thì bị hai thanh niên vọt xe Honda 67 tới đạp ngã nhào, thu lại đồng hồ và còng tay nó. Anh chàng bắt cướp (hồi ấy gọi là SBC) khá trẻ, trông như Lục Vân Tiên. Sáng hôm sau đọc báo Tuổi Trẻ mới biết anh ta rất nổi tiếng, tên là Dương Minh Ngọc, khắc tinh của bọn cướp giật, mấy năm sau được phong anh hùng, tiếc rằng gần hai chục năm sau lại dính vào vụ Năm Cam.

Nguồn: FB Nguyễn Thông: 1, 2, 3, 4, 5.

Comments are closed.