Come as you are – Truyện ngắn Phương Văn

Truyện ngắn của Phương Văn

11677670 (1)Cô ấy bảo tôi: “Em có anh bạn. Anh ấy nói không nên sinh con gái. Vì con gái sau lúc lớn lên lỡ nghèo và xấu thì khổ lắm.”

Tôi bảo cô ấy: “Anh có anh bạn. Anh ấy thích sinh con gái hơn. Anh ấy bảo con gái lỡ có hơi dốt một tí thì không sao. Còn con giai dốt thì khổ lắm.”

Chị sếp cũ của tôi có lần bảo một cô gái khác: “Mày đã hơi xấu lại còn ngoan, làm sao lấy chồng được cơ chứ, khổ quá.”

***

Ga đến của sân bay Nội Bài có những tấm poster khổng lồ, hình đẹp, in song ngữ, chỉ tội phóng to nên nhòe. Mỗi tấm có hình một con thú hoang, cái thì con voi, cái thì con gấu, cái lại con tê tê. Các tấm poster có những dòng chữ to tướng dúi thẳng vào mắt người đọc. Ví dụ ở hình con voi thì họ dúi cho ta dòng chữ sau: “Đừng có mua rắc rối. Voi được pháp luật bảo vệ.”

Động vật hoang dã và quý hiếm cần được pháp luật bảo vệ. Hay pháp luật là để bảo vệ những gì quý hiếm hoang dã? Phải bảo vệ, dù chỉ hô khẩu hiệu một cách hình thức.

Chế độ cũng cần được bảo vệ

Tôi chưa thấy ai ăn con voi. Nhưng chắc hẳn ở đâu đó phải có ai đó đã và đang ăn con tê tê, con hổ, con gấu, con voi … thì người ta mới phải hô khẩu hiệu hãy bảo vệ loài voi (hoặc tê tê, hoặc hổ hoặc con gì đấy). Chế độ được bảo vệ bằng luật pháp, dù là hình thức, nhưng chẳng có ai ăn thịt được chế độ.

***

Bọn tôi ngồi ở quán cháo chửi lúc đã quá nửa đêm. Cảnh sát cơ động đuổi đám thanh niên đua xe chạy ầm ầm qua hông Nhà Thờ. Hương ngừng ăn cháo và nói: “Em muốn biết các anh cơ động có yêu nghề không. Nhiều khi em thấy các chú cảnh sát giao thông rất già rồi mà vẫn đứng ở ngã tư đường phố.”

Giáo sư Sâu nhìn Hương rồi nói: “Ấy không phải lo cho các chú đâu. Nếu có con đang tị nạn giáo dục ở Anh, Mỹ thì ai cũng yêu nghề được hết.”

Tôi bảo Giáo sư Sâu: “Vậy thì phải là say nghề chứ không còn là yêu nghề nữa.” Giáo sư Sâu trả lời: “Vâng. Hôn mê sâu trong nghề.” Rồi nhìn vào mắt tôi và nói: “Em nói như người bị hyper í nhỉ.”

Giáo sư Sâu không phải giảng viên trong biên chế. Giáo sư Sâu chỉ dạy vài buổi một tháng, khi được người ta gọi đi dạy.
Giáo sư Sâu thường tự giới thiệu: “Tôi làm nghề giáo gọi.”

***

Sếp cũ của tôi có lần ngồi uống bia và than: “Sau vụ vừa rồi, anh ở nhà cả tháng không dám đi đâu. Đi đâu anh cũng sợ người ta nhìn anh như thằng lừa đảo. Mà anh có lừa đâu.”

Tôi định nói, rồi lại thôi. Tôi định bảo anh: “Nếu mọi người nhìn anh như thằng lừa đảo, thì anh là thằng lừa đảo, bất chấp việc anh có lừa đảo hay không.”

Anh hùng huyền thoại không phải cứ làm anh hùng rồi thành huyền thoại. Mà là xã hội nhìn anh ta như anh hùng rồi tô vẽ thành huyền thoại. Xã hội thế nào thì anh hùng như thế. Dân tộc thế nào thì huyền thoại như thế. Tôi không biết nhiều các dân tộc khác, nhưng tôi biết dân tộc Hán rất hung hãn, họ có hẳn một bộ sách tên là Thủy Hử [mà tôi rất thích] chỉ để ca ngợi bọn giết người. Vì hung hãn, nên họ có anh hùng huyền thoại là một tay thích khách được cử đi giết một tên bạo chúa mà việc bất thành. Huyền thoại đó tên là Kinh Kha, nếu bạn muốn biết rõ hơn, còn bạo chúa là Tần Thủy Hoàng. Nhưng mà tôi rất thích lúc tiễn Kinh Kha qua sông: “Dịch thủy lạnh tê. Tráng sỹ ra đi, không bao giờ về.”

Người Kinh chúng ta có hai huyền thoại bất diệt. Một là chú bé ăn mấy bát cơm cà, không mất công học văn luyện võ, đùng một cái vươn vai đánh thắng ngoại xâm, trở thành anh hùng Thánh Gióng. Hai là tráng sỹ Chí Phèo hành nghề rạch mặt ăn vạ, nhờ ai đó đóng gạch mà ra.”

Bởi thế nên huyền thoại lịch sử Cù Thị Chí Rùa đã được trục vớt từ cái rốn nước lịch sử hàng trăm năm giữa thủ đô để cho vào rọ sắt chữa bệnh. Cho Chí Rùa vào rọ sắt là việc làm nặng tính hình thức, nên ở xứ Vina Công Lý vẫn chỉ là diễn viên hài. Hẹn gặp anh tối 30 trong vai Bắc Đẩu lại cái tóc vàng hoe.

***

Hà Nội cách đây mấy hôm mưa phùn và u ám. Tôi đi taxi qua cái vòng xoay Cầu Giấy lúc tan tầm. Trời tối, u ám, xung quanh đông nghẹt, chen lấn tắc đường, bùn đất và ướt sũng. Ảm đạm phát kinh lên được.

Người ta đã và đang tranh luận với nhau, rằng xã hội nghèo và bựa như Vina chúng ta có cần dân chủ hay không. Ngay cả phe nói cần, cũng cãi nhau, cái dân chủ mà ta cần ấy, là dân chủ gì. Họ nói về các loại quyền. Quyền phát biểu, quyền phê phán, và cả quyền chửi bới nữa hay sao ấy.

Tôi nghĩ nếu có một cái dân chủ mà xã hội Vina rất bựa này cần, thì cái dân chủ ấy chỉ nên có một quyền duy nhất: Quyền Nhường Nhịn. Không phải là nhường nhau miếng cơm manh áo, mà nhường nhau một bước chân. Nhường một bước chân, để ai cũng có thể thu lợi cho mình mà không cướp đi hoặc chà đạp lên quyền lợi của người khác. Nếu gần 90 triệu dân Vina đều biết mình có quyền nhường nhịn và phải sử dụng quyền ấy, thì chắc rằng xã hội sẽ bớt bừa và bựa đi rất nhiều. Xã hội ấy tôi gọi là xã hội Vina dân chủ.

Chúng tôi ngồi trên taxi. Taxi chen lấn dưới lòng đường đặc kín xe cộ. Cô ấy hỏi tôi: “Anh đang nghe nhạc gì?”. Tôi bảo: “Chủ yếu là nghe Nirvana, vì nhạc khác anh nghe thấy nhạt.”

Cô ấy không nói gì thêm. Cô chính là Giáo sư Sâu, người hay tự giới thiệu mình là giáo gọi.

***

Bọn Pink Floyd ngày xưa hát: “Goodbye cruel world, I’m leaving you today”. Tôi tin chắc độc ác và đẹp đẽ là hai mặt không thể tách rời của thế giới mà ta đang sống. Bạn chẳng thể nào bỏ cái thế giới độc ác mà ra đi mãi mãi được. Thậm chí, cái thế giới độc ác ấy còn giống như khách sạn California. Bạn có thể check out bất khi nào bạn muốn, but you can never leave.

Có những người sống trên thế gian này mà lại có cuộc đời riêng đơn lập. Họ rất bất hạnh, bởi phải rất may mắn mới có thể kiếm được bạn đồng hành trong cuộc đời riêng ấy, để có một đời riêng song lập. Lối đi của những cuộc đời riêng song lập, ngay bên trong lòng thế gian rộng lớn, là những vỉa hè sạch sẽ dưới hàng cây u tối.

Trên lối đi ấy là Hà Nội Lúc Không Giờ. Một thành phố có vibe mà ban ngày chỉ có đôi lần bạn cảm thấy.

***

Con Rùa sống đủ lâu để cho gươm, nhận gươm và sưởi nắng.

Tôi ngồi nhà bạn BR đủ lâu để bạn tặng tôi cái kính Cartier trị giá 19.6 triệu đồng Việt Nam.

À, cái kính rất đắt, nên tôi đội nó lên đầu, suốt chuyến bay đêm từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Thấy bảo cái kính ấy chỉ cần treo vào cổ áo là đã thấy (mắt) dâm.

***

Tái ông cũng có khi mất ngựa. Còn tái dê đôi khi lại thiếu chanh.

Nhưng cứ đi thôi (và đội cái kính râm):
“Come as you are, as you were
As I want you to be
As a friend, as a friend
As an old enemy”
***

Tác giả gửi Văn Việt

Comments are closed.