Cơn bấn loạn dưới đất (3)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

 

Người săn voi ở Bản Ðôn đã lấy người vợ thứ sáu và đẻ được hai mươi mốt đứa con. Ông ta bảo không có khoảng cách giữa sự ngu xuẩn và lòng dũng cảm, nhưng tiếng tù và có thể khiến được voi qui phục. Ông ta cũng nói, những con voi cuối cùng đang đi về phía biển. Rừng không còn phải là chỗ cho thú hoang.

Năm 1232. Lễ tế tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Dương, huyện Ðông Ngạn, Bắc Ninh, Trần Thủ Ðộ sai bọn lính tâm phúc đào hầm, làm nhà lá bên trên. Tất cả tôn thất nhà Lý đến lễ đều bị sập hố, Trần Thủ Ðộ cho lính lấp đất chôn sống, không tha một ai. Trước đó, Lý Huệ Tông đã trốn vào chùa Chân Giáo nhổ cỏ làm công quả mong thoát khỏi nghiệp chướng, nhưng Trần Thủ Ðộ bảo nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ cái. Huệ Tông hiểu ý, vào sau chùa thắt cổ tự vẫn. Trần Thủ Ðộ cũng ra lệnh, con dân trong nước, ai là họ Lý muốn sống phải cải thành họ Nguyễn. Từ đó, họ Nguyễn trở thành họ đông nhất ở xứ Rồng.

Năm 1954. Ở miền Bắc, dòng dõi đáng để kiêu hãnh nhất là con nhà bần cố nông. Lý Công Uẩn khai lý lịch, bố: Lý Khánh Văn quét lá đa chùa Cổ Pháp. Ông nội: Lý Khánh Vũ cày thuê cho địa chủ ở Từ Sơn.

Năm 1975. Ở miền Nam, dòng dõi an toàn nhất là con nhà gia đình có công với cách mạng. Mì khai lý lịch, bố: Lý Công Uẩn hoạt động bí mật. Ông nội: Lý Công Chính là bạn của nhà cách mạng Phan Châu Trinh.

Ngày 16.3.2004. Khánh My và Hồng Phượng đồng thanh nói với Ðại Quang: Tụi em cho anh làm vua. Rồi đặt Ðại Quang nằm trên bàn, hai cô xoay vòng bú liếm hắn từ lỗ tai xuống ngón chân.

Ngày 30.4.1975. Chế độ Sài Gòn đổ sụp, Ðại chạy ra bến Bạch Ðằng, tất cả tàu hải quân đã nhổ neo. Một người nào đó nói xuống Rạch Giá, Phú Quốc chắc còn kịp. Người ta vội vã tìm đường ra các cửa biển. Ðại đeo một chiếc xe đò ra Vũng Tàu. Sau ba đêm canh me, Ðại đã lên được một chiếc tàu đánh cá ra khơi.

Ðứng ở sân chùa Ấn Quang, Lý Công Uẩn hỏi thượng tọa Thích Trí Sáng: Tại sao ngày nào cũng có hàng ngàn người bỏ chạy?

Thượng tọa Thích Trí Sáng nói: Vì rồng đã chết rồi.

Lý Công Uẩn lại hỏi: Kể cả ta nữa ư?

Vâng, thưa hoàng thượng.

Hai năm sau, Ðại liên lạc được với gia đình, nói: Cố gắng đi được thì đi. Lúc ấy, người cha đã nằm trong trại cải tạo, Lan Thanh lại lấy một đại úy Việt cộng. Nhưng dẫu sao, quà từ Mỹ của Ðại cũng đã đến đúng lúc trong nhà không còn gì để bán.

Năm 1954. Hơn mười ngàn bộ đội chết ở Ðiện Biên Phủ. Hơn mười bảy ngàn lính Pháp chết và bị bắt làm tù binh. Ngày ấy, Lý Công Uẩn làm dân công khiêng đạn. Các cố vấn Tàu nói: Chiến thuật biển người, từ lớp này đến lớp khác lao vào chỗ chết, là một cảnh tượng ngoạn mục nhất của chiến tranh. Bọn hậu thế không tin thì cứ xem phim Trương Nghệ Mưu khắc biết.

Hằng nói, nước Tàu nó thừa người, thí bao nhiêu chẳng được.

Ngày 30.4.1975. Lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh qua sóng phát thanh như lưỡi dao cắt đứt sợi dây thừng treo cổ. Ông dân biểu chồng Mì bảo: Có lẽ chúng ta phải xuống đường đón quân giải phóng.

Mỗi người cầm một lá cờ, họ hòa vào dòng người nô nức của ngày hòa bình đầu tiên, nhưng tâm trạng bất an. Số phận của họ không thuộc về họ. Chỉ đến khi thoát khỏi bị bắt vào tù, họ mới cảm thấy được rũ bỏ với quá khứ. Ðấy là cái may của ông dân biểu khi cán bộ hoạt động nội thành để tên ông trong danh sách khoảng hai mươi ngụy quân, ngụy quyền được miễn phải tập trung cải tạo, vì được coi là yêu nước.

Năm 1968. Chưa bao giờ có nhiều xác chết đến vậy. Xác người chật các ngõ hẻm và la liệt trên các cánh đồng. Lý Công Uẩn được phân công nhặt xác bộ đội trên tất cả các mặt trận, từ Bình Trị Thiên tới đồng bằng sông Cửu Long. Xác thường dân thì để cho thân nhân tự lo. Bọn lính ngụy thì mặc cho quỉ tha ma bắt. Không có xác con thú nào chết hôi thối bằng con người, Lý Công Uẩn lấy bông gòn bịt hai lỗ mũi, miệng nối với bình rượu đế, ngày nào Uẩn cũng đi từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn.

Hằng hỏi: Hôm nay Uẩn vẫn còn đi nhặt xác bộ đội chết phải không? Ừ, nhưng Uẩn không phải bịt mũi và uống rượu đế nữa, vì xác người đã tan thành đất. Vả lại, mũi của Uẩn cũng tịt rồi.

Tháng 3.1975. Dân Kontum bỏ chạy. Dân Pleiku bỏ chạy. Dân Phú Bổn bỏ chạy. Dân Huế bỏ chạy. Dân Ðà Nẵng bỏ chạy. Dân Quảng Ngãi bỏ chạy.

Anh có bỏ chạy không? Hằng hỏi. Không, anh đã ở lại.

Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân.

Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân.

Lê Lợi bảo: Trường kỳ kháng chiến hai cuộc liền, tuy thắng lợi nhưng tổn hại nguyên khí, nên cho lính cả hai bên giải ngũ về quê làm ruộng lập kế tự lực, thế nào chúng ta cũng phải đánh nhau với Tàu lần nữa.

Nguyễn Huệ nói: Sau khi tôi chết, Nguyễn Ánh còn đào mồ bốc mả lên trả thù một cách kinh tởm, để cho lịch sử không tái diễn với hàng triệu người thì theo tôi nên đốt sạch lý lịch toàn dân để tháo giải oán cừu.

Trần Nhân Tôn thêm vào: Quang Trung nói phải. Chính tôi đã ra chiếu chỉ xóa bỏ hẳn quá khứ với tất cả những kẻ lầm lạc cầm kiếm theo giặc Nguyên, còn những người có công lớn như Trần Hưng Ðạo thì cho về hưởng nhàn ở Vạn Kiếp, Trần Quang Khải cũng không giao trọng trách nữa. Bản thân tôi, rũ hoàng bào đi tu. Chính vì thế mà tránh được nạn kiêu binh, hòa hợp được dân tộc.

Nguyễn Trãi tâu: Lính Nam hay lính Bắc khi cầm súng đều nghĩ mình hy sinh vì đất nước. Xin hoàng thượng lấy đức khoan dung và chính trực cho làm hai tượng đài trên hai sông Gianh và Bến Hải ghi công tất cả những người đã chết với dòng chữ: “Chúng ta chỉ có một tổ quốc”.

Trần Thủ Ðộ lên tiếng: Các ông đều là những người mơ hồ. Không biết phân biệt địch ta thì không thể giữ được cơ nghiệp.

Nghe Trần Thủ Ðộ nói xong, Lý Công Uẩn không kịp tuyên bố bãi triều lật đật tụt xuống đất, tiếp tục đi nhặt xác người.

Ngày 20.7.1954 tại Thụy Sĩ. Chung quanh cái bàn vuông, mỗi cạnh có một người ngồi gồm Ðức Khổng Phu Tử, đồng chí Staline, tướng De Gaulle và người cho bánh. De Gaulle khai mạc hội nghị bằng một tuyên bố rút lui khỏi Ðông Dương: Nhiệm vụ khai hóa của chúng tôi đã hoàn tất. Tương lai nền văn minh nhân loại thuộc về quí vị.

Người cho bánh rút súng đặt trên bàn theo cái cách mà tổ tiên họ vẫn hành xử, nói:

Năm 1945, chúng ta đã phân chia thế giới theo lẽ công bằng của những người chiến thắng, nhưng ngài Staline và ngài Khổng đã có những tham vọng vượt quá giới hạn cho phép. Chúng tôi đã nhẫn nhịn ở Triều Tiên. Chúng tôi không muốn tiếp tục nhẫn nhịn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn nhiều bom nguyên tử.

Staline quơ cây sắt ra trước mặt, lạnh lùng cắt lời: Xin đừng quên là người của chúng tôi đang làm chủ Việt Nam. Cây gậy sắt này có thể đập nát cả phần thế giới còn lại.

Ðức Khổng Tử lên tiếng: Chúng ta nên thực tế và giữ hòa khí với nhau.

Người cho bánh nói: OK. Phía Bắc sông Gianh hai vị chia nhau.

Mặt Staline nở ra, ông ta cười cười: Không nên khơi lại vết thương lòng của dân tộc họ. Vả lại, chúng ta cũng cần có dấu ấn riêng của cuộc dâu bể này. Theo tôi, chia đôi Hương Giang thơ mộng thì đề huề cho cả hai bờ thương nhớ.

Người cho bánh nổi cáu: Ông đừng ấm ớ văn nghệ văn gừng với tôi.

Trong khi đồng chí Staline đắc chí cười hô hố thì Ðức Khổng Tử điềm đạm góp ý: Trung dung là cái đạo của người quân tử. Chúng ta nên chia nhau ở phần giữa sông Bến Hải.

Họ nhất trí. Ðại diện Liên Hiệp Quốc được mời vào khui sâm banh.

Bố tôi kể ngày ấy làm lính của Ðức Cha Lê Hữu Từ một tháng chỉ có mấy ký gạo và một bịch muối. Dù vậy, chú tôi đang đi lính cho Tây cũng bỏ về theo đoàn quân của Ðức Cha bởi chiếc roi sắt của Chúa đã giáng xuống thế gian.

Trên bãi đất hoang gần biển, đoàn quân vào Nam sau hiệp định chia cắt đất nước vừa xuống tàu hạ trại. Họ dựng lều cho một cuộc trú đóng tạm. Hầu hết vốn là nông dân và họ cầm súng để vinh danh Thượng đế. Trước bữa cơm chiều của ngày ly biệt, đấng cứu thế đã cầm bánh chia mọi người và nói “Này là mình ta, các con hãy cầm lấy mà ăn”. Họ hát vang cả một góc trời để cảm tạ sự sống. Lúc ấy họ đã nhìn thấy biển trên đầu. Những con sóng tạt ngang bầu trời mang theo mọi loại sinh vật được Thượng đế tuyển chọn. Ông Ngô Ðình Diệm cho người đến đón đoàn quân và trao tặng thực phẩm dán dấu hiệu bắt tay nhau của viện trợ Mỹ. Ðức Cha nhận quà nhưng không vui. Ngài biết ngày của ngài sắp hết. Kẻ cho bánh đã đến và đàn chiên của ngài sẽ rời bỏ ngài. Cánh đồng cỏ của Thượng đế có gai và cũng đến lúc chính ngài sẽ phải nằm xuống trên những cây gai sắc. Kẻ đi tìm vinh quang trần thế không thể tìm thấy sự êm dịu trên trời. Dưới ánh sáng nhá nhem, đàn chiên của ngài, những chiến sĩ tự vệ đang ngửa mặt lên cùng với Thượng đế. Bản thánh ca của họ làm cho biển lặng sóng và mở ra một lối đi giữa hai bờ nước. Nhưng không một ai trong số họ đủ lòng tin bước xuống.

Năm mươi năm sau một thằng cao bồi Mỹ nói trong phim găng tơ rằng, nếu bạn đến một thế giới khác thì cũng không có gì thay đổi. Và hắn bóp cò.

Bố tôi bây giờ đã tám mươi tuổi. Suốt ngày ông nằm một mình. Ăn một mình. Nhưng ngủ với tất cả giấc mơ của nhân loại. Kẻ cho bánh vẫn ngự trên đầu chúng ta và phân phát lòng tin vào miếng ăn. Các chiến hữu Ba Cụt, Năm Lửa hay Trình Minh Thế tất nhiên cũng phải ăn mới sống. Ðức Cha nói với đàn chiên của mình: Các con hãy cảm tạ Chúa vì sự sống mà ngài ban cho và bổn phận của chúng ta là gìn giữ sự sống ấy để vinh danh ngài. Ðàn chiên hỏi: Thưa Ðức Cha, gìn giữ bằng cách nào? Ðức Cha bảo hãy đi tìm kẻ cho bánh mà hỏi. Bố tôi chẳng bao giờ kể lại như vậy thì tất nhiên điều ấy chỉ có thể do đám hậu thế như tôi phịa ra. Nhưng tôi tin rằng Ðức Cha đã nói với ông Ngô Ðình Diệm khi giao đàn chiên của ngài cho ông ta, thế này: Ông là người giữ kho, chia bánh là việc của ông, nhưng tôi hỏi thật ông với vài ổ bánh và mấy con cá, liệu ông có thể cho năm ngàn người no đủ không? Ông Ngô Ðình Diệm nói: Thưa Ðức Cha, con tin vào quyền năng của Chúa và sự lựa chọn của ngài. Ðức Cha bảo: Nếu ông tin thì ông cứ làm. Rồi ngài từ bỏ mọi quyền bính và ẩn mình vào trong bóng tối của thời thế. Bố tôi và các chú của tôi vẫn được nhận bánh và họ đổ máu xuống cánh đồng cỏ nuôi tôi.

Thằng cao bồi Mỹ bảo nếu bạn không bước đến một thế giới khác thì sẽ không có gì thay đổi. Hắn lại bóp cò.

Âm vọng lời cầu kinh của đoàn quân tự vệ năm xưa vẫn vang trên bầu trời, nhưng ý định của Chúa thì không một ai thấu hiểu. Cây roi sắt của Chúa đã quất vào lưng chúng tôi. Chúng tôi rời bỏ căn nhà của ngài. Căn nhà ấy biến thành nhà kho của hợp tác xã. Ngọn roi đầu tiên lột hết áo quần của chúng tôi. Ðấng cứu thế phán: Từ nguyên thủy các ngươi đã là bầy đàn, giờ ta đến để nối kết các ngươi trở lại trong bầy đàn. Dưới sự chăn dắt của ta, các ngươi được bình đẳng trong sự sống cũng như sự chết, nhưng kẻ nào trong các ngươi khôn ngoan hơn đồng loại kẻ đó phải bị đấu tố bởi sự đố kỵ và thù oán. Bố tôi bảo cần phải trốn khỏi cái lũy tre của các đấng tổ phụ Ðinh, Lê, Lý, Trần… Giữa lúc ấy, kẻ cho bánh đến và nói: Bên ngoài lũy tre còn có bức tường sắt, không ai có thể đến với tự do mà không phải đổ máu. Nhưng máu của các ngươi là máu của chim, loại máu ấy không đổi được tự do nếu các ngươi không biết bò sát xuống mặt đất và chui qua háng của các vị thần. Bố tôi bảo chúng tôi chỉ có một thượng đế và ngài sẽ dẫn đường cho chúng tôi. Kẻ cho bánh độ lượng nói: Này, ta hỏi thật, các ngươi sống bằng bánh hay bằng lời? Chúng tôi nhao lên trả lời thay cho bố: Bằng bánh.

Ðồng chí Staline cầm cây can bằng ngà voi gõ vào vòng xích chiếc xe tăng nói: Bọn duy tâm chỉ được cái hoa hòe hoa sói. Lịch sử sẽ chứng minh, khi ngồi trên xe tăng, con người là thần thánh.

Tôi thích ăn bánh hơn ngồi trên xe tăng, nhưng người cho bánh đã bỏ đi. Bố tôi bảo đói cho sạch rách cho thơm. Tôi nói: Ðức Khổng Tử đã bị đồng chí Mao Trạch Ðông treo cổ rồi. Bọn người nửa điên nửa dại vì trót đọc sách thánh hiền cũng đã bị đưa đi lao động cải tạo. Bụng đói thì đầu gối phải bò, các đấng tổ phụ cũng đã nói như vậy. Bố tôi dọa: Ðứa nào bò tao đánh cho gẫy cẳng.

Chúng tôi nhìn thấy bụi bốc lên từ phía Ðông. Ðám bụi mỗi lúc một lớn dần và di chuyển về phía chúng tôi. Nhìn qua hướng Tây, chúng tôi cũng nhìn thấy một đám bụi tương tự. Bố tôi bảo đấy là huyễn tượng của thế giới, chúng mày đừng nhìn kẻo mù mắt. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy từng đoàn người đủ mọi sắc tộc, màu da đang bò lết trên mặt đất. Sự cọ xát của da thịt với đất tạo nên những âm thanh ầm ì như tiếng sấm và bụi che phủ khuôn mặt họ. Tôi nhắm mắt lại khi họ bò sát tới chỗ chúng tôi. Ép chúng tôi vào giữa. Tôi nghe thấy tiếng rú của những linh hồn thanh bạch. Mở mắt ra, tôi chỉ thấy bụi và bóng những con người đang bò xuyên qua nhau.

Trên đỉnh đồi mà người La Mã đã đóng đinh bọn trộm cướp và các đấng tiên tri, đồng chí Staline cầm cây can vung lên trời nói: Tao sẽ giải phóng nhân loại khỏi bọn trộm cướp và bọn nói phét, thiết lập một trời mới đất mới trong ba ngày. Một nửa thế giới đã nghe thấy tuyên ngôn ấy và họ đi theo người.

Bố tôi bảo: Ta không muốn giao các con cho ông ta. Tôi nói: Các anh con đã đi rồi. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Các anh tôi sẽ không bao giờ quay lại cho đến khi bố tôi chết.

Ông Ngô Ðình Diệm bảo con người là một nhân vị. Cần phải tôn xưng con người giữa ma quỉ và thần thánh. Nhưng giữa thần thánh và ma quỉ không có chỗ cho con người, bố tôi bảo hãy tự tìm đường mà đi. Sau đó bố tôi tịnh khẩu. Khi người Mỹ trầm lặng đến Sài Gòn đã tìm gặp bố tôi hỏi làm thế nào có thể bẻ được chiếc roi sắt mà không phải dùng sức. Bố tôi không nói gì chỉ cầm viên đá ném xuống nước. Báo chí nước Mỹ bình luận cuộc chiến ở phương Ðông không thể có người chiến thắng cuối cùng. Ông Ngô Ðình Diệm cũng đến hỏi bố tôi làm thế nào để không cho quân Mỹ vào Việt Nam. Bố tôi không nói gì chỉ dùng cây đóm hút thuốc lào vẽ lên trời chữ “Thiên cơ”.

Ngày ấy, chim tôi bắt đầu mọc lông. Tôi nhìn thế giới qua nhân dáng và số phận của đàn bà. Ông Trần Thủ Ðộ cưỡng bức vua Lý Huệ Tông phải thắt cổ tự tận và bắt bà hoàng hậu vốn là chị mình về làm vợ. Tôi nhìn thấy gái cũng chỉ muốn hiếp. Ông Trần Thủ Ðộ bảo: Hiếp được đàn bà đấy là đại nhân. Tôi hỏi: Còn đàn bà bị hiếp là gì? Ðấy là dâm tính hiển lộ. Thuận Thiên công chúa, vợ của Trần Liễu, có thai ba tháng bị đại nhân bắt gán cho Trần Thái Tông mà không tuẫn tiết làm một mệnh phụ tiết hạnh khả phong triều nghi chính trực phải chăng cũng là dâm tính đăng đàn? Ðại nhân bảo: Ðấy là chính sự thượng thừa của đàn bà, không phải của mỗ.

Ông Ngô Ðình Diệm cho người đi tìm những người anh tôi để thương nghị, nhưng các anh tôi đã ngồi trên xe tăng của đồng chí Staline. Thế giới được nhìn qua ống ngắm của nòng súng. Trần Thủ Ðộ lại bảo: Lịch sử chỉ là cơ may với vận rủi. Ông Hồ Quí Ly vuốt râu cười.

Tôi được khai hóa bởi một con đĩ. Ông Trần Thủ Ðộ bảo cơ nghiệp nhà Trần được và mất cũng chỉ là việc của các công cụ sinh tồn.

Bố tôi bị u xơ tuyến tiền liệt phải cắt bỏ hai tinh hoàn. Các anh tôi nhắn tin về bảo phải làm tang lễ cho cái chết của linh vật. Tôi đóng hộp hai tinh hoàn của bố gửi cho các anh tôi theo đường bưu điện qua Paris. Ủy ban giám sát đình chiến của Liên Hiệp Quốc đòi kiểm tra nhưng ông Ngô Ðình Diệm đã lên tiếng phản đối vì cho đó chuyện nội bộ của người Việt. Tuy nhiên, cái hộp của quí ấy cuối cùng đã bị CIA đánh tráo bằng hai tinh hoàn của một người khác. Cho đến nay tôi cũng thật sự không biết hai tinh hoàn của bố tôi nằm ở đâu.

Thằng cao bồi Mỹ bảo gìn giữ bản sắc dân tộc là một kiểu phòng thủ của kẻ yếu. Và hắn lên ngựa.

Người dạy dỗ tôi nên người là một thiếu phụ có hai con, chồng chết trong chiến tranh. Ðạn của Nga hay của Mỹ cũng đều là đạn và có công dụng như nhau. Người đàn ông ấy chết lần thứ nhất vì đạn, chết lần thứ hai vì bọn đào mồ bán đất. Người đàn bà mang tôi về làm công cụ chính chuyên cho tiền đồ của hậu thế trong vai một gia sư. Tôi được trả công bằng tiền bằng tình và cả sự khát khao lãng mạn. Bà Hồ Xuân Hương bảo: Mày cơm no bò cưỡi là phúc ấm của bà đấy. Tôi nói: Thì bà cũng có hẩm hiu đâu.

Khi trong nhà ngoài ngõ đều có tiếng súng thì thế hệ hậu duệ của những người đi lính đánh thuê cho Tây dành phần lên tiếng phản đối chiến tranh bằng triết lý của Krishnamurti và những người khác. Họ suy tôn một nhà tiên tri lên làm minh chủ. Người Mỹ vỗ tay. Vấn đề của tôi không phải là người Mỹ muốn gì mà giời ạ, cô em của minh chủ mới là giấc mộng của tôi. Tôi nói với minh chủ rằng: Một nội các chuyển tiếp sẽ được thành lập và bố tôi đã dàn xếp để minh chủ nắm chức quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, phần tôi sẽ là phó thủ tướng. Ngày huy hoàng tráng lệ ấy, tôi muốn có cô em minh chủ đứng bên cạnh với tư cách là một phu nhân. Thế là chỉ trong ba ngày tôi đã cắt tiết cô ta ngay trong nhà minh chủ. Trần Thủ Ðộ bình việc này như sau: ú ớ u ơ ù ờ ú ớ. Tôi nói với người đàn bà nuôi tôi rằng: Dâm tính thì bất khả tư nghị. Nhưng người đàn bà bảo: Nó là chuyện bình thường.

Giấc mộng không như tôi tưởng. Cô gái có máu điên. Khóc cười ngằn ngặt. Cao cả và hèn hạ. Cô ta bảo: Hãy nuôi em bằng sự cuồng bạo của anh. Ôi, nào có phải thế, tôi con rồng cháu tiên bốn ngàn năm văn hiến ứng xử nho nhã và làm tình thơ mộng. Cô gái nói: Tất cả các tổ phụ đều có tốc độ đêm bảy ngày ba, vào ra không kể. Theo lý thuyết của Darwin thì cái ấy càng ngày phải càng kỳ vĩ, vì thế anh phải phục vụ em với tinh thần thi đua quyết thắng.

Tôi không cần biết truyền thống hay hiện đại, bỏ của chạy lấy người. Nhưng cô gái nói: Em quen hơi anh rồi. Anh không thể chạy thoát khỏi em đâu. Bà Hồ Xuân Hương thở dài. Thời đại không còn liêm sỉ. Ông Ngô Ðình Diệm bị thuộc hạ giết trong xe tăng. Bố tôi chôn ông trong nghĩa trang giữa thành phố. Chúa Jésus bảo muốn nhìn thấy mặt Thượng đế thì lòng phải trong sáng. Krishnamurti cũng bảo phải giải trừ kiến thức. Nhưng các anh tôi bảo muốn tiến thân thì phải học thuộc lòng Lê Nin toàn tập. Cô gái đứng chặn cửa: Anh không làm cho em sướng thì không được về.

Danh sách chính phủ chuyển tiếp được người cho bánh duyệt không có anh của cô gái. Tất nhiên cũng không có tôi. Gia đình cô gái cấm cửa không cho tôi đến nhà. Cô gái bỏ nhà tìm tôi. Tôi bỏ nhà tìm sự yên ổn. Cuộc rượt đuổi ấy biến cô ta thành một họa sĩ trong hành trình của không và sắc. Hoang tưởng và nhạt nhòa. Tôi nhìn thấy tôi trong các họa phẩm của cô ta. Sự điêu đứng của ý thức trong những khuôn mặt người méo mó. Nó tra tấn người xem ở cảm trạng của kẻ bị dồn vào chân tường. Vì thế mỗi một bức tranh của cô ấy là một bố cáo thất tung về tình yêu.

Tôi thay đổi hình dạng.

Comments are closed.