Dưới mái nhà tôn

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Căn nhà chật chội trong trại gia binh hạ sĩ quan khác hẳn với ngôi nhà của nội ngoài làng về mọi mặt. Vì nhà mái tôn không có trần, những ngày nắng hơi nóng hâm hấp tích lũy dai dẳng từ trưa cho đến tối khuya; những lúc trời mưa, mưa rơi lộp độp trên mái vang ầm ĩ át hết mọi âm thanh trong nhà. Nhà không có hiên, ra khỏi cửa là sân cát lộ thiên nóng bỏng chân khi trời nắng gẳt. Ở đây không có chuyện gì riêng tư vì nhà cách nhau bằng một lớp vách ván mỏng, ngồi bên này nghe bên kia rõ mồn một.

Thấy chúng tôi tù túng bực bội và anh Quang luôn miệng càu nhàu, mẹ nhắc nhở,

“Các con nhớ thời buổi loạn lạc ni (này) có mái nhà trên trôốc (đầu) không dễ dàng chi. Phải nhớ ơn o dượng cho mình ăn nhờ ở đậu”.

“Chị đừng nói rứa (vậy) mà tụi tui mắc tội chết; chật bụng chớ chật chi nhà! Nhà chính phủ chớ có phải của mình (đâu)”, o Nậm an ủi.

Tôi không quan tâm về nơi ăn chốn ở mà sung sướng vì được mẹ gần gũi săn sóc tận tình. Ngày ngoài làng, mẹ bận rộn buôn bán ngược xuôi lại phải quán xuyến nhà cửa ruộng vườn nên không mấy khi có thì giờ dành cho anh em tôi. Từ nhỏ đến giờ, tôi và thằng Sáng hầu như sống với chị vú – chị Năn, được chị lo lắng mọi bề; bây giờ có mẹ bên cạnh, còn gì hạnh phúc hơn?

Có điều là tôi nhớ ngoại vô kể. Bữa ăn nhớ món măng luộc dầm nước mắm của ngoại mà ứa nước miếng. Buổi chiều ra sân cát chơi nhớ con đường làng chính dẫn lên nhà ngoại với những bụi bông gia tô (nơi khác gọi là bông ngũ sắc) ở hai bên đường và chiếc lồng gà có con gà trống ngoại để sẵn cho thằng Bé. Mỗi khi đói bụng, nhớ những món quà vặt ngoại mang từ chợ về để dành cho. Đêm nằm ôm hông mẹ mà thao thức không ngủ, nhớ những lần nằm măn vú ngoại nghe kể chuyện đời xưa; nghe mẹ thổn thức khóc hoài, chắc cũng nhớ ngoại như tôi.

Anh Quang cõng thằng Sáng dẫn tôi ra ngồi chơi dưới gốc cây bàng ở cuối trại gia binh. Nhặt trái bàng rụng xếp thành hàng dài trên mặt đất, tôi nhăn nhó hỏi anh,

“Chừng nào mình về lại ngoài làng? Tui nhớ mệ (bà) quá sức quá chừng”.

“Làm răng (sao) tau biết được. Mi làm như tau là ông thánh”, anh cau có.

Ôông Đàm nói hai năm nữa hiệp thương, ai về nhà nấy, phải không?”.

Mi không nhớ tại tin như rứa mà hai ôông mụ chết hết hay răng? Mấy thằng Vẹm ăn cướp nhà mình rồi, chỗ mà về?”. (Danh từ “Vẹm” là do cách đọc “VM” tức là “Việt Minh”).

Hắn ăn cướp thì khi mình về lấy lại được không?”.

Mi nói như con c… tau! Không nhớ bản mặt gian ác hãm tài của mấy thằng mọi trong rừng trong rú ra kiểm kê tài sản của ôông mình hay răng mà nói chuyện đòi lại?”, anh bực mình la lớn vì sự ngây thơ tột cùng của thằng em.

Rứa không bao giờ mình gặp lại ôông với mệ nữa hay răng?”, tôi rưng rưng nước mắt.

Tau nói cho mi biết, nước mình chia hai: mẹ đưa mình vô đây là theo phe Quốc gia và phe bên (kia) là Việt Minh. Hai nước thù nghịch, trước sau chi cũng đánh nhau”, anh phân tích rành rẽ như người lớn.

“Con mọt sách” đã biết chuyện đất nước chia đôi, chỉ không dám nói ra những điều mình nghĩ trong đầu. Anh tôi ưỡn ngực hãnh diện,

Tau đã quyết chí.  Lớn lên tau đầu quân, lên làm tướng đem quân về đập bể đầu mấy thằng Việt Minh, phải đuổi hắn đi mới lấy lại nhà cửa và của cải của mình”.

“Mình ở bên ni là làm dân nước Quốc gia, phải không?”, tôi dè dặt hỏi.

“Đúng rồi!”.

Ôông với mệ ở bên bị làm dân nước Việt Minh, phải không?”.

“Chắc rứa!”, anh ngập ngừng, không biết câu hỏi sẽ đưa tới đâu.

Tui hỏi anh, mai mốt đem quân ra đánh, gặp ôông với mệ bị hắn bắt buộc cầm súng đánh lại – anh có bắn ôông mệ mình không?”.

Bất ngờ, anh tát tôi một cái thật mạnh,

“Con trâu lì, mi hỏi chi mà ác dữ rứa; ôông cố nội tau cũng không biết trả lời”.

Xoa má nhìn lên, tôi thấy đôi mắt của anh đỏ hoe.

***

Nhờ lòng hiếu khách của o dượng Tụng, dần dà chúng tôi quen với nếp sống trong trại gia binh.  Mạnh bạo và vui tính, nói năng huyên thuyên, o Nậm thich kể chuyện tiếu lâm cho chúng tôi nghe, nhưng khi o dùng lời lẽ gợi ý chuyện gái trai thì mẹ xua tay đuổi đi ra sân chơi. Dượng Tụng, ngược lại, ít nói và rất dịu dàng với đám trẻ con. O nói hồi đó o “ống chề” – ế chồng; năm hăm tám tuổi nghĩa là đã “hâm đi hâm lại” tám lần mà chưa thấy ai rắp ranh bắn sẻ, nên khi dượng là người góa vợ lớn hơn o một giáp cậy người mai mối đến hỏi là o nhận lời ngay. Dượng thương o rất mực; muốn gì dượng cũng chiều theo nên o hay nói,

Chồng già vợ trẻ là tiên,

Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời”.

(“Duyên ba đời” là nợ nần với nhau từ kiếp trước.)

Vợ chồng hạ sĩ Tôn ở căn bên trái có hai đứa con nhỏ còn bế trên tay. Anh Tôn người Nam còn trẻ, thường hỏi han và đùa giỡn với chúng tôi và cho anh Quang mượn xe đạp để tập đi. O Nậm kể có lần mẹ vợ anh là người Quảng Nam chính gốc đến thăm anh chị. Đến giờ cơm, bà mời anh vào ăn trong lúc anh còn mắc tay sửa xe đạp nên trả lời,

“Má ăn đi, con kẹt”.

Không ngờ bà lên cồ lộng mộc (sừng sộ hung hăng) la toáng lên chửi chị Tôn,

“Tao kêu nó vô ăn cơm đàng hoàng mà nó đưa con c… biểu tao ăn.  Mày nghe có lọt tai không?”.

Chú Du hai vợ mà không con ở căn bên phải mang lon hạ sĩ nhất nên o Nậm gọi là cai Du. Hai bà vợ của chú bêuriếu cãi nhau ngày một, nên ai cũng thuộc lòng sự tích chú đổi ra Huế đóng đồn ở khu Văn Thánh gần làng Kim Long rồi lấy thím Hai. Hoa khôi trong làng và con một của một gia đình  giàu có, thím đem lòng yêu thương chàng binh nhất trẻ tuổi đẹp trai nhưng bắt chú phải cậy đơn vị trưởng mang trầu cau đến nhà hỏi cưới hẳn hoi. Ông cha vợ tương lai cẩn thận hỏi chú đã có vợ con chưa; chú thưa,

“Con có vợ rồi, nhưng không may vợ con khuất núi”.

Khi đơn vị di chuyển về Đà Nẵng, gặp gia đình chú và bà vợ cả, thím Hai khóc ròng, nặng lời trách móc chú sao nỡ nói dối là vợ chết; cai Du trả lời tỉnh khô,

“Núi Hải Vân cao vời vợi, bà ấy không ‘khuất núi’ thì là gì?…”.

Biết là ván đã đóng thuyền và chuyện đa thê hoàn toàn hợp pháp trong cái xã hội đàn ông năm thê bảy thiếp là thường nhưng thím Hai luôn luôn ấm ức, tìm cách lấn lướt bà cả, mà theo phong tục là người nắm quyền sinh sát trong gia đình.  Hai bà thường tranh cãi hơn thua xem tối hôm đó đến phiên ai ngủ với chồng, khiến cai Du bực mình ôm mền gối vào đồn ngủ. O Nậm lại có dịp ví von,

Một vợ thì nằm giường lèo,
Có gối tai bèo, sáo rủ, màn treo
;
Hai vợ thì nằm chèo queo
;
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm
.”

***

Mẹ nhờ người nhắn tin tìm cha không biết bao nhiêu lần, nhưng cha như bóng chim tăm cá. Lúc này tôi đã khỏi bệnh, mẹ quyết định cho tôi và anh Quang đi học cùng với con Đào, con đầu của o dượng Tụng, để hai anh em khỏi ở nhà ăn chơi luông tuồng.

Ở trong khu xóm gần trại gia binh, lớp học tư của chúng tôi là một căn phòng kê hai chiếc bàn dài và có chừng chục cái ghế cho học trò ngồi. Thầy Giang còn trẻ chưa tới hai mươi, người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo, và giọng nói chậm rãi và từ tốn như con gái.

Thấy tôi mới sáu tuổi và vừa ốm dậy nên thầy đưa cho cuốn sách tập đọc lớp Năm rồi cho tự do làm gì thì làm. Tôi tìm chỗ ngồi riêng và lặng lẽ lấy cuốn sách toán thầy Trình tặng, học một mình. Tôi mê say làm toán động tử (hai người đi xe đạp có vận tốc khác nhau…), toán vòi nước (hai vòi nước chảy có lưu lượng khác nhau…), tính diện tích (thửa ruộng hình vuông, đám vườn hình chữ nhật,..), tính người đi buôn lời hay lỗ, v.v. Học toán xong, tôi đọc thầm trong đầu những bài đã học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư là đến giờ về.

Đặc biệt chăm sóc con Đào, buổi chiều thầy thường giữ con bé ở lại làm bài thêm.  Hai anh em tôi ra về, nhưng khi đi hết ngõ hẻm ra đến đường lộ, anh Quang bảo tôi về nhà trước còn anh ở lại chờ. Trong lớp, anh chăm chú quan sát khi thầy đến gần con bé giảng bài riêng; anh trở nên lầm lì ít nói và trả lời nhát gừng cho qua chuyện khi thầy hỏi tới.

Hôm ấy tan trường, ra đến đầu ngõ anh dắt tay tôi đi trở lại, giấu sách vở trong bụi rào bông cẩn (nơi khác gọi là hoa dâm bụt), và lấy ra cây gậy ngắn làm từ một thanh củi tròn.  Anh đưa cho tôi cái còi và dặn,

“Hễ tau kêu cứu thì mi phải thổi cho to và la lên “nhà cháy, nhà cháy”, nhớ không?”

Hai đứa rón rén nấp sau cánh cửa trước phòng học. Thầy Giang đứng quay lưng về phía chúng tôi, cúi khom khom ôm con Đào vào lòng, bàn tay phải thầy đút vào trong quần của con bé.  Thầy tìm cách hôn nhưng con Đào ngoảnh mặt sang một bên, vùng vẫy né tránh mà không thoát khỏi.

Anh Quang nhảy vào dùng hết sức mạnh vung thanh củi lên cao giáng liên tiếp vào lưng và vai cùa thầy và la to,

“Tổ cha mi dám làm chuyện bậy bạ với em tau”.

Thầy Giang đau oằn người nhưng không dám la. Thừa lúc, con Đào vuột khỏi, anh đánh bồi thêm một phát lên đầu thầy rồi kéo con bé chạy ra ngoài. Tôi sợ điếng người, đánh rơi chiếc còi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, anh tuyên bố với mẹ,

“Con không đi học nữa, đợi mai mốt cha về con đi học trường công luôn”.

Biết ý anh đã nói là làm, mẹ lắc đầu chịu thua. Quyết định này không ảnh hưởng đến tôi; tôi vẫn nghiền ngẫm các bài toán trong sách Toán học Lớp nhất của Trần Tiếu như mọi ngày. Nhưng không phải đến trường.

Ngày 20 tháng Năm, 2013

Comments are closed.