Truyện Phạm Thị Ngọc
Sinh 1963 và đặt chân đến Hoa Kỳ sau biến động đất nước tháng 4-1975, Phạm Thị Ngọc (tên thật Phạm Thị Ngọc Quyên) thuộc thế hệ trẻ thứ nhất tham dự dòng Văn chương Tị nạn. Với Florence xuất hiện trong thập niên 1980, Phạm Thị Ngọc không chỉ nói lên những bỡ ngỡ xa lạ của thời kỳ hội nhập mà còn ghi lại trọn vẹn tâm tình của một thế hệ không chỉ khám phá một lục địa mà còn khám phá cuộc đời, tình yêu với băn khoăn kiếp người của chính họ. “Nước Mỹ có còn gì cho chúng tôi không? To die in dignity.” Là câu hỏi và câu trả lời của trung thiên truyện này. Văn phong trầm và buốt giá, Florence chưa hề được in lại trong một tuyển tập hay tập truyện nào, đang dần thất lạc trong khối lượng sáng tác mênh mông bây giờ. [Trần Vũ]
Ngày xưa, trong một lúc lẫn lộn giận yêu, chàng đã phê bình tôi một câu như vầy: em sao con gái gì mà khó bảo. Bây giờ, hiện giờ, khi lại một lần nữa chỉ còn một mình trên quãng đường đời thênh thang, tôi có nhớ đến chàng, và tôi thấy điều chàng đã nhận xét ngày xưa chưa thấm vào đâu so với hiện tại. Ngày xưa, tôi đã giải thích cho chàng hiểu tại sao tôi cứng đầu, giải thích bằng một vài câu về “tiểu sử”, về “thuở ấu thời” mà tôi nghĩ giá ngày xưa tôi đừng nói gì thì hơn. Nhưng cũng chẳng sao. Chàng hiểu được gì, tôi hiểu được gì, bây giờ cũng chẳng có gì khác biệt đối với tôi.
Ngày xưa, vào cái thời mà chàng còn có thể gắt “Sao em ngày càng cứng đầu” đó, và vào khi tôi còn có thể giải thích cho chàng, tôi nói rằng tôi lớn lên thiếu thốn sự đùm bọc của người đàn ông nên ra như vậy. Sau 75 tôi không có cha, và lại mất đi người anh khi anh tôi đổ xuống như một loài cổ thụ hoang bị đốn ngã, mở ra một mảnh trời, hé ra một chút mặt trời cho các loài sâu bọ cây dại khác từ trước tới giờ vẫn sống dưới bóng cây. Ngày ấy, chàng không thích cách giải thích của tôi.
Nhưng bây giờ, nhớ lại cách giải thích ấy chỉ làm cho tôi thấy buồn cười, và nhớ nét mặt đăm chiêu của chàng lúc ấy càng làm tôi thấy buồn cười hơn. Tôi, con nít con nôi, giải thích tâm lý học. Chị tôi từ thuở bé cho đến thuở lớn luôn có bố tôi che chở, luôn có bố bênh vực cho cả những lần chị tử chiến với trẻ con họ hàng láng giềng. Vậy mà lớn lên chị vẫn không trở thành nữ nhi nhu nhược. Nhưng, chị tôi hình như sanh ra đã là một nghịch lý (chứ không chỉ là một ngoại lệ), một antithesis (nói theo tiếng triết học cho oai). Và còn mẹ tôi nữa. Mẹ tôi không thiếu sự hiện diện của người đàn ông trong đời bà, lập gia-đình khi còn rất trẻ, và chỉ xa ông ngoại tôi khi bà cùng chồng đi Nam. Nhưng về mẹ tôi, tôi nghĩ đó là một đề tài tôi chỉ nên nói thật ít.
Tôi nhớ tôi có nói với chàng thở ấu thời làm tôi cứng đầu, nhưng cũng làm tôi cần có một người đàn ông, có lẽ cần hơn mọi người đàn bà bình thường khác. Ðiều này tôi không bao giờ phủ nhận hay đem ra để khôi hài. Lúc nói với chàng, tôi có thu người tôi lại trong vòng ấm thoát ra từ người chàng. Nhưng bây giờ, tôi biết rõ hơn, tôi cảm thấy rõ hơn, sự thiếu thốn của tôi. Tôi biết, dẫu có chàng trong căn phòng này đi nữa, dẫu có chàng bên trong vòng ấm của tôi đi nữa, tôi vẫn thấy chưa đầy đủ. Sự hiện diện không đầy đủ. Sự hiện diện của chàng là sự hiện diện không đầy đủ. Dù sao, tôi cũng mừng vì ngày xưa tôi đã không nói với chàng điều đó.
Anh tôi, ngày xưa đứng trên mặt đất vững vàng như một loài cổ thụ, bây giờ nằm dưới lòng mặt đất, chẳng còn là gì. Ðã mười mấy năm rồi, hình ảnh về cái chết của anh trở về trong trí nhớ tôi cũng chỉ phảng phất mơ hồ thôi. Ngày giỗ, tôi đi thăm mộ, đem theo vài chậu hoa tươi và hoa giả. Nhớ về anh, tôi có một ý nghĩ: anh già quá. Già trong mọi chọn lựa, từ áo quần đến bạn bè đến cả lời ăn tiếng nói. Anh già, nhưng lại quá trẻ trong sự lựa chọn bạn gái. Anh mê một đứa con gái chỉ hơn tôi có non một tuổi. Thu Sương với tôi ngày ấy chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Thu Sương tiểu thư mấy ai được gặp, tôi có bao giờ được dạy thế nào là tiểu thư. Thu Sương… học dốt, tôi đỡ dốt hơn. Thu Sương ra đường chỉ đi chơi với em gái, tôi có cả một bầy bạn gái.
Bây giờ, có lẽ tôi chẳng còn bạn nào nữa. (Mười mấy năm qua rồi, đến bây giờ tôi mới bắt kịp Thu Sương của mười mấy năm trước). Thu Sương bây giờ nghe đâu cũng đã hai con, và vừa mới ly dị chồng. Anh tôi còn sống chắc chẳng đi đến chuyện gì với Thu Sương, nhưng chắc anh cũng chẳng vĩ-đại như tôi đang vĩ-đại-hóa anh bây giờ. Sống bấy nhiêu cũng đủ.
Tôi quay lại khi mẹ tôi bảo sửa lại chậu hoa bên cạnh bia đá. Tôi làm theo lời bà, rồi hai mẹ con đọc đoạn kinh ngắn trước khi rời nghĩa trang. Có lúc tôi nhìn bà, và nghĩ hình như sự phiền khổ không còn nữa trên nét mặt bà, trên hơi thở bà. Mười mấy năm rồi, anh bây giờ sướng hơn mẹ. Nhìn bà, tôi muốn để ý, tìm một nét lạ nào đó qua khuôn mặt. Lâu nay bà hay than tim đau, đau nhất là khi tôi cãi, cho nên đừng cãi bà nữa. Tôi cho đó là một cách bà dọa tôi, làm áp lực bắt tôi phải lấy chồng. Nhưng tôi vẫn để ý một nét lạ nào đó, nếu có.
“Bây giờ, mình đi thăm bà Florence. Tiện có con về Mẹ mới đi thăm người ta được,” mẹ tôi nói. Florence Baudoin. Tên Florence Baudoin lướt thật nhanh trong đầu tôi, tìm ra một khuôn mặt. Hình ảnh Florence Baudoin được gợi lên, làm lòng tôi chợt chùng xuống.
Nhưng trước khi lên xe, đầu óc tôi chưa bỏ hẳn mộ anh. Tôi nhớ, những buổi trưa ngày xưa còn bé, tôi hay đến bên anh những lúc anh ngủ, vạch mí mắt anh ra để xem lúc anh ngủ rồi thì mắt anh đi đâu, có nhìn thấy tôi không. Tôi nghịch ngợm vạch mí mắt anh bằng bàn tay nhỏ, vạch rồi lại buông, buông rồi lại vạch. Mắt anh vẫn còn nguyên ở đó, không đi đâu cả. Mắt hơi lồi, còn đủ cả lòng trắng lòng đen. Nhưng anh không nhìn thấy tôi. Tôi đã nghĩ rằng anh chỉ giả vờ ngủ, và giả vờ không nhìn thấy tôi. Chỉ giả vờ thôi.
***
Chàng có đi với tôi một lần đến thăm bà Florence Baudoin. Chúng tôi đứng gõ cửa mãi mới được bà ra mở cửa cho vào. Chàng lúng túng khi bước vào một thế giới hiu hắt của một người đàn bà bảy mươi không chồng. Tôi thì không lạ lùng gì cả, vì đã biết trước. Tôi không có mục đích đem chàng đến để khoe với bà. Tôi đến vì muốn chào bà trước khi tôi đi học xa. Dù có chàng, nhưng tiện đường, thành thử tôi ghé vào từ giã một người đã đối xử với gia-đình tôi rất tốt.
Tôi nhớ chàng đã lúng túng khi bước vào thế giới ngăn nắp không một hạt bụi, và cũng là một thế giới lạnh lẽo thiếu ánh sáng của một bà già độc thân. Trong thế giới đó, sự tối tăm lờ mờ lúc nào cũng đòi người ta phải điều chỉnh lại con ngươi khi bước vào, sự sạch trơn từ sàn nhà cho đến vách tường đến cả mọi góc cạnh làm người ta không dám đi sâu vào quá vài bước từ ngưỡng cửa. Sàn nhà gỗ bóng loáng làm chàng lúng túng cởi giầy. Bà Florence bảo cậu không phải cởi giầy. Nhưng khi chúng tôi đã bước vào trong, và khi tôi ngồi nói chuyện còn chàng thì đứng ngắm tranh trên tường, có lúc chàng toan rút bao thuốc từ trong túi áo thì Florence đã vội nói cậu đừng hút thuốc ở đây. Chàng đưa mắt nhìn tôi, và tôi cười trong mắt để chàng biết rằng tôi hiểu chàng đang nghĩ gì. Florence quay qua tôi và hỏi tôi sắp đi có cần thêm tiền không. Tôi trả lời thưa không, tôi đến chào bà vì tôi coi bà như mẹ. Bà bảo từ bé đến lớn tôi là đứa con gái ngoan, bà muốn tôi luôn ngoan như vậy.
Mắt Florence sau cặp kính nhà giáo nhìn thẳng tôi. Mắt bà xanh, xanh như đôi mắt của loài mèo, xanh biếc tôi thấy cả con ngươi chính giữa. Màu tóc thì thay đổi theo thời gian, nhưng màu mắt thì không thay đổi. Mắt thì đục mờ đi theo thời gian nhưng mắt Florence thì vẫn còn tinh sáng. Florence ngồi đối diện tôi, ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế bành bà thường ngồi, chân này chéo qua chân kia dưới làn áo wardrobe. Chân bà xỏ đôi giày đi ở trong nhà, loại giầy bông thật nhẹ. Nhưng đôi cổ chân bà, tôi thấy, sưng vù như bị phù thủng, đôi chân sưng trắng bệt, đây đó lốm đốm những mảng da nám màu nâu nhạt.
Tôi nghĩ, hình thù của đôi chân người ta cũng là do cuộc đời, số mệnh uốn nắn. Hình thù đôi chân, đôi bàn chân, tùy thuộc vào loại giầy dép người ta mang, vào mặt đất người ta đứng, vào lộ trình người ta phải đi qua. Ðôi chân mẹ tôi lòi mắt cá hai bên, có những lằn gân từ đó chạy lần lên ống quyển.
Bàn chân mẹ tôi bị chai ở gót, lâu lâu đau nhói bà bảo tôi cắt hộ bà lớp da khô chai dầy cộm. Có lần, khi tôi hỏi về một vết thẹo ở bắp chân, mẹ tôi kể ngày còn bé bà bị chó nhà ông ngoại cắn bậy. Tôi nhìn bà không hiểu. Bà giải thích, chó nhà ông và bà trẻ.
Khi chúng tôi đứng lên cáo từ Florence thì ngày đã ngả về chiều. Ðèn đường đã tự động bật sáng dù trời chưa đậm màu. Tôi ngỏ ý nuốn xem khu vườn của Florence thì bà nói cứ tự nhiên nhưng còn bà thì ở lại trong nhà vì bà không hay ra ngoài vào giờ đó. Khi cánh cửa lưới vòng ngoài được đóng lại, tôi chỉ còn thấy lờ mờ vạt áo Florence di động loáng thoáng ở bên trong, và rồi cũng biến mất khi bà đóng nốt cánh cửa gỗ. Chàng hỏi tôi còn muốn coi vườn nữa làm gì. Thật ra, tôi muốn nhìn lại căn nhà bên cạnh, nơi gia-đình tôi đã ở được năm năm đầu khi mới đến.
“Ở lại với em một lát nữa thôi”, giọng tôi thấp, “Phim chưa đến xuất mà”.
Căn nhà bên cạnh, căn nhà gỗ sơn vàng với rất nhiều cửa sổ, là nơi đã đòi hỏi ở chúng tôi tất cả sức chịu đựng của con người. Ðó là nơi đã chất chứa tất cả những tiếng thở dài não nề nhất khi một gia đình liên tiếp trải qua những tang thương, phân ly, lỡ làng. Tôi có kể chàng nghe tuổi thơ của tôi ở căn nhà đó. Tôi đã nói cho chàng nghe những gì tôi ao ước cho tương lai, những ao ước nảy sinh từ tuổi thơ tôi. Bình thường thôi, phải không anh. Tôi đã hỏi, nhưng chàng không trả lời. Cũng chẳng có gì cần thiết.
Căn nhà bên cạnh có rất nhiều cưả sổ, những cửa sổ viền nâu trên vách nhà vàng. Căn nhà bên cạnh có rất nhiều cây, những cây cao thấp trổ hoa thơm ngát những mùa xuân. Tôi đứng bên hàng rào ngăn chia hai nhà, nói với chàng về một loài hoa màu hồng bên vườn nhà cũ:
“Hoa azaleas đó anh, còn gọi là hoa quyên”.
***
Ngày chúng tôi đến thành phố, hoa azaleas chưa nở. Ngày chúng tôi đến thành phố, vào mùa đông, nước Mỹ có rất ít để chào đón. Một nửa căn nhà trống trải, đêm ngủ trên sàn nhà gỗ gió lạnh lùa dưới gầm nhà lạnh thấu qua lưng. Bên nửa kia của căn nhà, bên kia vách tường và cánh cửa gỗ luôn luôn được khóa kín, là những cô hàng xóm có lẽ vì nghề nghiệp nên không thân thiện, những cô kỵ nữ thức đêm ngủ ngày nên lâu lâu vào những buổi sáng nào chúng tôi hơi ồn họ đã ném mạnh một vật cứng vào cánh cửa gỗ để nhắc nhở. Tiếng cạch chát chúa khi một vật cứng đáp vào cánh cửa nghe thật dữ dằn, nhưng đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong một xã hội đầy bất ngờ này. Ngày chúng tôi mới đến, nước Mỹ vào mùa đông chỉ có những cơn mưa lạnh đi trước những lần tuyết rơi lấm tấm. Nửa bên căn nhà chúng tôi có cả mười sáu khung cửa sổ, những khung cửa sổ dài hình chữ nhật được che bằng những tấm màn ni-lông mỏng bám đầy bụi, để những khi mưa gió nhìn ra đường tôi chỉ thấy nước Mỹ ở nơi chúng tôi tứ phía là mưa lạnh. Màn cửa ni-lông rẻ tiền, trong suốt, tôi có thể thấy được khi anh tôi đạp xe về nhà giữa trưa thứ Bảy bảo rằng trời mưa ướt át không có khách rửa xe nên chủ nó bắt về sớm. Màn ni-lông trong suốt, mỗi buổi tối tôi có cảm giác như từ ngoài đường người ta nhìn vào để thấy chúng tôi bên trong đang làm gì, chúng tôi còn có thể làm gì nữa.
Và những buổi tối khi đã tắt đèn, tôi nằm nhìn qua cửa sổ, qua màn ni-lông trong suốt, nhìn ngọn đèn ga-ra nhà bên cạnh, nguồn ánh sáng duy nhất của căn nhà, nhìn và đoán xem nước Mỹ còn gì cho chúng tôi nữa không.
Khi tôi tâm sự với chàng rằng tuổi thơ của tôi ở đó sâu đậm hơn tuổi thơ ở Việt Nam, chàng đã cười và cho đó là chuyện dĩ nhiên. Tôi còn quá nhỏ để nhớ, chàng nói. Nhưng tôi nhớ, tôi nhớ rất rõ. Tôi chỉ không hay nói ra điều tôi nhớ, và nhiều khi cũng chẳng nói ra rằng tôi nhớ. Những kinh nghiệm không vui thường đậm màu hơn, tôi muốn nói như vậy. Nơi căn nhà có cả thảy mười sáu khung cửa sổ, những khung cửa sổ như những ngõ thoát của hạnh phúc, là nơi tôi được trải qua những kinh nghiệm rất khiêm nhượng nhưng rất căn bản của cuộc sống. Nơi đó đã đến thật rõ ràng bấy nhiêu mưa và nắng, bấy nhiêu tuyệt vọng và hy vọng, bấy nhiêu nước mắt và tiếng cười, đưa và đón, mộng và thực. Không bao nhiêu cả, chỉ vừa đủ cho tôi.
Trước khi mùa đông đi qua, những người hàng xóm đã dọn ra khỏi nhà bên cạnh. Mùa xuân đến, có người Việt ở thế vào chỗ đó, hai vợ chồng Việt cũng kín cổng cao tường. Mùa xuân đến, mẹ tôi có thể bước ra ngoài và khởi sự một góc vườn nhỏ ở sân sau, chiều đi học về tôi có phận sự tưới. Chủ nhà, sau mùa đông đã đến và dọn lại cỏ cây chung quanh nhà cho quang hơn.
Nhưng hình như ông đã không trở lại lần nào nữa suốt mùa xuân đó. Mùa xuân, cây cỏ đã được dọn tàm tạm quang đãng, tôi có thể chơi rượt bắt vòng quanh, lâu lâu khám phá ra đây đó có vài cốt xương khô của những con mèo hoang đã chết dưới gầm nhà.
Và, mùa xuân cũng ấm áp đủ khiến bà Florence như một loài chồn sóc thò ra đường thăm xuân, đứng làm quen với tôi bên kia hàng rào.
Lần đầu đối diện bà Florence, tôi ngỡ như mình đang thấy một bà tiên. Bà đạo mạo với mái tóc trắng búi cao, với khuôn mặt gầy nghiêm nghị, với cách phục sức dịu màu trang nhã. Tôi đang đứng tưới những cây hoa khi bà lên tiếng gọi, giọng cao.
Tôi ngẩng lên nhìn, nhưng dù cho bà đã như là một bà tiên trước mắt tôi, sự xuất hiện đột ngột của bà đã làm tôi thấy sợ. Mấy hôm trước, em trai tôi trong một lúc nghịch ngợm với cái ná đã lỡ tay bắn một hòn sỏi qua bên vườn của người hàng xóm đàng sau. Viên sỏi bắn lỡ không làm gẫy hoa, không làm vỡ cửa kính, không làm chết chim chóc, nhưng bà chủ nhà cũng dọa gọi cảnh sát. Anh tôi cũng mấy hôm trước trong ngày dọn vườn, đã đốt lá khô ngoài sân sau. Khói bốc đã gây báo động sở cứu hỏa, và chỉ độ mười lăm phút sau đã có hai xe cứu hỏa đầy đủ vòi rồng còi hú kéo đến trước nhà. Cho nên sự xuất hiện trong nháy mắt của bà Florence đã làm tôi giật mình. Tôi có làm gì sai không, tôi chỉ đang tưới cây thôi.
Tôi hiểu khi bà nói rằng bà là Miss Baudoin, nhưng tôi có thể gọi bà là Florence. Miss Florence hỏi tôi học lớp mấy trường nào và giáo viên tên gì. Tôi nói tôi học tiểu học La Rosen, cô giáo tên Ernie. Cô Ernie ngày xưa là học trò tao, Miss Florence nói. Tôi không biết nói à như vậy bà là sư tổ của tôi nên tôi im lặng.
Khi tôi vào nhà và báo động mẹ tôi rằng có người hàng xóm muốn gặp, bà nhìn tôi ái ngại như trời ơi con lại làm chuyện gì nữa đây. Ngày đó, tôi rất sợ làm mẹ tôi buồn, những cơn buồn cấn thêm vào những cơn hoang mang khi chưa ổn định đem bà tới mức nóng nảy tôi chưa bao giờ thấy. Tôi cố để làm bà vui lòng. Ðàng nào đi nữa, ít nhất tôi đã không bỏ nhà ra đi như các anh chị em khác trong nhà hết thẩy đều đã ít nhất một lần bỏ nhà ra đi rồi lại trở về. Cảnh bỏ nhà ra đi đã buồn, cảnh trở về lại càng buồn hơn.
Sáng đó là sáng Chủ Nhật. Gặp mẹ tôi, Florence nói rằng bà hay thấy chúng tôi đi bộ đến nhà thờ, vậy mai mốt hãy đi chung xe với bà nếu muốn. Thế là mẹ tôi có được một người láng giềng gần, một người láng giềng tốt. Mẹ tôi, cả một đời chỉ biết lo cho chồng con, không có đến một người bạn gần gũi. Nhưng Florence không chồng con mà hình như cũng chẳng có bạn bè, cũng chẳng thân thiện với hàng xóm chung quanh. Quen được một thời gian, tôi biết bà chỉ có hai thứ để bầu bạn: cái ti-vi, và cái xe hơi hiệu Ford truyền lại cho bà từ đời song thân.
Cái ti-vi để mở từ sáng đến tối Florence bảo là để cho căn nhà còn có tiếng người. Cái xe Ford bốn cửa tuy đã lâu đời nhưng còn được giữ gìn rất kỹ tôi nghĩ không bao giờ được lăn bánh đi đâu quá ba mươi dặm từ sân chứa.
Tôi theo mẹ vào nhà Florence cái ngày bà mở cửa mời láng giềng vào chơi. Florence bảo từ ngày mẹ bà chết, cách đây cũng hơn hai mươi năm, căn nhà bà không có gì thay đổi. Cho nên trước khi bước vào nhà bà, tôi đã tưởng tuợng đến một viện bảo tàng, và khi đã bước vào rồi tôi không hiểu sao bà có thể sống trong sự u tối đó mấy chục năm. Tôi rón rén bước qua từng phòng trong nhà Florence, chân nhẹ nhàng nhón gót, tay không dám chạm bất cứ đồ vật gì trong nhà, sợ làm xê dịch vị trí đã được ổn định từ mấy chục năm qua. Mẹ tôi sửng sốt trước sự nối tiếp êm đềm từ đời mẹ sang đời con của gia-đình Baudoin, một sự tiếp nối gần một thế kỷ không gián đoạn. Mẹ tôi sửng sốt vì nơi đây, mặt đất quá hiền hòa người ta có thể dung thân tại một chỗ duy nhất suốt một thế kỷ, hay nhiều thế kỷ nữa, dung thân yên ổn, không cần phải biết, không cần phải thấy, và có lẽ không tin rằng ở những nơi khác, dù trên cùng một mặt đất, một thế kỷ trải qua đã có liên tiếp nhiều thế hệ như những lớp sóng táp vội vào bờ, đến rồi đi, những thế hệ bỏ đất mà đi, những thế hệ vùi sâu dưới lòng đất.
Mùa xuân đến đem theo loài azaleas, loài trà mi, mộc lan, và những thứ hoa khác tôi không biết tên. Mùa xuân thứ nhất, các anh tôi tính lại chuyện học hành, trong đó có anh thu xếp vào nội trú, để lại cho tôi mấy chậu cá lia thia. Trước tuần nghỉ xuân, tôi đem giấy nhà trường về nhà, giấy mời phụ huynh đến trường cùng với giáo viên kiểm điểm lại học vấn của con em. Lần ấy anh tôi tò mò, ký giấy sẽ đến. Anh đã đến gặp bà giáo Ernie, để trở về nhà với phiếu điểm của tôi và một nụ cười khó hiểu.
Anh đưa tôi xem phiếu điểm, nói: “Bà Ernie cho anh biết em đang chơi với vài đứa trẻ không ngoan”.
Tôi cầm phiếu điểm, chột dạ, dù đã biết trước được điểm của mình. Không có gì quá đáng, chỉ có điểm hạnh kiểm là dưới mức “có thể chấp nhận được”. Tôi dán mắt vào phiếu điểm, không hiểu những đứa khác giờ này cũng đang nhìn phiếu điểm không biết có bấn loạn hơn tôi. Tôi không nhớ tôi có tội gì, chỉ nhớ có một lần, sau giờ ra chơi, chúng tôi trở vào lớp mà theo lời bà Ernie lúc đó thì chúng tôi không còn hình dạng gì cho thấy chúng tôi là con người. Bà Ernie nói khó hiểu quá. Hèn chi chúng nó vẽ râu lên hình bà, bắn bi trong lớp bà, nghịch lửa trong lớp bà, truyền thư trong lớp bà, dấu chìa khóa vào lớp của bà. Tôi vui vì đã được lũ trẻ Mỹ thu nhận và ưa thích. Tôi vui vì được nhập bọn với Karen thông minh nhất lớp, và Quinn Martie nghịch ngợm nhưng hay bênh vực bạn. Có lẽ, anh tôi cũng vui vì em gái đang bắt đầu sống trở lại nên anh cười.
Tôi, một đứa trẻ, đang tập sống trở lại giữa những đứa trẻ khác giống. Những đứa trẻ không biết phân biệt nòi giống hầu để ghét hay để ưa. Tâm tình mọi đứa trẻ ở mọi nơi đều giống hệt như nhau. Trẻ em không ngoan nhưng cũng không nên có anh hùng. Một xã hội huấn luyện trẻ em thành anh hùng là một xã hội có một cái gì đó đã sai.
Bà Ernie cuối năm ấy về hưu. Dù không ưa bà, bọn trẻ cũng định tổ chức một bữa tiễn đưa bà, chỉ thêm cớ để khỏi phải học. Tôi xung phong viết thư tiễn biệt, dù chẳng ai mời, dù biết mình còn dở chữ. Bọn trẻ chỉ ậm ừ thôi. Tôi cũng không quan trọng hóa việc viết thư, nháp được một trang rồi cất một góc lớp. Rồi tôi quên bẵng. Gần đến ngày bãi trường, bà Ernie dọn lớp và bắt được lá thư. Lá thư viết nháp cũng đủ làm bà rơi lệ, và chẳng nói chẳng rằng bà đến ôm chầm lấy con Quinn Martie là đứa học trò thiếu khả năng nhất. “Quinn Martie, tôi không ngờ trò đã viết lên những lời này”. Bà Ernie nghẹn lời.
Tôi có cảm giác rất chính xác là nước mắt của bà không hơn gì những giọt nước mắt ứa ra khi tôi ngáp dài mỗi sáng. Karen nhìn tôi, nói vừa đủ để tôi nghe rằng nó biết tôi mới là người viết thư đó. Nhưng bà Ernie cũng biết chứ! Nét chữ đó là nét chữ của tôi, lời lẽ đó chỉ có tôi mới viết được, bà là người chấm bài tôi hằng ngày chẳng lẽ bà không biết! Tôi nhìn Karen, cười oh I lied, tao viết xạo đó mày.
Nhưng cũng từ đó trở đi, tôi biết tôi không nên viết dối những chuyện như vậy nữa. Tôi vẫn viết dối, chỉ không viết dối để người tôi không ưa hiểu lầm tình cảm của tôi thôi.
(Còn 1 kỳ nữa)