Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa (Tưởng nhớ GS. Nguyễn Văn Hạnh vừa nằm xuống)

Đào Tiến Thi

image

 

Tôi không được học GS. Nguyễn Văn Hạnh. Các sách lý luận và phê bình văn học của thầy viết như Lý luận văn học – vấn đề và suy ngẫm (Giáo dục, 1995), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Giáo dục, 2012) không ấn tượng với tôi lắm. Phong cách viết của GS. Nguyễn Văn Hạnh không rảo riết như GS. Hoàng Ngọc Hiến, không hóm hỉnh, thâm thuý như GS. Nguyễn Đăng Mạnh – những trang viết khiến tôi đã đọc là bị cuốn hút, theo đuổi, thích thú nhưng nhiều khi cũng rất mệt; trái lại, GS. Nguyễn Văn Hạnh viết theo phong cách mực thước, ôn hoà, giản dị, rất dễ hiểu, thích hợp với tầm đón nhận của số đông. Bởi vậy khi có nhu cầu học và thưởng thức thì tôi tìm đến thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Nguyễn Đăng Mạnh,… còn khi dạy (kể cả khi trả lời học sinh trên báo chí) thì tôi thường tìm đến thầy Nguyễn Văn Hạnh.

Tuy nhiên, trong một lần được nghe nói chuyện thì tôi thấy GS. Nguyễn Văn Hạnh không chỉ là người “mực thước” mà cũng hóm hỉnh và thâm thuý lắm. Như câu chuyện sau đây.

Hồi ấy, khoảng cuối 1989, tức là gần như đã chấm dứt trào lưu Đổi mới văn học. Nếu mượn ý câu thơ của Nguyễn Bính thì là đã “tàn một giấc mơ”[1] nhưng ánh hào quang của nó vẫn còn khá mạnh. GS. Nguyễn Văn Hạnh về Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nói chuyện về giáo dục với tư cách Thứ trưởng Bộ Giáo dục hay là Phó ban Văn hoá – Văn nghệ Trung ương tôi không nhớ chính xác. Cuộc nói ở hội trường trong buổi sáng dành cho tất cả thì không mấy ấn tượng. Buổi chiều Khoa Văn mời GS. Nguyễn Văn Hạnh nói chuyện riêng với các thầy cô Khoa Văn về văn học. Tôi là học trò nhưng là “học trò lớn tuổi” (giáo viên đi học) nên được các thầy cô cho ngồi dự cùng.

Cuộc toạ đàm đến đoạn bắt đầu “có không khí” thì thầy Trịnh Đình Tăng (dạy Lý luận văn học) hỏi: “Xin thầy nói về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, một vấn đề mà bây giờ chúng em thấy bí quá”.

GS. Nguyễn Văn Hạnh nheo nheo mắt và tủm tỉm cười, hình như thầy không muốn động đến một vấn đề mà chỉ hơn một năm trước được bàn tán công khai, sôi nổi, nhưng nay đã thành vấn đề “nhạy cảm”. Vừa lúc đĩa kẹo được bưng ra, chưa ai kịp mời thì thầy đã nhúp ăn luôn một cái, cố ý “nhâm nhi”. Hình như thầy dùng cách “câu giờ” để suy tính thêm.

Bỗng GS. Thành Thế Thái Bình (trưởng khoa Ngữ Văn) nói: “Hồi ở Trường “Một” (Đại học Sư phạm Hà Nội hồi ấy gọi là Đại học Sư phạm Hà Nội 1) anh làm tổ trưởng, em làm tổ phó, bây giờ thì anh làm đến “thượng thư”, còn em thì chỉ là “lý trưởng” thôi. Bao nhiêu việc cơ mật anh được biết còn em thì có biết gì đâu”. Hình như câu nói ấy đã kích thích thầy Nguyễn Văn Hạnh. Thầy lại cười cười bảo:

– Cái ông vua nổi tiếng của Mông Cổ ngày xưa tên là gì ấy nhỉ?

Thầy Thành Thế Thái Bình nhanh nhảu:

– Thành Cát Tư Hãn.

– Không, không phải Thành Cát Tư Hãn – thầy Hạnh lắc đầu. Cái ông vua bị thọt ấy.

Tôi bỗng nhớ ra hồi đi học, cô giáo dạy Sử có nói đến một ông vua thọt chân tên là Ti-mua Leng[2] – cô còn giải thích rõ, “Leng” nghĩa là “thọt”. Tôi rụt rè nói lí nhí: “Ti-mua Leng ạ”.
Nhưng thầy Nguyễn Văn Hạnh không để ý nữa, thầy đã bắt đầu say sưa:

– Ông vua này có hai cái tật: thọt chân và chột mắt. Một hôm ông cho gọi các hoạ sỹ tài danh của đế quốc đến, yêu cầu vẽ chân dung ông. Đầu tiên, một ông hoạ sỹ dâng bức chân dung giống Ti-mua Leng như thật, tức là què một chân và mù một mắt. Ti-mua Leng nổi nóng:

– A, ngươi nhạo báng ta phải không?

Lập tức vị hoạ sỹ này bị bắt bỏ ngục.

Các hoạ sỹ vẽ lại. Lần này bức tranh dâng lên là một ông Ti-mua Leng đủ cả hai mắt, hai chân, oai phong lẫm liệt.

– Ngươi vẽ ai chứ đâu phải là ta!

Ông hoạ sỹ vẽ bức chân dung này bị lôi đi phạt trượng.

Các hoạ sỹ lại vẽ lại. Bức chân dung được chọn sau cùng là Ti-mua Leng đang ở tư thế cưỡi ngựa bắn cung, cái chân thọt ở về phía khuất còn cái mắt chột là cái mắt đang nheo để nhắm đích.
Ti-mua Leng hết sức sung sướng: “Đây mới đúng là ta”. Và thưởng rất hậu cho người họa sỹ.
Thầy Hạnh kết thúc vấn đề:

– Đấy, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là phải như ông hoạ sỹ thứ ba: nịnh nhưng biết cách nịnh.

Thầy Hạnh nhìn các thầy cô cười tủm tỉm, còn các thầy cô thì nhìn nhau cười, nhưng cái cười có vẻ như mếu. Chắc ai cũng nghĩ: văn nghệ sỹ ta làm thế nào mà giỏi được như ông hoạ sỹ kia?
Vĩ thanh

Trong giai đoạn đầu Đổi mới, tôi thấy người ta tranh luận về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa khá sôi nổi. Đa số ý kiến cho rằng không có cái gọi là “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”, nhiều nhất nó chỉ như một trào lưu, một khuynh hướng của một giai đoạn lịch sử. Trong khoảng 30 năm nay, các giáo trình văn học ở Việt Nam cũng không thấy đề cập nữa. Tuy nhiên, trong công trình xuất bản cách đây 11 năm, chính GS. Nguyễn Văn Hạnh lại nhắc đến với một ít dòng ngắn ngủi như sau: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mà những người mác-xít ở các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước khác trên thế giới khẳng định về sau như là phương pháp sáng tác tốt nhất trong văn học, có thể coi như là sự tiếp nối, sự "hoàn chỉnh” của chủ nghĩa hiện thực trong hoàn cảnh mới. Trên lý thuyết, hiện thực xã hội chủ nghĩa yêu cầu sáng tác văn học phải đáp ứng một yêu cầu kép về nhận thức và về tư tưởng, tức là phải “phản ánh cuộc sống chân thực, lịch sử – cụ thể, trong quá trình phát triển cách mạng của nó, và trên cơ sở đó giáo dục tư tưởng cộng sản cho những người lao động”. (Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Giáo dục, 2012, tr.113 – 114).

Đọc kĩ ta thấy người viết chỉ thuật lại chứ không bình luận, thậm chí, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là cái có thật hay không, tác giả cũng không “tiết lộ”, chỉ nêu nguyên lý của nó trên góc độ lý thuyết, thế thôi.


[1] Thế là tàn một giấc mơ

Thế là cả một bài thơ não nùng!

(Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang)

[2] Thực ra thì Ti-mua Leng (Tamerlane, nghĩa là Timur Què, đọc âm Hán Việt là Thiếp Mộc Nhi) là một ông vua của đế quốc Mogulistan, một trong bốn “mảnh vỡ” của đế quốc Mông Cổ, gồm: 1. Kim Trướng Hãn Quốc, ngày nay tương đương với Nga và Ukraina; 2. Y Nhi Hãn Quốc, ngày nay tương đương với Iral, Iraq và khu vực xung quanh; 3. Đế quốc Nguyên, ngày nay tương đương với Trung Quốc và Mông Cổ; 4. Đế quốc Mogulistan nằm ở giữa ba đế quốc trên, ngày nay tương đương với lãnh thổ các nước Afghanistan, Kazakstan và mấy nước Trung Á thuộc Liên Xô ngày trước. Ti-mua Leng xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, tự xưng là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, nhưng theo các nhà sử học ngày nay thì rất ít bằng chứng về việc này. Ông mưu toan khôi phục đế chế của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên tính cách và phương pháp trị vì của Ti-mua Leng khác hẳn Thành Cát Tư Hãn. Ví dụ, Thành Cát Tư Hãn có thể giết chóc vua chúa các nước bại trận nhưng không bao giờ tra tấn, hành hạ, còn Ti-mua Leng thì giết chóc không cần lý do và say sưa trong việc tra tấn, làm nhục kẻ thù, lấy đó làm thú vui.

Comments are closed.