Truyện Ngô Nguyên Dũng
Phải hỏi thăm đôi ba lần, ký giả Mai Vy mới tìm ra nhà của độc giả Hoàng Mai Thanh.
Vừa đặt chân tới đây, cô ký giả bất ngờ nhận ra, ven ngoại ô thành phố bụi bặm nhốn nháo này vẫn còn một góc đất thanh tịnh. Ngôi nhà trệt già nua, ngói đỏ, phủ rêu lốm đốm. Thấp thoáng sau lùm bụi, ao nước lung linh bông súng tím. Tàng trứng cá bên hiên nhà rớt bóng nắng xuống vuông sân lót gạch nung, nhấp nháy. Mảnh vườn trồng nhiều cây cảnh cắt tỉa tươm tất. Lẩn khuất đâu đó bật lên tiếng chim trốn nắng, thảng thốt từng chặp, nghe như trách cứ.
Mai Vy tắt máy, đảo mắt quanh quất. Cửa ngoài bỏ ngỏ, không chuông bấm. Cửa nhà khép kín, màn cửa sổ chấn song sắt kéo kín. Trưa muộn tháng mười một, nắng rót chan hoà. Không một bóng người. Dưng không, niềm tự tin nghề nghiệp trong cô tan biến. Những háo hức ban đầu, khi cô được ông chủ nhiệm giao trách nhiệm tới đây phỏng vấn chứng nhân cuối cùng về một nhân vật tiểu thuyết gây nhiều tăm tiếng một thời, chợt tan biến. Tâm tư cô dấy lên chút cảm xúc, như thể phân vân, như thể hoài nghi khả năng chính mình.
Sự việc bắt đầu từ mẩu tin thông báo chủ đề tháng giêng sắp tới của nguyệt san Tân Văn: “Bảy khuôn mặt văn chương hiện sinh của thập niên một chín sáu mươi”, nhằm mục đích tiếp thị một số tựa sách văn học miền Nam trước một chín bảy lăm sẽ được phép tái bản vào tháng hai, vài tuần trước Nguyên đán. Trong số đó, độc nhất một khuôn mặt nữ. Cái tên lạ. Tựa truyện nghe tầm thường như tiểu thuyết diễm tình trong tuần báo phụ nữ, vậy mà nghe nói đã một thời gây chấn động trong thị trường chữ nghĩa.
“Mẹ đọc quyển sách này bao giờ chưa?”. Mai Vy giơ quyển sách trước mặt mẹ.
Người mẹ nhíu mắt nhìn, nhoẻn cười:
“Rồi, lúc mười bảy, mười tám tuổi gì đó, mẹ không nhớ”.
“Mẹ thấy sao?”.
“Thuở ấy mẹ thích lắm, đọc đi đọc lại mấy lần. Bây giờ, có lẽ không còn thích hợp với tuổi của mẹ nữa”.
“Con nghĩ, chắc cũng không còn thích hợp với thời đại vi tính hiện nay”.
Cô lầm. Ngay sau những trang chữ đầu tiên, ma lực văn phong của tác giả đã mê hoặc, cuốn hút cô vào hành trình ngược về quá khứ của một Sài Gòn phóng đãng, và một Đà Lạt đẫm sương những hoàng hôn. Một chín sáu mươi, mười lăm năm văn học mãn khai rực rỡ trước khi lụn tắt vì thảm hoạ chiến tranh. Một chặng thời gian và những công trình sáng tạo đã bị những kẻ mê sảng chủ nghĩa rúng rẩy và cố tình trù dập.
“… Mỗi tình yêu là một bông hoa đã úa tàn. Mỗi ngày vui là một chiếc lá vàng rơi rụng. Vì Trâm đã chán ngán, đã mệt mỏi, đã lìa xa một nửa con đường lang bạt đó. Đã bỏ cái thành phố hai mặt sống và chết, mê và chán, xấu và tốt đó. Nàng bỏ đi như một từ khước. Và như một lẩn trốn. Từ khước những thú vui buông thả đưa tới lỡ lầm cay đắng, đưa tới trống không dằng dặc tủi hờn. Lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến.
Trâm bắt qua một nhịp đời khác không tìm chuyển tiếp. Đà Lạt như một nơi ngơi nghỉ vùi chôn đời đời. Cuộc sống đang sôi trào bỗng dưng lắng đọng lại như những thước không gian câm nín dày đặc sương mù…”.[1]
Sau khi mẩu tin được loan báo, toà soạn nhận được một vi thư ký tên Hoàng Mai Thanh, tiết lộ ông là bạn chí thân của nhân vật nam chính, và sẵn lòng giải đáp những ẩn số liên quan tới tác giả và quyển sách.
Mai Vy còn chần chờ, chợt nghe giọng ai nhỏ nhẹ cất lên sau lưng:
“Chị tìm ai?”.
Mai Vy quay nhìn. Cô gái độ ngoài hai mươi, vận bà ba trắng quần đen, mang dép nhựa, tay xách túi ny-lông lấp ló bó cải xanh, có khuôn mặt ưa nhìn, tia nhìn thân thiện.
“Chị tìm nhà ông Hoàng Mai Thanh, em à!”.
“Chị đang đứng trước nhà ổng đây. Nhà không gắn chuông, khách tới cứ tự tiện vô trong gõ cửa. Dạ, chị tới có chuyện chi?”, cô gái dọ dẫm.
“Chị là Mai Vy, phóng viên nguyệt san Tân Văn, có hẹn với ông Thanh bữa nay”.
“Còn em là cháu của ông Thanh, gọi ổng là ông cậu. Mời chị vào! Có lẽ ông em đang ngủ trưa. Ổng có tật ưa quên chuyện gần, còn mấy chuyện xưa lại nhớ vanh vách. Ngộ hết sức!”, cô gái liến thoắng, rồi bật cười khúc khích.
Cô gái đưa Mai Vy vào nhà, mời ngồi, bảo chờ chốc lát, cô vào trong gọi ông cậu. Phòng khách kín màn cửa sổ, nhờ nhờ mảnh sáng cửa chính mở toang. Gian phòng bày biện giản dị. Bộ xa-lông bọc vải hoa đã nhạt màu. Một bàn xa-lông gỗ thấp. Một bàn ăn hai ghế. Một máy truyền hình nhỏ. Một tủ kính hai cánh chưng vài món cổ ngoạn, chén dĩa tráng men, vài ly pha lê cao cổ và khoảng chục gáy sách bìa cứng. Vách đóng hai kệ gỗ, bên trên thờ Phật, bên dưới dựng di ảnh người đàn bà, nhang đèn hoa trái còn tươi mới. Bất chợt Mai Vy cảm thấy rạo rực, nhen nhúm chút bất an. Tầm mắt cô tần ngần dừng bên bức chân dung. Ngọn nến điện soi yếu gương mặt người quá vãng. Một diện mạo sắc nét, trông như vẽ. Nhưng, không hiểu vì lý do nào, hai vòm mắt loé sáng rình rập, khe khắt. Và lạ lùng hơn nữa, Mai Vy có cảm tưởng như tia nhìn người trong ảnh biết động đậy, soi mói từng cử chỉ của người khách lạ.
Cô gái rùng mình, quay mặt ra hướng cửa. Bóng mát tàng trứng cá rụng xuống hiên nhà, chập chờn đốm nắng, tuồng như run rẩy. Cô an tâm khi nghe tiếng động cơ và giọng người rao hàng ngoài ngõ vọng vào. Lại khua vẳng tiếng chim lẻ bạn đây đó trong vòm lá.
“Một tiếng chim hót lên đầu cành thông gần mái nhà. Trâm nhìn ra. Vòm trời xanh mênh mông in hình nét đồi cong thoai thoải, sáng rực nắng chiều. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau ngọn đồi thấp nhất. Hình ảnh của những buổi chiều yên tĩnh, cuộc đời cô quạnh, buồn lãng mạn và nên thơ thoáng qua trong trí Trâm. Nàng chợt vừa sợ vừa thích nỗi cô đơn hiện tại…
Trâm đứng lên mở rộng cánh cửa kính. Mùi thơm quen thuộc của cỏ khô và đất mới xới, lẫn với mùi dâu chín dưới thung lũng thoảng theo gió bay lên làm Trâm tự nhiên ấm áp trong lòng, tưởng như đang đời đời yên ổn sống trên đất quê hương…
Trâm rót trà ra chén cho Lưu rồi ngồi chống tay vào cắm nhìn ra khung cửa. Bóng chiều xuống vội. Sương mù che kín thung lũng bên kia. Dãy đồi chỉ còn là một nét mờ sắp lẫn vào bầu trời trắng đục… Thấy Trâm viết lách, mê văn chương, sống khác thường, vạch lối riêng để một mình tiến tới, Lưu khuyên, đàn bà muốn được hạnh phúc thật phải là đàn bà. Lẽ tất nhiên mỗi người quan niệm về hạnh phúc một cách. Nhưng cách duy nhất vẫn là có một gia đình đầm ấm, chồng con đàng hoàng và giữ những mối thân yêu đó mãi mãi. Cũng có người tìm thấy hạnh phúc ở những chuyện phi thường, muốn thoát ra lề lối cố định, nhưng những người đàn bà đó không hẳn là đàn bà nữa. Mà họ có sung sướng đâu. Đau khổ, có lẽ tại họ thích hưởng thú đau thương như vậy hơn là hạnh phúc bình thường. Với người khác, có lẽ tán dương và khuyến khích khi thấy chị viết lách. Tôi thì không, tôi mong chị chán bỏ con đường đó. Muốn viết thành thật phải sống lăn lóc, phải có kinh nghiệm đã. Nhưng đàn bà như vâỵ thì còn gì. Vả lại, có làm cho hết sức cũng chẳng đi đến đâu, chỉ là hạt bụi, không một tiếng vang nào cả. Chị xem, trong văn học Pháp, Georges Sand có nổi tiếng cũng chỉ vì phụ nữ hiếm trong làng văn, chứ thật ra sự nghiệp của bà ta có đáng gì so với những tác phẩm vĩ đại của các văn hào nam giới. Như thế mà rồi cũng một đời thật sa đoạ, tan nát… Rồi bây giờ lại Sagan…”. [2]
“Mời chị uống trà đá”, cô cháu gái bước ra, đặt ly nước lên bàn. “Ông cậu em đang rửa mặt, thay quần áo, ra ngay bây giờ”.
Chợt nhận ra thần sắc khác thường trên khuôn mặt khách, cô bật tiếng thảng thốt:
“Chị, chị, có sao không?”.
“Có lẽ trúng nắng”, Mai Vy gượng cười. “Uống chút nước sẽ hết. Nơi đây vắng vẻ quá!”, Mai Vy bâng quơ.
“Dạ, trước đó không đến nỗi”.
“Trước đó là khi nào?”.
“Lâu chưa em?”.
“Hơn hai năm rồi chị à! Lúc bà mợ còn sống, nhà không trống trải như vậy. Hầu như bữa nào cũng có khách tới thăm. Nghe đâu, trước kia bà mợ có viết sách, nên quen biết nhiều người trong giới nhà văn nhà báo”, cô gái kể lể.
“Bút danh của mợ em là gì?”, Mai Vy đâm tò mò.
“Em cũng không rõ. Chị hỏi lại ông cậu. Còn tên thật của bà là Nguyễn Thị Hằng”. Nói xong, cô gái thấp giọng, như sợ ai nghe thấy: “Sau khi bà mất, nhà vắng khách. Ông cậu em đâm ra lầm lì, ít khi rời nhà, không còn thiết tha chuyện người chuyện đời. Mỗi khi chiều xuống, nơi này buồn lắm, nhất là vào những tháng mưa, trời tối sớm. Đôi khi em sợ, một mình không dám vô phòng khách. Chị biết không, có lúc giữa khuya, nằm ngủ phòng trong, em nghe tiếng đồ vật khua chạm, như thể có ai đang dọn dẹp đồ đạc trong phòng khách. Kiểu này, chắc em không dám ở đây lâu”.
Kể xong, cô gái quét mắt lên trang thờ. Chỉ một thoáng, rồi bỏ đi, không nói thêm lời nào.
***
Người đàn ông độ ngoài bảy mươi, vóc người nhỏ thó, đầu tóc thưa sợi, nhiều sợi trắng. Gọng kính đồi mồi gắn trên hai lõm mắt mệt mỏi. Khuôn mặt ốm, trán gấp nhiều nếp nhăn, lốm đốm hoa mồi. Có điều lạ, giọng nói ông nghe còn tươi trẻ, bất cập với vẻ mặt.
Câu chuyện của độc giả Hoàng Mai Thanh bắt đầu như những lời tự thú:
“Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu, tại sao chúng tôi có thể kết thân với nhau chừng ấy năm dài. Bạn tôi, nhân vật nam chính trong tiểu thuyết, hoàn toàn khác tôi, ngoại hình lẫn cá tính. Anh ta cao lớn, có gương mặt dễ nhìn, và nói chuyện rất có duyên, gợi cảm, một kiểu jeune beau của điện ảnh Pháp vào thập niên sáu mươi. Có điều, anh ta sa đà rong chơi nhiều hơn ham học”, ông cười khẽ.
“Ông còn giữ tấm ảnh nào của ông ấy không?”.
“Không”.
Ngưng tiếng một đỗi, ông ngập ngừng:
“Đúng hơn, có… Cho tới hai năm trước”.
“Tôi chưa hiểu ý ông”, Mai Vy chau mày.
“Những tấm ảnh ấy đã được tôi hoả táng cùng vợ tôi, theo như ý nguyện của bà”, người đàn ông thấp giọng.
“Xin ông vui lòng tiết lộ cho những độc giả sinh sau đẻ muộn vài chi tiết sống thực giữa bạn ông và bà nhà, được không ạ?”, người nữ ký giả nhỏ nhẹ.
Người đàn ông ngẩng mặt ra hướng ngoài, hai vòm mắt nhiu nhíu, xa vời. Những sâu lắng thời xuân trẻ khuấy động tâm thức. Một gương mặt. Một giọng nói. Một hơi ấm. Và chất ngất cảm xúc không tên gọi.
“…Trâm quay lại nhìn Minh. Trong làn ánh sáng lờ mờ của gian phòng chưa lên đèn, thân hình nhỏ bé, cái đầu cúi nghiêng của người con trai in lên nền tường màu hồng nhạt những nét vẽ linh động nhịp nhàng. Bỗng nhiên, Trâm khám phá ra, qua hình dáng đó, một cuộc sống vừa bắt đầu ngút cháy, cuồng sôi, huyên náo mà lầm lì, thơ dại mà phức tạp, cuộc sống của thanh niên thời đại. Mấy hôm trước, Minh dưới mắt Trâm hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn cách biệt. Như điệu nhạc từ bản đàn chưa một lần nghe thấy. Minh thuộc phe nào trong cái đám con trai nôn nao xô bồ sống, yêu, đam mê, chán bỏ. Tâm trí nàng dạo một vòng về vỉa hè Sài Gòn. Tiếng nhạc bập bùng vẳng ra từ những tiệm cà-phê, đuổi theo nhau quấn quít những bước chân đi không giờ tìm thấy đích. Trong vùng ánh sáng nhờ nhờ của đèn xanh đèn đỏ về khuya, từng khuôn mặt non choẹt, ngu ngơ, từng cánh tay duỗi dài trên quầy hàng, từng ngón tay bám chặt lấy ly 33 ướt lạnh. Những bàn chân gõ nhịp xuống nền gạch. Những cái nguẩy đầu. Những cái búng tay. Những cái lắc mình đu đưa theo tiếng nhạc. Vô số những hình ảnh đó chập chờn chao lượn như những bóng ma hiện lên từ một vực tối hun hút sâu. Ngày này qua ngày khác. Đêm này qua đêm khác. Lũ con trai ngồi đó, im lìm chờ đợi. Im lìm nhìn nhau. Không biết để làm gì. Để đi đến đâu. Khoảng trống không giữa cuộc đời và tâm hồn mở rộng theo dòng năm tháng. Sách vở là những khối đá nặng nề. Lớp học là nhà giam. Lời giảng bài là một thứ kinh cầu cổ lổ. Nét mặt thầy giáo đăm chiêu vô nghĩa. Những mùa thi rộn ràng mà chán ngán. Đậu hay hỏng cũng thế, đều buồn nản, vô vị như nhau. Không có gì thay đổi giữa những khoảng cách thời gian, đánh dấu bằng bãi trường, khai giảng. Phần nhất, phần nhì rồi đại học. Những phân khoa. Xong rồi cũng ở lại đó, lì ra đó, như con ngựa sau những vòng đua cũng phải trở vể chuồng. Những phương trời nắng gió thật xa vời, chỉ mở ra trong tâm tưởng không bao giờ nguôi khát vọng. Những chuyến đi xa thành hư ảo. Cảm giác tù đày nặng nề bưng bít thêm. Người trẻ tuổi lớn lên. Già cỗi. Chán chường. Nên cảm thấy luôn luôn thừa một cái gì. Luôn luôn thiếu một cái gì, để hoài hoài ray rứt, băn khoăn. Những dấu hỏi muôn đời không giải đáp. Họ ra ngồi đó, nhìn hình ảnh mình trong vẻ rã rời của kẻ khác. Và những bước chân đi qua. Những bước chân trở lại. Thật xôn xao mà hờ hững vô cùng. Họ rủ nhau vào đêm. Uống thật nhiều. Hút liên tiếp. Mà không bao giờ say. Như gặp rất nhiều, được rất nhiều mà chẳng bao giờ yêu, yêu thành thật để thấy đời có nghĩa lý, có mục đích mà tiến tới”. [3]
“Tuổi trẻ chúng tôi thuở ấy là vậy đó, chán chường, bi quan một cách vô tư”, ông Hoàng Mai Thanh cất giọng.
“Những năm đầu thập niên sáu mươi, chiến tranh chỉ mới nhen nhúm. Tư tưởng chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng phim ảnh, âm nhạc, văn chương và triết lý hiện sinh tây phương, những trào lưu thời đại rập theo khuôn mẫu yêu cuồng sống vội thuở bấy giờ. Với Jean-Paul Satre và La Nausée. Với Françoise Sagan và Bonjour Tristesse. Với Phạm Công Thiện và Hố Thẳm Tư Tưởng. Với Edith Piaf và Non, Je Ne Regrette Rien. Với Paul Anka và Crazy Love. Với Evis Presley và It’s Now or Never. Với Brigitte Bardot và Vie Privée. Với James Dean và Rebel Without a Cause. Với đêm Sài Gòn chưa hối hả trước giờ giới nghiêm. Đà Lạt vẫn còn là xứ của thông ngàn cho những đôi tình nhân. Theo chuyện kể của bạn tôi, cho tôi gọi anh là Minh như tên nhân vật trong tiểu thuyết, chỗ trọ là một toà nhà một tầng của Tây để lại, nằm trên sườn đồi thoai thoải trông xuống hồ Xuân Hương. Nơi đó, mốc điểm một cuộc tình cấm kỵ, nhưng vô cùng đằm thắm và buồn bã, giữa Minh và cô giáo Trâm…”.
“… Không, không hẳn thế!”, như sực nhớ ra, người đàn ông thốt lên. “Chuyện giữa Minh và cô giáo Trâm bắt đầu từ buổi hai người đi chơi rừng với Tuân, thằng bé ở chung nhà trọ. Tuân kể, trong cánh rừng này nó và đám bạn đã có lần khám phá ra một đường hầm trổ ra sườn đồi hoang dã, vô cùng nên thơ.
“Đi!”, giọng Trâm nô nức khác thường, như thể có ai thúc đẩy.
Thật vậy, quang cảnh nơi đấy đẹp không ngờ. Ngọn đồi thấp trông xuống thung lũng, lác đác chục mái nhà sàn và nương trà ngát ngát xanh rì. Nắng xế sẫm vàng loang loáng núi đồi. Tuân liến thoắng đề nghị xuống thăm bản Thượng một lần cho biết. Trâm và Minh đồng ý ngay. Tưởng chỉ nán lại đôi ba tiếng, nào ngờ bản tính hiếu khách của dân miền núi cầm chân họ cho tới khi nắng tắt. Trâm muốn về, nhưng Minh tỏ vẻ muốn ở lại theo lời mời của ông Tây chủ đồn điền trà có vợ Thượng, còn Tuân mãi rong chơi với lũ trẻ con ngoài suối, chưa thấy quay lại.
“Madame và monsieur ở lại dùng cơm tối với vợ chồng chúng tôi”, ông Tây sành sõi tiếng Việt, cất giọng ân cần. “Bữa nay chúng nó bẫy được con heo rừng, vừa xẻ thịt xong, đang nướng ngoài kia. Vợ tôi sẽ làm sốt vang đỏ ăn kèm bắp nướng và légume Đà Lạt. Sáng mai tôi sẽ bảo chauffeur đưa quí khách về tận nhà”.
Trâm còn ngần ngừ thì ông đã tiếp lời:
“Bà đừng lo, chúng tôi có phòng ngủ riêng dành cho ông bà”.
Trâm đỏ mặt, muốn lên tiếng giải thích, nhưng không thốt ra lời.
Bữa ăn tối ngon miệng. Câu chuyện thú vị. Xong, chủ nhà mời khách ra hiên nhà uống thử loại trà thượng hạng của đồn điền và ăn bánh Madeleine. Mái hiên thanh cảnh lát kính bốn bề, sưu tập nhiều giống lan rừng, được ông Tây đồn điền gọi là khu vườn mùa đông. Đêm lũng thấp bảng lảng sương mù. Đốm trăng u tịch treo đỉnh trời. Hơi lạnh se se. Trâm thắt lại tấm khăn quàng cổ mua ban chiều của dân bản Thượng. Mùi vải mới, mùi thuốc nhuộm bốc gây gấy, chừng như dư hương của thiên nhiên còn sót lại.
Mẩu chuyện của ông Tây đồn điền là một chuyến du hành ngược về quá khứ, từ Paris sang Sài Gòn, cuối cùng dừng chân nơi đây.
“Nhà tôi, ma maison”, … ông bật cười ha hả, trỏ tay về phía vợ. Người đàn bà có nước da mật ong, diện mạo thanh tú như tượng, mỉm cười ngượng ngập, “Elle không muốn sang Pháp. Tôi nhớ nhà, nhớ Paris lắm chứ, nhưng so với hoàn cảnh của vợ tôi nếu phải lìa xa nơi này, chắc hẳn bi đát gấp mấy lần. Vả lại, tôi quen kiểu sống sauvage ở đây rồi, có lẽ không còn thích hợp với nhịp sống náo nhiệt ở thành phố nữa”.
“Cũng là tâm trạng tôi hiện giờ”, Trâm xen vào. “Mặc dù Sài Gòn cách đây chỉ vài trăm cây số, vậy mà đôi lúc, tưởng chừng như vạn dặm”.
“Nhất là khi người ta lỡ yêu…”, Minh góp tiếng lửng lơ.
“Êtes-vous amoureuse de quelqu’un, madame?”, ông Tây cười chúm chím.
Trâm nhoẻn cười lặng lẽ. Ánh nến soi không đủ sáng gương mặt người đàn bà vừa đánh mất thanh xuân.
“…Lờ mờ trong ký ức Trâm, những mảnh bóng hình vỡ vụn ngày xưa trôi về, như những cánh hoa tơi tả không phai tàn hương sắc, lạnh lùng theo sóng nước thời gian tấp xuống bờ lau lách đìu hiu. Ở đó nằm chết những con thuyền phiêu lưu rã mục. Ở đó chất chứa rác bẩn và rong rêu. Và ở đó người con gái thảng thốt thấy mình vật vờ trôi nổi tan rã chơi vơi. Tất cả những ảo giác, những mơ màng, những cảm xúc đó trôi về theo tiếng nhạc chiều nay. Khúc nhạc ôm choàng những âm thanh kỷ niệm, đã nghe một lần, đã nghe nhiều lần. Những chòm ánh sáng như sao sa tan vỡ xuống nền gạch hoa gắn kính. Arc-en-Ciel nửa đêm. Màu pipermint xanh biếc đáy biển cho đáy mắt làn môi chết đuối. Besamé Mucho, điệu nhạc calypso. Nhưng đêm đó Trâm âm thầm độc thoại, không, tôi không biết nhảy. Vì tôi ghét khiêu vũ. Biết thật thì khó từ chối người mời. Mà nhận lời thì bị người ta ôm trong tay, và ôm người ta trong tay. Không. Đâu phải dễ dàng. Ôm một người như vậy không phải là người yêu, Appache bay đi cùng khắp trong đêm. Từ Givral qua Brodard. Từ những hiệu kem đến những nhà hàng. Từ những gian phòng đầm ấm có stéréo hifi đài các, đến những hè phố về khuya u uất đèn đường… Nó nhắc lại tiếng hát não nùng trầm ấm của người ca sĩ da đen, you love a while and then love goes… Nó cháy lên những phương trời rực rỡ xa vời, thiên đường của tình yêu và tuổi trẻ”. [4]
Phòng ngủ cho khách được dành cho Minh và Tuân, Trâm ngỏ ý muốn ngủ trong khu vườn mùa đông, trên sàn gỗ. Người vợ can ngăn, về khuya trời sẽ lạnh lắm. Trâm xin thêm chăn, nói, nếu lạnh, tôi sẽ ôm chăn gối vào phòng khách.
Giữa khuya, trời trở gió. Trâm bật thức, lắng nghe gió rừng thổn thức qua khe cửa, và tiếng thú rừng gầm hú xa xa. Hay tất cả chỉ là những thanh âm sót lại của giấc mộng hoang dại? Qua rãnh mắt ngái ngủ, cô thấy vầng trăng dường như đổi sắc huyễn hoặc, như âm bản một ảo tưởng. Sương tan từ khi nào. Hương dạ lan ngan ngát nhà kính. Tia nhìn Trâm quen dần bóng đêm. Cô thấy mái trời trổ màu xanh thẫm không đáy, lác đác đây đó vài chấm sao lấp lánh những rạo rực không nguôi. Trâm đứng lên, quấn chăn ra ngồi bên cửa kính, trông ra chập chùng đồi nương, tưởng như vừa lạc bước sang đời sống khác. Với những thường nhật lặng lẽ, không vướng bận chuyện tình cảm rối rắm. Với những ngày, những đêm đi về. Một mình. Khắc khoải. Cảm xúc Trâm run khẽ từng cơn. Không phải vì lạnh, mà vì cô đơn. Trâm vòng tay ôm chéo chăn bông, siết lại.
Chợt, một tiếng động nhỏ vang lên sau lưng. Trâm quay lại. Bóng ai co ro trong tấm chăn, đứng bên ngưỡng cửa. Minh.
“Cô… cô…”, đứa con trai lắp bắp, “em không ngủ được… Phần lạ chỗ, phần thằng Tuân chòi đạp ghê quá!”.
“Nghe như có tiếng thú đêm ngoài kia”, Trâm thầm thì như độc thoại.
“Nếu cô sợ, em sẽ ở bên cô, chờ đến khi cô ngủ tiếp”, Minh đề nghị.
Người đàn bà không đáp. Thời gian khựng lại, mê thiếp trong giây khắc lặng lẽ. Cho tới khi cô cảm nhận một hơi ấm gần gũi và hương thịt da dịu ngọt nhen nhúm trong bóng tối. Những cám dỗ quỷ ám trong Trâm bén lửa, rực cháy. Bầy thiêu thân lao vào luồng sáng liêu trai những đam mê.
“Thân hình Trâm như đóng đinh xuống mặt nệm nóng ran. Thu hết cố gắng, Trâm gỡ tấm mền bỗng nặng như giáp sắt phủ trên ngực, nhoài một cánh tay ra ngoài duỗi thẳng trên sàn gỗ lạnh như một đầu hàng buông xuôi mệt mỏi. Một tiếng động nhẹ trên đầu Trâm lần nữa. Nàng muốn đứng lên, vùng chạy, đánh thức tất cả mọi người, mọi vật, cả mặt trời đã biến thành đồng loã im lìm trong giấc ngủ. Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như một đôi môi nóng bỏng nào chờm lên mái tóc mình xoã dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt lấy tay nàng, dìm xuống, cho khuôn mặt Minh phủ lên trên như một phiến san hô nồng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay nhẹ như tiếng trục đổi chiều của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoắt hiện lên ở ngã ba đời huyền hoặc… Trục bánh xe im tiếng, chợt dừng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ.
Và cuối cùng mười ngón buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào dâng lên ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể…”. [5]
“Minh về phòng đi!”, người đàn bà thầm thì.
Minh còn chần chờ thì Trâm đã rít khẽ:
“Đi ngay!”.
Khoảng đêm còn lại, Trâm chập chờn trong khoảnh khắc thực mộng tròng tréo nhau. Cho đến khi luồng sáng nhá nhem đầu ngày trườn lên chăn gối nhàu nát, rách rưới mộng mị. Những giấc mơ tan lẩn vào giây lát chuyện vãn giữa khuya, mơ hồ, trừu tượng như một hò hẹn bồ-tùng-linh. Với Minh.
Sáng ra, vào ngồi trong bàn điểm tâm, đứa con trai không tỏ vẻ gì khác lạ. Như thể khuya qua không chuyện gì xảy ra. Tất cả chỉ là ảo giác. Của Trâm.
“Khuya qua anh Minh bỏ đi đâu lâu thế?”, Tuân bật tiếng.
Mọi cặp mắt dồn về chỗ Minh ngồi. Lồng ngực Trâm bật lên vài nhịp lạc.
“Vậy à?”, đứa con trai ngẩn mặt giây lát. “Lâu không?”.
“Không biết. Em sợ quá, trùm chăn kín mít, rồi ngủ quên tới sáng”.
Minh mỉm cười lửng lơ, không nói.
Kể đến đấy, ông Hoàng Mai Thanh ngưng bặt, xoáy tia nhìn vài hai mắt cô ký giả, không chớp. Mai Vy ngượng ngập cầm ly nước, hớp một ngụm nhỏ. Phải tới nửa phút sau, người đàn ông mới chậm chạp tiếp lời:
“Kết thân với Minh lâu lắm, lần nọ, tình cờ tôi biết ra, anh ta vướng phải hội chứng mộng du. Kỳ nghỉ hè năm đó chúng tôi đi Vũng Tàu tắm biển một cuối tuần, cả bọn năm đứa. Chúng tôi mướn một chỗ trọ ven biển. Đêm ấy trăng sáng, sau khi ăn cơm xong, chúng tôi mua một chai rượu, cầm đàn ghi-ta ra bãi vừa nhâm nhi vừa ngắm trăng, vừa nghe sóng vỗ bờ và hát hò lăng nhăng. Minh có giọng hát rất gợi cảm, chuyên trị nhạc tiền chiến. Tôi thích nghe anh hát Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn. Rượu mềm môi, chất giọng anh càng quyến rũ, như được ướp thêm hương trăng và muối biển. Khuya ấy chúng tôi về nhà trọ muộn. Tôi và Minh ngủ chung giường. Tôi nhớ mình đã chếnh choáng hơi men, vừa đặt lưng xuống, ngủ ngay. Giữa khuya thức giấc, nhìn sang bên, không thấy ai. Đoán rằng Minh đi ngoài. Tụi bạn nằm giường bên ngủ say như chết. Chờ hoài, vẫn không thấy Minh trở lại, tôi đâm lo, rón rén tốc mùng đi tìm. Trăng biển khuya ấy đẹp não nùng, cô ký giả à! Nhưng tôi không có thì giờ để ngắm, vì mãi đi tìm Minh. Phải mất một đỗi lâu, mới thấy. Anh đang đứng trên một mỏm đá cao. Trần truồng. Đầu ngẩng nhìn trăng, hai cánh tay dang rộng, bất động như tượng. Tôi không dám cất tiếng gọi, sợ anh hoảng hốt, rơi xuống. Chờ hoài chờ mãi, mệt, tôi thiếp mất. Lúc tỉnh giấc, trăng bị mây che lúc nào không hay, không thấy Minh đứng đó nữa. Tôi hối hả quay lại nhà trọ, rón rén vào giường, thấy Minh nằm đó, say giấc như không có chuyện gì xảy ra. Sáng ra, hỏi anh có nhớ những gì khuya qua không. Anh lắc đầu ngơ ngác. Tôi chỉ cười, lảng sang chuyện khác”.
Người đàn ông ngưng lời, thở ra như trút gánh nặng.
“Tôi không dám chắc là tôi đã hiểu ý ông…”, cô ký giả ngập ngừng.
“Không, không, cô hiểu đúng rồi”, người đàn ông xua tay, xoáy mắt nhìn Mai Vy. “Tất cả những gì Minh kể cho tôi nghe chỉ là những chi tiết một cơn mộng du. Văn vẻ mà nói, toàn là hư cấu. Đời người giống như một giấc ngủ, không ai biết trước, mình sẽ nằm mơ thấy gì”.
Mai Vy nhoẻn cười, ngước nhìn bức di ảnh trên kệ thờ. Ánh mắt người quá vãng như chùng xuống, quay quắt những âm hồn chưa hoá kiếp.
“Nàng đi ngược lại Brodard, qua phía Tự Do tìm người mù bán thuốc. Cửa vũ trường bỗng mở ra nhẹ nhàng. Trâm nhìn lên. Minh. Trái đất quay một vòng trong chớp mắt im sửng. Dưới ánh đèn màu khuya, muộn hắt hiu, Trâm nhận ra mái tóc bồng bềnh, hai con mắt thờ ơ, đôi môi tràn đầy của mùa tình Đà-Lạt. Trong bóng dáng tình khuya đó, Trâm thoáng thấy hình ảnh xa lạ của chính mình chập choạng lung linh. Tia nhìn bỗng lạc mất nhau. Nàng đi qua, đi qua, đi qua không một bước chân dừng lại. Con đường bỗng lún xuống phía sau, Trâm nghe tiếng rơi vỡ của một tượng đen vào quá khứ…”. [6]
Mai Vy khép sách lại, khoá trái những trang chữ, nhốt giữ những nhân vật tiểu thuyết vào một góc chiêm bao. Cô biết, khuya nay cô sẽ ngon giấc. Cuộc sống, hay văn chương, chỉ là một thoáng du mộng ngắn ngủi.
Đức, 07.2017
[1] Vòng Tay Học Trò, tr. 9-10, Nguyễn Thị Hoàng, NXB Thái Phương, Sài Gòn, 1969.
[2] Nt., tr. 19-20 & 30-31.
[3] Nt., tr. 84-86.
[4] Nt., tr. 143-144.
[5] Nt., tr. 201-202.
[6] Nt., tr. 415.