Nhân dư luận ồn ào về trùng tu nhà 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, nhắc chuyện vụ "Vào đời" mở đầu việc Nxb. Văn học đóng trụ sở tại đây

Lại Nguyên Ân

[…] Sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần 2 (10-12/1/1963), nhà xuất bản Văn học (của Hội Nhà văn Việt Nam, thành lập từ 1958, trụ sở 38A Hai Bà Trưng, Hà Nội) được lệnh hợp nhất với nhà xuất bản Văn hóa (thuộc Viện văn học, thành lập 1958, trụ sở 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) thành Nhà xuất bản Văn học (trực thuộc Hội Nhà văn); nhà xuất bản Văn học mới này bắt đầu hoạt động từ 01.7.1963.

Có thể nói, viên sĩ quan tuyên huấn Hà Minh Tuân chuyển ngành về làm việc ở nhà xuất bản Văn học (cũ) ngay từ ngày đầu của Nhà xuất bản này (1958). Tất nhiên đây cũng là một cơ sở được lập mới lại sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn bị giải thể (1958), nhân sự của nó được lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đem ghép với nhân sự của Nxb. Văn nghệ (lập ở Việt Bắc từ 1948, thông báo ngừng hoạt động từ 10/5/1957 khi Hội Nhà văn Việt Nam lập Nxb. Hội Nhà văn, tháng 5/1957) mà thành.

Rất thoáng qua, ta bắt gặp cái bóng ông giám đốc ấy trong vài đoạn hồi ức này của Mai Ngữ, cây bút từng làm biên tập tại nhà xuất bản này, thời gian ấy:

“Có thể nói thời kỳ cực thịnh của nhà xuất bản Văn học gắn liền với thời kỳ cực thịnh của tình hình văn học sau Nhân Văn. Và bước sang năm 1963, thời kỳ ấy đã bắt đầu thay đổi, tình hình chính trị phức tạp cả trong nước và ngoài nước. Cái không khí êm ấm của nhà xuất bản được bộc lộ khi buổi chiều hết giờ làm việc, giám đốc Hà Minh Tuân còn nán ở lại để đọc duyệt nốt ít trang bản thảo, rồi sau đó ra mảnh sân thượng bên ngoài cùng vợ là chị Tuệ, kế toán, đánh bóng bàn. Hai vợ chồng thủ trưởng mãi sẩm tối tắm rửa xong mới về nhà…”

“… sang năm 1963, Nhà xuất bản Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Văn hóa thuộc Viện Văn học sáp nhập làm một, đeo cái tên mới: Nhà xuất bản Văn học, Hội nhà văn Việt Nam. […] Từ 38A Hai Bà Trưng, chúng tôi kéo về 49 Trần Hưng Đạo với khí thế như đi tiếp quản khu vực mới. Về đây vẫn Hà Minh Tuân làm giám đốc […]. Giám đốc Hà Minh Tuân có vẻ rất lạc quan, niềm lạc quan lây lan sang cả anh em. Nhưng cái không khí mới vừa được nhóm lên thì bị sự kiện “Vào đời” dập tắt. Mà đã thôi đâu, sau “Vào đời” còn “Đống rác cũ” rồi “Sương tan”. Lại nghe nói [các tập truyện dịch] “Núi đồi và thảo nguyên” cũng có vấn đề, thậm chí cả “Chuông nguyện hồn ai” nữa. Tất cả những “sự kiện” ấy tác động đến tinh thần của biên tập viên”…

(Mai Ngữ (1994): “Trách nhiệm, niềm vui, nỗi buồn”, trong sách: 50 năm nhà xuất bản Văn học, H., 1998, tr. 188-190).

Hiện chưa có dữ liệu chi tiết về thời gian (ngày tháng) sách “Vào đời” in xong, nộp lưu chiểu và được phát hành. Lại cũng cần thông tin: ngay trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội hiện tại (2015) đã không còn bản “Vào đời” in năm 1963, chỉ có bản in lại vào năm 1991, chưa biết bên trong văn bản có thay đổi những gì.

Tạm dự đoán, sách “Vào đời” được phát hành vào cuối quý I/1963 hoặc đầu quý II/1963.

Là vì bài điểm cuốn này xuất hiện sớm nhất trên báo chí ở Hà Nội, tức là ở toàn miền Bắc, vào ngày 13/6/1963, theo kết quả khảo sát mới đây. Còn những bài đăng sau cùng của đợt phê phán cuốn sách này, là trên một số tạp chí xuất bản ở Hà Nội trong tháng 8/1963.

Một đợt phê phán diễn ra suốt gần ba tháng, nhắm vào một tác phẩm hư cấu, với lý do: nó “bôi đen đời sống hiện thực miền Bắc”, nhất là đời sống công trường xí nghiệp, đời sống ở thủ đô Hà Nội!

Một trong những đặc điểm của cuộc phê bình “Vào đời” là có vẻ như công chúng độc giả lên tiếng trước tiên và thái độ của họ dường như có ý nghĩa quyết định; các giới nhà văn, nhà phê bình, cả hệ thống tuyên huấn nữa, dường như đều ở vào thế bị động, bị lôi cuốn theo, và rốt cuộc phải ra tay trừng phạt “đồng chí”, “đồng đội” mình, đẩy anh ta sang phía thù địch, theo sự kết luận của đám công chúng kia!

Thế nhưng, nếu xem xét kỹ hơn, người ta sẽ thấy phần đông những công chúng “tự phát” lên tiếng trên báo chí lại thường là những cán bộ làm công tác tư tưởng ở các cơ sở sản xuất, các địa phương, chứ rất ít khi là công chúng người đọc thông thường. Nổi bật lên là những cán bộ của Đoàn thanh niên, của giới công tác Công đoàn, giới công tác Mặt trận, … Không phải ngẫu nhiên, mấy tờ báo vào cuộc hăng hái nhất, đăng tải nhiều bài vở nhất, giọng điệu sát phạt nhất, là của các tờ “Lao động”, “Tiền phong”, “Cứu quốc”…

Trong số những giọng điệu của những độc giả “quần chúng” nói trên, người ta nhận ra rõ nhất giọng điệu “kiêu binh” của những người đọc tự xưng là quân nhân, hoặc còn tại ngũ hoặc đã chuyển ngành…

Nếu hỏi bao quát: dư luận của những người tự xưng là công chúng độc giả ấy liệu có anh minh, sáng suốt hay không? Xin khẳng định ngay: hoàn toàn không, mà là ngược hẳn lại.

Có thể coi cuộc phê phán cuốn sách “Vào đời” hồi 1963 trên báo chí miền Bắc như là kết quả không thể tránh khỏi của tình trạng hầu hết mọi công dân ở đây đều đã được trang bị giác quan của những viên chức tư tưởng hoặc những nhân viên an ninh, với những chuẩn nhận diện đúng/sai, hay/dở, xấu/tốt hoàn toàn phù hợp với những gì đã được bộ máy tuyên truyền của chế độ mới tạo dựng ra, nhồi nhét cho. Đó là chưa kể đến tâm lý gia trưởng, định kiến kiểu nho giáo lạc hậu thâm căn cố đế trên hàng loạt vấn đề xã hội, nhất là tâm lý kỳ thị nữ giới.

Chỉ tạm nêu một tình tiết nhân vật cô Sen bị hãm hiếp ở đầu truyện. Xã hội Việt Nam, xã hội miền Bắc, tính đến cuối thế kỷ XX, vẫn ghi nhận còn tình trạng hãm hiếp, lạm dụng tình dục phụ nữ ở mức khá nghiêm trọng; điều này có thể thấy rõ trong những điều tra nghiên cứu xã hội học. Thế nhưng, cách nay nửa thế kỷ, việc có tình tiết loại ấy trong thiên truyện hư cấu “Vào đời” hồi năm 1963 lại bị hầu như tất cả mọi người, từ người xưng là công chúng độc giả bình thường, đến các nhà văn có tên tuổi, nhất nhất cho rằng đó là điều bịa đặt, là để nói xấu xã hội miền Bắc, chứ không hề có thật!

Phải nói, sự kiện này cho thấy một nét tâm lý đạo đức giả đã trở nên nhất quán ở cửa miệng mọi người!

Lại nữa, nếu tác giả “Vào đời” cho thấy cô Sen, từng là nạn nhân những bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, vẫn có thể trưởng thành, có thành tựu trong lao động kỹ thuật, v.v., thì dường như sự việc cô từng là nạn nhân vụ cưỡng hiếp kia lại chính là lý do ngầm ẩn để hầu hết mọi công chúng kể trên từ chối thừa nhận bước trưởng thành của cô, cho đó chỉ là sự miêu tả giả tạo của tác giả “Vào đời”!

Họ coi sự kiện từng bị cưỡng hiếp kia như vết nhơ mà suốt cuộc đời mọi cô gái sẽ không thể nào xóa nổi! Ở đây, một thứ vô thức tập thể về chữ trinh như một chuẩn giá trị tiên thiên ở người nữ, vẫn chi phối nặng nề tâm lý những công chúng tự nhận mình là “con người mới xã hội chủ nghĩa” hồi những năm 1960 ở miền Bắc!

Hoặc nữa, việc tác giả “Vào đời” mô tả những hoạt động chống đối của nhân vật Hiếu như là sự bất mãn của nhân vật này vì bố anh ta bị chết do sai lầm của cải cách ruộng đất; sự lý giải này của tác giả Hà Minh Tuân hiển nhiên có căn cứ từ sự kiện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công khai thừa nhận sai lầm của cải cách ruộng đất và tiến hành sửa sai từ tháng 10/1956.

Vậy mà hầu như mọi ý kiến phê bình cuốn truyện “Vào đời” đều nhất quán lên án tác giả Hà Minh Tuân về nội dung này, xem đó như biểu hiện chống đối Đảng và nhà nước!

Rõ ràng có thể đọc ra đằng sau sự việc này những đe nẹt từ những cấp cao đối với tất cả những ai định nhắc tới sai lầm của cải cách ruộng đất, muốn biến điều này thành một răn cấm (tabou) trong mọi diễn ngôn.

Tất nhiên trong các loại phản xạ của những công chúng này thời ấy cũng tồn tại những cái mà người ta gọi là “hạn chế của thời đại”, ý nói thời chiến tranh lạnh (1945-1990) chia đôi nhân loại, chia đôi đất nước, chia đôi dân tộc, hai nửa “phe ta, phe địch” đều trái ngược nhau về lợi ích, về hệ giá trị, v.v.

Song vẫn nên thấy rằng, đằng sau vẻ quyết liệt đến cuồng tín của những công chúng lên tiếng thời ấy phê phán cuốn truyện “Vào đời”, ta sẽ dần dần cảm nhận ra tầm rộng lớn của tấn bi kịch đang chụp dần dần xuống các sinh hoạt dân chúng, khi ý thức dân sự vốn chứa đựng nhiều khác biệt, miễn nhiễm lẫn nhau một cách đa dạng và tự nhiên, dần dần đã bị thao túng và đánh tráo bằng các chuẩn mực của ý thức chính thống.

Trong điều kiện ấy, đời sống văn nghệ ở miền Bắc gần như đã không còn một công chúng đúng nghĩa, một dư luận văn nghệ đúng nghĩa, bởi dư luận xã hội đang biến dạng, cơn mê sảng cộng đồng đang đi dần vào những tầng nấc sâu.

[…]

clip_image002

Comments are closed.