Thuật ngữ chính trị (54)

Phạm Nguyên Trường

167. Ethnic cleansing – Thanh lọc sắc tộc. Thanh lọc sắc tộc là thuật ngữ được các phương tiện truyền thông quốc tế, các chính trị gia và các nhà ngoại giao sử dụng để mô tả những vụ giết người hàng loạt, buộc phải di cư, hiếp dâm tập thể… diễn ra trong cuộc nội chiến ở Bosnia-Hercegovina thuộc cộng hòa Nam Tư cũ và sau đó là ở những nơi khác. Một cách tổng quát, thanh lọc sắc tộc là những biện pháp để loại bỏ một cách có hệ thống các sắc tộc hay tôn giáo trong một vùng lãnh thổ nhất định, do sắc tộc quyền lực hơn thực hiện, nhằm mục đích làm cho lãnh thổ đó “thuần chủng” hay đồng nhất về sắc tộc và/hoặc tôn giáo. Vũ lực hay hăm dọa nhằm xua đuổi, trục xuất, chuyên chở sang khu vực khác, cũng như giết người hàng loạt và cưỡng hiếp, diệt chủng là những biện pháp thường được sử dụng.

Thanh lọc sắc tộc thường đi kèm với nỗ lực loại bỏ sự hiện diện về vật chất và văn hóa của các nhóm đối tượng trên vùng lãnh thổ cần thanh lọc, bằng các biện pháp như phá hủy nhà cửa, các trung tâm xã hội, các cơ sở hạ tầng và trang trại, và xâm phạm các di tích, nghĩa trang, và những nơi thờ phụng.

Thanh lọc sắc tộc không nhất thiết đồng nghĩa diệt chủng, tuy nhiên, diệt chủng có thể là một trong những phương tiện để thanh lọc sắc tộc. Tiêu chuẩn để quyết định là ý định. Trong khi diệt chủng được hiểu là cố ý muốn giết một phần hay toàn bộ một sắc tộc, tôn giáo, mục đích của thanh lọc sắc tộc có thể chỉ là muốn di chuyển một nhóm người nào đó ra khỏi một vùng lãnh thổ nhất định.

168. Ethnicity – Sắc tộc. Sắc tộc hàm ý sự kết hợp, đôi khi, khá phức tạp giữa màu da (race), văn hóa và những đặc điểm mang tính lịch sử được dùng làm tiêu chí để phân chia các nhóm người thành những cộng đồng chính trị riêng biệt, và có thể là những cộng đồng thù địch với nhau. Ví dụ đơn giản nhất là các nhóm sắc tộc (race), trong đó màu da là đặc điểm phân biệt. Ở mức độ tinh tế hơn, người ta có thể nói tới “nền chính trị mang tính sắc tộc”, ví dụ, những người theo chủ nghĩa dân tộc xứ Wales hay Scotland cảm thấy, về mặt sắc tộc, mình khác với những người cai trị gốc “Anh”. Người ta có thể sử dụng gần như bất cứ thứ gì để tạo ra sự phân chia mang tính “sắc tộc”, tuy nhiên, cho đến nay, sau màu da, thì ngôn ngữ và tôn giáo là những tiêu chí thường được sử dụng nhất.

Sắc tộc làm nổi lên câu hỏi mang tính chính trị – xã hội về bản sắc dân tộc (nation), đó là lý do vì sao, trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba và những nước mà đường biên giới là do các nước đế quốc châu Âu vẽ ra, chứ không phải là do sự thuần nhất về chủng tộc, nền chính trị mang tính sắc tộc thường có vai trò cực kì quan trọng và nguy hiểm. Đầu những năm 1990, chính những vấn đề sắc tộc đã dẫn đến cuộc xung đột làm cho Nam Tư và Liên Xô cũ, vốn là cường quốc cộng sản sụp đổ. Cần phân biệt giữa nền chính trị sắc tộc trong những xã hội dân chủ tiên tiến, nơi bản sắc dân tộc đã được củng cố và vai trò quan trọng của các vấn đề chính trị cơ bản khác trong việc tổ chức nền kinh tế hiệu quả cao và ở các nước thuộc Thế giới thứ ba và hậu cộng sản, mà sự chia rẽ sắc tộc có thể là vấn đề quan trọng nhất trong việc tổ chức hệ thống chính trị. Tuy nhiên, sự tái xuất hiện những vụ xung đột sắc tộc giữa các cộng đồng người châu Á chưa hoàn toàn hội nhập ở nước Anh, hoặc các cộng đồng người Bắc Phi ở nước Pháp cho thấy nền chính trị sắc tộc có thể tồn tại trong một thời gian dài, ngay cả trong các chế độ dân chủ tự do phát triển nhất về kinh tế. Nhưng, chính những mối liên kết ngày càng gia giữa các nhóm người nhập cư có cùng bản sắc trong những nước, ví dụ Anh quốc, với các phong trào chính trị cấp tiến trên quốc tế xung quanh chủ nghĩa chính thống Hồi giáo làm cho nền chính trị sắc tộc trở thành vấn đề cực kì cấp bách.

169. Ethnocentrism – Chủ nghĩa vị chủng. Chủ nghĩa vị chủng (hay còn gọi là chủ nghĩa duy chủng tộc, chủ nghĩa duy dân tộc) trong khoa học xã hội và nhân loại học – cũng như trong diễn ngôn tiếng Anh thường ngày – có nghĩa là dùng nền văn hóa của chính mình làm hệ quy chiếu để đánh giá các nền văn hóa, thói quen, hành vi, tín ngưỡng và những người khác, chứ không sử dụng những tiêu chuẩn của chính nền văn hóa mà mình đang gặp hay đang nói tới. Khuynh hướng vị chủng là do một cá nhân gắn bó mật thiết với các yếu tố văn hóa của mình. Tuy nhiên, điều này tạo ra đánh giá bất công hoặc sai lệch nền văn hóa khác bởi lẽ những hiện tượng được đánh giá có ý nghĩa khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Chủ nghĩa vị chủng cũng có hai chiều, nếu một cá nhân đánh giá một nền văn hóa, một mẫu văn hóa khác theo cách tiêu cực thì ngược lại, cá nhân đó cũng có thể bị đánh giá như thế. Các nhà xã hội học, nhân chủng học thường phản đối thuyết vị chủng, vì đó là cách phản ứng tiêu cực và bất công, sai lệch đối với những nền văn hóa, mẫu văn hóa khác nhau.

Thuyết vị chủng đôi khi bị gán với phân biệt chủng tộc, rập khuôn, kì thị hoặc bài ngoại. Đối lập với thuyết vị chủng là thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism) – hiểu nền văn hóa khác theo những quy chuẩn của chính nó, mà không có những đánh giá chủ quan.

Thuật ngữ “chủ nghĩa vị chủng” lần đầu tiên được nhà xã hội học người Mĩ, William G. Sumner, đưa vào khoa học xã hội. Trong tác phẩm Folkways, xuất bản năm 1906, Sumner định nghĩa thuyết vị chủng là “thuật ngữ mang tính kĩ thuật để nói về quan điểm về những sự vật, hiện tượng, trong đó một nhóm người tự coi mình là trung tâm, và dùng nó để cân nhắc và đánh giá tất cả những người khác”. Ông còn nói rằng chủ nghĩa vị chủng thường dẫn đến thái độ kiêu căng, tự cao tự đại, tin vào ưu thế của nhóm mình và khinh thường những người nằm bên ngoài nhóm của mình.

Trong tác phẩm Nhân cách toàn trị (The Authoritarian Personality), Adorno và các đồng nghiệp của ông thuộc Trường phái Frankfurt trình bày định nghĩa rộng hơn về thuật ngữ này: Đây là kết quả của “sự phân biệt giữa các nhóm trong-ngoài”, với tuyên bố nói rằng thuyết vị chủng là “sự kết hợp thái độ tích cực đối với nhóm mang tính sắc tộc/văn hóa của chính mình (trong nhóm) với thái độ tiêu cực đối với nhóm sắc tộc/văn hóa khác mình (ngoài nhóm)”.

Comments are closed.