Hồi ức của Nguyễn Minh Kính
Văn Việt xin chuyển đến bạn đọc bài viết ngắn đầu tiên của một cộng tác viên. Câu chuyện chân phương, không hề văn vẻ, đúng như chuyện kể quanh bếp lửa của những người nông dân đầu trần chân đất… Không có sự phê phán, châm biếm, chê trách nào ở đây. Chỉ hiển hiện gương mặt xác xơ của người dân thường cả cuộc đời chỉ biết chịu đựng, đóng góp, từ mồ hôi cho tới máu xương…
Nó khiến cho người đọc phải trào nước mắt, khi liên hệ với thông tin một người dân Chương Mỹ, Hà Nội đã tẩm xăng tự thiêu tại trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương, vào trưa 2/7/2018…
Văn Việt
Quê tôi, chị gái, em gái của cha không được gọi bằng cô, mà gọi bằng o. O Khương là người o họ xa của tôi. Tôi không biết gốc gác họ với o như thể nào, nhưng tình cảm họ hàng, làng quê thân nhau nên vẫn gọi là o. O Khương.
O Khương có hai đời chồng. Đời chồng trước tham gia phong trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh bị Pháp bắt đưa vào giam ở Tourance. Dân quê tôi thường truyền miệng, gọi vùng đó là Tua-răng (Đà-Nẵng ngày nay). Người chồng này không trở về, không có tin tức gì nữa cả. Có lẽ chồng của o đã chết trong tù. O nuôi ba người con, một gái và hai trai.
Gặp cảnh gieo neo, o phải đi thêm bước nữa. Đời chồng thứ hai được một con trai rồi chồng cũng mất. Người con gái đầu lấy chồng. Người con trai kế là anh Thiện được nhà nước coi là con em gia đình có công với cách mạng. Anh Thiện to, khỏe, chỉ biết đọc biết viết do được đi học lớp Bình-Dân-Học-Vụ. Anh được nhà nước cho ra Hà-Nội làm việc gì đó, tôi không biết rõ, nhưng ít ra cũng là cán bộ sơ cấp. Người con trai kế nữa có lẽ tên Tửu, mà dân quê tôi phát âm thành Tỉu. Anh Tỉu. Anh Tỉu đi bộ đội, nghe nói hy sinh ở chiến trường bên Lào. O Khương nuôi đứa con trai út với người chồng thứ hai. Rồi đứa con trai út này cũng lại đi bộ đội.
Chồng tham gia phong trào Xô-Viêt-Nghệ-Tĩnh, thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa, một con trai làm cán bộ ở Hà-Nội, một con trai là liệt sĩ, một con trai út đi bộ đội, chỉ con gái đầu lấy chồng nhưng cũng thuộc thành phần cơ-bản, o Khương là mẫu người điển hình, một tấm gương sáng trong dân chúng của thời đại mới.
Mẫu người điển hình, tấm gương sáng, o sống một mình trong căn nhà tranh nhỏ, đơn sơ ở xóm Cồn-Lách. O bình dị, hiền lành, thương yêu mọi người và mọi người dân trong làng, trong xóm cũng thương o Khương.
Trong thời kháng chiến chống Mỹ-Ngụy, O Khương thuộc gia đình chính sách, được ưu tiên mua hàng hóa. Quê tôi là miền núi. Cửa hàng thương nghiệp được cấp trên phân phối một số mắm tôm mà không đủ bán cho mỗi hộ gia đình. O Khương là người được ưu tiên. O Khương được cửa hàng thương nghiệp bán cho ba trăm gờ-ram mắm tôm. O Khương mừng lắm, phấn khởi lắm. O cầm cái rổ nhỏ đan bằng tre, một cái bát (cái tô), vội vàng ngắt mảnh lá chuối để đậy rồi lật đật đến cửa hàng.
Ba trăm gờ-ram mắm tôm lọt thỏm trong cái bát, đậy mảnh lá chuối, rồi bỏ vào rổ, o vừa đi vừa cười tủm tỉm nói một mình: “Gia đình chính sách được ưu tiên đây”.
Từ cửa hàng về nhà khoảng năm trăm mét. Trời nắng, o đi bộ, đổ mồ hôi. Một đàn ruồi nhặng đánh hơi mắm tôm bay theo o từ cửa hàng thương nghiệp về đến tận nhà. O đặt rổ đựng bát mắm tôm xuống tấm phản, cầm quạt mo quạt cho bớt mồ hôi. Một tay quạt, một tay huơ huơ xua đàn ruồi nhặng đang cố bay đến cái rổ, miệng o mắng đàn ruồi nhặng mà như mắng yêu, mắng thương: “Cha tổ bay! Nhà nước ưu tiên cho gia đình chính sách có ba trăm gơ-ram mắm tôm mà bay cũng đòi chia phần. Cha tổ bay!”.
O Khương là người thơm thảo, tốt bụng. Nhà nước ưu tiên, ưu đãi, mua được có ba trăm gờ-ram mắm tôm mà o cũng chia cho mấy người hàng xóm chung quanh, mỗi người một tý.
O Khương đã qua đời lâu lắm rồi. Tôi về quê, nghe dân làng kể chuyện này; xin ghi lại như một nén hương muộn màng, thành tâm thắp cho người o của tôi.
Ngày 06-01-2017.