Phùng Cung – Người xem đêm

Thái Kế Toại

Ngay từ buổi gặp đầu tiên Phùng Cung đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên. Khi bàn thực hiện các biện pháp giải tỏa cho vụ Nhân văn Giai phẩm thì một trong những biện pháp có tính cấp bách nhất là cứu về đời sống cho các ông. Người đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là Phùng Cung, thực hiện làm lương hưu ngay lập tức cho ông vì ông đi tù 13 năm về, không có chế độ gì và gia đình rất túng quẫn. Khi mời ông lên 15 Trần Bình Trọng, Phòng thường trực của Bộ Công an, tôi gặp ông trước. Sau khi hỏi han tình hình gia đình, sức khỏe của ông, Phùng Cung cho biết ông có đọc tôi và muốn nghe thơ của tôi. Tôi đọc cho ông bài thơ mới viết xong, Sau cuộc hỏi cung. Bài thơ này là tâm trạng tiêu biểu nhất của một người trinh sát khi băn khoăn về tính hai mặt của cái nghề này. Nhưng điều đáng kể nhất lúc này là tôi đã bị ảnh hưởng nhiều của văn học cải tổ Liên Xô, đang nói nhiều về lương tâm, về sự hổ thẹn với trách nhiệm của những người có trách nhiệm với đời sống nhân dân, với con người. Tôi đọc:

Từ ngữ của tôi như chiếc búa nhỏ kiên nhẫn

Gõ vào cánh cửa của căn buồng đen tối

Nụ cười của tôi

Như giọt nước

Cố làm nguội bớt cặp mắt đầy dục vọng ma quái thù địch

Thời gian và kiên nhẫn

Sẽ cho tôi dọi vào căn buồng đen tối trộn lẫn sự thật và dối trá

Với lương tâm tôi có quyền tin

Với nghề nghiệp tôi có quyền nghi ngờ

Đấy là phép thử khó khăn hơn bất cứ nghề nào

Bao giờ cũng vậy

Tôi mệt mỏi rời khỏi căn buồng đơn giản và thô kệch

Với ý nghĩ

Tìm kiếm sự thật trong con người sao mà vất vả!

Tôi nhìn gương mặt ông héo xám cứ sáng dần lên và nở một nụ cười. Nhưng trên hai cánh tay để trần của ông nổi lên những chấm da gà. Ông đang xúc động.

Cho tới hôm nay mỗi khi nhớ đến Phùng Cung tôi chưa bao giờ quên được hai cánh tay nổi da gà của ông.

Sau này, khi nhắc đến Phùng Cung, nhiều người thường hỏi có phải ông bị tù vì truyện Con ngựa già của chúa Trịnh phải không. Đúng là sau năm nhân vật bị xử án, ông là người duy nhất không bị xử án mà đi tù khá lâu trong Nhân văn Giai phẩm. Nhưng rất ít người biết lý do đi tù của ông vì ông không bị xử công khai và không một phương tiện tuyên truyền nào nói đến.

Tiểu sử Phùng Cung

Phùng Cung sinh ngày 18/7/1928 tại làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Yên. Mất ngày 9/5/1998 tại Hà Nội. Quê tổ xã Cam Lâm, quận Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Vĩnh Yên, quê sinh và Hà Tây, quê tổ của Phùng Cung đều thuộc tỉnh Sơn Tây. Họ Phùng ở Cam Lâm dòng dõi Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương.

Con trưởng một gia đình giàu có, đông con, được gửi đi trọ học ở Sơn Tây, đỗ bằng Trung học – Brevet. Tháng 4/45, Nhật đảo chính Pháp, Phùng Cung trở lại quê nhà.

Tháng 9/45, Phùng Cung, 17 tuổi, được bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Châu -Liên Châu. Tên xã do ông đặt và tên ấy vẫn còn giữ đến ngày nay. Phùng Cung làm chủ tịch xã được hai năm.

Tháng 10/1947, Pháp chiếm Tông và Sơn Tây, Phùng Cung chạy lên Việt Bắc cùng mấy anh em trai. Tại quê nhà, gia đình bị liên lụy vì có con đi làm cách mạng.

Phùng Hà Phủ viết: “Khi lên chiến khu, bố tôi làm công tác thông tin ở liên khu 10 Việt Bắc, cơ quan thông tin của ông Nguyễn Tấn Gi Trọng (bác sĩ Trọng sau này làm công tác chuyên môn tại trường Ðại học Y Dược Hà Nội và là người giúp mẹ tôi theo học lớp dược tá khi hòa bình lập lại). Sau một thời gian làm tại liên khu 10, bố tôi mới chuyển sang an toàn khu và làm công tác văn nghệ, cùng sống và làm việc với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài,… cho đến khi hòa bình lập lại (1954) thì cùng với cơ quan Hội Văn nghệ về tiếp quản thủ đô Hà Nội”.

Trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, gia đình bị quy vào thành phần địa chủ cường hào. Cha ông bị đem ra đấu tố, rồi bị đưa lên giam giữ ở trại Cò Nỉ – Thái Nguyên. Khi ấy, Phùng Cung đang làm việc trong cơ quan văn nghệ kháng chiến ở Tuyên Quang. Phùng Hà Phủ viết: “Khi bố tôi hay tin, bố rất nóng lòng chuyện nhà và muốn quay về xem sự thể ra sao. Những bạn bè thân trong cơ quan biết chuyện như ông Tô Hoài (lúc này đang phụ trách công tác Ðảng – Ðoàn của Cơ quan văn nghệ) đều khuyên nên thật bình tĩnh, chờ Ðảng sẽ sửa sai. Trong một lần kết hợp đi công tác, bố tôi có tìm lên thăm và những mong gặp mặt để tiếp tế cho cụ. Nhưng tới nơi thì được một người bạn tù già cùng lán với cụ, chưa kịp nói câu nào vội vã dẫn bố lên khu đồi trọc phía sau trại giam và chỉ cho bố lùm đất mà ngọn sắn làm dấu mới héo lá. Quá bất ngờ trước cái chết của cụ, bố tôi quay ngay về Hà Nội, bố rất buồn, suy nghĩ nhiều và tránh mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.”

1954, Phùng Cung về Hà Nội, làm việc tại Hội Văn nghệ.

1956, tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh trên báo Nhân văn số 4 ngày 5 thâng 11 năm 1956.

Phùng Cung bị bắt tại nhà 135 Mai Hắc Đế ngày 4/2/1961. Ông bị tịch thu tất cả bản thảo và bị giam vào Hỏa Lò Hà Nội. Rồi bị chuyển đi các trại Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái) và Phong Quang (Lào Cai), bị tù 12 năm, với 11 năm biệt giam, không có án.

Tháng 11/1972 được tha về. Phùng Cung sống bằng làm nghề thợ làm đinh.

Trong suốt thời gian từ 1956 đến 1987 Phùng Cung không xuất hiện trên văn đàn.

Năm 1987 Phùng Cung xuất hiện trở lại trên tạp chí Sông Hương số Xuân Ất Mão.

Năm 1995 Phùng Cung in tập thơ Xem đêm tại Nhà xuất bản Văn hóa.

Phùng Cung mất năm 1997 tại Hà Nội.

Tháng 3-2001 Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000 Nhà xuất bản Hội Nhà văn có chọn của Phùng Cung hai bài Đò khuyaBạc tuổi.

Năm 2003 Nhà xuất bản Văn nghệ ở Canada in Phùng Cung Truyện và Thơ chưa hề xuất bản gồm 10 truyện ngắn và tập thơ Trăng ngục 35 bài.

Năm 2011 nhân được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng Nhà sách Nhã Nam bổ sung tái bản Xem đêm được tổ chức giới thiệu tại Nhà Văn hóa Pháp tại Hà Nội 24 Tràng Tiền. Trong bản này có in truyện Con ngựa già của Chúa Trịnh và các bài của Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm.

Năm 2019 Nhà xuất bản Hội Nhà văn in Ba nhà thơ họ Phùng với tác phẩm của Phùng Cung, Phùng Quán, Phùng Khắc Bắc.

Năm 2022 Chương trình truyền hình VOV6 có mời tác giả tọa đàm với Biên tập viên Đỗ Anh Vũ về thơ của Phùng Cung.

Năm 2023 Viện Nhân học Văn hóa và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản Truyện ngắn Phùng Cung gồm 9 truyện, trong đó có 8 truyện đã in ở Canada.

image

image

Phùng Cung tham gia Nhân văn Giai phẩm và lớp chỉnh huấn Thái Hà

Phùng Cung tham gia Phong trào Nhân văn Giai phẩm với truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh in trên báo Nhân văn số 4. Có thể giải thích việc Phùng Cung có truyện in trên báo Nhân văn là mối quan hệ của ông với Phan Khôi và Trần Duy, hai người đang chủ trì báo Nhân văn lúc đó, từ thời gian kháng chiến ở Việt Bắc. Trong bài Tưởng niệm nhà văn Phan Khôi họa sỹ Trần Duy có kể:

“Một dẫy lán dài, chia từng ô cho mỗi người, bắt đầu từ Ông Phan Khôi, Trần Duy, đến Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Kim Lân… và cuối cùng lán là Phùng Cung. Mỗi người trong tập thể ấy đều phải nghĩ kế để cải thiện bữa ăn của mình. Người trồng thuốc lá, người trồng cải, trồng cà chua, có người đánh cá về ăn có khi đổi bán cho anh em, riêng ông Phan Khôi nuôi 2 con gà, mỗi sáng đều đặn có 2 quả trứng tươi, hôm nào gà kém ăn chỉ một con đẻ trứng, nhưng có một hôm ông ra lấy trứng thì phát hiện có một quả trứng đập ra chỉ có nước. Anh Phùng Cung nói có thể trứng bị rắn ăn, Ông Phan Khôi thắc mắc rắn ăn bằng cách gì mà không thấy vết nứt? Nhưng sau hỏi qua Kim Lân mới biết Phùng Cung đùa đã lấy kim tiêm rút hết trứng rồi bơm nước vô lấy vôi bít lỗ kim lại, Tôi bảo Phùng Cung đến xin lỗi, Bác Phan vui vẻ nói:

– Việc đầu tiên tôi vui vì đã biết được cách rắn ăn trứng của anh Phùng Cung. Tôi không tiếc quả trứng, nhưng tôi tiếc thì giờ để thắc mắc về cách rắn ăn trứng, giữa cái thật và cái dối.

Ông nhìn Phùng Cung cười và tiếp: “Anh thông minh và hóm hỉnh đấy nhưng dễ để cho mọi người hiểu lầm là dối trá thì nguy hiểm”!!!”

Cũng lời con trai Phùng Cung cho biết chuyện Phùng Cung cưới vợ bất chấp khuyên can của tổ chức về tiêu chuẩn giai cấp của người vợ, nhà văn Phan Khôi đã đứng ra làm chủ hôn cho ông.

Con ngựa già của chúa Trịnh viết về con thần mã Kim Bông của lão Nông ở Sơn Tây, có sức vượt nghìn dặm với cái thế “cao đầu phóng vĩ” của nòi ngựa chiến. Bất cứ cuộc đua nào, Kim Bông cũng đứng đầu. Tin đồn đến tai chúa Trịnh, nhà chúa bèn cử người đến mua con ngựa quý. Dù luyến tiếc vô cùng, lão Nông bắt buộc phải giao ngựa về kinh. “Kim Bông phi như gió, trả lại đằng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long”. Về kinh, Kim Bông trở thành con vật sủng ái, được kéo xe hầu chúa. Sống trong nhung lụa, thần mã được ngự tại mã đài ngày ngày chỉ ăn và tắm. Chúa ban áo mão cân đai, đặc biệt cái mũ cánh chuồn, như hai chiếc lá đa che tai, che mắt, chỉ để lộ mỗi con ngươi nhìn thẳng về phía trước. Rồi đến lúc can qua, chúa cần con ngựa chiến dũng mãnh ngày xưa, nhưng than ôi, con thần mã đã quen thói cung đình, bao nhiêu năm che tai, bịt mắt, khi tháo mũ áo ra, nó hoa mắt, đầu choáng váng, chân không phóng được nữa. Thần mã cố sức bình sinh, dốc hết tàn lực rồi ngã vật xuống đất, đứt ruột mà chết.

Kim Bông tượng trưng cho những tài năng lớn, khi đã mũ ni che tai, quỳ gối, úp mặt, phục vụ thế quyền, để tìm bổng lộc, đều trở thành những con ngựa già, vô dụng. Trong những người phê phán người ta bảo Phùng Cung đả kích đường lối văn nghệ của Đảng, vắt chanh bỏ vỏ nhiều tài năng văn nghệ. Có người bảo ông ám chỉ Nguyễn Tuân.

Là một trong những truyện ngắn hay nhất thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, cùng với Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh mang bút pháp ẩn dụ tế nhị, kín đáo và sâu sắc, khác với những truyện ngắn tả thực thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng chỉ với truyện này Phùng Cung đã trở thành một trung tâm đấu tố, và nó là một trong những tác phẩm được coi là nguy hiểm nhất trong Nhân văn Giai phẩm.

Nhân văn Giai phẩm bị dẹp cuối tháng 12/1956. Trong năm 57, mọi việc “bình thường” trở lại. Đến tháng 2/1958 sự thanh trừng mới bắt đầu với hai “lớp học” ở ấp Thái Hà.

Tại sao có sự gió đổi chiều như thế?

Sang năm 1957 trong các đại hội thành lập các hội và Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật nhiều chủ chốt và những người hưởng ứng của Nhân văn Giai phẩm vẫn được bầu vào Ban Chấp hành như Văn Cao, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Tỵ, Trúc Quỳnh, Lộng Chương… và vẫn giữ chức vụ trong nhiều cơ quan văn nghệ. Bởi vì lúc đó Liên Xô, Trung Quốc vẫn còn do dự chưa đàn áp phong trào văn nghệ dân chủ của nước họ.

Tôi cũng đã có lần công bố tài liệu nói rằng chính Công an tổng kết chuyên án đánh giá rằng Nhân văn Giai phẩm không phải là một tổ chức, không phải phản động, không nhận tiền của nước ngoài nhưng cấp trên không đồng ý đã giao cho Tòa án nhân dân Hà Nội làm lại bản án và một vụ Nhân văn Giai phẩm khác hẳn đã được dựng lên cùng phiên tòa xử án ngày 10-12-1959. Tất nhiên là sau bản án phi lý đó, các cơ quan pháp luật và chức năng của nhà nước phải làm chấp hành theo nó.

Trần Dần ghi trong nhật ký một số dữ kiện về Phùng Cung, trước ngày “đi học”:

27/2/58 Phùng Cung: Tự dưng học hành đến nơi mà Liên Hiệp Hội lại cho Phùng Cung nghỉ công tác. Phùng Cung lo. Không hiểu sao. Có phải vì các ông ấy sợ mình ở đấy đâm lộ chuyện hay không? Hay là vì cái “giả vía”, các ông ấy mới cho mình là cái thằng mất dậy? Đã mất dậy thì thôi, không dậy cho nữa, để mà biết tay!

Tôi hỏi Phùng Cung xem cái “giả vía” ấy có gì?

Phùng Cung cười hì hì, kể lại:

– Cũng chả có gì hì… Có một chỗ mình bảo là cái “đảng mạ”, hì, nghiã là cái thứ mạ, mình gọi là “đảng mạ”, dùng tiếng quê vậy cho nó vui, hì… Lại có chỗ mình định ca ngợi các đồng chí chuyên gia, thì mình cũng dùng tiếng quê, bảo là “các ông ấy béo mà phương phi như tây đoan”, “cái đệm các ông ấy nằm mà bà con ta nằm thì ngủ không biết khi nào trở dậy được”, hì, mình cứ nói tiếng quê vậy, để bà con nhân dân ta đọc cho nó vui… hì…

Tôi lo dựng tóc gáy:

Anh viết thế mà anh bảo là tiếng quê! Anh có bị đánh mất xác cũng không oan…

Về sau tôi hỏi Hoàng tích Linh, Linh bảo:

– Cái thằng, nó cứ có cái lối thế. Nó cho rằng viết phải đả cái gì một tí thì mới oai. Anh em khỏi cười.

– Ai bảo nó thế?

– Ấy thế mới khỉ!… Nó cứ nghĩ như thế cơ chứ!

Phùng Cung là đảng viên, vào đảng ở Việt Bắc, chưa rõ năm nào. Vậy ông phải đi cả hai lớp chỉnh huấn Thái Hà. Tuy nhiên chưa bị tội nặng, vì ở lớp này, Hoàng Cầm, Lê Đạt đều “bao che” Phùng Cung, một nhà văn trẻ. Hoàng Cầm viết trong bài “tự thú” như sau: “Tôi đi động viên Phùng Cung viết chuyện, và khi Phùng Cung viết “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đưa tôi xem bản thảo đầu tiên, tôi có góp ý kiến vào việc diễn tả: “Chỗ con ngựa vào cung Vua, nên tả cho đáng ghét hơn”. Khi Phùng Cung đưa bản thảo lần thứ hai, tôi chữa văn và thêm nhiều câu diễn tả cảnh đẹp, diễn tả con ngựa càng ngày càng béo.”

Lê Đạt viết: “Tôi lại viết “lời toà soạn” cho chuyện “Con ngựa già” của Phùng Cung đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến các nhà văn trẻ”.

Hai lời “thú nhận” trên đây chứng tỏ Hoàng Cầm, Lê Đạt trong lớp Thái Hà, nhận mình chủ mưu, Phùng Cung chỉ là đàn em.

Về thái độ của Phùng Cung ở Thái Hà ấp, Trần Dần ghi:

“29/4/58 Phùng Cung

– Nhục lắm. Mẹ nó. Mình xin về nhà có được không nhỉ? [….] Có nên xin ra biên chế không? Tôi nhìn PhCung, ái ngại cho anh quá. Đâu như trong khi học tập, anh ta “hỗn” quá, bị đuổi khỏi lớp làm sao ấy… Tôi khuyên anh, rằng nên đầu hàng đi; rằng chỉ có một con đường, “họ” là chân lý, mình đầu hàng, là phải; rằng không nên xin ra biên chế, lúc này việc ấy có thể là một sự tiến công của tư tưởng thù địch; rằng không nên coi là nhục, oan ức gì nữa, mà cứ nghĩ lại xem tổng cộng cái bồ chữ mình đã chửi vào lãnh đạo nó to như thế nào, còn oan và nhục gì nữa? PhCung xem ý không thông gì lắm. Tôi thấy khổ! Một con người có cái gan “tử vì đạo” là PhCung, than ôi, cái đạo anh định chết vì nó chính là cái đạo phản cách mạng, sao mà anh chưa tỉnh ngộ ra hử anh?”

Tại lớp Chỉnh huấn Thái Hà, Phùng Cung đã có thái độ cứng rắn, không đầu hàng, “tử vì đạo” như Trần Dần ghi.

Về tình trạng tự kiểm thảo của mọi người sau lớp Thái Hà, Trần Dần ghi:

Ngày 7/5/58 Kiểm thảo sáng tác. Đảng đoàn HNVăn để cả một tuần này, để cho Nhân Văn viết lại cái phần kiểm thảo sáng tác! Theo như đồng chí NxSanh nói, thì tuần trước, phần đó viết chưa sâu, vì thiếu thời giờ, thì tuần này viết lại cho kỹ. Mà phải viết sao cho có thể dùng in công khai được. Sau khi mọi người đã nộp cái của quốc cấm, nghiã là cả một đống những Nhân văn Giai phẩm rồi, thì tập trung ở cả một phòng, viết kiểm thảo [….] Anh nào anh nấy lăn vào viết. Lắm hình dung từ, lắm tiếng tự phê dao búa! [….] Tôi cũng không kém. Bao nhiêu hình dung từ phản cách mạng, phản động, phản Đảng, phản bội, chống chế độ, xét lại, tờ-rốt-kít. Không còn thiếu chữ gì. Giặc bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ và đầu óc làm phản v.v… Tôi sáng tác thêm nhiều chữ nữa để mà miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể. Chắc các đồng chí lãnh đạo đọc một loạt kiểm thảo bọn tôi lần này thì phải bựt cười lắm đấy! “Trước kia thì nói nhẹ chúng cũng không nghe. Bây giờ thì chúng lại còn tự sỉ vả gấp triệu lần sự phê bình của lãnh đạo!”

Về hình phạt và tâm trạng chung, Trần Dần ghi:

Ngày 12/5/58, Tình hình

Cuộc đấu tranh cứ lộn đi lộn lại từ B sang A lại A sang B, báo chí cứ xoay đi xoay lại mãi, cứ như một cái nồi khổng lồ của vô sản chuyên chính, ninh đi ninh lại cho nó dừ cái chủ nghiã xét lại ra.

Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ. Không còn cách nào. Đây không phải là một sự trừng trị cá nhân; mà đây là “chúng ta” trừng trị một phong trào, một trào lưu tư tưởng của chủ nghiã xét lại… Tôi vừa là một tội nhân. Vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn”

Vể sự phải tố bạn để thoát thân, Trần Dần kể:

21/5/58 “Thực ra, trước khi HCầm báo cáo, tôi dự định là giữ VCao và ĐđHưng lại, như là “giữ một nửa thành phố, chỉ đầu hàng một nửa” [….]. Nên báo cáo tổ, bị hỏi, bị dồn, bị truy nữa, tôi vẫn giấu quanh, không chịu thúc thủ cái một nửa thành phố đó! Đến lúc HCầm báo cáo, tức HCầm “rendre”hai ông bạn quý đó rồi. PhVũ lên tố thêm VCao. LĐạt thì chỉ xác nhận, tố thêm tí tỉnh, còn bao che ĐdHưng nhiều. Hơn nữa, qua báo cáo HCầm và LĐạt, thì tôi “được” đưa lên mũi nhọn, “được” hội trường chờ đợi rất ghê!

Bão lúc ấy chầu chực trên đầu lâu tôi!

Tôi phải tính kế, vừa thoát thân, vừa thoát cho 4 thằng đang bị dồn đánh ghê gớm (TD, HC, LĐ, TPh) vừa để sao cho VCao, ĐdH hiểu mình, qua cái ý ngầm của bản báo cáo!

Cụ thể, tức là tôi nghĩ rằng: “Bây giờ chỉ còn con đường duy nhất, là đầu hàng Đảng. Không có con đường khác. Mà đã hàng thì hàng thực sự, về sau mới thực sự trời êm bể lặng được. Thế nào là hàng thực sự? Hàng thực sự là: mỗi người phải ra mà gánh lấy cái phần bão, do chính trách nhiệm mình gây ra! 4 thằng đang chịu cái trận bão đó rồi, còn hai ông anh VCao, ĐdHưng thì xin nhờ đến vai hai ông, mang vác lấy cái phần của các ông! [….]

Thực tế đã chứng minh cho giá trị chủ trương đó. Quả nhiên: ngay trong lớp học, bão cũng đã ngàn đi dần dần trên đầu 4 thằng, và sau khi chuyển mạnh sang đầu 2 thằng kia ít bữa, rồi nó cũng ngàn đi.

Đến sau lớp học nữa, thằng nào cũng đều được sống trong một không khí được giải vây tương đối dễ thở. Với thời gian chắc nó sẽ càng dễ thở hơn.

Chỉ có cái là trong bộ 6 thì có một sự phân hoá của trách móc, hằn thù… HCầm có vẻ khổ! LĐạt tự cho mình là oai nhất, “đúng nhất, vừa mức nhất, không vấy cho ai!”, LĐạt cho tôi là “quá mức!”, ĐdHưng thì kẻ cả: “Tất nhiên có chuyện đó, nhưng đã thuộc lịch sử rồi. TPhác khó hiểu, vừa ghét HCầm, vừa ghét VCao mà vẫn nối lại một phần, còn đối tôi thì lại bảo là: “anh ghê nhất, anh giỏi nhất!”

Trần Dần giải thích tại sao phải đầu hàng trước hệ thống cưỡng bách thẩm vấn, cho biết điều kiện viết những bản tự thú và sự bắt buộc phải tố bạn để cứu mình.

Đường Lâm thi chí, một nền thơ qua con mắt Thụy Khuê:

“Phùng Cung có một hướng đi khác hẳn: ông không nhìn hậu quả chiến tranh để hối hận như các bạn. Ông cũng không đổ trách nhiệm lên đầu kẻ thù như người khác. Phùng Cung coi chiến tranh – chống Pháp và chiến tranh Nam-Bắc – đều phát xuất từ căn bệnh của dân tộc: bệnh hiếu chiến. Chứng nan y này đã thấm vào máu, khó có thể chữa được. Đối lập với Văn Cao trong quan niệm yêu nước, Phùng Cung phê bình quốc ca.

Trăng ngục tập hợp những sáng tác trong tù. Vì không có giấy bút, không thể viết truyện, nên Phùng Cung “bắt buộc” phải làm thơ. Trăng ngục biểu hiệu những tư tưởng đối lập khác lạ, đầy bất khuất, trong những dòng chữ bị cầm tù suốt đời của tác giả. Tác phẩm chứa đựng những lời thơ mạnh, khẳng khái, đanh thép, như những mũi dao nhọn, đục thủng màng lưới bủa vây nhà thơ, đánh sụp bức tường xà lim, để lộ diện con người tự do, sẵn sàng chịu trả giá cho hành động và tư tưởng của mình, chống lại toàn bộ hệ tinh thần yêu nước chủ chiến.

Bài Biển cả tung trên trang đầu tập Trăng ngục như một thách đố trí tuệ, gói gọn triết lý tương đối và trung dung của tác giả đối với cực quyền toàn trị. Phùng Cung đòi hỏi sự hài hoà trong vũ trụ, đòi hỏi quyền sống cho những cái nhỏ, cái lớn, đòi hỏi sự bình đẳng không những về mặt chính trị văn hóa mà cả về thiên nhiên môi trường.

Bài Trăng ngục rất ngắn, tập trung những tái tê bất hạnh của một đời tù biệt giam trong xà lim:

Trăng qua song sắt

Trăng thăm ngục

Bỗng ta chợt tỉnh – sững sờ

Trên vai áo tù

Trăng vá lụa

Ngày xưa ơi!

Xa mãi đến bao giờ…

Trong tù, chỉ có vầng trăng, chỉ còn vầng trăng. Trăng quấn quýt. Trăng là áo. Trăng là ngày xưa. Trăng là vợ. Trăng là tri kỷ. Trên vai áo tù trăng vá lụa một câu tuyệt bút, là sự hài hoà giữa mềmcứng, giữa lụa, giữa trăngáo, giữa xagần, giữa xót xaâu yếm, giữa tự dotù tội. Nhà thơ đã kêu gọi sự hài hoà đó trong bài biển cả, nhưng không thấy biển cả trả lời, chỉ một vầng trăng đáp lại.

Xem đêm là tập thơ của người Việt cổ, “người Rừng”, thơ Đường Lâm thi chí, của Bố Cái bị cầm tù trên Bất Bạt. Tất cả đã bị tàn phá, từ thân cây ngọn cỏ, đến cả đọt sương, đến cả tâm hồn, đến cả khổ đau và hạnh phúc, cũng không còn như xưa…

Xem đêm là một hình tượng mới, một hành động chữ mới, mỗi chữ là tinh cầu, chỉ cần vài câu đã gói trọn bầu trời nhật nguyệt thực sau Nhân Văn. Ở Hoàng Cầm là những đêm kim, đêm mộc, đêm thủy, đêm hoả, đêm thổ. Ở Phùng Cung là nghe đêm, xem đêm… Xem đêm là một vũ trụ không ánh sáng của những số kiếp bọt bèo, những người bị tù chung thân vì tội chữ:

Lênh đênh muôn dặm nước non

Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

Xem đêm là sự đậm đặc của những con chữ nguyên chất, con chữ quê mùa, chưa bị văn minh xâm lấn, chưa bị lừa lọc tấn công, chưa bị chủ nghiã nhiễm độc, chưa bị chuẩn hoá theo một mẫu mực nào. Trong đêm miên viễn ấy, người và vật nhập quyện vào nhau trong một trạng thái dung hợp vật chất, tinh thần. Thơ cô đọng như Đường thi, một vài chữ đủ gánh cả phận người. Sự giao thoa giữa vật thể, tiếng động, không gian là đặc tính của Đường Lâm thi chí:

Đêm về khuya

Trăng ngả màu hoa lý

Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông

Đêm, trăng, hoa lý, tiếng gọi đò, sông… là những yếu tố của một cảnh đêm có thể chất hoàn toàn khác nhau. Nhờ một hành động chữ, chúng đã hoá mộng. Để được sống lại trong một không gian khác, để tạo ra nghịch cảnh của một đời người. Sự cô đơn tuyệt đối của con người bị cô lập suốt đời, được nhà thơ biểu hiện dưới một màn trăng đêm không người, mà có “tiếng gọi đò” như “con nhện vô hình” giăng nối hai bờ xa cách. Hai quang cảnh, một của thiên nhiên hiện thực, diễm ảo: Đêm về khuya trăng ngả màu hoa lý và một của tâm thức cô đơn tuyệt đối Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông.

Nhưng tất cả nghịch cảnh, cách ly, đều đã mà đều đã không. Đã xảy ra và đã không còn nữa: sắc sắc không không, như một sự giao thoa triết học Đông Tây phi thường, mới lạ.

Một bài thơ khác:

Quất mãi nước sôi

Trà đau nát bã

Không đổi giọng Tân Cương

Đây chính là thơ Đường Lâm nói chí. Chỉ có ba “nhân vật”: Trà, nước, giọng, ba yếu tố thuần khiết của một cuộc thiết trà. Bỗng chữ quất hiện lên như một hung thần và chữ Tân Cương sừng sững như một người Rừng, một chí lớn, một sự cương cường.

Thơ Phùng Cung có chí Phùng Hưng.

Một bài thơ về mẹ:

Mồ hôi mẹ

Tháng ngày đăm đăm

                                                  nhỏ giọt

Con níu giọt mồ hôi

Đứng dậy làm người

Một giọt mồ hôi mẹ, đủ tác thành khí phách con. Chữ đi từ núi Tản, mỗi chữ là một giọt thép. Đọc thơ ấy, sẽ hiểu tại sao con người ấy bị biệt giam 11 năm. Bởi không có phép gì “cải tạo” được tâm hồn và chí khí của ngọn Ba Vì. Vẫn về người phụ nữ, lần này là người vợ:

Lưng áo em

Ngoang vôi trắng xóa

Cái trắng này vắt tận trong xương

Chân dung người vợ cũng toát ra cái can trường trắng của đất Mê Linh. Sự can trường dũng cảm hàng ngày của người vợ phải đương đầu với miếng cơm manh áo, để nuôi con, để tồn tại.

Bài Nghe đêm gói trọn nỗi cô đơn cuối đời của con người bị lưu đầy, vì chữ nghiã, từ tuổi thanh niên đến lúc đầu bạc:

Đêm chợt nghe

Trong gối vọng tiếng ru

Lắng tai mới rõ

Tiếng tóc mình chuyển bạc                                              

Đó là sự cô đơn của kẻ một mình một ngựa trên hành trình mở nước và dựng nước về phía văn hóa, tình nước và tình người.”

Nguyễn Hữu Đang nhận xét thơ Phùng Cung

Sau khi đọc bản thảo Xem đêm Nguyễn hữu Đang đã viết bài Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem Đêm. Bài đã được in kèm sau tập thơ của Phùng Cung. Điều đáng nói là sau nhiều năm ngừng viết Nguyễn Hữu Đang vẫn giữ được khả năng tinh tế trong thẩm định văn chương. Dưới đây là đoạn trích phần đầu bài viết:

“Tập Xem Đêm đem lại cho chúng ta những vẻ đẹp bất ngờ trong môi trường nông thôn cũ (chưa cơ khí hóa, điện khí hóa, tập thể hóa), nơi có hai nét đặc trưng cổ truyền là quang cảnh thanh bìnhtinh thần thuần phác mà văn học thường phản ánh như sự đền bù cho tình trạng nghèo khổ, lạc hậu, hai nét đặc trưng mà những đồng bào đi sinh sống ở nước ngoài thường nhớ tới như diện mạo quê hương. Nói cho đúng, đó là hình ảnh tổng hợp những nét chung của nông thôn miền châu thổ sông Hồng trong một quãng dài lịch sử ngàn năm, một hình ảnh mà tác giả tha thiết giữ trong ký ức vì ông đã quyến luyến nó từ “thời mũi rãi”. Cái nôi yêu quý ngày xưa đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú ngày nay cho một tâm hồn bén nhậy.

Hiện thực ở đây đã được chắt lọc qua rung động thẩm mỹ nên thơ mộng, nhưng cũng rất thật. Thân quen biết mấy, những cánh đồng bát ngát, ruộng lúa, bãi ngô, vườn dâu, nương vừng, xóm trại, khúc sông, bến đò, quán chợ, giếng đình, giàn trầu, giàn bí, lũy tre, ao bèo, củ khoai, nải chuối, quả ổi, trái ớt, hoa bưởi, hoa cau… và cả một thế giới động vật nhộn nhịp những trâu, bò, gà, chó, chim, cò, giun, dế, chuồn chuồn, đom đóm… xung quanh những con người lam lũ, hiền lành, có cô con gái “ý tứ soi gương đáy nón”, có truyện cũ chàng trai si tình “đề thơ vạt áo”, có người mẹ trẻ “sữa con so ướt yếm”, có người vợ đảm về chợ tối “bước sấp ngửa”… Bấy nhiêu hình ảnh tràn ngập không gian vang vọng tiếng gọi đò, tiếng sáo diều, tiếng tù và, tiếng chó sủa, tiếng ru con… Tất cả chung đúc lại thành bức tranh quê quen thuộc mà một Anh Thơ hay một Đoàn Văn Cừ đã có lần ghi chép thật thà, mộc mạc, hoặc kết thành một khúc nông ca (bucolique) mà Virgile đã để lại mẫu mực.

Nhưng Xem Đêm không chỉ có thế. Do tự nhiên thuận lợi hay sáng suốt lựa chọn, Phùng Cung đã tìm được cho thói quen tằn tiện lời nói của mình một địa hạt đắc dụng là địa hạt thơ, nó đòi hỏi phong cách diễn đạt hàm súc. Thơ hai-ku của Nhật Bản mà thế giới đánh giá cao đã chứng tỏ khả năng truyền cảm, gợi ý tối đa của lời văn tối thiểu.

Tuy vậy, Phùng Cung cũng chưa yên tâm mà vẫn đầu tư biết bao công sức để tìm những lời thơ “xuất thần”, tìm không mệt mỏi như dân hải đảo mò ngọc trai. Ôi công sức của Phùng Cung, có lẽ bậc thầy Đỗ Phủ cũng phải bằng lòng vì đã mặc nhiên thực hiện câu thề nguyền của nhà đại thi hào đối với thơ: “Lời không làm cho người ta kinh hãi thì chết cũng chưa thôi” (Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu).

Bằng một thứ ngôn ngữ cô đọng như tinh chất, tế nhị như hương thơm, ông mời bạn đọc làm quen với một Nàng Thơ đẹp kín đáo duyên lặn vào trong và khó tính, để tìm hiểu đến trở thành tri kỷ. Tôi tin rằng với nhiệt tình yêu thơ, vào cuộc họ sẽ nhận ra tác giả gắn bó với tình người và sự thanh cao. Có điều là vào cuộc ở đây cần đến cảm quan trực giác nhiều hơn là trí tuệ thông minh.

Mặt khác, ngoài hai tính cô đọng và tế nhị phù hợp với thơ nói chung, ngôn ngữ Xem Đêm còn đậm đà tính dân gian phù hợp vời đề tài thôn dã, được vận dụng điêu luyện trong những vần thơ êm nhẹ như cánh cò bay mà làm rộn lên trong tâm trí chúng ta lời ăn tiếng nói của bao thế hệ ông cha.

Chúng ta hiểu vì sao nhà thơ Quang Huy, trong bài giới thiệu in ở đầu sách, đã khẳng định hoàn toàn khách quan, công bằng: “Phùng Cung xứng đáng là bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ”.

Nguyên do bị bắt năm 1961

Phùng Hà Phủ viết: “Cũng khoảng thời gian này, bố tôi bị đình chỉ công tác để làm kiểm thảo. Bố tôi ít đến cơ quan và chỉ viết ở nhà, một số bạn thân của bố tôi thường lui tới như Trần Dần, Hoàng Cầm, Ðặng Ðình Hưng.

Phùng Quán cho biết về những truyện ngắn Phùng Cung viết trong thời kỳ này:

“Anh còn một tập truyện ngắn, đâu như tám truyện thì phải, cũng một dòng “ngựa, voi”, chưa kịp ra mắt bạn đọc thì đã bị cái khách quan khắc nghiệt “bảo lưu” cùng với tài năng của tác giả. Truyện nào viết xong anh cũng đưa tôi đọc. Truyện nào cũng làm tôi say mê vì vẻ đẹp của ngôn từ. Cái kho ngôn từ dân dã của anh dường như vô tận. So với tất cả văn xuôi của tôi đã in ra, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài viết tiếng Việt”.

Họa sĩ Trần Duy, thư ký toà soạn báo Nhân Văn, trong bài “Một câu hỏi còn chưa được trả lời” đăng ngày 10/7/2009 trên Talawas, viết:
“Chính việc anh Phùng Cung bị bắt làm tôi rất lo sợ và đau buồn, vì Phùng Cung không tham gia Nhân văn ngoài bài viết “Con ngựa già của Chúa Trịnh” nhằm vào một nhân vật có tên tuổi trong Hội Nhà văn (Nguyễn Tuân). Nhưng vì anh Phùng Cung có một số bài viết đầu tay đã chuyển cho một số đàn anh xem để biết, rồi không hiểu bằng cách nào đó những bản thảo ấy lại vào tay lãnh đạo (tôi không được đọc những bài viết ấy) [….]
Tôi nhớ một cuộc họp tại trụ sở Hội Nhà văn ở đường Nguyễn Du năm 1960 dưới sự chủ tọa của Hà Minh Tuân, Nguyên Hồng… người đến họp có đông văn nghệ sĩ, trong đó có Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần…, qua những câu hỏi, những lời xác minh của các anh Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần thì đúng Phùng Cung là tác giả của những bài viết kể trên, và như vậy bản án đã úp lên đời Phùng Cung một tội trạng. Tôi còn nhớ câu của Nguyên Hồng nói sau khi kết thúc buổi họp: “Các anh lúc bình thường đối xử với nhau có vẻ trí thức lắm, nhưng lúc có sự việc xảy ra thì các anh đối xử với nhau không bằng lũ chăn trâu!”. Ra đến cổng anh Nguyên Hồng vỗ vào vai tôi và bảo: “Đã biết sợ chưa!”.
Quả tình tôi rất sợ, tất nhiên sợ về pháp luật là chính nhưng sợ hơn nữa là nhân tâm con người, sự tàn nhẫn của những con người đã bán rẻ nhân phẩm của mình để tự cứu mình, giẫm lên sinh mạng của những người khác để tự thoát thân”.

Phùng Hà Phủ viết: “Một buổi sáng như thường lệ, khi mẹ tôi đi làm (lúc đó hai anh em tôi còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học), thì ở nhà, căn hộ mà gia đình tôi ở bị công an mang xe ô tô đến vây bắt khám xét. Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ðó là tháng 5/1961. Kể từ ngày đó mãi cho đến thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris (1973), tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. Thời gian đầu bố tôi bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đưa lên Bất Bạt (Sơn Tây), rồi Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai)”.
“Bố tôi bị bắt và giam giữ nhưng không có án mà gọi là đi tập trung cải tạo [….]
Sau này lúc mãn hạn tù, mẹ tôi mới biết bố tôi luôn là đối tượng bị giam cấm cố trong xà lim, bị hạn chế tôi đa tiếp xúc với thân nhân.
Nhớ lại theo bố tôi kể “khi xẩy ra chuyện”, buổi sáng đó bố tôi được triệu tập tới cơ quan để họp. Đến nơi thấy mọi người xung quanh đều có ý lảng tránh mình, thậm chí không dám mời nhau uống chén nước. Ngay cả những bạn rất thân và thường lui tới nhà cũng tìm cách lánh mặt. Ngay sau đó bố tôi bị đem ra kiểm điểm trước cuộc họp, mà thực chất gần như một buổi đấu tố thời “cải cách” của liên hiệp Hội văn học nghệ thuật (gồm cả đại diện bên văn nghệ quân đội). Chủ trì cuộc đấu tố gồm các ông Võ Hồng Cương, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh… Cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc “đấu tố”. Ngày hôm đó, ông Trần Dần là người đứng lên “tố” để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị “tố” là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác – Tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Đảng cộng sản như: Dạ ký, Chiếc mũ lông, Quản thổi, Kép Nghế… Việc bố tôi bị bắt sau đó là do tham gia làm báo Nhân Văn nhưng theo mẹ tôi còn nhiều lý do khác nữa [….]”
Phùng Hà Phủ, không ghi rõ ngày “xẩy ra chuyện” (khi đó hai anh em mới 4 tuổi và 2 tuổi), chỉ thuật những gì nghe cha mẹ kể lại, có những chi tiết phù hợp với những điều Nguyễn Hữu Hiệu viết trên báo Khởi Hành. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê có trích lại Nguyễn Hữu Hiệu:

“Theo lệ thường, mỗi năm, hội viên Hội Nhà Văn phải viết bá cáo, tự thuật, tự đánh giá mình đọc trước lãnh đạo.
Trong đợt học tập cuối năm 1960, tổ học tập gồm bọn bốn người cứng đầu kia
[Phùng Cung, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt] bị trực tiếp đặt dưới quyền tổ trưởng Võ Hồng Chương [chắc là Võ Hồng Cương]. Trong đợt học tập này T.D. được lãnh đạo viết bản tố cáo dài gần 40 trang viết tay chữ nhỏ như kiến. Phùng Cung bị đấu hai buổi trước đông đảo văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Nhà Văn; bị tố cáo là tên phản động ngoan cố nhất của “Nhân văn Giai phẩm”.
Chế Lan Viên, cuối cùng, mới đứng lên đề nghị phải lập tức điều Công an đến khám nhà và bắt Phùng Cung.
Nỗi đau nhục bị phản bội chưa qua thì họa khám nhà đã đến. Ngày 19 tháng Chạp năm Canh Tý 1960
[thực ra ngày 19 tháng Chạp năm Canh tý là ngày 4/2/1961]. Công an vây kín ngõ, xồng xộc vào nhà, lục soát, dầy xéo lung tung, tịch thu toàn bộ bản thảo gồm trên ba chục truyện ngắn và rất nhiều thơ. Phùng Cung bị đưa vào Hỏa Lò Hà Nội.
Sau đó, ông bị đưa đi biệt giam qua các trại Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái), Bảo Thắng (Lào Kai) từ đầu 1961 đến cuối 1972. Suốt trong mười một năm bị biệt giam, Phùng Cung bị lao nặng và nhiều bệnh trầm kha khác. Khi được phóng thích ông vẫn bị quản chế rất chặt tại địa phương”
Xung quanh việc này một vài tài liệu từ ngoài nước có cường điệu vai trò của Chế Lan Viên ra lệnh khám nhà và bắt Phùng Cung và khôn khéo không để lại văn bản đánh Nhân văn Giai phẩm. Thực ra thì Chế Lan Viên muốn thể hiện vai trò của mình bởi vì lúc đấu tố Nhân văn Giai phẩm đang sôi nổi thì ông đi chữa bệnh ở Trung Quốc và may cho ông không để lại bài viết nào kỷ niệm với các bạn của ông. Tuy nhiên thái độ hung hăng của ông khi kết tội Phùng Cung có làm cho tình thế trầm trọng lên.

Nhưng ông cũng thù Phùng Cung vì bài Dạ ký, trong đó Phùng Cung vẽ biếm họa một số chân dung văn học, đặc biệt bốn vị “tứ bất tử“: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh và Nguyễn Đình Thi, có thêm “đương kim vô địch khôn” Tô Hoài, và vẽ cả các bạn đồng hành Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt.
Tất nhiên Chế Lan Viên không thể thích bức chân dung “nhà thơ giả thiểu số” chuyên dùng khoa “Phật vận” tức là “lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong đánh giá sự gian ngay” mà Phùng Cung hoạ về mình. Bài Dạ Ký đối với bốn vị lãnh đạo văn nghệ “tứ bất tử” là không thể chấp nhận được. Đặc biệt với Chế Lan Viên, sự “phạm thượng” có thể sánh ngang vụ phê bình tập thơ Việt Bắc đối với Tố Hữu.

Nói rõ một chút về Nguyễn Hữu Hiệu, dịch giả, giáo sư ở Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn trước 1975 quê gốc Bắc Ninh, đã học ở Hà Nội rồi di cư 1954, hiện đang sống ở nước ngoài, là em vợ nhà văn Trúc Lâm. Ông Trúc Lâm đã từng công tác ở Phòng Văn nghệ quân đội 1954, hội viên Hội Nhà văn 1957, là thành viên của Nhân văn Giai phẩm, có thời gian mở quán nước để sinh sống trước cổng Hãng Phim tài liệu và khoa học Việt Nam đường Hoàng Hoa Thám. Có lẽ vì mối quan hệ này ông Nguyễn Hữu Hiệu mới được ông Phùng Cung tin cậy, tâm sự.

Trong cuốn hồi ức Phùng Quán và tôi do Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 2020 nhà văn Xuân Đài kể chứng kiến việc bắt Phùng Cung:

“Hôm đó tôi đến nhà anh Trần Dần mượn tập bản thảo tiểu thuyết Những người chân đất anh vừa dịch. Trần Dần bảo, Phùng Cung đang cầm đọc, mày xuống đó mà lấy. Tiện đường, tôi ghé chỗ Quán rủ anh cùng đi. Đến trước cổng nhà Phùng Cung – 135 Mai Hắc Đế, thằng Hề hớn hở bảo bố cháu đi rồi. (Hề là tên gọi ở nhà của cháu, tên thật là Phùng Hà Phủ).

Linh tính thế nào mà Quán hỏi nhanh:

– Đi bằng gì hở Hề?

– Bố cháu đi bằng ô tô.

– Chết rồi Đài ơi, Phùng Cung bị bắt, nếu đi bộ tức là loanh quanh ở các quán nước chè, đi xe đạp là đến cơ quan (lúc đó Phùng Cung làm ở Hội Nhà văn, công việc dọn dẹp, đun nước pha trà) đi ô tô là công an bắt, chứ chẳng có cơ quan nào đến rước một anh nhân viên đi bằng ô tô.

Quán lo lắng, nói tiếp:

– Hôm nay bắt Phùng Cung, vài hôm nữa bắt tao, bây giờ, tao về Nghi Tàm sắp xếp đồ đạc, còn mày liệu hồn, trở về tòa soạn ngay, lấy công lệnh đi viết bài một tỉnh thật xa, Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó, xớ rớ ở Hà Nội bị bắt cả lũ.

Quán luôn ám ảnh việc anh sẽ bị bắt.

Có lần nhìn thấy một chiếc xe jeep dừng trên bờ đê, có mấy người đi xuống, anh căng thẳng chờ đợi họ tiến về chỗ mình, nhưng đến chỗ rẽ họ vào khu nghỉ mát.

Và lúc này đây vẻ hốt hoảng đã hiện trên nét mặt anh.

Quán về ngay Nghi Tàm. Tôi rẽ qua nhà Hoàng Cầm báo tin và hỏi anh lý do bắt Phùng Cung.”

Tóm lại, từ tháng 12/1956, khi Nhân văn Giai phẩm bị đóng cửa, đến khi Phùng Cung bị bắt, ông vẫn sáng tác và các bạn ông đều đọc. Thời gian này Hội Văn nghệ còn để cho mấy ông một cái ga ra ô tô ngồi dịch sách và trà nước. Phùng Cung hay ghé qua và vẫn trao đổi chuyện sáng tác của mình. Vô tình những ý tưởng sáng tác mới tiếp mạch Con ngựa già của Chúa Trịnh của ông đã lọt vào tai những người lãnh đạo Hội Văn nghệ.

Tô Hoài là một người bạn đồng thời người phụ trách công tác của Phùng Cung, người chứng kiến việc đấu tố, việc bắt Phùng Cung, đồng thời cũng là người có giúp đỡ gia đình ông lúc hoạn nạn đã tiết lộ chuyện này sớm trên hồi ký Cát bụi chân ai in năm 1992.

“Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội văn nghệ từ trên Tuyên Quang. Ở rừng những việc tủn mủn không tên, sổ sách công văn, giữ thư viện, làm lán mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan [….] Phùng Cung ở cơ quan nào dạt đến, không nhớ. Chơi vui, cũng không để ý, kể cả việc hệ trọng khi tôi nhờ Phùng Cung đi đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy. Đọc truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” của Phùng Cung đăng trên báo Nhân Văn tôi cũng gật gù đại khái “thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm cháo đấy, con ạ”. Cũng điếu đóm tập tành như mình ngày xưa, đâu đã mà có sừng có mỏ ngay.

Phùng Cung bị bắt khi “nhân văn, nhân võ” đã được dọn dẹp êm ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được phong chức “tay truyện ngắn nhất Đông Dương”. Chắc là ở chiếu la đà với nhau, ăn nói càng ganh nhau, ngổ ngáo, bạt mạng. Đương viết tập Dạ Ký đã nghe đồn là tài lắm, dữ lắm”. Tôi không thể tưởng tượng một Phùng Cung thế nào [….] anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu về vệt vết nặn trứng cá, cứ ngồi lừ rừ bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm gì, con mắt đo đỏ mà tinh vặt, như chú mèo vờ lù rù rình chuột.[….]

Lại bao nhiêu năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng cù rù, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.

– Phùng Cung phải không?

– Tôi đây.

– Còn sống về được à?

– Cũng không hiểu tại sao anh ạ.

[….]

– Anh có biết tôi phải tù bao nhiêu năm?

– Không biết.

– Vâng tù biệt giam mười một năm.

Đã tù, lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp gỡ. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng một hôm, có người sở Công an đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc, trước khi phải tù.

Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy.

– Chứng nhận để làm gì?

– Có liên tục công tác mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục ạ.

– Liên tục cả ở cơ quan nhà tù?

Anh công an cười hồn nhiên, chào”cám ơn bác”.

Xin nói rõ người đến xin chữ ký Tô Hoài chính là người của đơn vị tôi.

Truyện của Phùng Cung

Việc Phùng Cung bị bắt liên quan đến nội dung toàn bộ số truyện ngắn từ sau Con ngựa già của Chúa Trịnh. Những truyện này mô tả tình trạng tiêu cực của xã hội miền Bắc, bộ mặt của giới văn nghệ sỹ, chính sách xóa bỏ truyền thống văn hóa.

Giải thoát Mộ phách viết về sự bức tử nghề ca trù và tuồng chèo cổ.

Biệt tích là sự thủ tiêu nghề thợ mộc chân chính.

Mạt kiếp viết về cái đói và cái chết của người cùng đinh.

– Phòng tuyên truyền địa ngục, là cơ quan dụ con người bỏ trần gian về địa ngục.

Mộ phách Phùng Cung viết về sự tiêu diệt ca trù, một sản phẩm văn hóa của vùng đất cổ Hùng Vương.

Dạ ký là một bút ký tưởng tượng hài hước về những nhân vật chính trong vụ Nhân văn Giai phẩm, bên nguyên cũng như bên bị, mập mờ những chân dung: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tô Hoài…, cả người thầy học cũ của tác giả cũng có mặt… đến Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt… Không chỉ tứ trụ triều đình được phác họa dưới những nét châm biếm, mà cả những bạn đồng hành cũng không thoát khỏi… tất cả đều bị cuốn theo cơn lốc, dưới chân một ngọn tháp, “trên đỉnh tháp là một tàn vàng chóe loé, hơi giống mặt trời chiều lúc gần xuống núi; có phần sáng hơn mặt trời. Bên cạnh tàn vàng là một lá cờ đại, xung quanh lá cờ đại là hàng ngàn cờ nhỏ – đều màu đỏ rực. Từ cờ đại đến cờ nhỏ đều quay tròn. Diềm cờ không dính tua kim tuyến mà là lưỡi câu thép ngoại. Cờ tạo gió, gió nhân thành bão, thì ra cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng như vậy. Tôi lạnh cả người, cầm sẵn trong tay một cái chết móc hàm”.

Dạ ký là cái cớ làm cho những người lãnh đạo văn nghệ bị Phùng Cung biếm họa nổi giận.

Dạ ký biếm họa một thời đại cuồng điên, người người lớp lớp phục xuống trước một ngọn tháp vĩ đại, “chạy vòng quanh tháp – như đèn kéo quân”; “hàng ngàn cờ nhỏ – đều màu đỏ rực”, “một rừng cờ” “lưỡi câu thép ngoại”; “cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng”…

Mạt kiếp là một trong những truyện ngắn thê thảm nhất về cái đói, trong xã hội phân chia giai cấp mới. Mạt kiếp được viết với bút pháp lạnh lùng gần như châm biếm, vô cảm hóa nghịch cảnh, và đó chính là nghệ thuật trình bày cái bi đát trong thân phận con người sâu sắc nhất: Từ cái năm ấy, cái năm đói ấy, Lão Thiều bị nghiền nát nhân phẩm, lão cố ngóc đầu lên để được sống làm người, sống như người, nhưng cuối cùng lão bị quật ngã, bị tiêu diệt.

Biệt tích là truyện phó Lâm, người thợ không hội nhập được với “đời sống mới”‘. Người thợ mộc đầy lương tâm và nhân cách này không thể chấp nhận lối “ăn thật làm dối” của Ủy Ban Nhân Dân. “Với phó Lâm, tua, mộng là tuyệt kỹ, khi vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ!”, nhưng bây giờ Ủy Ban lại bắt Phó Lâm phải làm nhanh, đóng bàn không cần tua, mộng gì cả, cứ ghép lại bằng đinh năm phân, chặt mũ, đóng ngậm là đủ. Ông chủ tịch xã lại còn ra lệnh:

“- Cứ mẫu ấy mà đóng!

Phó Lâm lo âu xoa hai bàn tay vào nhau:

– Dạ! Thưa ủy ban không làm được ạ!”

Phó Lâm lẩm bẩm trả lời bằng những dạ thưa, không làm được ạ, dạ thưa, khó quá ạ.… cho tới lúc bị đuổi về. Ít lâu sau, phó Lâm đi đâu biệt tích… Có người đồn thấy phó Phó Lâm vai vác rìu, tay xách hòn đục ngược dòng sông lên núi Tản Viên, bước trên nước như đi đường vậy. Bà Lâm được tin lạnh cả người! Ở đây không ai còn lạ gì chuyện đức Thánh trên đỉnh núi Tản cứ ba năm lại một lần xuống núi tìm thợ giỏi lên sửa điện đài trên ấy. Bà Lâm chờ chồng ba năm, sáu năm, rồi chín năm… không thấy về, bà chọn tháng bẩy ngày rằm xá tội vong nhân làm giỗ.

Giải thoát viết về sự phá sản của nghề hát chèo ở làng Ô. Cái thế “cao đầu phóng vĩ” của con Kim Bông, loài ngựa chúa, được thể hiện lại trong nhân vật Cả Miêng, hay Trùm Nhất ở làng Ô, kẻ được coi là Bố cái đại vương của làng Vân Ô, nơi ngự trị của thần tổ nghề hát chèo, trên một giải đất cao, thế đất chim Phượng cạnh dòng sông Hát – sông Đáy.

Văn Phùng Cung luôn luôn có cái uy của đất tổ, cái đẹp của nghề tổ, cái trách nhiệm của bố cái – cha mẹ – trong nhiệm vụ bảo tồn văn hoá và lịch sử.

Chắc chắn Phùng Cung có dự Đại hội Văn nghệ 1950 ở Việt Bắc, và ông là nhà văn duy nhất đã phản ảnh lại chính sách chôn sống tuồng chèo, ca trù, của đại hội, trong hai tác phẩm: Giải thoátMộ phách: “Từ nay cái nghề ca trù càn rỡ dông dài phải tự tay đào sâu, chôn chặt, không để nấm mồ, không luyến tiếc”.

Mộ phách viết về thời kỳ cấm ca trù, đập đàn đáy, chôn phách. Bi kịch của vợ chồng kép Tư Chản và Ðào Khuê cả đời gắn bó với cây đàn tiếng hát, không khỏi gợi nhớ đến Cô Tơ và Chánh Thú trong Chùa đàn của Nguyễn Tuân. Tư Chản có hai con, một trai một gái, chỉ mong sao cho chúng sau này lớn lên nối tiếp nghề tổ để được no ấm một đời. “Thằng Thuyên, con trai độc nhất, khi nó mới biết lẫy, ông đã nắn ngắm bàn tay của nó và lấy làm mãn nguyện. Ngón tay dài, ắt hẳn dài hơn tay bố, mai ngày nhẹ nhàng nhấn, vuốt dây tơ”.

Ngoài thằng con, Tư Chản chỉ còn cây đàn là quý: “Ðàn này của cụ Kép thân sinh của Tư Chản để lại”, “cụ Kép chọn gỗ, thuê thợ Kim Sa đóng cây đàn này lúc Tư Chản mới tám tuổi. Ðáy đàn bằng gỗ dâu vàng, cần đàn bằng gỗ xâng chun, trục vặn bằng gỗ sứa. Phần trên của đáy đàn, hai khoáy gỗ đối nhau như hai con mắt. Cây đàn lên tiếng ngân vang gần một nửa thế kỷ. [….] Ba ngôi âm thanh của đàn đáy “Tiếng tòng! tiếng dụng! tiếng dênh!” hợp thành đựng trong bầu đáy; nhà nghề gọi là “hồn đàn bất tử!”.

Tư Chản, coi đàn như người cha, như ông tổ, đàn là nguồn nghệ thuật và nguồn sống: “Tư Chản quan tâm đến cây đàn nằm đây như nâng giấc một người cha ốm. Trên bàn thờ sát vách bên trái, -cố để khuất mắt người lạ- cây đàn được nằm trong tư thế, dày, trục nghiêm trang. Trên đáy phủ tấm khăn the màu hoàng yến, nay đã ngả màu lõi mít che bụi và che tất cả. Ngày nào ông cũng hai lần nâng tấm khăn, nhìn kỹ toàn cây đàn. Sóc, vọng hai lần mỗi tháng; vào buổi tối, ông đều lau bụi, và bàn tay lại chạm khẽ lên dây tơ, lặng nghe tiếng xa xưa vọng lại. Ông đứng ngẩn ngơ, quên, nhớ, mông lung. Trước khi quay lưng ông không quên chắp tay thành kính vái cây đàn đủ bốn vái.”

Thế rồi thời thế thay đổi, thằng Thuyên lớn lên đi bộ đội cầm súng thay đàn… Vợ chồng Tư Chản không còn được tự do đàn hát kiếm sống như trước nữa, nhưng trong lòng vẫn “nhớ dồn thương góp”, âm thầm lấy đêm 17 tháng 8 cúng tổ tiễn thu. Họ chờ lúc trăng khuya, cổng đóng then cài, tìm lại nghề cũ, tiếng đàn chen tiếng phách, nổi chìm giọng ngâm tha thiết của những đêm xưa… “Khúc “Cung bắc” đang chơi vơi như đò chưa cập bến. Bỗng tiếng chó sủa rộ từ phía nhà thím Vượng hắt sang. Ðàn phách im bặt. Hai linh hồn đang rong ruổi quá khứ vụt trở về thực tại. Chó vẫn sủa dai dẳng. Ngờ đâu tiếng tơ, tiếng phách đã leo rào, lọt đến tai người, va vào miệng chó”.

Từ đêm đàn ca vụng trộm đó, hai vợ chồng nơm nớp lo sợ, sợ người và sợ chó, sợ cả chó người. Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Thuyên, đứa con trai duy nhất, đang đợi được kết nạp vào Ðảng, đã ra tay xử lý cây đàn. Thuyên khẳng định: cây đàn đáy chính là “đồn địch”. Và như một chiến sĩ can trường, Thuyên xông vào tóm lấy cổ “địch”:

“Thuyên hăng hái nhảy tới bên cạnh bàn thờ, tóm lấy cây đàn đáy – Cây đàn va vào vách “Cang!” một tiếng từ đàn đáy vọng ra như tiếng kêu cứu thất thanh của một tội nhân đến giờ hành quyết”.

Kêu cứu cũng vô ích, cây đàn không thoát khỏi định mệnh oan trái của mình. Sau khi bị đập tan tành, xác đàn bị hoá kiếp lần nữa: trở thành mớ củi nấu nước tắm cho cậu quý tử: “Lửa cháy vù vù dưới thùng nước tắm. Ông Chản đang loạn bước ngoài ngõ, ngoài vườn, xéo nát cả luống rau mới cấy. Tai ông nghe lửa réo và ngửi thấy mùi đàn cháy khen khét như một vật có xương có thịt. Ông thảng thốt nghe rõ tiếng đàn từ trong cháy phi ra. […] Ông hỏi vợ có nghe tiếng gì không?

Từ đấy, Tư Chản cứ trầm trầm đi tìm lại tiếng đàn, mấy tháng sau ông mất. Đào Khuê chọn ngày cúng chồng rồi tìm miếng lụa liệm cỗ phách của mình, nó tên là Kim phách. Kim phách cũng có một sử thi lẫy lừng không kém cây đàn đáy của Tư Chản. Đào Khuê mai táng Kim phách trong ngôi mộ chôn cạnh bờ ao.

Để chuẩn bị cho việc ra quyết định làm lương hưu cho Phùng Cung tôi phải đọc kỹ hồ sơ về việc bắt Phùng Cung. Sự việc phức tạp ở chuyện đổ lỗi của nhóm bạn ai tố giác Phùng Cung và còn phức tạp hơn ở chỗ nội dung một vài truyện ngắn đó có một điểm rất hệ trọng là trực tiếp ám chỉ đả kích Hồ Chí Minh. Tổng số truyện là 12 truyện. Đã in ở Canada đủ 12 truyện cùng với Con ngựa già của chúa Trịnh. Nhưng trong tuyển truyện Phùng Cung in ở nhà xuất bản Hội Nhà văn chỉ có 8 truyện được in. Những truyện không in là: Dạ ký, Kép nghề, Quản thổi, Phòng tuyên truyền địa ngục.

Nội dung tố giác và kết luận cuộc họp đấu tố nói lên ẩn dụ của Phùng Cung có ý tưởng như sau:

Trong truyện Ván cờ khai xuân nhân vật chính là ông Ba Thiềng trôi dạt đi từ bao giờ, làm gì ở đâu không ai biết. Ông bỗng nhiên xuất hiện ở làng từ trước ngày Nhật đảo chính Pháp, lúc ấy đã bước sang tuổi già nhưng còn tráng kiện lắm, giọng nói của ông hơi lơ lớ hạ phang, mán hoặc thổ… Ông Ba là một kẻ gian manh khoác bộ mặt đạo đức, ông tỏ ra là người thanh cao, giản dị, thích gần gũi mọi người và mến trẻ con. Ông giảng đạo cho con ông nhưng lại lừa đảo cả con ông, một đứa trẻ con mười hai tuổi. Bị con vạch trần âm mưu gian lận, ông xấu hổ nhưng lại dùng thủ đoạn áp chế con.

Truyện Giải thoát, nhân vật chính là Cả Miêng, trùm phường chèo và cũng là trùm cờ gian bạc lận. Cả Miêng đem đoàn chèo đi trình diễn khắp nơi được mọi người trong làng coi như là Bố Cái đại vương của làng Vân Ổ. Ông gian lận cờ bạc nhưng lại tự an ủi rằng ông đánh bạc với mục đích rất cao cả là cướp của kẻ giàu san sẻ cho người nghèo. Một đêm mùa xuân tại làng Mai Khê ông thua nhẵn trên chiếu tổ tôm, ông bèn lấy trộm tiền bạc của anh em trong gánh chèo để gỡ gạc nhưng càng đánh ông càng thua cháy túi. Sáng ra phường chèo náo loạn vì chuyện mất cắp ông lại xưng bác với mọi người, xin giữ lấy sự nhân hòa.

Cứu vớt những tác phẩm qua hoạn nạn

Nguyễn Chí Thiện nhà thơ bất đồng chính kiến bị bắt lần sau cùng năm 1979 vì đưa bản thảo tập thơ Hoa địa ngục vào Sứ quán Anh tại Hà Nội gặp Phùng Cung tại trại Phong Quang, năm 1970, Phùng Cung đang nằm bệnh xá vì bị lao phổi. Nguyễn Chí Thiện hỏi Phùng Cung:

“- Anh tù đã 10 năm rồi, anh sáng tác được nhiều không?

Anh Cung lắc đầu:

– Mấy năm đầu rầu rĩ, lo nghĩ về vợ con, không làm gì được. Sau đó có viết một số truyện ngắn trong đầu, nhưng không nhớ nổi. Đành chuyển sang thơ. Làm cũng được ít thôi, độ vài chục bài”

Phùng Quán viết: “Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ “Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán”. Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn”

Về việc bản thảo và giữ gìn bản thảo, Ngô Minh thuật chuyện được Phùng Quán dẫn đến gặp Phùng Cung lần đầu, năm 1986: “… rồi ông đứng lên mở ngăn kéo bàn lục tìm hồi lâu mới lấy ra một tập vở bé bằng bàn tay, bìa bọc giấy xi măng cáu bẩn, cầm đến đưa cho Phùng Quán: “Sau mười hai năm khổ ải, mình về với vợ con là mừng. Nghĩ đến tù đày là sợ lắm.” Phùng Cung trầm ngâm: “Quán ạ, mình cố quên hết văn chương. Nhưng không sao quên được. Đêm ngủ thơ nó cứ kéo về trong mộng. Thế là mình thủng thẳng ghi lại từng ngày. Như là viết nhật ký. Đây là những bài thơ nho nhỏ về chuyện quê nhà. Nhưng bây giờ thì gay rồi. Hôm qua chú công an khu vực đến chơi nhà, bỗng dưng chú cười hỏi: “Chào bác Phùng Cung, nghe nói dạo này bác lại viết thơ nữa à?”. Chỉ câu hỏi vui thế mà làm mình nổi da gà. Sợ quá. Tập thơ này toàn hình ảnh quê, mình viết để giải khuây, không có “chuyện gì” trong đó cả. Nhưng nếu mà họ thu mất thì tiếc lắm. Nên Quán cứ giữ hộ cho mình cho chắc.”

Phùng Quán đưa cho tôi xem tập thơ chép tay. Tập vở mỏng, giấy học trò đen hùn. Trong đó mỗi trang chép một đến hai bài thơ, bài nào cũng ngắn, có bài chỉ hai ba câu, bốn năm câu giống như thơ Haiku của Nhật Bản, nét chữ Phùng Cung viết bằng bút chì rất nắn nót, hoa tay, nhưng không ghi tên tác giả. Tôi liếc bài thơ hai câu đầu tiên nhan đề là “Bèo”, bỗng nổi da gà: Thơ ghê quá, bất ngờ quá:

Lênh đênh muôn dặm nước non

Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

Trên đường về lại Hồ Tây, tôi bảo anh Quán: “Anh để em giữ tập thơ này cho. Anh giữ cùng chưa chắc an toàn”. Anh Phùng Quán đồng ý. Thế là tôi mang vào Huế.

Tôi đã chọn hai chùm thơ Phùng Cung và đưa tập thơ viết bút chì của Phùng Cung cho nhà văn Nguyễn Khắc Phê, lúc đó là phó Tổng biên tập Sông Hương, sau này một giai đoạn là Tổng biên tập. Tạp chí Sông Hương năm 1988 đã hai lần giới thiệu thơ Phùng Cung với những bài như “Nghiêng lụy”, “Bèo”, “Người làng”, “Chiếc lá rụng”, “Cô lái đò”, rút trong tập thơ chép tay bằng bút chì ấy. [….] Một lần nữ nhà văn Hà Khánh Linh ở Huế ra Hà Nội, anh Phùng Quán cũng dắt đến thăm nhà thơ Phùng Cung ở Bưởi. Buổi trưa hôm đó Phùng Cung, Phùng Quán và ông Nguyễn Hữu Đang mời cơm nữ sĩ Hà Khánh Linh. Tại bữa cơm ấy Phùng Cung cũng đưa cho Hà Khánh Linh một tập thơ chép tay như thế, nhưng viết bằng bút mực, chứ không phải bút chì [….] Mới hay, gửi cho bạn bè giữ hộ là cách “lưu trữ” thơ của Phùng Cung. Ông phải chép thành nhiều bản để đề phòng bị mất”.

Xuất hiện trở lại trên văn đàn

Như vậy, lần đầu tiên Phùng Cung xuất hiện trở lại, là trên báo Sông Hương ở Huế năm 1988, với các bài thơ Nghiêng lụy, Bèo, Người làng, Chiếc lá rụng, Cô lái đò.

Về cuối đời Phùng Cung quan hệ của ông với Nguyễn Hữu Đang và Phùng Quán thân thiết như anh em ruột thịt. Họ nương tựa giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần. Tập thơ Xem đêm ra đời được là nhờ tình nghĩa cao cả của họ.

Phùng Quán viết trong bài Hằng Nga thức dậy:

“Tôi thường đạp xe từ Nghi Tàm lên phố Mai Hắc Đế thăm anh, khi mang cho con diếc, con trôi vừa câu trộm được, khi mang bó rau muống cấy ở vệ hồ. Trong khi đó, thật bất ngờ, anh sáng tác thơ. Đọc thơ anh, có bài chỉ vài ba câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp xao xuyến tận đáy lòng – những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn mà không thấy. Mới đây, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trích quỹ sáng tác của Hội làm món quà tặng sáu hội viên (trong đó có tôi) đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong 30 năm qua. Hội in cho mỗi người một tập thơ bao cấp, tác giả tự chọn những bài thơ vừa ý trong thơ mình, dày từ hai trăm trang trở lại. Năm anh bạn đang dựng bản thảo. Tôi cả đời chưa bao giờ được in riêng một tập thơ càng hăm hở chuẩn bị. Và bản thảo đã chuẩn bị xong, chỉ còn mang đến nộp. Trước khi nộp tôi đem đến anh Cung để tranh thủ một vài nhận xét. Nhân dịp này tôi đã dại dột đọc lại tập thơ tích lũy của anh. Đọc xong, lòng hăm hở của tôi chùng lại. Tôi không còn muốn in thơ nữa. Tôi tự nhủ: in làm gì khi chưa có cặp mắt biết nhìn như Phùng Cung?

Thoảng mùi ruộng ải

Thóc giống cựa mình

Nắng vắt ngọn tre đuôi én

Đủng đỉnh điệu cu cườm

Lay nhịp gió may.

(Mùa gieo mạ)

Dưới mắt anh, cảnh vật hiện ra sinh động đến thế! Ngòi bút của tôi đâu còn dám đua chen. Thấy tôi chán nản, anh Cung động viên khéo:

“Thời cơ chế thị trường, dư luận khách hàng mới là khuôn vàng thước ngọc. Hãy cứ cho ra rồi lắng nghe dư luận”.

Trái với tình thế của tôi có điều kiện in rồi mà còn đắn đo, tình thế của anh Cung lại là muốn in mà không có điều kiện. Anh dí dỏm gọi mỉa mai tập bản thảo thơ anh là “Hằng Nga ngủ trong rừng”.

Như mọi người đã thấy, ngày nay ở nước ta xuất bản thơ là việc không mấy khó khăn lắm. Bạn muốn in thơ? Xin mời! Cứ việc bỏ tiền ra mà in. Nhà xuất bản chỉ có thể tham gia bằng cách chịu một phần trách nhiệm về nội dung và đứng ra xin giấy phép xuất bản, với điều kiện bạn trả tiền lệ phí. Một nhà thơ nghèo như Phùng Cung, năm nay đã sáu mươi nhăm tuổi có lẽ đến lúc “chọn đất sạch dọn mình vào vĩnh viễn” cũng không hy vọng thơ mình được người đọc thưởng thức qua những dòng chữ in. Hằng tháng chỉ với mâm cơm gia đình “bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa” cộng thêm vài chục nghìn tiền điện, dăm nghìn tiền nước, chị Thoa vợ anh cũng đã phải tất tả chạy “giật nóng” quanh bà con lối xóm. Thơ anh đành nằm chờ…

Nhưng tôi quyết tâm in bằng được thơ anh. Tôi sẽ đi khắp Trung, Nam, Bắc đọc rong thơ của anh và quyên góp tiền. Tôi ước tính muốn có đủ tiền để in hai trăm bài thơ ngắn, tôi sẽ phải đọc thơ và quyên tiền đến một năm, trong khi đó bao nhiêu chuyện có thể xảy ra làm cho công việc thêm phức tạp.

Quá trình phấn đấu hẳn phải chia thành nhiều đợt đi đi về về. Nhưng tôi đã gặp một chuyện bất ngờ. Một hôm trong bữa cơm gia đình có anh Nguyễn Hữu Đang dự, tôi nói:

– Em sắp đi xa, vắng nhà chừng khoảng một năm. Anh nhớ luôn luôn đến nhà em ăn cơm với vợ con em cho vui.

– Chú có công chuyện gì mà phải đi xa nhà lâu thế?

– Em đi dọc thơ rong, quyên góp tiền để in cho anh Phùng Cung tập thơ. Cả một đời gian khổ vì cái nghiệp bút mực, anh ấy chỉ có một ước vọng được in một tập thơ để tặng bạn hữu và góp mặt với đời trước khi vĩnh biệt chúng ta.

– Tôi gặp chú Cung luôn, sao không thấy chú ấy nói chuyện này với tôi?

– Anh Cung không nói, em cho là anh ấy nghĩ có nói anh cũng không giúp được gì, chỉ làm anh thêm bận tâm.

– Tập thơ chú Cung đâu, chú đưa tôi xem.

Anh Đang chăm chú đọc hết tập thơ. Anh khẽ gật đầu có mái tóc ngắn quen thuộc nói:

– Tôi không ngờ thơ chú Cung khá thế. Theo tôi còn khá hơn văn xuôi chú ấy. Bây giờ thế này chú Quán nhé: chú không phải đi đâu hết. Tôi sẽ cho chú Cung tiền để in tập thơ. Tôi trợn tròn mắt:

– Thơ không rẻ như bèo đâu anh ơi? In một tập thơ vài trăm trang với hình thức chỉ xoàng xoàng thôi, anh có biết phải mất bao nhiêu tiền không? Từ hai triệu đến hai triệu rưỡi đấy!

Tôi tưởng anh tái mặt tưng hửng trước số tiền mà tôi thông báo. Anh vẫn bình tĩnh lật lật những trang thơ, đọc lại một vài bài vừa rồi chưa đọc kỹ, rồi chậm rãi nói:

– Tôi sẽ cho chú Cung đủ tiền để in dù có tốn như chú vừa nói.

Không để tôi hỏi anh lấy đâu ra tiền, anh giải thích luôn:

– Tôi cho chú ấy dùng tất cả số tiền tôi dè sẻn từng đồng dành dụm được trong hai mươi năm qua, nhất là từ bốn năm trở lại đây tôi có lương hưu, lại được những anh chị em cùng hoạt động hồi Mặt trận Dân chủ, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Văn hóa cứu quốc, các đội Tuyên truyền xung phong chống Pháp, ngành Bình dân học vụ cùng những bạn bè xa gần, biết tôỉ còn sống và nghèo khổ, kẻ ít người nhiều họ gửi tiền đến giúp đỡ. Ngoài những khoản chi tiêu cần thiết hằng tháng, còn lại bao nhiêu tôi gửi tất cả vào quỹ tiết kiệm ngân hàng, phòng xa phải dựng túp lều khi không còn ai cho ở nhờ, phòng xa lúc ốm nặng kéo dài, phòng xa cả lúc chết nữa. Nhờ vậy mà số tiền tiết kiệm của tôi cho đến hôm nay đã lên đến hơn bốn triệu đồng. Sổ tiết kiệm đây…

Anh móc túi áo bộ đội cũ mặc bên trong, lấy ra cuốn sổ bọc trong ba lần giấy nhựa bóng, chằng ngang, dọc bốn dây cao su. Anh đặt sổ trước mặt tôi và bảo:

– Chú giữ lấy. Tôi sẽ làm giấy uỷ quyền cho chú rút tiền ra sử dụng. Nếu số tiền này chưa đủ, tôi sẽ về quê đòi vài tạ thóc cho vay, bán đi rồi gửi thêm tiền cho chú. Tôi yêu cầu tập thơ phải in thật đẹp, mà đẹp giản dị, chứ không rườm rà, lòe loẹt như nhiều tập thơ đang bày bán.

Không hiểu sao nghe anh nói tim tôi hồi hộp và cổ tôi như nghẹn ngào. Tôi được quen biết anh đã gần bốn mươi năm nhưng cho mãi tới hôm ấy tôi mới thật hiểu anh là người như thế nào. Nguyễn Hữu Đang là người nếu chi dùng cho bản thân thì một trăm đồng ba quả khế chua để gội đầu (thay chanh mà anh vẫn sợ đắt) cũng tiếc tiền, bất đắc dĩ mới phải mua, nhưng đã là việc nghĩa hiệp thì sẵn sàng san sẻ đến đồng tiền cuối cùng.

Thế đấy. Nếu bản thảo thơ Phùng Cung là “Hằng Nga ngủ trong rừng” thì tấm lòng trợ giúp vô tư của Nguyễn Hữu Đang chính là “Hoàng Tử đẹp trai” đến đánh thức.”

Về những ngày sau khi ra tù của Phùng Cung con trai thứ hai của ông viết:

“Tháng 11. 1972, vẫn đang chiến tranh, mẹ tôi theo cơ quan sơ tán về Hà Bắc thì hay tin bố tôi đã được tha về. Mẹ tôi không thể nào tin nổi vì nghĩ rằng bố tôi là đối tượng biệt giam, sao lại được tha về trong lúc chiến tranh ác liệt như vậy. Mẹ tôi vội xin phép cơ quan để về gặp bố tôi, khi nhìn thấy bố tôi gầy yếu, mẹ tôi xúc động rơi nước mắt. Bố tôi được tha về cùng với hai người khác, họ đều là đối tượng đặc biệt như bác Vũ Thế Hùng bên công giáo và ông Doãn tỉnh trưởng Vĩnh Yên cũ.
Sau những mừng vui sum họp của bao nhiêu năm cách biệt là những nỗi lo toan vất vả mới của chuyện cơm áo đời thường đè nặng lên gia đình chúng tôi. Bố tôi được tha về nhưng không có công ăn việc làm gì, hơn nữa bố tôi cũng còn rất yếu. Ðang lúc túng quẫn, bố tôi có gặp lại người bạn cũ đang mở một xưởng cơ khí nhỏ. Bác ấy tới thăm và mời bố tôi đến làm cùng. Nhưng thời gian làm ở đó cũng chẳng được bao lâu vì bố tôi từ khi ở trại về mang theo nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh dạ dày liên tục hành hạ bố tôi. Gia đình trở nên túng thiếu vô cùng. Những thiếu thốn về vật chất đã đành nhưng khổ tâm nhất là từ khi bố tôi được tha về, chẳng có quan hệ với ai cũng như chẳng ai dám quan hệ với bố tôi. Thế mà không tuần nào, tháng nào là không có cán bộ của công an đến nhà thẩm vấn: hôm nay đi những đâu? gặp những ai?… đến mức nhiều khi mẹ tôi nói với bố tôi: “Thà họ cứ bắt quách anh trở lại còn hơn, chứ thế này em thấy căng thẳng quá, không sống nổi.” Thậm chí có lần họ chỉ ngồi với bố tôi hàng giờ, thỉnh thoảng mới hỏi dăm ba câu, ngồi chán thì họ về.
Mẹ tôi nhớ có nhiều hôm, họ đến nhà và sau khi quay ra còn đưa cho bố tôi mảnh giấy hẹn, buộc bố tôi buổi tối phải đến gặp lãnh đạo của họ đặt tại các trụ sở khác nhau ở Hà Nội. Những lần như vậy mẹ tôi rất lo và sợ, có lần phải cho cả tôi đi theo cùng với bố tôi. Ðến nơi mẹ tôi và tôi đứng đợi ngoài cổng để một mình bố tôi vào. Chờ lâu quá, trời lại khuya mà vẫn không thấy bố tôi ra, mẹ tôi bảo tôi chạy vào gọi bố. Hai ba lần như vậy cho đến khuya bố tôi mới được ra về. Mẹ tôi lo lắng hỏi lại bố tôi xem họ hỏi những gì thì chỉ thấy bố tôi nói: “Họ hỏi đủ thứ chuyện, nhưng anh chẳng ngại. Anh có đủ kinh nghiệm khi phải đối đầu với bọn họ”.
Từ ngày ra tù, bố tôi sống như người bị câm, hầu như không quan hệ với ai ngay trong các bạn văn quen biết cũ. Những người trực tiếp “tố” bố tôi ngày xưa đều cảm thấy hối hận về việc làm của mình và xin lỗi bố tôi. Có một lần nhân dịp bố tôi và bác Phùng Quán đứng ra tổ chức lễ mừng “sống dai” cho ông Nguyễn Hữu Ðang (ông Ðang là cán bộ văn nghệ, ông cũng bị giam giữ 18 năm – Lúc này ông đã 81 tuổi), bạn bè văn nghệ đến rất đông. Nhiều người quen biết cũ nghe tiếng tìm đến tham dự, ông Lê Ðạt cũng đến đứng cạnh và nói với bố tôi: “Cung ơi, dù có thế nào tao vẫn là bạn mày, tao có lỗi với mày. Có gì, mày cứ gọi tao ra mà mắng”. Từ đó về sau, mối quan hệ của bố tôi với các bạn cũ có phần cởi mở hơn. Và mãi sau nầy, ông Hoàng Cầm cũng tìm trở lại nhà và muốn nối lại thân thiết với bố tôi như xưa. Còn ông Nguyễn Hữu Ðang, với gia đình bố tôi là chỗ để cho ông lui tới thường xuyên, ông không có gia đình và ông coi bố mẹ tôi như anh em ruột thịt trong nhà.
Từ khi bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác rồi bị bắt đi tù cho đến lúc được tha về, bố tôi không hề được nhận bất cứ trợ cấp nào. Mãi đến năm 1990 tức là 30 năm sau, bố tôi mới có quyết định phục hồi của Ban tổ chức Trung ương Ðảng để làm lại sổ lương (hai người chung một quyết định là bố tôi và ông Ðang). Lúc đầu, bố tôi cương quyết không nhận chế độ lương bổng này, nhưng rồi có sự động viên của bác Phùng Quán và một số cán bộ khác của Hội, bố tôi mới chịu nhận. Mức lương trợ cấp cố định hàng tháng là 35.000 đồng, với số tiền ấy đủ để đong thêm vài chục cân gạo. Và đúng sau thời kỳ “đổi mới” này, công an Hà Nội mặc dù vẫn thường xuyên đến thăm hỏi nhưng với tinh thần và thái độ thì cởi mở, xem ra thân thiện hơn trước”.

Xin nói thêm Phùng Hà Phủ có vợ là con gái đạo diễn Trần Vũ, đã mang được bản thảo của Phùng Cung sang Canada. Anh đã mất đột ngột ở trong nước.

Tháng 1- 2024

Comments are closed.