Quỷ vương ((tiểu thuyết – kỳ 5)

Vũ Ngọc Tiến

VU NGOC TIEN.QUY VUONG (1)

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

7. Xuân Tây Thi xuất ngoại

Xuân bước xuống sân bay quốc tế Chek Lap Kok – Hồng Kông lúc chập tối, không thấy con gái Tường Vi ra đón. Nó bây giờ mang hai quốc tịch Mỹ và Việt Nam nên còn có tên trong hộ chiếu Mỹ là Vera Nguyen. Đó là tên Mỹ gốc cả Nga lẫn Việt.

Hồi còn ở Mát, hai mẹ con thường hay gặp các cô gái Nga có tên dễ thương Ta-nia, Na-ta-lia, Vê-ra… Họ thực hồn nhiên, chân thực và đáng yêu biết bao. Tường Vi cũng giống như đa phần trí thức ngoài Bắc vẫn còn lưu luyến nước Nga, yêu con người Nga nên khi nó chọn tên mới Vera Nguyen mình tán thành ngay.

Không như với người Nga, nó rất dị ứng với mấy ông tàu khựa. Cái thằng Hứa Văn cũng thật quá đáng. Hắn gặp con gái mình xinh đẹp, rực rỡ như đóa tường vi chớm nở lại dám cả gan bờm xơm, tính hoa thơm đánh cả cụm chăng. Đừng có tưởng bở, bà chỉ coi mày như cái máy đếm tiền, lên giường với mày như ngày xưa lên giường với hai thằng Nga ngố ở “Mát” thôi…

Xuân nghĩ vậy, khẽ nhếch mép cười, đẩy xe hành lý, xách túi da cá sấu bước ra cửa đã thấy A Hứa cầm hoa đứng đợi ở sảnh. Hắn nom gầy gò, khô đét, người thấp bé nhẹ cân. Cặp đít chai dày cộm đeo ở mắt chắc cỡ 7 hay 8 đi-ốp chứ không ít. Nàng nhận hoa, liếc mắt đưa tình với A Hứa chợt liên tưởng đến A Trương cao lớn ục ịch, cái bụng tròn to như thùng nước phở. Hai đứa mà đứng cạnh nhau giống như Tôn Ngộ Không với Trư Bát Giới trong phim Tây du ký có bài hát Xin hỏi con đường khá hay.

Lúc nhỏ ở K, Tường Vi rất thích nghe bài hát này. Có lẽ vì biết A Hứa sẽ ra sân bay đón nên con bé gớm cái bản mặt ấy, không chịu ra đón mẹ. Thôi được, đành đợi về khách sạn hai mẹ con sẽ nói chuyện sau. Nàng nghĩ vậy và theo A Hứa ra xe chạy băng băng trên đại lộ, hướng về phía bờ Nam vịnh Victoria, nơi có Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Hồng Kông nổi tiếng thế giới.

Liền một khối với khu nhà liên hợp đồ sộ cửa kính khung nhôm dành cho Hội chợ Triển lãm là hai tòa cao ốc nguy nga tráng lệ: một bên là khách sạn Hoàng Đế, còn bên kia là tòa cao ốc văn phòng, có rất nhiều công ty từ đại lục sang hoặc từ nước ngoài đến thuê mở chi nhánh. Hai tòa nhà này có chung một hoa viên rực rỡ cờ và hoa các loại quanh năm khoe sắc. Ở giữa hoa viên, phía trước sảnh mỗi tòa cao ốc, thay cho bức tường phong thủy còn có đơn nguyên kiến trúc độc đáo.

Bên khách sạn là bức phù điêu khổng lồ mô tả lại tích Càn Long du Giang Nam với những đường nét chạm khắc tinh tế và điêu luyện. Bên tòa cao ốc văn phòng là tấm bảng chỉ dẫn điện tử cỡ lớn, liên tục hiện lên cả một rừng tên và số tầng, số phòng của vài chục công ty lớn nhỏ, mỗi lần hiện 5 công ty nền xanh chữ đỏ bằng Anh ngữ và Hoa ngữ, nhấp nháy lâu chừng nửa phút.

Trên tầng 21 của cao ốc đó có hai công ty thuê bao đã được 5 năm: Vera Company Limited của Tường Vi mang quốc tịch Mỹ và Zola Company Limited của A Hứa, do vợ hắn có quốc tịch Canada đứng tên làm chủ.

A Hứa muốn mời Xuân ghé qua trụ sở chi nhánh của hai công ty, nhưng nàng lắc đầu đòi về khách sạn vì nôn nóng gặp con gái.

Tường Vi đang ngồi chờ mẹ ở sảnh khách, nhâm nhi ly café Capuchino. Thoáng thấy Xuân, cô lao nhanh ra cổng, ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con mừng rỡ, hỏi han ríu rít. Vi hơi gầy và xanh, nhưng vẫn đẹp lộng lẫy đầy sức quyến rũ, không hổ danh là con gái người mẹ có biệt danh Xuân Tây Thi này. Nàng khẽ mỉm cười tự mãn, thầm nghĩ…

Tường Vi đưa mẹ lên phòng tắm rửa, nghỉ ngơi rồi ăn cơm tối ở nhà hàng đặc sản trên tầng 36, vừa ăn vừa ngắm vịnh Victoria lung linh trong bóng đêm huyền ảo.

Xuân ăn không thấy ngon miệng vì trong đầu bộn bề những lo toan, suy nghĩ về những biến đổi bất thường gần đây của con gái. Nó nhiều lần gọi điện cho mẹ, tỏ ý cương quyết không ký tiếp các hợp đồng mua gạo của Việt Nam theo bài bản mà Xuân và Hứa Văn lâu nay dày công xếp đặt. Nó còn quả quyết đó là một tội ác với những nông dân miền Tây Nam bộ.

Dù Xuân đã dùng đủ mọi cách giải thích, khuyên nhủ, nhưng nó vẫn khăng khăng không thay đổi những ý định điên rồ nên nàng mới phải có mặt ở đây, giữa lúc Quyền đang rất cần nàng giúp sức trong cuộc đấu đá nội bộ ở tỉnh K.

Lúc đi Quyền dặn: “Em cố gắng thu xếp thật ổn vụ cháu Vi. Bọn trẻ bây giờ được đi Âu- Mỹ học hành là dễ nhiễm tư tưởng dân chủ phương Tây, khó tẩy não lắm!…”.

Trong lúc chờ thức ăn mang lên, Xuân nhấp mấy hớp rượu vang, nhỏ nhẹ nói với con:

– Mẹ buồn lắm, Vi ạ!

– Con có làm điều gì thất đức để mẹ phải buồn đâu- Vi đáp lạnh tanh.

– Nhưng con làm thế là lỡ hết việc làm ăn của mẹ. Bác Quyền và bác Uy cũng vì chuyện của con mà như ngồi trên đống lửa.

– Con biết công ty Vê-ra chỉ là chân rết của tập đoàn Bil-Kel. Bác Uy là nhà doanh nghiệp không tính, nhưng bác Quyền là quan chức thì phải yêu dân, ủng hộ quan điểm của con chứ lo cái nỗi gì?

– Đã làm ăn thì phải có lãi, con học nhiều chắc thừa biết thương trường là chiến trường, chỉ có khôn sống mống chết, không lý tưởng hão huyền được.

– Nào con có dám đòi hỏi nhiều nhặn gì cho cam. Con chỉ yêu cầu ta nâng giá mua gạo vụ mùa tới lên vài giá lẻ…

– Kinh doanh tất phải hạch toán, con đòi nâng giá lấy tiền đâu bù vào?

– Thì mẹ bảo bác Quyền, bác Uy cắt béng cái khoản hoa hồng, đút lót cho các ông bà ở Anna Food, ở các công ty con của Anna Food như Bali Food, Soti Food, Vaco Food… lấy tiền bù vào. Một bầy “chuột Food”, mẹ ơi! Con nghe nói có nhà sử học Bùi Hiếu Dân, bạn của vợ bác Quyền viết sách gọi vua Tương Dực là Trư Vương nước Việt. Trong cái vương quốc ngành gạo bọn họ là Thử Vương, một thứ Vua Chuột tập thể đấy mẹ ạ!

– Thế sao được. Ở đời ông không mất chân giò bà sẽ không thò chai rượu.

– Mẹ lầm rồi. Từ lâu họ đã rơi vào cái bẫy của lão A Hứa, giờ quẫy không ra được đâu. Ta nói mình cần tiền nâng giá mua gạo cho nông dân đỡ khổ cơ mà. Họ không dám chửi ta bội tín, còn muốn mở cũi làm ăn với đối tác khác, họ trót rời bỏ bạn hàng quá lâu giờ nối lại đâu có dễ. Mặt khác, muốn mở hướng làm ăn với châu Phi thì giá cước vận chuyển Việt Nam đắt hơn các nước khác cỡ 15 đô một tấn, nếu phải xuất giá CIF tại cảng biển Bắc Phi làm sao có thể cạnh tranh được với Thái Lan hay Ấn Độ ?…

– Mẹ hết cách với con rồi Vi ơi, thương mẹ với!

– Nói thật, con muốn bóp mồm mấy con chuột bự ấy cho lè cơm ra, trả miếng ăn lại cho bao nhiêu con người khốn khổ là cách con thương mẹ, yêu kính bác Quyền, bác Uy tốt nhất. Con không thay đổi ý kiến đâu.

Xuân nhìn con thở dài. Bữa ăn tẻ nhạt và buồn chán vô hạn. Nàng nhai cơm như nhai rơm, nuốt không trôi. Tường Vi cũng ăn vội qua bữa rồi lầm lỳ bỏ ra quầy bar uống rượu nặng và nghe nhạc Jazz.

Một mình lững thững quay về phòng, Xuân như bị phát ban, nóng ran và ngứa ngáy khắp người. Nàng vào buồng tắm tẩy trang, lau qua người và thay bộ đồ ngủ bằng lụa Giang Tô màu mỡ gà rồi vén màn, mở cửa sổ ngắm nhìn vịnh Victoria. Xa xa nổi lên quầng sáng đẹp của tấm bảng quảng cáo đèn màu rất to trên bờ Kowloon đối diện. Song lúc này nàng chẳng còn thiết ngắm cảnh nữa. Xuân lên giường nằm thượt, suy nghĩ mông lung.

Bộ đồ ngủ này do Hứa Văn tặng hôm nàng từ California dự lễ tốt nghiệp của con gái về nước đã ghé qua thành phố Côn Minh bàn kế hoạch thành lập Vera Company Limited. Hôm đó, A Hứa hớn hở nói:

– Anh nóng lòng đợi Xuân mấy tuần nay như đứng ngồi trên tổ kiến lửa.

– Có chuyện gì thế?

– Em về báo cáo ngay cho A Quyền, A Uy đầu tư cho con gái em lập công ty trách nhiệm hữu hạn bên Mỹ rồi mở chi nhánh ở Hồng Kông, chuyên nhập gạo của Việt Nam.

– Em vẫn chưa rõ, anh nói cụ thể ra xem nào.

– Bắc Kinh vừa ra chỉ thị ngừng nhập gạo của Việt Nam theo đường chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc mà đẩy mạnh nhập theo đường tiểu ngạch được quản lý chặt thông qua biên mậu. Đây chẳng qua là độc chiêu của mấy ông vua lúa gạo đệ trình lên chính phủ trung ương chứ nhu cầu nhập gạo của Trung Quốc chỉ có lên chứ không xuống bao giờ. Anh với em phải cùng phối hợp nhập gạo của Việt Nam về ba tỉnh thành Vân Nam, Quý Châu và Trùng Khánh là địa hạt của anh, sẽ thao túng dễ dàng.

– Dào ôi!… Buôn bán cò con mỗi ngày mấy xe gạo xuất tiểu ngạch em không thèm đâu, ăn chẳng bõ dính răng- Xuân bĩu môi.

– Em khờ quá! Cỡ chúng mình lại thèm buôn kiểu cò con thế ư?

– Vậy anh tính toán cách nào cứ nói cụ thể, ỡm ờ mãi làm em sốt cả ruột.

– Nhu cầu nhập gạo của Trung Quốc mỗi năm khoảng trên dưới 2 triệu tấn của Việt Nam và Thái Lan. Tin tình báo kinh tế cho anh biết giá gạo 0,5% tấm của Việt Nam thấp nhất thế giới, dao động trong khoảng 395- 415 đô mỗi tấn, nhưng về Trung Quốc có thể bán 635 đô. Em thử tính xem mỗi năm chỉ cần 1 triệu tấn gạo nếu ta độc quyền nhập từ Việt Nam về Trung Quốc bán sẽ lãi biết chừng nào. Tuy thế, nếu anh lộ mặt ra tranh phần với các vua lúa gạo trong nước sẽ bị họ đánh hội đồng cho tan xác pháo.

– Và anh đang cần Bil- Kel của em đầu tư cho Tường Vi lập công ty để cùng anh vào cuộc?

– Đúng thế. Trước hết phải khóa chặt các hộ tiêu thụ của Anna Food ở tất cả các thị trường quen thuộc là Philippines, Indonesia, Malaysia, Iran…

– Khóa bằng cách nào?

– Ta chào hàng cho khách quen của họ giá thấp hơn 5 đến 10 đô một tấn, sau đó mua hàng của chính Anna Food giao cho khách.

– Lỗ này ai chịu cho ta?

– Năm đầu ta chấp nhận có thể sẽ lỗ hoặc hòa vốn, nhưng cũng vẫn có thể lãi ít, đủ chi phí năm đầu cho công ty. Về điểm này anh sẽ nói sau.

– Nhưng vốn lớn và đầu vào đầu ra chưa có, em sợ không kham nổi.

– Trước hết nói về vốn. Cả anh và em đúng ra là em đại diện cho Bil- Kel đều đã đến lúc cần chuyển dần tài sản sang Mỹ hoặc Canada. Anh đã chuyển hết gia đình sang định cư ở Canada là nước không có hiệp định dẫn độ với các nước khác và đã lập được công ty vận chuyển tàu biển riêng, chuyên chở phôi sắt và phân bón sang Việt Nam. Giờ em chỉ cần thuyết phục A Quyền, A Uy chuyển một phần vốn đủ lớn cho con gái em lập công ty mua bán gạo ở Mỹ, sao cho khi ký kết hợp đồng có đủ tiền ký quỹ vào ngân hàng trung gian đề phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế. Số vốn còn lại, anh sẽ lo chạy để Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chi nhánh Vân Nam đứng ra bảo lãnh cho chi nhánh công ty của Tường Vi ở Hồng Kông. ICBC là ngân hàng thương mại có vốn thị trường hóa và lợi nhuận kinh doanh lớn nhất nhì thế giới. Nó tổng cộng có 203 đơn vị trực thuộc và chi nhánh tại 28 quốc gia, hình thành hệ thống mạng tín dụng toàn cầu hóa ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Một ngân hàng cỡ ấy đứng ra bảo lãnh cho một công ty Mỹ nhập khẩu gạo, có chi nhánh tại Hồng Kông thì còn ai dám ngờ vực về tiềm lực đối tác nữa.

– Tuyệt vời!… Em bắt đầu chết mê với kế hoạch của anh rồi đấy.

– Chưa hết đâu, còn chiêu này nữa mới tuyệt. Người của anh nằm trong giới doanh nhân buôn bán lúa gạo có máu mặt ở Sài Gòn đã cung cấp cho ta danh mục gồm 15 khách hàng lớn của Anna Food và các công ty con ở các thị trường ngoài Trung Quốc vừa nói ở trên. Với tài giao thiệp siêu đẳng của Xuân Tây Thi mà cầm danh mục này đi phô diễn khắp thế giới để ký hợp đồng giao hàng giá CIF tại cảng nước họ vừa rẻ lại vừa tiện lợi hơn Anna Food thì dễ như thò tay vào túi áo, chạy đâu cho thoát. Khi đã khóa chặt các đầu ra của Anna Food trên thế giới, biên mậu bọn anh lại chỉ thị cho thông quan nhỏ giọt, các xe chở gạo tất bị ùn ứ ngày đêm tại cửa khẩu phía Bắc. Lúc đó nàng Xuân Tây Thi của anh dắt tay con gái nhân danh công ty Mỹ có chi nhánh tại Hồng Kông xuất hiện ở bàn đàm phán, mua gạo giá thấp hơn họ thường xuất một chút, lại mua theo giá FOB ở mạn tầu tại cảng Sài Gòn, không những thế còn cho họ tí hoa hồng thì mẹ con em sẽ là tiên nữ giáng trần cứu họ khỏi vỡ nợ. Về tàu nhận hàng, hãng tàu biển Zola Company Limited của vợ anh từ lâu đã thuê hẳn đội tàu 3 chiếc của Hà Lan có tải trọng 10 vạn tấn, lúc đi chở phân bón, phôi thép cho Việt Nam, lúc về chở gạo, tiện cả đôi đường. Năm đầu ta ăn ít, đủ chi trả mọi chi phí còn từ năm thứ hai, em muốn giá nào họ chẳng phải nghe, miễn sao họ vẫn có hoa hồng. Giá càng thấp, tiền bo cho họ càng lớn, thế thôi.

– Cái điều mấu chốt cuối cùng em muốn hỏi lời lãi ăn chia thế nào?

– Cái này phải rất tế nhị và kín kẽ, quyết không thể hở ra cho các lão bản trong nước của anh biết được là chết chắc. Bề ngoài anh chỉ là môi giới ăn chia với chiến hữu trong nước, còn phần lợi nhuận của em là bọn anh sẽ ký hợp đồng mua hàng với công ty của Tường Vi nhưng giá sẽ được đôn lên bằng giá bọn anh nhập gạo của Thái Lan cùng loại, thường chênh với giá trước đây đã mua của Anna Food từ 20 đến 30 đô một tấn. Ngoài ra em có thể lấy lãi từ chỗ dìm giá em mua của Anna Food tại cảng Sài Gòn, tất nhiên khoản này em phải ăn chia với họ thôi. Như vậy chí ít em cũng có lãi 30 đô một tấn. Nhu cầu nhập gạo của Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh do bọn anh thao túng được mỗi năm khoảng nửa triệu tấn, có nghĩa mặt hàng gạo cho em lợi nhuận ít nhất là 15 triệu đô mỗi năm. Muốn hơn nữa còn do tài của em làm luật với bạn bè, chiến hữu ở Anna Food, nhất là các Food địa phương…

Xuân nằm ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Vera Company Limited không khỏi bồi hồi sung sướng bởi lợi nhuận kiếm được trừ năm đầu ra, 4 năm tiếp theo thu về lớn hơn dự tính của nàng và A Hứa rất nhiều. Anna Food, nhất là các công ty con đều ít vốn, chịu áp lực về lãi suất ngân hàng nên họ rất sợ phải xuất giá CIF tại cảng bên mua, làm ăn với công ty Vê-ra được xuất giá FOB tại cảng Sài Gòn, lại có thể ăn chia tùy thích nên giá cả do công ty Vê-ra muốn thế nào được thế ấy.

Trụ sở chi nhánh Vera Company Limited đặt ở tòa nhà AIA màu hồng, nằm ngay chân cầu Ông Lãnh luôn tấp nập khách đại gia lúa gạo miền Tây đến chào mời lôi kéo. Tòa nhà này còn có cái chợ Nga ở tầng trệt nổi tiếng khắp thành phố.

Tường Vi là thế, hễ có dịp là nó không nguôi nhớ Mát, nhớ nước Nga. Tuy vậy mình biết con gái thường hay buồn, một nỗi buồn âm ỉ khó tả. Có lẽ vì mặc cảm tội lỗi với nông dân miền Tây nên nó hay đi du lịch sông nước, kết hợp làm từ thiện ở các địa phương nghèo, mỗi lần chi hàng chục ngàn đô. Về phần Xuân, vẫn biết lợi nhuận của mình chỉ bằng cái móng tay so với lợi nhuận của A Hứa và các chiến hữu ngành gạo của anh ta trong địa bàn Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và trong cả ICBC nữa. Nhưng nàng tự nhủ, trong vụ hợp tác làm ăn này họ ở thế kèo trên, mình ở kèo dưới, được họ cho ăn bấy nhiêu cũng đã là quá tốt…

Những ngày lưu lại ở Hồng Kông, Xuân cố thuyết phục Tường Vi, gần như van vỉ với con gái. Cuối cùng Tường Vi chịu hứa sẽ làm giám đốc Vera Company Limited thêm một năm nữa để ký hợp đồng mua gạo của Anna Food, sau đó sẽ nghỉ hẳn để học tiếp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở đại học Berkeley California, giao hẳn công ty cho mẹ quản lý.

A Hứa nói sẽ nhờ cộng đồng người Mỹ gốc Hoa bên California giúp Xuân hoàn tất hộ chiếu công dân Mỹ vì hiện nàng mới chỉ có thẻ xanh, chưa đủ tư cách pháp nhân làm giám đốc Vera Company Limited.

Trên đường về nước, ngồi máy bay Xuân thiu thiu ngủ, nhưng thực ra nàng miên man suy nghĩ về mối tình của con gái với Hữu Đông. Trong mắt của nàng, chàng trai này rất được cả về hình thức bên ngoài lẫn bề sâu kiến thức bên trong và ý chí tiến thủ của sinh viên con nhà nghèo vượt khó.

Đông cùng quê với hai mẹ con Vi ở Hải Phòng, chỉ khác mình ở quận Lê Chân trong nội thành, còn cậu ấy ở huyện Kiến Thụy, người làng Cổ Trai bên bờ sông Văn Úc. Bọn trẻ cùng tuổi Đinh Mùi 1987, cùng đi du học năm 2006, nhưng Đông nhận được học bổng toàn phần của Hội đồng Châu Âu, đi Pháp du học về Luật, chuyên ngành Luật Hành chính Công ở Đại học Sorbonne Paris; còn Vi đi học Quản trị Kinh doanh ở trường Berkerley California bên Mỹ.

Hai đứa chúng nó lên mạng chuyện trò qua Fcebook thấy hợp nên ngày một thân thiết. Dịp nghỉ hè năm thứ hai đại học, Vi không về nước mà bay thẳng sang Paris với người yêu. Nó gửi về cho mẹ cơ man những bức ảnh tuyệt đẹp về phong cảnh đại học Sorbonne và khoe đấy là trường đại học cổ kính nhất nước Pháp và châu Âu.

Vi kể, theo sách viết năm 1895 của Hastings Rashdall thì trường này có mặt ở Paris suốt từ thời trung cổ đến Cách mạng Tư sản Pháp là hơn 600 năm có lẻ. Trong cuộc cách mạng đó trường bị đóng cửa, nhưng năm 1808 Napoleon đã cho hoạt động trở lại. Đến nay, trường nổi tiếng khắp thế giới về khoa Luật và khoa Thần học. Đông được vào học Luật Hành chính Công ở đại học Sorbonne, giờ đang làm tiếp luận văn tiến sĩ, chắc phải là nhân tài đất Việt.

Con gái mình với Đông quả là xứng đôi vừa lứa, không chê vào đâu được, sao mình lại vẫn thấy gờn gợn? Qua nhiều lần tiếp xúc với chàng rể tương lai, mình có cảm nhận cậu ta hơi bị ngộ chữ thành người cấp tiến, hâm mộ tư tưởng dân chủ phương Tây.

Vi khoe, anh ấy rất ưa phản biện, hay viết bài gai góc trên trang mạng Hòa thượng Thích Học Toán của giáo sư trẻ họ Ngô. Vậy thì nguy rồi! Đông đã gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Tường Vi khiến nó bỗng dưng dở chứng, làm khó cho mẹ chăng?

Vi ơi! Con càng khoe nhiều với mẹ về Đông càng làm cho lòng mẹ rối bời lo lắng. Lại nhớ hồi năm ngoái hai đứa chúng nó dắt nhau về Hải Phòng ra mắt họ hàng ở quê của Đông, mình cũng đi theo để biết thêm gia cảnh, nền nếp nhà đó. Làng Cổ Trai của Đông cũng là quê hương của Mạc Đăng Dung nên có ngôi nhà thờ tổ họ Mạc vừa được trùng tu khá đẹp và tôn nghiêm, nhưng vẫn còn một vài đơn nguyên kiến trúc cổ chưa được phục dựng. Mình đã nhiệt thành gửi tiền công đức cho cho ban quản lý công trình của dòng họ Mạc 10 triệu đồng.

Đối diện với làng Cổ Trai qua con sông Văn Úc là làng Mỹ Lộc thuộc huyện Tiên Lãng, khi xưa có ngôi chùa Vọng Phúc nằm gần bến đò An tháp hay còn gọi là bến Sứa. Nghe các cụ nói, sách địa lý của người Pháp xuất bản băm 1932 đã xếp chùa này vào trong số 7 ngôi chùa lớn và đẹp nhất xứ Bắc Kỳ, nhưng năm 1947 chùa bị đốt cháy theo chính sách tiêu thổ kháng chiến.

Thời hợp tác xã, dân làng Mỹ Lộc có sáng kiến “cải miếu vi tự”, biến ngôi miếu Bà ven sông thành chùa để thờ Phật. Hồi nhỏ đi học, Đông thường bơi qua sông, sang chơi với bạn quanh ngôi miếu Bà có bày cả tượng Phật ấy. Đông mời mình và rủ Vi sẵn có xe ô tô tranh thủ qua cầu Khuẩy, đến thăm chùa Vọng Phúc nay đổi tên thành Thắng Phúc vừa xây dựng mới trên nền đất cũ rất to đẹp, hoành tráng nhất thành phố cảng Hải Phòng.

Quả đúng như lời Đông, theo ban quản lý chùa ở đây giới thiệu, ngôi chùa bằng đá này chỉ thua chùa Bái Đính ở tầm quy mô quốc gia. Khó tìm thấy ở đâu một ngôi chùa làng khi xây dựng dùng hết 700 khối gỗ nhập từ Philippnes và hơn ngàn khối đá xanh chở từ làng Nhồi trong Thanh Hóa ra, tổng chi phí công trình hết hơn trăm tỷ đồng. Họ vận động mình quyên góp và mình cũng gửi lại đó số tiền công đức 10 triệu đồng.

Dọc đường về nhà ở quận Lê Chân trong nội thành, Đông có vẻ không vui. Máu ưa phản biện nổi lên, cậu ta bảo với Vi rằng giữa lúc nông dân hai bờ cửa sông Văn Úc còn đang nghèo rớt mà xây ngôi chùa nguy nga tốn hơn trăm tỷ là việc điên rồ, Phật nào muốn thế. Đông còn không đồng tình với mẹ vợ tương lai đã công đức cho chùa, 10 triệu đồng ấy lẽ ra nên để cứu giúp những trẻ lang thang xin ăn ở vườn hoa thành phố sẽ thiết thực hơn.

Mình nghe cậu ta nói vậy hỏi đùa một câu: “Thế sao lúc cô công đức cho ngôi nhà thờ tổ họ Mạc, cháu không có ý kiến gì?”. Đông giải thích, đó là di tích lịch sử đáng được trân trọng để duy tu, tôn tạo và công trình nhà thờ ấy quy mô cũng vừa phải, không lãng phí tiền bạc như ở chùa Vọng Phúc. Cô con gái diệu của mình còn chọc tức mẹ bằng việc bảo tài xế đột ngột dừng xe, chạy xuống đường biếu cụ già bán vé số tờ 500 ngàn đồng. Không khí trên xe vui vẻ trở lại. Bọn trẻ bắt đầu chuyển hướng đề tài sang bàn luận về Mạc Đăng Dung. Lúc này ngồi trên máy bay, mình vẫn còn nhớ như in cuộc đối đáp giữa Vi và chàng rể tương lai:

– Em thấy ở nhà thờ tổ họ Mạc, cụ thủ từ rất ca ngợi Mạc Đăng Dung, nhưng hình như các sử gia thời cổ lại chê ông ấy hèn nhát đầu hàng, cắt đất cho nhà Minh?

– Bịa tạc thôi, em đừng tin. Các sử gia thời Lê trung hưng quen lối phò chính thống nên gọi nhà Mạc là Ngụy triều. Đã là Ngụy thì họ thả phanh bôi bác, vu khống đủ điều xấu.

– Thế anh nhận định thế nào về vua Mạc Đăng Dung?

– Anh có đọc được một bài trên mạng Chiêu tuyết cho Mạc Đăng Dung của nhà sử học Bùi Hiếu Dân. Ông ấy viết rằng, cuối thời Lê sơ, đạo đức xã hội suy vi, kỷ cương triều đình mục nát đến thối rữa nên ngồi trên ngai vàng là một thứ “quỷ vương”, quan chức trong triều không ít loại “quỷ quan”; còn ở trong các làng quê cái ác lộng hành, người sống lẫn với quỷ ma nên có khi chỉ vì một con gà, con chó mất cắp mà người ta xúm lại đánh hội đồng người ăn trộm đến chết mới thôi. Công lao lớn nhất của Mạc Đăng Dung là đã không ngu trung với nhà Lê, đứng ra thay trời hành đạo, chấm dứt được tình trạng ấy. Cái hay nữa là ông chỉ làm vua hai năm để ổn định triều chính rồi trao quyền cho lớp trẻ kiến tạo nên triều đại mới có nhiều sự canh tân đáng nể.

– Hay quá! Anh nói tiếp về các triều vua sau của nhà Mạc đi.

– Cái này tác giả bài báo không đề cập đến vì đề tài nghiên cứu của ông ấy chỉ khuôn gọn trong 100 năm thời Lê sơ thôi. Tuy nhiên anh có tìm đọc các sử liệu và được biết đôi chút.

– Giờ thì anh đóng vai cụ giáo Hạnh giảng bài môn Sử cho học trò là em, mau lên. Nghe vợ bác Quyền bảo, ngày xưa cụ ấy giảng bài cứ như kể chuyện, học trò sướng mê.

– Năm 1527, Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê lên làm vua ở Đông Đô lấy hiệu là Mạc Thái Tổ, mở đầu một vương triếu mới cho nhà Mạc. Đến năm 1529 ông mới 56 tuổi còn đang rất sung sức, nhưng vẫn đặt trọn niềm tin vào lớp trẻ có đầu óc canh tân, chấn hưng đất nước nên đã truyền ngôi cho Mạc Đăng Doanh. Con trai ông, Mạc Thái Tông không phụ niềm tin ấy đã làm được nhiều việc đổi thay đất nước.

Khi mới lên ngôi, Mạc Thái Tông đã nghĩ ngay đến việc ngăn ngừa và nghiêm trị cái ác, hạ lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn ra đường, ai trái lệnh sẽ bị trị tội. Qua vài năm trộm cướp bặt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, chỉ cần mỗi tháng kiểm đếm một lần. Đất nước mấy năm liên tiếp được mùa, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi.

Vua mở liên tiếp ba kỳ thi kén chọn nhân tài, năm 1532 có Trạng nguyên Nguyễn Thiến, năm 1535 có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1538 có Trạng nguyên Giáp Hải. Trong thời gian Đăng Doanh trị vì (1529- 1540) nhà Minh mấy lần đem quân đến biên giới lấy cớ ủng hộ Nguyễn Kim khôi phục nhà Lê, nhưng ông thừa biết nội bộ chúng đang rối ren suy yếu, chỉ dám xua lũ quân ô hợp ở vùng Lưỡng Quảng ra đe dọa ta. Một mặt vua sai các tướng giỏi lên biên ải tổ chức canh phòng cẩn mật, ngày ngày thao luyện binh sĩ để khuếch trương thanh thế. Mặt khác ông sai Nguyễn Văn Thái là người giỏi biện bác sang Quảng Tây khôn khéo nghị hòa với giặc.

Năm 1540, Đăng Doanh không may bị bệnh mất sớm, thọ 50 tuổi. Con ông là Mạc Phúc Hải nối chí cha và ông nội lên ngôi lấy hiệu là Hiến Tông, tiếp tục những biến pháp canh tân của cha như cải cách điền địa, chia lại công điền ở các địa phương, coi trọng giáo dục mở hai khoa thi trong vòng 4 năm để kén chọn hiền tài. Năm 1541 có Trạng nguyên Nguyễn Kỳ, năm 1544 có Trạng nguyên Vũ Khúc. Tiếc rằng ông cũng bị bệnh chết sớm chỉ làm vua được 6 năm.

Nếu cứ theo đà cách tân và phục hưng đất nước ấy, có thể nhà Mạc còn đóng góp được nhiều cho dân tộc Việt, nhưng bọn giặc Minh đã chơi trò hai mặt, hứa hẹn bảo trợ cho cả Lê lẫn Mạc, kích động hai bên gây cuộc nội chiến tương tàn suốt 66 năm. Cuối cùng nhà Mạc tính từ thời Mạc Phúc Nguyên cứ sa đọa, suy yếu dần và phe Lê- Trịnh chiếm lại được đế đô Thăng Long.

– Anh vừa nói tại bọn giặc Minh, riêng em lại thấy cũng tại nước Việt ta thời đó không biết hòa giải dân tộc theo giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông nữa cơ. Một nước Việt bé xíu thời đó mà nội chiến kéo dài mấy chục năm thì dân khốn khổ lắm, anh nhỉ!

– Có lẽ em nói đúng, tại cả hai. Sau chuyến đi này, hai anh em mình về Hà Nội tìm gặp nhà sử học Bùi Hiếu Dân chắc còn thu hoạch được ối điều hay.

– Mối tình của ông Dân với bà Dung, vợ bác Quyền cũng ly kỳ, ngang trái lắm. Khi nào rảnh em sẽ kể anh nghe…

Chuyến bay Hồng Kông – Nội Bài chậm mất 2 tiếng do thời tiết xấu. Xuân xuống sân bay đã 11 giờ đêm, vẫn thấy Uy đứng chờ ở sảnh. Nàng nghĩ, anh Quyền bận việc không đi đón mình, vẫn sai Uy xuống chờ mấy tiếng ở sân bay thế này chứng tỏ hai người rất lo vụ “nổi loạn” của Tường Vi tại chi nhánh Vera Company Limited Hồng Kông.

Lên xe an tọa xong là nàng thông báo ngay kết quả chuyến đi. Uy nghe xong gật đầu tạm yên tâm, nhưng cũng lo Xuân chắc sẽ phải đi California lâu ngày để lo vụ đổi thẻ xanh lấy hộ chiếu công dân Mỹ. Thấy vậy Xuân hỏi:

– Tình hình ở K thế nào?

– Vẫn rối lắm. Các quan bắn rụng nhau thì doanh nghiệp ở giữa hứng đạn.

– Thì nhiệm kỳ nào sang đến năm cuối cũng vậy. Uy đừng lo, để mình về gặp Ông Cụ xem sao đã.

– Nghe nói Ông Cụ vừa đi Hà Nội gặp bạn ở trung ương về có vẻ không được vui.

– Thế à?…

Xuân khẽ thở dài, ngả lưng vào ghế. Nàng nhủ thầm, không khéo vụ bà Thơ làm rối bung nội bộ tỉnh K rồi. Nếu gặp Ông Cụ mà cảm thấy có biến, mình sẽ theo kế “tẩu vi thượng sách” của A Hứa. Thằng cha đít tóp ấy khôn như rận. Nó bảo, anh đang tính sẽ nghỉ hưu sớm, hạ cánh an toàn rồi vù sang Canada với vợ con. A Hứa còn khuyên mình, em nghiên cứu dịp này đổi thẻ xanh lấy hộ chiếu xong thì ở lỳ bên Mỹ gần anh có khi lại hay. Chuyến này về K, em thử bàn thêm với A Quyền, A Uy đi là vừa.

Xe chạy bon bon trên đường cao tốc về tỉnh K. Xuân nhìn ra bầu trời xung quanh tối thâm như mực, yên tĩnh lạ thường. Chợt nàng nhớ Quyền da diết. Đêm nay anh về nhà với Dung hay đang nằm lại trên tầng 9 tòa nhà Bil- Kel chờ em, anh Quyền ơi!…

8. Quỷ quan tranh bá

Dung về Hà Nội viếng nhà báo Quang Huy mới qua đời vì tai nạn giao thông. Nàng đến nhà Hương rồi nhắn tin cho Dân, bảo anh cứ chờ ở nhà, lát nữa nàng sẽ cùng Hương ngồi xe đến đón.

Dù mới chỉ gặp nhau vài lần, nhưng Dung đã có cảm tình với nhà báo này, quý trọng lòng yêu nghề và sự dũng cảm xả thân vì công lý. Biết Huy chơi thân với Dân và Hương, nàng càng thêm quý mến Quang Huy, đã mời anh đến biệt thự Hoa Phù Dung chơi, cùng nhau trò chuyện rất lâu ở nhà bát giác trong hoa viên biệt thự.

Huy tế nhị, không hề đả động đến chuyện cũ của Dung, chỉ say sưa kể nhiều chuyện về quan hệ giữa Hương với Dân. Anh thành tâm mong muốn họ về với nhau để Dân có người chăm sóc, hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. Dung nghe cũng thấy ấm lòng, mừng thầm cho Dân. Nàng hứa sẽ kết hợp với Huy vun đắp cho hai người sớm thành đôi. Giờ Huy bỗng chốc thành người thiên cổ, nàng đau xót, cảm thương cho số phận của nhà báo. Dân nghe rõ tiếng Dung nghẹn ngào khóc nấc qua điện thoại.

Lát sau, xe ô tô chở Dung và Hương đã đậu ở chân tường nhà chung cư B3 khu Trung Tự của Dân. Anh tất tưởi chạy xuống nhà và ba người đi mua vòng hoa, nhân danh những người bạn đến nhà tang lễ phố Phùng Hưng viếng người xấu số. Xong việc, Dung bảo lái xe Giàng A Phú đưa ba người đến quán café Chiều Tím.

Hương đã nghe Dung nói về bệnh tình nghiêm trọng của Dân nên hai nàng tránh hỏi han về sức khỏe, chỉ quan tâm đến đề tài nghiên cứu của anh hoặc nhắc lại bao kỷ niệm êm đẹp thời sinh viên xa ngái. Lái xe Giàng A Phú liên tục gọi điện trao đổi với Khang rồi mấy lần vào giục Thùy Dung mau về K kẻo trời tối, lại sắp có cơn giông lớn, rất nguy hiểm. Nàng đành đứng dậy bịn rịn chia tay Dân. Anh nắm tay Hương đứng bên mép hè nhìn theo chiếc xe khuất dần trong dòng người và xe ùn ứ trên đường lúc tan tầm. Hương đưa cho Dân chiếc cặp lồng, mắt ươn ướt nhìn anh, nói:

– Thôi, anh cũng về đi kẻo muộn, lỡ cơn giông ùa tới thì khổ. Nhớ giữ gìn sức khỏe, thức đêm ít thôi, anh ạ!…

– Nhưng em đang cho anh cái gì thế này?

– Em nhờ người ở quê lùng mua con gà ác có đủ lông đen, chân và mỏ đều đen, lưỡi cũng đen nốt. Loại này hầm với thuốc bắc bổ lắm, anh nhớ ăn ngay, ăn hết kẻo phí công em làm đấy. Lần nào em đến cũng thấy trong hộc tủ dưới bàn làm việc toàn mì ăn liền. Anh ăn thế làm sao có sức làm việc.

– Mỗi lần đến nhà, em đầu bày vẽ mang thức ăn cho anh, tốn kém lắm. Để dành tiền mà nuôi con, lương em cũng có nhiều nhặn gì đâu.

– Anh đừng nói thế làm em buồn. Thôi anh về đi…

Dân lái xe đi, lòng rưng rưng. Anh thầm cám ơn tấm thịnh tình của Hương. Lắm lúc anh cũng muốn dấn thêm với Hương, nhưng bệnh tật nhắc anh không thể làm khổ lây đến nàng.

Về nhà, Dân cất cặp lồng của Hương vào chiếc tủ lạnh cũ mà nàng vừa xin được của ai đó chuyển sang nhà mới thải loại ra, thuê xe chở đến cho anh. Dân tính, để dành món ấy đến đêm, lúc nào làm việc thấy đói sẽ mở ra ăn. Anh vứt túi tài liệu lúc nào cũng đeo kè kè bên người, nằm thượt trên giường nghĩ ngợi mông lung.

Dung ơi! Anh biết em và cả Huy lúc còn sống rất muốn anh với Hương sẽ thành một cặp để hai mảnh đời cô đơn bất hạnh nương tựa, dìu đỡ nhau đi nốt quãng đời còn lại. Nhưng bệnh ung thư phổi đang di căn đã thành án tử với anh rồi. Chắc Hương cũng biết thế nên lại càng chăm sóc anh chu đáo hơn. Sao những người tử tế lại khó sống thế hở giời? Cái chết đột ngột của Huy khiến lòng anh thêm chơi vơi, hụt hẫng!…

Dân thấy cay cay tròng mắt. Hình như tuyến lệ của đàn ông thường khó trào ra hơn đàn bà chăng. Bệnh viêm tuyến lệ của Dung vừa đỡ, không biết sau cái chết thương tâm của Huy có làm em bị đau trở lại? Dân nghĩ vậy và anh càng thêm thắc mắc trước tai nạn giao thông đến quá bất thường khiến Huy chết thảm trên đường cao tốc từ K về Hà Nội.

Theo điều tra ban đầu, Huy bị một chiếc xe tải đi cùng chiều ép anh ra mép đường khá lâu, vì dấu vết bánh xe tải đo được dài gần một cây số. Chiếc xe gây tai nạn lợi dụng đêm tối đã phóng nhanh chuồn mất, công an vẫn chưa tìm ra tung tích. Điểm người và xe nạn nhân rơi xuống vực thuộc địa bàn huyện T của tỉnh Y, cách ranh giới hai tỉnh K và Y tới 20 cây số.

Đây phải chăng là sự tính toán có chủ đích của kẻ giấu mặt nào đó cố tình muốn tai nạn xảy ra không nằm trong địa bàn của tỉnh K? Câu hỏi này do chính miệng ông Bình, cấp phó của bà Thơ nói nhỏ với Dân tại bàn ghi sổ tang ở nhà tang lễ phố Phùng Hưng. Lúc đó Dân ngồi chờ bên cạnh, nhường ông Bình viết trước và anh còn đọc được mấy dòng chia buồn của người đại diện cho Ủy ban mặt trận tỉnh K: “Xin vĩnh biệt nhà báo Quang Huy! Chúng tôi, những công dân yêu chuộng công lý luôn ghi nhớ mãi hình ảnh của anh, một con người trung thực và dũng cảm, đã xả thân vì dân tỉnh K để làm rõ nhiều sự thật quanh vụ án mạng đối với bà Thơ cùng với bao nhiêu sự thật khác đang còn bị bưng bít trong im lặng. Cầu chúc linh hồn anh siêu thoát! Mong nhà báo hãy khôn thiêng phù hộ cho hơn triệu dân tỉnh K chúng tôi thoát ách loài quỷ ác”.

Trước lúc chia tay ở sân nhà tang lễ, ông Bình còn cho biết, chiều hôm xảy ra tai nạn, ông đã làm việc với Quang Huy suốt hai giờ liền, cung cấp cho anh nhiều tư liệu quý. Huy đã dùng chiếc iPhone 5 chụp ảnh và ghi âm toàn bộ cuộc nói chuyện. Nạn nhân còn mở một cuốn sổ tay bìa xanh đen có ghi chép nhiều số liệu thu thập được ở cửa khẩu và trong dân chúng ở bản Phìn, bản Chiềng cùng những câu hỏi chuẩn bị sẵn cho cuộc nói chuyện với ông Bình.

Thế nhưng theo kết quả điều tra ban đầu, lúc khám nghiệm hiện trường quanh tử thi không tìm thấy chiếc iPhone 5 đó và cuốn sổ tay đâu cả. Dân không ngạc nhiên trước những thông tin từ ông Bình. Sinh thời, đã nhiều lần nhà báo quá cố ngồi với anh ở quán café Hói phố Hàng Gai, Quang Huy đã kể cho anh nhiều chứng cứ thu thập ở K liên quan đến Quyền, Xuân, Uy và tập đoàn Bil- Kel. Huy hỏi Dân về nhận định của anh trước những thông tin đó vì ít nhiều anh cũng là người có quan hệ đặc biệt với tỉnh K và với cá nhân ông Quyền.

Lúc đó Dân không dám nói thẳng phần vì e ngại, phần vì mình không thật hiểu hết nội tình tỉnh K. Giờ xâu chuỗi lại toàn bộ thông tin với những lời ông Bình vừa nói ở nhà tang lễ, Dân thấy ghê sợ con người ông Quyền, thêm lo cho Dung và các con của nàng. Bất giác anh liên tưởng đến chương sách đang viết dở trong đề tài, đoạn nói về 10 năm cuối cùng thời Lê sơ đầy biến loạn (1516- 1526).

Hai chữ ác quỷ ông Bình viết đậm trong sổ tang khi nãy cứ ám ảnh tâm trí làm anh nhớ tới những quỷ quan thời xa xưa đã từng tranh quyền đoạt lợi, chém giết nhau loạn xạ, đẩy dân nước Đại Việt vào cuộc chiến ác liệt và vô nghĩa sau cái chết của ông vua lợn Tương Dực. Dân như sống trong ảo giác kiếp luân sinh của chàng nho sinh Bùi Trụ, chứng kiến những mưu toan, tội ác tày trời của lũ quỷ quan.

Anh vùng dậy khỏi giường, ra bàn làm việc cắm đầu trên bàn phím máy tính mải mê ngồi viết…

Mạc Đăng Doanh đến chùa Tiên Thiên thăm Bùi Trụ và Lệ Thanh. Chàng mừng vì nàng được ni sư của chùa tận tình cứu chữa nên các vết bỏng đã đỡ nhiều, bắt đầu khô hẳn, có chỗ đang lên da non. Hôm xảy ra biến loạn ở hoàng thành, Đăng Doanh đã bí mật sai hai thuộc hạ thân tín giỏi võ nghệ bí mật theo sau, ngầm bảo vệ cho Bùi Trụ đến tận khi chàng đưa được Lệ Thanh vào chùa mới dám quay về bẩm báo.

Quan Tế tửu Quốc Tử Giám Bùi Xương Trạch biết tin vừa giận vừa thương con trai, khẩn thiết nhờ trò Đăng Doanh đi tìm nơi ở, khuyên Bùi Trụ quay trở về nhà lo dùi mài đèn sách. Chàng nhận lời đi thăm bạn, nhưng phớt lờ yêu cầu của thầy Bùi Xương Trạch. Nhìn Trụ hốc hác hao gầy vì thức đêm tán thuốc, chăm sóc người tình, Doanh cũng mủi lòng cảm thương, chia sẻ. Hai người gặp nhau rủ rỉ tâm tình bên chậu cây hoa mộc trước hiên chùa. Đăng Doanh vui miệng, kể lại tường tận buổi thiết triều ở điện Kính Thiên sau vụ biến loạn…

Ngày rằm tháng 5 năm Bính Tý – 1516, khoảng mười ngày sau khi Trịnh Duy Sản giết được vua Lê Tương Dực liền tự mình thảo hịch triệu tập các quan trong triều, tướng trấn thủ các lộ về kinh nghị bàn đại sự.

Các quan văn tề tựu đông đủ trước sân rồng, lấm lét nhìn nhau xì xầm không rõ ông ta muốn lập ai kế vị Tương Dực. Ngược lại bên hàng quan võ, các tướng ngông nghênh đứng không ra hàng lối cũng không phân tước vị cao thấp, mắt trợn trừng chờ đợi, chẳng coi Duy Sản là cái thá gì. Hồi lâu mới thấy bọn thái giám và cung nữ lục tục theo hầu, đưa Lê Y mới 11 tuổi lên điện ngồi vào ngai vàng. Duy Sản ngạo mạn đeo gươm bước lên điện nói lớn:

– Lê Oanh khi xưa ẩn náu ở Tây Đô tự biết mình kém đức mới giả mạo mượn danh Cẩm Giang vương Lê Sùng để hiệu triệu các quan, binh tướng các lộ, nhờ thế mới diệt được Lê Tuấn. Nay cả Lê Tuấn lẫn Lê Oanh đều hư đốn, kẻ thì dân gọi là Quỷ Vương, kẻ lại bị dân gọi là Trư Vương, không xứng làm vua nối nghiệp các tiên đế. Bởi thế nên thuận theo ý Trời, ta chọn Lê Y chính là con trưởng của Cẩm Giang vương Lê Sùng lên thay Lê Oanh trị vì ngôi báu, ý các quan thế nào?

Các quan văn ở lục Bộ, Đài, Viện, Quốc Tử giám đều lặng im không đáp. Bỗng trong hàng quan võ Nguyễn Hoằng Dụ bước ra lớn giọng đay nghiến:

– Bớ này ông Sản! Ông họ Trịnh đâu phải họ Lê, chẳng tài cán gì chỉ nhờ vua lợn lúc mới lên ngôi thăng thưởng mà được tước Mỹ Huệ hầu, nhưng chẳng hiểu về phép tắc kỷ cương triều đình. Ông muốn lập vua mới tất phải thương nghị với các quan trong triều chứ sao lại tự ý mình lập trước, rước vua lên điện rồi mới hỏi củ chuối hay cái kèo cái cột. Lại nữa, ông lập Lê Y làm vua ai cũng biết bà mẹ sinh ra Lê Y là Trịnh Thị Loan, có họ gần với ông, vậy theo lệ từ thời vua Thánh Tông, bọn ngoại thích không được nắm quyền to trong triều. Ta nói thế đấy, ông Sản nghĩ sao?

Quan võ trấn thủ lộ Sơn Tây là Trịnh Tuy vừa kéo quân về triều, sẵn có lực lượng đồn trú bên ngoài hoàng thành nên cũng chẳng kiêng nể Duy Sản, ngông nghênh vỗ chuôi kiếm thét lớn:

– Tướng quân Hoằng Dụ nói phải lắm, ta không phục, không phục. Ông Dụ là An Hòa hầu, còn ta cũng là Vĩnh Hưng bá chứ có kém cạnh gì ông Sản.

Vũ Tá hầu Phùng Mại muốn nịnh Duy Sản, tâng công mình với chủ, trợn mắt mắng lại Hoằng Dụ và Trịnh Tuy. Thấy cơ hội đã đến, Duy Đại liền đưa mắt cho tướng giữ lộ Bắc Giang là Phùng Dĩnh. Ông này đã ngầm hẹn ước với Duy Đại, xông đến rút gươm đâm chết Phùng Mại ngay giữa sân rồng rồi hùng hổ nói:

– Ta dẫu chỉ là kẻ võ biền nhưng thiết nghĩ, Lê Y dù gì cũng là cháu ruột vua lợn, không xứng lên ngôi báu. Trong các vương công hiện nay có Mục Ý vương Lê Doanh hiền lành đức độ, sinh được công tử Lê Quang Trị tuy mới 8 tuổi, nhưng thông minh tuấn tú, rất đáng được hưởng ngôi trời, các ông nghĩ sao?

Chỉ chờ có thế, Trịnh Duy Đại vội bước ra nhiệt thành ủng hộ lời bàn của Phùng Dĩnh. Buổi thiết triều trở nên hỗn loạn, sân rồng như cái chợ vỡ. Mọi người đều nói, Duy Sản bắt nạt người quá lắm, đến em ruột ông ta là Duy Đại còn không tuân phục thì ta biết nghe ai?

Sau đó Hoằng Dụ, Trịnh Tuy, Duy Đại, Phùng Dĩnh cùng nhiều võ tướng khác bực tức bảo nhau bỏ về không dự thiết triều. Trịnh Duy Sản sau một khắc lúng túng trấn tĩnh lại, thét gọi các tướng tâm phúc dẫn lính xông vào hoàng cung, bao vây kín điện Kính Thiên.

Các quan đều hoảng sợ, tim đập chân run, lưng đẫm hồ hôi. Sân rồng trật tự trở lại. Duy Sản dẫn đầu các quan trong triều nhất loạt quỳ xuống tung hô: Hoàng thượng vạn tuế! Lê Y ngồi trên ngai vàng nhận vương miện từ tay Lê Quảng Độ dâng lên, phủ dụ các quan, lấy hiệu là Chiêu Tông, cải niên hiệu là Quang Thiệu năm thứ nhất. Các quan nghe vậy lại một lần nữa nhất loạt tung hô: Hoàng thượng vạn tuế!…

Vua Chiêu Tông nhớ lời mẹ dặn lúc ở nhà, giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng phán rằng:

– Trẫm vừa lên ngôi cũng muốn tỏ chút lòng bao dung, hòa giải trong hoàng tộc. Lâu nay trẫm nghe đồn ở bãi cỏ trước cổng Đoan Môn, nơi hành quyết Uy Mục thường có hồn ma về khóc đòi mạng. Nay lại nghe dân chúng đồn đại ở nền nhà Bắc Sứ, nơi thiêu đốt Tương Dực hễ đêm đến người qua lại chỗ đó hay bị ma dẫn lối quỷ đưa đường lôi ra hồ Tây dìm chết, chưa rõ hư thực thế nào. Nay trẫm muốn sai quan Thượng thư Bộ Lễ lập đàn chay mời sư cúng tế cho hai vua được siêu thoát, các khanh nghĩ sao?

Trịnh Duy Sản vội ngắt lời vua nói:

– Tâu hoàng thượng! Hai kẻ ấy lúc sống hoang dâm vô độ, ác như quỷ dữ. Giờ chết rồi hồn ma còn về quấy nhiễu dân lành. Chúng thật không đáng lập đàn chay cúng tế cho phiền phức tốn kém, chỉ cần sai một thầy pháp cao tay yểm bùa trừ tà là đủ.

Lê Quảng Độ tiếp lời:

– Muôn tâu hoàng thượng! Thần trộm nghĩ việc Hoàng thượng cần làm ngay lúc này là sai quan Thượng thư Trình Chí Sâm thảo tờ chiếu thư gửi đi xoa dịu và phủ dụ bọn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy cho chúng yên bụng chờ vua thăng thưởng mà quy thuận…

Vua Chiêu Tông khẽ thở dài ậm ờ chuẩn y và ra lệnh bãi triều. Trên đường về phủ, Duy Sản hậm hực sai tướng Nguyễn Kính truy lùng em trai hỏi tội. Không ngờ Duy Đại cùng tướng Phùng Dĩnh đã mang theo Lê Quang Trị và hai em nhỏ của Trị làm con tin, chạy về Tây Đô chống lại triều đình, không chịu thần phục vua mới Chiêu Tông…

Bùi Trụ nghe Đăng Doanh kể chuyện triều đình ngỡ như chuyện cười ngoài lề đường, xó chợ hay chuyện giằng nhau manh chiếu ngồi ở giữa đình của mấy ông tiên chỉ bét nhè nơi miền quê hủ bại. Hai chàng ngồi luận bàn thế sự mà uể oải như nhai cơm nếp nát, nghe buồn rười rượi. Trưa hè oi ả. Phía điện thờ Phật vẳng lại tiếng ê a tụng kinh gõ mõ của ni sư trong chùa. Ngoài bờ hồ bỗng đâu có đàn chuồn chuồn bay là là chấp chới trên mép nước báo hiệu mưa giông.

Bùi Trụ buột mồm kêu:

– “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Có lẽ sắp mưa rồi, công tử mau về đi kẻo lệnh đường mong.

– Thưa vâng, đã đến giờ đệ phải về thật rồi. Phần huynh cứ an tâm nán lại đây chăm sóc nàng Lệ Thanh đến khi khỏi hẳn hãy hay. Lúc này có về nhà đọc sách thánh hiền cũng phí hoài, chẳng tích sự gì đâu. Thế sự nhiễu nhương đến mức này có lẽ cha con đệ cũng tìm cách tạm lánh xa kinh thành để tránh hậu họa rồi tính kế quay lại sau, huynh ạ!…

Đăng Doanh gửi lại dăm nén bạc, nhờ Bùi Trụ công đức cho nhà chùa. Chàng đứng dậy, chia tay bạn, lững thững bước đi. Đăng Doanh về đến cửa dinh đã nghe thuộc hạ bẩm trình, giặc Trần Cao từ mạn Đông Triều, Thủy Đường đang ồ ạt kéo quân về kinh thành. Vua Chiêu Tông đã hạ chỉ ra lệnh cho Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đem quân phối hợp cùng Duy Sản chặn đánh giặc, nhưng hai tướng này bảo nhau bất tuân thượng lệnh, Dụ án binh ở trấn Sơn Nam, Tuy án binh ở lộ Sơn Tây chờ xem Duy Sản trổ tài chống giặc. Tình thế khá nguy cấp, dân chúng kinh thành đang nháo nhác lo tản cư lánh giặc. Đăng Doanh vội hớt hải lên gặp cha thưa chuyện.

Mạc Đăng Dung nhác thấy con trai đã vội hỏi ngay:

– Con đi đâu từ sớm đến giờ làm cha ngóng mãi?

– Trình cha, con đi thăm Bùi Trụ theo lời nhờ cậy của thầy Bùi Xương Trạch. Hai cha con họ đều là bậc túc nho, uy tín lớn trong giới sĩ phu, rất cần cho ta sử dụng sau này.

– Chuyện ấy hãy gác lại, để sau sẽ bàn. Nay kinh thành đang hỗn loạn vì giặc Trần Cao sắp kéo về đến nơi rồi. Các phe phái trong triều thì mâu thuẫn, chửi nhau như hát hay. Trịnh Tuy và Hoằng Dụ không chịu đem quân hợp với phe Duy Sản chống giặc. Lâu nay cha sai con cử thám mã đi dò xét Trần Cao, việc ấy con làm đến đâu rồi?

– Thưa cha con đã tìm hiểu kỹ, Trần Cao chỉ là gã lưu manh buôn thần bán thánh ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn. Trong nhà có điện thờ tam tòa Thánh Mẫu, lại có điện thờ đức Thánh Trần. Hắn thường lòe bịp người rằng mình có thể nói chuyện với người âm, hiểu thấu mệnh trời cả trước và sau 100 năm nên dân chúng mạn Đông Triều, Thủy Đường mù quáng tin theo và ngưỡng mộ. Từ thời vua Tương Dực còn sống hắn đã nghe lời xúi bẩy của bọn thầy lang, thầy cúng người Tầu, vốn là gian tế của sứ thần Hy Tăng cài lại từ sau tang lễ vua Hiến Tông, mấy lần rắp tâm khởi loạn, nhưng lực còn yếu nên chưa dám. Nay triều đình vừa có biến loạn, Trần Cao sai lũ tiểu nhân loan truyền lời sấm: “Mất bò, bò lại về sân- Vườn Lê cụt ngọn, thánh Trần hiển linh” khiến dân chúng nghèo khổ càng thêm mê muội, tin rằng hậu duệ các vua Trần sẽ hiển linh đòi lại ngôi báu. Để thần thánh hóa mình, Trần Cao khi ra trận xõa tóc, cưỡi ngựa ô, mặc áo choàng đen, quân lính đều cạo đầu để ba chỏm tóc nên dân huyễn hoặc gọi là lính “tam đóa”. Hắn còn tự xưng là Đế Thích giáng sinh vào họ Trần, ngạo mạn tự phong làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Ứng, quân số đông đến cả vạn người…

– Đám quân ô hợp, mê muội như thế có gì đáng sợ.

– Vâng thưa cha, con cũng không hiểu nổi chúng tồn tại làm mưa làm gió đã vài năm, nhưng triều đình không lo đánh dẹp. Nay giặc mang cả vạn quân kéo đến kinh thành, không biết Duy Sản đối phó thế nào khi hai cánh quân hùng mạnh của Hoằng Dụ, Trịnh Tuy đều tọa sơn quan hổ đấu mà án binh bất động?

– Cha đã sai người dò la tìm hiểu bên dinh ông Sản, thấy bê bối lắm. Duy Sản đã dốt binh pháp lại kiêu căng tự phụ, nhất định đòi mang quân sang sông dàn trận ở làng Bồ Đề hòng phá tan giặc rồi truy kích thẳng về tận sào huyệt của Trần Cao ở Thủy Đường. Ông ta không chịu nghe lời bàn rất hợp binh pháp của Trần Chân nên các tướng đều chán nản.

– Thưa cha, nhạc phụ con bàn ra sao?

– Trần Chân muốn Duy Sản nắm giữ đại binh dàn trận ở bến Bắc Thần để cách sông cự địch, còn hai tướng Nguyễn Kính, Trần Chân mỗi người mang hai ngàn dũng sĩ tản ra về phía thượng và hạ lưu rồi vượt sông tạo thành hai mũi vu hồi đánh vào sườn quân giặc. Đợi khi giặc núng thế, đại binh của Sản mới ào ạt tràn sang sông đánh vỗ mặt và truy kích tất sẽ bắt sống hoặc giết được Trần Cao.

– Lời vàng ngọc như thế mà ông Sản không nghe quả là ngu xuẩn. Ông ta muốn bày trận quay lưng ra sông ngỡ là theo kế Hàn Tín khi xưa bên Tầu, nhưng thực ra chẳng hiểu gì binh pháp. Hàn Tín xưa bị Hạng Võ dồn ép cùng đường mới nghĩ ra kế ấy để tướng sĩ, binh lính liều chết giáp chiến, sức mạnh một người bằng cả trăm người. Nay quân triều đình mạnh và chủ động nhưng lại rất gần hậu phương đang mong ngóng là gia quyến ở quanh kinh thành mà ông Sản bầy trận như thế chỉ e binh lính hễ gặp nguy liền bỏ trốn khỏi doanh trại, quay lại kinh thành để tìm đường về quê giữ toàn mạng sống. Con đồ rằng trận này ông Sản nhất định thua to, thân bại danh liệt, lúc ấy cha con mình nên tính sao, thưa cha?

– Chính vì cha nghĩ giống con, đoán chắc Duy Sản sẽ thua nên đang nóng lòng chờ con bàn tính mọi việc về sau.

– Thưa cha cứ nói, con xin nghe đây.

– Một kẻ nắm quyền to mà ngu dốt, kiêu căng như Sản thì khi thất bại càng sinh quẫn trí, độc tài, võ đoán, chỉ sợ mất quyền. Vì vậy ông ta chắc sẽ ép vua và cả triều đình chạy về Tây Đô, nếu ở lại đây ông ta sợ thua nữa càng mất mặt và khi ấy bọn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy lấy cớ kéo quân về kinh thành cứu giá sẽ dùng vua Chiêu Tông khắc chế Sản, cướp lại quyền bính của ông ta về tay họ.

– Nhưng thưa cha, con vẫn chưa hiểu vì sao ông Sản nhất thiết phải đưa vua và triều đình chạy vào Tây Đô mà không phải nơi nào khác?

– Cái này có ba lý do: Một là Tây Đô gần đất thần kinh Lam Sơn, nơi Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa nên vào đó dễ dàng tuyển mộ thêm lính, huy động lương thảo chờ thời cơ chiếm lại Đông Kinh. Hai là đưa vua về xa như thế, bọn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy khó đưa quân vào tranh cướp quyền bính của Duy Sản. Ba là Duy Sản rất nóng lòng muốn về nơi đó để bắt sống thằng em trai phản phúc Duy Đại trị tội, đồng thời giết béng Lê Quang Trị phòng hậu họa.

– Giờ con đã hiểu rõ, vậy ý cha dự định ta đi theo vua hay ở lại?

– Cha con ta sẽ không đi theo vua và cũng không ở lại kinh thành. Đây là thời cơ ta lấy cớ phù Lê cứu giá tìm một nơi cát cứ làm lãnh địa riêng, có quân đội hùng mạnh riêng. Ở đó cha con ta sẽ ung dung ngồi nhàn trên cao nhìn xuống xem lũ tiểu nhân tranh đoạt quyền bính, giết hại lẫn nhau để rồi cùng chết chìm trong bạo lực tàn ác do chính chúng gây ra. Lúc nào vua và triều đình cần đến, ta sẽ tham chính cũng chưa muộn, con có hiểu ý ta?

– Dạ thưa cha con hiểu. Đất ấy chắc hẳn cha đã chọn kỹ rồi.

– Lộ Hải Dương nằm trong địa hạt của quân phản loạn Trần Cao nên với triều đình đang là đất vô chủ. Ta đem quân đánh chiếm nơi đó, đánh đến đâu lập doanh trại kiên cố, phòng thủ nghiêm ngặt. Lộ Hải Dương nằm giữa quê nhà Cổ Trai và kinh thành, cha con ta tiến thoái đều tiện. Như thế ta vừa có công với triều đình vừa có lãnh địa và quân đội riêng. Vậy nên cha rất nóng lòng chờ con về để hỏi rõ việc cha nhiều năm qua giao ngân lượng cho con đem về quê Cổ Trai bí mật gây dựng lực lượng, con làm đến đâu rồi?

– Trình cha, con đã căn bản hoàn tất mọi việc cha giao. Một mặt con trích ra phần nhỏ ngân lượng để mua gạo, muối phát chẩn cho dân nghèo hoặc những làng bị thiên tai lúa má chìm hại. Vì thế thanh thế họ Mạc ta ở huyện Nghi Dương và suốt dải đất ven biển ở hai bờ cửa sông Văn Úc rất lớn. Một mặt khác con dùng phần lớn ngân lượng mua đứt hơn trăm mẫu ruộng làm đồn điền riêng. Ở đó con chiêu mộ nhân tài, dũng sĩ khắp nơi về tụ họp, chia làm hai kíp thay phiên nhau sáng cày ruộng đêm tập binh pháp, trận đồ. Đến nay ta đã lập xong đội quân dũng sĩ họ Mạc khá thiện chiến, phiên chế cứ 5 người thành một Ngũ, 10 Ngũ thành một Tốt, 10 Tốt thành một Quân, 10 Quân lập thành một Đạo tinh binh có tướng chỉ huy và hai tướng trợ thủ đắc lực, cộng cả thẩy là 5 ngàn tinh binh, tướng giỏi. Họ đa phần là dân chài, cơ bắp vạm vỡ, đánh bộ hay đánh thủy đều giỏi không thua gì đội quân của thủy tổ các vua Trần lúc khởi nghiệp. Đội quân ấy đang chờ theo cha đi đánh chiếm lộ Hải Dương, giúp cha hoàn thành đại nghiệp lâu dài.

– Con làm tốt lắm!… Kể từ hôm nay theo cha dấn thân vào cuộc tranh bá đồ vương con phải luôn nhớ việc ta làm là vì dân vì nước Đại Việt, tất phải khác xa với bọn Duy Sản, Hoằng Dụ, Trịnh Tuy là thứ quỷ quan tranh bá chỉ vì miếng lợi và ngôi cao quyền chức. Người mưu việc lớn có hai loại: Người theo vương đạo thì gần dân, tin dân, yêu dân; còn kẻ theo bá đạo thì xa dân, ngờ dân, sợ dân. Thành bại nhiều khi còn tùy thuộc ở số trời vận nước. Nhưng người theo vương đạo sẽ để lại tiếng thơm muôn thủơ; còn kẻ theo bá đạo dù nhất thời thành công thì đại nghiệp cũng chẳng bền lâu. Ta đặt trọn niềm tin ở con, con trai của ta!…

Mọi việc diễn ra sau đó quả đúng như trù tính, dự đoán của cha con Mạc Đăng Dung.

Trịnh Duy Sản sau trận thua đau thiệt quân mất tướng ở trận Bồ Đề vội ép vua Chiêu Tông và quần thần chạy về Tây Đô, để Lê Quảng Độ ở lại giữ kinh thành trong thế ít quân, tứ bề thọ địch đành phải chịu hàng đám quân ô hợp, cuồng tín của Trần Cao. Chúng tràn vào kinh thành thỏa thuê cướp bóc, săn lùng gái đẹp. Đội quân của Duy Sản vào đến Tây Đô, binh lính trong thành nghe có vua ngự giá đi theo vội rủ nhau trốn khỏi thành ra hàng gần hết.

Duy Đại hoảng sợ rút gươm đâm chết Quang Trị và hai đứa em, cả ba đều còn rất nhỏ nom thật thảm thương, sau đó ông ta tự trói mình ra cổng thành quỳ xin chịu tội. Duy Sản vẫn còn chút lương tâm không nỡ giết em, sai người lột mũ áo, đánh Đại 50 trượng rồi cách tuột quan chức, đuổi về quê cày ruộng.

Khoảng nửa năm sau, Duy Sản tập hợp được quân tam phủ xứ Thanh ở các phủ Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia, lại mượn danh vua Chiêu Tông thảo hịch đi khắp nơi, kể cả hai cánh quân của Hoằng Dụ, Trịnh Tuy cũng phải hợp sức vây đánh đánh Trần Cao. Trận chiến ở kinh đô diễn ra ác liệt, cánh quân của Duy Sản đánh vào cửa Bắc Thần, cánh quân của Hoằng Dụ đánh vào cửa Đại Hưng. Trần Cao thua chạy về Lạng Giang, bị quân Trịnh Tuy vây đánh ở Thị Cầu, đôi bên giằng co nhau ở sông Như Nguyệt.

Duy Sản dẫn vua hồi cung, ổn định tình hình chợt nghe Trần Cao đang đánh nhau với Trịnh Tuy ở Thị Cầu thua chạy về Chí Linh. Sợ Tuy lập công to, Sản bèn dẫn quân lên truy kích giặc. Hoằng Dụ thấy vậy cũng dẫn quân đi, nhưng ngầm sai tướng tâm phúc trà trộn vào trong quân Duy Sản. Viên tướng này chờ lúc Duy Sản hỗn chiến với Trần Cao, rình sau lưng bắn tên giết chết rồi phao tin Sản cùng bộ tướng Nguyễn Thượng bị Trần Cao bắt sống, giải về hành dinh ở Vạn Kiếp rồi đem giết để tế cờ.

Cuối cùng, bị quân triều đình vây rát bốn bề, Trần Cao liên tiếp thua to, hoảng sợ bèn cạo tóc giả làm sư trốn vào núi biệt tích…

Trịnh Duy Sản chết lại đến lượt hai phe cánh Hoằng Dụ và Trịnh Tuy tranh nhau ngôi bá, sai khiến triều đình. Vua Chiêu Tông sai người giảng hòa mấy bận không được. Họ đem quân kịch chiến nhiều trận ngay sát kinh thành.

Trần Chân nhận chiếu chỉ của vua mang quân đi dẹp loạn hai kẻ quyền thần. Lúc đầu ông liên kết với Trịnh Tuy đánh cho quân Nguyễn Hoằng Dụ nhiều trận thảm bại, phải trốn chạy khắp nơi, không lâu sau ốm chết ở xứ Thanh. Hoằng Dụ chết, phe cánh Trịnh Tuy cũng dần yếu thế. Quyền hành trong triều về hết vào tay Trần Chân. Ông là tướng tài, giỏi côn quyền, binh pháp, nhưng khi về nắm quyền to giữa triều đình lại không biết cách đo lòng người hiểm độc ở chốn quan trường.

Vì thế, tháng 7 năm Mậu Dần -1518, vua Chiêu Tông nghe lời dèm pha của bọn nịnh thần Ngô Bính, Chử Khải, Trịnh Hựu sai người mời Trần Chân vào cung, lừa lúc ông sơ ý, các giáp sĩ mai phục trong sân xông ra giết chết. Cái chết tức tưởi của Trần Chân đẩy vương triều của Chiêu Tông rơi vào vòng xoáy hỗn loạn mới.

Các tướng dưới quyền của Trần Chân lấy cớ trả thù cho chủ tướng thi nhau nổi loạn chống lại triều đình. Phe cánh của Trịnh Tuy cũng thừa cơ dấy binh, lập một người trong hoàng tộc là Lê Bảng làm vua, đóng bản doanh ở ngay sát kinh thành…

Trong tình cảnh ấy, một nhóm quan văn do Bùi Xương Trạch cầm đầu, vì lo lắng đến hiện tình đất nước đã dâng biểu xin Chiêu Tông triệu cha con Mạc Đăng Dung đang đóng quân ở lộ Hải Dương về giúp vua dẹp loạn và chỉnh đốn triều cương…

Hiếu Dân hùi hụi thức đêm ngồi viết, quên cả cặp lồng đựng con gà ác tần thuốc bắc của Hương gửi lúc chiều, đang cất trong tủ lạnh. Khi anh sực nhớ trời đã gần rạng sáng. Nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay cũ rích, cây kim chỉ lúc 3 giờ hai lăm. Cơn tức thở và đau nhói trong ngực càng khiến anh ân hận vì đã phụ công Hương vất vả nấu món ăn bổ dưỡng. Dân uể oải nén cơn đau, đứng dậy lấy cặp lồng hâm nóng trên bếp ga. Cặp lồng đã sôi lên sùng sục, nhưng miệng anh đắng ngắt, vẫn chưa muốn ăn.

Dân tắt bếp, ra ban công hứng gió. Mấy giò lan hồ điệp lại khiến anh nhớ Dung, nhớ thầy Hạnh. Khoảng tháng này năm ngoái có hai cô cậu đột ngột tìm mình. Cô gái đẹp như hoa hậu, tên Tường Vi, nhận là cháu họ của Dung; còn chàng trai tên Hữu Đông chắc là người yêu của Vi. Họ thật đẹp đôi, đều thông minh giỏi giang và ham hiểu biết. Mình đã giảng giải cho cặp uyên ương ấy về thời Lê sơ, nói cho Đông biết thêm về những nhận định của mình về Mạc Dăng Dung và vương triều nhà Mạc.

Mình còn bảo, sẽ viết một chương riêng về Mạc Đăng Dung để kết thúc đề tài Lịch sử 100 năm thời Lê sơ. Đông khoe quê cậu ấy quê ở làng Cổ Trai, muốn mời mình về thăm nhà thờ tổ họ Mạc. Mình cũng muốn đi, không biết liệu quỹ thời gian và sức khỏe có cho phép. Biết đâu ở đó còn có những tư liệu quý mới được tìm ra hay những câu chuyện trong huyền sử dân gian, mình còn chưa biết đến.

Chỉ có một điều chắc chắn, dù cơn đau từ bệnh ung thư có hành hạ mình đến đâu thì mình vẫn phải viết xong đề tài và mang bản thảo lên chùa Sùng Miên xin thầy Hạnh cho lời nhận xét.

Nghe Tường Vi nói, sau khi gặp mình, hai cô cậu sẽ về tỉnh K, khi ấy họ nhất định cũng sẽ lên chùa Sùng Miên nghe thầy Hạnh kể chuyện lịch sử. Vi bảo, được nghe tiếng thầy đã lâu mà về tỉnh K không gặp sẽ hoài phí cả chuyến đi.

Ôi lớp trẻ! Nếu các cô cậu sinh viên, học sinh ai cũng yêu môn Sử như cặp uyên ương này thì mình sẽ hạnh phúc biết bao!…

(Còn tiếp)

Comments are closed.