Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Tại sao tôi viết?

Nguyễn Đức Tùng

René Descartes tin rằng những con lừa biết nói nhưng chúng không chịu nói để khỏi phải làm việc.

Cha đẻ của triết học hiện đại không phải là không có lý: ngôn ngữ là giao tiếp. Bày tỏ và ra lệnh, chất vấn và tha thứ, tố cáo và cầu nguyện.

Ngôn ngữ là quan hệ giữa người viết và người đọc.

Thế nhưng:

Người viết không viết về những điều mà mọi người quan tâm.

Người viết chỉ viết về những điều mà họ quan tâm.

Và điều ấy làm nên sự độc đáo của văn học. Sự độc đáo làm nên tính phong phú của đời sống. Đó là bản chất của tự do. Nhưng kỳ thú thay, điều mà bạn nghĩ bạn là kẻ duy nhất trong đời quan tâm đến, thì lại có hàng ngàn người, đôi khi nhiều hơn, cũng quan tâm như bạn. Nhưng chuyện ấy đến sau. Trước hết tôi phải tự mình lấy làm thích thú, bất kể điều ấy có ích hay không, đó chính là tự do sáng tạo.

Nếu nhìn công việc viết và đọc như thế, Văn Việt, hiện nay, đối với tôi, là một trong những diễn đàn lý tưởng của việc sáng tạo. Một khi con người được giao phó một trách nhiệm, chị ta hay anh ta liền lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Cái người được giao trách nhiệm ấy, dù chẳng được trả lương bổng hay hứa hẹn gì, sung sướng mà nhận lấy, vì đó là lý tưởng của đời hắn. Bạn đã gặp một người như vậy trong đời chưa?

Nếu chưa, thì cuộc đời bạn cần được xem xét lại. Vậy, tôi tin bạn đã từng gặp một người như vậy. Hãy noi gương người ấy, vì ngòi bút trong tay bạn là một trách nhiệm. Viết như ngày mai sẽ chết. Viết như thể không ai thèm đọc bạn cả, nhưng trong đáy sâu tiềm thức mơ hồ bạn vẫn nghe một tiếng gọi. Viết về ánh sáng khi bạn ngồi trong tối. Viết về sự đau khổ khi bạn hạnh phúc. Viết về mặt trăng nơi bạn chưa hề đặt chân tới. Viết về sự tra tấn mà bạn chưa từng trải qua, viết về sự phản bội. Sống trong thế giới đầy biến động và kỳ thú, tôi muốn viết về nó, và tôi muốn chia sẻ cái viết đó của mình.

Tôi viết để nhớ lại.

Tôi viết để quên đi.

Viết vừa là sự thăm dò đời sống bên trong, vừa là sự khám phá thế giới bên ngoài. Đó là tính nghịch thường của văn học. Tôi đi tới đám đông để nói lên nỗi lòng của mình. Tôi vừa nhìn thấy một cảnh chướng tai gai mắt, một người vô tội bị đánh đập, nhưng không ai biết. Tôi đem lòng yêu một người đàn bà, nhưng bị cô ấy từ chối. Tôi vừa phạm một lỗi lầm ghê gớm và không thể tự tha thứ cho mình. Chỉ một người khác mới có thể tha thứ cho tôi. Hoặc không. Chỉ những cá nhân hay những tập thể không có lòng tự trọng mới tự tha thứ cho mình dễ dàng về những lỗi lầm. Để trở thành nhà văn, tôi cần học cách chen ngang vào câu chuyện của người khác, làm cho người ta nghe được tiếng nói của tôi, nhỏ thôi, nhưng rõ ràng, rụt rè, nhưng hiểu được. Tôi cần một đám đông như thế. Ở đâu?

Bạn không có nhiều chọn lựa. Một nhà văn hôm nay rất khốn khổ, anh ta chỉ có một vài tờ báo hay diễn đàn online chịu đăng bài của mình. Tôi ngạc nhiên là nhiều người viết trẻ bây giờ vẫn không biết đến chúng. Khi ở Bắc Kinh, tôi gặp vài nam thanh nữ tú xài smartphone mới tinh, đắt tiền, nhưng hỏi chuyện thì bạn có cảm tưởng họ là thanh niên cách mạng văn hoá. Chúng ta không những cần những diễn đàn văn học tự do mà còn cần cái không khí được tạo ra bởi những diễn đàn ấy.Trong lịch sử văn học, các tờ báo muốn có một vai trò quan trọng cần có bốn yếu tố: trình độ tư tưởng, người viết, người đọc, tuổi thọ. Tôi mạn phép nghĩ, bây giờ Văn Việt có những thứ ấy. Mười năm trước, năm 2014, lúc Văn Việt ra đời, là một năm đặc biệt khó khăn đối với tôi, nhưng bắt tay vào làm việc với các anh chị ở đó, niềm hứng khởi nâng tôi lên. Tôi được làm quen với những nhà biên tập tài giỏi và đầy trách nhiệm như Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Hoàng Dũng, Ngô Thị Kim Cúc, Bùi Chát và với nhiều nhà văn cộng tác. Sức hấp dẫn của họ thật lớn. Trong bất kỳ một hành động sáng tạo nào, cũng có một nhu cầu được liên kết với người khác. Đó là mối liên kết giữa người viết và người đọc, giữa những người viết với nhau, tạo ra một thế giới riêng, một cộng đồng tuy nhỏ nhưng đẹp và sạch. Tôi quý anh chị em ở Văn Việt cũng như các anh chị em ở Da Màu, Talawas, Diễn đàn, Diễn đàn thế kỷ, Viết và Đọc, Văn Chương Việt, Gió-O, Trần Nhương, Sông Hương, Cửa Việt và nhiều tờ báo khác. Sự nối kết ấy thật quý báu. Viết là một hành động cô độc. Bạn chỉ lắng nghe ngòi bút của mình, tiếng động trên trang giấy, tiếng máy đánh chữ. Trong im lặng, bạn còn nghe được tiếng nói của người đọc.

Tôi lớn lên ở một làng quê. Trường tiểu học của tôi không có thư viện. Mỗi tuần lễ vào chiều thứ bảy, chúng tôi được cô giáo dẫn qua bên kia cầu, tới thị xã Quảng Trị, đọc sách trong phòng đọc của Ty Thông tin của tỉnh. Tôi nhớ cảm giác sắp hàng đi trên đường tới chỗ đọc sách, bây giờ vẫn còn nhớ những cuốn sách ấy, các nhân vật, những cậu bé vẫn còn chạy nhảy ở đó. Việc đọc thời nhỏ dạy tôi về cái tốt và cái xấu, tự do và nô lệ, và không một lý thuyết xã hội hay triết học nào sau này có thể làm lung lay quan điểm căn bản của tôi. Nhưng việc đọc ấy chưa bao giờ dừng lại, nếu ngày trước là phòng đọc nhỏ thị xã thì bây giờ là các thư viện vĩ đại, các tủ sách sang trọng, các tờ báo và trang mạng với bài posted lên liên tiếp mỗi ngày. Nhưng bản chất của việc đọc không khác. Tôi tìm đọc những cuốn ra đời ở Hà Nội trước khi tôi sinh ra và những bài báo được viết ở New York thơm mùi mực mới ngày hôm qua, chúng không có gì khác nhau cả, đó chính là tiếng nói của lương tâm, chúng ở ngay đây trên kệ sách, trên màn hình, sau một cái click. Chúng ta cần biết bao nnhững tờ báo tự do như thế, và chúng ta may mắn biết bao có nhiều người vẫn hàng đêm thức khuya để viết, thậm chí chịu đói rét để viết, và những người còn thầm lặng hơn những người viết, những người xây dựng các trang báo văn học, các nhà biên tập tài ba, chúng ta may mắn biết bao có những người như vậy, những người thậm chí không có lương, những người thậm chí còn bị đàn áp, để mang lại cho chúng ta cái đẹp, lòng thương xót, lòng dũng cảm. Và sự chính xác.

Tôi yêu sự chính xác của văn học. Chúng ta thường nói đến tài năng và tác phẩm lớn của dân tộc. Tôi tự hỏi: chúng ở đâu ra? Những tài năng và những tác phẩm đặc biệt chỉ có thể có cơ duyên sinh ra từ những diễn đàn có bản lãnh, như Talawas trước đây hay Văn Việt bây giờ, và về phía khác, như Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc dám đăng Nguyễn Huy Thiệp, hay gần đây những bức phá ngoạn mục từ Viết và Đọc, với các cây bút ngoại vi. Đó là điều cần ghi nhận. Nhiều người lý luận rằng tại sao có những nơi có tự do mà không có tác phẩm lớn? Vậy tự do sáng tác không có ý nghĩa gì, họ nói. Đó là sự ngụy biện. Tự do chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ. Nhưng trước tiên phải có điều kiện cần. Ngoài ra, tự do sáng tạo không phải chỉ cho phép bạn được đăng một truyện ngắn hay một bài thơ, mà là quyền được đi sâu vào cõi bí ẩn nhất của tiềm thức và vô thức. Con đường đi ấy bị ngăn lại do chính bạn, vốn bị điều kiện hóa. Người ta gọi là sự tự kiểm duyệt, nhưng đây là tự kiểm duyệt cao hơn, sâu hơn, gây thương tổn suốt đời, đó là sự tự kiểm duyệt vô thức. Tự do không thay thế cho sự đau khổ, trong khi bạn có tự do thì bạn vẫn đau khổ. Vì vậy nhiều người không thấy tự do là quan trọng đối với đời sống của họ. Tự do chỉ cho phép bạn được sống, dù đau khổ hay hạnh phúc, một cách có ý nghĩa nhất.

Sự đau khổ của chúng ta bao giờ cũng có mục đích lớn lao hơn chính nó.

Bạn sống một cuộc đời được xem xét và xem xét lại. Khi được học môn lịch sử, mà học sinh được phép phê phán như tôi ngày trước, nêu ra các câu hỏi và các giả thuyết, thì lịch sử không còn là bài học thuộc lòng khô khan, mà chính là câu hỏi thiết thân đối với mỗi người. Nhưng tự do ấy không phải là một khái niệm vô hình, nó phải thể hiện qua các hình thức như ngôn luận. Một diễn đàn tự do cung cấp cho bạn một không gian yên tĩnh, trong sáng, không có tiếng ồn và sự trá ngụy của áp lực. Những người viết trẻ nếu không thể đăng một cách tự do và gần như ngay lập tức, tất nhiên nếu bài của họ là hay, trên các diễn đàn ấy thì họ còn biết trông cậy vào đâu?

Đối với nhà văn, viết văn là công việc khó khăn, khó hơn nhiều công việc ấy ở người khác.

Đối với nhà thơ, làm thơ là công việc khó khăn, khó hơn nhiều công việc ấy ở người khác.

Các nhà văn lớn phương Tây nhắc đến những người mà họ gọi một cách âu yếm là “teachable writers”, những nhà văn có thể khuyên dạy được, có lẽ để phân biệt với những người “hết thuốc chữa”. Các nhà văn đi trước và đi sau, các nhà phê bình, các nhà biên tập, các nhà báo: họ đã dạy cho tôi biết bao điều. Từng chữ một. Tôi muốn suốt đời là một teachable writer của họ.

Mỗi người viết đều cần trả lời câu hỏi: Tại sao tôi viết?

Đối với tôi: Viết để thay đổi.

Để chống lại nô lệ hóa con người. Nhiều người nghĩ thay đổi tức là qua một đêm, đảo lộn thế giới. Tôi không nghĩ lớn lao thế. Tôi nghĩ rằng cái viết có thể làm thay đổi một người, trong một hoàn cảnh nào đó, trong một giây phút thôi. Khi tôi làm thơ tình, tôi chẳng hề muốn thay đổi gì cả. Tôi chỉ than thở cho nỗi đau khổ của mình. Tất cả những người yêu của tôi trong đời sống thực không có ai đọc thơ tôi cả. Nhưng nếu tôi viết được những dòng thơ làm lay động một người đọc, tôi tin thế giới đã thay đổi dù chỉ một inch hay một phần trăm inch về hướng tốt đẹp hơn. Trong cái đẹp, nhất là trong cái đẹp văn học nghệ thuật, có những giá trị đạo đức khó nhận ra, nhưng chúng có mặt ở đó. Ai là người mang nhà văn đến với độc giả của mình? Các tờ báo, tạp chí, diễn đàn online, sách in và sách điện tử, các ban biên tập, những người xuất bản. Nếu không có những diễn đàn và công cụ như vậy, nhà văn sẽ ra đời ra sao?

Chúng ta kêu gọi một xã hội dân sự, một nền văn học tự do, mà những tờ báo có không khí sáng tạo tự do như Văn Việt hãy còn đếm trên đầu ngón tay, thì tương lai của văn học nước nhà ra sao? Những nhà biên tập là những thư ký quan trọng của nền văn học quốc gia. Những diễn đàn lớn không thể không có những nhà biên tập lớn. Thế giới thay đổi. Báo chí của ngày hôm nay không còn là báo chí của nhiều năm trước, bây giờ tôi vẫn đọc sách in giấy nhưng đọc nhiều hơn trên màn hình. Nhưng những nhà văn mà tác phẩm của họ, dù hay ho đến mấy, không quan tâm đến một trong hai điều sau đây, quyền tự do dân chủ và sự công bằng lịch sử, thì tôi không chú ý. Bạn phải có cá tính khi đọc. Yêu ghét rõ ràng.

Nhà thơ Ý Nhi hỏi tôi: Anh nghĩ gì về mười năm của Văn Việt? Thưa chị, mười năm ấy là một đoạn đường dài, không phải chỉ vì nó dài, mà vì các anh chị đã trải qua bao khó khăn, khổ cực, kiên nhẫn, thuyết phục, để gìn vàng giữ ngọc cho tiếng Việt chúng ta, và để giữ một trong những cái bàn viết trong sạch, hòa giải, sang trọng cho những người đang viết, trong một thế giới tan rã, chia cắt, đứng dậy, viết cho cái dân tộc đau khổ và hết sức đáng yêu này.

2024

Comments are closed.