Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: MỪNG VUI CÙNG VĂN VIỆT 10 NĂM

Vậy là trang Văn Việt đã có mặt trên diễn đàn văn học Việt Nam được 10 năm. Mười năm là khoảng thời gian ngắn so với một hoạt động có tính dài lâu như văn học. Nhưng với những người thực hiện và với độc giả/cộng tác viên Văn Việt, đó có thể coi là thành quả đáng mừng.

Bởi lẽ trang web của Văn Việt: vanviet.info, ngay từ đầu đã bị chặn tường lửa khiến đa số độc giả (do không biết cách vượt tường lửa) đã không thể vào đọc, và tất nhiên không thể gởi bài cộng tác.

Tuy nhiên, dù bị tường lửa cộng với những khó khăn khác bên ngoài trang báo, Văn Việt vẫn có được những tác phẩm giá trị so với mặt bằng chung của văn học Việt Nam hiện nay, nhờ sự tận tâm-chia sẻ-cống hiến của các bạn.

Ban Biên tập Văn Việt vô cùng trân trọng và xin chân thành cảm ơn những gì các bạn đã dành cho Văn Việt. Xin chúc các bạn vẫn tràn đầy năng lượng để tiếp tục con đường đã chọn của mình.

Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến/lời nhắc của các bạn đã chia sẻ niềm vui cùng 10 năm Văn Việt.

Ban Biên tập Văn Việt

……………………………………………………………………………………………………………..

Vì một nền văn học tự do nhân bản

Trang Châu (từ Canada)

Tôi đến với diễn đàn Văn Việt năm 2018, sau lần tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Hưng nhân chuyến ra hải ngoại có ghé Montréal của ông. Tôi cùng một số bạn viết ở Montréal được nhà thơ Hoàng Hưng mời cộng tác viết bài. Tôi vừa tò mò vừa ngạc nhiên. Tò mò vì lần đầu tiếp xúc với đại diện nhóm Nhà văn Độc lập trong nước, khác với Hội Nhà văn là hội của nhà nước. Viết dưới sự kiểm soát của một chế độ độc tài, đảng trị mà giữ được độc lập sao? Coi chừng độc lập cuội. Ngạc nhiên là được mời viết bài. Nhưng rồi tôi tự trấn an mình rằng người ta mời mình viết chứ có bắt mình phải viết như thế nào đâu.

Mở diễn đàn Văn Việt đọc thấy ngay dòng chữ: Văn Việt – Vì Một Nền Văn Học Tự Do Nhân Bản. Tôi thắc mắc ngay chữ . Chắc phải thiếu một cái gì nên nhóm này thấy cần bổ túc hay làm khác đi. Vì thế mà họ đề ra tìm một thứ văn học mới nêu cao tự do và nhân bản.

Tự do, hiểu nôm na là có quyền nghĩ sao viết vậy, miễn đạt trình độ nghệ thuật, tư tưởng cao là được. Nhưng ngược lại với tự do là gì? Là nô lệ à? Nghe nặng quá! Là không có tự do à? Chữ có nhẹ đi nhưng nghĩa vẫn nặng. Còn nhân bản là sao? Viết sao để được gọi là văn học nhân bản? Ngược với hai chữ nhân bản là gì? Là súc vật à? Nghe cũng nặng quá! Khi viết lách tôi chẳng bao giờ thắc mắc thơ văn mình có nhân bản hay không.

Cho đến một hôm, rất tình cờ, lên mạng được đọc bài viết của một tác giả nghe tên nhưng chưa gặp mặt, người của miền Nam Việt Nam. Tác giả so sánh hai nền văn học Nam và Bắc trước 1975. Ông chê văn học miền Bắc sặc mùi tuyên truyền, sách động, sắt máu, gây hận thù, rồi ông khen nền văn học miền Nam đầy nhân tính. Và để kết thúc bài viết ông trích mấy câu thơ của tôi in ở đầu trang cuốn bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến: “Trong cuộc chiến hôm nay/Cho tôi xin chiến đấu không hận thù/ Xin những vết thương bình đẳng/Cho tôi đổi một trăm chiến thắng/ Lấy một giọt nước mắt kẻ thù” (1).

À ra thế. Có tình người là có nhân bản. Niềm vui lẫn mối lo của tôi là mỗi lần thấy bài mình đăng trên Văn Việt. Vui là vì tuy chẳng biết số người đọc bài mình trong nước là bao nhiêu nhưng nếu đem con số trăm triệu người trong nước so với con số cỡ năm triệu ở hải ngoại, thì dù tên lửa có mạnh bao nhiêu, tôi vẫn tin số người vượt được tường lửa để đọc bài của mình viết chắc chắn vẫn cao hơn số độc giả ở hải ngoại. Nhưng lo là lo cho những người chấp nhận rủi ro thể chất lẫn tinh thần khi cho đăng bài mình. Lo vẫn lo nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc có được những người đồng điệu ở xa tận chân trời, thấy chữ thấy người mà có khi sẽ chẳng bao giờ gặp mặt.

Nghĩ gì về tình trạng hiện nay của đất nước. Sau gần năm mươi năm chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn bị xếp hạng rất thấp về nhân quyền, hạng rất cao về bắt bớ, giam cầm. Đặc biệt nhắm vào những nhà bất đồng chính kiến, các nhà văn, nhà báo. Hiện nay bao nhiêu kẻ đang sống cảnh nhà thơ Hoàng Hưng đã từng sống: Tù và sau khi ra tù với hội chứng hậu chấn thương. A! địa ngục là đây/Ta bắt đầu kiếp quỷ/Sao dễ dàng quá nhỉ/Chỉ một bước một giây/Bước qua cánh cửa này/Kiếp người đã xa lắc…” (2).

Phải ngồi tù mới biết: “Chiều tà như muốn dài vô tận./Ngồi đây biết đến bao giờ/Trùm chăn ta đợi cơn mơ đưa về” (2). Và rồi sau khi ra tù cơn ác mộng vẫn dằng dai đeo đuổi: “Bước vào cửa người quen tái mặt/Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy/Hai năm còn mộng toát mồ hôi/ Muời năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối…” (2). Và rồi không biết đến bao giờ mới hết cảnh “Giật mình một cái vỗ vai” (2).

Tình trạng đất nước hiện nay có khác gì hơn trước? Hay trong lòng người vẫn là những mơ ước nhỏ nhoi mà tha thiết như nhà thơ Ý Nhi ngày nào: “Sao hôm nay/Tôi muốn được là tôi/Với tóc tết đuôi sam/Với áo rộng thùng thình/Đi lang thang qua phố nhà sông nước/Được nhìn thấy tuổi thơ xa tít tắp/Đang mỉm cười tha thứ/chở che” (3).Vẫn còn là những ấp ủ ấm ức: “Nếu có thể một lần nói được /Những gì chưa nói nên lời/Tôi xin nhắc tháng ngày gian khổ ấy/Đã thành sao/ lặng lẽ/ sáng trong tôi”. Khi niềm tin bị đánh mất, người cầm bút phải chọn một trong hai thái độ: Im lặng hay lên tiếng. Có người đã lên tiếng, bằng cách này hay cách khác. Lúc thì tế nhị, kín đáo: “Họ đã nói bao điều họ không hề nghĩ/Ta đã nghĩ bao điều mà không nói/Kiêu ngạo chăng/Bất nhẫn chăng/Nhưng mà ta biết nói cùng ai...” (3). Lúc thì thẳng thừng, trực tiếp: “Tôi biết có những trò đùa cay nghiệt/Và những việc nghiêm trang lại là một trò đùa/…Nhiều khi tôi khóc vì chính những điều khiến mọi người quanh tôi vui sướng/Và lại muốn thét lên khi mọi người im lặng” (3).

Phải rồi, người chính trực không bao giờ yếu hèn. Như nhà hiền triết Aristote từng xác quyết: “Can đảm là phẩm chất đứng đầu mọi phẩm chất khác nơi con người, vì nó đảm bảo cho tất cả các phẩm chất khác” (4).

Kỷ niệm 10 năm ra đời trang Văn Việt coi như đánh dấu sự “trưởng thành trong khói lửa”. Một khi chủ trương viết vì quyền lợi chung, vì ước mơ chung, một ngày giấc mơ sẽ thành sự thật. Viết để cảnh báo, để phơi bày, để góp ý, tất cả trong tinh thần xây dựng, không cần biết đến bao giờ mới đạt, với mục đích thức tỉnh những kẻ đang cầm vận mệnh đất nước, những kẻ đang tin mình biết trong khi trên thực tế họ đang sai lầm.

Văn Việt là một trong vài diễn đàn tư hiếm hoi tặng giải thưởng hàng năm cho nhiều bộ môn. Giải thưởng, với trị giá một hai ngàn đồng, đem đến gì cho tổ chức treo giải và người được giải? Dưới mắt tôi, phía trao giải coi giải trao đi như một khuyến khích, một cách tạo cớ để người viết chu toàn tốt công việc của mình. Và phía người được giải có thêm sự tự tin.

Con đường Văn Việt đã và đang đi xin cứ đi tiếp. Tin tưởng, với sự dấn thân, với lòng thành, với trải nghiệm của những người điều hành, Văn Việt ngày càng vững mạnh, ảnh hưởng ngày một lan rộng.

Đất lành chim trời sẽ về đậu. Mà nếu tường lửa hay tường đá có nỗ lực ngăn chận hay làm chậm bước đi, Văn Việt vẫn phải tiếp tục tiến tới, vâng theo lời khuyên chí thành của thánh Augustin: “Tốt hơn nên đi theo con đường thiện dù bước chân có khập khiễng hơn là mạnh bước trên con đường ác” (5).

06/01/2024

……………………

Chú thích:

(1) Thơ Trang Châu

(2) Thơ Hoàng Hưng

(3) Thơ Ý Nhi

(4) Le courage est la première des qualités humaines car elle garantit toutes les autres (Aristote)

(5) Il vaut mieux suivre le bon chemin en boitant que le mauvais d’un pas ferme (Saint Augustin)

……………………………………………………………………………………………………………..

Nhiều nhà văn, đặc biệt các nhà văn trẻ, không-biết/không-dám-biết tới trang Văn Việt

Nguyễn Quang Lập

* Anh có nhận xét gì về những tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Văn Việt qua 8 kỳ?

– Tôi thấy các tác phẩm được giải đều xứng đáng cả. Cái chúng ta thiếu là không thể làm cho đại chúng chú ý đến các tác phẩm được giải. Hầu như rất ít bạn đọc biết đến Giải Văn Việt. Theo tôi cần gia tăng về mặt truyền thông, bởi các cuộc trao giải thưởng không thể tổ chức được, nếu được thì qui mô của nó không quá một cuộc cà phê.

Cho nên, gia tăng truyền thông cho các tác phẩm được giải nói riêng và các tác phẩm đăng trên Văn Việt nói chung là điều cần phải làm mạnh hơn, nhiều hơn. Tổ chức một hệ thống lan toả trong không gian mạng là việc cần làm ngay, nếu có thể.

* Theo anh, đề mục nào trên Văn Việt được quan tâm nhiều? Và người đọc chờ đợi gì ở Văn Việt?

– Từ khi ra đời đến nay, mục Vấn đề hôm nay vẫn được bạn đọc chú ý trước nhất. Tuy nhiên mục này ngày càng ít đi những cập nhật nóng. Khai thác sâu các vấn đề nóng dưới góc nhìn văn hoá và nhân sinh cũng ít được quan tâm.

Chuyên mục Văn học miền Nam rất được bạn đọc quan tâm, thậm chí bạn đọc tìm Văn Việt chỉ để đọc mục này. Sự thiếu thốn văn học miền Nam đã khiến bạn đọc muốn cậy vào Văn Việt để có những tác phẩm Miền Nam xưa.

* Thơ-Văn trên Văn Việt có phản ảnh được phần nào khả năng sáng tạo cũng như gương mặt tinh thần của người Việt? Trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, liệu các nhà văn/tác phẩm văn chương còn có vai trò gì không?

– Tôi đọc không đều và không nhiều nên không dám trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng Văn Việt hơi bị chuộng về hình thức khi đăng tải các tác phẩm văn học mới. Nhiều nhà văn, đặc biệt các nhà văn trẻ, không biết tới hoặc không dám biết tới trang Văn Việt nên không gửi hoặc không dám gửi tác phẩm. Đó là một thiệt thòi của Văn Việt.

Xây dựng một trang văn chương chứa được hết văn chương Việt là mục tiêu của Văn Việt ngay từ khi nó ra đời, đến bây giờ thực thà mà nói, chúng ta đã chưa thành công.

Có một nhà văn đã nói với tôi: Văn Việt chỉ là phía khác của Văn Nghệ, phía mà ai cũng đã biết, và nó cũng không có gì hấp dẫn, như Văn Nghệ. Tôi không đồng tình với nhận định này, nhưng cũng là điều khiến ta nên nghĩ ngợi thêm.

* Theo anh, “tổ chức/liên kết nghề nghiệp” của các nhà văn, nếu có, nên được hình thành và hoạt động theo cách nào?

– Tôi nghĩ chỉ cần nâng cao chất lượng Văn Việt, để cho nó ngày càng lan tỏa trong cộng đồng mạng người Việt, tự nó là sẽ quy tụ thành môt câu lạc bộ văn chương Việt có ích cho văn chương và đất nước, khỏi cần thêm một hội đoàn nghề nghiệp.

Văn Việt rất cần những người trẻ trong bộ khung biên tập và kỹ thuật (cần lắm rồi!), chứ không cần một hội đoàn nào khác.

……………………………………………………………………………………………………………..

“Văn học là nghệ thuật khám phá điều gì đó phi thường ở những con người bình thường và nói bằng một ngôn từ bình thường điều gì đó phi thường

Trịnh Y Thư (từ Hoa Kỳ)

* Anh có nhận xét gì về những tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Văn Việt qua các kỳ?

– Dĩ nhiên, những tác phẩm ấy đều có giá trị nhân văn lẫn văn chương.

* Thơ-Văn trên Văn Việt có phản ảnh được phần nào khả năng văn chương cũng như gương mặt tinh thần của người Việt hiện nay?

– Phản ánh khả năng văn chương cũng như gương mặt tinh thần của người Việt hiện nay? Muốn thế, ta phải chấp nhận tính đa dạng và hòa nhập trong văn học, một điều khó khăn cực kỳ như chị đề cập trong câu hỏi. Ở một xã hội tương đối thông thoáng và tự do như xã hội Mỹ, điều đó cũng gặp phải không ít trở ngại và khó khăn. Chỉ từ hai ba chục năm vừa qua, văn học Mỹ mới thực sự manh nha có những chuyển biến ngoạn mục như thế. Đối với xã hội Việt Nam, điều này khó khăn gấp bội, vì ngoài con ngáo ộp nhà nước lúc nào cũng rình rập tóm cổ bỏ tù nhà văn, ta còn có các ngài trưởng lão trong Giáo hội, các ngài trưởng khoa trong cơ chế giáo dục, học đường, thậm chí các ngài trưởng phòng, trưởng khóm, trưởng kho, trưởng chợ, trên tay họ thủ cây gậy bằng vàng ròng và họ sẵn sàng đập nát đầu kẻ nào bạo gan nói bất cứ điều gì trái ý họ.

* Theo anh, đề mục nào trên Văn Việt được đọc nhiều? Và người đọc chờ đợi gì ở Văn Việt?

– Theo tôi, đề mục trên Văn Việt được đọc nhiều vẫn là những bài viết mang tính thời sự, thời sự văn học cũng như chính trị, xã hội, văn hóa nói chung. Nó là sự khao khát nơi người đọc, và người dân nói chung, muốn thấy có sự tiến bộ trong một bối cảnh bao nhiêu năm bị chèn ép bởi khí quyển tù đọng và những quán tính thật khó thay đổi của xã hội.

* Anh/ có nghĩ rằng dù gặp khó khăn, chúng ta sẽ vẫn có thể có một trang văn học cho các nhà văn trong và ngoài nước cùng góp mặt?

– Rất cần. Và, theo tôi, Văn Việt là nơi hội tụ đông đảo và uy tín nhất.

* Theo anh, “tổ chức nghề nghiệp” của nhà văn, nếu có, nên được hình thành và hoạt động theo cách nào?

– Tôi là một người viết độc lập xưa nay nên không có nhiều kinh nghiệm về một “tổ chức nghề nghiệp” của nhà văn. Tuy nhiên, theo thiển ý, một “tổ chức nghề nghiệp” của nhà văn không phải nơi để các nhà văn, nhà thơ khề khà ngâm thơ vịnh nguyệt hoặc ca tụng lẫn nhau. Nó là một tổ chức nhằm thúc đẩy cứu cánh của văn học. Hoạt động của “tổ chức”, do đó, phải đặt trên nền tảng này. Nói, nghe có vẻ to tát, nhưng thực chất, nó không đi chệch ra khỏi tinh thần câu nói giản dị của thi hào Boris Pasternak: “Văn học là nghệ thuật khám phá điều gì đó phi thường ở những con người bình thường và nói bằng một ngôn từ bình thường điều gì đó phi thường”.

……………………………………………………………………………………………………………..

Văn học Việt Nam cần đa dạng hóa hình thức hoạt động, cần thêm nhiều hội nhóm, trường phái

Vũ Ngọc Tiến

* Theo anh, người đọc chờ đợi gì ở Văn Việt?

Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn nhắc lại lời của nhà văn Blaga Dimitrova tâm sự với Nguyễn Tuân, khi bà sang thăm Việt Nam năm 1967: “Văn học Việt Nam của các bạn cũng như ở Bulgaria và rộng ra là phe xã hội chủ nghĩa đều không có nhiều hội nhóm, trường phái là điều trái tự nhiên, sai quy luật, nên không có động lực phát triển. Phải coi nó như một thực thể sống, để nó phát triên như quy luật vốn có của vạn vật”. Khi dịch sang tiếng Việt cuốn hồi ký của bà ở Nhà xuất bản Văn học, người ta đã cắt xén chỉ còn một câu ngắn gọn: “Văn học Việt Nam của các bạn thiếu trường phái”.

Theo lẽ đó, tôi cho rằng sự ra đời của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập là cần thết và sự tồn tại của trang Văn Việt trong 10 năm qua là một thành công đáng khích lệ.

Văn học Việt Nam ở thời điểm này không chỉ cần tiếp tục mở rông, đa dạng hóa hình thức hoạt động như của Văn đoàn Độc lập mà còn cần thêm nhiều hội nhóm, nhiều trường phái lớn nhỏ khác mới có thể phát triển, đủ sức vươn tầm ra châu lục và thế giới.

* Thơ-Văn trên Văn Việt có phản ảnh được phần nào khả năng sáng tạo cũng như gương mặt tinh thần của người Việt hiện nay?

Tôi không có thời gian cập nhật thường xuyên trên Văn Việt, nhưng qua tham khảo ý kiến của bạn bè, tạm nhận xét như sau: Nhìn chung trang Web vanviet.info có giao diện thân thiện, lớp lang bài bản, nội dung khá phong phú, chất lượng biên tập tiếng Việt chuẩn xác. Các mục được bạn đọc quan tâm tìm kiếm tham khảo là Vấn đề hôm nay, Nghiên cứu phê bình, Trao đổi, Văn xuôi, Tư liệu.

* Anh có nhận xét gì về những tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Văn Việt qua 8 kỳ?

– Nhìn lại những lần trao giải Văn Việt thời gian qua chúng ta có thể yên tâm và tự hào rằng việc xét giải là công tâm, nghiêm túc, ít nhiều gây được tiếng vang trong và ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của Văn Việt trên văn đàn nước nhà. Việc nảy sinh dư luận trái chiều, thậm chí là lời bình phẩm ác ý đối với một vài lần trao giải âu cũng là lẽ thường tình.

* Anh có nghĩ rằng dù gặp khó khăn, chúng ta sẽ vẫn có thể có một trang văn học cho các nhà văn trong và ngoài nước cùng góp mặt?

Ý kiến của tôi là vẫn cần, rất cần trang Văn Việt tiếp tục hoạt động, hoàn thiên tổ chức, mở rông giao lưu với các tác giả để sức lan tỏa phủ kín hai miền Nam Bắc, vươn xa tới cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia…

Sài Gòn 8/1/2024

……………………………………………………………………………………………………………..

 

10 năm Văn Việt và tôi

Ngu Yên (từ Hoa Kỳ)

10 năm không phải quá dài, nhưng mỗi đời người có được bao nhiêu lần 10 năm?

Những người bỏ ra 10 năm để làm chuyện này, họ có được bao nhiêu lần 10 năm để làm chuyện khác?

Tôi biết mạng lưới Văn Việt và Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập qua nhà văn Trần Vũ trong một lần trò chuyện qua điện thoại. Sau đó, anh giới thiệu tôi với nhà thơ Ý Nhi. Từ đó, tôi sinh hoạt chữ nghĩa với Văn Việt.

Văn Việt không chỉ gặp khó khăn ở trong nước; bên ngoài, dư luận tuyên truyền rằng Văn Việt là một hoạt động trá hình. Một cái bẫy do Đảng Cộng sản chủ trương.

Cái bẫy? Tôi nghĩ, bẫy ai ở hải ngoại? Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nào ở ngoài nước đáng bị bắt, đáng theo dõi? Với sức mạnh quyền lực của nhà cầm quyền trong nước, thì các “nhân dân tự vệ” văn chương hải ngoại có đáng gì.

Sự cộng tác sáng tạo giữa trong và ngoài nước là một giao lưu cần thiết để phát triển văn học và văn hóa, ai cũng biết, ai cũng hiểu, có bao nhiêu người làm?

Lịch sử văn học thế giới cho thấy sự giao lưu văn chương của Châu Mỹ La Tinh trong thập niên 1950-1960 đã tạo ra phong trào Magic Realism, một phong trào văn học văn hóa tầm vóc thế giới lần đầu tiên phát xuất không phải từ Châu Âu, Châu Mỹ. Sự giao lưu của Nhật, của Nam Hàn, của Nam Phi, vân vân, là chứng cớ rõ rệt.

Điểm quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là sự giao lưu về sáng tạo. Sáng tạo là đầu và đuôi tất cả những thành tựu đáng kể của con người. Có phải Văn Việt là nhóm tiên phong từ trong nước tiến hành công việc giao lưu sáng tạo sau thời điểm tháng Tư 1975?

Nếu xem thường việc giao lưu sáng tạo qua chữ nghĩa, sẽ chứng tỏ sự hiểu biết chưa sâu sắc về động lực phát triển một quốc gia. Ngày nay, chúng ta đối diện với giá trị của sự phát triển toàn cầu cùng những ràng buộc, cân bằng, xung đột, hệ lụy của nó, nhưng không thể không công nhận, đó là chiều hướng chính của thế giới ngày mai. Phát triển toàn cầu đối với một quốc gia là phát triển toàn bộ. Nếu chỉ phát triển một lãnh vực, thì những lãnh vực trì trệ khác sẽ làm đất nước đi khập khiễng. Đi què quặt biết bao giờ mới đến ước mơ?

Việt Nam, gần đây, phát triển mạnh nhất là kinh tế, nếu lãnh vực chính trị không phát triển theo kịp, thì tương tự như một thân xác béo phì, mà hệ thống thần kinh non nớt hoặc bệnh đau. Phải chăng con người đó có dáng dấp si khờ? Nếu lãnh vực văn học văn hoá không phát triển tương xứng với sức gia tăng của kinh tế, con người đó có cái xác khổng lồ mà tâm hồn hạt tiêu. Phải chăng con người đó có dáng dấp đại gia ma lanh ma le, hành vi thiếu tự trọng?

Một quốc gia lành mạnh là một quốc gia có phát triển toàn bộ. Cứ theo định luật tự nhiên, sự phát triển của một lãnh vực này sẽ kích thích, lôi kéo, phong phú hóa các lãnh vực khác. Nếu để tự nhiên, thì chậm. Nếu có thúc đẩy, sẽ nhanh hơn. Chẳng phải sự giao lưu sáng tạo là một phần thúc đẩy quan yếu hay sao?

Cá tính chung yếu nhất của dân ta là sợ. Cái sợ này di truyền nhiều thế hệ, ẩn núp dưới biết bao nhiêu hình thức biện minh, bình phong, nhân danh. Cứ nhìn sự dũng cảm châu chấu đá voi của người dân Ukraine, cứ so sánh việc mổ bụng của người Nhật, cứ tìm hiểu sự tiến bộ cấp tính của Nam Hàn và Ba Lan, thì sẽ thấy cái sợ ghê gớm đã níu chân, trói tay, bao đầu, bịt mắt dân mình trước những cơ hội, tình huống, dấn thân để xứng đáng làm người.

Tôi cho rằng, ngoài giá trị của giao lưu sáng tạo, Văn Việt đã nỗ lực dấn thân đối đầu với nỗi sợ bản thân, nỗi sợ xã hội, nỗi sợ chính trị và cả nỗi sợ làm-người-không-sợ.

Cái bẫy. Đúng. Không phải do nhà cầm quyền ngụy trá, mà do chính Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập tự dựng lên, tự chính thức lộ diện, để nhà nước có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào, bắt trọn ổ, trù ẻo trọn đời, như đã từng ra tay với nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Đáng sợ chưa? Mà vẫn làm. Khó khăn? Chắc chắn là khó khăn, nhưng đã trải qua 10 năm, chứng tỏ được: Dù sợ nhưng vẫn làm thì sợ sẽ bớt đi. Đây là một phương pháp tâm lý để giúp những người nhút nhát, sợ sệt, quen dần với nỗi sợ, được áp dụng trong các cơ sở trị liệu tâm lý ở Hoa Kỳ. Càng thiếu hiểu biết, càng không dám đối đầu, nỗi sợ càng gia tăng. Để bớt sợ, thì ngược lại, tìm hiểu vấn đề cho thấu đáo, tiến hành thực tập đối đầu. Dân ta chỉ có thể phát triển phẩm chất, khả năng, và hiệu quả cao khi nào bớt sợ. Chẳng phải Văn Việt đang cố gắng bớt-sợ và quảng bá sợ-bớt hay sao?

Ngoài hai điểm chính mà tôi chia sẻ, tôi còn muốn tâm sự về những thích thú cá nhân đối với phong cách làm việc của mạng lưới Văn Việt. Tôi chưa hề gặp gỡ bất kỳ một ai trong nhóm Văn Việt khi bắt đầu sinh hoạt giao lưu. Chỉ biết mỗi nhà thơ Ý Nhi và nhà ngữ học Hoàng Dũng và biết vô ảnh vì chưa thấy nhau lần nào.

Năm 2017, khi Văn Việt chọn trao cho tôi đồng giả thưởng thi ca, tôi cảm ơn không chỉ vì giải thưởng, mà vì Văn Việt phải đối đầu với cái đó, có vượt qua thì giải thưởng mới đến tôi. Một hành động tế nhị, can đảm và yêu thơ. Tôi cũng cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã qua đến Houston để trao tận tay giải thưởng này, vì tôi bận rộn công việc, đã không về tham dự được trong ngày tuyên trao giải thưởng.

Chuyện mà tôi quan tâm về những mạng lưới, tạp chí, báo văn học văn chương trong và ngoài nước là phẩm hạnh làm việc của ban điều hành và ban kỹ thuật:

Tôi biết hầu hết các mạng lưới và báo chí văn hóa văn chương đều là tư nhân, có toàn quyền hành xử trong khu vực giấy hoặc không gian ảo của mình. Nhưng, đồng thời, những nghệ sĩ cộng tác cũng làm việc không công. Người muốn chia sẻ sự hiểu biết, người muốn trình bày khả năng sáng tạo, người muốn một chút danh gì với núi sông. Nếu các mạng lưới, báo chí được biết đến, được nhắc lại trong dòng thời gian, phần chính là do những đóng góp tài năng của các người sáng tác. Khi mạng lưới hoặc báo chí tỏ vẻ đăng bài như một ân huệ, thì người viết tự trọng sẽ bỏ đi chơi chỗ khác, hoặc chơi một mình với facebook, với mạng lưới riêng hoặc với ma.

Về hành xử này, Văn Việt rất đứng đắn. Trân trọng tâm trí trong chữ nghĩa sáng tác. Liên lạc với người viết khi có vấn đề, khi cần phải thảo luận. Tôi thích thú sự hiền hòa và trầm tĩnh của nhà thơ Ý Nhi, người mà tôi gửi bài đến cho Văn Việt. Tôi thích thú sự làm việc cẩn trọng và khả năng hiểu biết của nhà ngữ học Hoàng Dũng. Tôi thích thú khả năng layout của ban kỹ thuật. Và giờ đây, tôi vô cùng thích thú khi Văn Việt thọ mạng 10 năm dù nhiều thương tích.

Tôi nghĩ rằng, trong cõi sống không có gì quý hơn thời gian, Vì nó giới hạn, duy nhất, một đi không trở lại, cho phép con người làm được nhiều việc song song với nó. Vậy thì, 10 năm không phải quá dài, nhưng mỗi đời người có được bao nhiêu lần 10 năm?

Những người bỏ ra 10 năm để làm chuyện này, họ có được bao nhiêu lần 10 năm để làm chuyện khác?

Chúc mừng Văn Việt.

Chúc mừng các anh chị nghệ sĩ trong Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.

Houston. 27 tháng 1 năm 2024

……………………………………………………………………………………………………………..

 

Văn Việt – văn chương & chính trị

Nguyễn Viện

Một buổi chiều cách đây 10 năm, nhà thơ Bùi Chát rủ tôi ra café. Hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch vốn là chỗ tụ tập quen thuộc của bọn văn chương vỉa hè chúng tôi. Bùi Chát rủ tôi tham gia Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, một tổ chức của những văn nghệ sĩ chủ trương tự do sáng tạo. Tôi hỏi có những ai? Bùi Chát cho biết vài cái tên như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên…

Trong bối cảnh mà các tổ chức xã hội dân sự hoàn toàn bị cấm đoán, sáng tạo nghệ thuật bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, việc thành lập một văn đoàn độc lập ngoài hệ thống chính quyền, lại do những người vốn là quan chức, đảng viên chủ xướng, thật là một nỗ lực dũng cảm. Tôi tán thành và đề cao việc làm đó, nhưng tôi từ chối tham gia với tư cách một thành viên, bởi tôi không thích hội hè, đoàn thể mọi thể loại. Hơn thế, tôi ghê tởm mọi thứ đoàn thể đang có chung quanh tôi.

Không có mợ thì chợ vẫn đông. Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập ra đời cùng lúc với sự có mặt của website Văn Việt, một tạp chí văn chương online đầu tiên và duy nhất mang tính tổ chức của một đoàn thể không giấy phép cho đến thời điểm này có thể xuất hiện và tồn tại trong nước. Mặc dù nó vẫn bị chặn tường lửa.

Tôi là người tham gia cộng tác bài vở từ khá sớm. Lý do của sự tham gia này rất đơn giản, Văn Việt là một tạp chí văn học nghệ thuật cởi mở và tiến bộ. Họ chấp nhận mọi khuynh hướng nghệ thuật và tư tưởng khác biệt, trong đó có tôi. Nói thế, không có nghĩa là họ không có lập trường. Ít nhất, đã từng có lần một truyện vừa của tôi bị Ban Biên tập Văn Việt cắt ngang và xóa trắng không đăng tiếp chỉ sau một vài kỳ, do bất đồng quan điểm. Tôi cho rằng, chuyện ấy cũng bình thường. Tòa soạn nào cũng có những nguyên tắc riêng của họ. Tôi chỉ không vui vì cách ứng xử tình thế lúc đó thôi.

Dẫu sao với tôi, đó cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Tôi vẫn cộng tác với Văn Việt một cách bình thường. Nhân Văn Việt kỷ niệm 10 năm, chị Ý Nhi nhắn tin cho tôi bảo viết một bài cho vui, khen chê gì cũng được. OK, thành ý là vâng lời.

Phải thành thật khai báo là tôi rất thân thiết với các anh chị trong Ban Biên tập Văn Việt, không chỉ bởi tôi thường xuyên cộng tác bài vở và tham gia Ban Xét giải Văn Việt mà chúng tôi còn là những người bạn trong đời thường.

Văn Việt có gì đáng nói?

Tôi tin là mình đủ công tâm để nói về những chuyện này. Văn Việt chưa đủ hay và hấp dẫn, cũng như chưa tạo được những hiệu ứng xã hội đáng kể, nhưng Văn Việt thực sự cần thiết, ít nhất trong giai đoạn này của đất nước.

Văn Việt là một đại diện của tự do. Vì tự do, Văn Việt đã gặp không ít khó khăn để tồn tại và phát triển. Không ít thành viên Ban Vận động đã bị làm khó dễ, đe dọa đến độ nhiều người phải bỏ cuộc, rút lui. Cũng không ít những người viết cộng tác bị làm phiền. Và hầu như tất cả các cuộc trao giải văn chương Văn Việt đều bị cản phá. Điều đó lý giải tại sao Văn Việt không có nhiều nhà văn tham gia, đặc biệt là các tác giả trẻ.

Dẫu sao, Văn Việt cũng đã làm được một số việc đáng ghi nhận như sưu tập và giới thiệu các tác giả của miền Nam tự do trước 1975, một nền văn học bị vùi dập và cố tình quên lãng. Văn Việt cũng là một diễn đàn của sự hòa hợp và hòa giải giữa quá khứ và hiện tại, giữa những khác biệt. Văn Việt cũng là nơi để xiển dương cái mới và trân trọng cái cũ. Có lẽ cũng vì thế, Văn Việt thiếu cái quyết liệt để trở thành độc đáo.

Con đường trung đạo của những người chủ trương Văn Việt, phải chăng đã chính trị hơn cái sứ mạng văn chương? Tôi không biết, vì trước sau tôi không phải là thành viên Văn Việt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi không trân quí Văn Việt. Ở đây, tôi muốn nói lại lần nữa, Văn Việt thực sự cần thiết không chỉ cho người người đọc, người viết.

Tôi tin là những người chủ trương xây dựng Văn Việt cũng như những người muốn cản phá nó đều hiểu điều này, ngoài những kẻ ti tiện.

2024

……………………………………………………………………………………………………………..

 

Nhiệm vụ nhà văn không phải chỉ làm văn chương, mà phải có trách nhiệm đạo đức với điều mình viết ra

Trần Mộng Tú (từ Hoa Kỳ)

Tôi không sắc sảo trong văn chương nên quả thật rất “vụng” trong việc trả lời khi bị phỏng vấn. Tôi chỉ có thể trả lời chung cho nội dung những câu hỏi đưa ra.

Theo nhận xét của riêng tôi thì quả thật Văn Việt có khó khăn trong việc đăng bài của các tác giả trong và ngoài nước. Vấn đề Quốc/Cộng vẫn là một ám ảnh trong bất cứ trang mạng văn học nào nói chung và Văn Việt nói riêng khi có sinh hoạt từ trong nước.

Có một trang mạng văn học để cho mọi người trong và ngoài nước cùng thấy thoải mái gửi bài tới là một điều rất tế nhị. Chính cá nhân tôi đôi khi cũng đặt ra câu hỏi: Có nên tiếp tục gửi bài cho Văn Việt hay không? Trang mạng này có thiên về chính trị hơn văn học?

Thú thật tôi đến với Văn Việt vì có cảm tình với chị Ý Nhi và Kim Cúc chứ không phải vì trang mạng Văn Việt. Đôi khi tôi cũng thấy lấn cấn về một vài bài Văn Việt post lên.Vì đối với tôi, một bài văn có dính đến chính trị nên có một chỗ riêng.

Người Việt mệt mỏi với chính trị, người Việt cần được nhắc nhở về đạo đức thường xuyên trong chữ nghĩa như cha ông chúng ta ngày trước thường làm, nhất là những nhà văn.

Nhiệm vụ của nhà văn không phải chỉ làm văn chương, mà cần phải có trách nhiệm đạo đức với những điều mình viết ra.

Phát huy thuần túy về văn chương và đạo đức, phi chính trị sẽ giúp Văn Việt đến với độc giả một cách rộng rãi hơn.

Giải thưởng Văn Việt thật làm khó thêm cho Ban Biên tập không có nghĩa nó làm cho người nhận giải được nổi tiếng hơn.

Tháng Jan./5/2024

……………………………………………………………………………………………………………..

Giữ được càng nhiều tự nguyện, tự chủ và tự do thì càng tốt

Lý Đợi

* Thơ-Văn trên Văn Việt có phản ảnh được phần nào khả năng sáng tạo cũng như gương mặt tinh thần của người Việt? Trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, liệu các nhà văn/tác phẩm văn chương còn có vai trò gì không?

– Tôi thường đọc thơ và thấy rằng thơ trên Văn Việt đang phản ảnh đúng diện mạo chung của văn chương Việt Nam hiện nay, dù số tác giả dám xuất hiện vẫn còn khá ít. Diện mạo ấy, xin nói thẳng, khá manh mún, èo uột.

Nhìn lại lịch sử, thơ chỉ có đôi lúc thịnh, còn lại đa số suy. Chính vì vậy, bối cảnh xã hội dù khó khăn, rách nát, hoặc thịnh vượng, đủ đầy… thì chưa hẳn đã là mảnh đất tốt của thơ. Trong những lúc suy vi, thơ luôn có sự xuất hiện bất ngờ. Nên vẫn hy vọng với tình trạng như Việt Nam hiện nay, biết đâu sẽ xuất hiện được những ngòi bút xứng tầm là “thư ký của thời đại”.

Thơ đến lúc nào đó cũng sẽ chết đi, như vô vàn loại hình sáng tạo – nghệ thuật khác vậy, đó là quy luật. Nhưng có lẽ thơ chưa thể tuyệt chủng trong thế kỷ 21 này, nên Việt Nam vẫn đủ thời gian cho 4-5 thế hệ nhà thơ nữa xuất hiện.

* Anh có nhận xét gì về những tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Văn Việt qua 8 kỳ?

– Riêng với thơ, tôi thấy tình trạng “So bó đũa, chọn cột cờ” vẫn thường xảy ra. Nếu tự an ủi bằng cách so thơ ở giải này với thơ và các giải thưởng thơ khác tại Việt Nam hiện nay, thì thấy cũng không đến nỗi nào. Nhưng tôi tin đó không phải là mục tiêu của Giải thưởng Văn Việt, hoặc của bất kỳ giải thưởng nào hướng đến sự nghiêm túc, công bằng.

Việt Nam nói chung đang cần những nhà thơ mới mẻ hơn, đột phá hơn, nhiều sức hút hơn, dụ như Ocean Vương (sinh 1988) trong thơ tiếng Mỹ.

Nhân tài văn chương thường có sự xuất hiện bất ngờ, “bất quy tắc”, nên xứng đáng để hy vọng và chờ đợi. Chờ lâu chút, cũng đành chờ.

* Theo anh, đề mục nào trên Văn Việt được quan tâm nhiều? Và người đọc chờ đợi gì ở Văn Việt?

Tôi không rõ lắm, vì chưa dùng công cụ khảo sát, nhưng thực tình mà nói, tôi thường chỉ ưu tiên đọc thơ, vì hơi bận rộn. Bên cạnh đó là đọc vài vấn đề gây quan tâm, hoặc vài tác giả viết thấy thú vị. Gần đây tôi thỉnh thoảng đọc các xã/bình luận của Thái Hạo.

Tôi chờ đợi ở Văn Việt, về diện mạo và kỹ thuật, được thiết kế hiện đại hơn, đẹp mắt hơn. Nhưng chờ đợi là chờ đợi thôi, chứ về nhân lực và tài lực như hiện tại, để làm cho Văn Việt đẹp hơn, hiện đại hơn về giao diện, không phải là việc dễ dàng.

Quan trọng nhất, tôi chờ đợi ở Văn Việt những tác giả mới và trẻ, vì “thầy già, con hát trẻ”, chỉ có họ mới kế thừa, gánh vác nổi gánh nặng của nền văn học trao cho.

Thế kỷ 19 và 20 tại Việt Nam, cách mạng văn hóa – nghệ thuật đã nổ ra mạnh ở các thập niên 1930-1940, tôi hy vọng thế kỷ 21 này cũng vậy, để chừng 10 năm nữa, Văn Việt sẽ có/góp được những tác giả đang trong trào lưu cách mạng văn học đó. Hy vọng vậy.

* Anh có nghĩ rằng dù gặp khó khăn, chúng ta sẽ vẫn có thể có một trang văn học để các nhà văn trong và ngoài nước cùng góp mặt? Và làm cách nào để Văn Việt đến được với độc giả một cách rộng khắp hơn?

– Tôi vẫn nghĩ rằng mọi lĩnh vực đều cần có ngôi sao, thần tượng của mình. Văn Việt cũng vậy, hãy làm tốt chuyên môn, như người nông dân làm đám ruộng chuyên cần, đúng phương pháp khoa học, khi gặp giống tốt và thời tiết thuận lợi, việc được mùa là đương nhiên.

Sự thất bại của nhiều tờ báo, tạp chí văn học, thường đến từ hai lý do chính:

1) Không kiên định cách làm đúng;

2) Không có được ngôi sao.

Có được ngôi sao/thần tượng, thì đôi khi cách làm có vụng về một chút, cũng được cho qua. Ngôi sao/thần tượng sẽ mang nhiều danh-lợi-tình trở về, lúc ấy mọi chuyện sẽ hanh thông hơn, tiến triển hơn, tường lửa cũng không ăn thua, độc giả sẽ có cách leo qua mà thôi.

Tôi mong Văn Việt sẽ sớm có được, hoặc tạo ra được ngôi sao, thần tượng mới.

* Theo anh, “tổ chức/liên kết nghề nghiệp” của các nhà văn, nếu có, nên được hình thành và hoạt động theo cách nào?

– Nói thật lòng, nếu được trả công phù hợp với sáng tác, qua thỏa thuận, vẫn là cách liên kết nghề nghiệp đáng có nhất. Tuy nhiên, trên 70% giới cầm bút, hoặc nhiều hơn nữa, chưa thể có được điều này, vì nhiều lý do, trong đó chính yếu nhất vẫn là thiếu tài năng và thiếu may mắn.

Cho nên, mọi hội hè, mọi tổ chức liên kết nghề nghiệp, nếu có tham gia, thì nên xác định ngay từ đầu là tự nguyện, tự chủ và tự do, chứ đừng mong cầu gì khác, cho bớt mệt mỏi. Nếu trong các hội hè, tổ chức đó mà có trên 70% hội viên chưa bộc lộ được tài năng – giả dụ họ có tài năng ngầm – thì cũng đừng quá ngạc nhiên.

Ở Việt Nam và trên thế giới đều có nhiều tổ chức liên kết nghề nghiệp được (nhà nước/ thành phố/ đại học/ quỹ/ Mạnh Thường Quân…) bao cấp. Tham gia bất kỳ những tổ chức liên kết nghề nghiệp nào – dù có theo tinh thần tự nguyện, tự chủ và tự do – thì đương nhiên cũng sẽ mất đi bớt một chút tự do nói chung, ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác.

Văn chương tự khởi thủy là hoạt động thiên nhiều về cá nhân, khác với kiến trúc, sân khấu, điện ảnh…, vốn thiên nhiều về ê-kíp, tập thể. Với tài năng sẵn có, chỉ cần cây viết chì, chiếc máy tính, hoặc cái điện thoại… và thời gian khổ luyện, văn chương đã có thể hình thành.

Tất nhiên, “buôn có bạn, bán có phường”, tôi không phản đối các tổ chức liên kết nghề nghiệp, vì số người muốn có chúng, muốn tham gia cũng không ít.

Sáng tạo thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, trong thành phần tham gia này có không ít tài năng và tác phẩm thú vị. Cho nên, ai thấy hợp, thấy thích mô hình tổ chức liên kết nghề nghiệp nào, thì cứ tham gia thôi, miễn sao giữ được cho mình càng nhiều tự nguyện, tự chủ và tự do thì càng tốt.

Comments are closed.