Tập sách cái cười & sự lãng quên (5)

Milan Kundera

PHẦN III.

Thiên sứ

KỲ I

1.

Rhinoceros là một vở kịch của Eugène Ionesco, trong đó những nhân vật, bị ám ảnh bởi ý muốn trở nên đồng dạng nhau, lần lượt hết người này đến người kia biến thành tê giác. Mùa hè năm đó, hai cô sinh viên người Mỹ Gabrielle và Michelle đang nghiên cứu vở kịch trong một lớp hè dành cho sinh viên nước ngoài tại một thị trấn sát bờ Địa Trung Hải nước Pháp. Hai cô là sinh viên ngoan được Madame Raphael, giảng viên phụ trách lớp học, quý mến, bởi vì hai cô luôn luôn chăm chú nghe bà giảng bài và cẩn thận ghi chép xuống vở tất cả những gì bà nói trên bục giảng. Hôm nay bà yêu cầu hai cô soạn bài cho buổi thuyết trình sắp tới trong lớp về vở kịch.

“Tôi không hiểu nó có ý nghĩa gì, tất cả biến thành tê giác, nghĩa là làm sao?”. Gabrielle nói.

“Chị phải xem nó như một biểu tượng”. Michelle trả lời.

“Đúng, văn chương được xây dựng trên những dấu hiệu”. Gabrielle tiếp lời.

“Tê giác chủ yếu là một dấu hiệu”. Michelle lại nói.

“Đúng, nhưng ngay cả nếu chị cho là họ không biến thành tê giác, chỉ là dấu hiệu, thì tại sao họ là dấu hiệu đó mà không phải cái gì khác?”.

“Vâng, quả là vấn đề rắc rối”. Michelle nói giọng buồn bã, hai cô gái đang trên đường về lại ký túc xá, đang nói bỗng im bặt, chân bước đều. Một lúc thật lâu sau, Gabrielle cất tiếng phá vỡ im lặng:

“Chị có nghĩ đó là biểu tượng dương vật?”.

“Cái gì?”. Michelle không hiểu hỏi lại.

“Cái sừng”. Gabrielle đáp.

“Đúng rồi!”. Michelle kêu lên, nhưng bỗng ngập ngừng. “Nhưng tại sao tất cả mọi người, đàn ông lẫn đàn bà, ai nấy biến thành biểu tượng dương vật?”.

Hai cô gái bước nhanh về phía ký túc xá, im lặng trở lại. Đột nhiên Michelle nói:

“Tôi có ý kiến”.

“Cái gì thế?”. Gabrielle tò mò hỏi.

“Hơn nữa, hình như Madame Raphael ám chỉ điều đó”. Michelle nói như muốn kích thích sự tò mò của Gabrielle.

“Vậy nó là cái gì? Xin chị nói ngay cho tôi nghe”. Gabrielle nôn nóng muốn biết.

“Tác giả muốn tạo một hiệu ứng hài hước!”.

Ý kiến của cô bạn khiến Gabrielle như ngộ ra chân lý, cô tập trung suy nghĩ đến nỗi hai chân từ từ chậm lại mà không biết. Hai cô gái đứng hẳn lại.

“Chị nghĩ là tác giả dùng biểu tượng tê giác trong vở kịch cốt để tạo một hiệu ứng hài hước?”. Gabrielle hỏi lại.

“Đúng thế!”. Michelle trả lời bạn, môi cô nở nụ cười hãnh diện của kẻ khám phá ra chân lý.

“Chị nói đúng”. Gabrielle gật gù bảo bạn.

Hai cô thấy vui sướng trong lòng với ý nghĩ táo bạo này, nhìn nhau, khóe môi run run vì niềm tự hào mới có. Đột nhiên hai cô ré lên những âm thanh the thé, chói lói rất khó diễn tả bằng lời.

2.

“Cười? Người ta đã có ai quan tâm đến cười không nhỉ? Tôi muốn nói cười thật sự, vượt trên đùa bỡn, giễu cợt, chế nhạo. Cười là một cảm giác vô cùng vui thích, một thú vị tột độ…

“Tôi bảo cô em tôi, hoặc có thể nó bảo tôi, lại đây mình chơi trò cười nhé? Chúng tôi nằm sát nhau trên giường và bắt đầu trò chơi. Giả vờ, dĩ nhiên. Bắt phải cười. Cái cười buồn cười. Cái cười buồn cười đến nỗi nó khiến chúng tôi phải cười. Thế rồi tiếng cười thật sự ùa đến, cười điên dại, cười như nắc nẻ, hai chúng tôi như bị cuốn vào cơn triều cường khủng khiếp của cái cười. Cười phá lên từng tràng, cười hối hả, cười sằng sặc, cười không kềm hãm được, cười thỏa chí, cười tung hê, cười điên dại… Chúng tôi cười đến tận cùng của cái cười… Ôi, cười! Cười thích lắm, chẳng có gì thích bằng cười; cười là sống một cách sâu sắc”.

Trích đoạn trên lấy ra từ cuốn sách nhan đề Parole de femme (Lời đàn bà), xuất bản năm 1976, do một trong những nhà văn nữ thuộc phong trào Nữ quyền viết, người được xem là đã để lại dấu ấn khá rõ rệt lên khí hậu thời đại chúng ta đang sống. Nó là bản tuyên ngôn kỳ bí của cái vui sướng. Để chống lại thói ham muốn tình dục của đàn ông – vốn chỉ chú ý đến khoảnh khắc thoáng qua trong chốc lát của cái dương vật cương cứng, và như thế, họ chỉ biết nhập cuộc với những hành vi bạo hành tổn hại, như thể muốn ăn tươi nuốt sống người kia – tác giả cuốn sách tán dương cái jouissance[1] của đàn bà, như một đối cực: nhẹ nhàng, chan chứa, lan tỏa một cảm giác đam mê dai dẳng còn mãi không thôi. Đối với đàn bà, người không tách rời những cốt lõi thiết yếu của bản thân, thì “ăn uống, tiêu tiểu, sờ mó, nghe nhìn, thậm chí chỉ có mặt nơi đó”, tất cả là khoái cảm. Tác giả đưa ra không biết bao nhiêu lạc thú trên đời của đàn bà, nghe như những lời kinh nguyện tuyệt hay. “Sống là biết vui: nhìn, nghe, sờ mó, ăn uống, tiêu tiểu, nhảy xuống nước, nhìn bầu trời, khóc, cười”. Và giao hợp là một tuyệt thú bởi nó là tổng hợp của “tất cả những khoái cảm có thể có của cuộc đời: sờ mó, nhìn, nghe, nói, cảm giác, cũng như ăn uống, tiêu tiểu, hiểu biết, khiêu vũ”. Vạch vú cho con bú là sung sướng, thậm chí sinh đẻ cũng là một khoái cảm, và kinh nguyệt là một niềm vui, với “nước giải ấm áp, dòng sữa đặc, vệt máu đông, cái đau kèm theo nỗi vui bỏng rát của hạnh phúc”.

Chỉ có kẻ xuẩn động mới dám cả gan nhạo báng tuyên ngôn này. Tất cả những gì kỳ bí đều có chung một tính cách: cường điệu. Kẻ theo chủ nghĩa kỳ bí không được sợ người đời chế nhạo nếu hắn muốn đi tới hạn, dù là hạn định của khiêm tốn hay của khoái cảm. Cũng như Saint Theresa mỉm cười trên nỗi thống khổ của mình, Saint Annie Leclerc (tác giả cuốn sách tôi đang trích dẫn) khẳng định rằng cái chết là một phần của niềm vui mà chỉ bọn đàn ông, những kẻ bó mình một cách đê tiện “vào cái tôi tầm thường, vào thứ quyền lực nhỏ nhoi của mình, mới thấy khiếp sợ”.

Tuốt trên cao, tại vòm ngôi đền khoái cảm, là thanh âm tiếng cười, cười là “hạnh phúc ngất ngây, là đỉnh cao chót vót của mọi hoan lạc. Cười vì hoan lạc, hoan lạc vì cười”. Chẳng cần thắc mắc, cười như thế là “vượt trên đùa bỡn, chế nhạo, bỉ báng”. Hai chị em nằm dài trên giường cười không vì lý do nào đặc biệt, chẳng có gì đáng cười, nó chỉ thuần túy là hoan lạc được hiện hữu. Như kẻ đau đớn nối kết tiếng rên la của hắn với thời khắc hiện tại (hoàn toàn tách biệt với quá khứ hay vị lai), kẻ cười là kẻ không có ký ức hoặc ham muốn, bởi tiếng cười từ miệng hắn rơi vào khoảnh khắc hiện tại của thế gian và hắn chỉ cần biết có thế.

Chắc hẳn bạn phải nhớ phân cảnh này trong hàng chục cuốn phim tồi: một cậu trai và một cô gái tay trong tay chạy dưới bầu trời xuân (hay hạ). Chạy, chạy, chạy, và cười. Cô cậu cười để công bố với toàn thể thế gian, với tất cả khán giả ngồi trong các rạp chiếu bóng, rằng: “Chúng tôi hạnh phúc, chúng tôi sung sướng được sống trên thế gian, chúng tôi là những kẻ đồng thuận với nhân sinh!”. Nó là một phân cảnh ngu xuẩn, một cliché, nhưng nó biểu hiện tính cách cơ bản của con người: cười nghiêm túc, cười “vượt trên đùa bỡn”.

Tất cả nhà thờ, đền, chùa, tất cả nhà cắt may đồ lót, tất cả lãnh tụ, tất cả đảng phái chính trị, tất cả có chung một kiểu cười như thế, và tất cả đổ xô ra tô vẽ hình tượng đó lên tấm biển quảng cáo để đề cao tôn giáo, sản phẩm, ý thức hệ, quốc gia, giới tính, và bột rửa chén bát của họ.

Cái cười của Gabrielle và Michelle chính là cái cười đó. Hai cô từ một cửa tiệm bán văn phòng phẩm bước ra, một tay nắm tay nhau, tay bên kia mỗi cô vung vẩy một cái túi nhỏ, bên trong đựng giấy màu, tẩy, và dây thun.

“Madame Raphael sẽ thất kinh với bài thuyết trình của chị em mình cho mà xem”. Gabrielle bảo bạn, đoạn cô ré lên tràng âm thanh chói lói. Michelle gật đầu tán đồng và cô cũng ré lên y như bạn mình.

3.

Ít lâu sau khi quân đội Nga chiếm đóng đất nước tôi năm 1968, tôi bị đuổi khỏi công việc đang làm (như hàng nghìn người Czech khác), và không ai có quyền thuê mướn tôi. Vài người bạn trẻ, vì còn quá trẻ nên không bị lọt vào danh sách sổ đen của người Nga, vẫn có việc làm trong phòng biên tập báo chí, trường học, phim trường… Họ đến gặp tôi và đề nghị giúp tôi có thu nhập bằng cách để tôi viết kịch bản cho phim truyện, sân khấu, radio, TV, hoặc những bài viết linh tinh, tất cả ký tên họ, những người bạn trẻ tốt bụng mà tôi không bao giờ phản bội. Tôi nhận viết một số bài, nhưng thông thường tôi từ chối, bởi tôi không thể một mình cáng đáng hết mọi công việc họ đề nghị, và bởi nó nguy hiểm. Không phải nguy hiểm cho tôi mà cho họ. Bọn công an chìm nổi lúc nào cũng chực biến chúng tôi thành nghèo đói để chúng tôi đầu hàng và ra thú tội trước công luận. Bởi thế tại những ngõ thoát hiểm nơi chúng tôi mò mẫm tìm kiếm kẽ hở hòng thoát ra khỏi vòng vây tỏa chiết đều có nhiều con mắt theo dõi cẩn mật, và chúng trừng phạt thật nặng nề kẻ nào dám đến gần chúng tôi.

Một trong những người đến gần tôi lúc đó là một thiếu nữ tên R. (Mọi chuyện đã bạch hóa nên tôi chẳng cần giấu diếm). Một cô gái có tính hay e thẹn, nhút nhát nhưng tinh tế và thông minh, cô là biên tập viên một tờ tạp chí có số lượng phát hành cao vì nhắm vào giới trẻ. Tờ tạp chí vào thời đó, do lệnh từ trên đưa xuống, phải đăng một lượng khủng khiếp những bài bản chính trị với nội dung ca ngợi dân tộc Nga hữu nghị, toàn những thứ rác rưởi không ai tiêu hóa nổi, nên bộ biên tập luôn luôn tìm kiếm những phương án mới để thu hút độc giả. Và họ đã làm một quyết định táo bạo, một ngoại lệ đi chệch ra ngoài cái tinh ròng của ý thức hệ Mác-xít bằng cách khởi xướng một cột báo viết về chiêm tinh.

Suốt thời gian bị gạt ra ngoài lề, tôi làm nghề xem tử vi, và tôi đã lấy lá số cho hàng nghìn người. Nếu Jaroslav Hašek[2] vĩ đại làm được nghề bán chó (ăn trộm chó đem đi bán và lường gạt thiên hạ bảo chó lai giống là chó nòi), thì sá gì chuyện tôi là một chiêm tinh gia. Tại sao không? Bạn bè Paris gửi cho tôi sách vở nghiên cứu chiêm tinh học của André Barbault. Tên ông ta in trên trang nhan đề cuốn sách, ngay dưới là hàng chữ hiển hách “Président du Centre international d’astrologie,” và bên dưới, tôi viết giả mấy chữ bằng bút mực: “À Milan Kundera avec admiration, André Barbault”. Tôi cố tình để mở những cuốn sách có chữ ký này trên bàn và nói với khách hàng ở Praha rằng tôi từng là phụ tá cho chiêm tinh gia nức tiếng André Barbault.

Khi R. đề nghị tôi viết chui một cột chiêm tinh cho tờ tạp chí cô đang cộng tác, dĩ nhiên tôi sốt sắng nhận lời. Tôi bảo cô về trình bày với bộ biên tập rằng người này là một nhà vật lý học nguyên tử xuất chúng, ông ta không muốn tên tuổi mình lộ ra ngoài vì sợ các đồng nghiệp nhạo báng, chê cười. Mưu mẹo ấy có vẻ bảo đảm lắm vì nó có đến hai tầng ngụy trang: một khoa học gia không có thật và một cái tên giả.

Thế là, dùng bút danh, tôi viết một bài về chiêm tinh rất hay, rồi mỗi tháng một bài vớ vẩn ngăn ngắn về một ký hiệu chiêm tinh học, thậm chí tôi còn tự tay vẽ các ký hiệu này, nào là Kim Ngưu, Dương Cưu, Xử Nữ, Song Ngư. Tiền nhuận thì bèo lắm, và công việc cũng chẳng có gì thú vị, ghê gớm. Điều đáng nói duy nhất là hiện hữu của chính tôi, một hiện hữu bị tẩy xóa khỏi lịch sử, khỏi văn học sử và cả cuốn niên giám điện thoại. Nó cũng là hiện hữu của kẻ đã chết nay đầu thai thành người rao giảng chân lý chiêm tinh cho cả trăm nghìn người trẻ trong một quốc gia Xã hội chủ nghĩa.

Một hôm R. báo tin cho tôi ngài tổng biên tập tờ tạp chí rất “ấn tượng” với ngài chiêm tinh gia, và ông ta muốn lấy một lá số cho chính mình. Cái tin làm tôi sướng rơn trong bụng. Lão tổng biên tập này, được bọn Nga dựng lên, là người đã bỏ ra cả nửa đời người nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin ở Praha và Moskva!

“Ông ấy có vẻ hơi ngượng lúc nhờ em đi nói hộ”, R. bảo tôi, vừa nói vừa cười. “Ông ấy không muốn ai biết ông ấy tin những chuyện mê tín dị đoan từ thời Trung cổ như vậy. Nhưng ông ấy lại rất thèm…”.

“Tốt lắm!”. Tôi vui vẻ bảo cô gái. Tôi biết lão này quá rõ. Lão là sếp của R. và cũng là ủy viên ủy ban tối cao của đảng đặc trách cán bộ. Ở chức vị đó, lão đã hủy hoại đời sống không biết bao nhiêu bạn bè tôi.

“Ông ấy muốn hoàn toàn ẩn danh. Em chỉ có nhiệm vụ đưa anh ngày sinh tháng đẻ của ông ấy, ngoài ra anh không được biết ông ấy là ai, làm gì”.

Tôi càng thấy thú vị: “Nếu thế thì càng tốt!”.

“Ông ấy sẽ trả anh một trăm đồng tiền công soạn lá số”.

“Một trăm đồng? Đúng là cái đồ bủn xỉn, keo kiệt”.

Sau cùng lão gửi cho tôi một nghìn đồng. Tôi viết kín mười trang giấy miêu tả cá tính con người lão, quá khứ lão (toàn những điều tôi biết tường tận) và cả tương lai. Tôi vất vả làm việc suốt tuần, thường xuyên hỏi R. xin thêm chi tiết. Với một lá số tử vi, hiển nhiên chúng ta có thể gây ảnh hưởng, thậm chí dẫn dắt hành vi con người. Chúng ta có thể cố vấn họ làm một số chuyện và cảnh giác họ đừng làm chuyện khác, dẫn dụ cho họ biết khiêm tốn bằng cách cho họ làm quen với những tai họa có thể xảy ra trong tương lai.

Một thời gian khá lâu sau đó, lúc gặp lại R., chúng tôi được một trận cười no bụng. Cô cười bảo tôi, sau khi đọc lá số lão tổng biên tập khá hẳn ra. Lão bớt la mắng nhân viên. Lão bắt đầu lo sợ những điều không hay ghi trong lá số, và đặt tin tưởng vào một chút tử tế còn sót lại trong con người lão. Những lúc lão nhìn xa vắng, bạn có thể cảm nhận nỗi buồn của một kẻ bỗng chốc nhận ra rằng những ngôi sao xấu đang chờ đón gieo khổ đau cho mình.

4. (Về hai loại cười)

Xem quỷ sứ là đại biểu cho cái Ác và thiên sứ là chiến sĩ của cái Thiện bên phía Thượng đế là chấp nhận tính xu mị của thiên sứ. Sự việc dĩ nhiên phức tạp hơn thế.

Thiên sứ không đại biểu cho cái Thiện mà là một sáng tạo thánh hóa. Mặt khác, quỷ sứ là kẻ chối từ, không chịu cấp bất cứ ý nghĩa hợp lý nào cho cái thế giới được thánh hóa tạo dựng đó.

Như chúng ta biết, quyền thế trên thế gian được chia làm hai, một bên là thiên sứ, bên kia quỷ sứ. Tuy nhiên, điều đó không ám chỉ thiên sứ ở vị thế cao hơn quỷ sứ (lúc nhỏ tôi tin như vậy), mà lực lượng đôi bên gần như cân bằng nhau. Nếu thế gian có quá nhiều ý nghĩa không ai phản bác (sức mạnh của thiên sứ) thì con người sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của nó. Còn nếu thế gian mất đi tất cả mọi ý nghĩa (quỷ sứ lên ngôi) thì chúng ta cũng chẳng thể nào sống nổi.

Ý nghĩa cố hữu của sự vật bỗng chốc bị lấy đi, vị trí của nó trong một trật tự nào đó bị đảo lộn (một kẻ Mác-xít từng học ở Moskva nay tin vào khoa chiêm tinh), những điều ấy khiến chúng ta cả cười. Nguyên thủy, cười như thế chỉ có trong thế giới quỷ sứ, có cái gì như một ác ý trong tiếng cười (cái giả vờ đột nhiên biến thành cái hoàn toàn khác), nhưng ở chừng mực nào đó, nó cũng đem lại sự nhẹ nhõm ích lợi (sự vật có vẻ không trầm trọng như vẫn tưởng, chúng ta có thể sống thoải mái tự do hơn, tính nghiêm khắc của nó bớt áp chế chúng ta).

Lần đầu tiên nghe quỷ sứ cười, thiên sứ kinh ngạc tột độ. Chuyện đó xảy ra ngay giữa bữa tiệc trong một gian phòng đông người, tiếng cười của quỷ sứ dễ lây một cách đáng sợ và nó lan từ người này sang người kia. Thiên sứ biết rất rõ cười như thế là xúc phạm đến Thượng đế và công tác thiêng liêng của hắn. Hắn biết rằng bằng cách này hay cách khác, hắn phải phản ứng nhanh chóng, kẻo không kịp, nhưng hắn cảm thấy yếu đuối và không tìm ra cách chống đỡ. Vô kế khả thi, hắn nhại theo đối phương. Hắn mở miệng phát ra tràng thanh âm đứt quãng nghe chói lói, the thé (hơi giống thanh âm hai cô gái Gabrielle và Michelle ré lên ngoài đường), nhưng với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: ý nghĩa tiếng cười của quỷ sứ là chỉ vào tính phi lý của sự vật, ngược lại, thiên sứ thì muốn ngợi khen mọi thứ sao mà trật tự, khéo sắp đặt, tốt lành, và ý nghĩa thế.

Thế là thiên sứ và quỷ sứ, hai bên giáp mặt nhau, hả họng thật lớn quang quác cùng một thanh âm, chỉ khác ở ý nghĩa tiếng cười mỗi bên tuyệt đối trái ngược nhau. Nhìn thiên sứ cười, quỷ sứ cười to hơn, nhiều hơn, sỗ sàng hơn, bởi thiên sứ mà cười thì hài hước không chịu nổi.

Cái cười buồn cười là một tai họa. Ngay cả thế, nhờ nó thiên sứ tiếp thu được cái gì đó. Họ sử dụng chữ nghĩa trá ngụy lừa gạt đưa chúng tôi vào tròng. Tiếng cười giả trá của họ và tiếng cười thật, nguyên thủy (của quỷ sứ), cả hai có một cái tên gọi chung. Thậm chí ngày nay chúng ta cũng không nhận ra trò phô diễn bên ngoài làm ra vẻ tương tự ấy thực chất phục vụ hai thái độ bên trong hoàn toàn trái ngược. Có hai loại cười, và chúng ta không có một từ nào để phân biệt cái này với cái kia.

5.

Một bức ảnh đăng trên tạp chí: một tốp người mặc đồng phục đứng dàn hàng ngang, một tay ôm súng dài, tay kia thủ chặt cái khiên bảo vệ bằng plastic. Họ đứng canh chừng một nhóm người trẻ tuổi quần jean áo thun, nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa trước mặt họ.

Hiển nhiên đấy là màn dạo đầu một vụ xô xát với cảnh sát trước một nhà máy điện lực nguyên tử, một trại huấn luyện quân sự, trụ sở một đảng phái chính trị, hay cửa sổ nhìn vào một tòa đại sứ. Những người trẻ tuổi lợi dụng lúc người ta không để ý đã tụ tập thành những vòng tròn, rồi miệng hát một câu hát đơn sơ quen thuộc trong lúc đôi chân nhịp nhàng hai bước tại chỗ, một bước tiến lên, đá chân trái, đá chân phải.

Tôi nghĩ là tôi hiểu họ. Họ nung nấu trong lòng một ý nghĩ cái vòng tròn họ đang vẽ trên mặt đất là một vòng tròn màu nhiệm có thể liên kết họ thành một vòng đai thép. Ngực họ phồng to với cảm giác mãnh liệt, là họ ngây thơ, vô tội: họ liên kết nhau không phải vì họ đang diễu hành như một đội hình quân lính hay quân Phát-xít, mà vì họ đang nhảy múa như trẻ em. Cái họ muốn nhổ vào mặt cảnh sát chính là cái ngây thơ của họ.

Người phóng viên nhiếp ảnh nhìn ra họ như thế, và anh ta đã bắt được nét tương phản đầy ý nghĩa trong bức ảnh: một bên là cảnh sát, một liên kết giả (nghiêm chỉnh, tuân lệnh) đứng dàn thành hàng ngang, và một bên là những người trẻ, một liên kết thật (chân thành, tự nhiên) làm thành vòng tròn; phía bên này, những anh cảnh sát mặt mày quàu quạu đứng im phăng phắc, chờ, phía bên kia, các cô cậu nhởn nhơ vui sướng chơi đùa.

Nắm tay thành vòng tròn nhảy múa, như có một ma lực kỳ bí: nó trực thoại với chúng ta từ chiều sâu cổ đại của ký ức. Madame Raphael, bà giáo của hai cô sinh viên Gabrielle và Michelle, cắt bức ảnh từ tờ tạp chí, bà mơ màng ngắm nghía nó. Bà cũng muốn nhập bọn nhảy múa trong một vòng tròn như vậy. Suốt cuộc đời bà, lúc nào bà cũng đôn đáo chạy đi tìm một vòng tròn để cùng những người khác nắm tay nhau nhảy múa, thoạt tiên là tại nhà thờ Giám Lý[3] (cha bà là một con chiên sùng đạo), rồi đến đảng Cộng sản, đảng Trốt-kít, đảng Trốt-kít ly khai, có lúc bà ở trong phong trào chống phá thai (đứa bé có quyền sống), lúc khác bà nhảy sang phong trào đòi hợp thức hóa phá thai (người đàn bà có toàn quyền làm gì với thân xác mình!), rồi bà lại đi tìm nó ở người Mác-xít, người tin vào Phân tâm học, người tin vào Cấu trúc chủ nghĩa, thậm chí Lenin, Phật giáo Thiền tông, Mao Trạch Đông, người tập yoga, người đọc nouveau roman, và sau cùng bà mong muốn ít nhất bà có thể tạo một vòng tròn tuyệt hảo hài hòa với các cô cậu sinh viên của bà, bà và họ là một, có nghĩa là bà tìm mọi cách khiến họ suy nghĩ và hành động y như bà, nhập vào bà để biến thành một thân xác, một tâm hồn, một vòng tròn, một điệu nhảy múa.

Ngồi trong phòng ký túc xá, hai cô sinh viên Gabrielle và Michelle giở sách chụm đầu vào nhau luận bàn vở kịch của Ionesco. Michelle đọc to:

“‘Kẻ luận lý nói với ông già: Ông lấy ra một tờ giấy và thử làm phép tính này. Nếu lấy hai móng chân từ hai con mèo thì mỗi con mèo còn lại bao nhiêu móng?

“‘Ông già nói với kẻ luận lý: Có nhiều giải đáp cho bài tính này. Một con mèo có thể có bốn móng, con kia có hai. Cũng có thể một con có năm móng, con kia có một. Nếu ta lấy hai móng trong số tám móng của hai con mèo thì có thể một con còn lại sáu móng. Nhưng rất có thể một con không còn móng nào”’.

Đang đọc Michelle bỗng ngưng lại: “Tôi không hiểu làm cách nào người ta lấy móng từ chân mèo. Chắc là cắt móng nó chứ lấy thế nào được?”.

“Michelle!”. Gabrielle kêu lên.

“Tôi cũng chẳng hiểu làm sao chân mèo lại có đến sáu móng?”.

“Michelle!”. Gabrielle lại kêu lên.

“Gì cơ?”. Michelle hỏi bạn.

“Chị quên rồi à? Chính chị là người nói mà”.

“Cái gì?”. Michelle lại hỏi.

“Tôi cam đoan mục đích của mẩu đối thoại này là tạo một hiệu ứng hài hước”.

“Ừ nhỉ, đúng rồi”. Michelle sung sướng nhìn bạn. Hai cô gái nhìn vào mắt nhau, đôi môi run run vì hãnh diện, và sau cùng miệng hai cô lại rú lên những thanh âm chói lói ở âm vực cao nhất có thể của thanh quản. Thanh âm đó lặp đi lặp lại. “Như bị ép phải cười. Cái cười buồn cười. Cười buồn cười đến nỗi họ chẳng làm được gì khác hơn là cười. Rồi tiếng cười thật bắt đầu. Từng tràng cứ thế ào ạt tuôn ra, không kềm hãm nổi, bùng vỡ, giòn giã, điên dại. Họ cười đến tận cùng của cái cười… Ôi, cười! Cười là hoan lạc, hoan lạc là cười…”.

Trong khi đó Madame Raphael một mình đi lang thang trên đường phố cái thị trấn sát bờ Địa Trung Hải. Bất giác bà ngẩng đầu lên như thể có một giai điệu nào theo gió bay về từ cõi xa xăm, hoặc như thể một mùi hương nồng nàn từ đâu đập vào mũi bà. Bà dừng chân đứng lại, trong đầu bà bỗng vang lên tiếng thét của cái trống không nổi loạn đang đòi hỏi được lấp đầy. Bà có cảm tưởng đâu đây ngọn lửa của tiếng cười vĩ đại vẫn đang bùng cháy, có lẽ đâu đây người ta vẫn đang nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa…

Bà đứng yên như thế một lúc lâu, nhìn quanh quất, trong lòng hồi hộp, đột nhiên tiếng nhạc kỳ bí tắt ngúm (Michelle và Gabrielle đã ngưng cười; hai cô mệt mỏi, chán chường vì viễn ảnh một buổi tối thiếu yêu đương), và Madame Raphael, phiền muộn và buồn bực trong lòng, không vui một cách vô cớ, lầm lũi đi trên những con phố của thị trấn biển tìm đường về nhà.

—————————————————–

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.