Pavel Basinsky, godliteratury.rf ngày 12/7/2022
Ngân Xuyên dịch
Cách đây 171 năm, vào đầu tháng 7 năm 1852, Lev Tolstoy viết xong tác phẩm đầu tay của mình – truyện vừa “Thời thơ ấu”. Ngay khi đó, trung úy pháo binh Tolstoy, người phục vụ ở Kavkaz, đã gửi bản thảo đến tạp chí “Người đương thời” (“Современник”) do nhà thơ kiêm nhà xuất bản N.A. Nekrasov đứng đầu.
Tolstoy nghĩ là tác phẩm đầu tay của mình chẳng có giá trị gì đến mức ông thậm chí ngại đề tên mình là tác giả vào bản thảo. Thay vào đó ông chỉ ghi hai chữ cái “L.N.” và trong bức thư gửi kèm cho Nekrasov ông còn bỏ tiền vào để nếu ông chủ xuất bản “Người đương thời” không chấp nhận đăng truyện thì gửi trả lại nó cho ông. Nhưng vì không có người nhận nào mang tên L.N. trên đời cả nên ông yêu cầu gửi trả lại bản thảo qua người anh của mình là Nicolai Tolstoy cũng là một sĩ quan phục vụ tại Kavkaz với lời ghi trên phong bì “Chuyển cho L.N.”
Bây giờ hãy tưởng tượng nhé. Một sĩ quan chiến đấu, một người lính pháo binh, người tham gia các chiến dịch trên vùng núi cao, người đã nhiều lần dấn thân vào chỗ nguy hiểm chết người, hay nói như hiện nay là một người khét tiếng, vậy mà khi gửi tác phẩm văn học đầu tay của mình đến một tạp chí lại giấu mình sau hai chữ cái viết tắt tên thật và viết cho Nekrasov như sau:
“Yêu cầu của tôi sẽ ít phiền hà cho ông tới mức tôi tin là ông sẽ không từ chối thực hiện nó… Tôi nóng lòng đợi bản án của ông. Ông hoặc sẽ khuyến khích tôi tiếp tục công việc ưa thích này hoặc bắt tôi phải đốt đi tất cả những cái mà tôi đã bắt đầu viết ra.”
Lẽ tất nhiên là Nekrasov đã cho đăng truyện vừa đó trên số tạp chí ra tháng 8 vì lẽ, nói không ngoa chút nào, là nó được viết một cách thiên tài. Thực ra, ông chỉ thay đổi tên truyện thành “Câu chuyện tuổi thơ của tôi”. Đấy cũng là một điểm thú vị. Việc hiện nay cả ở Nga, cả trên khắp thế giới, những tác phẩm tự truyện đã trở nên phổ biến (thậm chí có cả một thể loại riêng ra đời – autofiction) là việc hiển nhiên, ai cũng biết.
Nhưng điều tương tự cũng đã xảy ra vào giữa thế kỷ 19. Khi đó chính thể loại tự truyện đã trở nên rất phổ biến, và các tạp chí đua nhau in những tác phẩm có tên đại loại như: "Nhật ký của một viên chức", "Ghi chép của một sinh viên", "Ghi chép của một thương gia", "Nhật ký của một linh mục nghèo" , "Ghi chép của một ông giáo làng". Vì vậy, Nekrasov khi đổi tên truyện chắc là nhắm tới thành công thương mại của nó.
Nhưng có một câu chuyện khác thậm chí còn thú vị hơn. Giấu mình sau hai chữ cái đầu tên mình, Tolstoy đã kết thúc câu chuyện của mình theo một cách hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đọc ngày nay, bắt đầu từ thời trung học. Ông đã thêm vào đó hai chương nữa, chương 33 và 34, có tên: "Gửi các nhà phê bình muốn xem xét nó (tức chương này – PB)" và "Gửi các độc giả."
Đây là một trường hợp hoàn toàn độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử văn học, khi tác giả của một bản văn chưa xuất bản hướng đến không chỉ độc giả tương lai của mình, mà còn cả các nhà phê bình tương lai với lời giải thích nên đọc và cả phê bình tác phẩm đầu tay của ông như thế nào.
Với độc giả thì rõ rồi. Hướng đến độc giả là cái mốt vào thời điểm đó, ngay cả Dostoevsky cũng không thể bỏ qua. Đó thậm chí còn là một quy tắc hành xử đúng đắn. Nhưng ngay cả khi nói với độc giả, các tác giả cũng không chỉ ra cho họ phải đọc văn bản của mình như thế nào. Vậy mà Tolstoy đã làm chính điều đó. Có vẻ như ông đã xác định trước “đối tượng cử toạ” của mình, để lại nói theo ngôn ngữ thời nay, còn với những người khác ông khuyên không nên đọc truyện của ông.
Nhưng việc hướng tới các nhà phê bình tương lai thì đó là một bước đi rất táo bạo. Tolstoy đã giải thích cho các nhà điểm sách, đọc sách khi đó còn chưa tồn tại, phê bình là gì, mục đích và nhiệm vụ của nó ra sao, và cái chính là tại sao không một nhà phê bình đương thời nào của ông hoàn thành được những nhiệm vụ này.
Tolstoy đã thận trọng không đưa hai chương này vào truyện vừa của mình và khi ông còn sống chúng không được công bố. Nhưng đọc chúng ngày nay rất thú vị để biết kinh nghiệm giao tiếp giữa một tác giả mới vào nghề với các độc giả và các nhà phê bình tương lai của mình. Từ đó có thể thấy ra điều gì khiến các nhà văn trẻ lo lắng nhất, đâu là những chỗ nhạy cảm nhất, dễ bị đánh vào nhất của họ, nhưng liệu có cần phải thế không nhỉ?