Trưa Nắng Hàm Ninh

Truyện

Trần Vũ – Mai Ninh

clip_image001

1.

Tôi đến Hàm Ninh trưa thứ hai. Trận nắng tháng 7 làm oằn lớp tôn trên mái nhà pá Hổi. Gia sản của pá ngoài vựa nước mắm còn mấy chiếc xuồng sơn xanh đỏ chạy máy đuôi tôm cắm ở khúc biển hẹp thắt như con kênh lầy nhầy nước. Chị Minh đón tôi từ Dương Đông, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo đi qua mấy vựa cá. Nhà pá Hổi đang vào vụ nước mắm thứ nhì, những thùng gỗ cao gần tới trần đổ đầy muối. Tôi ngắm chị Minh vừa dựng xe đã tất tả kiểm cá, không hiểu cái gì quyến rũ chị ở xó xỉnh này. Mùi cá nồng nặc át hẳn mùi nước hoa chị chấm ở chân tóc. Chị bảo tôi ra chào pá.

Trở lại Hàm Ninh nhiều lần rồi mà tôi vẫn chưa thân mật nổi với người đàn ông xưng pá Hổi. Gã đàn ông cao lớn mạnh mẽ như thợ hồ dễ có đến sáu mươi mà vẫn còn tấm lưng trai tráng bóng lưỡng mỗi bận để trần lái xuồng đưa chị Minh đi An Thới. Nhìn nước da chị Minh rám nắng, tôi biết chị đã đi bãi Kem với pá Hổi ít nhất vài ba bận. Ý nghĩ giữa chị Minh và pá Hổi còn có một mối quan hệ nào khác mà mình chưa biết, khiến tôi khó chịu. Pá Hổi lúc trước tù chuồng Cọp, bây giờ làm ăn khấm khá. Tôi thường thắc mắc không hiểu vì sao gốc Ba Tàu lai Miên mà pá Hổi theo Việt Cộng rồi làm nước mắm, có cái gì bí ẩn vì cả hai đều không thuộc truyền thống của người Hoa, nhất là người Hoa sinh sống ở Nam Vang. Tôi cũng không thích ở Hàm Ninh lắm, An Thới cuối đảo có những dải đất hoang bằng phẳng lộng gió, còn ở đây khắp khoẳm biển ngoài những tấm lưới máng treo trên những thuyền câu cảnh vật hầu như chẳng có gì. Chung quanh vựa cá của pá Hổi là các xóm chài quần cư túm tụm khá chật chội. Nhiều lần chị Minh gọi ra tôi đã muốn từ chối, nhưng hình ảnh chị Minh kiên nhẫn lựa từng rổ cá cơm rồi cẩn thận xếp lớp cứ hiện lên lởn vởn. Chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi cần chị đến thế. Chị Minh khác hẳn những thiếu nữ thành thị tôi thường gặp, trong chị có một say mê nào đó thường vụt đến bất chợt như chị đang lấy bàn tay thon mảnh bốc từng chú cá nhỏ vuốt ve rồi xếp đặt ngay ngắn như bồng chúng lên giường và chúng hãy còn sống. Rút cuộc, tôi ra Phú Quốc vì muốn gần chị Minh.

Giấc tối, gian nhà bốn chái nửa ván ép nửa cây, lợp tôn kín mít của pá Hổi xông lên mùi dầu thô khó thở. Nhưng ngay cả cái mùi dầu hôi ấy cũng không át nổi mùi cá đang vữa trong những bồn xi măng mà tôi đoán lúc nhúc dòi. Pá Hổi thiệt lập dị, thời bây giờ đâu còn ai làm nước mắm trong các bồn đá, thiên hạ nhồi cá vào các thùng gỗ lót ni-lông rồi ủ cho đến rỉ nước. Vừa nhanh, tiện lợi mà ít đọng vốn. Về Hàm Ninh mấy bận, tôi khám phá ra pá Hổi có thú chơi đồ cổ, cái thú xa xưa của người Tàu và của người Việt mới giàu lên trở lại. Từ nãy, đám thiêu thân thay nhau vo ve, tôi vặn lớn tim đèn dầu Huê Kỳ cho chúng cháy khét cánh, rơi lả tả trên mặt bàn giả cổ có khảm hình những con cá. Pá Hổi mê cá như mấy ông già nghiện thuốc phiện. Khắp nhà, đâu đâu cũng cá, tranh cá chép, tượng cá đuối, chậu cá rằn, cá sặc… và bữa cơm nào cũng có cá.

Lúc tôi xuống bếp, chị Minh đương chiên cá. Ở chân tóc chị vẫn toát ra thứ hương lài dịu dịu. Tôi mê cái mùi mồ hôi trong vắt tinh khiết đến lạ lùng toát ra ở ngấn cổ chị Minh. Một lần đánh bạo tôi úp mặt lên cần cổ chị nuốt vội mấy giọt mồ hôi còn đọng lấm tấm, chị Minh đẩy nhẹ nhưng không rầy la. Chuyện đó xảy ra dễ chừng cũng vài năm mà tôi vẫn hãy còn cảm giác đã ôm hôn một đứa con gái lần đầu. Chái bếp chiều hôm của pá Hổi tù mù, gió từ rừng thổi thốc từng cơn kéo rung những tấm tôn che mái. Tiếng động khô khốc của gió, của tôn, giống đang khua cào bên trong hộp sọ tôi trống rỗng.

Tôi kiếm chỗ ngồi xổm cạnh chị Minh trước chảo mỡ. Trên vách, chiếc bóng chị Minh mập hơn chị ở ngoài. Cái bóng không quay lưng nhưng đối mặt. Giống như chính chị Minh đang quay lại đối diện dọ hỏi. Tôi lúng túng trước cái bóng chị Minh soi mói đến độ phải buột miệng hỏi bâng quơ để chấm dứt tình trạng vờn vượt giữa tôi với nó.

“Chị về đây bao lâu?”.

“Ở hết mùa hè Dĩnh à”.

Chị Minh trở cá, gác đũa. Tôi lấy than vẽ mái tóc chị trên mặt đất. Mấy lúc trước tóc chị dài, tôi phải vén lên mới ngắm được gáy cổ.

“Chị tính làm gì cho hết mùa hè.

“Chị đang học cách làm nước mắm của pá Hổi. Pá sắp sản xuất nước mắm tinh chất chưng cất theo truyền thống”.

“Sao pá Hổi không dọn ra Dương Đông, bây giờ Việt kiều về nhiều dễ sống”.

“Cạnh tranh không dễ đâu Dĩnh. Tại Dĩnh không biết chớ ở đây pá làm ăn khá lắm”.

“Khá gì. Nước mắm hôi rình”.

Tôi nhăn mặt, không hiểu vì sao chị Minh mê nước mắm tựa y như tôi mê lỗ tai tròn nhỏ có đính bông chiêu chiếu của chị. Tôi nghĩ đến căn buồng ban chiều chị dọn cho tôi ở trên đồi, sau vựa cá. Ít nhất tôi cũng có chỗ thanh tịnh không chung chạ với mắm và có những tàng cao su che nắng. Tôi nghĩ bụng thế nào rồi cũng rủ chị lên cái chòi ấy một đêm nghe tôi đàn hát. Ngặt một nỗi pá Hổi đeo riết lấy chị, săn sóc như con ruột. Mấy lần tôi tính hỏi chị Minh có tình ý gì với pá hay không mà hai người hay vắng mặt? Nhưng cứ trông thấy ánh mắt chị thản nhiên là tôi luống cuống. Giống đoán được ý nghĩ hắc ám đang nhen nhúm trong đầu tôi đương hí hoáy vẽ sau lưng mình, chị Minh gắp cá bỏ ra dĩa bảo:

“Dĩnh mang lên nhà đi đừng có ngồi đó nghĩ quẩn”.

Tôi bỏ lên trên, gương mặt pá Hổi lại hiện ra dưới ánh đèn Huê Kỳ tờ mờ như lão Quan Công đang ngồi sừng sững trong góc.

2.

Chẳng ngờ năm nay ruồi tự dưng biến mất. Tôi nói chắc tại gió mùa trước quá khô, còn mưa thì rềnh rang chưa tới, đất không đủ ẩm cho ruồi sinh sôi mọc cánh. Pá Hổi đã gạt ngang, đanh giọng kết tội bọn đất liền ra Phú Quốc tung tiền xây khách sạn, lấp vũng phá rừng làm sao còn côn trùng súc vật. Tôi đã quen với luận điệu của pá nên không góp chuyện, đi ra sân ngả mình xuống chiếc võng máng giữa hai gốc ổi. Không có gì thích bằng nằm dưới tán ổi nghe buổi trưa lao xao tiếng gió, tiếng sóng rì rầm. Tôi ưa Hàm Ninh ở chỗ nắng thật gắt rang trên mọi vật bất động vậy mà mọi thứ vẫn tiếp tục sống âm thầm dưới lớp vỏ cháy thiêu. Phải lắng nghe mới thấu hết cái cô quạnh miệt mài của Hàm Ninh, giống dưới xóm chài luôn ngủ trưa thiêm thiếp, phải đợi đến khuya những thuyền câu mới động đậy lướt sóng, hệt bọn con gái đi tắm khuya phải rình mới thấy. Rồi tới sáng mở mắt ra, đám thuyền câu đã trở về cặp bến hồi nào, lại bất động, chỉ còn những tấm lưới rách treo rũ trên mấy cột thuyền trơ trụi. Nhưng có nhìn rổ mực tươi rói bày la liệt trên sạp, những mớ tép còn nhảy mới biết có thay đổi, phép màu đã xảy ra ban đêm. Pá Hổi cũng giống làng chài này, cô đơn mà cần mẫn, đang cố gắng làm sống dậy trong bóng tối những muỗng nước mắm đích thực của Hàm Ninh.

Tôi sống với pá Hổi, bên ngoài đàm tiếu, nhưng thâm tâm tôi biết mình trọng pá Hổi ở ước muốn tìm lại truyền thống của đảo. Một thứ truyền thống biết xây dựng nhân hòa và địa lợi. Dĩnh không bao giờ hiểu nổi chuyện ấy. Mấy bận tôi cố giải thích, mọi thứ đều sinh ra từ thiên nhiên, chớ không phải từ cơn khát cháy cổ họng đã khiến con người ta làm ra bia hơi hay nước đá, nhưng từ một giấc mơ nào đó xa xôi vạn kiếp mà qua chiêm bao con người mới ngộ ra. Chăm chút thiên nhiên là cải thiện chính cái gốc của cuộc sống chật hẹp tiêu điều trên mặt đất này. Dân chài biết biển chỉ cho hoa trái ban đêm, ban ngày mà phá giấc ngủ của thủy triều, đại dương sẽ ngưng sinh nở. Giản dị có vậy mà mỗi bận tranh cãi Dĩnh cứ lang bang này nọ “thiên đường” đồng nghĩa Heineken, không “Ken” thì biển có đẹp thế mấy cũng vô duyên như chị Minh không có ngực. Mỗi bận nghe Dĩnh cao giọng cãi, là tôi tức cười. Dường như với Dĩnh, ngoài tôi ra chẳng còn gì quan trọng.

Dĩnh đang tăng xên chiếc xe gắn máy cũ của pá Hổi mà nó nói sửa xong sẽ chở tôi đi cùng đảo. Thấy tôi ra nằm võng, nó bỏ hộp nhớt, chạy vụt lại sà xuống ngay cạnh nắm sợi võng đẩy đưa. Tôi nhăn mặt kêu:

“Dơ! Dĩnh!”.

Dĩnh mặc kệ. Mấy ngón tay nó nhẫy dầu, cong cong ngọ ngoạy như con còng men men tìm gan bàn chân tôi rồi lần lần leo lên. Tôi liếc vô nhà, liếp cửa buông lỏng, không thấy bóng pá Hổi. Ống quần lãnh đen hất cao lúc nào với đôi mắt Dĩnh chăm chăm nhìn kẽ da tôi hồng mẳn dưới đầu gối. Nắng trắng bong xiên qua tán ổi chạy đùa trên mặt vải và rớt xuống mấy đầu ngón tay đen bóng của Dĩnh bắt đầu rục rịch. Tôi nhắm mắt, muốn nghĩ đến cái trơn nhẫy của gã thanh niên sẽ áp vào da bụng mình, lớp da tên con trai sẽ vàng ra sao dưới ánh đèn dầu phụng trong căn buồng pá Hổi vừa thay tấm màn xanh cho tôi vừa bụng. Pá đã quen tật cưng chiều tôi từ buổi đầu tiên tôi đặt chân lên Phú Quốc, phạc người trong nắng gió.

Ngày đó, quán nằm ngay ven lộ, tôi lê tèm nhẹp đất đỏ còn đọng sình sau cơn giông mấy ngày trước lên nền xi măng. Anh chủ quán ở trần, xương sườn chẻ như lá dừa, liếc xuống đôi giầy cao gót của tôi thản nhiên hỏi:

“Cua đinh, mực ống, ghẹ, cô hai kêu thứ gì?”.

Tôi ngần ngừ:

“Quán có cá rô không? Cho tôi dĩa rau lang”.

Chủ quán chẳng đáp, đi vòng chái hiên ra bếp. Gió phần phật lật tung mấy tấm bạt che ngoài cửa, mưa táp vào mặt tôi tất cả cái mặn khẳn của cá. Đúng là đất nước mắm. Cả khúc biển chứa đầy nước mắm, cả những giọt nước mưa cũng mặn. Hôm ấy tóc tôi còn dài, những lọn tóc quất đến rát da cổ làm tôi phải lấy thun cột sau lưng, chúng khô cứng như ngâm muối. Thân thể tôi hệt cây khô sắp gãy, nếu pá Hổi với Dĩnh không tới. Nhưng khô thì khô, bữa đó bụng tôi réo đói. Trên chuyến tàu từ Rạch Giá sang, tôi nôn từng chặp, tôi đã tống vào bụng bao nhiêu siêu thuốc nam thuốc bắc Dực bắt tôi uống hằng năm trời để thụ thai. Dực làm sao biết rằng thuốc tiên cũng chẳng thể chống lại nỗi sợ hãi lo âu kỳ hoặc của tôi khi tưởng tượng từ trong bụng mình chui ra một đứa nhỏ giống hệt gương mặt càng ngày càng tái, mắt càng ngày càng đanh của Dực, giọng nói lúc cố kéo dài, khi cố sang sảng trước đám đông ngưỡng vọng nhưng nhiều lần trong điện thoại chẳng biết nói với ai mà vâng dạ nhỏ nhẹ đủ điều. Đêm, Dực hự một tiếng, hai ống chân giãy vài cái rồi nằm chết giữa đùi tôi. Đẩy Dực đã say sưa ngáy xuống mặt nệm, tôi len lén vào phòng tắm, vặn thật nhẹ vòi nước, cố rót thật sâu trong cửa ngõ mình, xối rửa, xua đuổi những con trùng. Không bao giờ cho chúng luồn lách tới tận bọc trứng tôi giấu kỹ, không cho cấu kết, tái tạo lại cặp mắt đã chẳng còn chút gì của một Dực nhiệt tình, sáng láng thời mới quen. Trở ra, đè ngực úp bụng xuống giường, tôi luồn tay miệt mài giữa ngãng rẽ, thao thức trong bóng tối, cho đến khi Dực chợt tỉnh, bật đèn và chộp ngay lấy cuốn sách dạy phương pháp trở thành một doanh gia hoàn hảo.

Thời đó tôi hay nghĩ ngợi lung tung nên cọng rau lang đã tím tái trên những hột cơm rời rồi mà tôi vẫn chưa ăn hết, mặc dù đói. Tôi đặt đũa, ngó ra đúng lúc người đàn ông lừng lững bước vào. Chiếc quần vải thô xắn lên bắp chân, áo ngắn tay không cài cúc mở banh hai vồng ngực màu đất. Tôi nghĩ loại đàn ông lực lưỡng như vầy chắc chẳng hiếm trên đảo nhưng những sợï tóc dài túm sau ót, cặp mắt mở sâu gườm gườm, cái dáng đi không ngó ai, cách ngồi thẳng rộp đánh xập xuống mặt ghế ấy có khác người. Bên kia đường trơ trõng mấy đứa nhỏ nằm ngủ trên giường tre, bụng lồi căng như cái trống, một vài người đàn bà loay hoay chặt dừa, gỡ lưới, dốc bạt cho nước chảy xối. Xóm lều trước mặt thu lu tăm tối vậy mà trong khoảnh mắt tôi vẫn hiện ra rõ mồn một tấm thân vuông vức dưới cái cằm ngang tàng của người đàn ông mới vào. Chủ quán như biết trước, chớp nhoáng đã bày ra hai mâm nhôm đầy những nghệ hoa dôm dốm trên mai ghẹ đỏ cạch và mu cua đinh um úp. Ngồi cách ba bàn, tôi vẫn nghe tiếng cắn nhai rôm rốp, cả tiếng ợ, tiếng nốc bia ừng ực, thật thản nhiên, thô lỗ như chỉ có mình hắn trong quán. Nhìn xuống con cá chiên vẫn nằm trơ mắt và chén nước mắm vàng loãng, hai ba miếng ớt chưa đủ xoá cái màu nhạt nhẽo, tôi gọi người chủ xin chút nước mắm nguyên chất. Anh ta chỉ gật đầu, người đàn ông bàn kia chợt trợn mắt:

“Chai hôm rồi tao đưa đâu, sao không đem ra rót cho cổ. Cho khách hàng ăn thứ mắm sình, ai nuốt cho vô”.

Tôi lẳng lặng rưới lên dĩa cá một muỗng nước mắm trong vắt. Chỉ có một muỗng nước mắm tinh chất mà con cá óng lên như được tưới rượu cognac XO của Dực dành bày tủ kính. Thịt và da cá trôi qua cổ mặn mòi ngọt lịm, tôi bỗng nhận ra mình cũng nhai cũng nuốt ngon lành chẳng kém gì người đàn ông. Nhưng tôi không nhớ pá Hổi đã nói, đã làm gì để sau đó rủ được tôi về nhà pá dưới dốc đồi, bên rẻo biển.

3.

Minh đón chú Dĩnh ở sân bay tới nhà đã quá trưa. Nắng chang chang trên sân lúc Minh dựng chiếc xe máy mượn của thím Hỏa. Chế Minh có hai bầu vú nhỏ hơi vểnh lên dưới áo cánh. Ngày đầu tiên gặp Minh tôi đã để ý đến hai đầu ngực nhọn săn luôn luôn nhú cao bắt tất cả mọi đàn ông phải chú ý. Hàm Ninh đang vào vụ mắm, giữa những tất bật của vựa cá, tôi vẫn bắt gặp dáng dấp tươi mát thành thị của Minh. Tôi muốn chạy ra đón chú Dĩnh, nhưng mấy hôm nước ròng cá về nhiều thuyền câu cất vó suốt đêm khiến công việc bề bộn. Thím Hỏa đang xả nước, phải canh mực nước cho thật chuẩn, dư vài lít cũng tiêu. Vụ trước chỉ đạt 35 độ đạm. Vụ mắm này Minh quyết định ở lại vựa học chưng cất cho được thứ nước mắm đã mất hẳn trên đảo từ sau 30 tháng 4. Minh có mặt ở đây làm tôi hăng hái. Chính tôi cũng không biết tự bao giờ mình nảy ra cái ý định tìm lại muỗng nước mắm đã uống trong chuồng Cọp. Chỉ một muỗng nước mắm nguyên chất thôi đã nuôi tôi sống sót bấy nhiêu năm tù. Thêm Minh, tôi quyết chí tới cùng tìm lại muỗng nước mắm này. Bây giờ nước mắm đang là nước muối, nhưng tôi phải trả lại cho mảnh đất tuy giam giữ mình nhưng cũng đã nuôi tôi gần trọn đời người. Không nói ra nhưng tôi biết Minh hiểu. Người đàn bà này có khí lực dồn ẩn trong da thịt mà lần gặp đầu tiên tôi đã biết chỉ một phụ nữ mạnh mẽ thể xác mới gom được vào trong mình tất cả thiên nhiên của hải đảo.

Căn chòi của chế Minh theo yêu cầu của chế tôi cho cất sau chòi của chú Dĩnh dù chế đã có căn buồng riêng trong nhà. Chẳng hiểu vì sao Minh cứ khăng khăng cho gọi chú Dĩnh ra Phú Quốc. Cái thứ trai ăn chơi học đòi như Dĩnh thì đất nước này đâu thiếu. Ban đầu tôi cố ý cản, nhưng dần dần hiểu ra giữa chế Minh và chú Dĩnh có mối quan hệ sâu đậm hơn tình chị em kết nghĩa. Đến mức nào thì tôi chưa rõ. Dĩnh đeo theo Minh như hình với bóng. Cặp môi dầy của chú ưa cười nhạo báng, đôi khi ra vẻ bất cần, chỉ là hình thức bề ngoài của lũ trai thành phố. Tôi đã quá cái tuổi bồng bột để hiểu Dĩnh mê Minh, nhưng những năm tháng tù đày thiếu tiếp xúc với đàn bà khiến tôi chưa hiểu vì sao Minh không ngăn cản mà còn tỏ vẻ khuyến khích.

Hai tuần sau khi chú Dĩnh tới vựa, chủ nhật đầu tháng chúng tôi lấy xuồng đi An Thới. Tôi vẫn biết Minh ưa dạo bãi sớm, hóng thứ nắng không quá gay gắt nhưng trong lành của biển cả. Tôi muốn chỉ cho Minh xem những khúc biển hồng tươi vì lúc nhúc tép. Cái đất này là đất tiền, đất bạc, chỉ cần thả vó là có thể cất lên từng tấn cá, tấn mực với tôm, thậm chí bào ngư cũng không thiếu, vậy mà dân đảo nghèo xơ xác. Tôi muốn nói với Minh, cái thời tôi nằm tù, biệt giam một ngày một muỗng nước mắm vậy mà tôi cũng trông thấy qua chấn song sắt sự trù phú của cư dân. Còn bây giờ… Phải chăng ngư dân đã đánh mất cái muỗng nước mắm huyền diệu ấy và trôi theo cùng với nó tất cả trù mật lúc trước?

“Nước mắm nhĩ Phú Quốc khi xưa có tiếng, bây giờ cạnh tranh không lại nước mắm Phan Thiết, Hải Hậu”.

“Vì sao hả pá?”.

“Vì trên chai ghi 55 độ đạm nhưng thật ra là độ muối, độ đường, có phải là độ nước mắm đâu. Muốn làm nước mắm ngon phải chưng cất tỉ mỉ rồi đóng thùng gỗ vàng tâm, thứ gỗ đóng quan tài lúc xưa, để đúng 19 tháng mới bắt đầu dùng được. Đó là nước mắm thường, chưa nói loại ngon, bây giờ chúng đong chai bán gấp từ 6 đến 7 tháng đã bán, làm vụ nào hốt vụ đó chẳng còn nghĩ gì đến truyền thống với danh tiếng. Trách sao cho bằng nước mắm Thái Lan. Rồi thì suốt ngày lo pha chế xuất khẩu, giống như cha mẹ đem con ra đánh bóng cái mẽ ngoài để gả chồng cho sớm”.

“Sao họ không đợi đúng 19 tháng?”.

“Đợi sao nổi, lũ chúng bây giờ hám bạc quá mà. Vay tiền nhà băng, giá cả thị trường thì trồi sụt, luật lệ bất nhất, đợi 19 tháng trả lãi sao cho xuể. Có hai loại người làm nước mắm, loại làm gian, làm nhiều bán liền, hốt sao cho nhiều tiền hết vụ này sang vụ khác bán một triệu chai nước mắm mặn như nước muối vẫn hời hơn bán một trăm ngàn chai ủ đàng hoàng”.

“Còn loại hai?”.

Tôi sẽ muốn chế Minh quay lại hỏi tôi như lúc trước, cho tôi trông thấy gương mặt chế sáng láng dưới nắng còn tươi. Tôi muốn tiếp tục câu chuyện bỏ dở từ khi chú Dĩnh tới Hàm Ninh. Những bận trước đi bãi, tôi với chế bàn nhau tới lui cách nào chưng cất cho thành nước mắm thật sự, thứ nước mắm nhĩ có một không hai trên cõi đời này. Về ý nghĩa của nước mắm đối với ngư dân, vì sao lại đánh mất, làm sao tìm lại? Tôi chỉ là tay ngang nhưng tôi tin tình yêu của Minh sẽ giúp mình mãn nguyện. Những lần trước tôi cùng với Minh rong xuồng trong sự đồng điệu của hai tâm hồn gần gụi, lần này trong im lặng. Ban sáng tôi đã để ý thấy chú Dĩnh không muốn đi, nhưng Minh nài Dĩnh bằng được. Rồi suốt quãng biển động xuồng gối sóng, chú Dĩnh ói mấy trận, đến khi nước yên chú mới nằm được một lúc, với tròng mắt đầy bực bội.

Chú Dĩnh nãy giờ không động đậy, lên tiếng đòi coi san hô. Tôi quành cho xuồng vô mạn giếng Vua. Tiếng máy xuồng kêu đì đạch giống tiếng kêu của cá chình. Xuồng nhấp nhô một lúc rồi vào khoẳm biển trong, những lượn nước tăm tắp dập dềnh. Giá không có cái đầu của chú Dĩnh, tôi đã có thể ngắm chiếc lưng nhỏ của Minh. Cái lưng thắt như lưng cá ở khúc đuôi, phẳng, láng và đỏ rám những khi Minh phơi nắng. Tôi vẫn hay ngắm hai đầu vú Minh khi ngủ. Bầu vú Minh nhọn, bầu bĩnh như trái mận. Tôi chậc lưỡi. Chú Dĩnh hình như nghe thấy, nhổ toẹt bãi nước miếng xuống biển:

“Tắp vô chỗ này nè”.

“Chú muốn coi san hô thì lặn xuống đi”.

Tôi trả lời. Không muốn gây hấn làm gì.

Không đợi tắt máy, chú Dĩnh đã cởi áo ngoài lao thẳng, bắn tưới nước lên mặt mũi, tóc tai Minh. Chân chú Dĩnh loi ngoi hai giây rồi mất biệt. Nắng rươm trên mặt nước, quãng này thường có sứa. Tôi nói, biết Minh đang nhìn mình. Tôi làm bộ tìm bầy sứa nhưng vẫn liếc thấy Minh đang chau mắt. Minh có nét mềm mại của loài cá. Tôi vẫn nghĩ thân thể Minh săn như cá nục nhưng cũng mềm như cá bống. Nhiều lần Minh tắm xong nằm phơi dưới nắng, da đỏ au lấm tấm cát, tôi không đừng được quệt ngón tay một đường dài dọc bắp đùi Minh. Đưa ngón tay vào miệng cũng mằn mặn chẳng khác lớp muối tôi thường rải lên mình cá. Minh không biết Minh trông ngon lành hấp dẫn y một chú cá đã lớn vừa kịp cho một vụ nước mắm. Ở Minh đẹp nhất ngoài đầu vú là gáy cổ lộ ra tươi nức, sáng hồng như con bông diêu dưới nước. Chỉ nội hình ảnh này đủ làm tôi không ân hận, chịu đựng cái nhìn trách cứ của Minh. Buổi tối hôm chú Dĩnh mới tới Hàm Ninh, Minh ngồi chiên cá, tôi đi lựa muối ở chợ về bất thần ngó vô ai ngờ bắt gặp thằng Dĩnh đang âu yếm vén từng lọn tóc của Minh, mắt nó xoáy vào cần cổ ấy thiếu điều muốn cắn đứt. Buổi tối khi nó đã bỏ lên căn chòi, và Minh say ngủ, tôi cầm kéo bước tới bên giường Minh cắt xoén những sợi tóc mà lâu nay tôi sẵn sàng dội từng gáo bồ kết cho Minh gội. Minh hờn, mấy đêm không ngủ trong nhà, lên ở miệt trên đồi.

Tự dưng tôi muốn tắt máy cho xuồng trôi luôn ra ngoài biển, chỉ với Minh và một mình tôi trong khoang. Chế Minh chưa biết, cái loại người làm nước mắm thứ hai là loại chi li trong ý nghĩ, loại có thể ngậm ngụm nước mắm đặc trong miệng cả ngày trời không phun ra không nuốt vào cho tới lúc chất cá tự động ngấm vào nướu răng, vào thực quản. Và tôi cần một người đàn bà yêu chất cá ấy, nhưng không thể nói với Minh khi trong nhà còn có Dĩnh, khi Minh tỏ ra nuông chiều và đáp ứng những trò chơi của Dĩnh. Buổi tối chú Dĩnh hay gạ gẫm Minh lên chòi nghe chú đàn hát. Tôi không hiểu Minh làm gì trên đó, chỉ nghe tiếng đàn chú Dĩnh vọng hằng giờ rồi im bặt và đến tảng sáng Minh mới trở xuống chòi của mình.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Comments are closed.