Văn Cao. Tượng chưa thành tượng

Lê Chiều Giang

clip_image002

“…Ngồi đây ta gõ ván thuyền

Ta ca trái đất chỉ còn riêng ta…”

Trương Chi / Văn Cao

Rong chơi không phải là lẽ sống của đời, nhưng có nhiều giai đoạn ở Sài Gòn, chúng tôi chẳng còn biết tính toán ra sao, ngày mai sẽ như thế nào, và định làm gì cho tuần tới?

Đó là thời điểm sau 1975. Miền Nam Việt Nam bàng hoàng vì mọi thứ bị dập vùi, đất nước bỗng dưng mà biến đổi thê lương. Chán chường và tuyệt vọng, nên dù đời sống cứ phải ngồi bần thần, hay chạy đua cùng lam lũ… thì một số những văn nghệ sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn xao xác với chuyện tụ tập và rong chơi.

Không phải chỉ riêng tại căn chung cư nhỏ của chúng tôi ở Cư xá Thanh Đa, mà còn có bên Làng Báo chí với nhà chị Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, nhà anh Nguyễn Đình Toàn, và đặc biệt là ở nhà anh Trương Đình Quế, một Điêu khắc gia hào phóng và rất đông bè bạn.

Chuyện đáng nhớ nhất về anh, trong một tối café nơi quán nhỏ, vui miệng anh nói vài lời dịu dàng với cô chủ quán xinh xinh. Đanh đá và đầy kiêu ngạo, cô thách, nếu anh dám ăn hết lá xanh của cây ớt kiểng ngay cạnh bàn café đó, thì cô sẽ làm bạn với anh.

Vậy mà Trương Đình Quế ngồi đến khi quán sắp đóng cửa, cam tâm bứt hết những chiếc lá ớt, và suốt hai tiếng, nhẩn nha anh ăn một lèo như thỏ trong tiếng cười vui của chúng tôi.

Anh sống hồn nhiên, xem những học trò học điêu khắc của mình trong trường Mỹ Thuật Gia Định như bạn nhậu, la cà café thuốc lá… Ban giám đốc của trường viết thư cảnh cáo đôi lần, Trương Đình Quế nổi giận bỏ luôn trường từ đó.

Anh sẵn sàng chọn thú vui ngồi thù tạc với đám học trò chịu chơi, sống bạt mạng, hơn là cố phải ra vẻ đĩnh đạc, nghiêm trang như một người thầy giảng dạy.

—————————

Thời đó, một số Văn nghệ sĩ từ miền Bắc hay tìm đến chơi với dân Văn nghệ Sài Gòn. Họ như muốn tìm hiểu về những sinh hoạt của văn nghệ sĩ miền Nam.

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc, em của nhà văn Bùi Quang Đoài trong Nhân Văn Giai Phẩm. Nhạc sĩ Trần Tiến hay Dương Thụ… Tôi nhớ mãi tiếng hát Trần Tiến lúc ngà ngà say, anh có chút vẻ giang hồ là lạ, mang mang như cái nắng cái gió của Hà Nội…

Đặc biệt, trong một buổi trà dư tửu hậu, căn chung cư nhỏ của chúng tôi đã không đủ chỗ quây quần cho rất đông bạn bè. Chúng tôi ngồi quanh một thi sĩ vừa vào thăm Sài Gòn. Thi sĩ Hoàng Hưng.

Đêm đó Thanh Đa cúp điện, thơ Apollinaire như lãng mạn thêm với ánh đèn dầu không sáng, lại cũng chẳng thể tối hơn. Anh Hoàng Hưng đọc những vần thơ bàng bạc u sầu, trong tiếng gió êm đềm cùng trăng sáng, bên dòng sông nhỏ trước hiên nhà.

Tiếng Pháp tôi không hiểu hết, nhưng qua giọng đọc truyền cảm của anh, Thơ như đã dạt dào thêm, đã miên man lắng đọng hơn cùng với nhiều xúc cảm.

“…J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre…”[*]

Khó mà ai có thể tưởng tượng, chỉ mấy năm sau, người Thi sĩ mà chúng tôi rất quí mến này đã bị giam tại Hỏa Lò tới ba năm, chỉ vì cầm tập bản thảo Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm.

…………………

Trong một buổi họp mặt tại nhà Trương Đình Quế bên làng Báo chí, anh đã mời không thiếu một ai trong ngày dự định thực hiện bức tượng Văn Cao. Sự hiện diện của nhạc sĩ Văn Cao mà tôi và Nghiêu Đề hằng ngưỡng mộ trong suốt bao năm dài, khiến chúng tôi không thể không có mặt.

Lao xao, rộn rã và cả với ngậm ngùi… Chúng tôi ngồi quanh những hộp đất sét. Đất vô giác, đất vô tri rồi sẽ qua bàn tay khéo léo đầy sáng tạo của Trương Đình Quế, để thành chân dung Văn Cao, như Nhạc sĩ từng mong đợi.

Đẹp xấu thế nào chưa ai biết nhưng trước tiên phải là Rượu.

Rượu rót tràn ly, rượu mời chào rộn rã. Chưa ai kịp nâng ly, bỗng Trịnh Công Sơn lên tiếng phàn nàn: “Mi đãi Trịnh Công Sơn và Văn Cao mà bằng rượu nếp than này sao?”.

Trương Đình Quế cố gắng chống chế, nhưng cũng đỏ mặt buông lời bất bình: “Anh em có gì uống nấy, vui chơi thôi, tên tuổi gì ở đây, mấy cha!?…”

Trịnh Công Sơn bỏ về, chỉ chào duy nhất Văn Cao.

Một thoáng lặng im, mọi người nhìn nhau; nhưng chỉ vài phút sau, mạnh ai nấy huyên thuyên, cười nói. Ai đi, ai bỏ về, thiên hạ… quên hết.

Riêng nhạc sĩ Văn Cao, người duy nhất có vẻ còn lấn cấn chuyện Trịnh Công Sơn, ông cầm ly hướng về phía tôi: “Mời người trẻ nhất!”.

Chị Thụy Vũ đưa ly rượu của chị cho tôi. Lần đầu tiên nhấp chút rượu, môi đắng ngắt với chất nồng nồng cay làm tôi say sưa nhớ.

Nhớ Suối Mơ, nhớ Bến Xuân, nhớ Buồn Tàn Thu và nhớ cả Thiên Thai… Tôi nhớ một trời của

những thanh bình cũ dù chẳng biết gì về Hà Nội, nhưng tôi hay mơ màng qua nhạc của Văn Cao. Những cung bậc êm đềm, huyền ảo và thanh thoát.

Phong cách uống của Văn Cao hơi khác mọi người. Ông ngồi như thiền rất lâu trước ly rượu đầy. Thiên hạ xong ly thứ ba, ông mới đủng đỉnh bắt đầu ly thứ nhất. Rượu nồng hơn hay là đã nhạt? Văn Cao mặt tái dần với chòm râu trăng trắng. Ông uống và ông cứ uống…

Để yên cho Trần Quang Lộc tha hồ múa cùng bè bạn, Trương Đình Quế phác thảo chân dung Văn Cao. Qua giấy, tôi thấy đã đủ đẹp, dù chỉ bằng bút chì.

Rất ồn ào, thiên hạ cười nói, tôi nghĩ cả Trương Đình Quế lẫn Văn Cao, không ai tập trung đủ cho bất cứ điều gì, trong một không khí đông người như thế.

———————–

Bạn bè rồi tan tác.

Mỗi người một phương. Như chúng tôi rồi cũng bỏ nước ra đi…

20 năm sau tôi trở lại Làng Báo chí. Vẫn nụ cười nhàn nhã, thảnh thơi, vẫn Trương Đình Quế hồn nhiên và ấm áp. Tôi ngồi dùng bữa cơm chiều cùng anh chị, lan man với nhiều chuyện cũ mới.

Anh chỉ tôi xem tượng Trịnh Công Sơn, tượng Bùi Giáng…

Lăn lóc trong góc nhỏ, một chân dung nào đó chưa thành hình.

Khối đất sét nứt nẻ như những vết thời gian chồng chéo trên mặt. Thêm vài vết xẻ dọc dài trên trán, trông thật giống những sợi tóc mỏng loà xoà. Đôi mắt khoét sâu chưa ra một ánh nhìn, nhưng trong trũng sâu của đôi mắt tối, tôi chợt hình dung ra những lao lung những cay đắng của một đời người.

Tôi không hỏi, Trương Đình Quế cũng chẳng nói là ai.

Chúng ta có cần phải đặt một cái tên nào cho những chân dung chưa thành hình, những gương mặt còn nguyên xi với nhiều méo mó?

Vả chăng, tôi sợ những đẽo gọt, những mài dũa cho ra đúng một chân dung nào đó, đã nhiều khi làm biến mất, làm nhạt phai những kỷ niệm trong một buổi chiều sắp tàn của những năm xưa.

Tôi nhặt bức tượng mãi vẫn chưa thành tượng, trang trọng đặt lên bệ cửa sổ.

Chút nắng nhạt của chiều hắt trên hố mắt trũng sâu, sắc như một đường dao cắt.

Nhạc sĩ Văn Cao.


[1] L’Adieu. Thơ Guillaume Apollinaire.

Comments are closed.