Nhớ Hoàng Tiến

Vũ Thư Hiên

Đầu thập niên 60, chúng tôi thường tụ tập ở nhà Hứa Văn Định. Chúng tôi ở đây là một số cây bút trẻ làm việc ở đủ thứ cơ quan khác nhau, giao du với nhau bởi tính tình thì ít mà bởi thú văn chương thì nhiều. Lối gọi “cây bút trẻ” là để phân biệt với những nhà văn chính hiệu, nhà văn có môn bài, tức có chân trong Hội Nhà văn, một thứ Viện Hàn lâm Văn chương vào thời kỳ ấy. Ai được cái Hội Nhà văn kết nạp là một vinh dự. Vinh dự này không dễ mà có. Người trong hội vênh váo với người ngoài hội. Trong chúng tôi, những người viết văn tóc còn xanh không có ai là hội viên Hội Nhà văn.

Hứa Văn Định là biên tập viên của Xưởng phim Việt Nam. Anh đã có nhiều bài báo, vài cuốn sách được in. Nhưng không ai trong chính giới gọi anh là nhà văn theo định nghĩa trên. Hứa Văn Định cũng chẳng màng cái danh hiệu nhà văn. Với anh, được coi là người cùng giới viết lách để có thể kết bạn với anh em là đủ.

Không biết từ bao giờ nhà Hứa Văn Định trở thành nơi tụ tập của chúng tôi. Nói cho đúng, nhà không phải của anh, mà của bố mẹ vợ. Ngôi nhà lớn, lại là nhà riêng là cả một sự hiếm hoi ở Hà Nội vào thời gian ấy. Đã thế lại ở đường Điện Biên Phủ, ngay đầu Cửa Nam, đi lại thuận tiện. Cái sự đàn đúm rất mực hồn nhiên của những kẻ vô tư lự lại có hậu quả tồi tệ. Ai cũng biết nhà cầm quyền không thích cái sự quần tam tụ ngũ của dân chúng, bất kể thuộc thứ dân chúng nào, cho nên khi không biết mấy thằng nhãi ranh tụ họp nhau bàn chuyện gì thì nó khó chịu lắm. Qua một anh công an cỡ kha khá, dưới bộ nhưng trên sở, khoái đánh bạn với dân làng văn (không biết vì công vụ hay vì có cảm tình cá nhân), mới biết hồi ấy chúng tôi được lũ "cá chìm" đặt cho một danh hiệu rất ghê răng là "lũ bất trị".

Cổ nhân dạy: "Bệnh giai do khẩu nhập, hoạ giai do khẩu xuất" là chí lý vô cùng.

Ở Hà Nội hồi ấy chỉ cần lỡ lời đụng tới "ông Đảng, ông Nhà nước" là đủ để các nhà chuyên chính vô sản cho lên bờ xuống ruộng rồi. Là dân có chữ nghĩa lại ti toe viết lách còn khổ hơn nhiều, không phản cách mạng thì cũng phản tuyên truyền, rặt tội chết người cả. Mà nhà cầm quyền đúng – cứ ba thằng dân ngồi với nhau thì y như rằng chẳng trước thì sau thế nào cũng có chuyện động đến chính trị. Nguy hiểm là thế, mà nhà văn Hứa Văn Định cứ nhơn nhơn duy trì cái "Chiêu Anh Quán" của anh như thường.

Hứa Văn Định không sợ, hay là người làng Văn Hàn ở Thái Bình có máu liều, tôi không rõ. Dù sao mặc lòng, nhờ có cái máu liều ấy của Hứa Văn Định mà anh em chúng tôi có được một thứ câu lạc bộ văn chương rất đặc biệt, nơi mọi sự cấm kỵ theo lệnh miệng và lệnh giấy của các lãnh tụ anh minh được bỏ lại ở ngoài cửa phòng cùng với giày dép.

Nhà Hứa Văn Định, như tôi đã nói, là nhà riêng, chỉ có hai hộ trong một gia đình, cho nên chúng tôi ra vào nhà anh tự nhiên. Chứ vào những ngôi nhà lớn bị dân tứ chiếng chiếm cứ mỗi hộ một mảnh thì khác, không thể tự nhiên như thế. Ra vào những chốn ấy phải thận trọng, phải ngó trước ngó sau. Ở nơi không biết ai là ai, dân lại được dạy dỗ rất chu đáo tinh thần cảnh giác cách mạng, cái sự báo cáo báo cầy là chuyện thường ngày ở huyện. Chẳng may bị báo cáo là tha hồ lên đồn vào quận, chờ được vạ thì má đã sưng. Tôi biết có những người đi tù oan chỉ vì một bản báo cáo bâng quơ của một tên bá vơ nào đó.

Nói cho công bằng, chúng tôi có bị rơi vào sổ đen của công an cũng chẳng oan bao nhiêu. "Lũ bất trị" về sau tan tác, đứa đi tù, đứa bị tước bút, nhẹ thì cũng bị chuyển công tác từ trung ương về tỉnh, không cho lên chức lên lương hàng chục năm. Ít ai thoát khỏi cái vạ vịt của não trạng nhìn đâu cũng thấy địch. Chỉ cần điểm mấy mặt sau đây là đủ thấy: Kỳ Vân, Hứa Văn Định, Phùng Quán, Vũ Huy Cương, Nguyễn Lộc, Huy Vân, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Mạc Lân, Xuân Khánh, Dương Tường, Châu Diên, Phù Thăng, Nguyễn Dậu…

“Rặt một lũ mất dạy”, các quan trên phán.

Lớ ngớ thế nào mà Hoàng Tiến lại rơi vào lũ "mất dạy" ấy mới kỳ.

Anh hiền lành một cục. Hiền hơn cả Nguyễn Thế Hội, biên tập viên nhà xuất bản Lao Động.

Hội cận thị nặng, quanh năm nhất bộ nhất bái, hoạ hoằn mới vận chiếc áo dạ Tôn Trung Sơn, không đen cũng không tím, cổ áo cổ măng xét đã sờn. Là "con em nhân dân lao động" chính hiệu con nai vàng theo lý lịch, nhưng để nuôi bà vợ ốm và đàn con lít nhít, "con em nhân dân lao động" vẫn phải viết "như bổ củi" để kiếm sống. Tác phẩm của anh ra ào ào, cái nọ nối tiếp cái kia, cái cho nhà xuất bản, cái cho xưởng phim hoạt hình (có Vũ Huy Cương làm tay trong), hoặc xưởng phim đèn chiếu (là nơi không ngòi bút tên tuổi nào buồn viết).

Nguyễn Thế Hội đến câu lạc bộ Hứa Văn Định chỉ để ngồi nghe và cười ruồi. Nhưng một khi cóc đã mở miệng thì thôi rồi, đố ai cản nổi. Anh nói to, mặt mũi đỏ gay, đốp chát thẳng thừng, không nể nang, không lựa lời. Mà chen vào chuyện văn nghệ sáng tác lại toàn những lời ta thán, chê bai, dè bỉu chế độ, mới chết chứ. Mỗi khi Nguyễn Thế Hội bật nói thì y như rằng Xuân Khánh phải rón rén đứng lên, nhẹ nhàng ra khép cửa cho chặt thêm. Anh không sợ, nhưng giữ thói quen cẩn tắc vô áy náy.

Hoàng Tiến là một "phiên bản" của Nguyễn Thế Hội, nhưng đẹp giai hơn bản chính. Tầm thước, hơi mập, gương mặt khôi ngô, đường nét phân minh, anh giống một thư sinh phố huyện hơn là một nhà văn trải mùi đời gót rỗ kỳ khu. Cái xà cột bất ly thân bằng vải bạt dày của anh là một kho đầy ắp những ghi chép và những bản thảo chờ được in. Hồi ấy Hoàng Tiến sau khi xuất ngũ được làm biên tập viên xưởng phim cùng với Hứa Văn Định. Khác với Hứa Văn Định thích ngồi nhà đọc sách, Hoàng Tiến hết bịa ra công kia lại việc nọ để đi khỏi thành phố. Thỉnh thoảng lắm anh mới rời luỹ tre làng trở về Hà Nội. Mà đã về Hà Nội thì thể nào cũng đến với nhà Hứa Văn Định, cũng là đến với chúng tôi. Đến, ngồi thu lu một góc, lặng lẽ như một cái bóng, lặng lẽ hớp từng ngụm trà móc câu với vẻ trầm tư của dân sành điệu thưởng trà. Trong khi anh em ồn ào tranh luận về đủ thứ trên trời dưới đất, thì Hoàng Tiến ngồi ì, không tán thưởng mà cũng chẳng phản bác. Đến nỗi Vũ Huy Cương đa nghi đã có lúc ngờ Hoàng Tiến là người của công an mật. Đáp lại nỗi nghi ngờ ấy, Hứa Văn Định phán một câu: "Hoàng Tiến mà là "cá" thì ông phải là "cá" mập!". Cương nhún vai, không tin vẫn không tin, nhưng chơi vẫn chơi. Cương không bao giờ chịu được cái tiếng hèn, công an thì công an, đã chơi thì không sợ, đã sợ thì không chơi.

Chẳng qua chỉ tại Tiến kín tiếng quá, ít lời quá. Tính về ít lời, anh không kém Hội một li ông cụ nào. Và còn khác Hội ở chỗ chẳng bao giờ anh bật nói như Hội. Tiến kín tiếng đến nỗi chúng tôi hoàn toàn mù tịt về về cuộc sống riêng tư của anh, trong khi mọi người trong câu lạc bộ Hứa Văn Định đều biết rõ gia cảnh của nhau, nhờ đó mà không ít lần đã cứu nhau kịp thời, những lúc nhà này nhà kia rơi vào cảnh túng quẫn. Chúng tôi chơi với nhau thân đến nỗi các bà vợ của chúng tôi rồi dần dà cũng chơi thân với nhau nốt. Mặc dầu Hứa Văn Định đã bảo đảm cho Hoàng Tiến, nhưng týp người như anh, của đáng tội, vẫn gây ra nếu không nhiều thì cũng một ít nghi ngại.

Hồi ấy, mà chẳng cứ hồi ấy, đám viết văn trẻ bao giờ cũng ớn nền văn nghệ quan phương, ớn lắm, đến tận cổ. Mà cuộc cách mạng của chúng tôi vừa mới khắc xong cho nó những con dấu chính quyền là văn nghệ quan phương đã lập tức xuất hiện, ngày một mạnh thêm, ngày một hùng hổ. Nó vác mặt lên trước mọi cái khác nó, nó đọc chính tả bắt các nhà văn chép, không coi ai ra gì. Chẳng những thế, nó còn vung dùi cui nện tới tấp lên đầu kẻ nào không vâng lệnh. Cho nên mới có vụ "Nhân văn – Giai phẩm".

Sau "Nhân văn – Giai phẩm", văn nghệ quan phương chiếm địa vị độc tôn. Từ đó bắt đầu thời kỳ thống trị của văn học lưỡi gỗ. Lối viết một chiều, tô hồng cuộc sống xã hội chủ nghĩa, chúng tôi ít nhiều đều phải theo, càng nếm trải càng chán ngán, cho nên anh nào cũng giãy giụa hết mình để thoát khỏi cái mạng nhện của nó.

Trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, chúng tôi có nhiều huyễn hoặc về mình. Chúng tôi tự khoác lên vai cái sứ mệnh không được ai trao là phải cùng nhau sáng tạo ra một lối đi mới, một cái gì đó hay ho, một cái gì đó cho ra hồn, dù chúng tôi mù tịt, chẳng biết mặt mũi nó rồi sẽ ra sao, chẳng biết phải làm ra nó bằng cách nào. Hơn đám văn nghệ quan phương xưng mình hiểu biết hơn người, chúng tôi rất hiểu mình – chúng tôi là những kẻ thất học.

Để bù vào sự thiếu hụt không phải do chúng tôi gây ra, chúng tôi đọc ngày đọc đêm những tác phẩm của văn học Liên Xô, nước anh cả của phe xã hội chủ nghĩa (có rất nhiều), và những tác phẩm cổ điển phương Tây (có rất ít). Nếu như trước kia, được trang bị niềm tự hào cộng sản, chúng tôi nghĩ rằng nền văn học của quá khứ chẳng là cái gì so với nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đương đại, thì nay chúng tôi bắt đầu khám phá cả một gia tài văn học đồ sộ của nhân loại. Chúng tôi học được rất nhiều trong khi đọc những tác phẩm của họ, học cách nhìn, học cách viết. Rồi chúng tôi sáng tác vào những giờ vặt ra được từ "tám giờ vàng ngọc", những đêm không ngủ. Kim Lân gọi những tác phẩm chỉ để kể cho nhau nghe là sự "xuất bản bằng mồm". Họp nhau quanh bàn trà, chúng tôi đọc cho nhau nghe những tác phẩm chắc chắn chẳng được nhà xuất bản nào in, cùng nhau thưởng thức hương vị ngây ngất của cái mới do mình tạo nên.

Do ít học, và ít cả cái để mà học, chúng tôi thường phát minh ra cả xe đạp lẫn máy hơi nước. Nhưng chúng tôi sướng cái sự phát minh lắm. Chúng tôi mất khá nhiều thời giờ cho cái sự sướng ấy, trong khi vẫn phải cặm cụi viết cho đủ chỉ tiêu do cơ quan đề ra (mỗi người chúng tôi đều có một sở làm để lĩnh lương).

Người chăm viết nhất, và viết được nhiều nhất những bản thảo để đấy là Hứa Văn Định. Mái tóc rậm, bù xù, mặt vuông vức, đường nét phân minh, nước da bánh mật, con một ông lang nhà quê lớn lên trong chiến tranh Hứa Văn Định trở thành nhà văn không có môn bài. Vậy mà anh viết được nhiều hơn bất cứ ai trong chúng tôi. Mỗi lần thấy anh lễ mễ khuân những chồng bản thảo ra là chúng tôi hết hồn, nhưng may, Hứa Văn Định chỉ rút ra từng tờ, đọc từng đoạn thôi. Những đoạn trích ấy thường rất hay, rất đẹp, có những khúc những đoạn chẳng kém gì ở những nhà văn bậc thầy. Tiếc thay, chúng chẳng bao giờ xuất hiện trong những cuốn sách được in. Và những bản thảo dở dang của anh chắc đến nay cũng chẳng còn.

Hoàng Tiến cũng là một tay "căn cơ tán cần cù tảo", theo cách nói hồi ấy. Trong bọn chúng tôi, nếu tính về đầu sách được in thì anh đứng đầu bảng. Nguyễn Thế Hội là một kiện tướng về số đầu sách được xuất bản, nhưng về sáng tác thì không so được với Hoàng Tiến. Cũng không ai biết Hoàng Tiến viết gì, vào lúc nào. Những cuốn sách mới ra lò của anh chẳng ai trong chúng tôi được tặng. Chúng tôi chỉ được biết về chúng qua những quảng cáo trên bìa bốn (bìa sau) của một cuốn sách nào đó.

Hứa Văn Định bình luận:

– Nó không tặng chúng mình là phải thôi. "Vằn vện" cả ấy mà.

"Vằn vện" là từ ngữ của Hứa Văn Định dành cho những sáng tác theo thời, hoặc theo đơn đặt hàng. Anh cũng có những tác phẩm "vằn vện" của mình, nhưng anh không giấu biến đi như Hoàng Tiến, thỉnh thoảng còn khoe chúng với nụ cười tinh quái:

– Đọc đi. Có khối chỗ tao "đá" chúng nó đấy, đọc kỹ thì thấy.

Quả vậy, trong sách của Hứa Văn Định ở đôi chỗ soi kỹ mới thấy những lời xỏ xiên bóng gió nhà cầm quyền hay ra phết, các biên tập viên kiêm kiểm duyệt viên đầy tinh thần cảnh giác quá mệt mỏi đã không nhận ra. Khốn nạn ở chỗ, những cú đá móc ấy thâm nho quá, hiểm hóc quá, các chuyên viên kiểm duyệt mà còn cho qua thì người đọc bình thường làm sao phát hiện? Thành thử những cú đá móc của anh bay vào khoảng không. Mông của những nhà lãnh đạo không bị một vết thâm tím nào.

Hoàng Tiến, ngược lại, chẳng hề biết đá móc. Anh viết như một người lao động cần mẫn, hết cuốn này tới cuốn khác. Tôi biết được cái sự cần mẫn của anh là vì hồi ấy tôi đọc ngấu nghiến bất kể sách gì, của ai, miễn nó rơi vào tay. Những cuốn sách ra đều đều của anh, nói cho đúng, không để lại ấn tượng nào đặc biệt, bù lại chúng cho tôi rất nhiều kiến thức vặt vãnh về cuộc sống thường nhật của anh bộ đội trong chiến đấu, của đời sống thôn dã, bóng dáng những vùng đất nước mà mình đã từng qua. Anh có những chi tiết rất đắt, những lời thoại rất sống, được gắn vào nhân vật một cách thật là ngon lành.

Rồi chúng tôi xa nhau một thời gian thật dài. “Câu lạc bộ những kẻ bất trị" tan tác. Tôi đi tù. Kỳ Vân, Vũ Huy Cương, Nguyễn Lộc, Bùi Ngọc Tấn, Huy Vân… cũng đi tù.

Thời ấy là thời của tổng bí thư Lê Duẩn được trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ phò tá đã sáng tạo ra cuộc trấn áp “nhóm xét lại chống Đảng”.

Mạc Lân, Dương Tường, Hứa Văn Định may mắn không bị đi tù thì im thin thít như tín đồ Thiên Chúa giáo bị rút phép thông công.

Sau khi bị công an hành cho tới số, không một nhà xuất bản nào in các anh nữa.

Phù Thăng đi ở ẩn dưới danh nghĩa tự nguyện "hạ phóng", nghe nói anh có cả một đàn vịt để mà chăn. Nguyễn Dậu trở thành anh cắt tóc, có lúc còn trải chiếu ở vỉa hè bán giày dép…

Nói tóm lại, vật đổi sao dời, lung tung hết cả.

Gặp lại nhau sau những năm dài ở hết nhà tù này đến trại tập trung khác, tôi thấy Hoàng Tiến vốn ít nói còn trở nên ít nói hơn nữa. Anh chăm chú nhìn tôi, ánh mắt thương cảm, đầu gật gù trong câm lặng. Chúng tôi kéo nhau đi uống cà phê Lâm. Tôi chẳng nhớ chúng tôi nói gì với nhau bên những chén cà phê bít tất đen như mực tàu và không hương. Hình như chúng tôi chẳng nói gì, hoặc có nói thì cũng những tiếng trống rỗng. Cả một thế hệ đã học được cách che giấu ý nghĩ dưới vỏ bọc của thứ ngôn ngữ vô hồn.

Người hết tin người. Nghi ngờ trở thành một thành tố không thể tách rời của cuộc sống.

Rồi chúng tôi lại xa nhau, mỗi người một ngả. Với niềm tin mơ hồ rằng xa thì xa, rồi sẽ có ngày gặp lại. Y như lời trong một bài hát thuở thiếu thời: "Mây gió mây tan hợp, nào có sá gì những cuộc phân kỳ. Còn trời còn non sông. Còn người còn đoàn viên…"

Từ nước ngoài tôi vẫn dõi về quê hương. Mọi liên lạc đều đứt trong thời gian đầu. Lập lại chúng rất khó khăn, nhưng vẫn lập lại được, từng ít một. Riêng với Hoàng Tiến tôi đánh mất anh hoàn toàn.

Những tờ báo hiếm hoi từ trong nước đến tay tôi không thấy tên bè bạn thuở nào. Nỗi chán nản bẻ gãy nhiều ngòi bút hơn cả sự trấn áp của nhà nước chuyên chế. Hoặc nói cho chính xác hơn, sự trấn áp bằng rất nhiều hình thức khác nhau đã tạo ra ra cái đầm lầy chán chường, nơi những tài năng chìm nghỉm không sủi tăm. Cách triệt hạ trí tuệ như thế mới thật là "siêu".

Nhưng niềm vui cũng vẫn có.

Đùng một cái, tôi được đọc một bài của Hoàng Tiến. Đó là năm 1992. Một anh cán bộ thư viện lưu lạc sang tận nước Nga băng giá để buôn giày dép đã dắt lưng mang từ Việt Nam qua.

Bài viết "Tại sao tôi bỏ đảng Mác-Lê để đi tìm Phật?" làm tôi bàng hoàng. Tôi không ngờ ông bạn hiền lành của mình lại có một bước ngoặt đột ngột như vậy. Nhờ địa chỉ và số điện thoại công khai dưới bài viết, tôi tìm lại được anh.

Hoàng Tiến bảo tôi:

– Tớ bị gọi là chống Đảng như cậu rồi đấy! Sẽ lôi thôi lắm, tớ đã chuẩn bị cho vợ con tình huống xấu nhất rồi. Chúng ta không thể là con người đúng nghĩa nếu không dám tự do tư tưởng.

Rồi anh cười sảng khoái. Nghe tiếng cười của anh tôi biết anh đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả.

Anh vẫn còn nói tới đảng nhiều lần, nhưng đó là một đảng đáng lẽ phải có, chứ không phải đảng hiện có. Cách nói về đảng của anh gần với cách nói của Trần Độ ở giai đoạn đầu.

Cái sự chống đảng ở đây phải hiểu như là sự rời xa, sự không theo nữa, chứ không phải chống với nghĩa đứng lên đòi xoá bỏ. Thái độ đó chỉ có thể giải thích bằng sự tình nghĩa rất Á Đông giữa những người đã có lúc nào đó cùng chung đường.

Ở đây có sự lẫn lộn giữa một bên là những con người và một bên là cái tổ chức mà những con người kia gắn với. Nhưng Đảng cộng sản cầm quyền, với tư cách một tổ chức, quen đồng hoá mình với nhà nước, trước sau như một giữ vững quan điểm: "Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta". Quan điểm này chiếm địa vị độc tôn thống trị từ thời Lê Duẩn, so với Lê Duẩn, Trường Chinh chỉ là anh học trò mới biết đánh vần. Mà Lê Duẩn có lý. Người nào bắt đầu bằng sự không theo đảng nữa chẳng chóng thì chầy rồi cũng thành người chống đảng. Công thức “Kẻ nào không theo ta là kẻ chống ta” được áp dụng triệt để. .

Tôi không vui bao nhiêu về chuyện bạn tôi bỏ đảng tìm Phật. Tôi chỉ vui vì cuối cùng chúng tôi lại vẫn tìm lại được nhau. Nói chung, tôi thích nhiều phần triết lý trong các tôn giáo, nhưng tôi không mấy tin những chuyện về một thế giới vô hình. Tôi lại càng không thích những hình thức tổ chức tôn giáo trong chừng mực chúng na ná như tổ chức cộng sản. Trừ đạo Phật, đạo trong nguyên lý, trong triết học của nó, chứ không phải trong các tổ chức Phật giáo. Tôi nghĩ Hoàng Tiến theo đạo Phật là trong ý nghĩa này. Tôn chỉ của đạo Phật mà họ theo gói ghém trong mấy dòng chữ nắn nót của anh hàng giày bên trên bài viết của Hoàng Tiến: "Có bốn điều vô lượng: một là vô lượng từ, hai là vô lượng bi, ba là vô lượng hỉ, bốn là vô lượng xả. Thấy trong lòng vui là từ, dứt được điều khổ là bi, vui sướng khi thấy chúng sinh hết khổ là hỉ, mong chúng sinh bỏ được oán niệm mà thành bình đẳng là xả".

Hoàng Tiến đã tìm. Và mừng thay, anh đã tìm thấy cái anh muốn. Chúng tôi, kẻ trước người sau đều tự gỡ được cái khăn bịt mắt mình để nhìn. Hậu quả của những tìm tòi cuộc sống trần tục quanh mình trong ánh sáng thực chứ không phải trong ánh điện quảng cáo một thiên đường dưới thế lại không cho phép Hoàng Tiến làm một Phật tử thuần thành.

Hoàng Tiến nhìn đời chăm chú quá, với mối quan tâm lớn quá.

Vì thế đi đâu anh cũng thấy "Con người lý tưởng của những năm đầu cách mạng đã được thay thế bằng con người thực dụng, mưu mẹo, bè cánh, tham nhũng để làm giàu, song hành với nó là một lối sống thời thượng: bồ bịch, đặc sản, nhà lầu, ôtô Nhật xịn có điều hoà không khí. Vân vân và vân vân…". Là người đi trong hàng ngũ những người không điều hoà với thân phận nô lệ trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục năm 1945, anh không điều hoà được với những gì mà đảng cộng sản ngày hôm nay đang làm.

Anh không thể làm nô lệ thêm lần nữa. Bắt đầu bằng những bài viết còn hiền lành, trong đó còn có cả những lời kêu gọi trở về với truyền thống cách mạng, dần dần giọng anh trở nên lúc thì gay gắt, lúc thì châm biếm, ngày một dữ dội, ngày một dứt khoát. Trong những bài viết của anh tôi thích lối anh châm biếm. Khi anh châm biếm, tôi hình dung được nụ cười khinh khi trên môi anh. Điều đó, theo tôi hiểu, có nghĩa là Hoàng Tiến đã khinh cái chính quyền hôm nay đến hết mức, có nghĩa là mọi quan hệ giữa anh với nó đã được đặt dấu chấm hết. Và vì thế nó không tha anh, không thể tha anh. Có tên bạo chúa nào lại tha tên bần dân dám ngang nhiên phỉ nhổ nó giữa ban ngày ban mặt? Anh còn được an toàn cho tới hôm nay không phải vì tên bạo chúa (hay một lũ bạo chúa) có lòng nhân, mà vì thời đã khác xưa.

Cho tới nay Hoàng Tiến chưa vào tù. Có hàng loạt yếu tố buộc nhà cầm quyền phải dừng tay trước ý muốn trừng trị khắc nghiệt những thần dân bất tuân. Đất nước không thể tồn tại trong biệt lập với phần thế giới còn lại. Phần thế giới đó chống lại những hành động phản dân chủ, vi phạm nhân quyền. Nó lên án, nó tẩy chay, nó cô lập. Và nó còn biết trừng phạt nữa.

Không trấn áp nổi Hoàng Tiến, cũng như những người mà cả cuộc đời dài dặc của họ chứng tỏ họ hoàn toàn hiến thân cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhà cầm quyền quay ra đánh đập những anh em trẻ cùng chí hướng với họ. Nhưng nhà cầm quyền vừa đánh vừa run. Chúng bắt đầu biết sợ nhân dân, sợ cả loài người.

Hoàng Tiến là con người lý tưởng.

Đảng cộng sản mà anh theo gần như cả cuộc đời anh lại là một tổ chức thực dụng. Thế tất anh phải bị đánh bật ra ngoài lề cuộc sống do họ tổ chức. Cái tổ chức thực dụng ấy cần có quyền, để có lợi. Cái sự chiếm lấy quyền để được hưởng lợi được che đậy bằng những khẩu hiệu hào nhoáng đã hiện nguyên hình khi vỏ bọc rách mướp. Mọi con người trong cái xã hội dựng nên bằng lừa đảo đều chung một số phận: khi anh còn có tác dụng cho mục đích nắm quyền của nó thì nó dùng. Khi anh nhìn ra mặt thật của nó thì nó tống anh ra.

Lúc đầu anh có chút ngỡ ngàng. Rồi dần dà anh hiểu ra cái chân lý đáng buồn ấy.

Cuộc chia tay giữa Hoàng Tiến với đảng cộng sản là tất yếu.

Nó lớn hơn một cuộc chia tay ý thức hệ. Nó là một cuộc chia tay với người tình. Bi kịch của Hoàng Tiến, và của nhiều thế hệ là ở chỗ đó. Cuộc cách mạng mà anh theo đuổi đã không làm được gì hơn là ở dựng nên một chế độ chuyên chế.

Nếu như trong những bài viết của Hoàng Tiến còn có những gì để ai đó chưa hài lòng về liều lượng của cái gọi là chống cộng thì đó là vì anh đang nói với những người như anh, nhưng chưa "ngộ" được như anh, chứ không phải nói với họ. Mục đích những bài viết của anh là đánh thức những người còn chưa tỉnh cơn mê. Anh phải nói sao cho họ tỉnh dần, theo cách mà anh cho là tốt nhất.

Từ một người hiền lành cực kỳ Hoàng Tiến bỗng trở thành người chiến sĩ chống lại chế độ chuyên chế với tất cả sức mạnh của trái tim trong trắng bị lừa mị, bị bội phản, với ý thức rằng anh phải làm việc đó không phải cho riêng anh mà cho đồng bào.

Trong những bài viết, Hoàng Tiến đã gạt con người nhà văn trong anh qua một bên để làm nhiệm vụ của một con dân nước Việt. Đến nỗi ở trong nước có bạn đồng nghiệp đã dè bỉu anh, gọi anh là nhà văn chuyên sản xuất kiến nghị.

Tôi hiểu bạn mình, anh không thể làm khác. Đối với anh lúc này việc đấu tranh quan trọng hơn viết văn. Đất nước có thể thiếu nhà văn, nhưng nó cần những công dân quan tâm đến vận mệnh của nó. Có thể có những nhà văn khác nghĩ khác anh, nhưng đối với Hoàng Tiến thì nó đúng là như thế, nó phải là như thế. Bởi vì Hoàng Tiến trước sau là một con người hết mình với lý tưởng xây dựng một xã hội dân chủ, tự do, chứ không phải chỉ vì hận thù chế độ đương đại. Sự chọn lựa xã hội dân chủ thay cho cái chế độ chuyên chế mà anh từng góp tay dựng nên nó là sự chọn lựa cách quản lý đất nước đúng đắn nhất. Xã hội dân chủ là xã hội duy nhất biết tự sửa mình để thích ứng với mọi thay đổi của thời đại và nhu cầu của con người”.

Hoàng Tiến viết: “Chỉ có thể chế dân chủ mới có thể tạo ra những điều kiện cho dân tộc ta, đất nước ta nhanh chóng bắt kịp các dân tộc khác, các nước khác. Không có, và chẳng có con đường nào khác”.

Hoàng Tiến và những người luôn đi cùng anh thuộc về thế giới tương lai, trong đó trí tuệ sẽ và lòng nhân ái sẽ ngự trị trên tất cả.

 

Paris 2006

Comments are closed.