Văn học miền Nam 54-75 (671): Xuân Vũ (kỳ 15)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

5

Chúng tôi lại tìm đường đi ra cửa khẩu. Nhưng lại gặp một đoàn người khá đông. Hỏi ra thì mới hay rằng họ từ trong đi ra. Họ là những đoàn đi trước chúng tôi, nhưng vì kẹt đường nên chạy dội trở lại. Họ đã đi bảy ngày vào.

– Bỏ mạng rồi! 
Tôi và Năm Cà Dom đều kêu lên, tiếng kêu bi thương tự đáy lòng. Giờ phút này tôi mới càng sốt ruột mong đi nhanh về tới nhà. Nhưng tới làm sao được, chỉ mới đi có một phần ba đường. 
Nằm lại đây thì sức khoẻ cứ mòn dần, cứ yếu dần xuống. Lấy cái gì mà bồi dưỡng! Không khí ở đây là không khí chanh nước. Sức khoẻ của mình là cái lưỡi dao mà không khí vùng này là mảnh đá mài. Trái đất càng xoay thì lưỡi dao sức khoẻ của mình càng mòn. 
Cho nên tôi và Năm Cà Dom mới tích cực đi tìm ông bạn cũ của tôi. Rốt cuộc lại gặp một ông bác sĩ bạn của Năm Cà Dom. 
Hai người rất thân nhau nên mầy tao mi tớ ngay: 
– Có cái mẹ gì ăn không hở mày? 
– Có chứ. 
– Cái gì, cho ngay không tao chết lăn ra dưới chân mày rồi mày sẽ bị tội! Mày còn giữ cái tên Cường của mày không? 
– Đi vào bệnh xá chơi đi. – Cường đáp – Cường chớ đổi tên gì? 
– Mày làm chức gì? Có quyền cho tao một cục mắm ruốc không? 
– Được rồi! Đã bảo vào chơi thì vào. 
Năm Cà Dom ngắm thằng bạn cũ rồi nói: 
– Mầy trông như con đười ươi thế nhỉ? 
– Là thế nào? 
– Răng nhô ra, mắt thụt vào, tay chân ngoằn ngoèo trông đến phát nôn ra. 
– Tao cũng không còn biết tao ra sao nữa mà. 
Tôi xen vào câu chuyện: 
– Tôi xin giới thiệu thêm ông Cà Dom vừa lập thành tích mới trong nền y học nhân loại. 
– Ghê thế hả? 
Tôi đáp: 
– Thật tình như vậy mà. Ông bác sĩ Cà Dom vừa mổ ruột thừa cho người ta bằng lưỡi dao cạo râu. 
– Trời đất! Cái thằng liều quá mày. Rủi chết người ta thì làm sao? 
– Chứ bao nhiêu người chết trên đường này còn vô lý hơn đó, thì có ai đã làm sao không? Còn tao nếu tao mổ mà nó chết thì cũng huề. Vì sao? Vì tao không mổ nó cũng chết. Còn tao mổ thì may ra nó sống. Cái nước bài này mình đánh thì chỉ có huề không có thua mày hiểu không? 
Cường lắc đầu: 
– Mày ghê gớm thật. 
Bệnh xá của bác sĩ Cường còn ghê gớm hơn cái lưỡi dao cạo râu mổ ruột thừa của bác sĩ Năm Cà Dom nhiều. 
Thương binh nằm lểnh nghểnh như tằm trong nong. Màu băng trắng nuốt choáng đầu mắt tôi. Tôi có cảm giác tôi đang đi vào một rẫy bông vải đang nở rộ. Không nghe một tiếng rên. 
Sự im lặng làm tôi ngỡ rằng mình đang đi vào nghĩa địa. Và điều sau này làm cho tâm trí tôi càng khẳng định cái cảm giác đó hơn. Mỗi cái giường của thương binh là sà mặt đất hoặc thương binh nằm ngay trên ni-lông trải dưới đất, bên cạnh đó là một cái hố như cái huyệt mộ để phòng máy bay. Nếu có bom đạn thì khiêng thương binh bỏ dưới hầm để tránh mảnh đạn. Nhưng lúc đó người đâu mà khiêng, hoạ chăng thương binh tự lăn xuống. 
Hoặc chu đáo hơn, có những thương binh nằm hẳn dưới hố, có lẽ triền miên như thế, cho bảo đảm. 
Người trông thấy ắt phải nghĩ rằng đó là người được chôn chỉ chờ lấp đất lại. 
Đây là lần thứ hai tôi vào bệnh xá. Nhưng lần này tôi vào một cách cỡi ngựa xem hoa, bởi vì tôi không phải là bệnh nhân. Nhưng tôi lại có sự ghê tởm của một người “khoẻ!”.
Thật ghê gớm quá! 
Cường mời Năm Cà Dom và tôi vào lều của Cường. Có lẽ thân lắm nên Cường mới mời Năm Cà Dom thế này. Thói thường trên đường đi này, người ta chỉ nhận bạn, tìm bạn khi người ta thấy cần sự giúp đỡ của người bạn ấy, còn nếu khoẻ mạnh thì chẳng tìm làm gì. Còn Cường rất yên ổn nhưng vẫn niềm nở với Năm, và biết chắc chắn Năm sẽ xin hoặc nhờ mình một chuyện gì mà vẫn mời mọc, vậy là tốt lắm. 
Cường nấu nước pha trà cho tôi và Năm Cà Dom uống. Xong Cường lấy một hộp sữa trong ba-lô ra và bảo: 
– Tớ sẽ đãi các cậu mỗi người một ly. 
– Được rồi. Tôi nhìn thấy hộp sữa mà tưởng như một bảo vật chưa từng thấy. Thế mà Cường đem ra đãi chúng tôi! 
Ở giữa Trường Sơn này mà đãi nhau một cốc sữa. Ở Hà Nội có lần tôi mua được sữa, nhưng mang về nhà để đó chớ không dám ăn. Mua được hộp sữa cầm đi ngoài hè phố đã thấy hãnh diện vô cùng rồi. Để hộp sữa ngự trong nhà, có khách đến trông thấy mình rất lấy làm tự hào, còn nói gì bạn gái đến mà mình khui hộp sữa đãi một ly thì còn gì bằng?
Hồi mới lên đường tôi được phát cho một bọc sữa độ 150, 200 gram gì đó. Thế nhưng khi lên xe hơi tôi lại đánh rơi đi dưới sàn xe và cũng chính tôi nhặt được và tôi hỏi tất cả mọi người xem có ai rớt bọc sữa. Cố nhiên là không ai nhận. Khi lội bộ được năm bảy ngày, người ta mang sữa ra pha uống, tôi cũng moi ba-lô ra. Chẳng dè bọc sữa đã biến đi mất: cái bọc sữa kia lại chính là của tôi. 
Cho nên tôi đành nhịn sữa suốt một tháng rưỡi nay. Nói cho chí tình, có một thằng bạn đã mời tôi một cốc nhạt nhạt gọi là cho có mùi sữa. Ở Hà Nội trước khi đi, tôi đã tặng cho anh bạn này một bình thủy giá trị, nếu tính ra thì bằng một ngàn cốc sữa này. 
Cho mãi tới bây giờ đây tôi mới được uống một cốc sữa nữa. Nói cho ngay, bác sĩ Cường pha cũng khá ngọt. Tôi uống sữa pha trong cái nắp ga-men. Ngon không biết sao mà tả. Tựa hồ như một thứ cao lương mỹ vị của Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng. Nói ra thì thành xấu hổ, chứ tôi có thể uống sống hết liền hai ba hộp một lúc mới đã thèm. 
Mình là khách, chẳng lẽ lại nói dèm để uống thêm cốc thứ hai. Sự đời không cho phép mình làm một cử chỉ chứng tỏ rằng mình muốn uống thêm một cốc nữa. Nhưng trong bụng tôi mong sao Năm Cà Dom “làm xấu” nói một câu thì chắc chắn bác sĩ Cường sẽ pha thêm tức khắc. Nhưng Năm Cà Dom lại rất nghiêm trang, không đùa, không nói úp mở gì cả cũng không nhắc đến cục mắm ruốc mà Năm định xin Cường lúc nãy. 
Uống xong, Năm Cà Dom đứng dậy, từ giã: 
– Thôi mình về nhé. 
– Về thật à? 
– Cũng chưa, nhưng… 
– Đi đâu? 
– Đi dạo bậy một lúc coi. 
– Khoan đã! Để tớ nói chuyện này một chút. 
Nói vừa dứt tiếng thì có người đến gọi Cường. Cường hỏi: 
– Cái gì vậy? Chắc thương binh lại về phải không? 
– Dạ. 
– Thì bảo anh em y tá họ làm đi. 
– Dạ đông quá mà lại nặng, họ không làm được. 
Cường thở dài: 
– Cái kiểu này thì tôi trốn mất. 
Năm Cà Dom lặng im. Cường nói: 
– Ở đâu họ không đưa, họ cứ đưa vô đây. Làm chưa xong lớp này đã tới lớp khác. 
Người kia nói tiếp: 
– Họ bị toàn bom bi. 
– Bom bi là bom gì? – Năm Cà Dom hỏi. 
Người kia hơi cáu: 
– Dạ bom bi là… bom bi ạ! 
– Nhưng bom bi là cái con mẹ gì mới được chớ mày Cường. 
– Chậc! Đề thong thả rồi tao sẽ giải thích cho. Nhưng hãy biết trước rằng bị thương bom bi thì mình giải phẫu trọc đầu không xong. 
Cường hất hàm hỏi. 
– Vô bao nhiêu?
– Dạ độ trên mươi người. 
-Anh về đi. 
– Dạ. 
Rồi Cường ngồi thừ ra. Cường lại thở dài thườn thượt: 
– Chết còn sướng hơn. Chỉ có ngày nay là mình tưởng được yên ổn, chẳng ngờ rồi cũng bị thế này. 
– Ê bác sĩ bác chó gì đâu hết rồi? 
Cường ngồi lên.
– Cái tụi vô trách nhiệm quá! Người ta đứt động mạch máu chảy như suối thế mà tìm không ra một thằng khốn nạn đó. Tao gặp tao cho một cái kẹo. 
Cường vẫn ngồi im. Cái anh bộ đội có vẻ chỉ huy, quát lính: 
– Ê tụi bay! Nổi lửa đốt mẹ cái bệnh xá này đi. Xóa sổ mẹ nó đi! Không cần thiết cái lũ vô dụng này. 
Thấy bọn tôi không nhúc nhích, anh chỉ huy càng tức tối, anh ta sấn vào chòi chúng tôi: 
– Mấy người biết bác sĩ bệnh xá này ở đâu không? 
Năm Cà Dom vọt miệng đáp: 
– Trên văn phòng. Anh ta đang bào chế xi rô trên đó. Cứ đạp cửa vô là gặp ngay. 
– Đi đường nào? 
– Đi lộn trở lên, rẽ qua tay phải. Nhanh lên kẻo nó đi công việc. 
– Còn ông là cái gì ở đây? 
– Dạ em là văn sĩ ạ. 
– Văn sĩ à? Làm cái gì mà vô đây? 
– Dạ viết văn ạ! 
– Viết cái gì? 
– Viết những gương bộ đội chiến đấu anh dũng. 
– Còn bộ đội bị thương một lúc hai ba chục người có viết không? Bị thương la om trời, nhức óc nhức xương, anh dũng cái con khỉ! 
Rồi anh ta quày quả trở lui. 
Cường cười khè khè: 
– Hay lắm! 
– Sợ à? Cà Dom hỏi. 
– Không sợ à? 
– Sợ thiệt chớ chằng phải chơi. – Năm Cà Dom cười – Mày mà lên tiếng lúc nãy nó dám đá vô đầu mày lắm. Bộ đội bị thương nhiều quá nên nó cáu. Thôi chấp nhất làm chi. 
– Tao bị hoài. Có nhiều lúc tao trốn mất tiêu. Mày nghĩ coi toàn những vết thương phức tạp. Ngay ở bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa còn chưa chắc đã khỏi, vậy mà tao tay không, không có cả cái nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thế mà bảo chữa làm sao? 
Thế là tôi và Năm Cà Dom đành rút lui, không có ý kiến. Bỗng Năm Cà Dom quay lại: 
– Ê Cường! 
– Gì? 
– Mày có dầu không? 
– Dầu nhãn à? 
– Không! Dầu nhãn làm cái gì ở đây. Dầu lửa cơ! 
– Làm gì? 
– Đổ hộp quẹt. Bông khô queo quẹt không bắt lửa! 
– Được tớ sẽ cho. Cậu có gì dựng không? 
– Chớ cậu không có một cái chai dư nào à? 
– Trời đất! Ở đây không có cái gì dư cả. Tớ muốn tìm một cái chai để làm đèn mà tìm không ra. Có đâu mà cho? Vậy làm sao? 
Tôi bảo: 
– Chặt ống nứa. 
– À hay! Cà Dom cười. Đi chung cả tháng trời mới thấy ông văn sĩ có một cái sáng kiến xài được. Vậy đi chặt giùm đi. 
Tôi đi chặt một cái ống nứa bằng bắp tay mang vào. Cường trỏ dưới hầm: 
– Còn trong thùng đó, múc một ít đi. 
– Bao nhiêu? Mấy xăng-ti-cuýp? (cm3) 
– Độ nửa ống cũng được. 
– Chà! Sướng he! Ông bác sĩ oai he! 
– Dầu lửa ở đây chỉ để dành chế hộp quẹt thôi. 
Tôi muốn nói: “Nếu uống hết hộp sữa đi mình xin luôn cái lon thì hay quá.” nhưng tôi không dám. Bác sĩ Năm Cà Dom cười: 
– Nói thiệt tình nhé! Để tớ giúp cậu một tay giải phẫu số thương binh này. Chớ một mình cậu, cậu làm sao xuể? 
Thế là hai ông bác sĩ đi đến chỗ đặt thương binh. Tôi vốn sợ thấy máu. nhưng cũng lót thót theo sau. 
Trời ơi! Tôi lóa mắt đi. Những thương binh để đầy cả một quãng dài, như những cái của nợ bắt mình phải gánh. Băng bó sơ sơ vì không có đủ băng. Mỗi người chỉ có một cuộn băng cá nhân. Nếu bị thương ở bụng thì chỉ quấn đủ một vòng. Không phải mươi người. Mà tôi có cảm giác là hằng trăm người. Máu chảy ngập đất. Nhiều người đang tự bịt lấy vết thương ngăn máu chảy. 
Một người nghiến răng ken két, đôi tròng mắt lộ hẳn ra ngoài. Một người cứ thở “phì phì” từng cái ngắn gọn. Một người ngồi tựa gốc cây thều thào: “Bố mẹ ơi, chắc phen này con chết! Bố mẹ ơi! Phen này con không còn trông thấy mặt bố mẹ nữa.” Anh này bị thương ở bả vai. Vết thương toác hoác cho nên tôi liếc qua thấy lá phổi phập phều bên trong như một loại bọt nước màu đỏ. 
Một người đứt mất một ống chân, cứ quờ quờ tay trong không khí và kêu lên: “Chân tôi đâu rồi, chân tôi…”
Mỗi người mỗi kiểu nhưng cùng đau thương, không có anh nào giống anh nào. Họ có thể sống, có thể chết, nhưng vết thương họ một thì sẽ trở thành mười, mười trở thành trăm, vì không có thuốc. Bác sĩ Năm Cà Dom trở lui và rỉ tai tôi: 
– Về! Về! 
– Không! Cậu nên ở lại mà giúp Cường. Tội nghiệp nó! 
Năm Cà Dom lắc đầu: 
– Một vết thương có thể giải phẫu mất một buổi. Rút lui là hay nhất. Làm gì nổi! 
Rồi không từ giã Cường, Năm Cà Dom trở lui, vừa đi vừa chạy vụt nhanh như trốn nợ, không quên mang theo cái ống nứa dầu lửa Hai đứa đi thật nhanh nhưng khi vừa lội qua suối thì có người kêu lên: 
– Cái gì thơm quá! 
Tôi vọt miệng đáp: 
– Dầu lửa hôi rình đây chớ dầu gì mà thơm. 
– Dầu lửa hả, dầu lửa hả? 
Lập tức ba bốn người từ đâu không biết chạy ùa đến vây chúng tôi. Một người bạo mồm: 
– Cho tôi xin chút thấm bông hộp quẹt, đồng chí. 
Năm Cà Dom gạt phắt: 
– Dầu đâu mà cho? 
– Thì cho một chút, tôi chỉ thấm vừa ướt cái ruột ống quẹt mà thôi! 
– Không được đâu đồng chí. 
Năm Cà Dom từ chối khẳng khái. Bỗng một người cầm lấy mảnh bông vàng khè quệt vào cái ống nứa dầu lửa của tôi. Chẳng ngờ cái ống nứa dập, dầu rỉ ra ngoài tự nãy giờ cho nên họ mới thấy thơm. Năm Cà Dom lập tức nhảy vào bụi đốn ngay một cái ống nứa khác, sớt dầu sang rồi ném cái ống nứa dập vào mấy người kia: 
– Cho mấy đồng chí đó! 
Tức thì mấy người kia nhặt lấy ngay đập vỡ toang cái ống nứa ra và lấy bông gòn trong ruột ống quẹt chùi lia lia hết bên trong đến bên ngoài của những thanh nứa ướt dầu lửa. 
Thiệt tội nghiệp! Năm Cà Dom đoán tôi có thề xiêu lòng mà cho đám kia thấm ướt một ống quẹt nên bảo tôi: 
– Đưa cho tôi cầm cái ống dầu – rồi đi vụt ra phía trước. 
Tôi và Năm Cà Dom về gần đến lều thì Năm Cà Dom mới kêu lên : 
– Bỏ mẹ rồi! 
– Gì vậy? Quên cái gì? 
– Mắm ruốc. 
– Mẩm ruốc ở đâu? 
– Của thằng Cường. Nó hứa cho mình mà! 
– Hồi nào?
– Thì lúc mình về nó bảo có chuyện gì đấy? 
– Nhưng sao cậu chắc nó cho mình mắm ruốc! 
– Chắc thế vì nó là trưởng bệnh xá này mà. Chẳng lẽ nó chẳng cho mình được một cục mắm ruốc. 
– Trưởng thì trưởng, đến chừng không có cũng không có như thường.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=15

Comments are closed.