Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (11)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

18. VŨ ĐỨC PHÚC

Phản đối cái buồn của Hoàng Cầm khi đọc thơ Tố Hữu


Tôi không phải là người thích tất cả những bài thơ, những câu thơ của Tố Hữu. Nhưng có một điều không ai chối cãi được là từ trước đến nay, Tố Hữu thực tế được đặt lên hàng đầu những nhà thơ cách mạng của ta. Mặc dầu ý kiến mọi người khác nhau, nhưng nếu đặt một câu hỏi cho tất cả những người đã có đọc thơ: "Theo ý kiến anh hay chị, nhà thơ cách mạng nào của nước ta hiện nay đáng đặt lên hàng đầu?" Ai cũng sẽ trả lời: "Tố Hữu! Tố Hữu". Nhiều người lại cho rằng hỏi như thế thật là dớ dẩn, đánh đố trẻ con.
Thời đại ta có thể nhầm lẫn chăng làm cho vàng thau lẫn lộn? Việc thích thơ Tố Hữu có phải là một cái "mốt" chăng? Là do uy tín chính trị chăng? Là do theo đuôi chăng? Văn nghệ, nhất là thơ ta là "hạng bét" cho nên nhà thơ kém như thế cũng được đặt lên hàng đầu chăng? Thực tế không cho phép ta hoài nghi như vậy. Trong thời kỳ giai cấp phản động còn thống trị, ảnh hưởng của nó còn mạnh thì hoài nghi như vậy đối với các nhà văn tên tuổi "sách bán chạy nhất" là được. Nhưng nhân dân cách mạng không thể nhầm lẫn, hoặc có cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn, không đợi đến tổng khởi nghĩa thắng lợi, kháng chiến thành công rồi mà tối đại đa số vẫn còn nhầm. Ở Liên Xô, căn cứ vào sự hoan nghênh của quần chúng, người ta đánh giá ngay được các nhà văn nghệ và ngay bây giờ người ta đã gọi A-lếch-xít Tôn-stôi (Alexis Tolstoi) là "văn hào cổ điển của Liên bang Xô Viết". Cũng không phải là do uy tín chính trị của anh. Người ta thích thơ Tố Hữu trước khi biết quá trình hoạt động cách mạng của anh và có đến hàng trăm hàng nghìn nhà cách mạng làm thơ, nhà thơ làm cách mạng, sao không thích ai, lại yêu ngay thơ Tố Hữu nhất? Cũng không phải là do theo đuôi, vì tôi thấy nhiều người, rất nhiều người ghi trong sổ tay một vài bài của Tố Hữu, khi người khác giật lấy sổ mở ra xem, thì họ giật lại như muốn dấu diếm một bức ảnh hay một kỷ niệm gì của người yêu. Hồi đầu kháng chiến, đi đâu cũng thấy "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế", "Con ơi con ngủ cho ngoan, Sang canh trăng lặn buổi tan mẹ về". Sau đó lại có một dạo nhiều người nghêu ngao: "Cha em đây giữa chiến trường, mặt đen khói đạn chặn đường giặc lui…" Và bây giờ thì: "Ðẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!" v.v…
Trong các hội nghị, hễ có giải lao, có ngâm thơ là có thơ Tố Hữu. Và người không ngâm thơ Tố Hữu lại ngâm cái bài thơ khác thì anh chị em thắc mắc, đặt vấn đề: "Sao không ngâm thơ Tố Hữu?"
Còn như nếu đã công nhận thơ Tố Hữu được hoan nghênh nhất, nhưng lại cho là "thùng nước loãng", tất sẽ đi đến kết luận là thơ ca của ta chẳng ra gì. Tôi chắc sẽ không ai dám nói như vậy.
Phải nhận thấy một sự thực nó kêu to đến như thế trước khi đi vào chỉ trích thơ anh là "thùng nước loãng", là "không hiện thực", là "ít chất sống", "là nghe nhiều lần thì chán" nếu chưa đi vào nghiên cứu nguồn gốc, căn nguyên, nội dung, ý nghĩa của sự thực đó thì tốt hơn hết là "kính nhi viễn chi".
Phương pháp phê bình hiện thực đòi hỏi ta phải khách quan như vậy đối với thơ Tố Hữu. Tất nhiên cần phải chú ý đến cảm xúc của bản thân ta, nhưng trong khi đó phải thận trọng phân biệt trong cái "tôi" đó, cái gì là cảm thông, đồng điệu, ăn nhịp với tình cảm tiến bộ của thời đại, cái gì là cái "tôi đáng ghét" lỗi thời.
Tất nhiên khi trưng cầu ý kiến của nhân dân thì mọi người có quyền phát biểu cảm tưởng riêng. Nhưng những cảm tưởng riêng ấy cũng cần phải lọc đi những "cái riêng quá". Còn như đã gọi là phê bình khách quan thì trước tiên phải phản đối cái lối lấy mình làm vốn của quả đất, [1] lấy cảm xúc của mình làm thước đo giá trị văn nghệ. Những câu như: "Ta đã thích tất phải hay, không thích chắc là dở", "Văn thơ tôi ai hiểu thế nào cũng được, tôi có lối hiểu riêng", từng làm nguyên tắc cơ bản cho phương pháp phê bình của một số nhà phê bình đặc xịt cá nhân chủ nghĩa, đã thành ra những luồng gió lạnh lẽo cuối mùa. Hoàng Cầm đã rơi vào một phương pháp rất chủ quan, một chiều như vậy. Cái cảm giác buồn hiu hắt cô đơn của anh khi đọc thơ Tố Hữu mà anh suy luận là tình cảm chung, cái tâm trạng đó tôi xin hô to lên rằng đó chỉ là tâm trạng của một số ít con người.
Mở đầu tập thơ là bài “Cá nước” viết năm 1947. Phân tích một cách khách quan, ta thấy tình cảm chính của nó muốn gây lên trong lòng người đọc là cái khăng khít, đồng tình giữa những con người kháng chiến trong hoàn cảnh gian khổ; cái tình khăng khít đó đi tới sự vồn vã, vui vẻ kể cho nhau nghe những tin thắng lợi một cách phấn khởi nở nang quên mệt nhọc, trong khi ấy mùi lúa chín ở đồng quê thơm phức nổi lên, ở "đầu xóm tre xanh, có bà ru cháu nằm khoanh lòng già" gợi lên một trăm mối giây liên hệ giữa hai người với nhau, giữa hai người với đất nước thân yêu, với con trẻ, bà già, với cảnh chồng đi kháng chiến, vợ ở nhà tăng gia, tất cả quấn quýt lấy nhau trong mối tình cá nước và gây nên một lòng yêu quý đất nước với làng mạc, đồng lúa, vợ con, của ta. Tất cả tình cảm đó có trong bài thơ, tôi không thêm bớt. Ðộc giả thử đọc lại bài thơ. Vậy mà ở đây, Hoàng Cầm đọc xong không chú ý tới tất cả, không thấy "rung động mãnh liệt", lại có những cảm giác bối rối, mơ hồ như thấy "cái không gian của bài thơ choán lấy tâm hồn tôi một lúc, như bóng rợp một đám mây giữa đường trời nắng", lại thấy "hơi gợn buồn" và cuối bài thì thấy "buồn lên cao độ". Tôi không hiểu cái buồn của Hoàng Cầm nguồn gốc sâu xa tự đâu, nhưng nhất định không phải tại cái "hoàn cảnh khách quan" là bài thơ thắm thiết của Tố Hữu. Tôi lại nhớ đến một câu trong Truyện Kiều:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người đây là Hoàng Cầm mà cảnh đây là thơ Tố Hữu.
Ðến bài thứ hai: “Phá đường”, Hoàng Cầm viết: "Ðến tình cảm bài Phá đường mở đầu bằng "rét" và kết thúc bằng "gió rét trăng lu", còn đoạn giữa tả một cảnh lao động bình thường, cặm cụi trong lúc "trăng non mới hé" tất cả chỉ truyền vào lòng tôi một chút hơi thở nhè nhẹ của công việc phá đường, vẫn đượm một chút hắt hiu". Rồi anh hỏi: "Tại sao lại gió rét? Gió rét ấy có cắt nghĩa được cái gian nan, vất vả của việc phá đường không? Tuyệt nhiên là không! Nó chỉ gợi ra được cái buồn".
Trước hết cái tóm tắt của Hoàng Cầm là cụt đầu cụt đuôi, và không đúng: Mở đầu bài “Phá đường” là "rét" nhưng mấy câu sau đến "rét thì mặc rét". Cuối bài là "gió rét trăng lu" nhưng lại thêm một câu rất nhộn là "Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường". Ở giữa không phải là tả một cảnh lao động bình thường mà nói tới người phụ nữ bận việc, neo bấn, con mọn, nhưng hăng hái theo chồng đi phá đường (mà vẫn không kém thương con), mà không phải phá một cách cực nhọc, mặt nặng như chì, lại phá với một tinh thần thi đua vượt mọi khó khăn thấy vui vẻ trong công việc. Người ta quen với cái "buồn" của Hoàng Cầm rồi, nhưng đến đây thì rất ngạc nhiên! Toàn bài thơ không có tác dụng gì đối với Hoàng Cầm, chỉ có một chữ "rét" làm cho anh buồn đến thế! Có lẽ phải cấm Tố Hữu không được dùng đến gió rét để Hoàng Cầm khỏi ngẩn ngơ hỏi: "Tại sao lại gió rét" và anh đâm ra buồn bã. Kết tội là hai chữ "gió rét" làm cho mình buồn, anh Hoàng Cầm lại đòi hỏi khi tả cảnh phá đường phải tả "cái gian nan vất vả" nghĩa là tả với cái buồn nặng như đá đeo. Chỗ mâu thuẫn to đó, đi sâu vào chỉ thấy cái buồn của Hoàng Cầm ở ngoài thơ Tố Hữu.
Còn cảnh phá đường lần đầu kháng chiến, Hoàng Cầm đã chứng kiến và nhận xét "nặng nhẹ vất vả ở hai cánh tay và ở cả trong lòng người phá đường. Nhưng giặc đã đến đầu ngõ, phải phá ngay, không thì nó đi được nhanh, nó sẽ giết con, đốt nhà mình…" Nói chung là có đúng như Hoàng Cầm nhận xét không? Có một vài trường hợp đặc biệt đúng như thế, có phải là đáng khuyến khích không? Ở một số thôn kém động viên, có hiện trạng đi phá đường và làm các công tác kháng chiến một cách bất đắc dĩ. Có anh đi dân công, đi bộ đội, mặt ủ mày chau, chung quy chỉ do ngại khó và sợ hãi. Nhưng nói chung, đấy là trường hợp cá biệt. Tất cả các công tác kháng chiến người ta đều làm với một tinh thần phấn khởi, mặc dầu vất vả nặng nhọc đến đâu, mà nếu phải tả những anh chỉ thấy gian nan vất vả trong công việc, chỉ vì sợ quá nên phải làm, thì phải phết cho anh ấy những nét thật đích đáng, phải phê bình ra trò. Nhưng việc phá đường, rào làng, đào hầm, nhiều nơi già trẻ trai gái làm tíu tít, thanh niên phụ nữ khúc khích. Có khi họ im lặng lắm nhưng chọc một câu là cười như phá. Cách xa địch thì nào hò, nào hát. Những chuyện như thế sao Hoàng Cầm nhìn đã 10 năm không thấy? Nếu tả theo ý Hoàng Cầm thì không thể giáo dục được người đọc. Người ta sẽ chỉ thấy giao động và gian khổ. Nhận định của Hoàng Cầm có vẻ khách quan, có vẻ dẫn chứng, nhưng thực ra chỉ là lối nhìn chủ quan của một số người. Hoàng Cầm công kích thơ Tố Hữu là "buồn" nhưng nếu tả như Hoàng Cầm thì rất bi quan làm cho người yếu bóng vía thất kinh hồn. Do đó không nên trách thơ Tố Hữu ít chất sống, mà có buồn chỉ tại mình. Cái buồn đó kéo qua bài “Bà bủ nằm ổ chuối khô” cho nên Hoàng Cầm không thấy tình thấm thía xót thương căm giận: "Sao chúng chẳng để cho mụ ta yên hưởng tuổi già" [2] mà Hoàng Cầm chỉ thấy "buồn não nuột".
Ðến bài “Em bé Triều Tiên”, đoạn đầu tả tội ác của giặc đã giết cha mẹ em. Hoàng Cầm đọc đến đoạn ấy "không thấy căm thù, chỉ thấy ghê rợn". Nói về tội ác của giặc, có một số người yếu bóng vía nghe thấy là ghê, thậm chí có anh giở báo ra không dám đọc những bài đó. Nhưng trong nhiều cuốn sách của Liên Xô như cuốn Bão táp của Ê-răng-bua, họ còn tả tỉ mỉ, cặn kẽ hơn nữa. Tại sao lại ghê rợn trước cảnh một em bé chơ vơ lạc lõng trong một hoàn cảnh thương tâm đầy xác chết do địch gây ra, mẹ em bị hiếp và treo cổ, cha em bị chặt đầu cắm cọc? Trong khi đó thì khách bàng quan, trước kia tin tưởng ở đế quốc, như bà Phen-tơn (Monica Felton) khi chứng kiến những tội ác ấy, bỗng trở nên chiến sĩ hòa bình số 1, số 2…? Tôi nhớ khi treo những bức ảnh về tội ác của đế quốc Mỹ ở Triều Tiên, những ảnh như Tố Hữu tả, đa số nhân dân ta nhìn thấy là chửi cha thằng Mỹ, rất ít người có thái độ ghê rợn. Phổ biến là họ nói: "đế quốc dã man". Những giòng thơ của Tố Hữu, ngoài việc tả những cảnh thảm thiết, điển hình, có thực, cũng không có một chữ nào nói quá đi để làm cho người đọc ghê rợn. Ðoạn sau bài thơ mà Hoàng Cầm nói là: "Cố tạo ra cái không khí chiến đấu rộn ràng", đoạn đó có hai câu thơ người đọc đến ít ai quên được:
Cha em đây giữa chiến trường
Mặt đen khói đạn, chặn đường giặc lui.

Tình cảm giả tạo không thể bật ra những câu như vậy được.
Ðến bài “Ðời đời nhớ Ông”, Hoàng Cầm nói là "không phản ảnh được tình cảm thực của nhân dân ta sau cái chết đó" vì rằng nó "buồn". Rồi tiếp: "Xót thương, nhưng rồi băng băng đi dân công, đi gánh thóc thuế, sôi nổi phát động đấu tranh chống giai cấp địa chủ phản động. Trên đường vẫn những tiếng cười nói rộn ràng, [3] tin tưởng…"
Tôi không biết những người "nhân dân" đó, mà Hoàng Cầm bắt gặp, ở đâu. Nhưng tôi đưa ra một dẫn chứng không thể nói là không điển hình: Khi làm lễ truy điệu đồng chí Sta-lin, trên Việt Bắc Hồ Chủ tịch bước vào hội trường, nước mắt dàn dụa. Trước đó anh em đã khóc nhiều ngày và anh chị em còn cho biết rằng đã ba bốn ngày Hồ Chủ tịch đau đớn quên ăn quên ngủ. Sáu trăm cán bộ quân, dân chính suốt từ Nam chí Bắc khi thấy Người vào, bật lên khóc không ai cầm được nước mắt. Hồ Chủ tịch lau nước mắt, nghẹn ngào mãi mới nói được ta phải "biến đau thương thành hành động". Các vị lãnh tụ của ta khóc rất nhiều, ba bốn ngày sau, anh Trường Chinh, khi trình bày sự nghiệp của đồng chí Sta-lin, còn òa lên khóc mãi. Suốt trong mấy ngày tang tóc, không có một tiếng "cười", họa chăng chỉ tưởng tượng ra được nụ cười đểu cáng khả ố của thằng Ai-sen-hao. Không những cán bộ các ngành mà anh chị em công, nông, trí thức cũng khóc. Nỗi đau xót đó, Tố Hữu chưa nói ra được hết trong tiếng thủ thỉ âm thầm của mẹ con trong bài “Ðời đời nhớ Ông”. Những tài liệu phim ảnh về cái chết của đồng chí Lê-nin, đồng chí Ði-mi-tơ-rốp, hàng chục vạn con người khắp các nước, hoặc dự đám tang, hoặc lao động để "biến đau thương thành hành động" cũng không thấy dấu vết một nụ cười.
Hai nữa bài “Ðời đời nhớ Ông” không phải như thiên trường ca khóc Lê-nin của Mai-a-kốp-ski. Nó chỉ nói lên nỗi lòng người mẹ có con thơ, đau xót, căn dặn con đời đời nhớ Ông và:
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con…

Như thế vừa thắm thiết mà cũng không có khuyết điểm gì về tư tưởng. Khách quan mà nói cũng nên thương bằng cách như vậy, cứ gì phải bắt chước Mai-a-kốp-ski. Một bài giữa mẹ con như thế, không thể đùng đùng nhét những thóc thuế hay chuyện phát động quần chúng vào trong đó cho nó thêm lài nhài.
Nhưng có ai trước cái chết đau xót như vậy, trước cái tổn thất không gì đền bù được như vậy lại vẫn "cười nói, rộn ràng"?
Trước cái tàn ác của địch thì ghê rợn, trước cái chết của lãnh tụ thì thương xót nhưng cần phải "cười nói, rộn ràng" cho nó có vẻ "nhân dân". Một người như vậy, chắc Hoàng Cầm cũng rõ là không mắc bệnh về thần kinh cũng mắc bệnh về tư tưởng.
Vì vậy không ai lạ gì khi thấy Hoàng Cầm buồn bã nhớ đến chia ly khi đọc đến một bài đằm thắm, xoắn xít, đầy tin tưởng vào tương lai, vào xây dựng như bài “Việt Bắc”.
Trên là nỗi buồn của Hoàng Cầm. Trong khi viết, tôi đã nghiên cứu trích dẫn cẩn thận, không có dụng ý cắt xén, thêm bớt. Ðộc giả đọc bài của tôi, xin đọc lại bài của Hoàng Cầm.
Ðoạn dưới, Hoàng Cầm nói về những "hình ảnh" trong thơ Tố Hữu: Về "hình ảnh bộ đội", lối phê bình của Hoàng Cầm là nhặt một số câu trong dăm bài nội dung khác nhau, viết vào những thời kỳ khác nhau, cái gì "có thể" chứng minh cho nhận xét thiên lệch của anh thì anh nhặt ra, cái gì không chứng minh cho cái nhận xét đó thì anh cố tình không biết tới. Tôi xin tạm gọi đó là phương pháp phê bình "cố tình". Với phương pháp cố tình đó, anh viết: "Nói chung, hình ảnh bộ đội trong tập thơ Việt Bắc là hình ảnh đẹp một cách mỏng manh, mờ nhạt như dáng dấp một người lẩn trong sương, trong một bức tranh chấm phá. Con người bằng xương bằng thịt, có bao nhiêu tình cảm lúc vui buồn, hờn giận, thương xót, lúc vào bộ đội, khi nhớ quê hương đồng ruộng, cha mẹ vợ con, khi tác chiến anh dũng, khi nhịn đói hành quân, lúc chia sẻ ngọt bùi cay đắng với cán bộ, với đồng đội, tôi chưa tìm thấy trong tập thơ Việt Bắc".
Trước hết, tôi mách thêm Hoàng Cầm là kể rất nhiều như thế cũng chưa đủ về anh bộ đội của ta. Những tác phẩm đã xuất bản mới dựng lên một phần nhỏ. Một vài bài thơ của Tố Hữu, dụng ý chỉ nói về một vấn đề gì, một khía nào, không có ý để Hoàng Cầm tổng kết về "hình ảnh đầy đủ hoàn toàn" của anh bộ đội.
Nhưng ngay trong "ý muốn" của Hoàng Cầm đó, có những cái Tố Hữu đã nói tới, mà nói đạt, một vài đoạn dưới đây phải chăng là không sinh động, đầy đủ buồn, vui, hờn giận, thương xót của một anh Giải phóng quân? Trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”:
Bộ nó rõ oai
Vai thì đeo súng
Ngực tréo hai quai
Áo thì thắt bụng

(Bà mẹ ôm lấy con kể lể chuyện nhà cửa và những tàn ác của quân đế quốc, trong khi đó thì hình ảnh người con:)
Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi
Má ơi đừng khóc
Nước độc lập rồi

(Khi bà cụ nhắc đến chuyện lấy vợ:)
Nó chỉ cười khì
Vợ con gì gấp!
Con còn phải đi
Giữ gìn độc lập!
………………
Ở chơi ít bữa
Nó hát cả ngày
Dọn nhà sửa cửa
Xới vườn luôn tay

Những nét cụ thể như thế, sinh động như thế, sao lại nói là "hình ảnh chung chung"? Nhiều người đã nhắc tới, và trong một thời kỳ bài “Bầm ơi” đã thành bài thơ đáy bị của bộ đội, tại sao lại nói là chưa thấy tình cảm anh bộ đội nhớ mẹ cha trong thơ Tố Hữu?
Cũng với "phương pháp cố tình" Hoàng Cầm không nhìn thấy nội dung chính, tình cảm chính, chỗ rung động nhất của bài “Cá nước” như trên kia tôi đã phân tích, mà chỗ này lại cố đi tìm hình ảnh anh bộ đội. Ði vào khía cạnh như thế, tất nhiên "chỉ thấy anh bộ đội thấp thoáng trên lưng đèo rồi lại đi" nghĩa là Hoàng Cầm chỉ thấy cái đuôi, hoặc cái chân con voi tưởng là con voi. Trong bài “Voi”, Hoàng Cầm lại không nhìn thấy sau cái gian nan vất vả của công việc là cái lạc quan, phấn khởi, tin tưởng của anh bộ đội. Trong bài “Bắn”, anh lại cố tình không nhìn thấy cái tình cảm của người ở ngoài cũng là cái tình cảm của anh bộ đội, cho nên chỉ thấy anh pháo binh như tượng gỗ.
Cái cách cưa đầu xẻ tai các bài thơ, không cần đến nội dung chính, đến chủ ý của tác giả, đến tình cảm chính nó muốn gây nên trong tâm tình người đọc, dùng cái cách đó rồi nhặt lấy những câu, những mẩu vá chắp để chống đỡ cho cái nhận định thiên lệch của mình, thì khen ai cũng được, mà chê ai cũng xuôi. Có thể nói không có một bài nào trong tập Việt Bắc mà Hoàng Cầm không ít nhiều dùng cách đó để chê Tố Hữu.
Về "hình ảnh chú bé liên lạc" Hoàng Cầm xưa nay vẫn chê thơ Tố Hữu là "buồn", thì đến chỗ này lại thấy cái chết của Lượm "đẹp và nhẹ", "cái chết không khác gì một con chim trúng đạn chết ở giữa đồng lúa".
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng.

Trước hết hình ảnh em bé liên lạc trong bài “Lượm” có phải chỉ là "hình ảnh em lúc chết" không? Cũng như hình ảnh các thanh niên trong cuốn tiểu thuyết Thanh niên cận vệ đội của Pha-đê-ép (Fadéev) có phải chỉ là hình ảnh một bọn người bị giết gần hết không? "Lượm" là điển hình của các em liên lạc, "như con chim chích, nhảy trên đường vàng", tinh nghịch, dí dỏm, không thắc mắc lo ngại gì về cá nhân, lao mình vào chiến đấu không chút giao động, khi bị giết ở giữa đồng lúa thơm mùi sữa, bàn tay vẫn nắm chắc lấy ngọn lúa đang đông sữa như nắm lấy sự sống, chết rồi mà hồn vẫn phảng phất trên đồng lúa, chết rồi mà vẫn "như con chim chích, nhảy trên đường vàng". Tả một em như vậy sao lại không thấy "thân yêu ruột thịt", sao lại không thấy cái chết của em "chua xót, đau đớn, trong trẻo và mạnh mẽ" như Hoàng Cầm nói? Tất cả những đòi hỏi của Hoàng Cầm về một em bé liên lạc đều có trong thơ Tố Hữu. Ðộc giả thử đọc lại bài đó. ở chỗ này thấy rõ chỗ "cố tình" chứ không phải vô tình không nhìn thấy của Hoàng Cầm.
Về hình ảnh Hồ Chủ tịch, Hoàng Cầm muốn người ta phải nói đầy đủ về lãnh tụ: "những giờ Người ra tiền tuyến, đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn, bàn bạc chuyện trò với các cụ phụ lão nông dân, Người ở đâu, đến đâu thì quần chúng thêm mạnh mẽ, phấn khởi". Hoàng Cầm cho như thế là đầy đủ về hình ảnh lãnh tụ ư? Xin nói rằng đó mới là tác phong đi sát, và tác dụng động viên của Người mà thôi. Cả một cuộc đời, hơn một nửa thế kỷ chiến đấu của Người biết bao nhiêu chuyện đáng tả! Cái mà Hoàng Cầm cho là "đủ" đó mới chỉ là bề ngoài, thực là bề ngoài.
Ở nhiều bài thì Hoàng Cầm nói là "rộng quá", trong bài “Sáng tháng Năm” và vài câu trong bài “Việt Bắc” thì lại kêu là "Hồ Chủ tịch không phải chỉ có thế". Cái mâu thuẫn đó bối rối, lủng củng trong bài phê bình của Hoàng Cầm rất nhiều. Người ta có cảm giác là không làm sao chiều anh cho được.
Bài “Sáng tháng Năm” chỉ tả tình cảm một người lên thăm Bác, nghĩa là chủ ý chỉ nói một phần. Nhưng nếu căn cứ vào vài câu như sau:
Người ngồi đó với cây chì đỏ
Chỉ đường đi từng phút từng giờ
, v.v…
Rồi đi đến kết luận là tả lãnh tụ "xa xôi cách biệt" như Hoàng Cầm, thì tôi xin hỏi: bài thơ nổi tiếng trên thế giới của Nê-ru-đa (Pablo Neruda) trong đó có mấy câu thế giới dân chủ thường truyền tụng, tại sao lại chỉ là mấy câu tả "ánh sáng đến tận đêm khuya trên cửa sổ điện Krem-lanh"? Có lẽ thế giới dân chủ người ta ngu cả chăng? Hay là bảo đồng chí Sta-lin không được gần gũi với quần chúng? [4]
Và tại sao Hoàng Cầm lại cấm không cho "thần thánh hóa" lãnh tụ? Chính Hoàng Cầm còn nói đến Người với một chữ "Người" mà chữ N viết hoa kia mà. Ở Liên Xô, nhân dân đã thần thánh hóa Lê-nin. Ở Trung Quốc, đã có những "chuyện cổ tích" về Mao Chủ tịch. Ở ta, thử lắng nghe nỗi lòng người dân Nam Bộ! Thử nhớ đến những cảnh trong thời kháng chiến, người dân vùng tạm chiếm ra xem triển lãm vùng du kích, đứng trước ảnh Người, kể lể các nỗi khổ sở của nhân dân dưới ách địch và khóc lên! Thử nhớ lại hôm 1-1-1955 các cụ già thức suốt đêm và đi còm cọm cả ngày, mục đích chỉ để thoáng nhìn thấy Người một cái là thỏa mãn. Ðêm rừng Việt Bắc, anh em từ bốn phương tụ họp học tập, Người đứng lên: râu tóc bạc phơ, mắt sáng, mặt hồng hào, tiếng nói cổ kính, nghe văng vẳng như lời Mác, Ăng-ghen, Lê-nin. Hồ Chủ tịch không tách rời quần chúng, rất giản dị, thân mật, gần gũi, nhưng nhân dân coi Người là Cha của dân tộc, là cứu tinh đất nước, "còn hơn đức thánh Trần". Có gì là lạ đâu mà Hoàng Cầm cấm đoán "thần thánh hóa", bảo như thế là kém hiện thực? là "giống như một đạo sĩ"? [5]
Và trong hai câu thơ sau của Tố Hữu:
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút
.
Hoàng Cầm bảo "không thấy sáng chỗ nào và lớn chỗ nào". Nói như vậy thực là bật cười. Hồ Chủ tịch không thực là "sáng" hay sao? Ta không lấy làm vinh dự, không thấy sáng lên, lớn lên khi có một người sáng như Hồ Chủ tịch làm lãnh tụ dân tộc ta hay sao? Cái sáng của Hồ Chủ tịch không đào tạo ra, nghĩa là làm lớn lên, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn anh hùng chiến sĩ hay sao? Ở gần Hồ Chủ tịch, tư tưởng, tác phong, đạo đức của mình chẳng được tốt đẹp thêm lên hay sao? Từng ấy chân lý, những anh em tận góc rừng ở Phi châu còn rõ, tại sao Hoàng Cầm không cảm thấy, mà chỉ đòi hỏi mỗi một chuyện Hồ Chủ tịch đi sát để gây nên mạnh mẽ?
Cái "không nhìn thấy" của Hoàng Cầm cao đến một độ khá bi đát là không thể cảm thông được những câu thơ sáng sủa nhất của Tố Hữu.
Ðoạn cuối, sau khi chê thơ Tố Hữu là nhiều bài "rộng quá, tổng hợp quá, chính trị quá"; Hoàng Cầm viết:
"Ở một số bài thơ gần đây của Tố Hữu, tôi thấy như vậy: Ðầu tiên thì nêu lên một vấn đề rồi tiếp đến suy luận bằng những câu văn đèm đẹp. Thành phố đã phá trụi thì nhất định là ngày sau phải tưng bừng. Cha mẹ em bé Triều Tiên chết treo khủng khiếp, em bơ vơ, lạc lõng thì nhất định là có cả một dân tộc ở bên em, săn sóc cho tương lai của em, và nhất định em sẽ sung sướng. Ðã chia ly Việt Bắc thì sau phải nghĩ đến trao đổi hàng hóa với Việt Bắc. Ðiện Biên đã thắng thì nhất định ở Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ thêm điều kiện thuận lợi đấu tranh với kẻ thù. Thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm nào về ý nghĩa chính trị. Những bài thơ đó đầy đủ thế, nhưng rất ít chất cuộc sống một dân tộc đã đấu tranh gay go phức tạp và đã giành được thắng lợi hòa bình".
Về cái "cao chê ngỏng, thấp chê lùn" của Hoàng Cầm, tôi đã trình bày trên. Vấn đề không phải là tổng hợp hay phân tách đi sâu, không phải là rộng hay hẹp, không phải là ít hay nhiều chính trị. Cần phải có những bài tổng hợp cũng như cần phải có những khúc "đại hợp xướng". Vấn đề là ở chỗ tình cảm bài thơ có thật hay giả tạo, nó có rung động, xúc động lòng người, giáo dục tình cảm hay không. Vấn đề là ở chỗ cái "chính trị", cái "đường lối chính sách" đã biến thành một cái mà anh Xuân Diệu gọi là "tình cảm cá nhân" của tác giả hay chưa, để có tác dụng truyền cho người đọc. Ở Tố Hữu, cũng có chỗ còn đại lược, còn chưa đạt, còn khô khan (rất ít) nhưng không thể nói là tình cảm giả. Nhiều người đã ngâm nga cái "đường lối xây dựng, kiến thiết đất nước", cái "đoàn kết giữa miền ngược và miền xuôi" ở trong bài “Việt Bắc” một cách khoái trá, dường như mới tìm ra một của quý mới lạ. Toàn bộ bài “Ta đi tới” rung lên lòng yêu nước, chí căm thù. Ở Tố Hữu, chính trị đã biến thành xương thịt, lòng yêu nước đã thành một tình cảm mê say thắm thiết không khác gì ái tình. Ði sâu vào lòng yêu con trẻ, bà già, ngọn lúa, khóm tre cũng có, mà tổng hợp cũng có. Phải chính trị đến đâu ấy chứ!
Và bài “Em bé Triều Tiên” có phải là "cả một mặt dân tộc [6] săn sóc bên em" với cái hiểu của Hoàng Cầm là "chính trị" là "chung chung, đại lược" là "suy luận" đâu? Việc săn sóc đó đã có cụ thể trên thực tế và trong thơ Tố Hữu. Trên thực thế [7] thì không những nhân dân Triều Tiên nuôi nấng những đứa con côi cút của mình mà Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan đã cứu vớt săn sóc các em, gây dựng cho các em thành người. Ở trong thơ Tố Hữu thì không phải là "chung chung", "suy luận" mà mẹ của "Em bé Triều Tiên" là người dân công, người nữ cứu thương, cha em là con Bác Mao, là quân chí nguyện, là bộ đội.
Thực tế như vậy, tình cảm trong thơ Tố Hữu như vậy, cái đó an ủi lòng người biết bao nhiêu. Trong tập Việt Bắc, dân tộc ta với các hạng người đất nước yêu dấu của ta xoắn xít lấy nhau trong một mối tình đằm thắm, vùng lên chiến đấu và sản xuất như vậy.
Cũng vì vậy cho nên trong khi Hoàng Cầm kết luận một cách "nhẹ nhàng" rằng thơ Tố Hữu là "vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa", là "ít chất sống", là "mới nghe thì hay, nghe nhiều lần thì chán", thì mười năm nay, thiên hạ người ta vẫn nói chan chát rằng người ta nhớ thơ, yêu thơ Tố Hữu, càng ngày càng nhớ nhiều và càng thêm nhiều người nhớ, mà không phải chỉ nhớ bài mới nhất rồi chán, mà nhớ cả những câu thơ hồi đầu kháng chiến, trong khi hòa bình trở lại, còn nghe văng vẳng tiếng hát “Phá đường”.
Tóm lại, Hoàng Cầm lấy tâm trạng và thái độ lạnh nhạt của mình mà "thưởng thức" thơ Tố Hữu. Ý kiến của anh, về tư tưởng trong văn nghệ thì có sai lầm, về phương pháp phê bình thì không hiện thực. Ở đây không phải tôi chỉ nói riêng anh mà muốn lên án chung cả một bệnh của thời đại trong Văn nghệ.
Gia Lâm, 4-1955
Nguồn: Văn nghệ, số 68 (11.4.1955)

[1] Chỗ này bản gốc in lầm; lẽ ra là “lấy mình là rốn của quả đất” như V.Đ.P. sửa lại khi đưa bài này vào tập “Trên mặt trận văn học” (sách in 1972) của mình (N.S.T.)
[2] Y-li-a Ê-răng-bua (nguyên chú của V.Đ.P.). N.S.T. lưu ý: chỗ này tác giả V.Đ.P. hoặc báo V.N. đã dẫn sai 1 từ trong câu trích của Ehrenbourg: đúng ra là “mẹ ta” chứ không phải “mụ ta” như trên. [3] Do tôi gạch dưới (in ngả) – V.Đ.P. (nguyên chú) [4] Lưu ý: các đoạn này ở bản gốc (bản đăng báo lần đầu), về sau tác giả V.Đ.P. đã cắt bỏ, sửa đổi khi đưa vào tập Trên mặt trận văn học (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1972) của ông. Sưu tập Tố Hữu – Về tác gia và tác phẩm (Nxb. Giáo dục, H., 1998; tái bản 2001) sử dụng bản mà V.Đ.P. đã sửa (1972) chứ không dùng tư liệu bản gốc đăng báo lần đầu, bản thực sự tham gia cuộc tranh luận (N.S.T.) [5] như chú thích [4] [6] “cả một mặt dân tộc”: có lẽ bản gốc in thừa “mặt” (N.S.T.) [7] “Trên thực thế”: có lẽ bản gốc in lầm, đúng ra là “Trên thực tế” (N.S.T.)

Comments are closed.