Nguyễn Hoàng Văn
Trong những tin tức dồn dập về chiến cuộc Ukraine lại thấy nổi lên cái tên Sevastopol khiến tôi chạnh lòng, nhớ lại những ngày xác xơ tơi tả trong thời trẻ của mình, dù chưa hề đặt chân đến đó, để học tập, để “lao động xuất khẩu” hay để buôn lậu.
Đó là thành phố cảng bên bờ Hắc Hải, thuộc bán đảo Crimea. Trung tuần tháng này báo chí Nga dẫn Thông tấn xã TASS, nói là tin từ Hải quân Nga cho biết thủy thủ đoàn của soái hạm Moskva đã đến Sevastopol an toàn, sau khi chiến hạm này… tự chìm tại Hắc Hải. [1]
Cũng là cái chữ “tự” mơ hồ, không còn gì để nói, y hệt những “tự té”, “tự va đầu vào tường” đó đây trong các trụ sở chính quyền phường-xã trên đất nước chúng ta. Nhưng dù là tự chìm hay bị hỏa tiễn Ukraine nhấn chìm, điều chắn chắn là không phải toàn bộ thủy thủy của soái hạm trên toàn mạng trở về, trong đó có rất nhiều lính trẻ, mà là lính “nghĩa vụ”, trước đó chưa từng biết thế nào là chiến trường đẫm máu. [2]
Trước đó 167 năm, Trung úy Leon Tolstoy – người sau này trở thành một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ 19 – cũng đã đến đây tham gia chiến trận, và đã thấy được tâm sự của họ.
Cuộc chiến đó nổ ra năm 1853, một bên là liên minh Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, một bên là Đế quốc Nga mà chiến trường chính là Crimea. Thổ giận dữ vì Nga nhào vào ăn có khi Đế quốc Ottoman suy tàn, kích động cộng đồng Thiên chúa giáo trong lãnh thổ của mình, còn Anh và Pháp thì sợ Nga bành trướng sang vùng Balkan. Chiến cuộc kết thúc năm 1856 với phần thắng nghiêng về phe liên minh còn Nga thì thua, bị mất chủ quyền ở Hắc Hải.
Tolstoy đã đến đây tham gia chiến dịch phòng thủ Sevastopol năm 1855, kể lại trong Những phác thảo về Sevastopol (Sevastopol Sketches). Đó là một Sevastopol dữ dội, ác liệt và hoàn toàn thất bại về phía Nga, với những người lính chờ chết, nằm trên mặt đất thấm máu, nhớ lại những cô gái đã bị anh ta phá trinh, nhớ lại những món nợ chưa trả. Và Tolstoy nhận xét rằng với bất người lính nào cũng vậy, cái trận chiến mà ở đó anh ta bị thương lần đầu tiên sẽ là trận chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Bây giờ thì lịch sử lặp lại với những ý đồ địa – chính trị cũ rích nhưng quân Nga không hề thể hiện một chút xíu dấu hiệu nào của sự kiên cường theo mô tả đặc sắc của Tolstoy. Trong Chiến tranh Crimea, thoạt đầu bộ binh Nga bị Thổ dập nát nhưng rồi Hải quân Nga rửa hờn, đánh tan hạm đội Thổ trên Hắc Hải khiến Anh – Pháp lo lắng nhảy vào. Bây giờ thì cả bộ binh lẫn hải quân Nga đều bị đòn đau và nhà nước Nga ra sức ém nhẹm các con số thương vong mà, theo các quan sát viên, dè dặt nhất thì, tới nay, phải có tới 16000 bị thương và 10000 tử vong mà, đại đa số, toàn là lính quân dịch chứ không phải là quân nhân nhà nghề, nghĩa là lần đầu ăn đạn.
Như thế, nói theo Tolstoy, với những lính Nga tử trận hay bị thương thì đó, các vụ đụng độ tại Ukraine hay vụ chìm trên Hắc Hải, mới là trận chiến kinh hoàng nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử.
Tôi đọc cuốn sách đâu hơn 30 năm trước, trong những tháng ngày lông bông, sống một cách hoang mang, không phương hướng, tìm nghề lẫn tìm việc nhưng chẳng nghề việc nào ra hồn. Mà đó cũng là những ngày đất nước cũng lâm vào cảnh cực kỳ hoang mang không phương hướng khi những nhà quản trị quốc gia đảm trách những nghề và việc không ra hồn, với ông “thi sĩ công huân” đi làm kinh tế, với ông thống chế cập rập đặt vòng để hậu quả là hầu như cả nước bị đói, bị túng.
Theo cả nước tôi cũng cũng lâm cảnh túng đói ấy và có lúc phải vét mớ sách cũ đi bán mà, trong đó, nhớ nhất là cuốn sách viết về Sevastopol của Tolstoy. Mua ba đồng nhưng bán lại chẳng được nửa đồng nhưng đành cắn răng mang tới hàng sách cũ, chỉ để đổi lấy một bữa ăn sáng hạng xoàng. Tôi đau, và tôi nhớ mãi vì thế.
Nhưng kể ra tôi cũng còn may. Thời ấy, nhiều thanh niên cùng trang lứa với tôi đã vĩnh viễn nằm lại hay để lại một phần thân thể trên đất Cambodia và, dĩ nhiên, với họ, cái trận đụng độ mà lần đầu đạn pháo của phía bên kia cắt xén thân thể họ mới là trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử.
Nhưng còn Putin, kẻ gây ra cuộc chiến này? Với y – một cựu trùm gián điệp đã quen với trò giết người không đổ máu bằng phóng xạ hay bằng chất độc thần kinh – thì đây có phải là trận chiến đẫm máu nhất?
Có lẽ là không. Máu người Nga có thể đã đổ nhiều nhưng có hề gì bởi đó không phải là máu của y. Nhưng đó lại là trận chiến làm thương tổn cái tôi của y nhất bởi để có ngày hôm nay y đã liên miên đấu và liên miên thắng và, với y, trận đấu trên bàn cờ Ukraine này là trận chiến nhục nhã nhất mà y đã từng tham gia.
Một kẻ đã đánh mất lý trí mà cảm thấy bị sỉ nhục đến cực độ thì có gì mà không dám lao vào? Có lẽ cuộc chiến sẽ còn dài và sẽ càng có thêm nhiền thanh niên Nga nhận ra rằng cuộc chiến với Ukraine này chính là trận chiến kinh hoàng và đẫm máu nhất trong lịch sử,
Cuộc chiến đó chỉ có thể sớm chấm dứt khi những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp đang bị bịt mắt và bịt tai tại Nga nhận ra rằng kẻ chủ chiến này mới xứng danh là nhà lãnh đạo phát xít, thứ uống máu người không biết tanh, hay nói theo lối xưng bá của dân đầu gấu Hải Phòng mà tôi từng nghe là thứ “ăn thịt người không cầm chấm muối”!
Quả thật, qua những điều đã diễn ra bao nhiêu năm qua tại Nga, Putin là kẻ đã đều đều ăn thịt đồng bào mình mà không hề thấy tanh, thấy nhạt, và thấy nhợn!
[1] https://english.pravda.ru/news/russia/151188-moskva_cruiser/
[2] https://www.express.co.uk/news/world/1598834/Russian-fury-conscripts-die-Moskva-warship-putin-ont