Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 247): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (13)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 36, 37 & 38)

Kỳ 36

Rốt cuộc ông Phan và tôi cũng gặp nhau. Đó là buổi sáng của một mùa Hè được kéo dài do cơn lốc thời sự gây nên. Suốt đêm qua tôi khó ngủ, nhưng không hiểu sao tôi lại dậy được sớm hơn thường lệ.
Ngồi quán, tôi gọi cà phê, chờ đám bạn mà tôi biết thế nào chúng cũng sẽ đến. Bọn chúng tôi không có thói quen thăm nhau ở nhà. Sáng cà phê Cái Chùa, chiều bia Chợ Đũi, đêm nghêu sò ốc hến La Cai. Đó là những nơi chúng tôi có thể tìm gặp nhau mà không cần hẹn.

Mỗi đứa trong bọn có cuộc sống riêng và nỗi khổ riêng. Cái chung của cả bọn ấy là chúng tôi đều cảm nhận được sự lạc long của mình trước cuộc sống. Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên tù túng trong những khu phố chật chội. Tầm mắt chúng tôi không vượt quá cái cao ốc mười tầng của nhà hàng Caravelle. Những đứa may mắn được đi du học, nhìn bạn bè ở lại như người ngư phủ nhìn những con cá mắc cạn. Một vài đứa vào quân đội tưởng đã thoát ra khỏi được chiếc lồng nhỏ bé là những con đường mát bóng cây dẫn đến một giảng đường đại học nào đó, để lao vào cuộc chiến tranh không thương xót mà kẻ thù chủ nghĩa ẩn hiện như một bóng ma, -vẫn không làm sao quên được màu nắng vàng rớt trên con lộ một khu phố quen. Có đứa đi biệt không về, không bao giờ về nữa. Có đứa may mắn hơn trở lại chỗ ngồi cũ thì đã tật nguyền cả thân xác lẫn tâm hồn. Và nhà cửa, cơm áo vợ con cũng đủ làm cho chúng tối tăm mặt mũi. Tình yêu đến hay đi, đối với chúng tôi như một cái phao hơn là một lẽ sống. Một lần gặp nhau ở Chợ Đũi, bên những chai bia, khi cả bọn đã ngà ngà say, Ký nói ông Vũ Hoàng Chương thế mà hay, ông ấy không chỉ nói giùm cho những người cùng thời đại ông mà còn nói giùm cho cả thế hệ bọn mình nữa. Và anh buồn bã đọc những câu thơ mà cả bọn gần như thuộc lòng. Tuy vậy, mỗi lần Ký đọc là mỗi lần anh đem đến cho chúng tôi một xúc cảm mới:
Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

Sáng nay, nhìn quanh quẩn trong quán không thấy người khách nào khác ngoài mình, tôi bỗng nhớ Tâm. Tâm nổi tiếng trong bọn là người hay ra quán sớm nhất, sớm đến nỗi một hôm nó đụng một người lạ mặt cũng đang đứng chờ trước cửa như nó. Ông ta hỏi Tâm:
“Chào ông, ông đi đâu sớm vậy?”
Tâm trả lời:
“Tôi đi uống cà phê”.
Và nó hỏi lại người lạ:
“Còn ông, ông đi đâu mà cũng sớm quá vậy?”
Người lạ đáp:
“Tôi là quản lý nhà hàng, nhưng xin lỗi ông cho tôi vào trước, sẽ có cà phê nóng cho ông ngay.”
Tôi cười thầm khi nhớ lại câu chuyện uống cà phê của Tâm. Đúng lúc tôi nghe cánh cửa bật mở. Tôi nghĩ, chắc sẽ không phải ai khác hơn ngoài Tâm. Nhưng không! Người mới bước vào to lớn dềnh dàng như một con khỉ đột. Y ngó quanh nhà hàng, và khi thấy tôi một mình, y xăm xăm bước tới, hai chân thẳng, đầu cúi thấp:
“Xin lỗi, ông có phải là ông Thăng không ạ?”
“Phải! Chính tôi!” Tôi ngừng dao bôi bơ lên bánh, ngạc nhiên.
“Thưa ông, tôi là người nhà cụ Phan. Cụ sai tôi mời ông có việc cần.”
Tôi đặt bánh xuống đĩa, lau tay:
“Nhưng sao anh biết là tôi ở đây?”
“Thưa cô Uyên bảo là ông ở đây!”
Y trả lời, giọng ngập ngừng.
“Cô Uyên? Nhưng cô ấy ở đâu?”
“Cô đang chờ ông ngoài xe.”
Tôi đặt tiền lên bàn, đứng dậy theo người nhà ông Phan. Y đi trước, mở cửa, giữ tay nắm, nhường lối cho tôi. Bên lề 
đường, một chiếc Mercedes đen vẫn còn nổ máy. Y mở cửa sau:
“Mời ông!”
Trên đệm xe, Uyên kéo chiếc kính mát màu nâu thấp xuống sống mũi, nhìn tôi tinh nghịch:
“Anh thấy chưa, không ai biết anh bằng Uyên!”
Nàng nhích vào trong nhường chỗ cho tôi.
“Cám ơn cô! Chưa ai bằng cô thật!”

Kỳ 37

Xe phóng êm. Máy lạnh mát. Buổi sáng Sài Gòn thức dậy uể oải. Không còn nữa cái không khí náo nhiệt cách đây nửa năm.

Tôi nhìn Uyên. Khuôn mặt cô thiếu nữ một cách trẻ con. Uyên đang mỉm cười một mình. Nốt ruồi ở khóe môi như một thách thức. Mái tóc dài của Uyên được tết thành đuôi sam. Cuối đuôi là một bông tỉ muội trắng. Áo vàng ngắn cũn cỡn, quần ống rộng, nhưng bó căng ở đùi. Cánh tay Uyên trắng xanh, những sợi lông tơ dài và mịn, màu vàng óng ánh nằm rạp như cánh đồng lúa dưới cơn gió.
Tôi lấy một điếu thuốc gắn lên môi.
“Tôi hút được chớ, cô bé?”
“Xin anh cứ tự nhiên, Uyên không sợ cay mắt đâu!”
Tôi bật lửa châm thuốc. Khói bị nhốt trong xe có máy điều hòa bay chấp chới.
“Cô Uyên có biết ông cụ gọi tôi về chuyện gì không?”
“Uyên không biết. Nhưng chắc vẫn là chuyện hôm nọ bố chưa kịp nói với anh. Phần anh, anh cũng muốn gặp bố mà, phải không?”
“Phải. Nhưng sao bất ngờ quá!”
“Sáng nay, trong bữa điểm tâm, bố hỏi mẹ là anh có đến chơi nhà không. Me nói có. Bố bảo muốn gặp anh, và Uyên xung phong đi tìm. Thế thôi!”
“Thế thôi!”
Uyên quay mặt về phía tôi. Bàn tay mát rượi của cô đặt lên tay tôi.
“Gặp bố anh có lo không?”
“Tại sao tôi phải lo chớ?”
“Anh quên sao? Bố nói là chuyện này có liên hệ đến đời anh mà!”
Tôi lo thật. Việc ông Phan gọi tôi bất ngờ sáng nay làm tôi lo hơn. Tôi chỉ giả mù sa mưa thôi. Tôi đâu có cứng đến như vậy. 
Tôi nói lảng:
“Chuyện anh Minh tới đâu rồi?”
“Anh Minh nào?” Uyên ngơ ngác.
“Anh Minh trường Luật hay Văn Khoa bị bắt trong đám biểu tình hôm nọ đó!”
“Ồ!” Uyên nhớ ra. “Bố đã can thiệp bên Cảnh Sát thả anh ấy ra rồi!”
“Còn Tấn?”
“Ôi anh ấy thì được cái tích sự gỉ? Suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện ăn diện và nhảy nhót. Học thì ngáp vắn ngáp dài. Ăn chơi 
thì sáng mắt như sao băng!”
“Thế còn cô?”
“Uyên đấy à? Uyên không đồng bóng như anh ấy đâu!”
“Nghĩa là cô đồng bóng cách khác à?” Tôi nghịch.
“Đừng nói bậy, ông này!” Uyên bấm những ngón tay nhọn của nàng trên tay tôi. “Có những người như anh Tấn cứ tưởng nhảy nhót là văn minh, ăn diện là thanh lịch, trong khi đầu óc thì trống rỗng tối tăm. Uyên thích anh Minh hơn. Anh ấy đàn ông, rất đàn ông, hiểu biết và tham vọng. Giữa hai người là một khoảng cách thật lớn mà không hiểu sao họ lại thân nhau được. Thật Uyên không hiểu nổi!”
“Có gì mà không hiểu. Kết thân với ai có nghĩa là tìm kiếm nơi người đó điều mà mình đang thiếu.”
“Thế anh tìm kiếm gì nơi Uyên?” Đột nhiên Uyên đặt một câu hỏi bất ngờ.
“Tôi tìm nơi cô cái mà tôi thiệt thiếu… còn cô, cô tìm gì nơi tôi?”
“Uyên ghét anh! Uyên ghét anh!”
Thoắt cái, hai bàn tay Uyên đập lia lịa trên ngực tôi như một người đánh trống. Tôi là một cái trống không phát ra tiếng động.
Xe đã lăn vào nhà. Bánh lăn lạo xạo trên sân sỏi.

“Thưa bác!”
Ở cuối phòng khách rộng, ông Phan đang quay mặt vào vách, hai tay chắp sau lưng, đầu ngước lên, có vẻ như ông đang chiêm ngưỡng những hoa văn chạm ở thanh kiếm Nhật treo ở trên tường.
“Bố!”
Uyên đứng bên tôi, hai tay chống lên thành ghế, cô gọi ông Phan, giọng hơi lớn. Ông quay lại, dáng chậm rãi, mắt thoáng sáng, nhưng không có cái vẻ vồn vã với tôi như lần đầu. Ông chìa tay cho tôi:
“A, cậu Thăng…, cháu Thăng. Lâu dữ!”

Kỳ 38

Tự nhiên tôi rụt lại, chần chừ. Tôi nhìn vào mắt ông. Cách xưng hô thân mật của ông làm nhẹ nỗi lo trong tôi nhưng không khỏi làm tôi ngạc nhiên. Uyên giục:

-Kìa anh, bắt tay bố đi!
Tôi bước tới một bước. Những ngón tay mập và mềm của ông siết chặt tay tôi.
-Thưa, bác vẫn khỏe?
-Cám ơn cháu…
Ông cười không vui. Chỉ một thời gian ngắn không gặp mà tôi thấy ông như già sọm đi. Da mặt chùng, mắt sâu, tóc thưa hơn.
-Uyên vào trong xem me có cần gì không nhé! Bố và anh Thăng có chút việc riêng.
Ông Phan choàng vai tôi, đưa tôi trở lại phòng đọc sách hôm trước. Đèn thư viện sáng. Máy điều hòa lạnh. Trên tường vẫn bức tự họa của Van Gogh và bức vẽ hai diễn viên Kabuki của nhà danh họa Utamaro Kitagawa. Ông Phan ngồi xuống chiếc ghế bọc da và chỉ chiếc ghế đối diện cho tôi.
-Sáng nay cháu không bận gì chứ?
-Thưa bác, trường vẫn còn đóng cửa.
-Tốt. Câu chuyện của chúng ta sẽ khá dài. À mà cháu dùng điểm tâm chưa?
-Cám ơn bác, cháu vừa ăn xong!
-Tốt! Vậy thì mình uống trà. Người ta vừa biếu tôi một gói Thiết Quan Âm chánh hiệu.
Ông bấm chuông gọi người lấy trà. Xong ông quay sang tôi, tiếp:
-Có mấy chuyện tôi muốn bàn với cháu ngay sáng hôm nay, bởi vì tôi sắp đi xa Sài Gòn ít lâu.
-….
-Cháu ngạc nhiên hả?
-Thưa bác, đúng vậy! Cháu nghe người ta nói là bác vừa mới được mời đứng ra thành lập Nội Các mà!
-Không. Đó chỉ là tin đồn thôi. Tình hình không đơn giản như người ta tưởng đâu. Những vụ xuống đường của sinh viên học sinh, biểu tình của các đoàn thể tôn giáo, các vụ đình công đang rục rịch ở Nhà Kiếng… kể cả việc Bắc Việt đưa quân ào ạt theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tăng cường cho Mặt Trận của chúng cũng không lớn hơn cái hình ảnh của Phó Tổng Thống Mỹ, ông Richard N., đang đi thăm Vạn Lý Trường Thành. Cháu nghĩ sao khi Hoa Kỳ và Trung Cộng xích lại gần nhau?
Ông Phan đã hỏi tôi một câu khó. Tôi là người luôn bị bạn bè kêu là ngu dốt về thời sự và chính trị. Tôi nói quanh:
-Thưa bác, cháu thiếu một cái nhìn bao quát về tình hình quốc tế. Cháu ít theo dõi những bài phân tích thời cuộc của các báo…
-Nhưng theo hiểu biết của cháu, Mỹ và Tàu bắt tay nhau không gợi cho cháu một suy nghĩ nào sao?
-Theo cháu tôi ngập ngừng nói cầu may cứ bằng vào tình hình này chắc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam quá!
Ông Phan cười:
-Tôi đang có trong tay một số nhận định tương tợ. Nhưng tôi không tin. Người Mỹ không bao giờ bỏ rơi Việt Nam.
-Thưa bác, như vậy phải chăng cuộc chiến Việt Nam vẫn cứ tiếp diễn. Và hòa bình không bao giờ có ở Đông Nam Á?
-Không! Cái này thì tôi tin ngược lại. Chiến tranh sẽ chấm dứt ở Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là Đông Nam Á có hòa bình.
Ngừng một lát, ông Phan tiếp:
-Nhưng thôi để chuyện này qua một bên. Tôi biết là cháu không mấy lưu tâm, phải không? Năm 45 cháu mới 5 tuổi chứ gì? Năm 54 cháu vừa mười bốn phải không? Hạnh phúc cho những ai trong suốt cuộc đời chỉ biết có một lần chạy giặc!
Ông Phan nhồi thuốc vào tẩu, châm lửa bập bập và thở khói.
-Có khi nào cháu nghĩ là người ta muốn cháu không tồn tại hay không?
Câu hỏi của ông làm tôi giật mình. Làm gì có một chuyện kỳ quái như vậy? Tôi linh tính là đến gặp ông Phan hôm nay sẽ được nghe những điều không vui, nhưng tôi không hề nghĩ là sẽ có một điều khủng khiếp như vậy.
-Thưa bác…
-Bình tĩnh nào! Cháu muốn biết “người ta” đó là ai phải không?
-Vâng, thưa bác…
-Cháu có biết là cháu đang đụng vào một khối thép không?
-Thưa bác, không. Cháu không hiểu!
-Cháu có biết một người nào đó vừa là chủ nhà băng, vừa là chủ nhà máy sản xuất lưới B40, vừa là tổng giám đốc công ty nhập cảng phim Hồng Kông…
(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a4869/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-36-37-38

Comments are closed.