Về nỗi cô đơn của viên đạn và con người

Svetlana Aleksievitch

Nguyên Ngọc dịch

 

‘’Câu chuyện của tôi đặc biệt. Tôi không kể cho ai hết. Nhưng tôi có thể giải thích điều gì? Chính tôi cũng không biết giải mã số phận của tôi. Tôi đã đành cầu Chúa. Những lời cầu khấn chẳng rỉ tai cho tôi điều gì cả, nhưng chúng làm tôi vững lòng. Tôi cầu khấn bằng những từ của riêng tôi.

‘’Tôi nhớ một câu ngạn ngữ mẹ tôi thường nhắc lại : ‘’Viên đạn thì ngu xuẩn, số phận thì gian ác.’’ Câu ngạn ngữ ấy bà dùng để bình luận bất cứ tai họa nào. Viên đạn cô đơn, con người cô đơn, viên đạn bay đâu là tùy ý nó,  trong khi số phận điều khiển con người tùy sở thích. Đẩy y lúc thì về hướng này, lúc lại theo hướng kia.  

Con người giống như một chiếc lông, một chiếc lông nhỏ của con chim sẻ. Không ai biết được tương lai của nó. Điều đó ta không được bàn. Một bà gitan[1] đoán số cho chúng tôi, khi chúng tôi từ chiến tranh trở về. Bà đến gần tôi trong một nhà ga. Bà chọn tôi. Bà hứa cho tôi một tình yêu lớn. Tôi có một chiếc đồng hồ, và tôi đã tháo ra và biếu bà vì tình yêu lớn đó. Tôi tin bà.

Và bây giờ, cả cuộc đời tôi cũng không đủ để khóc mối tình ấy.

‘’Tôi vui vẻ chuẩn bị ra trận. Như một đoàn viên komsomol chân chính. Cùng lúc với tất cả những người khác. Tôi đã học để trở thành xạ thủ bắn tỉa. Tôi cũng có thể trở thành điện báo viên vô tuyến, đấy là một nghề có ích, thời chiến cũng như thời bình. Một nghề nữ. Nhưng người ta bảo tôi phải bắn, thế là tôi bắn. Tôi bắn tốt. Tôi đã được thưởng hai huân chương Vinh quang và bốn huy chương. Trong ba năm chiến tranh.

 ‘’Hôm nay, chính tôi khó mà tin điều đó. Tay tôi run. Tôi không xâu được một cây kim.

 

‘’Họ hét lên với chúng tôi : ‘’Chiến thắng !’’ Họ báo cho chúng tôi ‘’chiến thắng!’’. Tôi nhớ phản ứng đầu tiên của tôi: là niềm vui. Rồi, tiếp ngay, cùng lúc, là nỗi sợ.

 Nỗi kinh hoàng! Kinh hoàng! Cuộc sống nào chờ tôi lúc này đây? Bố đã chết ở Stalingrad. Hai anh trai tôi đã mất tích ngay từ đầu chiến tranh. Chỉ còn mẹ tôi và tôi. Hai người đàn bà. Chúng tôi sẽ làm gì? Tất cả những các cô gái đều hay tư lự. Chúng tôi thường ngồi lại cùng nhau trong pháo đài và chúng tôi cứ ngồi đó, im lặng. Mỗi người nghĩ về tương lai của mình. Về cuộc sống, với chúng tôi, chỉ bắt đầu từ bây giờ. Cuộc sống thật. Chúng tôi bị xẻ đôi giữa vui và sợ. Trước, chúng tôi sợ chết, bây giờ chúng tôi sợ sống. Đều là sợ. Tôi thú nhận. Với tất cả lòng thành thật.  

‘’Chúng tôi có sẽ lấy chồng không? Hôn nhân có tình yêu hay không có tình yêu? Chúng tôi rứt những cánh hoa cúc tây[2]. Chúng tôi ném các vòng hoa xuống sông, chúng tôi đốt chảy những cây nến. Tôi nhớ một ngôi làng người ta bảo có một bà phù thủy sống ở đấy. Mọi người đổ xô tới đấy, ngay cả ông chỉ huy của chúng tôi. Tất cả bọn con gái, không trừ ai. Bà ấy đọc tương lai trong nước. Trên các đường chỉ tay. Một lần khác, một người chơi đàn oóc quay tay cho chúng tôi đoán số bằng những mẩu giấy nhỏ. Những chiếc vé.

 ‘’Tổ quốc đã đón chúng tôi như thế nào ? Tôi không thể nói chuyện đó mà không rơi nước mắt. Đã bốn mươi năm qua, mà các bên má tôi còn cháy bỏng. Đàn ông im lặng, còn đàn bà… Họ hét lên với chúng tôi: ‘’Chúng ta biết các người làm những gì ở ngoài ấy. Các người ngủ với chồng của chúng tôi. Đồ lính đĩ ! Đĩ rạc mặc quân phục!’’

Họ có hàng nghìn cách chửi chúng tôi.

 ‘’Một cậu con trai đưa tôi về sau buổi khiêu vũ. Đột nhiên, tôi thấy rất khó chịu, tim tôi muốn lả đi. Tôi bước đi, bước đi và rồi đột nhiên tôi ngồi xuống trên một đống tuyết. ‘’Cô sao thế?’’ – Không sao, tôi đã nhảy nhiều quá.’’ Nhưng kỳ thực, đấy là chiến tranh. Tôi bị thương hai lần, một lần rất nặng: một viên đạn xuyên cạnh tim. Ngẫu nhiên đã cứu tôi. Đúng lúc ấy, tôi đã cựa quậy. Chỉ vài xăng-ti-mét. Ngẫu nhiên. Và cũng là nhờ những lời cầu khấn của mẹ tôi. Tôi muốn thon thả, mảnh mai, nhưng hai bàn chân tôi đi ủng đã to phình ra: bây giờ tôi đi số 40. Tôi không có thói quen để ai đó quàng tay ôm lấy tôi. Tôi đã quen một mình đảm lấy mọi sự. Tôi ước những từ âu yếm. Nhưng tôi không hiểu chúng, chúng không tới được nơi tôi. Ở ngoài mặt trận, giữa đàn ông, người ta chỉ sử dụng những tiếng chửi Nga cục cằn. Một cô bạn tôi làm nghề thư viện gợi ý cho tôi: ‘’Đọc thơ đi. Đọc Essenine ấy.’’     

 ‘’Hôn nhân. Tôi đã lấy chồng ngay. Một năm sau. Tôi đã lấy một kỹ sư ở nhà máy tôi làm việc. Mẹ anh ấy không biết tôi đã ra mặt trận, chúng tôi đã giấu bà chuyện đó. Tôi mong ước tình yêu. Một tình yêu lớn. Nhưng tôi khao khát hơn là sự âu yếm, những từ dịu dàng. Một ngôi nhà, một gia đình. Một ngôi nhà ngập mùi tã lót sơ sinh. Những tã lót đầu tiên, tôi ngửi ngập cả mũi, tôi không đỡ được thèm. Đấy là mùi hương của hạnh phúc, hạnh phúc theo giống cái. Suốt ba năm, tôi chỉ ngửi mùi xà cạp. Mùi da simili. Trong chiến tranh, không có mùi nữ. Tất cả các mùi đều là nam. Chiến tranh bốc mùi đàn ông.

 ‘’Tôi có hai đứa con. Một trai và một gái. Con trai, là anh. Một cậu con trai tốt, thông minh. Nó đã học cao học. Nó là kiến trúc sư. Còn đứa con gái… Con gái tôi… Nó bắt đầu biết đi năm năm tuổi, nó nói từ đầu tiên, ‘’mẹ’, lúc lên bảy. Và đến hôm nay, không phải lúc nào nó cũng nói ‘’mẹ’, mà ‘’mọ’’, và thay ví ‘’bố’, là ‘’bó’’. Nó… Đến hôm nay nữa, Tôi có cảm giác tất cả những cái đó là không thật. Như là một nhầm lẫn.  Nó được đưa vào một trại tâm thần. Từ bốn năm nay. Tôi đi thăm nó mỗi ngày, chỉ có điều tôi đừng ốm và tôi còn đi được tới trạm xe buýt. Tội lỗi của tôi… Con gái tôi…    

 ‘’Mỗi năm, ngày một tháng bảy, tôi mua cho nó một cuốn sách học vần mới. ‘’Mua cho con một cuốn ho-o-ọc v-ầ-ầ-n. Con sẽ đến tr-ư-ơ-ờ-ng.’’ Tôi mua sách. Chúng tôi đọc sách học vần cả ngày. Đôi khi, đi thăm con trở về nhà, tôi có cảm giác đã quên mất biết đọc biết viết. Biết nói. Và không đến cần nữa. 

 ‘’Tôi đã bị trừng phạt… Vì cái gì ? Có thể, vì đã giết? Đôi lúc, đấy là điều tôi nghĩ. Tuổi già, đấy là một thời trong cuộc đời mà người ta có nhiều thời gian, nhiều hơn trước đó. Tôi suy nghĩ và suy nghĩ. Tôi mang tội của tôi. Mỗi buổi sáng, tôi quỳ xuống, tôi nhìn ra cửa sổ. Và tôi cầu Chúa… Tôi cầu cho mọi người. Tôi không giận chồng tôi, tôi đã tha thứ cho anh. Khi con gái tôi sinh ra… Anh đã chờ nhìn thấy nó… Anh đã ở lại với chúng tôi một thời gian, rồi anh đã bỏ chúng tôi. Anh đã đổ lên đầu tôi bao nhiêu chê trách khi rời bỏ chúng tôi:  «Có một người đàn bà bình thường nào lại đi ra trận? Học bắn? Chính vì điều đó mà cô không thể sinh một đứa con bình thường.’’ Tôi cầu khấn cho anh.

 ‘’Và nếu anh có lý?

‘’Tôi yêu Tổ  quốc hơn mọi thứ trên đời. Tôi đã yêu nó… Và tôi có thể kể lại điều đó cho ai hôm nay? Cho con gái tôi. Tôi kể cho nó những ký ức chiến tranh của tôi, và nó nghĩ đấy là những truyện cổ tích. Những truyện cổ tích cho trẻ con. Những truyện cổ tích kinh tởm cho trẻ con.

‘’Đừng ghi tên tôi. Không cần đâu.’’

Klavdia S-va, xạ thủ bắn tỉa.

 



[1] Dân du cư Tây Ban Nha. (ND)

[2] Trò chơi đoán số tình yêu của các cô gái (ND)

Comments are closed.