Vĩnh biệt Văn Biển – nhà viết kịch lớn của đất nước

Lưu Trọng Văn

image

Trong giới văn chương kịch nghệ thì người hồn nhiên trẻ thơ nhất có lẽ là ông.

Chính vì hồn nhiên trẻ thơ mà ông cứ ngơ ngơ không tin có cái xấu, cái ác trên đời.

Thế à? Thế à? Văn đùa đấy chứ? Đó là điệp khúc của ông mỗi khi nghe gã kể những điều tai nghe mắt thấy không vui ở đời.

Có lẽ vì quá yêu cái đẹp, quá tin cái đẹp ông trở thành kẻ mau nước mắt khi thấy một bông hoa đẹp bên đường, khi gặp một cô gái đẹp bên song cửa hàng xóm.

Gã chứng kiến một lần ông thấy một cô gái đẹp bần thần trước dò lan nhưng không đủ tiền mua. Ông đã theo cô gái đó về nhà cô. Hôm sau ông thuê một xích lô chở cả chục dò lan tặng cô. Tiền đâu? Nhuận bút truyện ở nhà xuất bản Kim Đồng ông vừa lĩnh.

Có lẽ vì bản tính ấy mà từ một kĩ sư địa chất ông trở thành nhà văn chuyên viết truyện cho lũ nhóc đọc. Cô Bê 20, Đêm Stockholm, Hiệp sĩ vô hình, Mười ngày làm khách, Từ không đến có, Chú khỉ cộc đuôi, Hoa nào đẹp nhất, Hai anh em thỏ trắng giống nhau, Con cá trên sân thượng, Một chuyến vượt thác, Chú bé và con ngựa gỗ, Lời đáng yêu nhất, Bé Tuyết, Nhật ký rễ con, Dòng máu bất khuất… trong đó có rất nhiều truyện được dựng thành phim hoạt hình.

Nhưng rồi ông đột ngột chuyển qua viết kịch. Gã hỏi ông, sao lại vậy? Ông nói: mình đã nhận ra nỗi đau là có thật, cái xấu là có thật, cái ác là có thật, cái dối trá là có thật, cái đẹp bị chà đạp là có thật. Ông từ cực này qua cực khác. Sân khấu đáp ứng cái cực khác mỗi ngày mỗi xù xì, lởm khởm, dữ dội, nhọn hoắt trong ông.

Và gã trở thành cặp đôi cùng ông trên hành trình đến với ánh đèn sân khấu ấy. Một đêm khu Kim Liên Hà Nội trong ánh đèn mờ vì không đủ điện thế, ông hu hu khóc, phải tự mình lập đoàn kịch của mình thôi, sân khấu không thể là nơi người nghệ sĩ phải quỳ gối trước miếng ăn và trước khuôn mẫu phép tắc thể chế được. Sân khấu phải bứt ra khỏi các quy trình ràng buộc bằng tiền nhà nước để tư nhân thể nghiệm. Chỉ có sân khấu thể nghiệm thì những vở nói lên sự thật, những vở sáng tạo nghệ thuật mới có cơ hội đến với khán giả.

Thế là ông từ một kẻ chỉ mơ mộng trên mây đã hùng hục, chạy các cửa để ra đời một sân khấu tư nhân thể nghiệm.

Thế là, bao tiền con cái ở Đức gửi về nuôi ông, ông đem cho gánh kịch thể nghiệm của ông hết.

Đêm ấy một sự kiện sân khấu chưa từng có ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch Ánh sáng bạc của Nguyễn Khắc Phục làm xôn xao dư luận. Khi vở kịch nói về thân phận người trí thức bị hắt hủi đóng màn, gã ngồi xem bên cạnh nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ gõ gậy xuống sàn thay cho vỗ tay. Ông đến bên nhạc sĩ, nhạc sĩ bảo: Không có tự do thì không có nghệ sĩ.

Và ông đâu ngờ rằng, đó là buổi diễn duy nhất ánh sáng bạc vừa loé lên đã tắt.

Ông lao vào viết kịch. Những vở kịch ngồn ngộn cuộc chiến chống cái ác, cái dối trá, chống cường quyền, ngợi ca tình yêu, ngợi ca cái đẹp của ông như Trăn trở, Bất hạnh, Chuyện cổ Bát Tràng, Que diêm thứ 8, Chiếc gương chàng ngốc, Thành phố con tàu ra đời.

Trong đó có thể nói hai vở kịch Thành phố con tàuQue diêm thứ 8 của ông là hai kiệt tác của nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Với hai vở kịch này tên tuổi của ông nhà viết kịch Văn Biển xứng đáng là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của nước nhà.

Năm 1983, ông thuyết phục được chú ruột ông là thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Trung Tín cho ông lập gánh kịch tại Đà Lạt. Đây là mô hình sân khấu nhà nước và dân cùng làm. Vì tin thằng cháu mình hiền lành, đam mê nghệ thuật ông thủ tướng đã ủng hộ mô hình xã hội hoá sân khấu này.

Ông giao cho gã khâu kiếm diễn viên. Thế là gã rủ rê được nhiều nghệ sĩ sân khấu của Hà Nội, của nhà hát Quân đội như Lê Mai, Từ Sơn, Nguyễn Quang Minh (Minh chủ Cát Tiên Sa sau này), Trung Nam… rồi nghệ sĩ Minh Hạnh từ Sài Gòn lên tham gia gánh kịch Đà Lạt. MPK – Phước khùng cùng một số nghệ sĩ kịch Đà Lạt cũng tham gia.

Đạo diễn Đoàn Bá làm đạo diễn vở Thành phố con tàu. Tập ngày tập đêm tưng bừng háo hức làm nghề, đua nghề, chơi nghề lắm. Hôm diễn duyệt có cả nhà báo Thép Mới dự. Diễn xong gã thấy khuôn mặt mấy ông lãnh đạo văn xã của tỉnh lạnh như… tiền.

Gã biết cái gì đến sẽ đến rồi. Nhà báo Thép Mới ghé tai gã thì thầm: Cậu nói Văn Biển, đừng buồn, hãy tự hào là Văn Biển đã dám nói được tiếng nói của người nghệ sĩ yêu nước chân chính. Thời buổi này bất cứ ai ngoi lên trước dấn vài bước chân đi trước bị chặn giò liền.

Vở kịch bị cấm. Gánh kịch rã.

Lần thứ hai Văn Biển lỗ chỏng gọng khi dồn tiền, bán hết của cải để dựng kịch.

Hôm qua, Văn Biển khép lại tấm màn thô sân khấu đời mình.

Anh ơi, cho thằng Văn này được khóc. Khóc yêu thương anh. Trong sáng và tử tế đến khó tin anh thành người Giời. Giờ anh lại không chịu lên Giời mà xuống Đất. Có lẽ vì nơi ấy cuộc chiến đấu của các nhân vật của anh vẫn tiếp diễn trong vở kịch lớn của thời đại Que diêm thứ 8.

Còn trên cõi này thành phố con tàu tiếc rằng vẫn mắc cạn chưa thể ra khơi.

Câu chuyện kịch của Thành phố con tàu thế này:

Một chàng trí thức tài năng bất lực trước thời mình sống khi tài năng của mình không được trọng dụng, chàng ta quyết định chế tạo cỗ máy ướp xác mình với lập trình sau 20 năm sẽ sống lại để hy vọng một xã hội tốt đẹp hơn.

Và 20 năm sau chàng ta sống lại ngạc nhiên thành phố con tàu của mình vẫn như xưa, vẫn những chiếc neo cùng dây xích…

Comments are closed.