Mái trường thân yêu – Đọc để nhớ lại

Hồ Anh Thái

Thế hệ học sinh thập kỷ 1960 – 1970 rất nhiều người vẫn còn nhớ "Mái trường thân yêu" từng là cuốn sách được chuyền tay nhau, được thích thú kể lại giữa những người bạn.

Đọc sách: Mái trường thân yêu - Đọc để nhớ lại -0

Tôi còn nhớ đã đọc cuốn sách này từ lúc mới học lớp bốn, khi ấy những nhân vật trong sách đã học lớp bảy, và đọc truyện về họ khiến mình cảm thấy đã lớn hơn, có cái mốc cao hơn để vươn tới.

Anh chàng Việt lên lớp bảy, lớp cuối cấp hai của hệ phổ thông mười năm, thì người cha được điều động lên phòng y tế huyện ở vùng trung du. Thế là Việt và bà nội theo cha chuyển từ miền xuôi lên. Hầu như thời đó, học sinh miền Bắc chưa mấy ai lên đến miền trung du ấy, nhưng từ trong sách, những cái tên nghe thật đáng ao ước: miền trung du Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Tam Nông, con sông Thao, và Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao ở ngay cạnh trường.

Việt vào lớp 7A, đấy là năm 1962, miền Bắc mới hòa bình được tám năm, đang là những năm xây dựng và phải hai năm nữa mới bắt đầu bom rơi đạn nổ của chiến tranh phá hoại. Khung cảnh bình yên đơn sơ được tác giả Lê Khắc Hoan phác họa rất thân thương: “Trường chúng tôi còn nghèo, văn phòng nhà trường đặt trong một ngôi nhà lá, các phòng học đều là nhà lá, nơi ăn ở và làm việc của các thầy giáo cũng là nhà lá nốt. Năm ngoái, trường vừa mới xây được một tòa nhà gạch, các thầy các cô dành cho Đội Thiếu niên làm câu lạc bộ. Ngôi nhà đặt trên đỉnh đồi, có năm gian, trông vừa gọn vừa xinh, tường quét vôi xanh mát dịu dàng, mái ngói đỏ tươi rực lên dưới ánh nắng sớm” (trang 27-28).

Hình ảnh một ngôi trường, sau sáu mươi năm, bây giờ đã khác nhiều. Nhưng người từng sống qua thời học sinh những năm tháng ấy, kể cả học sinh thành phố từng phải sơ tán về nông thôn, đọc những dòng này đều sẽ nhớ mình có trong ký ức một ngôi trường tương tự.

Cậu học sinh Việt vào lớp mới trường mới, được bạn bè đón nhận nhưng không dễ hòa nhập được ngay. Vốn mê sách, mang theo cả tủ sách vài trăm cuốn, nhưng khi lớp xây dựng tủ sách, có bạn góp vào mấy chục cuốn thì Việt chỉ lén lút nộp vào ba cuốn tạp chí địa phương mỏng dính. Giỏi toán, được phân công giúp một bạn học yếu, nhưng khi thấy bạn được điểm 5/5 môn địa lý thì Việt lại ghen tỵ khó chịu. Khi đá bóng, Việt chỉ nghĩ đến việc phải làm bàn mà không chịu chuyền bóng cho đồng đội phối hợp. Làm gãy cái ghế băng của bạn, Việt không tự sửa mà lại bí mật bê chiếc ghế hỏng sang lớp khác, đổi lấy chiếc ghế tốt mang về… Những tình huống như vậy đều được các bạn phát hiện, giúp sửa chữa, sửa không dễ, nhưng đấy là một quá trình chuyển đổi tự nhiên.

Tập thể lớp 7A ấy thật đáng yêu. Các bạn học sinh nông thôn vừa giúp gia đình công việc đồng áng chăn nuôi, vừa tham gia việc hợp tác xã, việc nhà trường xây dựng vườn địa lý để dự báo thời tiết. Trên hết là việc học: phân công từng đôi bạn giúp nhau học tập, hình thành đôi bạn 8, 9, 10 điểm. Học sinh lớp bảy, ở tuổi mười ba, cá tính cũng thật đặc sắc. Đứa tinh nghịch, vào vườn địa lý đổ đầy nước vào ống đo mưa, khiến sáng hôm sau bạn dự báo nhầm lượng mưa. Đứa thách nhau đốt cái lều vịt giữa đồng. Đứa tung con chuột đỏ hỏn vào giữa đám con gái, có bạn hoảng quá nhảy cả lên mặt ghế để tránh. Viết báo tường bí mật châm biếm và đấu khẩu với nhau. Những cảnh nặn ra thơ báo tường như thế này, chắc thời học sinh, nhiều người nhớ: “Đội ta có một cô nàng/ Thấy con chuột nhắt vội vàng cuống lên/ Mặt tái xám, mồm kêu rên… Đến đó lại tắc tị. Không biết mai sau thằng Mạnh có trở thành “nhà thơ” hay không, chứ hiện nay, rõ ràng nó chỉ mới là một “nhà ghép vần” hạng bét. Tôi nghe nói làm thơ thì phải chọn lọc ngôn ngữ, vần điệu để diễn đạt tứ thơ. Đằng này thằng Mạnh làm ngược lại. Nó ghi hết ra giấy những tiếng có vần với tiếng rên như “phên”, “lên”, “bên”, “tên”, “trên” rồi cả ba đứa bóp trán suy nghĩ xem đặt câu thơ thế nào cho… xuôi tai, còn ý tứ thì… phiên phiến thôi. Tôi và thằng Vĩnh đang bí, chợt thằng Mạnh vỗ trán đánh “bẹt” một cái, reo lên: – Tớ nghĩ ra rồi: “Con gái yếu như con sên”. – Không được – Tôi gạt phắt – Đang bí một câu những tám chữ cơ mà, còn câu ấy, “con”, “gái”, “yếu”, “như”, “con”, “sên”, mới được sáu chữ thôi. Thiếu đứt đi hai chữ.

Thằng Vĩnh cũng nói thêm: vả lại chủ đề bài thơ là bàn về dũng cảm và hèn nhát, chứ lôi cái chuyện khỏe hay yếu ra làm gì” (trang 176-177).

Những câu chuyện, những tình huống như thế, giờ đây đọc lại là được đọc lại từng kỷ niệm. Thì ra có những câu chữ, những tình tiết ta từng thuộc từng nhớ, tưởng đã nằm yên trong ký ức, đọc lại là dịp để phục dựng tất cả.

Cũng những anh bạn viết báo tường tinh nghịch và nghiêm túc này đã viết một vở kịch để diễn với nhau. Họ tưởng tượng ra hai mươi năm sau trở lại thăm cô giáo chủ nhiệm. Việt trở thành bác sĩ như cha mình. Chiến là kỹ sư chế tạo ra máy cấy để giúp cho bầm và bà con ở quê đỡ vất vả. San và Cao thành đội trưởng sản xuất và lái máy kéo, đồng thời vẽ hý họa cộng tác với báo địa phương… Đặc biệt Mạnh từ nông trường cao su miền Đông Nam bộ cũng bay ra thăm cô giáo cũ. Ta cần ghi nhận rằng câu chuyện ở năm 1962, hai miền còn chia cắt, nhưng ngay từ khi ấy, các bạn học sinh đã đầy ắp tinh thần thống nhất đất nước và mơ ước, đến năm 1982 đất nước đã liền một dải – niềm mơ ước hóa ra là tiên đoán. Lúc ấy họ chưa biết sẽ có một cuộc chiến ác liệt, và thế hệ họ sẽ hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến sắp tới.

Nhà giáo Lê Khắc Hoan (1937-2021) viết Mái trường thân yêu khi dạy học ở Phú Thọ, chủ nhiệm một lớp học cấp hai đúng như đã kể trong sách. Nghe đâu tác giả giữ nguyên tên các nhân vật thầy và trò như ở ngoài đời. Sách xuất bản năm 1964, ngay lần đầu đã in 35.000 bản, từ đó đến nay đã tái bản nhiều lần, sách trở thành tác phẩm kinh điển của học sinh. Biên tập viên có sai sót khi ghi ở bìa gấp rằng sách được giải năm 1961, chỉ một ly vậy thôi mà con số 1961 đã từ các trang mạng bán sách lan ra khắp các trang mạng liên quan. Một sai sót về văn học sử.

Lần in lại này, chính tả đã ép theo chính tả hiện thời của ngành giáo dục, chẳng hạn nhiều chữ y đã bị chuyển thành i. Bản thân quy định chính tả này chưa được giới truyền thông tán thành rộng rãi. Vả lại, sửa chính tả của tác giả như vậy cũng là chưa tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm. 

 

——

* Mái trường thân yêu, truyện dài của Lê Khắc Hoan, NXB. Kim Đồng tái bản 2022.

Comments are closed.