Nguyễn Thanh Việt: Việc đoạt giải Pulitzer đã thay đổi giá trị tác phẩm của tôi và đời tôi.

Nguyễn Thanh Việt

Hiếu Tân dịch

Tác giả nhớ lại trạng thái như mơ trong đó ông viết cuốn tiểu thuyết được giải Pulitzer The Sympathizer, và những mong ước niềm vui riêng tư ông cảm thấy khi viết nó.

https://www.theguardian.com/books/2016/jul/26/viet-thanh-nguyen-winning-the-pulitzer-changed-the-value-of-my-book-and-myself

clip_image002

Nguyễn Thanh Việt. Photograph: Pulitzer Board /EPA

Tôi đã viết như thế nào: trong sự cách li, trong một giấc mơ kéo dài, trung bình bốn giờ một ngày trên máy tính xách tay, miệt mài như lao dịch. Nhịp độ này, mỗi tháng một chương, kéo trong hai năm, may nhờ được thoát khỏi hầu hết các nghĩa vụ giảng dạy. Tôi vô danh và tôi yêu quí từng phút, trừ những khi tôi lo lắng liệu có ai xuất bản cuốn sách này – hay đọc nó, hay thích nó không.

Khi tôi không lo lắng chuyện gì khác và viết quyển sách chỉ cho bản thân tôi, như tôi đã làm hầu hết hai năm đó, lần đầu tiên tôi cảm thấy niềm vui lạ thường nhất trong việc viết. Sau khi đã khổ sở hơn một thập niên viết một tập truyện ngắn mà mỗi câu là một cuộc lao động nhọc nhằn hay một hình phạt, bây giờ gần như mọi câu đều tròn đầy, ngay cả khi chủ đề trống vắng. Niềm vui trở nên quí giá khi vợ tôi mang thai, tôi buộc phải kết thúc bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trước khi con trai tôi ra đời. Tôi vượt trước hạn chót hai ngày, và cần phải thế, vì sự ra đời của con trai tôi đánh dấu chấm hết cho sự độc lập, tuổi trẻ và những ước mơ của tôi. (May mà không điều nào trong đó xảy ra, chỉ là tôi cảm thấy thế thôi).

Thế rồi quyển sách được ra với thế giới và thành công. Nó đoạt các giải thưởng, kể cả giải Pulitzer. Tôi biết về việc đoạt giải này trong một căn phòng khách sạn ở Cambridge, Massachusetts, trong một tua quảng bá. Tôi đang viết email thì nghe tín hiệu bip bip và víu víu của Facebook và Twitter, cho tôi biết một Cái gì đó Rất Quan trọng đã xảy ra. Mặc dù trước đây tôi đã từng biết đến niềm vui thích khi đoạt giải, nhưng tôi chưa bao giờ bị xâm chiếm bởi cái cảm giảc thể chất này: run rẩy, tim đập loạn, không tin – tất cả vì một cảm giác rằng đời tôi đã thay đổi. Tôi đợi đến khi nhà xuất bản của tôi gọi và xác nhận giải thưởng rồi mới thật sự tin. Mặc dù vậy, người tôi tê đi, thấy mình cô độc biết bao khi ngồi trong phòng khách sạn như thế này, không có những người thân yêu ở bên, nhận được lời khẳng định từ máy tính. Sau đó tôi đến hiệu sách Harvard vì sự kiện của mình, phòng chật cứng người, có nhiều người bấm máy chụp ảnh tôi, và mọi người nhìn tôi khang khác.

Giá trị của sách tôi và đời tôi đã thay đổi, cho dù đối với tôi nó vẫn vô giá trị như khi tôi viết nó. Tôi có tình yêu mãnh liệt với quyển tiểu thuyết này. Nó nhằm phá vỡ cách nhìn Mỹ về chiến tranh Việt Nam, nó ảnh hưởng đến cách phần lớn trên thế giới nhìn đất nước tôi. Quyển sách của tôi sẽ là tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam cho tất cả những người tưởng rằng họ biết cuộc chiến tranh này là như thế nào, cũng như cho tất cả những người không muốn đọc một quyển sách về một chủ đề đã cạn kiệt.

Thật kì lạ, nó cắt đứt giữa hành động viết vốn là thuần khiết trong cách thức tối ưu của nó, và sự tồn tại của viết trong thế giới, nơi tất cả những chỗ yếu của con người, những khao khát, và những thành kiến làm nó thay đổi. Không thể nói rằng tôi đã không chịu tác động của ‘cú chạm của vua Midas’[i] của giải thưởng này, đã khiến cho nhiều người hơn biết tên tôi và đọc sách của tôi. Hơn nữa, tôi vẫn có cảm giác như mang sức nặng của cú chạm đó trên vai tôi, vẫn còn giấc mơ quay trở lại cái không gian vô danh nơi tôi có thể tìm thấy câu chuyện tiếp theo của tôi, và câu chuyện ấy có thể tìm thấy tôi. Vô danh bởi vì, khi tôi viết cuốn sách, không ai quan tâm tôi là ai, và tôi muốn nói gì thì nói. Chỉ một điều duy nhất quan trọng là câu chuyện này. Ngay cả khi đó tôi đã rõ rằng rất lâu sau khi tôi ra đi, thì chính câu chuyện vẫn sống.

Trích tiểu thuyết:

Trong nước cộng hoà mít được đối xử như một đặc quyền của Hoa Kỳ này, những người Mỹ cứ tưởng tôi giống như hàng triệu người nói tiếng Anh bồi, hay tiếng Anh có dấu[ii]. Tôi bực với cái tưởng ấy của họ. Đó là lí do tôi luôn tha thiết thể hiện, bằng cả nói và viết, việc tôi nắm vững ngôn ngữ của họ. Vốn từ của tôi rộng hơn, ngữ pháp của tôi chính xác hơn người Mỹ trung bình có học. Tôi có thể đạt tới những nốt cao cũng như thấp, và như vậy không có khó khăn gì để hiểu đặc tả của Claude về ngài đại sứ như một “putz”[anh đần] một “jerkoff”[kẻ khốn kiếp, kẻ ‘đầu tôm’] kẻ phủ nhận sự sụp đổ sắp tới của thành phố. Không có lệnh di tản chính thức, Claude nói, vì chúng ta không còn được chút thời gian nào để kịp rút.

Viên Tướng, hầu như không bao giờ cao giọng, bây giờ đã cao giọng. Ông thét lên, các ông đang bỏ mặc chúng tôi. Suốt ngày đêm máy bay cất cánh từ phi trường. Tất cả những người đã làm việc với người Mỹ đều muốn xin một visa xuất cảnh. Họ đến đại sứ quán các ông để xin visa ấy. Các ông đã di tản vợ con các ông. Các ông đã di tản trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi. Tại sao chỉ những người Mỹ mới không biết rằng người Mỹ đang rút?

Claude trông bối rối một cách thích hợp khi ông giải thích rằng thành phố có thể sẽ nổ ra bạo loạn nếu lệnh di tản được công bố, và có thể khi đó họ sẽ quay ra chống những người Mỹ còn ở lại. Điều này đã xảy ra ở Đà Nẵng và Nha Trang, nơi người Mỹ đã bỏ chạy để giữ lấy mạng sống của mình, bỏ mặc cư dân tự xoay sở với nhau. Nhưng dù có tiền lệ này, không khí Sài Gòn vẫn im ắng kì lạ, hầu hết công dân Sài Gòn hành xử như những người trong một cuộc hôn nhân chán ngấy, sẵn sàng liều lĩnh bám vào nhau và chết chìm chừng nào còn chưa có ai công khai sự thật ngoại tình.

Trong trường hợp này, sự thật là ít nhất một triệu người đã làm việc hay làm việc cật lực cho người Mỹ theo khả năng đủ hạng của mình, từ đánh giày đến điều hành đạo quân do người Mỹ vẽ ra theo tưởng tượng của họ, đến làm tình kiểu khẩu dâm với cái giá một suất thịt bằm, ở Peoria[1] hay ở Poughkeepsie.[2] Phần lớn những người này tin rằng nếu cộng sản thắng – điều mà họ không muốn tin có thể xảy ra – thì cái chờ đợi họ sẽ là nhà tù hay một cuộc cướp bóc, còn những trinh nữ sẽ buộc phải kết hôn với những kẻ dã man. Sao không? Đây là những tin đồn mà CIA đang phát tán.

Điểm sách

Ngoài việc cố làm cho hoà hợp với Người Vô hình (Invisible Man[3]) cuộc xuất hiện đầy ấn tượng này chứa vô số điểm giống Whitman. The Sympathizer có thể được đọc như một tiểu thuyết gián điệp, một tiểu thuyết chiến tranh, một tiểu thuyết di tản, một tiểu thuyết của những ý tưởng, một tiểu thuyết chính trị, một tiểu thuyết về môi trường đại học, một tiểu thuyết về phim ảnh, và một tiểu thuyết, vâng, về những tiểu thuyết khác. Cái hỗn hợp quá mức này đôi khi dẫn tới những lỗi sơ suất nhỏ trong một kết quả lớn: một cách hình dung lại táo bạo, có tính nghệ thuật và tổng thể về chiến tranh Việt Nam và sự đan xen của những di sản riêng và chung của nó. Thật ra quyển sách này đọc giống như trái ngược hoàn toàn với The Things They Carried [Những Thứ Họ Mang Đi] của Tim O’Brien, câu chuyện kể lạnh lùng rời rạc, cắt xén, từ lâu được xem như cái nhìn văn học kinh điển Hoa Kỳ về cuộc xung đột chia rẽ này và những gì diễn ra sau đó.

Randy Boyagoda


[1] Thành phố thuộc bang Illinois, Hoa Kỳ.

[2] Thành phố thuộc bang New York, Hoa Kỳ.

[3] Tiểu thuyết của Ralph Ellison, Mỹ, 1952, đoạt giải National Book Reward 1953


[i] Truyền thuyết Hi Lạp: bất cứ gì vua Midas chạm vào đều biến thành vàng (V.V.)

[ii] Accent: ý nói phát âm với giọng lơ lớ giống như giọng địa phương hay giọng của người không phải bản ngữ (V.V.)

Comments are closed.