Dưới đây là bài do nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ An Phan Văn Thắng phỏng vấn nhà văn Nam Dao cách đây đã hai năm. Xin cảm ơn nhà văn Nam Dao đã cung cấp văn bản phỏng vấn.
Văn Việt
Lời toà soạn: Ông Nguyễn Mạnh Hùng là giáo sư kinh tế học của trường Đại học Laval, Canada. Ông tham gia giảng dạy tại nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới như: Havard, Sorbonne, Toulouse, Montpellier, Paris 10, CEPREMAP, National Australian University, University of New South Wales…
Ông cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu đã in trong những tờ báo tiếng tăm nhất trong ngành, từng được giải có bài nghiên cứu kiệt xuất nhất của tờ Asian Pacific Economic Review năm 1999. Ông là thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn của Canada về Kinh tế học và nhiều Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế tại Canada và Pháp, Úc.
Ngoài ra, với bút danh Nam Dao, ông còn tham gia văn chương với tư cách là tác giả trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu luận, phê bình. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Vu qui (tiểu thuyết), Ghềnh V (tiểu thuyết), Trăng nguyên sơ (tiểu thuyết), Khoảng chơi vơi (truyện và ký), Tiếng cồng (tiểu thuyết), Trong buốt pha lê (tập truyện), Gió Lửa, Đất Trời, Bể Dâu (tiểu thuyết lịch sử), Dấu vết ngậm ngùi (thơ), Bảy vở kịch (kịch bản)… cùng rất nhiều tác phẩm khác.
Nhân dịp giáo sư, nhà văn Nam Dao về thăm quê, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về văn chương và cuộc sống. Trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.
Phan Văn Thắng: Ông đến với văn chương như thế nào? Duyên nào đưa ông trở thành cây bút của văn chương? Tôi được biết ông làm thơ trước khi viết văn. Tại sao vậy?
Là nhà nghiên cứu và giảng dạy kinh tế học có nhiều thành tựu, tại sao ông lại quan tâm nhiều đến văn chương và nhất là rất nỗ lực sáng tác văn chương?
ND: Duyên có, nhưng nghiệp cũng có, và quả là khá nặng. Thời niên thiếu, tôi là con nuôi trong một gia đình sính thơ văn, nhà lúc nào cũng nườm nượp các nhà thơ, nhà văn… và chuyện thì thế nào rồi cũng đến những chính kiến về thế sự. Thấy tôi tròn mắt kính phục những vị như Chu Tử, Lý Thắng, Lê Văn Trương… cha nuôi tôi ôn tồn nhắc “lập thân tối kị thị văn chương”, khuyên tôi học hành tử tế, chớ sa đà vào vòng chữ nghĩa. Nhưng rồi có sự cố nhà văn Nhất Linh tự tử không chịu cho tòa án thời Ngô Đình Diệm phán xét. Cùng bạn bè, tôi tham gia đám tang Nhất Linh, rồi rủ nhau tổ chức chống chế độ Việt Nam Cộng hòa thời đó. Lăng quăng đủ chuyện, nhưng may mắn, tôi thi và đỗ cao, được học bổng Colombo đi học ở Canada, ngành kỹ sư hóa. Đến chào nhà văn Doãn Quốc Sĩ, ông bảo đi làm gì, ở lại viết văn, hay hơn! Ở tuổi 18, mộng giang hồ thật khó cưỡng, và đi thì nghĩ cũng chỉ bốn năm là về, sá chi!
Tôi rời đất nước năm 1963. Chiến tranh xâm lược leo thang, đến năm 65 số lính Mỹ lên gần 500.000. Hàng ngày, trên TV hình ảnh đồng bào hai miền Nam Bắc quằn quại dưới đạn bom khiến ăn không ngon ngủ không yên. Làm gì? Và sẽ làm gì? Tôi quyết định học thêm Kinh tế, và nghĩ rằng chỉ với ngành chuyên môn này tôi mới có khả năng góp phần xây dựng lại một quê hương bị tàn phá khốc liệt. Năm 68, thanh niên Mỹ phản chiến kéo qua Canada khá nhiều. Tôi hoạt động với họ, đòi Mỹ rút quân, để người Việt tự quyết. Thời đó, tôi liên hệ với các bạn sinh viên chủ trương báo Thế Hệ ở Quebec, đăng thơ và những bài văn nho nhỏ. Thơ là niềm say mê từ khi tôi còn thiếu thời, đến theo tâm cảm, không cần bỏ nhiều thời gian “lao động”, nên khá hợp cảnh sinh viên phải vừa làm vừa học. Tôi làm thơ trước khi viết văn đơn giản vì như vậy.
Bây giờ, nói về nghiệp, và chắc hơi dài dòng, xin được thứ lỗi. Năm 1971, xong cấp Thạc sĩ, tôi quyết định học Tiến sĩ, và dẫu có học bổng, tôi không đi Mỹ mà ở lại Canada, qua Toronto lúc bấy giờ có một Đại học khá nổi tiếng về Kinh tế học. Thời đó, đám sinh viên Canada theo Mao-ít khá đông, hò reo “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, trong khi cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris đang tiến hành. Dĩ nhiên, tôi chỉ mong sao dứt cuộc chiến leo thang, tiếp tay xây dựng trong môi trường sinh viên Lực lượng thứ ba, lực lượng cùng với Mặt trận Giải phóng miền Nam là những tổ chức theo miền Bắc.
Tôi chọn làm luận án trong ngành Tài nguyên Môi trường, dùng Toán tối ưu nghiên cứu cách xử dụng tài nguyên hữu hiệu trong một nền kinh tế có (hoặc có thể có) kế hoạch, với mong ước về đóng góp một tay vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Hiệp định Paris ký kết năm 1973, và đến 75 thì đất nước thóat kiếp nạn chiến tranh. Quay về Montreal, tôi cộng tác với báo Đất Việt của Hội Việt Kiều Yêu Nước (sau đổi thành Hội Người Việt tại Canada). Năm 1976, đất nước “thu về một mối”, Việt Nam thống nhất. Tôi thấy thế là quá vội vã, lòng người trăm mối chứ đâu có thu về một mối nào đâu. Viết “…Đời hôm nay tự nhiên thành đường mật/ Chỉ chạm nhẹ vào thôi đã ngọt lịm môi hồng”, báo đòi kiểm duyệt và bắt sửa. Tôi chống kiểm duyệt, nhưng vô hiệu: có lẽ Sứ quán có ý kiến, và đó phải là ý “tập thể”!
Năm 1977, tôi về nước tham dự Hội Nghị Toán học lần 1 tại Hà Nội. Đi và thấy tình cảnh đất nước, tôi không cầm được lòng, làm bài thơ Về Nguồn và đăng trên báo của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Bốn năm sau, năm 1981, tôi xin về ở dài hạn và được Viện Tính Toán Điều Khiển do GS Phan Đình Diệu lãnh đạo đón tiếp. Ngoài chuyên môn, tôi được học giả Nguyễn Khắc Viện, một đàn anh kỳ cựu trong phong trào Việt Kiều khi ấy là Giám đốc NXB Ngoại Văn, hướng dẫn. Thời Đại Hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam năm đó, thế cuộc sôi nổi, tiếng đồn tướng Giáp sẽ thành Thủ tướng chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT). GS Diệu mạnh miệng cổ súy dân chủ, phát biểu ở MTTQ: “…đồng chí Lê Duẩn vĩ đại, nhưng sẽ vĩ đại hơn nữa nếu ông từ chức Tổng Bí thư Đảng…”.
Qua sự giới thiệu của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vời tôi đến, cuộc gặp dự kiến 1 giờ kéo dài ra 3 tiếng. Nghe tôi trình bày ý kiến “Về sự ổn định và phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Đồng dặn dò tôi viết ra để ông đưa lên HĐBT, và nhớ ghi âm cho ông vì nay mắt kém ông đọc rất khó. Bài viết xong vào trước Tết năm Nhâm Tuất 82, trong đó tôi đề xuất bỏ kế hoạch nền kinh tế theo tiêu chuẩn định lượng kiểu Liên Xô ở độ vĩ mô. Khu vực kinh tế nhà nước sẽ vào khoảng 60% nền kinh tế, trọng điểm là sản xuất và điều hành trong những khâu ngoại thương, quốc phòng, hạ tầng giao thông-viễn thông, quản lý khai thác tài nguyên-môi trường, và có nhiệm vụ tái phân phối lợi tức nhằm ổn định chênh lệch vùng miền, mức sống và nhu cầu dân sinh nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân, vào khoảng 40%, có khả năng cạnh tranh tự do với doanh nghiệp trong khu kinh tế nhà nước, nghĩa là không được ưu đãi với đặc quyền đặc lợi. Hệ tư tưởng này chính là thuyết Tân Cổ Điển đề xuất một hỗn hợp giữa kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư nhân hầu bảo đảm tính hữu hiệu. Tôi chỉ áp dụng nó trong hoàn cảnh nền kinh tế nước ta phải vực dậy mong thoát thời ăn độn bo bo, ngăn sông cấm chợ, năm nào cũng báo cáo kế hoạch vượt chỉ tiêu, nhưng dân chúng thì nhăm nhăm tìm cách vượt biên! Tôi nộp bài tham luận cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng để đưa lên HĐBT, đồng thời chuyển đến các ông Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt, thời đó còn là Bí thư TP Hồ Chí Minh. Ông Kiệt hỏi vì sao tôi không nhiệt tình với chính sách khoán sản phẩm thời đó. Tôi thưa vì khoán như ta làm chỉ giai đoạn, điều chính phải khắc phục là sự không có tính hữu hiệu kinh tế ở trung và dài hạn. Sau, tôi có dăm ba dịp trao đổi thêm, có lần đề nghị nên biến Phú Quốc thành một Singapore thứ hai như nơi thông hơi để kinh tế Việt Nam có oxygen thở. Đề nghị này tôi cũng đưa ra Bộ Ngoại giao, nhưng ông Võ Đông Giang, Trưởng Ban Đối ngoại của Đảng, khinh khỉnh: “Thế để các anh Việt Kiều Yêu Nước về điều hành nhé!”.
Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Duy thời đó mới vừa làm bài thơ Đánh thức tiềm lực, bảo tôi “Ông là con gà mắc tật trời chưa sáng đã gáy”. Tật thì nhỏ nhưng gây tai họa không vừa. Quay lại Canada, tôi bị khám xét chi li ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Không thấy gì phạm pháp, công an hỏi thẳng “Anh có giấu gì không?”. Tôi đáp có, và chỉ cái đầu, tiếp, tôi giấu trong này. Sau, người ta vu tôi chuyển tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm ra hải ngoại! Đúng là Hoàng Cầm có tặng tôi tập thơ, nhưng tôi không mang theo mà nhờ một người bạn trong nước giữ hộ.
Về Canada, đầu thập niên 80 tôi khá vất vả, một mặt là bù đầu chuyện nhà, mặt kia là công việc chuyên môn có lơi là. Cũng thời gian đó, trong nước tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6, ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư và tiến hành chính sách Đổi Mới. Hy vọng một tương lai sáng sủa, tôi tiếp tục theo rõi những thay đổi, viết trên báo Đất Việt những tham luận về kinh tế, và đặc biệt quan tâm đến chính sách Giá-Lương-Tiền. Thêm vào kế hoạch những chỉ tiêu định lượng trong sản xuất, nay nhà nước áp đặt thêm giá sản vật. Giá kinh tế là giá cân bằng lượng cung và lượng cầu. Vì thế, Lượng và Giá là hai mặt một đồng tiền có tương quan hữu cơ. Vừa định lượng lại vừa định giá qua kế hoạch tạo khả năng gây ra những trái khoáy và những chênh lệch mất cân bằng kinh tế. Xin nhập cảnh mãi rồi tôi cũng được về năm 1988, và công an Hà Nội cho tôi xem trên tờ đơn xin của tôi có ba chữ ký đồng ý chấp thuận của các ông Phạm Hùng, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt, ý cảnh cáo tôi “được chiếu cố”!
Hai năm sau đó, cùng một số trí thức và chuyên gia Việt Kiều, tôi nhận được giấy mời về cho xêmine ở Viện Vật Giá, một cơ quan tham mưu của HĐBT. Tháng 6 năm 2000, về đến Nội Bài tôi được hai sĩ quan cấp tá đợi sẵn, thông báo tôi không được nhập cảnh. Lý do? Họ bảo cấp trên quyết định như vậy. Cấp trên nào? Họ bảo cấp trên “cao” lắm. Tôi xuất trình giấy mời và chiếu khán nhập cảnh, họ liếc mắt lắc đầu. Họ giữ chiếc máy bay Air Thai chở tôi đến từ 11 giờ cho đến 16 giờ, buộc phải đưa tôi bay ngược về Bangkok. Chao ôi, nắng ơi là nắng, nóng ơi là nóng! Và buồn… Buồn ơi là buồn!
Năm 1990 là năm đầy hoảng loạn. Liên Xô sụp đổ. Khối Đông Âu tan rã. Trong nước, Nguyễn Văn Linh cởi trói cho văn nghệ sĩ chỉ ít lâu là lại trói lại. Trần Xuân Bách chỉ mới chạm vào hai chữ đa nguyên mà đã bị hạ bệ. Trần Độ, Nguyên Ngọc buộc phải bước lùi, và nền văn học Đổi Mới vừa lóe lên chẳng được bao lâu bắt đầu ná thở. Trong khi đó, chỉ đến nay ta mới biết là những người lãnh đạo đất nước sang Thành Đô đi đêm với ma quỉ.
Chút tai ương tôi gánh có là gì! Nhưng thôi rồi cái ước mơ mang chút kiến thức ra phục vụ đất nước tôi tan nát và đồng bào tôi đã cam chịu đói nghèo. Hoang mang, tôi tâm sự với Tạ Trọng Hiệp, chuyên gia Hán Nôm làm việc ở Paris, ông bạn vong niên nay đã quá cố. Hiệp bảo, thì viết đi, văn hóa là chiều sâu, và là chiều dài của dân tộc. Kinh tế chỉ nhất thời thôi. Và muốn viết cho cẩn trọng thì nên học Hán-Việt. Anh bày cách cho tôi tự học bằng dịch thơ Đường, và dặn đừng chuyển thơ dịch qua thể lục bát như nhiều người dịch trước đây. Anh khuyến khích khi trình độ khá lên thì dịch Bắc hành thi tập của cụ Nguyễn Du, chưa có bản dịch nào hay. Đến năm 1995, tôi dịch được 200 bài thơ Đường. Không mấy thích Bắc hành thi tập, tôi rà lại Chinh phụ ngâm, thấy nguyên bản của cụ Đặng Trần Côn theo lối cổ phong rất hào hùng bi tráng, không ủy mỵ ẻo lả như bản dịch Đoàn Thị Điểm/Phan Huy Chú. Thế là tôi dịch Chinh phụ ngâm theo nguyên thể, và bản dịch của tôi được in trong Tuyển tập Thơ của Quân Đội ở Hà Nội cách đây đâu khoảng 10 năm.
Năm 1996, tôi quyết định viết văn xuôi. Viết gì? Viết để làm gì? Viết thể loại nào? Tóm lại, tại sao lại viết!
PVT: Văn hoá, văn học dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong việc định hình tác giả Nam Dao?
ND: Ngôn ngữ là cả phần hồn lẫn phần xác một dân tộc. Không có tiếng Việt, tức không có văn Nam Dao, một người da vàng mũi tẹt, kinh qua một thời máu lửa kinh hoàng của giải đất hình chữ S đầy nhũng nhiễu tai ương này. Khi viết văn, Nam Dao phải còng lưng gánh nặng cả lịch sử lẫn văn hóa của đất nước mình. Nhưng mặt khác, Nam Dao cũng chỉ thể hiện được mình qua văn chương. Tồn tại nhờ thế, cái giá còng lưng gánh nặng không đắt. Vả lại, tồn tại là tất yếu, dẫu có muốn khác cũng chẳng thể khác được.
Đối tượng của văn chương là con người. Ở con người, có ba chiều kích. Đó là trí tuệ, tâm cảm và nhục cảm. Kinh tế học là một khoa học duy lý, xử dụng lô-gích hình thức, thiếu phần biện chứng cho phép đào bới chiều sâu của con người. Tuy quan trọng nhưng phần trí tuệ duy lý phải được bổ xung bằng thân xác và tâm linh thì con người mới ra con người, và chỉ thế văn chương mới làm tròn chức năng của mình.
PVT: Tôi cũng được biết ông đã dành nhiều tâm huyết và thời gian cho viết tiểu thuyết lịch sử (TTLS). Tôi muốn được anh trao đổi quan niệm của ông về tiểu thuyết lịch sử và lý do vì sao ông chọn nó cho hành trình văn học của mình?
ND: TTLS trong hành trình văn học của tôi là thế cách dấn thân của người muốn dùng ngòi bút góp phần xây đắp nền văn hóa và đất nước mình. Làm được đến đâu và làm được gì? Thôi thì tùy lượng của Trời của Người!
Xin phép bạn cho tôi tóm tắt công việc viết TTLS của tôi:
Đất Trời dựng lại thời Minh thuộc vào thế kỷ XV. Mọi nhân vật, có hay không có thật trong chính sử, đều là nhân vật tiểu thuyết. Phần I, ĐẤT CAO, trải theo chiều dài hai mươi năm xương máu của con dân Đại Việt giành lại độc lập. Phần II, TRỜI THẤP, là mười năm đầu của nhà Hậu Lê, kết thúc với Vụ Án Vườn Vải và cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi, một con người mang kích thước lớn nhất của thời đại bấy giờ. Ông là người kết hợp được cây bút và thanh gươm để chiến thắng đoàn quân viễn chinh nhà Minh. Sau giải phóng, nhà Hậu Lê phải dựa dẫm vào mô hình phong kiến Tống Nho, rập khuôn tổ chức chính trị và ý thức hệ Trung Hoa. Nhưng thế là thua trên bỉnh diện văn hóa. Vì nếu cuộc chiến giành độc lập chỉ tạo lại một guồng máy quan nha bản địa rập khuôn ngoại bang thì độc lập để làm gì? Ta thắng hay bại? Và tại sao? Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với chúng ta là sự sống còn của một nền văn hóa Việt. Nếu văn hóa tiêu vong, chúng ta sẽ là những đứa con rơi của tình cờ trong quá khứ. Và là những kẻ vất vưởng trên con đường vào tương lai.
Trong Gió Lửa, thời điểm là buổi Trịnh tàn – Lê mạt vào cuối thế kỷ 18, bối cảnh là cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn, và sự ra đời rồi tiêu vong của triều đại Tây Sơn ngắn ngủi. Những trang sử Việt Nam được tái dựng trong tiểu thuyết này là cuộc nội chiến ròng rã làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Yếu tố nào là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta? Nặn đất sét làm tượng Thành Hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta dựng lên? Tránh giậm chân đi giật lùi vào lịch sử máu lửa, giai tầng kẻ sĩ ngày trước, nay gọi là lớp trí thức đặc tuyển, là những kẻ buộc sẽ phải can trường đặt cả cái hệ hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn.
Bể Dâu, dựng trên bối cảnh lịch sử cận đại, gồm hai tập. Tập I chia làm hai phần: CHỚP BỂ, thời gian từ đầu những năm 30 cho đến đầu năm 47, từ Khởi Nghĩa Yên Bái cho đến Tuyên Ngôn Độc Lập và kết thúc với cuộc tái xâm lăng của thực dân Pháp vào cuối năm 1946. Phần 2, BA ĐÀO, thời gian từ năm 50 đến năm 63, miền Bắc can qua Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công-Thương Nghiệp, rồi Nhân Văn Giai Phẩm và quyết định giải phóng miền Nam qua con đường chiến tranh bạo lực. Tập II, cũng có hai phần: MÙA RỪNG ĐỘNG thuật lại một vài nét tứa máu của cuộc tương tàn cho đến khi Hiệp Định Paris ký kết, và BỜ DÂU, từ năm 75 cho đến năm 90, vẽ lại chuyện sống còn của những mảnh đời oan khiên còng lưng dưới gánh nặng lịch sử của một đất nước đầy chia cắt và thù hận. Truyện kể về những mảnh nhọn hoắt cứa vào biết bao nhiêu thân phận oằn gánh oan khiên sau những cuộc đổi dời như di cư, vượt biển… Anh em, mẹ con, vợ chồng, bạn bè thất lạc đến mức không nhận ra nhau. Nhưng rồi sức sống vẫn đưa những con người vượt qua mọi gian khổ, tìm đất lành đặt chân, không quên mình còn một gốc gác chung, và nếu hóa giải được chia cắt hận thù thì hẳn sẽ có một tương lai để cùng chia sẻ.
Quan niệm của tôi về TTLS có lẽ có dăm đặc thù cần nêu rõ. Chúng ta có lịch sử biên niên ghi chép những sự kiện và biến cố, nói chung viết theo quan điểm của thế quyền tìm cách mặc định chính danh trong một thời điểm nhất định. TTLS như tóm lược ở trên cho phép chúng ta thấy rõ lịch sử tôi tiểu thuyết hóa mang tính luận đề. Câu hỏi chính: liệu cái lịch sử đó có thể khác với lịch sử biên niên đã hình thành trong quá trình thời gian không? Như chủ thể, chúng ta phải chiếm hữu lịch sử với những câu hỏi phải đặt ra cho ngày hôm nay và cho cả mai hậu. Dẫu đau lòng, chúng ta vẫn phải đối mặt với những lần nhỡ tàu đi về hướng tương lai và tìm ra căn nguyên của hụt hẫng.
PVT: Sự thật lịch sử và hư cấu văn học, ông có tự xác định các giới hạn cho nó trong các sáng tác của mình? Giới hạn đó như thế nào? Tại sao vậy?
ND: Bạn nói “sự thật lịch sử”? Theo tôi, lịch sử kiểu chính thống không có bao nhiêu có thể gọi là sự thật mà chỉ thuần ghi chép những sự cố có tính tuyên xưng “phò” chính thống. Sách sử xưa có sử nhà Lê, rồi sử nhà Nguyễn. Sau, có sử Trần Trọng Kim, và bộ sử mới đây của Viện Sử học. Tra cứu cho biết, nhưng dùng như chứng cứ thì… hơi bị nhẹ ký đấy!
TTLS là hư cấu, và là hư cấu văn học trên cơ sở những sự cố lịch sử có cân nhắc chọn lọc. Những nhân vật lịch sử trở thành những nhân vật văn học. Khắc họa thế nào là chọn lựa của tác giả, và thiếu hình ảnh như tranh vẽ ngày xưa (ảnh ngày nay), nhân vật thường mang tính cách và dáng dấp phù hợp với sự chuyển tải có dụng ý của tác giả. Nhân đây tôi xin nói về nhân vật Nguyễn Lữ thời Tây Sơn. Sử nhà Nguyễn (Gia Long) chép Lữ nhu nhược, bất tài, chết vì bạo bệnh. Nhưng sách Tây Sơn ghi Lữ là kẻ sáng tạo ra những thế trận dụng quân liên hoàn, sử dụng voi trận… Không có tài liệu hình ảnh về trang phục thời đó. Nhân dịp hàng năm qua Paris thỉnh giảng Kinh tế, tôi thường đến Hội Truyền Giáo tìm tài liệu khi viết Gió Lửa. Và thật ngạc nhiên: tôi thấy trong ghi chép về Nguyễn Lữ của một nhà truyền giáo Đàng Trong, đánh giá rằng Lữ rất hiền triết khôn ngoan (sage), không thích dụng binh lực, tìm cách bình định miền Nam (Gia Định) bằng những giải pháp chính trị. Từ quan điểm đó, tôi xây dựng nhân vật Nguyễn Lữ: một chính khách chuộng hòa bình, tầm nhìn xa và sâu, không chết bệnh như sử ghi mà bỏ cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đi theo đám người miền núi (sơn nhân) chân chất, lìa xa bạo lực hận thù một cách có ý thức. Dĩ nhiên, nhân vật đó không là Lữ theo chính sử. Nói như vậy, tôi nhấn mạnh việc tôi là công việc văn học, không phải buộc chép sử chính thống thường theo chiều thế quyền, che ít nhất là một con mắt trong hai con ta phải có để nhìn cho ra sự việc.
Trong TTLS, tôi thường xây dựng những nhân vật hư cấu và tạo ra những tương tác với những nhân vật tên tuổi ghi trong sử sách. Những tương tác này khiến TTLS sống động và cho văn học phép đào bới phần người của những nhân cách “cứng ngắc” trong chính sử.
Với Đất Trời, những Xuyến, Đào nương, nhà Sư già… thổi sinh khí vào Nguyễn Trãi, Thị Lộ. Trong Gió Lửa, hai nhân vật chính Trọng Thức và Toàn Nhật là hư cấu, bỏ Đàng Ngoài vào phò Tây Sơn. Thức sang Paris, tham gia Cách Mạng Pháp, quay về với hành trang ý thức khác hẳn những giá trị phong kiến Nho giáo, mong muốn phổ biến Quốc ngữ. Và khi Nguyễn Huệ qua đời thì Thức phải bỏ trốn, tiếp tục để toàn tâm vào trước tác Tề Nhân Thế Luận, sách đề xuất một xã hội lý tưởng “ai cũng bằng ai”. Nhật là một võ tướng lừng danh, bỏ binh khí sau khi Nguyễn Lữ ra đi, xuống tóc xuất gia, kêu gọi từ bi hỉ xả theo Phật pháp. Nhật tìm lại được người anh kết nghĩa là Thức, thì Thức trao cho Nhật bản thảo Tề Nhân Thế Luận rồi tự thiêu. Mở ra, Tề Nhân Thế Luận chỉ loàn là giấy trắng… Nhắc lại, Nhật Bản cùng thời có Thiên Hoàng Minh Trị tìm cách du nhập khoa học Tây Phương để canh tân thì ở nước ta Nguyễn Ánh chỉ đi cầu binh viện nước ngoài để đánh Tây Sơn trong một cuộc nội chiến tương tàn, làm lỡ chuyến tàu đi vào thế giới hiện đại!
PVT: Còn với Bể Dâu?
ND: Bể Dâu lấy bối cảnh lịch sử cận đại nên sách vở tài liệu khá ngộp, và tài liệu thì phần lớn đều có định hướng “hắc-bạch”, rồi lại phải chọn trong những biến cố những cái chính, cái phụ theo cách thế chủ quan của người viết trong ý hướng đẻ ra tiểu thuyết. Trọng tâm của tiểu thuyết, theo cách tôi nghĩ, là con người trong những biến cố lịch sử. Vì vậy, chỉ đọc tài liệu lịch sử không đủ. Tôi bỏ khá nhiều thời gian đọc văn đủ mọi khuynh hướng, của cả hai miền Nam Bắc, chắt lọc lấy những thân phận, chưng cất thành những nhân vật sống của tiểu thuyết…
“Việc thật” còn nóng hổi, “người thật” có khi còn sống sót qua cuộc bể dâu, điều đó có ngăn bước trong chiều hướng muốn “tái chiếm hữu” lịch sử hay không? Sự tái chiếm hữu lịch sử đòi hỏi người viết đáp ứng với câu hỏi là anh làm thế cho ai, và câu thứ hai là với tâm thế và ý thức nào. Trong “Bể Dâu”, tầm nhìn là từ vị trí nạn nhân của sự xoay vần oái oăm và tàn bạo của lịch sử mà không cá nhân nào kiểm soát được. Điều này khác với “Đất trời” và “Gió lửa”, trong đó những tác nhân của lịch sử đóng những vai trò chính, và động cơ của lịch sử rõ nét hơn qua những vấn đề văn hoá và xã hội, cũng như vị trí địa-chính (trị) đặc thù của nước Việt Nam ta.
Với “Bể Dâu”, con người cam chịu trước lịch sử như một định mệnh oan nghiệt chung, và có vùng vẫy thì cũng chẳng thể cứu được chính mình trong cái bối cảnh một cuộc chiến tranh tàn khốc chẳng phải chỉ mình quyết định. Tôi viết, với tâm thế không đặt trọng được-thua, thắng-bại… nhưng quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi làm sao khôi phục được “con người” sau dâu biển, và cố gắng biểu đạt ý thức chuyện khôi phục này là vấn đề sinh tử khi chúng ta đối mặt với tương lai.
Còn “việc thật, người thật” thì sao? Việc thì chắc chắn phải nhìn một cách trung thực và với công tâm. Nhưng người, dẫu thật, trong tiểu thuyết đều thành những nhân vật hư cấu. Những nhân vật này không chỉ là một, mà là tổng hợp của nhiều người, sống và hành xử “cứ như thật” để tiểu thuyết có khả năng thuyết phục người bỏ công ra đọc nó. Việc thật người thật không hề là bước cản sau khi tôi quyết định viết “Bể Dâu”.
“Bể Dâu” gồm tập I và tập II như đã nói Ở tập I, nhân vật trung tâm Nguyễn Trường Võ/ Phan Thượng Chính sống qua những tang thương và hào hùng của thời chống Pháp, từ khi các liệt sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng bước lên đoạn đầu đài, qua nạn đói năm Ất Dậu, Cách mạng tháng Tám cho đến miền Bắc xây dựng thể chế Dân chủ Cộng hoà, và cuộc kháng chiến 10 năm chống Pháp từ sau thế chiến 2. Khi Mao chiến thắng Tưởng năm 1949, Trung Quốc thành hậu cứ của Việt Nam và Chiến dịch Biên Giới đánh dấu một thay đổi quân sự khó đảo ngược. Cùng với sự hỗ trợ từ phương Bắc, mô hình Mao-ít cắm gốc rễ: chỉnh quân chỉnh huấn trong guồng máy chính quyền cách mạng, rối sau là cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu đánh tan nát hệ thống làng xã cổ truyền. Sau chiến thắng Điện Biên, hòa bình được lập lại với cái giá chia cắt đất nước thành hai miền Nam, Bắc. Tệ nhất là định hướng chính trị của Bắc Kinh, miền Bắc tiến hành qua đợt trừng trị nhóm trí thức Nhân văn-Giai phẩm ở Hà Nội và việc đàn áp những người thuộc phái ôn hoà trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Phan Thượng Chính bị đày lên Cổng Trời trong khi vợ là Huyền, bị lừa đi Nam với một đứa con trai tên Nhân, đề đứa em song sinh tên Dân lại cho bà ngoại nuôi. Tưởng Chính chết, Huyền đi bước nữa, sau lại nhận được thư giả danh Chính, báo là vẫn còn sống và thúc giục Huyền làm nội gián cho lực lượng Giải Phóng Miền Nam.
Ở tập II, bối cảnh lịch sử dàn trải từ 1972 đến 1990 [2]. Ở hai chiến tuyến, Nhân và Dân may mắn không phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Nhưng ở phía thắng hay bại, họ cũng chỉ là những nạn nhân bị thế cuộc nghiền ra trong vòng xoay của đủ thứ quyền lực, đôi khi thật vô lý, thường thì vô cảm, bất nhân. Bạn đọc nhận xét: cả hai phía đều có người tốt kẻ xấu; những nhân vật nạn nhân bị chà đạp tìm cách đứng dậy, nhưng không bao giờ găm căm hận vào lòng, và tội nghiệp nhất là thân phận nữ qua những Thắm, Huyền, Dao Ánh… Có người cho rằng tôi không đề cao đầy đủ những con người tiếp tục giữ được nhân tính ngay cả khi phải lao vào cuộc chém giết tương tàn. Xin đáp: tôi nghĩ là có đấy chứ. Tình yêu luôn luôn hiện diện. Rồi tình đồng đội. Và lòng thương xót đồng loại trước chết chóc, huỷ diệt… Quan trọng hơn, có những người lính chiến đấu khi cần. Và khi không cần, rất nhiều người trong số họ đã hạ súng để tránh thiệt hại cho dân cũng như quân. Sau này, tôi ước ao ngày 30-04-1975 sẽ được tưởng nhớ đến như ngày xóa bỏ hận thù sau một trận chém giết vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nội chiến.
Sau giải phóng, Huyền biết Chính đã chết, mình bị lừa. Nàng đi tìm Dân, đứa con ở lại miến Bắc, đi bộ đội, bị tàn phế. Dân là phục viên, lấy vợ nhưng vì nhiễm chất độc da cam, con đẻ ra dị dạng, vợ mang con đi đâu không ai biết. Dân hóa điên, sống trong một nhà thương tâm thần, trong khi đó Nhân sau những năm cải tạo học tập, về và vượt biên. Huyền không đi, ở lại tìm Dân, làm thiện nguyện trong nhà thương tâm thần nhưng Dân không nhận ra mẹ, nhắc đi nhắc lại bà đã lên thiên đường rồi!
Thời hậu chiến chẳng mấy tốt đẹp: chuyện học tập cải tạo, đổi tiền, đánh tư sản… đưa đến thảm cảnh vượt biên khiến vết nứt rạn trong tâm thế người Việt Nam càng sâu mà cho đến nay những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải vẫn cứ như gió thoảng qua tai. Cứ thế này, nghi kị giữa người trong nước và hải ngoại không khéo sẽ trở thành một thứ thuộc tính khó thay đổi, và cái tiềm lực của “khúc ruột ngàn dặm” chỉ còn, như cho đến nay, thể hiện qua những đồng đô la tươi cóp nhặt gửi về giúp người thân (thế mà cũng đến gần chục tỉ) chứ không rộng khắp và hệ thống để xây dựng và phát triển đất nước một cách xứng đáng.
Chính quyền đối mặt với sự tan rã của khối xã hội chủ nghiã cuối năm 1990. Những chuyện lèo lái ở Việt Nam sau biến cố cực kỳ quan trọng này không nằm trong “Bể Dâu”. Thời đó, nhiều người mang hy vọng xã hội Việt Nam sẽ thực hiện tiêu chí in trên công văn, giấy tờ từ rất nhiều năm, là: Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Quốc gia thế là có độc lập chính trị rồi (dĩ nhiên ở cái thế tương quan với các nước khác trên thế giới). Còn tự do? Phải hiểu tự do là môi trường xã hội cho phép mọi cá nhân phát triển, và đó là điều kiện cần để mỗi người thực hiện hạnh phúc riêng tư trong một qui ước xã hội đồng thuận. Tự do đầu tiên là tự do tư duy, một yếu tính của con người (như cây sậy “biết nghĩ” theo cách nói của Blaise Pascal). Nó cũng như đôi cánh để chim bay, vì thế Dân đi mở tất cả những lồng chim trong sân một nhà thương tâm thần (tức cái xã hội không mấy bình thường muốn đưa tư duy vào những cái gông để kẹp lại), giải phóng để chim sổ lồng, bay lên, bay đi.
PVT: Trong hàng trăm nhân vật của “Bể Dâu”, người ta thấy có Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, bộ đội miền Bắc, lính tráng miền Nam, du kích, công an, nằm vùng, “ba mươi tháng tư”, sĩ quan Nhật, tướng lãnh Pháp, quân Tưởng, nhưng lại thiếu vắng hình bóng người Mỹ. Vì sao, thưa ông?
ND: Đây là một điều khiến tôi xé đi hơn trăm trang của tập bản thảo “Bể Dâu”, trong đó có những nhân vật người Mỹ. Một cậu non choẹt học Đại học Kentucky bị bắt lính, ngỡ ngàng khi hiểu ra mình chẳng sang Việt Nam để “bảo vệ” thế giới tự do mà là giết người, viết thư cho cậu em khiến cậu này phản chiến, biểu tình rồi bị bắn chết. Trung úy Caley, kẻ châm lửa đốt nhà ở Mỹ Lai, mang hoang tưởng trở thành Satan để, ở mặt phản diện, đứng ngang hàng Thượng Đế định đoạt sống chết… Viết xong, tôi mới tự hỏi viết thế để làm gì, và nhất là viết cho ai? Để kết tội Đế quốc xâm lăng, vạch mặt cuộc chiến tranh “lạnh” giữa những siêu cường hai phe, và… biết bao nhiêu điều người ta đã viết, kẻ đi biện minh, người thì bác bỏ tính chính nghĩa – chính danh, sự phi nhân, cuồng bạo… của cuộc chiến Việt Nam? Chuyện này, hàng trăm người đã làm! Tôi tự thấy mình quá ôm đồm với những nhân vật người Mỹ. Thậm chí, tôi có thể làm lạc mất cái hướng tôi muốn đi: cảnh báo sự nhẹ dạ, tính bốc đồng, và cách hành xử thuần bản năng “anh hùng” rất dễ bị kích động, để làm sao người Việt Nam chúng ta sau nội chiến bình tĩnh tìm lại được nhau, xóa bỏ hận thù để hòa hợp hòa giải cùng nhau tạo dựng một nền cộng hoà, nghĩa là một xã hội hài hoà đồng thuận trên nền tảng đạo lý giữa người với người, nhất là những con người sau một cơn dâu bể kinh hoàng. Đấy, lý do hình bóng người Mỹ không nhiều mà chỉ thấp thoáng trong “Bể Dâu” là thế!
PVT: Trở lại câu chuyện gần đây được giới nhà văn và xã hội ở trong nước quan tâm đó là hoà giải dân tộc về văn chương. Nền tảng của quá trình hoà giải, hoà hợp của văn chương, văn nhân là gì?
Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng, rất cần thiết nếu không sẽ quá muộn mặc dù bây giờ cũng là đã rất muộn. Để thực hành tốt công việc này, theo anh các bên cần nỗ lực như thế nào?
ND: Nền tảng hòa hợp hòa giải của văn chương Việt Nam sau dâu biển tang thương là gì? Thiển nghĩ, đó là một nền văn chương không quyền lực nào áp đặt, định hướng, hay chi phối bằng cách này hay cách khác. Văn chương là một sản phẩm xã hội, nhà văn trách nhiệm khâu cung, và độc giả tạo khâu cầu. Viết, anh viết vì người đọc, không có họ thì không có văn chương, và hẳn chẳng cần anh, có anh. Yếu tính của văn chương là tự do sáng tác. Mất tự do, văn chương trở thành cái loa của ý đồ chính trị, nhà văn hóa ra người nộm múa rối.
Khi anh nói hai bên, tôi hiểu là những nhà văn trong nước và ở hải ngoại. Để tiến tới hòa hợp, từ đó hòa giải từng bước, nhà văn hai bên phải chung tay góp sức đòi quyền tự do sáng tác và tự do phổ biến tác phẩm. Trong nước có in một số lưa thưa những tác phẩm hải ngoại, sau khi được duyệt và cho phép. Nhưng có trường hợp in rồi thì bị thu hồi, hoặc in nhưng phát hành nhỏ giọt cho có. Bỏ chuyện duyệt và phép, hẳn sẽ tạo ra một cộng lực cho nền văn chương Việt.
Hòa hợp hòa giải giữa những nhà văn trong ngoài không nhất thiết đến từ những Đại hội họp hành với những tham luận này nọ, lấy ngân sách (tức thuế của dân) để sau rồi đi đến đâu thì chẳng ai biết. Hẳn khi Hội Nhà văn Việt Nam gạch tên hoặc gây khó cho những nhà văn trong nước có cảm tình với dự định hình thành một văn đoàn độc lập tất không động viên được tinh thần hòa hợp hòa giải chúng ta vừa bàn.
PVT: Cuộc trao đổi chuyện trò đã khá dài, nay xin anh vài câu kết cho độc giả.
ND: Văn hay, người xưa bảo, hay thì như một tiếng chuông đánh lên, ai cũng nghe thấy, và tiếng chuông còn ngân nga sau khi đọc xong. Nhưng muốn xuất sắc, tiếng chuông đó đánh làng bên này, làng bên kia vẫn nghe được tiếng chuông ngân. Tôi xin thêm, tiếng chuông ngân nga ám ảnh, và nếu có một ai đó, chỉ một thôi cũng đủ, đọc xong tác phẩm rồi thấy mình không còn nhìn sự vật và cuộc đời như trước khi đọc thì đó mới là tuyệt tác. Tiếng chuông ngân đó là phần hồn người viết. Điều này, kỹ thuật hình thức không mang đến được. Nó tùy vào nội dung, và muốn hay không, nó là cái nhà văn có gì để chia sẻ với người đọc, biết mình viết để làm gì. Khi tiếng chuông ngân từ năm này qua năm khác, thời này qua thời khác, thì nó vươn lên tầm khái quát nhất. Đó là cái mẫu số chung của con người đạt đến qua sự cá biệt của nhà văn, từ thân phận, lịch sử đến văn hóa… Tôi đã viết trong lời tựa của hai tập truyện Trong buốt pha lê và Khoảng chơi vơi, rằng “Viết là cách làm người của nhà văn. Viết không đơn giản là chuyện văn hay chữ tốt. Văn chương khác với son phấn. Khác với ánh đèn sân khấu của những màn kịch tung hô. Cái còn, đo bằng độ lắng của văn chương ở chiều sâu tâm thức người đọc.”
…Đi tìm danh, lợi hay quyền uy có hàng trăm cách, nhưng lập thân tối kị thị văn chương, tìm qua văn chương rất hão huyền. Vì thế, nhà văn đi tìm cái phần hồn mình muốn gửi gắm, ngay bây giờ, đừng đợi mai sau, và viết như đi đến tận cùng cái thân phận mình, cần thì lấy nước mắt, thậm chí lấy máu làm mực. Cứ viết, rồi tâm nguyện như Đỗ Phủ: Văn chương thiên cổ sự. Thất đắc thốn tâm tri, nghĩa là văn chương từ muôn thuở, hay dở chỉ lòng mới biết mà thôi.
Thân xác sẽ thành cát bụi, biết đâu cái phần hồn đó của nhà văn lại không tồn tại ở cái khoảng thời gian ta không còn đó để thấy huyễn hão phù vân. Tôi sẽ bay qua thế giới này như một đám mây, và chỉ xin một hy vọng, là đừng che ánh nắng ban mai hay làm mưa nhỏ xuống cuộc đời. Chỉ thế thôi, cũng là đủ!
Quebec 12/07/2018