Ghi chú về một nền văn học tự do

Inrasara

 

1. Nền văn học tự do là một nền văn học ở đó người viết có toàn quyền sáng tạo. Hắn đi xuống tận cùng nỗi cô đơn của sáng tạo: tầng cô đơn thứ ba. Cô đơn trước, trong khi viết, cô đơn cả sau khi tác phẩm đã ra đời.

Ngồi vào bàn giấy, hắn không để bị tên tuổi lớn nào đó ngáng đường trong tâm thế nhún nhường đáng thương hại. Không có Nguyễn Du hay Tolstoi, không có Kafka, Char hay Dostoievski. Trước và sau hắn là khoảng trắng mênh mông đầy bất trắc. Mình hắn cô độc đối diện với vấn đề cùng sự mù mờ của tác phẩm sắp hình thành.

Trước trang giấy [hay màn hình] trắng, hắn càng cô đơn hơn bao giờ. Kẻ sáng tạo vật lộn với cả đống ngôn từ dậy lên trong hắn đòi quyền có mặt. Chỉ ý tưởng, ngôn từ và cách thể hiện, mà không là gì khác ở đó. Hắn không bị ám ảnh bởi giọng nói mơ hồ nào đó: từ truyền thống xa xăm hay từ thực tế cuộc sống lù lù. Dao kéo kiểm duyệt hay dư luận xã hội; đảng phái chính trị hay tông phái tôn giáo; bằng hữu, con cái, sinh viên, thậm chí nhà phê bình nghĩ gì – mặc!

Cuối rốt, hắn cần giữ sự cô đơn khi tác phẩm ra đời. Nó đã xong. Nó thuộc về xã hội, và không còn là của mình nữa. Nó được khen ngợi, tốt. Còn nếu nó bị tấn công, cứ bỏ mặc nó tự bảo vệ chính nó, hắn cần độc hành lên đường cho công cuộc khai phá mới.

Nhà văn hôm nay, ai đã đủ cô đơn cho sáng tạo?

2. Sáng tạo văn chương là sáng tạo cô độc. Dẫu sao chính các trào lưu làm nên sự sôi động của một giai đoạn văn học. Cô độc, kẻ sáng tạo có thể đóng cửa viết; còn với một trào lưu thì cần đến một nhóm người cùng quan điểm và đồng chí hướng. Nhóm người đó cần diễn đàn độc lập: tạp chí, báo, website… Qua đó, trào lưu văn học kia tự do đăng các sáng tác, nghiên cứu, phê bình, thảo luận và tranh luận [với các tác giả, trào lưu khác]…

Một nền văn học tự do cần chấp nhận cho mọi trào lưu và mọi hệ mĩ học ra đời và tồn tại. Chúng ra đời, phát triển và cạnh tranh nhau trong không khí văn học lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh, chúng thúc đẩy và hỗ trợ nhau đồng phát triển, chứ không phải hạ bệ hay triệt tiêu nhau để giành phần độc quyền. Với văn học, nghệ thuật không gì tai hại hơn là thái độ áp chế hay độc quyền diễn đàn. Độc quyền sanh ỉ lại, ù lì, và nhàm chán.

Đi theo một trào lưu, trường phái không phải bầy đàn hay phe phái, mà ngược lại, nó thể hiện tinh thần khai phá mang tính mĩ học của nhóm người viết trẻ. Trên nền tảng đó, mỗi người thể hiện phong cách độc đáo của riêng mình. Có người theo đuổi đến cùng, có kẻ bỏ nửa chừng để tự vạch một lối đi riêng – không vấn đề. Chủ nghĩa siêu thực chẳng hạn, theo tinh thần “Tuyên ngôn siêu thực”, những Breton, Éluard, Aragon, Char, Soupault… tạo lập phong cách riêng, và họ đã làm nên sự nghiệp lớn.

3. Thế nhưng, tự do sáng tạo để làm gì, nếu nền văn học đó không nhận được sự tự do in ấn, xuất bản? Tác giả có thể tự do muốn viết gì viết, cả tự do post lên mạng, in photocopy tặng văn thi hữu, ôm bản thảo chạy ra nước ngoài, hoặc giả cứ chạy giấy phép in để bị thu hồi, hay thậm chí – chịu tù tội. Hoặc, tác phẩm xong cứ cất trong ngăn kéo, sau đó kẻ sáng tạo tiếp tục dấn tới, chờ đợi thế hệ độc giả tương lai mơ hồ nào đó đón nhận.

Hỏi kẻ sáng tạo hôm nay, ai còn đủ tự tin và kiên nhẫn chờ đợi sự công nhận ở tương lai vời xa thăm thẳm đó? Và để làm gì, cái sự tự do chờ đợi đến kiếp sau kia?

Tác phẩm đương đại cần được in ra để độc giả [giấy, mạng] đương thời đọc, thảo luận, phê phán. Qua cuộc cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, trào lưu [hay tác phẩm, tác giả…] nào dở, kém và lạc hậu sẽ bị đảo thải. Tương tác giữa tác giả và người đọc [trên báo chí, diễn đàn] tạo không khí sôi động cho một nền văn học, làm cho văn học thực sự sống. Không khí tự do kích thích kẻ sáng tạo khám phá, tìm tòi hướng về cái mới, mở.

4. Hỏi đâu là độc giả của nền văn học đó? Nền văn học lớn hòi hỏi bộ phận độc giả xứng đáng. Ở đó sinh viên Đại học là độc giả tiềm năng. Thế nhưng, nền giáo dục [khoa văn] hôm nay chuẩn bị gì cho họ? – Không gì cả! Triết học, mĩ học và các trào lưu văn học mới nhất trên trên thế giới, chúng ta không.

Triết học sinh viên đang học trong nhà trường là nền triết học Theo-ism: nghĩ theo, rồi sau này sẽ nói theo. Trong khi bước đi đầu tiên của một chương trình triết học đúng nghĩa là dạy cho sinh viên tinh thần phản biện, ta thì – không! Không dám [không biết] phản biện thầy, nói chi phản biện xã hội.

Văn học, ta dạy gì? Không gì cả, ngoài các trào lưu đã lưu kho từ thế kỉ XIX: lãng mạn, hiện thực, tượng trưng, thỉnh thoảng có vài món siêu thực hay hiện thực huyền ảo, để làm dáng là chính. Nếu giáo sư nào chịu chơi, thì chêm vào vài món mới, để gọi là có hội nhập văn học thế giới. Vậy thôi.

Thiếu căn bản về các trào lưu lớn của nền văn học lớn trên thế giới, không rành các thao tác tiếp cận văn học mới, ra trường, các độc giả văn học tiềm năng này sẽ tiếp nhận sáng tác mới ra sao? Vẫn cứ thái độ bảo thủ, vẫn cứ lối đọc xưa cũ – mà phán. Loại độc giả cụ non này nguy cơ kéo văn học trì trệ còn hơn cả thái độ bảo thủ của thế hệ trước đó. Bởi nó dễ lập lờ đánh lận.

Văn học Việt Nam về đâu?

5. Một nền văn học không thể nào tự đầy đủ cho nó. Nó cần biết đến thế giới bên ngoài, giao lưu và tương tác. Trở ngại ngôn ngữ đòi hỏi đến dịch thuật. Thế kỉ XIX trở về trước, dịch thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi một đất nước, một vùng lãnh thổ. Không tiếp cận nền văn hóa khác [trong đó có văn học] thì không thể có cái mới. Đất nước mãi ở lại với cũ kĩ và lạc hậu.

Cả ở thời hậu hiện đại, dù ngoại ngữ đã thành quen thuộc trong vài bộ phận công chúng của nhiều đất nước, nhưng đại đa số vẫn không khả năng đọc nguyên tác, cho dù tiếng Anh phần nào đó trở thành ngôn ngữ quốc tế, và đại bộ phận tác phẩm, các công trình khoa học giá trị được diễn đạt qua ngôn ngữ này, công việc dịch thuật vẫn rất cần thiết. Cần thiết hơn bao giờ. Văn học cho dẫu không phải là bộ môn khoa học kĩ thuật, nó vẫn cần đến dịch thuật để độc giả bản địa có thể tiếp cận với các nền văn học tiên tiến khác. Không có dịch thuật, độc giả văn học mãi bám theo lối đọc cũ khi tiếp xúc với sáng tạo mới, qua đó động phản tinh thần cách tân và làm trì trệ nền văn học.

Dịch đa đề tài, đa hệ mĩ học, đa trào lưu, tác giả, tác phẩm để người đọc tùy gu mà chọn lựa. Với nghiên cứu cũng thế, nghiên cứu chủ đề lớn, đề tài quan trọng đã đành, ở các Đại học lớn trên thế giới, giáo sư còn khuyến khích sinh viên thám hiểm vào các đề tài xa lạ, ngoại vi, các đề tài tầm thường và vô vị tưởng không có gì đáng nghiên cứu. Nghiên cứu cả cái khác ta, cái chống ta, cái ta thù ghét.

6. Cuối cùng, một nền văn học lành mạnh không thể thiếu phê bình và tranh luận. Khi nhiều trào lưu mĩ học xuất hiện cùng lúc và cạnh tranh nhau, nỗ lực lôi cuốn bộ phận độc giả [cũ lẫn mới] về sáng tạo và lí thuyết của mình, thì không thể không xảy ra xung đột. Có xung đột mĩ học thì có tranh luận.

Không xung đột và tranh luận lớn, các cãi cọ qua lại chỉ như thứ gãi ngứa ngoài rìa mang tính cá nhân. Nền văn học trở nên đồng bộ và nhàm chán biết bao! Hãy thử tưởng tượng, nếu nền văn học Việt Nam đương đại không có làn gió mới từ ngoại biên thổi tới: không có văn chương mạng, không có hậu hiện đại và tân hình thức, không cả trào lưu văn chương nữ quyền… thì nó đìu hiu biết bao. Đó là văn học chính thống còn chưa chấp nhận chúng, nếu chấp nhận và chịu sự cạnh tranh và tranh luận sòng phẳng, văn học Việt Nam đương đại sẽ sôi động và lí thú hơn nhiều, chắc chắn thế!

Benjamin Franklin: “Thế giới có ba loại người: thứ nhất, loại người bất biến, họ không nhận, không muốn thu nhận, và họ không làm gì hết; loại thứ hai là người khả biến, họ thấy cần thay đổi, và họ chuẩn bị đón nhận nó; cuối cùng là loại người cải biến, họ là người tạo ra sự thay đổi. Nếu chúng ta có thể khuyến khích nhiều người thay đổi hơn, nó sẽ làm nên phong trào. Nếu phong trào đủ mạnh, trong ý nghĩa mạnh nhất của từ, đó sẽ là một cuộc cách mạng. Và là điều chúng ta cần (Ken Robinson, “How to escape education’s death valley”).

Comments are closed.