Gặp gỡ cuối tuần
Nhật Lệ thực hiện (LĐCT) – Số 40)
Không phải ngẫu nhiên mà “Giải thưởng Phan Châu Trinh” 2012 và giải “Sách hay” 2015 trao cho dịch giả Phạm Nguyên Trường. Những đóng góp của ông cho việc phổ biến kho tư tưởng thời đại là không hề nhỏ. Người ta còn nhìn thấy sự đóng góp của ông qua blog – “Một cửa sổ nhìn ra thế giới”. Ở đó, ông thu thập nhiều bài viết hay, đa dạng, có thể giúp người đọc “nhìn thế giới trong lòng bàn tay”.
Ông từng nhận định, cuốn “Chủ nghĩa tự do truyền thống” là một trong những tác phẩm hay nhất mà ông từng được đọc trong suốt cuộc đời đọc sách của mình” và “tất cả những người muốn thảo luận những vấn đề mà xã hội của chúng ta đang phải đối mặt hiện nay đều nên đọc cuốn sách này”. Vậy mà tính từ khi cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh – năm 1962 – đến nay, đã 53 năm, phải chăng, sự tiếp cận ở Việt Nam là quá chậm trễ?
– Đã có một thời chúng ta quan niệm cuộc đời chỉ có hai màu đen và trắng, còn chân lý thì chỉ có một, chỉ có một hệ tư tưởng đúng và vì vậy mà luận cứ bảo vệ cho hệ tư tưởng này, dù có đúng, cũng trở nên sáo mòn, thiếu sức sống. Nhưng khi mở cửa ra với thế giới thì mới thấy rằng, cuộc đời là muôn hình muôn vẻ, rất nhiều màu sắc, rất nhiều hệ tư tưởng và đấy là lý do đưa đến việc dịch tác phẩm này ra tiếng Việt.
Tôi nghĩ, chẳng bao giờ và chẳng có cái gì là quá muộn. Đôi tình nhân, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và sau đó không thể xa nhau, gặp nhau năm 17 – 18 tuổi không phải là quá sớm, mà 70 tuổi rồi mới gặp nhau cũng chưa phải là quá muộn. Gặp gỡ một tư tưởng lớn cũng như vậy. Vấn đề là, đấy có phải là chân lý phổ quát như bạn nói hay không và xã hội đối xử với nó như thế nào. Trân trọng hay hững hờ, quảng bá nó hay tìm cách ngăn chặn nó. Tôi nghĩ thái độ của ta đối với nó quan trọng hơn là thời điểm gặp gỡ.
– Cơ duyên và vì sao ông chọn dịch cuốn sách này?
– Ludwig von Mises (1881 – 1973) là nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XX, trụ cột của trường phái kinh tế học Áo, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho tự do, ông có rất nhiều học trò nổi tiếng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong đó nổi bật nhất có lẽ là Friedrich von Hayek (1899 – 1992), và ông cũng viết rất nhiều sách. Cuốn “Chủ nghĩa tự do truyền thống” nằm trong số những tác phẩm dành cho đại chúng, tương đối dễ đọc đối với các độc giả không phải là các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng chứa đựng hầu như toàn bộ tư tưởng của ông về tự do và những chính sách kinh tế của trường phái Áo. Tôi đã chọn dịch tác phẩm này là vì thế.
Khi nhận giải “Sách hay” 2015 với lời nhận xét trân trọng từ phía BTC, ông có cảm nhận ra sao về sự đón nhận của độc giả trí thức Việt Nam cũng như tầm tác động đến tư tưởng người đọc của cuốn sách?
– BTC giải “Sách hay” năm nay đã có những lời lẽ rất trân trọng khi vinh danh tác phẩm này, một số độc giả khi giao lưu với tôi cũng tỏ ra quan tâm và thích thú, nhưng, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, đã nhiều lần nói rằng, NXB bao giờ cũng in đúng theo số lượng đã đăng ký, nếu như thế thì cuốn sách này chỉ in có 2.000 bản. Thế mà đã 2 năm nay vẫn chưa bán hết. Từ đó, có thể nói rằng, tầng lớp trí thức tinh hoa của chúng ta còn quá mỏng, chưa tương xứng với số dân, với số lượng các nhà văn, nhà báo, nhà giáo… mà chúng ta đang có.
Tiêu chí để chọn sách dịch, đặc biệt là sách kinh tế, của ông là gì? Vì sao ông chọn dịch “ca khó” kinh tế pha triết học, luân lý học như “Khảo lược Adam Smith”, “Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại”, “ Thị trường và đạo đức”, bên cạnh “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660 – 1783”?
– Tôi dịch những tác phẩm này là vì nước ta đang mở cửa để bước vào nền kinh tế thị trường thực sự, nền kinh tế đó đòi hỏi phải có cơ sở như thế nào, thái độ của con người đối với nó và đối với nhau ra sao, cơ cấu nhà nước như thế nào… Theo tôi, những tác phẩm này chứa đựng những tư tưởng mà giới tinh hoa trí thức, tinh hoa chính trị của chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo.
Còn cuốn “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660 – 1783” tôi dịch là do nhận thức rằng, chúng ta có hơn 3.000km bờ biển, nhưng người Việt Nam dường như lại quay lưng với biển. Biết bao nhiêu nguồn lực của biển cả đã không được sử dụng, bị lãng phí trong một thời gian quá dài. Hiện nay, dân số nước ta đã quá đông, rừng đã bị khai thác cạn kiệt. Tôi coi tác phẩm này như một hồi chuông báo thức và một lời động viên để những người lãnh đạo cũng như nhân dân chú ý tới những nguồn lợi và thách thức của biển cả đối với nước ta.
-Phải chăng ông đang đi tìm những câu hỏi lớn của thời đại, và những cuốn sách đó đáp ứng sự truy cầu đó?
– Nước ta đang có sự chuyển mình, phải nói là vô cùng lớn, chẳng khác gì giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX. Theo tôi, hiện nay tất cả những người có lòng với đất nước, với nhân dân, đều trăn trở trước những câu hỏi như: Tại sao nền văn hóa của chúng ta lại xuống cấp đến như thế? Tại sao trong xã hội lại có nhiều bạo lực đến như vậy? Cơ chế xã hội nào sẽ đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho người dân? Là người dịch sách, tức là người mong muốn đóng góp phần nhỏ bé để mở một cửa sổ nhỏ để mọi người có thể nhìn ra thế giới, tôi dịch những tác phẩm đó, trước hết là để tìm câu trả lời cho chính mình, rồi sau đó là để chia sẻ với độc giả.
-Các tác phẩm dịch của ông đều chứa đựng tư tưởng lớn, chân lý “không độc quyền” của riêng ai. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất, ông chạm đến bản chất của chủ nghĩa tư bản, với mỗi bản dịch là một bức chân dung vẽ nên “cái gì thúc đẩy xã hội tiến tới thịnh vượng cũng như nguyên nhân làm cho xã hội không thể tiến bộ được”, như Gavin Kennedy đã viết. Ông nghĩ gì về điều này?
– Theo tôi, nền kinh tế thị trường tự do với sự hợp tác và cạnh tranh giữa người với người, nơi mọi người đều tìm cách thu lợi cho mình, chính là bàn tay vô hình thúc đẩy, đưa xã hội đến thịnh vượng và tiến bộ. Nhưng nhiều người thường nhấn mạnh mặt trái của kinh tế thị trường, thí dụ như khai thác cạn kiệt tài nguyên hay ô nhiễm môi trường; theo tôi, đấy không hẳn là mặt trái của thị trường mà là do quyền sở hữu chưa rõ ràng. Thị trường, theo tôi, không phải chỉ là mua bán; đấy chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Quan trọng nhất của thị trường là sở hữu, khi sở hữu không rõ ràng thì sẽ sinh ra nhiều chuyện và xã hội không thể phát triển được. Ví dụ như đất nông nghiệp, nếu người dân chỉ được thuê đất rừng 20 năm thì người ta chỉ trồng những loại cây có thu hoạch trong vòng 20 năm, người ta sẽ không trồng những loại gỗ tốt, phải 50 năm hay lâu hơn mới được thu hoạch. Hay một khu mỏ được giao cho xí nghiệp quốc doanh thì ông giám đốc sẽ tìm cách khai thác cạn kiệt ngay trong thời gian mình làm giám đốc…
Những lực lượng muốn độc quyền bao giờ cũng tìm cách chống đối thị trường, bởi vì thị trường là tự do, là thuận mua vừa bán, là trọng dụng nhân tài chứ không phải là con ông cháu cha. Nhưng bản chất của con người là muốn cải thiện điều kiện sống của chính mình, mà muốn thế thì phải có phân công lao động và trao đổi, mà đấy chính là thị trường. Cho nên dù thị trường có bị vùi dập đến mức nào thì nó cũng vẫn tìm cách vươn lên, như cỏ dại, không thể nào khuất phục được. Và những người có hiểu biết phải tìm cách ủng hộ nó, quảng bá nó và phải liên tục chiến đấu với những luận điệu nhằm chống lại thị trường. Không phải chỉ ở những nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mới cần làm như thế, ở Mỹ cũng có nhiều lực lượng chống đối thị trường và họ có rất nhiều quỹ ủng hộ thị trường tự do, nhiều giáo sư đại học, nhiều nhà báo thường xuyên viết sách, viết báo, nhằm quảng bá cho thị trường tự do và chế độ dân chủ.
-Cái khó nhất khi dịch sách triết, sách kinh tế là gì, theo ông?
– Theo tôi, dịch sách loại nào cũng khó cả, mỗi loại khó theo một cách. Tựu trung lại thì dịch đòi hỏi người ta phải biết bốn thứ: Ngôn ngữ nguồn, ngôn ngữ đích, kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành. Về ngôn ngữ nguồn thì phải nắm thật vững ngữ pháp, để không hiểu sai, như người ta thường nói là chữ tác đánh chữ tộ. Có vốn từ vựng phong phú trong ngôn ngữ đích là vô cùng quan trọng, có như thế bản dịch mới hay, mới uyển chuyển. Tôi dịch sách dành cho đại chúng, chứ không phải sách chuyên ngành dành cho các chuyên gia cho nên tôi cho rằng, nền tảng kiến thức chung, tức là kiến thức về mọi thứ trên đời, nếu có thể nói như thế, là điều kiện tiên quyết đối với người dịch sách loại này. Nói riêng về dịch sách kinh tế dùng cho đại chúng như những tác phẩm tôi đã dịch thì một ít kiến thức kinh tế là đủ, bởi vì hiện nay ta có thể tra trên Internet hoặc tham khảo bạn bè. Cuối cùng là phải làm việc liên tục và có lẽ cũng cần một chút năng khiếu.
-Vì sao ông quan tâm sâu sắc đến nước Nga, trí thức Nga?
– Tôi quan tâm đến nước Nga và trí thức Nga trước hết là do tôi đã học đại học ở Liên Xô. Liên Xô và nước Nga đã cho tôi kiến thức, tôi không chỉ biết tính cách, tâm hồn của người Nga qua sách vở mà còn cảm nhận được điều đó ngay trên da thịt của mình, tôi luôn nghĩ về nước Nga và người Nga với lòng biết ơn và đồng cảm sâu sắc. Nhưng trong thời gian học ở Liên Xô cũng là lúc tôi bắt đầu có những suy tư về thể chế xã hội chủ nghĩa. Tại sao người Việt Nam ở nước anh em mà đi đâu, thậm chí đi thăm thầy cô giáo, cũng phải đi hai ba người, trong khi những thanh niên nước khác tới Liên Xô hồi đó thì đi lại tự do? Tại sao những nhà bác học lớn khi trốn chạy chủ nghĩa phát xít không tới Liên Xô mà lại tới Mỹ?
Tôi quan tâm tới nước Nga và trí thức Nga còn bởi vì nước ta, có lẽ từ những năm 30 cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, đã coi nước Nga là ngọn cờ, ngọn lửa dẫn đường. Số phận của nước Nga và trí thức Nga cũng là tấm gương phản chiếu số phận của nước ta và trí thức nước ta.
-Cho dù là một kỹ sư, nhưng những gì ông dịch và tư duy cho thấy ông gần với nhà triết học, nhà… báo hơn.
– Xin bạn chớ quên rằng, tôi là kỹ sư vật lý, tức là tôi học khá nhiều vật lý, mà như bạn biết, vật lý khá gần với triết học, nhiều nhà vật lý học cũng là những nhà triết học.
-Từng nhận “Giải thưởng Phan Chu Trinh” 2012, và bây giờ là “Sách hay” 2015, ông nghĩ gì về việc vinh danh cũng như đưa những tác phẩm bất hủ của thế giới về Việt Nam?
– Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng cách trích dẫn M. Keynes (1883 – 1946), một nhà kinh tế học lớn người Anh: “Những tư tưởng của các nhà kinh tế học và triết học trong lĩnh vực chính trị, cả khi họ đúng lẫn khi họ sai, có sức mạnh lớn hơn là người ta thường nghĩ. Thực tế, chính họ là những người cai trị thế giới. Những kẻ điên rồ đang cầm quyền, tức là những kẻ nghe thấy tiếng nói trong không khí, thu lượm những ý nghĩ điên rồ của mình từ tác phẩm của những người cầm bút cẩu thả trong giới hàn lâm cách đó mấy năm. Tôi tin chắc rằng sức mạnh của các nhóm lợi ích đã bị phóng đại rất nhiều, nếu so sánh với sự gia tăng ảnh hưởng một cách từ từ của các ý tưởng. Vâng, nó không diễn ra ngay lập tức, mà phải sau một khoảng thời gian nhất định; vì trong lĩnh vực kinh tế và triết học chính trị không có nhiều người ngoài 25 hay 30 tuổi mà còn bị ảnh hưởng bởi những lý thuyết mới, vì vậy, những tư tưởng mà các công chức và các chính trị gia và thậm chí là những người cổ động áp dụng dường như không phải là những tư tưởng mới nhất. Nhưng, trước sau gì thì tư tưởng chứ không phải là các nhóm lợi ích mới trở thành nguy hiểm đối với cả điều thiện lẫn điều ác” (J. M. Keynes, The General Theory of Employment, Interest, and Money (London, 1936), pp. 383-84).
-Xin cảm ơn ông!
Phạm Nguyên Trường tên thật là Phạm Duy Hiển, sinh năm 1951 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp ĐH ở Liên Xô vào năm 1975. Từ 1975 đến 1985 ông nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, ông sống và làm việc ở Vũng Tàu.
Nguồn: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doch-gia-pham-nguyen-truong-tu-cua-so-nho-moi-nguoi-co-the-nhin-ra-the-gioi-383045.bld