HỘI THẢO 100 NĂM HỌC GIẢ – NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỔNG CHI (1915-2015) (8): 80 NĂM, TIẾNG KÊU, LỜI VỌNG, CHỮ KHẮC (Đọc Túp lều nát, phóng sự của Nguyễn Đổng Chi)

Nguyễn Thị Thanh Xuân(*)

Tôi gặp Túp lều nát[1],vào những ngày sắp hết hạn nộp bài cho Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh Giáo sư Nguyễn Đổng Chi và ngay tức thì, bị hút từ tên sách. Khởi đi từ một xúc động cá nhân, hoàn toàn cảm tính, nhưng tôi biết mình sẽ phải vượt qua trạng thái đó. Bởi tôi đang đối mặt với phóng sự, một thể loại của sự thực, trần trụi, gân guốc, và bởi tôi đang đi vào trang viết của Nguyễn Đổng Chi, một nhà văn làm khoa học. Cuộc gặp gỡ muộn màng này buộc tôi chỉ đủ thời gian chăm chú vào văn bản, và tôi thực hành Đọc Kỹ (Close-Reading), dõi theo mối quan hệ giữa thủ pháp và ý nghĩa. Túp lều nát được khởi thảo từ 1933 đến 1936, công bố năm 1937: thời gian ấy đến nay xê xích trong khoảng 80 năm. Phải mất 80 năm mới có cuộc gặp này, để tôi nhận ra từ đó một giá trị thăm thẳm xuyên qua Tiếng kêu, Lời gọi, Chữ khắc.

Tập phóng sự được xây dựng trên một cấu trúc khá hiện đại: Mở đầu là những yếu tố cận văn bản: Lời đề tặng, “Tựa” sách; sau cùng là phần kết thúc, tạm gọi là Vĩ thanh (Hai bức thư hay là gan ruột dân quê) và phần văn bản là 11 phóng sự rời nhưng liên kết nhau thành một chuỗi liên hoàn.

1. Hãy đọc những yếu tố cận văn bản

Lời đề tặng nằm đầu sách, trang trọng: “KÍNH DÂNG Cụ Lớn BÙI BẰNG ĐOÀN, người nắm cán cân công bằng của pháp luật, quyển sách thô bỉ này”, tưởng như là một trao gửi tự nhiên cho một người cầm cân nảy mực đáng tin cậy, kỳ thực cũng có thể là một thủ pháp nghệ thuật: từ đây nội dung quyển sách được hé lộ (vấn đề gắn liền với luật pháp), từ đây tâm thế nghệ thuật và bút pháp được báo trước (tự nhạo: “quyển sách thô bỉ này”).

“Tựa” sách do chính tác giả viết, tạo ấn tượng bằng nhiều thủ pháp và bằng nhiều giọng văn khác nhau. Trích lời Mạnh Tử (chữ Hán và chữ Việt), Nguyễn Đổng Chi đã dùng thủ pháp Liên văn bản. Và rồi đây sẽ thấy trong văn bản, Mạnh Tử không chỉ xuất hiện một lần. Tại sao? Hình như tác giả chia sẻ quan niệm “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử: quan niệm này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thiên sách, nếu không lần theo nó sẽ khó mà hiểu hết tư tưởng và giá trị của Túp lều nát. Đồng thời, về phía tác giả, chúng ta nhận ra rằng, phải là một người am thông Hán học, có tầm nhìn xã hội và có một trường liên tưởng rộng mới có được sự nối kết như vậy. Trong lời trích này, hai phạm trù quandân xuất hiện, sóng đôi, như là hai trung tâm phát ngôn, trong đó Mạnh Tử phủ định quan (bằng nhiều lần lặp lại “đừng nghe… đừng nghe”) và khẳng định dân: hãy nghe và tin tiếng kêu của dân trước hết.

Thế rồi tác giả-nhân vật tôi xuất hiện, bắt đầu cuộc trò chuyện với độc giả bằng một tư thế rất khiêm cung: “Tôi xin phép các độc giả kể ra một ít con số”; “Tôi xin đưa”; “Tôi cố cất công”; “tôi dò từ hàng, từ cột, từ bài” (tr.9)[2]…; “rồi tôi chia những con số ấy”…; “Tôi lại xin xếp lại con số một lần nữa”; “Tôi thấy” (tr.10); “độc giả có biết là những vụ gì không? Chắc các ngài không nghĩ ra” (tr.11)…

Tác giả đã để cho những con số biết nói lên tiếng: “182. Một trăm tám mươi hai trong hàng ngàn, hàng vạn việc dối quan, lừa dân, ăn dân, hiếp dân, và bức dân đến chết” (tr. 11). Những con số này lấy từ “tờ báo già ở Trung Kỳ là tờ Tiếng dân” “từ số 701-800, trong một năm 1933-1934” (tr. 9), gắn với dải đất miền Trung, nơi tác giả sinh ra, học tập và làm báo buổi đầu khởi nghiệp[3]. Như vậy, ngay từ đầu, tác giả đã xác định đối tượng điều tra của phóng sự là tệ nhũng lạm của bọn tổng lý hào cường và mục tiêu của phóng sự là không triệt hạ cá nhân mà chỉ “làm một ít nhân chứng để báo tin cho các bậc cầm quyền, các nhà chính trị, các ngài ủy viên dân biểu, vì các ngài là những kỹ sư, bác vật của quốc gia, rằng có một túp lều sắp đổ” (tr. 12). Từ hình tượng túp lều nát, nhiều lần tác giả đã dùng ẩn dụ: “này đây: những đường xà, cột trụ nhìn ngoài trông vẫn bóng loáng, đẹp đẽ đấy, nhưng ta thử ấn tay vào một tí có phải nó rúm rúm như cạp bánh tráng (đa) không?”; “vô vàn con mọt”; “trăm ngàn con mối”; “một vài con chuột”, “giống mèo nằm bếp nhác nhớn” (tr. 12); “cúi tai gài trốc để nghe những tiếng con mọt đục khoét như tiếng đưa võng trong túp lều nát của họ”. Và những lời đề nghị rõ ràng, rành mạch mà tha thiết, của dân: “Bọn dân thường năm vẫn nộp thuế cho các ngài sòng phẳng, đang muốn xin một sự thi ân”, “dựng lại làng mới” (tr. 13); của tác giả-nhân vật tôi: “tôi xin thử phác họa một kiểu mẫu”, tóm ý là: Chính phủ hãy cử tuyển người qua khảo thí, rồi trả lương, lập tờ hương ước cho làng, khuyên dân bớt hủ tục trong lễ lạt, phổ biến chữ quốc ngữ, giải quyết việc làm, chống nhũng lạm…

2. Bước vào nội thất của văn bản, ta bị cuốn theo một thế giới nghệ thuật mà ở đấy cái phi hư cấu hẳn là lấn át cái hư cấu, thế nhưng tính văn chương lại không hề nhạt, đặc biệt cái nhìn lạnh lùng pha chút giễu nhại trong quan sát và tự quan sát đã tăng cường thêm tính hiện đại đã có từ cấu trúc.

Những cái tên của các bài phóng sự đã cho thấy sự xen lẫn giữa cái hiển lộ và cái ẩn ngầm, giữa tính báo chí và tính văn học, giữa chất hiện thực và chất giễu nhại: Loài động vật ngắn cổ, Mùa gặt của Hương Lý, Mạnh Lệ Quân nước Nam, Mồ hôi và mồ hôi, Chế độ hào cường, Tổng lý – Một bức hàng rào giữa dân và Chính phủ, Phương pháp bảo cử mầu nhiệm, Tiếng dân kêu, Dĩ dật đãi lao, Những người thay mặt cho công chúng, Số tiền trời cho, Một thiên kết luận đẫm máu.

Loài động vật ngắn cổ là ai? (Lại một liên văn bản: “Thấp cổ bé họng”). Là hắn. Nhân vật hắn xuất hiện, đầu văn bản, đột ngột, lừng lững: “Rồi hắn vụt đứng dậy làm cho tôi giật mình. Cả các xác người vạm vỡ hằm hằm lên như một nhà võ sĩ gồng mình trước mặt quân thù nghịch” (tr. 17). Hắn, (rồi ta cũng biết là bác chắt Ch.) từ ngôn ngữ thân xác tràn đầy nỗi hận, đến lời chửi uất hờn và rồi tiếng khóc nức nở: tác giả đã miêu tả cực góc cạnh những chuyển động mạnh và các chi tiết gợi hình, gợi thanh trong hai trang giấy: “kéo khố lau nước mắt, “hỉ mũi vào tay”, “bệu rệu nói”, “phăn mãi”, “gói giấy buộc lạt”… Nhưng trước hết, sắc thái của từ “Rồi” mở đầu thiên phóng sự thật đặc biệt: là thủ pháp mở đầu mở (vốn không phổ biến như kết thúc mở), cho phép người đọc mở rộng không gian của trang viết về phía trước trong trường tưởng tượng của riêng mình… Và những từ “Chao ôi!”… Có thể nói đây là thiên phóng sự mở đầu đáng giá. Về bút pháp, nó không thể không làm ta nhớ đến Chí Phèo của Nam Cao, cách sau đó đến những 4 năm.

Túp lều nát đã sử dụng nhiều lần thủ pháp truyện trong truyện: truyện của tác giả-nhân vật “tôi”, truyện của nhân vật, truyện của người đọc bản thảo (bằng hai lá thư), tất cả lồng vào nhau để làm nên một tiếng vọng lớn: mục nát hết rồi, làng ơi, nước hỡi! Có thể nhiều người cho rằng, phóng sự thì làm sao mà có truyện trong truyện, và “cái tôi” tác giả trong phóng sự khác với nhân vật xưng tôi trong văn xuôi hư cấu: ông ta có quyền xuất hiện khắp nơi trong tác phẩm và dẫn dắt câu chuyện. Quả có thế thật, nhưng ở đây, Nguyễn Đổng Chi, dù đã công khai lộ diện nói rõ đường đi nước bước của mình trong lời Tựa (như đã nói ở trên), thì “cái tôi” trong các bài phóng sự vẫn là một hình tượng tách rời tác giả, nó đã trở thành nhân vật, khi tác giả tự miêu tả, tự giễu nhại, tự hạ thấp mình theo nguyên tắc của sự thật và tinh thần dân chủ.

Trước hết, tôi và câu chuyện của tôi:

Trong Loài động vật ngắn cổ, ta gặp một nhà báo khiêm nhường, an phận: “Vác ngòi bút và quyển sổ tay ra đi, tôi cũng tưởng để nhặt vài cái tin chó chết tản mát trong hương thôn cho xong phận sự của người trót ăn đồng lương trợ bút một tờ báo nọ. Nhưng lần đầu vừa bước chân đến đây tôi vô tình gặp bác chắt Ch. mà bác chắt Ch. cũng vô tình biếu tôi một bài nhập đề đáng giá cho cuộc phóng sự này”…; “Trí tôi tự nhiên nảy ra một kế: Tôi sẽ tìm ở trọ tại nhà một ông Lý, đội lốt một thầy giáo dạy tư. Rồi từ đó tôi sẽ cố lần mò tìm kiếm trong cái màn xanh xanh bí mật kia một ít cảnh tượng đáng than đáng khóc và cứ thế vẽ phác nó ra, sao nguyên nó lại cho xác thực để cung cho độc giả, may chi gợi được một vài giọt nước mắt đồng tình…” (tr. 23). Với Mùa gặt của Hương LýNhững người thay mặt cho công chúng ta thấy “tôi là một chứng nhân nhạy cảm phải chịu đựng những cảnh tượng kinh hoàng, những tấn tuồng thảm hại, và đau đớn với những số phận bi đát: “Tôi ngỡ ngàng”; “lạ lùng”; (tr. 28), “rởn người” (tr. 29), “tưởng chừng như đang ngồi ngay trong gian nhà của quân cướp”. “Than ôi! Nó là một sự mua bán”, “Nó lại là một việc tra khảo” (tr. 30); “Mỗi một lời nói là một dòng máu mắt, khiến cho bây giờ cầm bút chép lại câu chuyện này, lòng tôi vẫn còn hồi hộp và bàn tay không điều khiển nổi ngòi bút, vẫn còn run như cầy sấy. Thì ra ở đây, ở chính dưới ách bọn tổng lý, luật pháp là một võ sĩ què hết cả tay chân, mà công lý là một cố lão mù tịt” (tr. 100).

Mạnh Lệ Quân nước NamMồ hôi và mồ hôi, ta nghe giọng của một nhà báo đầy chất trào lộng: “Viết đến đây tôi phải giơ hai tay lên trời, lớn tiếng ca tụng cái con người đã phát minh ra nghề đi phỏng vấn và điều tra, cái nghề đã cung cho tôi nhiều chuyện kỳ khôi và lý thú” (tr. 33); “… giới thiệu tôi một cách rất “oai”: “Đây là thầy giáo kiêm trợ bút cừ cho mấy tờ “giuốc-nan” ngoài tỉnh Nghệ” (tr. 44).

Nơi Tiếng dân kêu, ta bắt gặp một nhà báo nhàn nhã, lãng mạn và khá ngây thơ, sẽ trở thành nạn nhân: “Tôi đứng sững trước nhà một ông chài” (để lắng nghe tiếng ru em trong trưa vắng và ra sức nằn nì ông cố già đọc cho nghe bài vè hát giặm); “Nhưng than ôi! Tôi bị bắt trong khi “đang nằm vắt chân chữ ngũ để hát đi hát lại bài hát giặm của ông chài” (tr. 82).

Trong Dĩ dật đãi lao, nhân vật “tôi” là một nhà báo dù đang ở trong tù, vẫn ma mãnh đóng kịch để moi chuyện người bạn cùng cảnh ngộ là một nông dân Quảng Nam chất phác.

Rồi cuối cùng trong Số tiền trời choMột thiên kết luận đẫm máu, “tôi đứng thấp hơn tất thảy nhân vật: Tôi nhẫn tâm, hoài nghi: “Tôi lên tiếng mừng anh bằng một câu lơ lửng: – Năm nay anh đĩ chán tiền tiêu Tết” (tr. 107); “Anh cười gượng hay cái cười của nhà triết học, tôi không hiểu được. Hoặc giả anh sợ người ta vay mượn nên thác kế đặt chuyện rồi đắc chí mà cười cũng không biết chừng” (tr. 108). “Tôi là một nhà báo tầm thường, vị kỷ: “Tôi đã phát bực!” “Giữa cái lúc đang ngầy miệng với bánh chưng thịt mỡ, đang sấp mặt vào mấy con bài thì lại phải mang áo đội mũ đi chuyến xe ra phủ Diễn để nhặt tin hai vụ án mạng…”; “Nhưng tôi không ngờ rằng tôi đã tìm được thiên kết luận thật tuyệt cho tập phóng sự này mà tôi đang cố công tìm mãi” (tr. 109).

Thứ hai là truyện của nhân vật

Điều ghi nhận đầu tiên là hầu hết các nhân vật và địa danh đều được viết tắt: Lý Tr. chắt Ch., Cửu T., Lý S., Lý L., Tri B., làng T.Đ., thôn M.V., làng ĐT,… Chi tiết này làm cho phóng sự toát lên tính xác thực, hay ít ra cũng là thủ pháp tạo nên tính thực cho câu chuyện. Có thể nói, mỗi thiên phóng sự đều có một nhân vật chính và tất cả các nhân vật ấy đều là nạn nhân hoặc là thủ phạm của nạn nhũng lạm tàn ác ở nông thôn, nhưng họ xuất hiện trong một tình huống của riêng mình, với những cách thức biểu hiện khác nhau.

Bác chắt Ch. bộc phát điều “oan khổ” từ lâu “đành phải nín câm” với nhà báo bằng những cử chỉ “dữ tợn lạ thường” và “câu nói gớm ghiếc có cái sức mạnh thấm thía đến xương tủy”, trước mảnh biên lai tạm – những nhập nhằng hàm hồ trong chữ nghĩa, những nhập nhằng trong quy định – là bằng chứng ăn cướp của cha con Lý Tr., thì được khắc họa bằng bút pháp hiện thực (Loài động vật ngắn cổ).

Trong Mùa gặt của Hương Lý, khối nhân vật “họ” xuất hiện, là bọn Hương Lý đối lập với khối nhân vật người nông dân (tr. 25). Đám nhân vật này được miêu tả bằng thủ pháp irony: Họ “ngồi yên một nơi, thỉnh thoảng phe phẩy chiếc quạt giấy, rít vài hơi thuốc lào, hoặc nốc vài chén rượu, hay có lúc cao hứng vén quần lên quá đùi gãi sồn sột, một dáng điệu khỏe khoắn tự nhiên”; “Họ không phải chạy ra ngoài đồng ruộng (…) Họ không phải dùng liềm, hái, đòn xóc (…) Thế nhưng, chao ôi! Họ cũng phải chịu biết bao nhiêu là vất vả…” (tr. 25); Lý S. “mục kỉnh, trên ngực lủng lẳng chiếc bài đồng chùi rửa sáng loáng, cùi tay chống vào một chiếc tráp chữ nhật sơn đen”, “oai nghiêm như một cụ đồ”. Các trò nói thách, ngã giá, quát nạt, tra khảo, ngọt nhạt, dỗ dành và đút lót khúm núm… diễn ra ở hiện trường nhà Lý S. (nơi nhà báo xin vào ở trọ) đầy kịch tính, như một tấn bi hài kịch dưới ngòi bút của Nguyễn Đổng Chi.

Mạnh Lệ Quân nước Nam, phóng sự duy nhất dành cho nhân vật chính là phụ nữ: bà Lý L. hóa trang thần tình nhiều lần để lãnh chẩn, cũng được kể bằng giọng hoạt kê, nhằm tạo không khí, nhằm khắc họa nhân vật, kết hợp với yếu tố liên văn bản (Mạnh Lệ Quân): “vị chúa biển ở vịnh Bắc Kỳ nhân buồn tình vì không có việc gì làm bèn hội họp các thần (…) kéo nhau cưỡi mây đi về miền Nghệ Tĩnh” (tr. 34).

Chùm truyện Mồ hôi và mồ hôi, Chế độ hào cường, Tổng lý, một bức hàng rào giữa dân và Chính phủ, Phương pháp bảo cử mầu nhiệm, gần như thiết kế trên cùng không gian và cùng loại nhân vật. Ở đó, tác giả – nhân vật “tôi” làm quen với những người dân địa phương và tạo một mối quan hệ rộng với các cựu quan chức để moi tin. Đó là nhân vật Tri B. (người trung gian), cụ Phó (làm Phó Tổng từ 1918 đến 1926), thầy Lý T., ông cựu Đ. (những người cung cấp tài liệu). Câu chuyện diễn ra trong cuộc đối thoại tay ba, ở đó, 2 người luân phiên nói và một người đưa đẩy, gợi ý (nhà báo). Từ những trải nghiệm cụ thể, trực tiếp và do đã rút chân ra khỏi guồng máy cai trị, các nhân vật đã đề cập hết sức thẳng thắn và chi tiết việc tranh nhau mua ngôi thứ trong làng (Không có ngôi thứ: bị nghe chửi, bị nếm roi vô cớ. Có: được trọng vọng, được xôi thịt. “Tiếng và miếng”. “Vãi giống để gặt về của nả”); các thủ thuật nhũng lạm của hào lý ở nông thôn Hà Tĩnh (dọa, giành, làm giả trát, lợi dụng chính sách, bán thuế non, lách luật, khai gian tuổi, vu trộm, vu làm Cộng sản, bảo kê bọn trộm, gian lận phiếu bầu…); nỗi khốn khổ vào mùa sưu thuế của nông dânsự kiệt quệ vì gánh trên vai các đóng góp cho các lễ hội làng: “Giữa mùa sưu thuế sự đánh đập người không có tội vạ chi hết” (tr. 48); Khi các ngài ngồi bình chân “gặt hái” thì dân đen chạy tiền cuống lên, bán rẻ mọi thứ; “Thật là kỷ lục của những sự rẻ” (tr. 42); “Hai cái cực mau và cực chậm ấy gặp nhau mới đẻ ra một cái cực rẻ” (Mồ hôi và mồ hôi – tr. 43). Những kết luận chắc nịch từ miệng cựu quan chức: “Đã làm một người tổng lý là nhất định phải ăn, chớ đừng nói ngay thật tử tế mà sai” (tr. 47): bởi vì hắn phải mua chức, phải lo lót bề trên, đãi cố lão hào mục, đãi cựu lý trưởng, tiền chè lá… “Ta nói cho trắng lẽ là ăn cướp chớ còn gì nữa” (tr. 45); “Ôi chà! Câu chuyện phù thu nhiều cái lắt tắt lỉ tỉ bây giờ mà nói ra cho xiết cũng phải một quyển sách thiệt dày(tr. 46-47); “Họ đã lập tâm bóc lột thì bất kể” (Mồ hôi và mồ hôi – tr. 54)…

Giữa những câu chuyện nhức nhối tưởng chừng bất tận trên, đã lọt vào một nốt lặng: Tiếng dân kêu. Nốt lặng, bởi tất cả đã dồn vào một áng văn chương: một bài vè không tên 24 khổ, 120 câu, mỗi câu 5 chữ, 2 câu cuối mỗi khổ lặp lại gần như điệp khúc, được rải ra trong buổi trưa hè qua giọng ru em non nớt của cô gái nhỏ: tiếng ru đã níu chân nhà báo trẻ, làm anh sững người. Và sau đó, anh nài nỉ để được nghe một “cố làng chài, quên mất mình đã già, nhúc nhích bộ râu, gân cổ (rướn cổ), hát lên một bài vè kiểu hát giặm, đặc một giọng thanh xuân hơ hớ”: “Ông ơi, ông hãy lặng / Để tôi nói vài câu/ Kẻo trong dạ âu sầu / Nghĩ việc đời mà ngán / Thấy người đời mà ngán./ Buổi dân tình khốn nạn / Chỉ trông đội ơn trên / Nhờ Chính phủ hai bên / Một vài phân khoan giảm / Năm bảy phần khoan giảm./ Trách những phường nhũng lạm / Bóc lột đủ trăm bề / Khắp làng nọ xã kia / Thấy những lời kêu trách /Nghe những lời kêu trách” (tr. 76-77)Nỗi oan khổ thấu trời đã đi vào lời ca, thấm vào ký ức nhân dân. Kết thúc bài phóng sự này là một sự kiện đột ngột: nhân vật xưng “tôi” bị bắt giam, do viên Lý S. (chủ nhà) vu cho làm cộng sản.

Hai truyện Dĩ dật đãi lao Những người thay mặt cho công chúng, dồn nén quá nhiều sự kiện mang kịch tính. Trong nhà giam, nhân vật tôi vẫn tác nghiệp. Người đối thoại ở đây là dân tứ chiếng, tứ phương: Tư S., người Quảng Ngãi, kẻ trộm cướp móc ngoặc với chính quyền; chú H. người Quảng Nam đi làm phu đồn điền bị Chánh Ph. thông đồng với Lý trưởng cướp vợ bằng cách vu oan Cộng sản. Rồi tấn bi hài kịch cực kỳ thảm hại, cực kỳ nhếch nhác của đám hào lý Việt, sau khi mang hoa đến chia tay viên trưởng đồn Pháp, đã “như một… bầy chó” tranh nhau các món đồ (lược gãy, vớ rách…) trưởng đồn vứt qua cửa sổ (tr. 95). Cuối cùng, trên đường được trả tự do, nhân vật “tôi” gặp đám người đi khiếu kiện ở quán ăn, với lá đơn 50 người điểm chỉ và người đàn bà góa, đi kêu oan vì chồng bị bức tử vừa mới chết.

Nhưng phóng sự nhiều nhân vật nhất, nhiều điểm nhìn, tạo nên một phức âm của bức tranh nhân thế, khởi đi từ tin tức trong làng, đó là Số tiền trời choMột thiên kết luận đẫm máu. Với Số tiền trời cho, tác giả mở đầu truyện bằng nhân vật “Chúng tôi” với nỗi lo về cái tin nóng hổi trong làng chưa kịp nguội “mụ Khuyển Triển trong khi bụng đói nuốt vội phải một cái càng con cua đồng sắp chết sóc (hóc)”, thì tiếp đó một cái tin khác “làm chúng tôi thất thần”: con anh đĩ Do đi ở tớ trên huyện lỵ bị hiếp dâm. Trái với tâm trạng “lo lắng” của đoạn trên, phóng sự phơi bày tiếp sau đó cả một quang cảnh xúi bẩy/bàn tán bàng quan, đầy tò mò pha chút đố kỵ, nhỏ nhen thường tình, của đám đông những người hàng xóm rảnh hơi; mười bốn mẩu đối thoại với những giọng khác nhau của những con người hầu hết không tên (lái buôn – người báo tin mánh lới bày mưu; đĩ Do thật thà như đếm; thiên hạ phì cười xúi bẩy; một người trong bọn; một người khác; một ông lão khoác áo tây cũ; một người khác; một người đàn ông có tuổi; một bà nhà giàu; một người; anh chàng đầu cạo trọc; mụ Khuyển Triển và tôi…); bên cạnh trò ăn bẩn vô nhân đạo của bọn quan nha và cái cười, tiếng cười lạ lùng của đĩ Do ba ngày sau, khi mang gánh phân đi tưới đồng, người tái mét.

Trong khi đó, Một thiên kết luận đẫm máu, mở đầu bằng câu chuyện của nhân vật xưng “tôi”, với một tâm trạng thoạt đầu là bực bõ vì phải đi lấy tin trong ngày Tết, chuyển sang sự tập trung nghe ngóng dư luận, quan sát tỉ mỉ hiện trường, tìm gặp đúng đối tượng để khai thác tin tức và cuối cùng là mừng thầm là mình đã gặp được một “thiên kết luận thật tuyệt cho tập phóng sự này mà tôi đang cố công tìm mãi”. Lồng trong đó là câu chuyện về vụ án mạng, qua cuộc đối thoại lao xao của người làng bên quán nước (một anh đầu tóc rẽ giữa, một chàng đầu tóc bờm xơm, một cụ già râu tóc, một chàng kia, một người đàn bà, một bà cụ già…), qua lời kể chi tiết của nhân vật người đầy tớ của ngôi nhà hiện trường. Trong khi giọng của nhân vật “tôi” tỏ ra hết sức bình thản vô tình (kiểu một nhà báo làm ra vẻ đã chai lỳ), thì giọng kể của những nhân vật người làng: hãi hùng, trách móc, hả hê, an phận…, giọng của nhân vật Chánh tổng hách dịch, hung hăng; giọng nhân vật Khương từ tốn, đanh thép; giọng của nhân vật người đầy tớ run rẩy, khiếp đảm…

Nhưng Túp lều nát không chỉ mạnh về đối thoại và lời kể. Không gian và tình huống trong tác phẩm tạo ấn tượng mạnh bằng những tình tiết và chi tiết đắt, qua đó làng quê Hà Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước hiện lên mồn một, sắc nét: hiện trường thu thuế (Mùa gặt của Hương Lý); cảnh lãnh chẩn (Mạnh Lệ Quân nước Nam); cảnh bầu cử (Phương pháp bảo cử mầu nhiệm); cảnh trộm trâu bò (Dĩ dật đãi lao)[4]; cảnh tống tiễn viên trưởng đồn người Pháp và ẩu đả giành nhau các món đồ thải loại vứt qua cửa sổ; cảnh đoàn người kéo nhau đi khiếu kiện (Những người thay mặt cho công chúng); cảnh đám đông bàn tán về những sự kiện chấn động trong làng (Số tiền trời cho Một thiên kết luận đẫm máu)… Các nhân vật trong Túp lều nát thường chỉ họp nhau quanh một tình huống, dù được phác vẽ vài nét hay được khắc họa kỹ hơn, vẫn không hề trùng lặp. Và hầu hết, nhân vật tổng lý hào cường, nhân vật nông dân, nhân vật xưng “tôi”, đều được miêu tả bằng bút pháp tỉnh táo như nhau, không ngoa ngôn, không cường điệu. Điều đáng chú ý hơn là Nguyễn Đổng Chi đã đưa vào trang viết những đoạn đối thoại mà ngôn ngữ nhân vật chi chít từ địa phương Hà Tĩnh và những tiếng lóng mang đặc trưng nghề nghiệp, bên cạnh các dữ liệu giấy tờ dùng ngôn từ Hán Việt, như là sản phẩm của một thời, đã là cái bẫy đối với người dân mù chữ.

3. Và màn vĩ thanh, là một lời kết cực kỳ độc đáo. Nhân vật người đọc xuất hiện, với lời bình phẩm về Túp lều nát: “Chuyện nào bạn cũng gói sự thực vào trong cái lốt tiểu thuyết. Xem T.L.N. nếu tôi không ở nhà quê thường thì sẽ ngờ là tiểu thuyết”, và trách yêu tác giả: “bạn ác quá mà cũng dại quá”, “thế mà bạn lại không thèm bước đến cái làng tôi ở một chút”. Lại thủ pháp thư lồng trong thư làm nên tiếng vọng (Thư của G., người bạn nông dân, được tác giả trao gửi Túp lều nát và thư của dân làng ông G. gửi cho nhà báo Ernerst Babut[5] ở Hà Nội, để cầu xin được bênh vực), màn vĩ thanh như để khẳng định thêm tính sự thực của phóng sự, để nói rằng phóng sự chỉ mới chạm đến một phần hiện thực, để góp cùng một tiếng dân kêu: “Sự ngu dốt của chúng tôi đã mở đường cho họ” – những người mà theo ông G là “Túng đến cả công lý nên phải viết thư chạy hoảng”.

Nguyễn Đổng Chi đã ký bút danh Nguyễn Trần Ai trên tác phẩm Túp lều nát, những bài phóng sự mà ông đã khởi thảo từ năm 18 tuổi và khi sách ra đời, 1937, ông mới tuổi 22. Tuổi đôi mươi mà đã cảm nhận gánh nặng của cõi đời bụi bặm? Thời thượng và làm dáng ư? Không, trang viết nhẹ mà rất nặng này, lặng lẽ mà dữ dội này sẽ nói với chúng ta về một trường hợp nhà văn trong nhiều nhà văn chín sớm của thuở ấy, sẽ nói với chúng ta về một trường hợp một tác phẩm trong không ít tác phẩm của Việt Nam, đã bị rơi vào vùng ngoại vi của đời sống văn học. Ra đời ở một nhà xuất bản địa phương: “Mộng Thương Thư trai, Trảo Nha – Hà Tĩnh”, Túp lều nát có thể đã ít được chú ý như lẽ ra phải có.

Túp lều nát in dấu hiện trạng một thời quá khứ nhưng hình như cũng gợi mở những vấn đề của xã hội chúng ta hôm nay. Và như vậy, trang viết của Nguyễn Đổng Chi chưa bao giờ cũ. Thể loại phóng sự gặp một trái tim trẻ trung đầy nhiệt huyết và một ngòi bút tài hoa, kết tủa thành một dung môi mang hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt, là Túp lều nát, mà ngày hôm nay khi tiếp xúc, chúng ta vẫn còn ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Những trang viết như những dòng chữ khắc, lấp lánh ánh sáng của trí tuệ, của cảm xúc, tự nhiên và hiện đại ấy cần được đưa vào sách giáo khoa để khơi dậy tinh thần công dân tích cực nơi những độc giả trẻ. Đọc Túp lều nát, độc giả của ngày hôm nay hẳn sẽ dễ thấu cảm hơn với cộng đồng, sẽ nhạy cảm hơn với những vấn đề xã hội mà chúng ta đang đối mặt, sẽ tinh tường hơn khi thưởng thức tác phẩm văn chương…

Ngày hôm nay, chúng ta lại thấy cần những trang phóng sự như những hòn-lửa-hồng-bọc-băng của Túp lều nát biết bao!

Sài Gòn, cuối tháng Giêng năm 2015

N.T.T.X.


(*) PGS TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM.

[1] Túp lều nát, Mộng Thương Thư trai xuất bản, Vinh, 1937, ký bút danh Nguyễn Trần Ai, nhưng từ đây, người viết xin phép được dùng tên Nguyễn Đổng Chi.

[2] Số trang ghi trên chúng tôi dựa vào bản in lần thừ hai của NXB Văn học, H, 1999. Các số trang trích dẫn ở sau đều theo sách này.

[3] Ông làm phóng viên cho Thanh-Nghệ-Tĩnh tuần báo, ở Vinh, 1935.

[4] Trong thiên phóng sự này, chủ thể phát ngôn là Tư S. người Quảng Ngãi, và chú H. người Quảng Nam, đều bị phát vãng về một đồn ở Hà Tĩnh mà tác giả có dịp gặp gỡ và gợi chuyện trong vai một người tù bị tình nghi cũng bị tạm giam vào đồn này, cho nên những câu chuyện họ kể chưa chắc đã xảy ra ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên thông qua ngòi bút Nguyễn Trần Ai, nằm trong mạch truyện nối kết của Túp lều nát, người đọc vẫn có thể tiếp nhận chúng như là câu chuyện trên đất Hà Tĩnh nối dài.

[5] Ernest Babut (1878 – 1962): là một nhà báo Pháp tiến bộ, Chủ nhiệm tờ Đại Việt tân báo và tạp chí song ngữ Revue Franco-Annamite, thường lên tiếng bênh vực người dân Việt.

 

Nguồn: Nguyễn Đổng Chi: học giả – nhà văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, nxb Trẻ, 2015.

Comments are closed.